Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang21/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

NỢ VÀ TỘI

Bí tích hoà giải : Người thì bảo, nó đẩy con người vào một hoàn cảnh không thể giải quyết và thật ra chỉ làm cho con người sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Kẻ lại quả quyết rằng, nếu không có nó, thì lúc này phải tạo ra nó.

Xưng tội, trong quá trình lịch sử của nó, hẳn đã trải qua nhiều biến đổi hình thức bên ngoài hơn tất cả mọi bí tích khác. Chính bởi vì mang tính cách quá cá nhân, nên nó phải mang hình thái biểu hiện tùy vào cá tính thay đổi của mỗi người và vào truyền thống cởi mở hay khép kín của mỗi nền văn hoá. Sau công đồng Vatican II, người ta đã thử tạo ra nhiều cách để có thể giúp cho việc xưng tội cá nhân, trong số đó có lối xét mình tập thể, mà theo tôi quả rất hay.

Cách thứ hai là xưng tội bằng đối thoại, chứ không phải ngồi toà như xưa nay. Lối này cũng giúp cho người ta thắng vượt được ngại ngùng trong việc thú tội. Nhưng lối này có thể khiến việc xưng tội thành ra những cuộc chuyện trò không đâu, hoặc thành ra chơi trò tâm lí, vì thế mất đi chiều sâu của nó. Người ta cũng rất thích lối xưng tội tập thể. Nhưng đây không thể là cách đúng đắn được, vì bản chất của xưng tội là một hành vi cá nhân ; lối này chỉ phù hợp và có thể làm trong hoàn cảnh thật đặc biệt mà thôi.

Một câu của Hồng Y Ratzinger : “Không có khả năng nhận lỗi là hình thức nguy hiểm nhất của sự thui chột tận cùng của tinh thần, bởi vì chính nó làm mất khả năng tự cải tiến nơi con người “.

Người ta vẫn nói điều này: Ki-tô giáo đẩy con người vào mặc cảm tội lỗi để chèn ép họ. Dĩ nhiên cũng có thể có những lạm dụng kiểu đó. Nhưng xoá đi khả năng nhìn nhận tội lỗi nơi con người lại càng nguy hơn, bởi vì như thế tâm họ sẽ trở nên chai đá và bệnh hoạn. Ta hãy nghĩ thêm một bước nữa về hệ quả cao hơn của việc mất khả năng xét mình. Đó là điều Quốc-xã Đức trước đây đã làm. Người đã phát*ta đã tin rằng vừa cùng một lúc giết người mà vẫn đạo đức, như Himmler biểu, như thế là lương tâm con người đã bị dày nát và con người đã bị biến thể. Khả năng xét mình sẽ trở nên dễ chấp nhận và triển nở, nếu như tội được tha. Mà tha tội lại nhất thiết đòi hỏi phải có lời xá giải. Khoa tâm lí chữa trị có thể giúp nhiều cho việc nhận ra những trục trặc trong cấu trúc tâm trí và chữa lành chúng, nhưng nó không thể thắng vượt được tội lỗi. Khoa tâm trị bị giới hạn ở chỗ đó, vì thế nó cũng rất thường thất bại. Chỉ có bí tích, sự uỷ quyền của Chúa, mới có thể thật sự vượt thắng được tội lỗi.

Tuy nhiên ta phải thú nhận rằng, trong thời buổi cá nhân chủ nghĩa này, con người vô cùng khó mà vượt qua được những cản trở tâm lí trong việc xét mình. Nhưng ở đâu có tinh thần đức tin hướng dẫn ta, ở đó có thể tập lại được khả năng đó. Có thể tập được, nhất là vì ta xét mình nhận lỗi trước mặt Chúa, chứ đâu có phải trước con người, lại nữa việc xét mình này sẽ được kết thúc bằng lời xá giải tha thứ - và biết đâu trong toà giải ta cũng nhận được những lời khuyên giúp mình vượt thắng cả trong những hậu quả của tội.

Trước đây, trẻ con chúng tôi từng lớp bước vào toà cáo giải. “ Trong khiêm tốn và ăn năn con xưng những tội con “ rồi là kể đủ thứ tội. Chẳng phải bao giờ cũng là chuyện dễ dàng, nhưng việc xưng tội quả thật có tác dụng như một thứ máy giặt, người ta cảm thấy sau đó như đã được giặt sạch tội lỗi. Trong sách “ Phụng-ca “ tôi thấy Giáo Hội Đức có ghi phần chuẩn bị xét mình xưng tội, với một chuỗi câu hỏi như kiểu “ bảng kiểm tra “. Sau đây là vài câu đọc được trong đó : “ Tôi có cố gắng gần Chúa không ? – Tôi có tỏ ra yêu thương và biết ơn cha mẹ không ? – Tôi có hay nói xấu và chửi người khác không ? “ Hoặc : “ Tôi có tìm cách đẩy việc cho người khác không ? – Tôi có tôn trọng cá tính của người khác không ? – Tôi có nỗ lực giáo dục con cái về đường ngay không ? – Tôi lười biếng ? Hay ích kỉ ? Hay hoang phí ? Ham mê ăn uống ? – Tôi thích khoe khoang sống không thật với mình? “ Xem thế thì Giáo Hội đâu là cái gì xa lạ với con người đâu.

Tôi tin rằng, điều hết sức quan trọng là làm sao giúp cho lương tâm nói ra được. Trên phương diện này, tội tổ tông đã khiến lương tâm ta chai đá, và ta muốn dấu nó dưới miếng vải quên, bằng cách đối xử với người khác như những kẻ hoàn toàn xa lạ. Ta muốn, chẳng hạn, nuốt nhẹ đi những lời dối trá, và nhiều thứ khác nữa. Lương tâm chai đá là mối nguy lớn của chúng ta. Nó đè bẹp con người. Vì thế, dạy cho người ta nghe được tiếng lương tâm là chuyện cơ bản. Cho nên nhiệm vụ của Giáo Hội là biết nhìn ra tội lỗi cá biệt của mình trong từng thời đại, và nhờ đó giúp cho xã hội khỏi bị chai đá và đổ vỡ trong những lãnh vực đời sống quan trọng này.



Câu hỏi thêm: Có được phép nói dối khi cần không, chẳng hạn giả làm như không ở nhà lúc người ta gọi điện thoại?

Đó là những chuyện rất thực tế, mà các nhà đạo đức cũng không đồng í với nhau. Có một trường phái lớn, trong đó có cả Kant, cho rằng chân lí tự nó đã có phẩm giá, nên mọi xúc phạm tới nó đều không được chấp nhận. Giả vắng qua điện thoại, là chuyện dễ hiểu. Nhưng phải coi chừng chính mình, vì một khi cánh cửa đã mở hé, thì nó có thể lại tiếp tục mở lớn ra. Lúc này tôi không muốn kết tội cái cách tự bảo vệ mình đó - vì tôi cũng sử dụng nó.

Ân xá” là một hình thức rốt ráo của bí tích hoà giải. Những ân xá đầu tiên được các giáo chủ ban cho những ai tham dự vào các cuộc thánh chiến. Và việc lạm dụng nó rốt cuộc đã là nguyên cớ bề ngoài cho Luther nổi giận và dẫn tới phong trào cải cách và phân rẽ. Tôi nghĩ, ngày nay chẳng còn mấy ai hiểu gì về chuyện ân xá.

Đó là một chương khó khăn trong lịch sử Giáo Hội. Trong huấn dụ năm thánh 2000 Giáo chủ đã cố gắng tạo cho ân xá một ý nghĩa mới. Trước đây người ta phân biệt tội và hình phạt của tội. Phép giải chỉ tha tội, chứ hình phạt của tội vẫn còn nguyên. Điều đó ta hiểu một cách đương nhiên. Nay Giáo chủ có một giải thích mới. Ngài bảo, dù ta đã hết nợ, nhưng cái vết thương ta gây ra nơi kẻ khác vẫn còn đó, đó là một thiệt hại, là những hậu quả do lời nói hay việc làm của ta gây ra. Và trong chính con người tôi vẫn còn một lực giật lùi, một bẻ cong của hữu thể mình.

Như vậy, vấn đề là làm sao giải quyết những hậu quả tồn tại của tội. Việc giải quyết này chỉ có thể diễn ra một cách tập thể, bởi vì tội luôn vượt ra ngoài cái tôi của mình. Vì thế, ân xá có nghĩa là ta đi vào sự trợ giúp của cộng đoàn các thánh, trong đó là nơi diễn ra sự trao đổi các sản vật thiêng liêng, nơi ta tặng cái của ta và nhận nơi kẻ khác cái của họ. Trong ý nghĩa này, ân xá có thể nên hiểu như là việc tẩy xoá những gì thặng dư còn tồn lại, như là việc cùng nhau gánh vác hay gánh vác cho nhau.

HÔN NHÂN

Hàng loạt người trẻ hôm nay đứng trước đắn đo, có nên bước vào một hôn nhân thật sự hay nên sống với nhau một cách lỏng lẻo. Về phía nhà nước, họ muốn coi việc chung sống không cưới hoặc đồng phái ngang như những cặp hôn nhân khác phái. Câu hỏi đặt ra : Tại sao hôn nhân là hình thức duy nhất có thể chấp nhận được trong việc sống chung ?

Thứ nhất, là vì chỉ có sự chung thuỷ là chỗ đích thực vững chắc hợp với phẩm giá của cuộc chung sống giữa hai con người. Và hôn nhân không phải là cái gì chỉ liên hệ tới trách nhiệm giữa hai người mà thôi, mà nó còn liên hệ tới cả tương lai con cái sẽ sinh ra nữa. Như vậy, hôn nhân không bao giờ đơn thuần là một chuyện riêng tư, nhưng nó mang tính chất công cộng và xã hội. Hôn nhân quyết định dạng thái tổ chức nền tảng của xã hội.

Rốt cuộc ta cũng thấy được điều đó, nếu như giờ đây các cặp không cưới cũng có được những khung pháp lí nào đó. Dù đây chỉ được coi là những hình thức kết hợp thấp hơn hôn nhân thường, chúng cũng không thể thoát ra khỏi trách nhiệm công, không thể thoát ra khỏi liên hệ chung của xã hội. Và chỉ mỗi điều đó thôi cũng buộc phải có cho chúng một quy chế pháp lí kéo theo quy chế xã hội và công cộng, ngay cả khi người ta giờ đây tin rằng mình phải chấp nhận những bậc sống thấp hơn đó.

Thứ hai : Ta thấy ở đâu hai người sống cho nhau và sinh con đẻ cái, ở đó cũng có giao tiếp với sự thánh và với mầu nhiệm làm người, là những thứ vượt lên những gì ta tự có. Tôi không đơn giản chỉ là tôi mà thôi. Trong mỗi con người có một bí ẩn thần thánh. Vì thế, việc sống chung giữa người nam và người nữ cũng được đưa vào vòng tôn giáo, vào vòng thánh thiêng, vào trách nhiệm trước Thiên Chúa. Việc sống chung đó cần có trách nhiệm với Chúa – và chính vì thế mà, qua bí tích hôn nhân, nó nhận được cội nguồn sâu xa và đích thực cũng như lí do hiện hữu của nó.

Tất cả những lối sống chung khác, vì thế, chỉ là hình thức tạm, mà mục tiêu cuối cùng của chúng chỉ là tìm cách trốn trách nhiệm đối với nhau và để thoát ra khỏi vòng bí ẩn của kiếp người – và như thế chúng mang vào xã hội một sự bất ổn với những hậu quả khó lường.

Vấn đề sống chung giữa những người đồng phái lại hoàn toàn khác. Tôi nghĩ, nếu người ta quan niệm hôn nhân và gia đình không nhất thiết gồm một nam một nữ nữa, mà cũng là của hai người đồng phái, thì cấu trúc xây dựng nền tảng cuộc sống con người như thế đã bị tổn thương. Như vậy, về lâu về dài, xã hội sẽ rơi vào những vấn đề lớn. Nếu ta lắng nghe lời Chúa, ta sẽ thấy ra rằng việc sống chung vợ chồng và con cái là một cái gì thánh thiêng. Và xã hội sẽ đạt tới một hình thức đúng đắn, khi nó coi gia đình – hình thái sống chung được Chúa chúc phúc – là hình thái đúng đắn của trật tự phái tính.



Đây là công thức của hôn nhân : “Anh /em nhận em/anh làm vợ /chồng và hứa chung thuỷ khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh cũng như lúc mạnh khoẻ. Anh /em muốn yêu em /anh và tôn trọng em /anh mọi ngày suốt đời “. Nghe thật hay, nhưng tại sao hôn nhân lại phải kéo dài suốt đời “ cho đến khi sự chết chia lìa “ ?

Vì nó nằm nơi sự dứt khoát của tình yêu con người và sự rốt ráo của trách nhiệm mà ta bước vào. Chúng ta không nên tìm cách chi li lí luận chứng minh điều đó. Khôn ngoan con người đã chứng thực cho ta điều đó và chính lời Chúa cũng đã nói như vậy. Điều đó chỉ phù hợp hoàn toàn với phẩm giá con người, khi tôi hoàn toàn cho mình đi, mà không giữ lại một phần nào cho mình và có thể nói không hề xét lại hay đòi bỏ hợp đồng. Cuộc sống con người không phải là cuộc thí nghiệm. Đó không phải là hợp đồng thuê nhà. Nhưng là sự trao tặng cái tôi cho em /anh. Và sự trao tặng giữa người với người chỉ có thể phù hợp với bản chất người qua hình thức một tình yêu toàn vẹn và cho nhau tất cả.



Ta đã nói nhiều về tính dục, rõ ràng Giáo Hội đoán có một cái gì rất bí ẩn trong tính dục. Nhưng không hiểu tại sao Giáo Hội lại có những quan điểm khắt khe về nó, ngay cả trong hôn nhân. Có phải vì có một quan niệm khác về cuộc sống và về con người, nên Giáo Hội mới cấm ngừa thai ?

Thật ra, Giáo Hội xem tính dục là một thực tế trung tâm của tạo vật. Tính dục đưa con người tới thật gần đấng tạo hoá và đặt nó trước một trách nhiệm cao nhất. Qua tính dục, con người dự phần vào chính nguồn sự sống một cách có trách nhiệm. Mỗi một con người là một tạo vật của Chúa – và đồng thời cũng là một đứa con của cha mẹ nó. Do đó mà giữa sự sáng tạo của Chúa và sự sinh sôi của con người như có một hoà quyện vào nhau. Tính dục là một cái gì dữ dội ; ta cũng nhận ra điểm này qua mối liên quan tới trách nhiệm đối với một sự sống mới, sự sống này thuộc về ta mà cũng không thuộc ta, nó do ta làm nên mà cũng chẳng phải do ta mà có. Từ đó, mà tôi nghĩ rằng, tính dục đồng thời cũng là một cái gì linh thiêng, ở chỗ nó được phép tạo ra một sự sống và mang trách nhiệm cả đối với những gì vượt trên cội nguồn sinh vật của sự sống đó. Từ những lí do muôn mặt đó, Giáo Hội cũng phải triển khai những gì nói trên và đã được đề cập một cách nền tảng trong mười giới răn. Giáo Hội phải luôn đưa nó vào cuộc sống con người như là trách nhiệm.



Có thể vừa sống trái với giáo huấn tính dục của Giáo Hội mà cũng vừa là một tín hữu tốt ?

Chuyện sống không theo kịp nội dung lời Chúa đã được Giáo Hội diễn giải, lại là một vấn đề khác. Tuy nhiên, nếu người ta vẫn tiếp tục ở lại trên đường, nếu người ta chấp nhận sự linh thiêng của việc đồng tạo dựng với Đức Ki-tô, thì họ vẫn không mất tính cách công giáo, dù có gặp thất bại. Khi đang trên đường đi tìm thì người ta, nếu muốn nói như thế, vẫn là một “ tín hữu tốt “.



Các giám mục ở Í kêu gọi tín hữu can đảm hơn trong việc sinh con. Các ngài viết trong thư luân lưu : Một xã hội khiếp sợ sinh con sẽ “ giảm đi tính chất nhân bản”.

Ở đâu không còn tình yêu đối với trẻ con, ở đó quả thật mất mát nhiều lắm. Trước đây, người Í nổi tiếng yêu gia đình và con cái. Ngày nay, có những vùng trong nước Í lại có số sinh thấp nhất trên thế giới. Biến chuyển to lớn đó xảy ra do sự xuất hiện cuộc sống phồn vinh mới. Quả thật, có một cám dỗ lớn trong các xã hội phương tây coi trẻ con là đối thủ, chúng lấy mất tương lai và phần nào không gian sống của mình. Cùng lắm người ta coi đó là vật sở hữu và dùng chúng để khoe mình. Rốt cuộc chẳng ai sẵn sàng công nhận con trẻ với những quyền lợi riêng của chúng, để phải hi sinh thời giờ và cả đời mình cho chúng.

Có lần một giám mục Í nói với tôi, người nghèo đầu tư vào sự sống, kẻ giàu vào sự vật. Tôi không muốn phóng đại ý nghĩa câu nói đó, nhưng rõ ràng trên đất nước ta khuynh hướng lo đầu tư vào sự vật, lo bảo hiểm cho mình bằng giá trị sự vật, có nghĩa là muốn nhân bội cái tôi của mình lên, mạnh hơn việc sẵn sàng phục vụ cho sự sống khác. Sự gia tăng dân số có vấn nạn của nó, nhưng mặt khác, ta cũng phải công nhận rằng, xã hội chúng ta đang đánh mất chính tương lai mình với đà lão hoá.

Vấn đề gia tăng dân số. Người ta tố cáo Giáo Hội vì chủ trương cấm ngừa thai nên đã tạo ra tại một số nơi trong thế giới thứ ba những vấn đề trầm trọng, kể cả việc tạo ra bần cùng nghèo đói.

Quả là chuyện hoàn toàn vô lí. Bần cùng là sản phẩm của việc sụp đổ luân lí. Trước đây, luân lí trong các xã hội bộ lạc và trong các cộng đồng Ki-tô giáo đã giữ cho cuộc sống có trật tự nên đã loại trừ được bất hạnh nghèo đói. Nay trật tự đó mất, và ta đã thấy hậu quả. Đổ lỗi cho Giáo Hội qua việc cấm ngừa thai, là chuyện ngớ ngẩn, chứng tỏ những người đó có cái nhìn hoàn toàn ngược ngạo về thế giới. Tôi sẽ giải thích.

Giáo Hội dạy về sự thánh thiêng và chung thuỷ trong hôn nhân. Đó là tiếng nói đích thực của Giáo Hội. Nơi đâu nghe theo tiếng nói đó, ở đó trẻ con được sống trong môi trường làm quen với yêu thương, tự chế, kỉ luật đời sống, dù chúng phải ở trong tình trạng túng thiếu vật chất. Ở đâu chung thuỷ gia đình còn, ở đó còn kiên nhẫn và quan tâm cho nhau, đó cũng là điều kiện cho việc kế hoạch hoá gia đình một cách tự nhiên và hữu hiệu. Bần cùng không xuất phát từ các đại gia đình, nhưng từ việc sinh con bừa bãi thiếu trách nhiệm, chúng chẳng biết ai là cha hoặc cả ai là mẹ, phải lang thang trên đường phố trong một thế giới bị phá nát tinh thần. Ngoài ra, ai trong chúng ta cũng biết, Phi châu ngày nay với đà gia tăng ghê gớm bệnh liệt kháng từ lâu đã cho thấy một mối nguy ngược lại : Không phải bùng nổ dân số, nhưng là cảnh xoá sạch hàng loạt bộ lạc, và đất đai trở thành hoang địa.

Ngoài ra, khi tôi nghĩ tới cảnh tiền thưởng ở Âu châu cho những nông dân giết bớt súc vật, hủy bớt lúa, nho, trái cây đủ loại vì lí do thặng dư sản xuất, thì tôi tự nhủ, tại sao các ngài chuyên viên quản trị không tìm cách chuyển những thứ đó cho mọi người cùng hưởng, thay vì huỷ của của Trời ban đi như vậy.

Bần cùng không tạo ra bởi những ai dạy cho con người chung thuỷ, yêu thương, kính trọng sự sống và từ bỏ, nhưng nó là sản phẩm của những kẻ miệng bô bô đạo đức và nhìn con người một cách máy móc : Túi cao su ngừa thai xem ra hữu hiệu hơn luân lí đạo đức! Nhưng, nếu ta tin rằng phẩm giá đạo đức con người có thể thay thế bằng túi cao su, để tránh nguy hiểm cho tự do của họ, thì như thế là ta đã lột hết phẩm giá con người từ nền tảng, và ta đã tạo cái mà mình muốn ngăn ngừa: một xã hội ích kỉ, trong đó mỗi người đều có quyền hưởng mọi thứ theo í mình và chẳng còn ai mang trách nhiệm. Bần cùng đến từ tuột dốc đạo đức xã hội, chứ không phải ngược lại – và việc quảng cáo túi cao su là một phần quan trọng của việc tuột dốc đó, nó nói lên chiều hướng khinh miệt con người, chẳng còn tin vào cái thiện mĩ nơi con người.

LINH MỤC

Mọi tôn giáo đều có những người đặc biệt, lo việc phụng tự và giáo luật đức tin. Đâu là điểm khác của một linh mục công giáo so với các đồng nghiệp trong các tôn giáo khác ?

Trước hết, linh mục công giáo là người mang một sứ vụ đặc biệt của Đức Giê-su Ki-tô và được hình thành theo khuôn mẫu các tông đồ. Vì vậy họ không giống như các đồng nghiệp trong hàng tư tế nơi các tôn giáo khác. Thước đo đặc biệt của giai tầng này, nếu ta nói được như vậy, là hình ảnh các tông đồ, những người đã được Đức Ki-tô đào tạo nên. Linh mục được Đức Ki-tô trao cho trách nhiệm rao giảng lời Ngài, rao giảng chính Ngài, rao giảng lời hứa mà Ngài đã cho chúng ta. Và trong khuôn khổ việc rao giảng đó – luôn cũng là một nhiệm vụ tình yêu, xây dựng thân thể Đức Ki-tô, phục vụ kẻ nghèo – nhiệm vụ trung tâm là loan báo cái chết của Ngài, mà chúng ta gọi là Thánh thể, và là bí tích.



Nếu chính Chúa Ki-tô đã gọi họ, thì tại sao có những linh mục xấu ? Tại sao có ngay cả những giám mục tồi ? Có lẽ Ngài đã lầm khi chọn những vị đó ?

Hẳn có thể có những người không có ơn gọi thật sự, nhưng đã len lỏi vào. Nhưng cũng có những “ ơn gọi bị phản bội “, nghĩa là người ta đã không sống đúng ơn gọi. Mà quả lạ, không hiểu tại sao Chúa vẫn hay tín thác vào những chiếc bình mỏng dòn, điều này ta đã nói ở trên rồi, không hiểu tại sao Ngài lại cùng Giáo Hội bước vào một cơ nguy khủng khiếp như thế. Ngài trao thân cho những bàn tay luôn sẵn sàng phản mình. Và Ngài để mặc ta vấp té và sa ngã, để cho những dụng cụ thiếu khả năng hành động, để rồi lại phải chính mình đứng ra nâng đỡ Giáo Hội. Một mặt, ta có được an ủi, là vì Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Nhưng mặt khác, đây lại là một thách đố lớn cho tất cả những ai nghĩ rằng mình đã nghe được tiếng gọi của Chúa, đi theo nó, và đã thật sự để nó chín muồi cùng với Đức Ki-tô.



Đức Giê-su Ki-tô đã lệnh cho các môn đồ: “ Hãy đi khắp thế giới và giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo “. Cũng như trước đây các tông đồ coi việc rao giảng là một trong những vai trò chính của các ngài, thì sau này cũng có những nhân vật lớn của các dòng tu – các tu sĩ Phan-sinh được coi là những “ anh em giảng thuyết “ - đã luôn tụ họp được từng đoàn lũ đông đảo quần chúng quanh mình. Savonarola đánh động cả thành Firenze với một bài giảng mùa chay. Các bài giảng của An-tịnh, như người ta nói, càng ngày càng ngắn đi ; mỗi câu là một trọng điểm mang sức mạnh, mỗi từ đều giá trị và trịnh trọng. Một trong những tác giả nghiên cứu về ngài viết : “Ngài vẫn không ngừng giảng, cho tới khi tiếng hoan hô hay nước mắt tràn lên mắt thính giả cho biết bức tường chống lại chân lí và ân huệ cuối cùng đã bị bẻ gẫy “.

Giảng được cũng là một quà tặng, một ân huệ, và thánh An-tịnh cũng luôn kính trọng các linh mục bình thường khi giảng cần phải cầm sách. Ngài nói : quan trọng không phải là cái độc đáo, nhưng là sự phục vụ trong khiêm tốn. Nếu sách giúp cho người ta giảng được, thì đó là điều tốt. Cám ơn Chúa đã cho ta những nhà giảng thuyết hùng biện, nhưng cũng nên học sự khiêm tốn của người nghe trước những nhà giảng thuyết kém khả năng.

Một linh mục quản xứ trong một thành phố lớn ở Đức mới đây kể cho tôi hay, nhờ một linh mục chẳng có tài năng bề ngoài nào cả mà ông đã quyết định làm linh mục. Linh mục kia giảng dở, hát dở v.v.. vậy mà giáo xứ của ông không hiểu sao vẫn tràn sức sống. Giáo xứ đó đã đánh thức được bốn hay năm ơn gọi linh mục. Các vị quản xứ trước và sau linh mục kia mọi mặt giỏi hơn nhiều, nhưng đã không đánh thức được ơn gọi nào. Ta thấy đó, gương khiêm tốn của một linh mục không có tài giảng có thể chính là một bài giảng và mình nên cám ơn Chúa về những tài năng đa biệt đó.

CHẾT

Khi kết thúc cuộc đời, mẹ Giáo Hội lo cho có một cuộc ra đi khỏi thế gian tốt đẹp. Bà ban cho con cái bí tích kẻ liệt. Trước đây người ta gọi đó là phép “ xức dầu lần cuối “.

… và khi ai được hỏi có muốn lãnh không thì người đó chối đay đảy, vì sợ rằng như vậy là tên mình đã nằm trong danh sách người chết.

Chữ “ xức dầu lần cuối “ đã thành như một từ ngữ gây kinh hãi nơi người bệnh, và từ lâu đã được Giáo Hội cố tình thay thế bằng chữ “ xức dầu bệnh nhân “. Từ này đúng hơn và nó không còn gây ấn tượng sắp chết nơi người bệnh, khi thấy linh mục đến.

Thật ra, phép xức dầu bệnh nhân nâng đỡ tinh thần người bệnh, và tiến trình nâng đỡ này đôi khi cũng có thể đưa người đó tới lành bệnh. Đây là sự nâng đỡ bằng bí tích của Giáo Hội trong hoàn cảnh đau bệnh, hơn là một bí tích cho người sắp lìa đời. Đây là của ăn Thánh thể đi đường thật sự. Qua lời nguyện kẻ liệt, qua phép lành kẻ liệt và một lần nữa với phép giải tội, Giáo Hội trao cho người bệnh những lời an ủi. Đó là những động viên trợ giúp vượt qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, mà người bệnh nhiều lúc xem ra như đi vào một vùng tối, chẳng có chút ánh sáng nào.

Phép xức dầu bệnh nhân đúng hơn là một nâng đỡ để người bệnh chấp nhận đau khổ. Nó giúp tôi bước vào cộng đoàn bí tích với Đức Ki-tô qua việc thăng hoa cơn đau và nỗi khổ của tôi. Đây không nhất thiết là sự khỏi bệnh thân xác. Bởi vì bệnh cũng có thể chữa lành tâm hồn tôi, nó có khi cần thiết cho tâm hồn tôi. Đức Ki-tô đã dạy cho tôi đau khổ và đã đau khổ với tôi, vì vậy Ngài có thể là vị bác sĩ thật sự cho chính tôi, giúp tôi thắng vượt được căn bệnh tâm hồn sâu xa hơn.

Người ta nói, trong giờ lâm tử con người hay thay đổi cảm quan một cách cực đoan. Những tay vô thần sắt thép vào giây phút cuối bỗng mềm nhũn như con chi chi. Chuyên gia nghiên cứu sự chết, bà Elisabeth Kübler-Ross, qua những tìm hiểu về kinh nghiệm lâm tử, đã nhận ra : “ Hầu hết thay đổi một cách triệt để. Mọi giá trị đều đổi. Giá trị của họ không còn quá vật chất, quá gây gỗ nữa. Họ hướng về những giá trị thiêng liêng nhiều hơn “. Nghĩa là, khi một người gần “ cửa tử “, phải chăng người đó đột nhiên có thể nhận ra được rõ ràng đâu là cái thật sự đáng kể của cuộc đời ?

Hẳn nhiên tình trạng tiếp biên đó có thể giúp người ta nhận ra rằng của cải chồng chất hay những huy chương, tưởng lục và ảnh hưởng của mình chẳng phải cái cuối cùng, cái đáng kể. Một cuộc xét lại giá trị có thể - nhưng không nhất thiết - sẽ diễn ra. Có những tâm hồn chai đá và cùn mòn đến nỗi không nhìn ra được gì nữa. Thật ra những hoàn cảnh tiếp biên đó chỉ có thể đẩy được ra ánh sáng những gì đang nằm kẹt một cách nào đó trong tâm mà thôi. Như vậy, đừng đợi cho đến giờ sau hết, cũng đừng để cho kho phúc đức cạn kiệt đi, kẻo khi chú rể xuất hiện – nói theo dụ ngôn của Chúa – thì dầu trong đèn đã cạn.



Có một kinh nghiệm khôn ngoan của công giáo cổ xưa : Chủ nhật thế nào thì ngày chết cũng thế.

Câu đó cũng ám chỉ sự chuẩn bị như trên. Nếu ngày chủ nhật vắng Chúa hoàn toàn, thì ta sẽ mất hết nhiên liệu dự trữ, không còn sức để tạo ra được cái chuyển mình sau hết. Và dù cho ân huệ Chúa vô tận đi nữa – thì cũng không nên tiêu pha hết phần dự trữ trong tâm, kẻo vào lúc cần tới, ta chẳng còn gì hết, đó là một cảnh cáo đối với ta.



Giáo Hội dạy nên vui vẻ đón nhận cái chết : “Sống là chết, chết là sống “. Sau chết, cuộc sống đời đời đang chờ ta.

Đúng. Nhưng bản tính con người không giống nhau. Khi An-tịnh nằm trên giường chết, tội lỗi lại hiện ra rõ nét trong tâm trý ngài. Vì vậy, An-tịnh cho treo lên tường các Thánh Vịnh sám hối, để mình có thể không ngừng đọc theo. Ngài còn từ chối rước Mình thánh trong một thời gian, để trầm mình vào ăn năn sám hối. Lúc đó ngài nghĩ tới người cha tinh thần của mình Ambrosius*, là người đã đón nhận cái chết một cách rất thanh thản, và đã nói : Ngài là con người vĩ đại, nên được tặng cái chết ; còn tôi là một người khác, nên không được tặng, tôi cần khiêm tốn sám hối, với hi vọng rồi Chúa sẽ đón nhận tôi.

Song có lẽ cũng phải nói rằng, nhiệm vụ của giáo dục Ki-tô giáo và của các bài giảng là dạy cho tín hữu tin tưởng rằng, qua cái chết, ta đang bước vào sự sống đích thực. Đó cũng là một cách giúp người ta vượt qua sự sợ hãi trước nỗi bí ẩn, hay ít nhất vượt qua nỗi sợ thuần thể lí, để thanh thản đón cái chết như một món quà.

Còn Hồng Y, ngài có sợ chết không ?

Tôi vẫn biết mình thiếu sót nhiều thứ, nên vẫn luôn nghĩ đến toà phán xét. Nhưng dù vậy vẫn mang hi vọng, vì Chúa lớn mạnh hơn những yếu đuối của mình.



Ngài có nghĩ nhiều tới cái chết ?

Có, vì càng về già, người ta càng tới gần nó.



Có được phép hoả táng không, hay đó chỉ là một phong tục ngoại giáo ?

Ngay người Do-thái, khác với các dân tộc khác trong vùng biển Địa-trung, đã không biết đến hoả táng. Họ chôn xác, và coi đó là hạt mầm của sự sống lại. Người ki-tô sau đó đã lấy lại phong tục này. Trong mộ táng cũng đã và đang tiềm ẩn một niềm tin sống lại, một niềm hi vọng. Cho tới công đồng Vatican II ai hoả táng sẽ bị phạt. Do hoàn cảnh của thế giới tân thời, Giáo Hội đã bỏ việc cấm đoán đó. Niềm tin sống lại không nhất thiết phải diễn tả qua việc mộ táng, bởi vì Chúa hẳn sẽ phải cho ta thân xác mới sau khi chết, vì thế giờ đây được phép thiêu xác. Quan điểm của tôi còn khá cổ hũ, tôi cho rằng mộ táng luôn vẫn là hình thức đích thực, qua đó ki-tô hữu nói lên sự kính trọng đối với người chết, nhất là đối với thân xác, và nói lên hi vọng vào quà tặng tương lai.



Ngài nói, Chúa sẽ cho ta trong đời sau một thân xác mới – điều này có nghĩa là con người đời sau sẽ không còn giống với con người đời nay ?

Trên một bình diện nào đó, con người tái sinh trong ngày phán xét là một tạo vật mới, nhưng nó vẫn giữ nguyên bản sắc người cả hồn lẫn xác. Thánh Tô-ma nói, lúc đó hồn là lực hình thành của xác – hồn là xác, hồn tạo cho mình thân xác. Bản sắc như vậy có nghĩa là hồn – hồn này đã được tiếng gọi tái sinh trao cho một lực tác tạo mới - tự tạo nên một thân xác đồng dạng. Nhưng tôi nghĩ, thật vô ích, nếu ta cứ ngồi đây mà đoán chừng con người thân xác và con người vật chất đời sau sẽ ra như thế nào.



Rất cụ thể : Anh tôi mất lúc 14 tuổi. Hiện giờ anh ở đâu ?

Ở bên Chúa. Tôi nghĩ, ở đây, ta phải bỏ những phạm trù xác định vị trí thuần vật chất đi. Cũng như ta không thể xác định vị trí Chúa ở đâu, thì đối với người chết cũng vậy, họ đã bước vào một tương quan vật chất khác. Tương quan của Chúa đối với không gian vật chất là một tương quan ngự trị xuyên suốt. Ta đã nói về những cấp độ gần Chúa, chúng không bị giới hạn bởi những nơi chốn không gian, và ta cũng đã nói rằng linh hồn, nguyên lí tinh thần trong con người, cũng không phải là một cơ phận nào đó nằm ở đâu trong thân xác, nhưng lại là hình thái xác định cái toàn thể. Cũng thế, người chết tham dự vào một tương giao không gian khác của Chúa, tương giao đó tôi không thể xác định được bằng phạm trù địa lí.

Một số người dám nói, người chết sống quanh quẩn bên mộ. Quan điểm đó làm tôi hơi kinh khiếp. Không, họ đã ra khỏi hình thái không gian vật chất này rồi, và đã bước vào một tương giao không gian khác, một không gian trỗi vượt của Chúa. Thỉnh thoảng có người, trong tâm tưởng, thấy mình vượt qua được tới bờ bên kia đại dương. Ta có thể coi đó là thứ không gian vượt trội, một cấp độ không gian khác, đó là sự gần gũi tinh thần. Dù sao, nên bỏ đi quan niệm người chết phải ở một địa điểm nhất định nào đó. Thay vào đó ta nên nói : Họ đang ở bên Chúa – như thế, họ đang hiện diện trong một thực tại vũ trụ mới và cũng rất gần bên tôi.

Con người chúng ta thích tò mò, chúng ta muốn biết một chút về thiên đường. Nó ra sao, Kinh Thánh có nói cái gì đang đợi ta ở thiên đường không?

Kinh Thánh cũng chỉ có thể đề cập bằng hình ảnh. Chẳng hạn như cảnh phụng vụ thiên quốc. Theo đó, thiên đường là cơn xuất thần của phụng vụ đích thực đó, và cả ca hát và bay lượn cũng bằng hình ảnh.

Nhưng tất cả những cái đó có thể bị hiểu lầm. Ta biết ở Đức có câu chuyện về một anh người Bayern tới được thiên đàng, và rồi đêm ngày miệng cứ ca hoài bài Alleluia muôn thủa, không dứt được nữa. Đây là điểm tôi cho là quan trọng : không những hình thái không gian mà cả ý niệmthời gian cũng đổi khác trong tình trạng khác mới (thiên đàng) này. Nếu ta quan niệm thiên đàng là sự kéo dài vô tận của thời gian, thì tới một lúc nào đó, sợ ta sẽ nghĩ là quá lâu đi. Nhưng tình trạng được bứng ra khỏi diễn tiến thời gian ngày ngày giờ giờ dính liền với những vòng quay địa cầu quen thuộc của ta, để được đưa vào một thứ kết hợp mới giữa người với người bên nhau, cũng có nghĩa là cái nhịp thời gian vĩnh cửu tiếp nối nhau đó không còn nữa – mà chỉ còn lại một khoảnh khắc hiện tại độc nhất ngập niềm vui. Vì thế, ta nên hình dung vĩnh cửu như là khoảnh khắc ngập niềm vui đó, khoảnh khắc này nằm ngoài mọi thời gian.

Hình như ngài sẵn sàng hiến tặng cơ phận sau khi chết ?

Vâng, dù vẫn biết các cơ phận già nua của tôi có lẽ chẳng còn hữu dụng lắm.



Một hình ảnh dễ sợ : Trái tim Hồng Y Ratzinger trong một bác người Phi châu theo đạo Islam tại Paris ?

… có thể lắm chứ.



Bà Elisabeth Kübler-Ross, chuyên nghiên cứu về sự chết, có ý kiến rất rõ về câu hỏi có nên kéo dài sự sống bằng phương pháp nhân tạo không. Bà nói : “ Một trăm phần trăm không. Không nên kéo dài mà cũng không nên rút ngắn. Mỗi người có một thời điểm đúng lúc để chết “. Người ta có thể nại lí do, vì còn nhiều việc dở dang chưa xong nên phải kéo dài thêm sự sống. Hơn nữa, đây là chuyện ít do bởi cá nhân quyết định, nhưng do “ một ông chủ lớn hơn, người đó có quyền”.

Có nhiều cách hoặc nhiều lối kéo dài sự sống, mà tôi chống, vì cho đó là cách dùng bạo lực. Nhưng việc chữa trị, tự nó, cũng là những cách kéo dài sự sống. Ngày nay, người ta có thể chữa được nhiều căn bệnh trước đây phải bó tay. Tôi xem những lối chữa trị bằng kĩ thuật phát triển của i khoa không phải là việc kéo dài sự sống bằng nhân tạo.

Như vậy, vấn đề đặt ra là, đến mức độ nào thì việc hiến cơ phận cho nhu cầu chữa bệnh được coi là phương tiện bình thường và đáng làm trong mục đích nới rộng khả năng của bác sĩ. Tôi nghĩ, việc ghép các cơ phận đôi như mắt hay thận không có vấn đề lớn, cho dù ở đây đã có một hi sinh rất lớn cho một phía. Rắc rối là khi ghép những cơ phận như tim, mà người ta được phép lấy từ một nạn nhân đã chết về phương-diện i khoa, nhưng phải lấy thật sớm, để cơ phận đó còn “sống “. Bao giờ thì một người chết thật mà – mặt khác, chính cơ phận của người đó thì lại phải còn sống -, đó là một câu hỏi tiếp biên phải trả lời với ý thứctrách nhiệm lớn. Tiêu chuẩn `óc ngưng hoạt động` tuy đã được nghiệm xét kĩ, nhưng theo tôi, vấn đề này luôn phải được xét đi xét lại một cách chu đáo, vì người ta luôn bị cám dỗ muốn lấy cơ phận thật sớm. Vì thế, ghép tim trên thực tế là một việc chữa trị tiếp biên. Dù vậy, tôi không hoàn toàn phản đối lối chữa này. Tôi nghĩ, trong lãnh vực chữa trị đúng đắn cũng còn có những phương pháp chính đáng khác có thể đưa vào.


Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương