Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam


GIÁO CHỦ Nhiều người cho rằng Giáo Hội là một cỗ máy quyền lực ghê gớm



tải về 1.72 Mb.
trang19/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

GIÁO CHỦ

Nhiều người cho rằng Giáo Hội là một cỗ máy quyền lực ghê gớm.

Đúng, nhưng người ta phải hiểu cho rằng cơ cấu đó là để phục vụ. Giáo chủ không phải là kẻ trị vì tối cao – mà, nói như đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô, là : “người phục vụ tất cả những kẻ phục vụ Thiên Chúa”. Tôi muốn nói rằng, ngài là kẻ bảo đảm cho sự vâng lời, để Giáo Hội không bị uốn theo í muốn con người. Chính giáo chủ cũng không thể nói, tôi là Giáo Hội, hay tông truyền là tôi, mà trái lại, ngài bị trói buộc, ngài là biểu tượng của sự trói buộc đó của Giáo Hội. Nếu trong Giáo Hội nẩy ra cám dỗ muốn làm khác đi, muốn bỏ bớt đi cho thoải mái, thì ngài là người sẽ tự hỏi, chúng ta có được phép làm như thế không?

Giáo chủ không phải là một cơ quan, để người ta thông qua đó mà thay đổi Giáo Hội, nhưng ngài là bức tường bảo vệ chống lại sự chuyên quyền. Lấy một thí dụ: Theo Tân Ước, hôn nhân là bí tích không thể tháo gỡ. Giờ đây, nhiều người bảo rằng, giáo chủ đương nhiên có thể sửa điều đó. Không, ngài không thể sửa được. Tháng 2 năm 2000 ngài đã đọc một diễn văn quan trọng trước các quan toà Rô-ma, và cho biết, trước trào lưu muốn tháo gỡ mối dây ràng buộc đó, ngài không thể làm tất cả những gì mình muốn, mà trái lại, phải luôn nhắc nhở chúng ta về sự vâng lời, hay cũng một ý nghĩa đó nhưng nói cách khác, là ngài phải tiếp tục thi hành động tác rửa chân.

Ghế giáo chủ là một trong những định chế mê hoặc nhất trong lịch sử. Bên cạnh những hoàng kim, lịch sử cũng cho thấy những hố thẳm của định chế đó. Chẳng hạn Biển-đức thứ IX bị cách chức nhiều lần và đã là giáo chủ thứ 145, 147 và 150 trong Giáo Hội. Ngài nắm giữ vai trò này lần đầu tiên lúc mới 12 tuổi. Vậy mà Giáo Hội vẫn cứ trung thành với chức vụ đại diện Thiên Chúa trên trần gian đó.

Với cái nhìn thuần tuý lịch sử thì ghế giáo chủ quả thật là một cái gì lạ lùng. Nó là thể chế quân chủ duy nhất - nếu có thể nói được như thế - đứng vững suốt gần hai ngàn năm, chuyện không thể hiểu được. Nhưng tôi muốn nói, có một bí mật còn lớn hơn, đó là sự tồn tại của dân Do-thái. Còn ghế giáo chủ, sự tồn tại lạ lùng của nó cũng bắt mình phải đặt câu hỏi. Anh đã nói tới một thí dụ tiêu cực của định chế đó, và nó đã phải trải qua bao nhiêu chấn thương nặng nề, lẽ ra theo xác xuất lịch sử thì nó hẳn đã phải tiêu vong, không phải chỉ một lần. Tôi tin Voltaire* đã nói như thế này, đây là lúc Dalai Lama của Âu châu phải biến đi và nhân loại sẽ được giải thoát khỏi ông ta. Nhưng, như anh thấy đó, mọi chuyện vẫn cứ tiếp tục. Điều đó cho thấy rằng, sự tồn tại của nó không phải do khôn khéo của cá nhân các giáo chủ - nhiều vị đã ra công giật sập nó nữa là khác – nhưng là do một sức mạnh nào đó đứng đàng sau. Đó chính là sức mạnh đã được hứa cho Phê-rô. Quyền lực của hạ giới, của sự chết sẽ không thắng nổi Giáo Hội.



Chúng ta đã bàn về chuyện bất khả ngộ. Tại sao tín điều đó được hình thành quá trễ như vậy?

Trước hết phải hiểu là có một học thuyết về vai trò Phê-rô – và đặc biệt là việc hành xử vai trò đó – đã hình thành rất sớm. Trong lá thư của giáo chủ Klê-men-tô I viết khoảng năm 90 cho giáo đoàn Kô-rin-tô – giáo đoàn này đang có cơ tách ra khỏi tập thể -, ta đã thấy có đề cập tới trách nhiệm của Giáo Hội ở Rô-ma và của giáo chủ Rô-ma rồi. Trách nhiệm đặc biệt đó lại thể hiện rất rõ vào thế kỷthứ hai trong cuộc tranh luận về lễ phục sinh. Tính cách trung ương của Rô-ma đã từng bước lớn lên trong Giáo Hội, và nói chung, nó được tập thể công nhận.

Cuối cùng, công đồng Ni-xê năm 325 đã nói tới ba vị trí ưu quyền trong Giáo Hội, đó là Rô-ma, Alexandria và Antiochia. Rô-ma luôn được nói tới đầu tiên, và hai ghế giáo chủ kia cũng luôn có mối liên hệ với Phê-rô. Trong danh sách tham dự viên các công đồng, các đại biểu của Rô-ma cũng luôn được ghi tên trên cùng. Rô-ma được kính trọng như là prima sedes, vị trí ưu tiên, và chính công đồng Ni-xê đã làm vững thêm hệ thống đó.

Lịch sử các công đồng kế tiếp càng cho thấy rõ nhiệm vụ đặc biệt của giáo chủ Rô-ma. Thời đó, giám mục Rô-ma không cai trị với một giáo triều hoàn vũ liên tục như ngày nay, nhưng mỗi khi có nguy biến, ngài lại có một nhiệm vụ đặc biệt. Trong cuộc khủng hoảng, mà chút nữa giáo lý của Arius* sém trở thành giáo lýchung cho Giáo Hội, thánh Anasthasius đã coi giáo chủ là tụ điểm phải theo. Và còn nhiều lí chứng khác nữa.

Năm 1054 Giáo Hội phía đông và tây tách rời nhau. Phía đông vẫn công nhận vai trò đặc biệt của Rô-ma, sự công nhận đó đã không được phía tây nhìn ra một cách đúng đắn. Kể từ sau ngày phân rẽ, bên Rô-ma đẩy mạnh tư tưởng về ưu quyền, nhất là với Grê-gô-ri-ô VII. Tư tưởng này được tăng cường với việc xuất hiện các dòng tu ăn xin, khi họ quay về với giáo chủ Rô-ma. Số là các dòng này không thuộc vào một giáo phận nào cả, nên họ cần phải có một cơ quan hoàn vũ chung. Và chỉ có cơ quan chung này mới có thể tổ chức được một giới linh mục và các phong trào trải rộng khắp Giáo Hội và, qua đó, tạo điều kiện cho công cuộc truyền giáo về sau.

Học thuyết ưu quyền được hình thành từng bước vừa qua lí thuyết lẫn thực hành. Nó đã được diễn tả thành văn ở công đồng Firenze trong thế kỷ15, nhưng cũng đã được nói đến cả trong công đồng Lyon vào thế kỷ 13. Trong công đồng Trento, người ta phải bàn quá nhiều chuyện liên quan tới khủng hoảng tin lành, nên cuối cùng đề tài phải dành lại cho công đồng Vatican I. Nhưng tại đây nhiều người đã ngỡ ngàng, vì nội dung đề tài đã được trình bày quá chặt. Ta biết rồi, nhiều giám mục đã bỏ ra về sớm để khỏi phải kí tên. Tuy nhiên, số nghị phụ thiểu số đó vẫn công nhận bản chất học thuyết ưu quyền không phải là một cái gì xa lạ với đức tin công giáo, và học thuyết này cũng có nền tảng Kinh Thánh qua các lời hứa của Chúa với Phê-rô. Thật ra, người ta đã trình bày tín điều với một sự chính xác mới bằng một hình thức hơi quá mức mà thôi, chứ nó chẳng phải là gì mới. Nội dung của nó chỉ là gom nhặt và cụ thể hoá những gì đã diễn tiến và thành hình trong suốt lịch sử.



Phê-rô có lẽ đã không nghĩ rằng, mình sẽ để lại cho những người kế vị một việc làm quá nặng nề đến như thế: Là giám mục giáo phận Rô-ma, giáo chủ phải giải quyết những vấn đề tại chỗ. Trong tư cách nguyên thủ quốc gia trên “ngai thánh”, ngài phải điều hành công việc của thành quốc. Lại vừa phải giải quyết chuyện của Giáo Hội hoàn vũ với tư cách là đức Thánh cha. Phải soạn diễn văn, thư chung, bài giảng, tiếp các loại khách lớn nhỏ. Rồi với những Bộ, Toà án, Uỷ ban, Hội đồng về giáo lýđức tin, phụng vụ, kỉ luật, giáo dục… Rồi cả hàng trăm nhà dòng mẹ, hơn một trăm học viện v.v. May có đoàn Hồng Y như là ban cố vấn thượng thặng gồm những chuyên gia từ mọi vùng văn hoá, dày kinh nghiệm suy tư và chính trị. Nhưng mỗi ngày văn phòng đổng lí lại nhận được cả thùng đầy ắp giấy, mỗi tờ là một vấn đề cần giải quyết. Các giám mục khắp nơi tới tấp gởi về những câu hỏi có khi thật nặng đầu. Bên cạnh đó, giáo chủ còn có cuộc sống tâm linh với giờ nguyện, giờ chầu và công việc cá nhân riêng tư. Giáo Hội hoàn vũ càng ngày càng lớn ra – như vậy vai trò và ghế giáo chủ có phải thay đổi không?

Vấn đề điều hành công việc thay đổi theo thời gian. Thế kỷ thứ 8 khác thế kỷ 15, và thế kỷ 15 lại khác thế kỷ 20. Nhiều điều anh vừa kể không hẳn phải như vậy. Hãy bắt đầu với quốc gia Vatican: Đó chỉ là một khung hình hỗ trợ. Tự thân giáo chủ không cần quốc gia, nhưng ngài cần tự do, cần bảo đảm cho sự độc lập thế quyền, ngài không được phục vụ cho một chính quyền nào cả.

Tôi dám cả quyết rằng, sở dĩ ngôi vị giáo chủ ở Rô-ma triển nở được, là nhờ chế độ quân chủ với Konstantinus đã dời đô về Byzanz. Nhờ đó giáo chủ mới có được tự do cần thiết. Tôi coi lập luận cho rằng, nhờ có sự hiện diện bên cạnh của chính quyền quân chủ nên vị thế giáo chủ mới lớn lên được, là hơi ngược đời. Trong ba thế kỷ đầu, Rô-ma là chốn chắc chắn nhất để các tín hữu đi vào tử đạo. Cũng vì vậy mà giáo chủ thời đó được coi là những ứng viên tử đạo. Chỉ sau khi hoàng triều dời đô sang phía đông, tạo nên ở Í khoảng trống quyền lực, thì một thứ độc lập tinh thần đã xuất hiện, và nhờ đó mà giáo chủ chẳng còn phải trực tiếp suy phục một thế quyền chính trị nào nữa cả. Về sau, Quốc-gia Giáo-hội hình thành, kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy bất hạnh. Và Quốc-gia đó đã kéo dài cho tới năm 1870. Ngày nay nhìn lại, ta phải cám ơn Chúa là nó không còn nữa. Thay thế nó, nay ta có một khung hình mới là thành quốc tí hon Vatican. Quốc gia này chỉ có mỗi một nhiệm vụ là giữ cho giáo chủ được tự do trong công việc của ngài. Mô mẫu thành quốc này còn có thể đơn giản hoá thêm được nữa không, hãy chờ xem.Có những điều khác, mà anh kể ra, cũng không hẳn như vậy. Không phải tất cả các nhà dòng mẹ đều có mặt ở Rô-ma. Và giáo chủ phải ra bao nhiêu tông thư, phải viết bao nhiêu diễn văn, cái đó tùy trường hợp và cũng tuỳ tâm tánh mỗi vị. Dù vậy, ngài vẫn còn có quá nhiều chuyện phải làm. Bao nhiêu là cuộc gặp gỡ để giữ liên lạc với Giáo Hội hoàn vũ; bao nhiêu là chuyện phải quyết định ; rồi làm sao còn phải dành giờ cho việc tâm linh, cho kinh nguyện – cả là một vấn nạn lưỡng nan.

Nhưng ngày nay cũng có nhiều phương thức lãnh đạo hoàn toàn mới?

Chúng tôi đang nghĩ xem việc tản quyền có thể giúp giảm bớt được lượng công việc không. Chính Giáo chủ trong Tông thư về đại kết đã mời gọi mọi người đóng góp ý kiến về vai trò giáo chủ và tổ chức giáo triều. Đã có nhiều vị cho ý kiến. Cựu tổng giám mục Quinn của giáo phận San Francisco, chẳng hạn, đã đề cập rất nhiều về việc tản quyền. Chắc chắn có thể tiến hành được nhiều chuyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng các chuyến thăm viếng ad limina của các Hội đồng giám mục là rất quan trọng, đó cũng là dịp cho những chạm mặt, gặp gỡ. Cần có chúng để tăng cường mối đoàn kết trong Giáo Hội. Thư từ không thể thay thế được những gặp gỡ. Không có gì thế được những cuộc trao đổi, bàn luận, nhìn nhau, lắng nghe nhau.

Vì thế, tôi có thể nói, những hình thức gặp gỡ cá nhân bất nghi thức mà Giáo chủ hiện nay đang thực hiện, sẽ mang tầm quan trọng trong tương lai. Chúng quan trọng, cũng là vì nếu không có gặp gỡ cá nhân – xuyên qua mọi vấn đề và mọi thách đố văn hoá – thì không thể hiểu nhau, không thể đoàn kết với nhau được.

Ngày nay, sau những đắn đo suy nghĩ, càng ngày người ta càng nhận ra nhu cầu về một tụ điểm đoàn kết, một tụ điểm gần như vai trò giáo chủ hiện đang đóng. Anh em tin lành nay bảo rằng nên có một biểu tượng thống nhất, một phát ngôn viên cho thế giới Ki-tô giáo. Và một số trong họ nói, nếu như chức vụ giáo chủ được thay đổi thích hợp thì họ có thể chấp nhận. Dù sao, như anh nói, đó là một “việc vượt sức người”, tưởng như không thể kham nổi. Song mặt khác, việc đó vẫn có và phải có – nhưng với ơn Chúa, mình cũng có thể vượt qua được.



Tản quyền – có nghĩa trong Giáo Hội công giáo cũng sẽ có việc chia thành các vùng thượng phụ?

Trước đây tôi nghĩ phải tổ chức thành các đơn vị châu lục lớn, nhưng quan điểm này càng ngày tôi thấy càng không đứng vững. Vùng thượng phụ có nguồn gốc liên quan tới địa điểm phát xuất của mỗi tông đồ. Nhưng công đồng Vatican II đã chọn các Hội đồng giám mục làm hình thức tổ chức cho các vùng lớn. Và trên đó lại có các Thượng hội đồng châu lục. Châu Mĩ la-tinh, châu Phi, châu Á hiện đã có Thượng hội đồng với những cơ cấu tổ chức khác nhau. Có lẽ đó là những cơ cấu thích hợp cho ngày nay. Dù sao, phải có cơ cấu cho sự hợp tác vùng, nhưng chúng phải được tổ chức linh động để tránh biến thành những bộ máy quan liêu, cửa quyền. Hẳn các kết hợp vùng đó sẽ có thể cáng đáng cả những công tác của Rô-ma.



Ngài có nghĩ rằng một ngày nào đó giáo chủ công giáo lại cũng được nhìn nhận bởi Giáo Hội Tin lành, Chính thống và Anh giáo?

Đã có một cuộc đối thoại thần học trên hình thức với Giáo Hội Chính thống, nhưng chưa dám đề cập tới đề tài nóng bỏng đó. Một mặt, ưu quyền của giáo chủ Rô-ma không hẳn xa lạ đối với truyền thống chính thống, vì trước đây Rô-ma luôn được công nhận ở vị trí hàng đầu. Nhưng mặt khác, ưu quyền đó đi ngược lại cơ cấu tự trị quốc gia của bên Chính thống. Có rất nhiều tế nhị lịch sử cản ngăn hoặc gây khó khăn cho việc công nhận. Có lẽ có một số lãnh vực bớt phức tạp hơn. Khó hi vọng có một thành công nhanh chóng, nhưng phải cố gắng đi tới mục tiêu đó.Anh giáo trả lời lại tông thư đại kết của Giáo chủ với một viễn kiến về vị trí và vai trò của giáo chủ theo cái nhìn của họ. Đó là một bước xích lại gần Rô-ma. Và với Anh giáo, đang có một cuộc đối thoại về “Uy quyền trong Giáo Hội”, nhưng trong cuộc đối thoại này vấn đề công nhận đã không được đặt ra. Cũng đã có những tiến bộ trong đề tài đối thoại, nhưng vẫn còn nhiều rào cản dựng lên từ nguồn gốc lịch sử của Anh giáo. Chờ xem.Tin lành là một đại lượng phúc tạp. Một bên, có những Giáo Hội truyền thống như Tin lành phái Luther, phái methodisch, phái presbyterianisch và v.v. Nhiều nơi trên thế giới họ đang rơi vào khủng hoảng. Ở những nơi đó, trọng lượng của họ đang chuyển sang các phong trào evangelical, pentecostal* và bảo căn. Sức sống đức tin các nhóm mới này đang nở rộ và đẩy những phái truyền thống vào hậu trường. Tổ chức Evangelical và bảo căn đã là hai đối thủ cổ điển chống lại Giáo chủ Rô-ma. Nhưng gần đây hai tổ chức này đã có những thay đổi ngoạn mục, vì họ nhận ra Giáo chủ quả thật là tảng đá biểu trưng chung, vì ngài cũng như họ chống lại áp lực của tân tiến đang đè nặng trên Ki-tô giáo. Trên một bình diện nào đó, họ xem Giáo chủ là một đồng minh, mặc dù các dè dặt trước đây vẫn chưa hết. Tóm lại, bức tranh đang chuyển động. Chúng ta tin tưởng vào những điều có thể hi vọng, nhưng cũng cần kiên nhẫn.



CƠ CẤU NỘI BỘ GIÁO HỘI

Giáo Hội công giáo có một cơ cấu cổ điển, rõ ràng: Dân – Linh mục – Giám- mục. Và trên tột cùng là Giáo chủ. Phẩm trật (Hierachie) - từ ngữ này có nghĩa là “quyền cai trị thánh” – bắt nguồn từ Kinh Thánh, hay từ nhu cầu tổ chức để có một bộ máy mạnh, hữu hiệu?

Tôi chống lại quan điểm của nhiều người, dịch chữ “Hierachie” ra nghĩa “quyền cai trị thánh”. Tôi khẳng định nghĩa của nó là “nguồn gốc thánh”. Nó muốn nói lên rằng, Giáo Hội không hình thành từ các quyết định, nhưng luôn có thể được tái sinh từ chính Chúa, từ các bí tích. Với cái nhìn đó, ta cũng có một nhận thức khác đối với chức linh mục. Ở đây, ta không nói chuyện về một giai cấp cai trị muốn áp đặt kỉ kuật sắt trong Giáo Hội. Chức linh mục, trái lại, là sự nối kết Giáo Hội với Thiên Chúa. Nó là sự vượt lên trên chính mình của một Giáo Hội do Chúa thành lập, chứ không phải do từ các đại hội, từ các quyết định, từ sự thông thái hay sức mạnh của tổ chức. Trong ý nghĩa đó, chức linh mục cũng không phải là thứ có sẵn. Nếu vì thế mà ơn gọi linh mục không còn nữa, thì ta phải cầu khẩn Chúa, chứ không thể tự mình đơn giản nặn ra được.



Giáo Hội thường được gọi là “đoàn dân lữ hành”, tín hữu được gọi là “đàn thú của Chúa”. Có người cũng gọi họ là đàn chiên, nghĩa là một đàn súc vật chẳng có quyền gì cả, chỉ có việc tin và vâng lời .

Tôi thấy hai ý niệm“dân Thiên Chúa” và “đàn thú” không có gì là chống nhau. Đạo Do-thái phát triển từ nền văn hoá chăn nuôi, nên hình ảnh người chủ chăn luôn giữ một vị trí quan trọng và hình ảnh đó đã đi vào Tân Ước. Vì thế ta không nên đi từ hình ảnh làm thân chiên cừu để xét đoán, nhưng nên đi từ mối tương quan tín thác giữa người chăn và đàn cừu. “Dân Thiên Chúa” cũng mang ý nghĩa như thế: một đoàn dân đang trên đường băng suốt qua lịch sử.

Ở Í, sau khi Giáo Hội làm hoà lại với nhà nước thế tục, Pi-ô XI đã cảnh tỉnh giáo dân, giờ đây phải làm sao có được một cách sống đời giáo dân mới, nghĩa là làm ki-tô hữu giữa trần thế, và ngài sau đó đã lập ra tông đồ giáo dân. Tôi thấy, từ sau Công đồng II, nẩy ra chiều hướng chống giáo sĩ, hô hào giáo dân phải dành lại quyền của mình trong Giáo Hội.

Quan điểm đó giờ đây đã trở thành khẩu hiệu chống Rô-ma, đã trở thành một tín điều cho giới công dân tự do.

Theo tôi, chiều hướng kia đặt trên một căn bản sai. Họ quan niệm rằng, Giáo Hội giờ đây phải được cai trị bởi hai giới, giáo sĩ và giáo dân, cả hai cùng quyết định về số phận Giáo Hội. Họ bảo, giáo dân phải cử ra các đại diện – và các đại diện đó, ở Đức, có cơ quan cao nhất là Uỷ ban Trung ương của người công giáo Đức – để nói lên tiếng nói của giáo dân. Và phía giáo sĩ cũng cử ra đại diện của họ. Hoàn toàn vô nghĩa. Như vậy thì giáo sĩ để cho ai? Nhất là người ta còn bảo cả hai giới phải chung nhau nghĩ xem nên tổ chức Giáo Hội như thế nào, nên giữ lại gì cho kho tàng đức tin. Rằng phải hạ bệ giáo sĩ và giáo dân phải giành lại tiếng nói của mình.



Có người nghĩ như vậy.

Nếu như giáo sĩ có lí, thì họ cũng chẳng có quyền bắt Giáo Hội phải thế này thế nọ. Mà họ phải vâng lời Thiên Chúa, mà người bảo đảm cho sự vâng lời đó là giáo chủ. Giáo chủ là người giữ cho Giáo Hội luôn nằm trong tay Thiên Chúa, không để nó bị nhào nặn bởi con người. Đó là ý nghĩa của bí tích truyền chức linh mục, chức xuất phát từ một nguồn không phải do chúng ta tạo ra. Lại nữa, giáo dân thì có gì là xấu, đây là bậc sống bình thường của người theo Chúa, nhờ bậc sống bình thường này mà Tin Mừng được sống và được đưa vào cuộc sống bình nhật của thế giới. Và mục đích thật sự của tông đồ giáo dân là làm sao cho đạo Chúa đi vào thế giới và biến đổi nó.



Giới tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội là bậc sống triệt để nhất của người theo Chúa. Đâu là nhiệm vụ của họ, đặc biệt cho Giáo Hội tương lai ?

Có nhiều bậc sống theo Chúa, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Giáo dân là bậc cơ bản và không thay thế được, họ sống đức tin trong hoàn cảnh hợp với ngành nghề của họ, trong môi trường chính trị, khoa học, thủ công nghệ hoặc những nghề bình thường nhất. Nhưng cũng cần có một bậc dành toàn cuộc sống mình cho đức tin, họ là trạm nhiên liệu cho việc rao truyền, cho việc thổi hồn cho Giáo Hội.

Tôi tin rằng những cơ cấu muôn mặt đó sẽ rất quan trọng cho tương lai Giáo Hội. Luôn luôn cần có chỗ cho con người có thể thu mình về, nơi đó họ suốt ngày có thể tham dự vào cuộc sống cầu nguyện, nơi đó lời cầu kinh thấm đượm nhịp sống của ngày thường. Đó là những kho dự trữ để đức tin lấy thêm năng lực làm mới mình và toả sáng. Chúng ta đang kinh nghiệm những điều đó trong tu viện cổ xưa của các tu sĩ Biển-đức ở Montecassino này. Hoặc hãy nghĩ tới các dòng chiêm niệm nữ, như của các chị dòng kín, các chị dòng Klara*, chẳng hạn. Đó cũng là những ốc đảo sa mạc cho nhiều người tìm tới để tăng cường và đổi mới đức tin mình.

Montecassino là một trong những tu viện nổi tiếng nhất của Giáo Hội la-tinh. Người ta nói, không có tu viện nào lâu đời và xứng đáng như tu viện này. Vào đúng năm 529, khi người ta xây thành phố tu viện trên núi này cho các tu sĩ biển-đức, thì đó cũng là lúc Học viện Platon ở Athen đóng cửa.

Tôi thấy sự trùng hợp thời gian bất ngờ giữa việc đóng cửa Học viện Platon và việc mở cửa tu viện Biển-đức ở Montescassino mang một ý nghĩa lớn. Học viện là biểu tượng cho nền học thuật cổ điển. Montescassino được coi là học viện cho thế giới Ki-tô giáo. Ta thấy một thế giới đang qua đi thật sự. Đế-quốc Rô-ma tan vỡ, bên phương tây nó chỉ còn là những mảng vỡ đang lịm tắt. Đế-quốc tan vỡ kéo theo sự đổ vỡ của cả một nền văn hoá, nhưng Biển-đức đã giữ nó lại và tái sinh nó. Như vậy, ngài đã thực hành đúng khẩu hiệu của các tu sĩ Biển-đức : Succisa virescit – càng cắt ngắn thì nó lại càng mọc xanh lên. Một cách nào đó việc cắt đứt văn hoá đó lại trở thành một cuộc lên đường.



Và đó là khởi nguyên nền tảng văn minh Âu châu.

Các tu sĩ biển-đức thoạt tiên chỉ muốn giữ truyền thống dòng tu, là trở thành một nơi cầu nguyện. Họ muốn là nơi tổng hợp việc làm tay chân, biến đất đai thành vườn tược và phục vụ Chúa.

Lý tưởng của cộng đoàn biển-đức được diễn tả qua câu ora et labora – làm việc và cầu nguyện. Trên hết là phụng vụ. Nó ưu tiên nhất, vì chính Chúa là quan trọng nhất. Nó trải ra suốt ngày thâu đêm, thấm đượm và uốn nắn thời gian và đã triển nở thành một dạng hình văn hoá cao và tinh ròng. Nhưng tinh thần đạo đức của phụng vụ đồng thời là trồng trọt làm mới đất đai. Chủ trương làm việc tay chân này đã đẩy lùi thiên kiến cổ điển, coi đó chỉ là nhiệm vụ của đám nô lệ. Giờ đây công việc tay chân trở thành một cái gì cao quý, Tin Mừng Gio-an gọi đó là sự bắt chước đấng Tạo hoá.

Cùng với tư tưởng mới về làm việc, quan điểm về nhân phẩm cũng thay đổi. Xã hội thời đó nặng tính đẳng cấp, coi con người hoặc là tự do hoặc là nô lệ. Nhưng tu viện là nơi không còn đẳng cấp, ai vào đó, đều là người tự do. Và, bắt nguồn từ tự do của Chúa, mọi người đều bình đẳng và có cùng một sứ mạng là mang Chúa xuống cho trái đất và nâng trái đất lên cùng Chúa.

Với tất cả những cái đó Montescassino đã cứu và thay thế nền văn hoá cổ điển. Nơi đây người ta sao chép lại các tài liệu, nơi đây ngôn ngữ được chăm sóc. Tu sĩ người Pháp Leclerq có lần nói, yêu Chúa và yêu văn phạm gắn liền với nhau. Muốn hiểu Kinh Thánh, phải đọc nó. Vì vậy mà khoa học ngôn ngữ đã ra đời và được chăm bón. Đó chỉ là một thí dụ. Mặt khác, muốn làm vườn hiệu quả, bắt buộc phải nghiên cứu đất đai. Tóm lại, có thể nói, từ nguồn đạo đức “phụng vụ và làm việc” - ora et labora – đó, mà một nền văn hoá mới, văn hoá âu châu, hình thành.

Di chúc lớn của thánh Biển-đức để lại là bộ luật của ngài. Hẳn tác phẩm nhỏ nhoi đó là một trong những thành quả lớn nhất của phương tây - mà sứ điệp thực tế của nó là tạo nên một cuộc sống có “lớp lang thứ thự” - cho tới ngày nay và mãi mãi vẫn có thể khám phá ra được nét mới. Ngài ghi chú : “Chỉ cần Kinh Thánh cũng đủ làm mẫu mực cho cuộc sống rồi”. Nhưng để người mới tập sự có thể thực hành được luật đó, ngài đã viết ra một hướng dẫn đơn giản, cho những ai “yêu cuộc sống và muốn thấy một ngày tươi đẹp”.

Yếu tố nổi bật của luật đó là mực thước. Nhiều bộ luật dòng khác quá gắt. Vì ganh đua nên người ta thường đặt ra những luật quá triệt để, từng cá nhân sốt sắng có thể theo được, nhưng về lâu về dài không thể áp dụng cho cuộc sống chung. Biển-đức đã nối kết thành công giữa cái đòi hỏi gắt gao cần thiết và cái giới hạn của bản chất con người. Luật của ngài linh động, vì vị bề trên có quyền hạn rộng rãi áp dụng luật đó tuỳ vào hoàn cảnh do ngài nhận định. Dù vậy, luật cũng không phải là lỏng lẻo, mà trái lại, nó đề ra một cơ cấu chặt chẽ : nhất là các giờ kinh nguyện ấn định thời biểu cho cả ngày lẫn đêm, và cũng cả cơ cấu các bữa ăn và bổn phận làm việc. Như ta đã thấy, công việc tay chân kéo theo công việc văn hoá, học chữ để đáp ứng nhu cầu phụng vụ.

Một cách nào đó, Biển-đức được xem như một thứ Mai-sen, người đã đặt quy luật cho cuộc sống. Nhưng luật của Biển-đức bắt nguồn từ Đức Ki-tô. Và Đức Ki-tô là người đã làm mới và hoàn chỉnh luật Mai-sen, để nó có thể trở thành luật sống cụ thể. Trong ý nghĩa đó Biển-đức đã trở thành một nhà ban hành luật cao cấp của phương tây, và từ con người văn hoá muôn mặt đó mà cuối cùng một châu lục mới – Âu châu – đã thành hình, một nền văn hoá đã biến đổi bộ mặt thế giới.

Nếu như văn hoá chúng ta ngày nay đứng trước cơ nguy mất thăng bằng, như ta đang thấy, thì đó cũng là vì ta đã lìa quá xa luật ngài. Có lẽ thế giới chúng ta luôn có thể tìm lại được thế thăng bằng một cách dễ dàng, nếu ta chịu trở về với luật cơ bản của Biển-đức, bởi nó chỉ ra thái độ và nhân đức nền tảng mà con người cần có, hầu tạo thăng bằng nội tâm cho cuộc sống. Không có thăng bằng đó, không thể có cuộc sống cộng đoàn, và cá nhân không thể trưởng thành được.



Ta tiếp tục bàn thêm đôi chút về thành quả quan trọng đó của Biển-đức. Chữ đầu tiên của bộ luật là “lắng nghe” : “Con ơi, hãy lắng nghe lời dạy của thầy”, rồi Biển-đức thêm : “Hãy ghé tai nghe tiếng tim con”.

Vâng, đó là lời mời gọi lắng nghe, và đây là điều căn bản cho con người. Con người không được tự mãn, nó phải khiêm tốn để học đón nhận một cái gì đó – “cúi đầu con xuống”. Nó phải lắng nghe để lần ra ơn gọi mình. Và nghe không có nghĩa là để một tai vào những gì vừa xẩy ra chung quanh, nhưng là lắng mình đi vào chiều sâu – hoặc hướng lên cao, bởi chưng những gì thầy nói đều không ngoài việc áp dụng Kinh Thánh, áp dụng bộ luật nguyên thuỷ của kiếp người.



Biển-đức tin rằng, lắng nghe và đáp trả cũng giống như hít vào và thở ra. Và con người cũng cần học cách chấp nhận mình, nó cần “ở lại trong chính mình”, cần im lặng, lắng nghe, tìm yên tĩnh cho mình. Từ hơn 1500 năm nay bộ luật vẫn không mất tính thời sự.

Qua luật biển-đức, ta thấy cái gì thực sự là người trong đó thì không mất tính thời sự. Cái gì thật sự toát ra từ chiều sâu thì vẫn là một cách sống không bao giờ lỗi thời. Người ta có thể phê bình nó, có thể thử tìm trong đó những hình thức vận dụng khác nhau, nhưng trên căn bản, quy luật sống đó vẫn luôn mang tính thời sự. Ngay ngày hôm nay, ta lại thấy cần phải thân thiện với địa cầu, cần coi trọng những quy luật của nó và bảo tồn tạo vật của nó. Và có lẽ ta lại bắt đầu thấy cần dành thời gian nghỉ ngơi cho việc phụng vụ, đừng bắt trí óc đêm ngày chỉ phải bận tâm với chuyện năng suất. Ta biết việc lắng nghe cũng là một phần của đời sống – bởi lẽ phụng vụ là việc Chúa đi vào lòng người và là sự lắng nghe. Ta biết kỉ luật, chừng mực và trật tự có liên quan với nhau ; vâng lời liên quan với tự do ; cũng thế, việc có thể chịu đựng lẫn nhau trong tinh thần đức tin không chỉ là quy luật nền tảng của một cộng đoàn dòng tu, nhưng tất cả những điều trên thật ra là những yếu tố nền tảng cho việc hình thành bất cứ một cộng đoàn xã hội nào. Đó là một bộ luật rất người, và nó cũng diễn tả được cái tính người đó, bởi vì nó nhìn vượt lên trên con người và – đã nghe và đã nhìn ra được những gì thuộc Thiên Chúa. Con người chỉ trở thành người khi nó được Chúa đụng đến.



Câu chuyện sau đây ta không được phép quên. Tên thật người đó là Gio-an Bernardone. Người ta gọi ngài là Francesco, nghĩa là ´chú Pháp nhỏ´, vì ngài thích hát nhạc Pháp. Ơn gọi của ngài là cả một câu chuyện thật cảm động. Có thể nói rằng Franciscus (Phan-sinh) đã cứu được Giáo Hội khỏi sụp đổ ?

Giáo Hội có lẽ chẳng bao giờ sụp đổ hoàn toàn đâu, nhưng trong cơn khủng hoảng của Giáo Hội, ngài đã làm được chuyện quyết định để chống đỡ nó. Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện của giáo chủ In-nô-xen-xô III. Ngài mơ thấy nguyện đường Lateran đổ và bỗng dưng có người ghé vai chống đỡ. Ngài cho rằng người đó chính là Phan-sinh và cho mời tới. Và nhà chính trị tài ba In-nô-xen-xô nhìn ra sức mạnh cần có cho Giáo Hội nơi anh nhà tu vô chính trị và có cuộc sống Tin Mừng cực đoan kia. Giáo Hội cần một đổi mới đoàn sủng từ bên trong, cần một ngọn lửa đức tin mới, chứ không phải chỉ với khả năng và chiến lược của giáo triều và của trật tự chính trị là đủ.

Tôi tin rằng câu nói của Đức Ki-tô “Hãy theo tôi”, hãy dứt khoát triệt để theo tôi, quả mang nhiều kết quả. Bao nhiêu xung lực và câu đáp trả mới đã không ngừng nẩy sinh từ đó. Và Giáo Hội, mỗi khi trở nên nhàm chán hay đứng trước đổ vỡ, vẫn không ngừng hi vọng vào những sức bật mới do Chúa Thánh Linh thúc đẩy từ bên trong. Những sức bật không bao giờ được chuẩn bị trước, nhưng chúng phát sinh từ những con người được chúc phúc và chúng làm cho Tin Mừng luôn mang lại hoa trái mới.

Phan-sinh là một trong những người đó. Sau thời gian tuổi trẻ vui chơi và nông nổi, bỗng dưng ngài nghe được tiếng gọi triệt để, và hân hoan bước đi theo Chúa. Ngài bằng lòng với cuộc sống tu trì đang có, chứ không nghĩ lập ra một dòng mới. Đứng trước nếp sống nặng nề, vô vị – và bị choáng ngộp bởi ích kỉ - của ki-tô hữu, ngài chỉ muốn đơn giản rao giảng lại Tin Mừng theo lối mới và góp nhặt người về cho Chúa. Ngài chỉ muốn trình bày Tin Mừng, nói về bài giảng trên núi, mà thôi, để khích động bà con ăn năn quay về với Chúa.

Nhưng từ đó, gần như ngược lại với ý ngài, một phong trào sống đạo đã hình thành, và cuối cùng nó đã trở thành khung pháp lí cho một dòng tu. Giáo chủ nhận ra nhu cầu phải cho phong trào này một khung hình tổ chức, để làm dụng cụ rao truyền sự hiện diện mới của Tin Mừng, mà Phan-sinh đang phát động. Nhưng đây rốt cuộc lại là bi kịch của dòng Phan-sinh : Một đàng, chủ trương sống tin mừng triệt để đòi hỏi phải có nhiều tự do, phải sống nghèo hơn, chủ trương đó không thể bị bó hẹp trong một khuôn khổ định chế. Nhưng đàng khác lại cần có một hình thức nào đó phù hợp cho một cộng đoàn con người bình thường tổ chức đời sống. Ngọn lửa sống đạo cực đoan kia thỉnh thoảng đã vượt ra khỏi định chế, nhưng dù vậy dòng vẫn luôn nhận ra chỗ đứng trong Giáo Hội của mình.

Ngay chính Giáo Hội cũng sống trong tình trạng lưỡng nan đó. Một mặt, tất cả chúng ta phải luôn nỗ lực, triệt để hơn trong việc vượt ra khỏi những thoả hiệp cuộc sống thường nhật. Nhưng mặt khác, nếu như phải chấp nhận tiếp tục sống với những thoả hiệp phải có trong thế gian này, thì ta nên chấp nhận cái gai bất an đó thôi thúc trong lòng, và hãy mở chính cuộc sống mình và cuộc sống thế giới ra cho chiều kích lớn rộng của Tin Mừng.



Phan-sinh đã chẳng bao giờ chịu làm linh mục, tại sao ?

Ngài là một người khiêm tốn. Ngài sống theo ý nghĩa nguyên thuỷ của lời Chúa, muốn trở nên bé mọn trước mặt Ngài, vì như Chúa đã nói, chỉ những ai bé mọn mới thấu hiểu được Tin Mừng. Linh mục trong thời xã hội đẳng cấp của ngài là giới thuộc cấp cao, ưu đãi, mà một kẻ chủ trương sống đơn giản phục vụ như ngài không muốn bước vào. Ngài muốn mình là một người loan báo Tin Mừng tầm thường, một kẻ hát rong ca ngợi Chúa. Theo truyền thuyết thì ngài đã là phó tế, một chức vị có quyền đọc Kinh Thánh trong các buổi phụng vụ. Ở đây xem ra chức phó tế, một bí tích phục vụ, là tác vụ thích hợp cho cuộc đời ngài.



Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương