Thơ Biểu hiện Đức



tải về 425.82 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2017
Kích425.82 Kb.
#33116
1   2   3   4

ALBERT EHRENSTEIN (1886-1950)

 

Không thể tránh

 

Ai biết được, chẳng phải



Cuộc đời là cái chết,

Hơi thở là bóp nghẹt,

Mặt trời là đen tối?

Từ đám cây sồi của thần linh

Rụng xuống những trái

Bị heo vầy thành phân,

Từ đó bốc lên

Mùi hoa hồng

Trong một chuyển động xoay vòng ghê rợn:

Thây ma là hạt mầm

Và hạt mầm là dịch hạch.

(1914)

*** 

 

Nỗi đau

 

Tựa như tôi bị cột vào



Những xe than tang tóc!

Ghê tởm như một con nhện

Bò lên tôi là thời gian.

Tóc tôi rụng xuống,

Đầu tôi xóa trắng thành cánh đồng,

Trên đó gặt hái

Người thợ gặt cuối cùng.

Giấc ngủ dìm xác tôi vào cõi tăm tối.

Trong mơ tôi đã lìa đời,

Cỏ mọc trong sọ,

Đất đen là đầu tôi.

(1914)

*** 

Đứng dậy

 

Tiếng thét gào yêu nước đổ ập tới



Bọn hung tợn bắt lính ở trong tình trạng chiến tranh.

Run run như kẻ mà y sĩ

Đã tuyên bố đủ khả năng để chết,

Con Người tái đi, bị ám ảnh

Vì miếng canh máu trong chiếc gà-mèn không sao nuốt được.

 

Những vết đen của mặt trời phủ bóng lên trái đất.



 

Lạnh lẽo, chất chồng, chung quanh vũng lầy,

Địa ngục, chung quanh cảnh tuyệt vọng của mi,

Những đống thây người cao ngất.

Kẻ chèo đò bất lực

Nắm lấy mái chèo bé nhỏ,

Đập nát con thuyền —

Lao dịch cho người

Những đoàn tàu biển lớn bị phá hủy

Dùng làm tàu đưa xác.

 

Tóm lại, các người hãy vung cây búa



Lên sọ đầu bọn sát nhân!

 

(1919)



-------------

ALBERT EHRENSTEIN (1886-1950) sinh tại Vienne ngày 23. 12. 1886, cha mẹ là người Hung. Ông học văn chương và đậu tiến sĩ năm 1910. Cộng tác với tờ Die Fackel, tạp chí của Karl Kraus. Từng du hành qua nhiều xứ ở Phi châu và Á châu. Năm 1932 định cư ở Thụy-sĩ rồi đến năm 1941 qua ở Nữu-ước. Ông mất tại đây ngày 8. 4.1950 sau một cơn bệnh lâu ngày và trong cùng khổ. Một tuyển tập Thơ và văn xuôi của ông đã được xuất bản năm 1961 (Verlag Die Arche - Karl Otten.) 

__________

GEORG HEYM

(1887-1912)



Những người điên

 

Trăng ló ra từ vách mây vàng.



Những người điên đã bám lấy những thanh rào sắt,

Như những con nhện lớn dán vào những vách tường.

Bàn tay họ lang thang dọc theo hàng rào bao quanh khu vườn.

 

Trong những căn buồng trống người ta thấy lập lờ những người nhảy múa.



Đó là cuộc khiêu vũ của những người điên. Đột nhiên ré lên

Tiếng kêu điên dại. Những tiếng thét gào lao xa thật xa,

Khiến mọi vách tường đều rung rinh dưới tiếng ầm ầm đổ vỡ.

 

Viên y sĩ mà y vừa mới cùng bàn thảo về nhà triết học Hume,



Một người điên đã nắm lấy thật hung bạo.

Ông ta nằm trong vũng máu. Sọ đầu bị đập vỡ.

 

Bầy người điên nhìn ngắm thú chí. Nhưng chẳng bao lâu



Họ bỏ chạy, tiếng roi đã quất ở xa xa,

Như đàn chuột lủi xuống lỗ.



*** 

 

Bastille

 

Những lưỡi liềm bén tua tủa như một khu rừng.



Khu phố Saint-Antoine xanh và đỏ

Những khối người đông đặc. Từ những vầng trán lóe sáng

Cơn thịnh nộ trắng. Những nắm tay siết lại.

 

Trên nền trời xám nhô lên ngọn tháp như chết.



Qua những khung cửa sổ nhỏ lọt vào lạnh lẽo nỗi ghê rợn hãi hùng.

Từ trên mái cao, nơi bước chân của quân canh vang vang

Cổ họng kim khí của những khẩu đại bác xám de dọa.

 

Đúng lúc đó một cánh cửa nghiến rít. Từ vách tường đen của ngọn tháp



Đoàn sứ giả mặc đồ đen xuất hiện.

Họ lặng lẽ làm hiệu cho nhau. Họ đã được phái tới vô ích.

 

Với một tiếng kêu giận dữ Paris đã choàng dậy.



Với búa rìu và gậy gộc cái tháp bị bao vây.

Những loạt súng lớn ầm vang trong trận chiến đường phố.



*** 

 

Ông thần của thành phố

 

Trên một khu nhà ông ngự thoải mái.



Những ngọn gió đóng đen chung quanh trán ông.

Ông nhìn đầy phẫn nộ, ở xa xa trong đơn độc

những ngôi nhà cuối cùng lạc lõng trên đồng quê.

 

Từ ánh chiều lóe lên cái bụng đỏ của Baal,



những thành phố lớn quỳ gối chung quanh ông ở nơi đây.

Những tiếng chuông nhà thờ vô số

đổ tới ông một biển tháp đen.

 

Như điệu múa của các tế sư nữ thần Cybèle



nhạc của hàng triệu tiếng chuông này vang dội trên đường phố.

Khói ống lò, mây nhà máy

bốc lên ông, xanh mùi khói hương.

 

Thời tiết tiêu hao nơi hàng lông mày ông.



Buổi chiều tăm tối trong đêm dịu lần.

Những trận cuồng phong chập chờn, như kên kên ngước nhìn

từ mái tóc ông dựng đứng cơn thịnh nộ.

 

Ông vươn trong bóng tối cái nắm tay đồ tể.



Ông siết lại. Một biển lửa lao nhanh

qua một đường phố. Và khói đặc của lò than hồng gầm thét

nuốt chửng con đường, cho tới khi muộn màng buổi sáng ló ra.

*** 

 Buổi chiều

 

Trong mê lộ thâm u



Những đường phố nhỏ miền núi,

Hãy còn một người

Bước xuống trong chiều muộn

Ở bên kia những cánh rừng

Đẫm ánh sáng máu.

 

Chiều phố nhỏ đã chết



Và những ngôi nhà tái nhợt

Và những khung cửa trống rỗng.

 

Nhưng ở bên dưới dòng sông



Trôi đi trong bóng xế

Tối đen và nặng nề.



*** 

 

Từ mùa Thu chết...

 

Từ mùa Thu chết và chân trời khép kín



Con hải âu đã trở lại từ sớm tới mãi rặng cầu,

Nơi đen đủi nước trôi đi trong xoáy nước đục.

 

Trong gió đôi bờ vàng úa thêm héo hắt,



Không trung đầy những cánh lá trôi giạt,

Mà số phần hòa lẫn cùng vẻ tiêu điều.

 

Những ngày trống rỗng nổi trôi và tan loãng,



Và qua những khung cửa trổ trên mái mở ngỏ của những ngôi nhà

Chỉ còn thấy một màu trời xám vĩnh viễn.



*** 

 

Hồn tôi

 

Tặng Golo Gangi

 

Hồn tôi là một con rắn,



Chết đã từ lâu,

Chỉ đôi khi vào những sớm mai Thu,

Trong ánh đỏ chiều tà trút lá

Tôi lớn thẳng lên từ khung cửa sổ,

Nơi các vì sao rơi rụng,

Trên những đóa hoa và đám ngổ xanh

Trán tôi lấp lánh

Trong gió đêm rền rĩ.



*** 
 

Lễ mi-sa

 
Bên ánh sáng khoan hòa của ba ngọn nến

Cái thây ma ngủ yên. Và những thày tu cao lớn xoay quanh hắn,

đôi lúc đặt mấy ngón tay của họ

lên khuôn mặt kẻ kia.

 

Phúc thay những kẻ chết, những kẻ trở lại với bình yên



Và vươn những bàn tay trắng của mình

Tới các vì thiên sứ, cao cả và đầy bóng,

Đang vỗ cánh lướt qua ngôi nhà cao.

 

Chỉ đôi lúc tiếng khóc băng qua những vách tường,



Những tiếng nức nở sâu xa trào ra trong mãn nguyện.

Nhẹ nhàng người ta bắt tréo đôi tay với những ngón gầy của hắn

Yên nghỉ trên lồng ngực đầy lông lá.

---------------- 

GEORG HEYM (1887-1912) sinh tại Hirschberg, Silésie, thủa nhỏ sống ở Berlin, học luật và có cấp bằng tiến sĩ. Mất vì tai nạn (chết đuối khi trượt băng trên sông Havel). «Những người điên» và «Bastille» viết vào tháng 6. 1910; «Ông thần...» viết vào tháng 12. 1910. «Buổi chiều» và «Từ mùa Thu chết...» viết vào tháng 10. 1911; «Hồn tôi», vào tháng 12 cùng năm. «Lễ mi-sa» là bài thơ chót, viết vào tháng giêng 1912. Tác phẩm toàn bộ của Georg Heym in năm 1962. 

__________

GEORG TRAKL

(1887-1914)

 

Suy tàn
 

Buổi chiều, khi hồi chuông nguyện ở xa xa vang dội,

Tôi theo dõi những đàn chim bay huyền bí,

Những cánh chim tụ lại, tựa những khách hành hương mộ đạo,

Biến mất dần trong khoảng không trong trẻo mùa Thu.

 

Lang thang qua những khu vườn đầy ánh sáng lờ mờ



Tôi mơ màng nghĩ tới số mệnh thật thanh thản của chúng

Và không còn cảm thấy khắc giờ động đậy.

Tôi theo dõi con đường của chúng bên trên những đám mây.

 

Lúc ấy tôi run rẩy trước mùi tàn úa.



Con sáo rên xiết trong những cành trơ trụi.

Những chùm nho đỏ đu đưa trên hàng dậu rỉ sét,

 

Trong lúc như vòng ca múa cái chết của những đứa trẻ tái mét



Chung quanh những bờ giếng tối om, long lở,

Những bông thúy cúc xanh rùng mình nghiêng nghiêng trong gió.



*** 

 

De profundis*


 

Có một mái tranh nơi một cơn mưa đen rơi xuống.

Có một cội cây màu nâu, đứng đó lẻ loi.

Có một cơn gió lốc, xoay vòng quanh những túp chòi trống rỗng-

Ôi sao mà buồn thế chiều nay.

 

Dọc theo xóm nhỏ



Cô gái mồ côi dịu dàng hãy còn mót một vài bông lúa lơ thơ.

Trong ánh hoàng hôn đôi mắt cô mê mải, tròn xoe và vàng rỡ.

Và lòng cô mỏi mòn với người vị hôn phu hiền hậu đợi chờ.

 

Khi họ trở lại



Những người chăn cừu đã bắt gặp tấm thân yêu kiều xinh xắn ấy

Rữa nát giữa đám bụi gai.

 

Tôi chỉ là một chiếc bóng, xa cách những thôn làng tăm tối.



Nhưng ấy chính sự lặng thinh của Thượng đế

Là những gì tôi đã uống từ giếng nước trong rừng.

 

Trên trán tôi bước một loài kim khí lạnh.



Những con nhện lùng kiếm trái tim tôi.

Có một làn ánh sáng, trên miệng tôi, đã tắt.

 

Ban đêm tôi ở trên một giải đất hoang,



Cứng đơ dưới rác rưởi và bụi của các vì tinh tú.

Trong đám cây hạt dẻ

Đã lại lanh tanh những thiên sứ bằng pha lê.

 

-------------



* Tựa đề bằng tiếng La-tinh: "Từ vực sâu". (ND.)

***


Vào mùa xuân

 

Nhè nhẹ tuyết lún dưới những bước chân tăm tối.



Trong bóng cây

Những người tình ngước đôi mí mắt hồng.

 

Ành dương và đêm tối luôn luôn nối tiếp nhau



với những tiếng kêu không rõ của thủy thủ;

Và những mái chèo kín đáo khua động nhịp nhàng.

 

Chẳng bao lâu nữa trên mảnh tường đổ nát sẽ nở



Những bông hoa tím,

Tái đi thật lặng lẽ là màng tang kẻ đơn độc.



*** 

 

Gửi những người không còn tiếng nói

 

Ôi cơn điên dại của thành phố lớn khi chiều tối



Những cội cây héo úa sững lại trên một bức tường đen,

Tà thần nhìn ngắm từ chiếc mặt nạ ánh bạc;

Với ngọn roi cuốn hút ánh sáng xua đuổi đêm bằng đá.

Ôi, âm thanh nhạt nhòa của những tiếng chuông chiều.

 

Cô gái điếm trong những cơn rùng mình giá buốt sinh hạ một đứa trẻ đã chết.



Điên cuồng cơn thịnh nộ của Thượng đế quất lên trán của những người bị quỷ nhập,

Bệnh dịch đỏ tía, đói khát, đập vỡ những con mắt xanh lục.

Ôi, tiếng cười ghê rợn của kim tiền.

 

Nhưng bất động trong một hang hầm tăm tối hơn một nhân loại câm nín hơn nhỉ máu,



Đầu óc giải thoát tụ tập lại những kim khí cứng.

*** 

 

Tiếng than

 

Giấc ngủ và sự chết, những con ó thê lương



Ù ù thâu đêm quanh cỗ sọ này:

Hình ảnh thiếp vàng của con người

Hãy cuốn đi đợt sóng băng giá

Của vĩnh cửu. Đập vào những tảng đá ngầm ghê rợn

Xác thân màu đỏ tía vỡ tan

Và tiếng nói âm âm rên rỉ

Trên biển cả.

Hỡi người em gái của muộn phiền sóng gió

Em thấy đó một con thuyền sợ sệt chìm đắm

Dưới trời sao,

Khuôn mặt câm nín của đêm đen.

*** 

 

Grodek

 

Buổi chiều những khu rừng mùa Thu vang dội



Tiếng vũ khí giết người, những cánh đồng vàng ánh

Và những mặt hồ biếc xanh nơi vầng thái dương

U ám lăn lăn; và đêm tối quấn quít

Những chiến binh hấp hối, tiếng than van điên dại

Từ cửa miệng họ nát bấy.

Nhưng trong im lặng tích tụ trên đồng cỏ trống

Mây đỏ hung hung nơi trú ngụ một thần linh thịnh nộ,

Máu đã tuôn trào, ánh trăng lạnh lẽo;

Mọi con đường đều đổ về nơi mục nát tối đen

Dưới những cành lá thiếp vàng của đêm và dưới các vì sao

Lảo đảo chiếc bóng người em gái qua khóm cây âm thầm

Đi chào đón hồn ma của những kẻ anh hùng, đầu tóc máu me.

Và nhè nhẹ vang lên trong lau sậy những ống tiêu tăm tối của mùa Thu.

Hỡi cảnh tang tóc cao cả hơn! những ban thờ sắt đá của ngươi,

Hôm nay nuôi dưỡng ngọn lửa nồng cháy của thiên tài là một nỗi đau mãnh liệt,

Con cháu không sinh ra.



----------------

GEORG TRAKL (1887-1914) có lẽ là nhà thơ «biểu hiện» nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông sinh ngày 3. 2. 1887 tại Salzbourg, mất trong đêm 3 rạng ngày 4. 11. 1914 tại quân y viện Krakau. «Suy tàn» viết vào tháng 6. 1909; «Từ vực sâu», tháng 9. 1912; «Vào mùa xuân», hè 1913; «Gửi những người không còn tiếng nói», tháng một-chạp 1913. Theo Jean-Michel Palmier, «Tiếng than» và «Grodek» là hai bài thơ cuối của tác giả, viết năm 1914, sau khi chứng kiến cảnh tàn bạo của chiến tranh ở Grodek. Cả hai bài này đều mang hình bóng người em gái (Gretl) mà Trakl say đắm.

__________



THƠ BIỂU HIỆN ĐỨC (phần II)

 

 



JACOB VAN HODDIS

(1887-?)


 

Tận thế

 

Từ sọ đầu nhọn hoắt của nhà tư sản chiếc nón bay đi,



Trong mọi luồng gió có tiếng gì vang dội như những tiếng gào thét,

Những người lợp mái nhà rớt xuống và tan tác,

Và trên những bờ biển — ta đọc thấy — sóng dâng cao.

 

Bão đã tới, những vùng biển dữ vọt lên



Trên mặt đất, để triệt hạ những đập nước dầy đặc.

Phần lớn mọi người đều bị sổ mũi.

Những đường hỏa xa sụp đổ từ trên những nhịp cầu.

---------- 



JACOB VAN HODDIS, bút hiệu của Hans Davidsohn. Sinh năm 1887 tại Berlin. Cha là y sĩ. Học kiến trúc ở München năm 1906, rồi văn chương ở Iéna và Berlin. Năm 1909, cùng với Kurt Hiller thành lập «Câu lạc bộ mới» nơi các nhà văn trẻ tới đọc tác phẩm của họ. Ông bị lao rồi dần dần mắc bệnh tâm thần và phải đưa vào dưỡng trí viện ở Tübingen năm 1922, rồi Esslingen và năm 1933 gần Coblence, từ đây, năm 1942, ông bị đày đi một nơi không rõ là đâu, cũng không biết chết ở đâu và vào năm nào nữa. Một phần tác phẩm đã thất lạc. Sinh thời in được 16 bài thơ trong tập Weltende, Berlin 1918. «Tận thế» xuất hiện lần đầu trên tờ Der Demokrat, 11.1.1911.

__________

 

OSKAR KANEHL (1888-1929)

 

Thành phố



I

Như những con thú động cỡn ép sát lại gần nhau,

những trại binh bằng đá.

Từ một sườn mái

mặt trời

e dè và lỗ mãng nhô lên.

Bị một ống khói nhà máy xuyên qua

và vấy muội đen

lại rớt xuống.

Choáng váng vì tiếng ồn máy móc

và bụi bám nghẹt thở

các hồn đã chết

trong đêm.

 

II

Người người lúc nhúc như sâu bọ.

Thiếu ngủ. Lẹ lên! Lẹ lên!

Những công chuyện, bàn giấy, xưởng máy.

Những con mắt hõm sâu ngạo mạn,

che đậy dưới những gọng kính.

Những mảnh thịt da rải rác

trên những bộ xương khô cằn.

Những người đàn bà lép kẹp

cột chặt những giáp sắt che ngực.

Những người mang thai.

Bệnh tật, thèm muốn và khoái lạc.

Cùng khổ bốc mùi.

Những bữa ăn thịnh soạn ngào ngạt.

Những đứa con bị đọa đày của Thượng đế,

những con người-cặn bã được cưng chiều.

Tiếng còi xe hơi. Tiếng kêu

cuối cùng của một kẻ bị xe cán.

Người người tụ tập. Cảnh sát.

Những tiếng chuông xe đạp.

Qua mau đi. Một người chết có là gì.

Lao động, đói khát.

Những vành môi bầm dập.

Đói khát, lao động.

Một con sẻ trên đống phân ngựa.

Tiền! — Tiền! — Tiền!

*** 


Mặt trời lặn

 

Những dải mây trắng cuối cùng bỏ trốn.



Ánh ngày đã thôi vật lộn

trên biển.

Như một vũng máu đỏ lan rộng,

nơi đất tựa những thây ma trôi giạt.

Từ trời cao nhỏ xuống một bọc mủ: trăng.

Không một thần linh nào trông chừng.

Trong hốc mắt bị xuyên thủng của các vì thiên thể

cái chết xạm đen nép mình.

Và không một làn ánh sáng.

Và mọi loài thú hú lên như vào ngày Phán xét cuối cùng.

Và những thây người đổ xuống

trên bờ.


***

 

Gửi Karl Liebknecht*

 

Anh vẫn sống.



Là vì những người vô sản của anh vẫn sống.

Nơi từng người thợ mỏ bước xuống hầm mỏ.

Nơi từng người phu trại đạp đất đằng sau lưỡi cầy.

Nơi từng người coi hầm tầu mồ hôi từ tấm thân trần nhỏ giọt.

Nơi kẻ lửng lơ trên những sườn nhà giữa trời và đất.

Nơi người ký lục gò mình trên bục viết.

Nơi cô thợ may với những ngón tay rỉ máu.

Nơi vợ người vô sản mang những đứa con.

Anh hiện hữu.

Thành phố và đồng quê đông đúc những người của anh.

Anh hiện hữu nơi mọi kẻ trốn tránh.

Anh hiện hữu nơi mọi kẻ bị khai thác bóc lột.

Nơi mọi kẻ bị giam cầm. Nơi mọi kẻ bị áp bức.

Nơi tất cả tuổi trẻ

nồng cháy hồi sinh,

chính anh hiện hữu.

Anh hiện hữu

bên ngọn lửa làm sôi sục nồi súp-de.

Nơi sợi cáp rút kho tàng ra khỏi đất.

Nơi bảng điều khiển cung cấp cho thế giới một luồng ánh sáng.

Nơi tay lái xoay không ngừng nghỉ

để cống hiến chứng tỏ thành quả lao động của chúng tôi.

Anh hiện hữu

Nơi những nhà máy. Nơi những viện dưỡng tế.

Nơi những căn buồng sát mái và nơi những hang hầm.

Nơi các trại binh. Nơi tù ngục.

Nơi những nhà thổ và nhà điên.

Trong từng người một

ở vô số những chốn khốn cùng ấy của loài người.

Từ mộ anh bước ra những người cách mạng.

Anh có nghe lời thề của họ trong mọi thứ ngôn ngữ?

Đạo binh của những kẻ nổi dậy khởi đầu bước thắng lợi.

Trong hết mọi kẻ đã chết của hết mọi chiến trường, kẻ hùng hồn nhất:

là anh.


Karl Liebknecht.

Anh vẫn sống

Là vì anh ở giữa chúng tôi.

Anh vẫn sống.

Là vì những người vô sản vẫn sống.

Trong hằng trăm nắm tay nắm tay anh siết lại.

Trong hằng trăm trái tim trái tim anh nẩy đập.

Qua hằng triệu cửa miệng miệng anh thét lên:

Muôn năm Cách mạng Thế giới!

-----------------

* Karl LIEBKNECHT, người lãnh đạo «cuộc nổi dậy của những người theo Spartakus», sinh tại Leipzig năm 1871 và bị ám sát trong tù năm 1919. Cha ông, Wilhem Liebknecht, một chính trị gia Đức (1826-1900), sinh tại Giessen, đã thành lập đảng dân chủ-xã hội vào năm 1869. Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg (1870-1919), cùng bị ám sát vì tham dự cuộc cách mạng của những người Spartakus, là hai nhà lãnh tụ cách mạng được các nghệ sĩ biểu hiện ca ngợi. (Spartakus: tên một người nô lệ cầm đầu cuộc nổi dậy của các nô lệ chống lại các binh đoàn La-mã thời trước..) (ND.)

*** 


Lời kêu gọi đình công

 

Hãy để những cái búa nghỉ việc.



Hãy để những bánh xe ngừng lại.

Hãy để những ngọn lửa giảm bớt.

Hãy tắt ánh sáng đi.

Hãy làm xáo trộn tiện nghi của những kẻ ăn không ngồi rồi.

Hãy chận đứng việc cung cấp lương thực cho những trạn thức ăn của họ.

Mùa màng không để nuôi sống các người cần phải hư thối.

Hòn than không sưởi ấm các người có thể vụn vỡ dưới lòng đất.

Ống lò mà các người không làm bốc khói có thể sụp.

Coi kìa.

Sự khai thác bóc lột của kẻ tư sản dựa trên lao động của các người.

Nhà hắn giàu có. Giường hắn êm.

Nhờ lao động của các người mà hắn nuôi thân béo mầm.

Nhờ lao động của các người mà hắn làm đẹp bà vợ cho hắn.

Nhờ lao động của các người mà con cái hắn lớn khôn.

Thật hăm hở mấy ông này học cách ở bên trên các người.

Họ đã bị đầu độc thù ghét các người.

Nhờ lao động của các người.

Còn các người? Những người vô sản? — Bọn trâu bò ưa việc nặng?

Và các trú khu-trại lính của các người — Những ngọn tháp của đói khát?

Và vợ các người? — Những cái máy đẻ?

Và con cái các người? — Những đứa trẻ xanh rớt của khốn cùng?

Khốn nạn thay mỗi nhát búa vì bọn tư sản.

Khốn nạn thay từng bước chân đưa tới chuyện phục vụ chúng.

Khốn nạn thay lòng biết ơn của chúng. Khốn nạn thay phần thưởng chúng dành cho kẻ bội phản.

Trái đất là của các người.

Hãy ra khỏi các nhà máy!

Xuống đường!

---------- 



OSKAR KANEHL sinh tại Berlin năm 1888. Học triết lý. Tham dự chiến tranh 1914-18. Kế đó trở thành nhà soạn kịch ở Berlin. Tự sát năm 1929. Để lại nhiều thi tập. «Thành phố» là một bài thơ dài đăng trên Die Aktion, 1913 (ở đây chỉ trích hai đoạn). «Mặt trời lặn» trích từ Die Aktion, 29-8-1914. «Gửi Liebknecht» và «Lời kêu gọi...» trích từ Steh auf, Prolet!, Erfurt, 1920. 

__________

 

ALFRED WOLFENSTEIN

(1888-1945)

 

Những nơi ở bệnh hoạn

 

Cuộc đi này trong đường hầm tăm tối của con đường...



Những khung cửa nhạt mờ chơi diễu hành trước mắt tôi.

Trên cao bầu trời nhỏ hẹp đều đều bằng phẳng

Lao xuống những tấm kính cửa một tiếng cười hiểm ác.

 

Héo khô gào thét nằm như một con chó là con đường,



Mà bước chân tôi theo đuổi trong lo ngại và thù ghét.

Không khí thấp hèn, mịt mù những mùi hôi thối của thành phố,

Khạc vào mặt tôi từ những cổ họng rít lên.

 

Hé mở con đường này chấm dứt.



Và những vành môi hổn hển hít thở làn khí tự do,

Nơi thật nồng nhiệt màu xanh lục những vùng sâu thẳm và vẻ oai nghiêm ánh vàng quấn quít lấy nhau!...

Thế nhưng tôi sẽ trở lại... ngột ngạt âm âm...

Phó mặc những ngôi nhà nơi tôi ở.

---------- 

ALFRED WOLFENSTEIN (1888-1945) sinh ngày 28.12.1888 tại Halle. Được ít lâu sau khi ông sinh, gia đình dọn tới ở Berlin, nơi ông theo học Luật. Phải bỏ trốn Berlin vì Đức quốc xã, ông di cư qua Praha, rồi tới Paris vào năm 1939. Khi quân Đức tràn qua Pháp, ông bị Gestapo bắt và giam giữ ba tháng ở ngục Santé. Khi giải phóng, người ta tìm thấy ông đau nặng trong một căn buồng khách sạn. Ông được đưa tới bệnh viện, và vì quá suy nhược đã tự sát ngày 22.1.1945. «Những nơi ở bệnh hoạn» trích từ Die Aktion, 26.3.1913.

__________

 

RUDOLF LEONHARD

(1889-1953)

 

Liebknecht chết

 

Xác ông vươn rộng trên toàn thành phố,



trong mọi khoảnh sân, trong mọi con đường.

Mọi căn buồng

tràn ngập máu ông đương tuôn chảy.

 

Trong lúc những hụ còi nhà máy bắt đầu



lâu vô tận

gầm lên từ những cửa họng mở toác,

hú lên vang động trên toàn thành phố.

 

Và bằng một ánh mờ le lói



trên hàm răng bất động

lấp lánh


xác ông bắt đầu

mỉm cười.

 

----------- 



RUDOLF LEONHARD (1889-1953) sinh năm 1889. Học luật. Từng bị thương trong chiến tranh 1914-18 nhưng sau đó đã theo Karl Liebknecht và tham dự cuộc cách mạng của những người Spartacus với tư cách thành viên Hội đồng những người Lao động Trí thức. Từ 1927 và trong thời Đức quốc xã, đã sống ở Pháp. Rất hoạt động trong các phong trào chống phát-xít. Từng nếm mùi các trại giam của Pháp (Le Vernet) và kế đó tham gia Kháng chiến Pháp. Trở lại Berlin sau chiến tranh và mất tại đây vào năm 1953. Tác phẩm của ông do nhà Aufbau (Đông Berlin) ấn hành. Nguyên tác bài thơ dịch trên đây in năm 1919.

 _________

 



tải về 425.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương