THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


Ấn Độ xây dựng quốc phòng để răn đe thái độ “thù địch”



tải về 181.82 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích181.82 Kb.
#29999
1   2   3   4

Ấn Độ xây dựng quốc phòng để răn đe thái độ “thù địch”


Đài RFI (đêm 16/8) - Theo AFP, ngày 16/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này phải tăng cường năng lực quân sự để không có bất cứ quốc gia nào khác “dám nhìn bằng cặp mắt thù địch”. Ông Modi tuyên bố như trên tại Mumbai nhân buổi lễ hạ thủy chiến hạm lớn nhất do Ấn Độ tự đóng. Trước các sĩ quan hải quân và quan khách, Thủ tướng Ấn Độ phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là đạt đến một kỳ tích về năng lực quốc phòng, để không có quốc gia nào dám nhìn Ấn Độ bằng cặp mắt thù địch”. 

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đã tiến hành được phân nửa chương trình nâng cấp hệ thống quốc phòng, với chi phí 100 tỉ USD. Chính phủ mới của ông Modi đã tăng mức trần đầu tư nước ngoài vào kỹ nghệ quốc phòng Ấn để tăng tốc hiện đại hóa quân đội.  Ấn Độ đã phải trải qua 3 cuộc chiến tranh với kẻ thù có vũ khí nguyên tử là Pakistan, hai trong ba cuộc chiến trên diễn ra tại vùng đất tranh chấp Hy Mã Lạp Sơn ở Kashmir. Ấn Độ cũng tìm cách củng cố năng lực quốc phòng để đối phó với sự tăng cường vũ trang của Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn. Theo ông Modi, Ấn Độ phải chấm dứt tình trạng trông cậy quá nhiều vào việc nhập khẩu thiết bị quân sự, thay vào đó phải tập trung cho việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất trong nước. 

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Hoa Kỳ vừa vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí nhiều nhất cho New Delhi, tiếp theo là Pháp và Israel. Thủ tướng Ấn Độ, được cho là có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nói rằng “Chiến hạm này được đóng bởi các kỹ sư, kỹ thuật viên và chuyên gia quốc phòng Ấn Độ. Đây là ví dụ quan trọng nhất cho thấy chúng ta có thể làm được những gì ngay trong nước. Đó là mục tiêu của chính phủ nhằm đưa Ấn Độ ra khỏi tình trạng phải nhập từng thiết bị quân sự nhỏ, trở thành nước xuất khẩu vũ khí”. 

Ông Narendra Modi thuộc đảng cánh hữu Bharatiya Janata Party, lên nắm quyền từ tháng 5 sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Chiến hạm 6.800 tấn mang tên INS Kolkata được trang bị các hệ thống vũ khí, thiết bị cảm ứng và kỹ thuật thông tin tiên tiến nhất. Ấn Độ hy vọng với chiến hạm mới này sẽ mở rộng được năng lực của hải quân, đảm bảo các lợi ích chiến lược to lớn của mình trong vùng biển trải dài từ vùng vịnh cho đến eo biển Malacca.



TTXVN (New Delhi 17/8) - Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới kể từ năm 2010, trên cả Trung Quốc, Pakistan, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Theo số liệu hồi tháng 3 vừa qua của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kim ngạch nhập khẩu vũ khí 5 nước này chiếm tới 32% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2009-2013. Số lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2009- 2013 tăng tới 111% so với giai đoạn 2004-2008, theo đó, thị phần nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trên toàn cầu tăng từ 7-14%. Do ngoại tệ dành cho nhập khẩu thiết bị quốc phòng ngày càng tăng nên ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 26/5 vừa qua, Chính phủ mới của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã nỗ lực triển khai các kế hoạch tự sản xuất vũ khí trong nước, coi đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, phát biểu tại lễ bàn giao tàu khu trục INS Kolkata hiện đại nhất tự chế tạo trong nước cho lực lượng hải quân nước này ngày 16/8, Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tự lực sản xuất thiết bị quốc phòng. Ông Modi cho biết “Chúng ta đã mời các công ty trên toàn cầu tới thành lập cơ sở tại Ấn Độ, để chúng ta không phải nhập cả những thiết bị quốc phòng rất nhỏ. Sẽ đến ngày chúng ta có thể xuất khẩu những thiết bị quân sự giống như những thiết bị mà hiện chúng ta đang phải nhập. Điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế Ấn Độ”.

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng gần đây Chính phủ đã quyết định nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên 49% trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng từ mức trần 26% trước đây, nhằm tăng cường sản xuất trong nước và chấm dứt sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài, đồng thời hướng tới xuất khẩu thiết bị quốc phòng tới các nơi khác trên thế giới.

Cũng tại lễ bàn giao tàu INS Kolkata, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phát triển lực lượng hải quân với tự do thương mại hàng hải. Ông cho rằng trong thời gian tới, tàu INS Kolkata sẽ tạo niềm tin cho những ai tham gia hoạt động thương mại trên biển. Việc đưa tàu INS Kolkata vào phiên chế hoạt động của hải quân Ấn Độ là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng “dấu chân” của Ấn Độ tới các vùng biển khơi xa xôi. Khi được đưa vào vận hành đầy đủ sau các vụ thử nghiệm thêm nữa, tàu INS Kolkata sẽ chứng tỏ khả năng thiết bị quốc phòng do nước này tự sản xuất có thể tấn công các mục tiêu trên bộ từ biển bằng cách sử dụng tên lửa hành trình BrahMos do Nga và Ấn Độ phối hợp chế tạo. INS Kolkata cũng có thể tự vệ trước các cuộc không kích, bằng việc triển khai các tên lửa mặt biển đối không, được radar đa chức năng hướng dẫn và có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Tàu INS Kolkata cũng có khả năng chống lại các mối đe dọa như tàu ngầm, chủ yếu nhờ những ống phóng tự chế tạo trong nước có thể phóng ngư lôi chống những mối đe dọa ngầm dưới nước.

Các nhà phân tích cho biết, giống như các tàu lớp Delhi trước đây, INS Kolkata và các tàu khu trục tiếp theo, nếu được yêu cầu sẽ hoạt động như những tàu chỉ huy và kiểm soát độc lập. Tuy nhiên, tàu INS Kolkata phụ thuộc nặng vào các hệ thống máy tính phức tạp để quản lý không gian chiến trận, do đó dễ đứng trước nguy cơ bị tấn công mạng.
TRUNG QUỐC

Trung Quốc: Cách mạng Văn hóa, một chủ đề vẫn rất nhạy cảm


Đài RFI (đêm 16/8) - Ngày 8/8 vừa qua, lễ kỷ niệm các nạn nhân trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ở gần một viện bảo tàng tư nhân về chủ đề này, tại Sán Đầu (Shan Tou), thuộc tỉnh Quảng Đông, vào giờ phút chót đã bị hủy bỏ. Gần nửa thế kỷ đã qua, Cách mạng Văn hóa vẫn là một sự kiện nhạy cảm đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Viện bảo tàng được lập ra trên một ngọn đồi ở vùng ngoại ô thành phố Sán Đầu, là một trong những nơi hiếm hoi tại Trung Quốc, vạch trần những hành động tàn bạo khủng khiếp trong giai đoạn hỗn loạn 1966-1976, mà cho đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tìm mọi cách lảng tránh và im lặng. Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, khoảng 70 người dân Sán Đầu đã bị giết hại và được chôn gần nơi viện bảo tàng.

Trong ký ức tập thể Trung Quốc, các vết thương cách đây 40 năm vẫn chưa lành. Do bị chống đối trong bộ máy chóp bu, Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong) đã phát động một cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa vô sản”, để củng cố quyền lực cá nhân, và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như nội chiến, xâu xé nhau, người dân bị thúc ép tố cáo, vu cáo giả dối, các tội lỗi, sai lầm của người thân, hàng xóm.

Một bộ phận giới trẻ và cuồng tín, được tổ chức thành cái gọi là “Hồng Vệ binh”, được giao trách nhiệm tiến hành thanh lọc tư tưởng một cách đẫm máu, sau đó, chính lực lượng này lại bị quân đội Trung Quốc thẳng tay trấn áp.

Sau này, mặc dù thừa nhận Cách mạng Văn hóa là một sự thất bại nghiêm trọng và gây ra những tổn thất nặng nề, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tìm cách chạy tội cho Mao Trạch Đông và kết luận: Nhìn toàn cục, Mao Trạch Đông “đúng 70%, sai 30%”. Tài liệu chính thức đề cập đến thời kỳ này bị kiểm duyệt chặt chẽ.

Theo quan sát của AFP, viện bảo tàng trưng bày biên niên sử giai đoạn 1966-1976, và hàng trăm bức ảnh chụp Mao Trạch Đông và một số nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc, những vụ đấu tố tập thể, làm nhục, đánh đập và giết chóc.

Viện bảo tàng này do một cựu phó Thị trưởng thành phố Sán Đầu lập ra, và chính quyền đã không phản đối một cách quyết liệt. Năm nay 83 tuổi, cựu viên chức này suýt nữa bị hành quyết trong cuộc Cách mạng Văn hóa, người anh của ông, lúc đó là giáo viên, đã bị đánh chết. Trên các bức tường màu đen của bảo tàng, có ghi tên của hàng nghìn nạn nhân.

Hàng năm, kể từ 2006, vào ngày 8/8, ngày mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, hàng trăm người tụ tập gần viện bảo tàng Sán Đầu để tưởng nhớ các nạn nhân.

Năm ngoái, hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa xã, đã có bài viết về lễ tưởng niệm, trích dẫn cả phát biểu của người thành lập viện bảo tàng, muốn cầu nguyện cho anh linh những người quá cố. Thế nhưng, mùa Hè năm nay, lễ tưởng niệm đã bị hủy bỏ vào giờ chót do áp lực của chính quyền địa phương. Thậm chí, người sáng lập ra viện bảo tàng còn từ chối trả lời phỏng vấn của AFP.

Điều chưa từng thấy là từ năm ngoái, truyền thông chính thức Trung Quốc đã đăng những lời ăn năn hối lỗi của các cựu Hồng Vệ binh, trong số này, có con gái một vị tướng, tên là Tống Bân Bân (Song Bin Bin); nhân vật này đã tham gia việc giết hại một giáo sư. Hay là lời sám hối của Trương Hồng Binh (Zhang Hong Bin), người đã tố cáo cả mẹ mình và bà đã bị hành quyết.

Thế nhưng, việc công bố này được kiểm duyệt chặt chẽ: Các lời chứng, sám hối chỉ liên quan đến những sai lầm cá nhân, tuyệt đối không nhắc đến bối cảnh chính trị thời đó.

Theo giáo sư Barry Sautman, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, thì giới lãnh đạo hiện nay không chấp nhận cho thảo luận về trách nhiệm của những người cộng sản trong thời kỳ đó, làm mọi cách “để bảo vệ quyền lực của họ” và tính chính đáng của Đảng.



Hong Kong: Phe thân Bắc Kinh biểu tình chống phong trào dân chủ


Đài RFI (đêm 17/8) - Hàng chục nghìn người Hong Kong theo phe Bắc Kinh xuống đường ủng hộ chính quyền chống phong trào dân chủ. Để gây áp lực đòi bầu cử ứng cử tự do, phong trào bất phục tùng dân sự Occupy Central đe dọa chiếm đóng và làm tê liệt trung tâm tài chính, thương mại. Trung Quốc phản ứng qua trung gian của các nhóm lợi ích địa phương.

Để đối phó với phong trào dân chủ càng ngày càng mạnh tại Hong Kong, phe thân Bắc Kinh thành lập tổ chức mang tên “Liên minh hòa bình và dân chủ”. Theo lời kêu gọi của tổ chức này, ngày 17/8, hàng chục nghìn người đã xuống đường để chống lại nguy cơ được họ gọi là “bạo loạn”. Theo mô tả của hãng Reuters, dẫn đầu đoàn biểu tình là cuộc chạy của khoảng 1.500 người, theo sau là các nhóm người lớn tuổi.

Các nhà dân chủ tại Hong Kong cho biết một số công ty làm ăn với Trung Quốc đã gây sức ép, buộc nhân viên tham gia biểu tình chống phe dân chủ.

Phong trào dân chủ Occupy Central đe dọa sẽ chiếm giữ trung tâm tài chính Hong Kong, nếu chính quyền Trung Quốc tiếp tục can thiệp mỗi ngày một thô bạo hơn vào sinh hoạt chính trị của Hong Kong, không thực thi lời cam kết cho người dân tại lãnh địa này bầu người lãnh đạo theo lối phổ thông đầu phiếu năm 2017.

Tuy chấp nhận nguyên tắc phổ thông đầu phiếu tại Hong Kong, nhưng Bắc Kinh đặt điều kiện là các ứng cử viên tranh ghế lãnh đạo phải được sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc.

Ngày 1/7, nhân ngày biểu tình vì dân chủ hàng năm, phong trào dân chủ đã huy động khoảng 500.000 người biểu tình chống Trung Quốc can thiệp. Một cuộc trưng cầu ý kiến đã nhận được sự ủng hộ của 800.000 người đòi ứng cử - bầu cử tự do.

Theo AFP, 17 năm sau khi được Anh trao trả lại Bắc Kinh dưới quy chế bán tự trị vào năm 1997, Hong Kong có vẻ bị phân cực giữa hai phe: Phe bảo thủ theo Bắc Kinh và phe cải cách theo lối phương Tây. Phát ngôn viên của tổ chức thân Bắc Kinh cho là họ thu nhận được 1,5 triệu chữ ký của “đa số thầm lặng”, chống lại đường lối đấu tranh gây áp lực của phe dân chủ Occupy Central.
Trung Quốc đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan ở Trung Đông

TTXVN (London 18/8) - Theo bình luận của Thời báo Tài chính (Anh), một trong những điều trớ trêu trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay là Trung Quốc - nước mà giới phân tích cho rằng có nguy cơ thiệt hại nhiều nhất - lại đang đứng ngoài cuộc. Trong khi Mỹ và một số cường quốc châu Âu đang phải đau đầu tính toán xem có nên can thiệp và can thiệp bằng cách nào vào cuộc xung đột ở Iraq thì Trung Quốc lại vắng mặt, mặc dù Bắc Kinh cần tới một lượng dầu mỏ lớn từ quốc gia Trung Đông này.

Lượng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc hiện lên tới 8 triệu thùng/ngày và con số này ngày càng tăng lên. Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc có thể vượt 11 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Ước tính này dựa trên dự báo khiêm tốn về nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những giả định rộng rãi về hiệu quả sử dụng năng lượng và việc thay thế dầu mỏ bằng các loại năng lượng khác có thể ở một số ngành kinh tế của nước này. Con số ước tính có thể sẽ cao hơn nếu như Trung Quốc không thể tăng sản lượng dầu mỏ khai thác của nước này. Nước duy nhất trên thế giới có thể cung cấp lượng dầu mỏ tăng cao như vậy cho Trung Quốc là Iraq. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại đầu tư khá nhiều vốn vào việc thăm dò và khai thác các mỏ dầu như Rumaila và West Qurna bên ngoài thành phố Basra ở miền Nam Iraq. Theo số liệu của Chính phủ Iraq, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực dầu mỏ ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi lượng dầu mỏ tiêu thụ và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đều giảm thì an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề lớn đối với Trung Quốc.

Hiện nguồn cung dầu mỏ vẫn chưa bị thiếu và đó là lí do tại sao giá dầu mỏ liên tục giảm từ tháng trước xuống còn 103 USD/thùng. Nhiều công ty dự báo giá dầu sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong vài tuần tới. Giá cả dao động mạnh khiến nhiều công ty lưỡng lự trong việc tung ra các khoản đầu tư mới. Phần lớn các công ty dầu mỏ lớn và các nhà đầu tư độc lập đều cắt giảm vốn trong năm nay, nhất là ở Trung Đông và Bắc Phi - nơi đang diễn ra các cuộc xung đột kéo dài. Nhiều lãnh đạo các công ty dầu mỏ có thể không giải thích được sự khác biệt về tôn giáo giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite nhưng họ đều nhận thức được các rủi ro an ninh sau khi các sự kiện như vụ tấn công và bắt cóc con tin ở nhà máy lọc dầu In Amenas ở Algeria. Họ cũng biết rằng các cơ sở dầu mỏ và công nhân dễ dàng trở thành mục tiêu trong các cuộc xung đột.

Vấn đề đối với Trung Quốc là chỉ còn 15 năm nữa sẽ đến mốc 2030 và trong khoảng thời gian này các dự án cần phải được vạch ra và lên kế hoạch thực hiện. Nếu như các dự án quy mô lớn ở Iraq bị dừng lại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những lựa chọn hết sức khó khăn. Lựa chọn thứ nhất là giảm nhu cầu dầu mỏ bằng cách kiểm soát chặt chẽ số lượng và việc sử dụng phương tiện đi lại ở nước này. Trung Quốc là một trong số ít những nước trên thế giới có thể áp dụng hiệu quả những hạn chế như thế này. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến Bắc Kinh phá vỡ thế cân bằng giữa tự do kinh tế cá nhân và mức sống ngày càng cải thiện - yếu tố đã giúp Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng liên tục trong suốt 30 năm qua mà không có thách thức chính trị đáng kể nào. Việc quay trở lại với chế độ phân phối có thể rất nguy hiểm.

Lựa chọn thứ hai là phụ thuộc vào thị trường quốc tế mở để tìm các nguồn cung dầu mỏ. Trung Quốc có đủ khả năng để chi trả, nhưng đến giữa thập kỷ 2020, các nguồn cung có thể bị hạn chế. Nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khi đó sẽ phải đối mặt với những hạn chế về khả năng xuất khẩu dầu. Nhiều nước có khả năng cung cấp nhiều hơn lại nằm trong vòng cung bất ổn, kéo dài từ Tripoli cho tới Tehran. Venezuela là một lựa chọn khác và Trung Quốc đã xây dựng được mối quan hệ khá chặt chẽ với quốc gia Nam Mỹ này, nhưng ngành dầu mỏ của Venezuela vẫn còn chậm phát triển do những chính sách áp dụng từ thời Tổng thống Hugo Chavez. Không có nước nào trong số này được xem là nguồn cung cấp dầu đảm bảo cho Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc muốn phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Nga càng khó xảy ra hơn. Trong khi đó, sự phụ thuộc lớn hơn về khí đốt là có thể, làm gia tăng các lựa chọn cho Trung Quốc, trong đó có việc nhập khẩu từ các nước Trung Á. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi Trung Quốc phải xây dựng các đường ống dẫn khí ngay từ bây giờ và sử dụng các phương tiện đi lại chạy bằng khí đốt. Trung Quốc đang thử nghiệm các công nghệ để sản xuất phương tiện đi lại, trong đó có xe hơi chạy điện, nhưng số lượng còn rất hạn chế.

Lựa chọn thứ ba có thể dễ chấp nhận hơn, đó là Trung Quốc phải tham gia trực tiếp vào các hoạt động bình ổn tình hình ở những nước mà Trung Quốc có quan hệ buôn bán, đặc biệt là nguyên liệu thô. Nếu như Mỹ tiếp tục phản đối ý tưởng đưa quân trở lại Trung Đông thì Trung Quốc có thể tự xem đây là cơ hội để trở thành nước bảo đảm cho sự ổn định của những chế độ có tầm quan trọng đối với Bắc Kinh. Tuần trước, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài báo, trong đó cho rằng nước này là một phần của cộng đồng quốc tế và có trách nhiệm đối với sự ổn định của quốc tế. Đối với Trung Quốc, "hậu quả" của việc trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ mới bắt đầu xuất hiện./.






Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 181.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương