MỘt tư liệU “MẬT” VỀ thi hào joseph brodsky



tải về 191.56 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích191.56 Kb.
#31212
  1   2   3


Văn học nước ngoài - Thơ Nga - Joseph Brodsky
______________________________

MỘT TƯ LIỆU “MẬT” VỀ THI HÀO JOSEPH BRODSKY

(NCTG) Thi sĩ kiêm dịch giả Nga Joseph Brodsky (1940-1996) ra đời và trưởng thành ở Leningrad (Saint Petersburg ngày nay). Ông thôi học năm 15 tuổi và làm đủ mọi thứ nghề trong những chuyến chu du vòng quanh nước Nga và châu Á. Trong thời gian đó, Brodsky học nhiều ngoại ngữ, ông biết thạo tiếng Anh và Ba Lan. Thập niên 60, ông đã kiếm sống bằng các tác phẩm dịch thuật, chủ yếu của các thi sĩ siêu hình Anh thế kỷ XVII.

Bắt đầu làm thơ năm 1958, Brodsky thường xuyên tham gia các đêm thơ được tổ chức bán hợp pháp ở Leningrad. Ông bị cơ quan mật vụ chính trị KGB theo dõi và nhiều lần bị bắt giam trong thời gian ngắn. Năm 1963, Brodsky bị đưa đi kiểm tra tại viện tâm thần; năm sau, ông bị kết án 5 năm tù đày khổ sai với lời buộc tội “lẩn tránh lao động, ăn bám và nguy hiểm đối với xã hội” (bản án này được xóa bỏ năm 1989).

Sau 17 tháng tù, Brodsky được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều văn nghệ sĩ có uy tín của nước Nga như Anna Akhmatova, Paustovsky, Shostakovich…. Tuy nhiên, ở Liên Xô (cũ), hầu như thơ của Brodsky vẫn không được đăng tải và nhà thơ vẫn bị quản thúc liên tục. Năm 1972, vào thời kỳ đầu của làn sóng di cư Do Thái, cơ quan KGB “khuyên” ông nên rời bỏ tổ quốc (vào thời ấy, điều này đồng nghĩa với sự cưỡng bách).

Rời Liên Xô, Brodsky sang châu Âu rồi định cư ở Mỹ, ông giảng dạy ở nhiều trường đại học và viết văn bằng Anh ngữ. Ông được nhận nhiều giải thưởng văn học lớn như giải dành cho cuốn sách hay nhất năm 1986 ở Mỹ (tập tiểu luận “Less Than One”), giải Thi ca Mỹ (năm 1992)…, trong số đó, cao quý nhất là giải Nobel Văn chương năm 1987.

Brodsky mất đột ngột trong một cơn đau tim ngày 28-1-1996. Giới thưởng ngoạn văn học phương Tây rất ưa chuộng các thi phẩm và tiểu luận của Brodsky, coi ông là thi hào đương đại kiệt xuất nhất của nước Nga. Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, báo chí thế giới đánh giá Brodsky - cùng Octavia Paz và Gabriel Garcia Marquez - là ba đỉnh Thái Sơn hùng vĩ nhất trong số các văn hào, thi hào hiện hữu. Thậm chí, có nhà phê bình văn học còn cho rằng Brodsky là người “tổng kết mọi nền thi ca của thế kỷ XX!” Nói về Brodsky, thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel Văn chương 1995, đã khẳng định: “Dù tôi không đọc được bằng tiếng Nga các tác phẩm của Brodsky, nhưng trong tất cả các nhà thơ tôi đã gặp hay được nghe danh, Brodsky có trí tuệ thi ca lớn nhất“.

*

Năm 1987, khi Brodsky được trao giải Nobel Văn chương, một lần nữa, chính quyền Xô-viết lại đặt ra một “vụ Brodsky” mới. Trong dịp này, câu hỏi chính được đặt ra là “báo chí Liên Xô có thể tường thuật về giải Nobel Văn chương của Brodsky hay không?



Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, chắc hẳn giới lãnh đạo Liên Xô đã suy tính đủ mọi nhẽ. Ngoại trừ Sholokhov là một nhà văn trung thành với chế độ Xô-viết, thì tất cả những giải Nobel còn lại đều được trao cho những nhân vật “có vấn đề”: Bunin, Pasternak, Solzhenitsyn, Sakharov và lần này là Brodsky. Đây là một vấn đề đau đầu đối với ban lãnh đạo thượng đỉnh trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tường thuật, hoặc chỉ đưa tin, về giải thưởng Nobel của Brodsky, đồng nhất với việc chính phủ Liên Xô công nhận sự thất bại của họ trước một thi sĩ mà họ đã và vẫn thường xuyên bôi nhọ. Ngược lại, trái với trường hợp của Pasternak và Solzhenitsyn, Liên Xô cũng không thể “phát ngôn bừa bãi” trên báo chí trong nước với những luận điệu đại loại “giải Nobel là âm mưu chống phá nhà nước Xô-viết của bọn phản động quốc tế“… Vào thời kỳ tổng bí thư Gorbachev hô hào chính sách cải tổ và công khai, bộ phận “cấp tiến” trong Đảng Cộng sản đang cố sức chứng tỏ rằng họ muốn thay đổi trong mối quan hệ với giới văn nghệ sĩ và trí thức (cho phép in ấn lại một số tác phẩm bị cấm đoán trong nhiều năm, trả tự do cho viện sĩ Sakharov, cho phép các nhà văn, nhà báo, sử gia… đụng chạm ở một mức nào đó đến các vấn đề “cấm kỵ”…), không thể tiếp tục tuyên truyền trong dân chúng bằng những thủ thuật ấu trĩ, thô thiển như xưa.

Rốt cục, một chỉ thị ít nhiều mang tính thỏa hiệp - thỏa mãn được phần nào cả phe “cứng rắn” lẫn phe “cởi mở” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô - đã được đưa ra. Người ta không loan tin trên báo chí chính thức về giải Nobel của Brodsky, nhưng ngầm cho phép các bạn hữu của thi sĩ tổ chức những đêm thơ Brodsky ở Moscow và Leningrad, dĩ nhiên là trong khuôn khổ hạn chế. Dần dần, thơ của Brodsky được hiện diện rải rác trên một số tờ báo, tạp chí văn nghệ, thoạt đầu là “Novy Mir” (Thế giới mới) (1), sau đó đến “Ogonok” (Tia lửa nhỏ), “Oktyabr” (Tháng Mười), “Neva” (Sông Neva)…; đôi khi người ta không hề xin phép và bất chấp mọi ý muốn của tác giả. Nhà xuất bản Văn học, một trong số hai nhà xuất bản in ấn các tác phẩm thi ca ở Liên Xô, cũng rậm rích in một tập thơ “tuyển” của Brodsky, với nhiều thủ tục nhiêu khê, quan liêu thường thấy… Nói cách khác, bề ngoài, do không thể giấu giếm và "lờ" đi Brodsky nên đơn thuần chính quyền “tạm” nhắm mắt cho ông tồn tại vẩn vơ “bên lề xã hội”!

Tuy nhiên, ngay trong những năm tháng cuối của đế chế Xô-viết, giới mật vụ chính trị Liên Xô vẫn giữ một quan điểm và cái nhìn hết sức thủ cựu và “chậm tiến” về nhà thơ. Điều đó được phản ánh rất rõ ràng trong bản “tiểu sử bí mật” của Brodsky, do trưởng phòng KGB I. Abramovich phác thảo năm 1987, nhằm phục vụ cuộc thảo luận của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về vấn đề “có nên để báo chí đưa tin về giải Nobel của Brodsky hay không?” Mới được đưa ra công luận cách đây gần chục năm, văn kiện “mật” ấy đã khiến đông đảo độc giả kinh ngạc về lối “hành văn” kỳ quặc và những lời lẽ “xanh rờn”, rất đặc thù cho cách diễn đạt của giới quan chế độc tài Liên Xô.

Sau đây là một đoạn trong bản “tiểu sử bí mật” đó. Các chú thích trong bài là của người dịch.

***


TIỂU SỬ BÍ MẬT CỦA BRODSKY (trích)________________________________________

Brodsky, Josif Aleksandrovich, sinh năm 1940, tại Leningrad, dân tộc Do Thái, không tốt nghiệp phổ thông trung học, thi sĩ, thành viên BBT tạp chí “Kontinent”, sống ở Mỹ.

Cha: Aleksandr Ivanovich Brodsky, sinh năm 1903, Do Thái, làm nghề nhiếp ảnh, mẹ: Volpert Maria Moiseyevna, sinh năm 1905, Do Thái, cả hai đều mất ở Lenindrad.

Bắt đầu làm thơ từ năm 1958, đăng tải trên tờ tạp chí tự phát hành (samizdat) “Sintaksis”. Trong những năm 1961-1965, Brodsky tuyên truyền những tư tưởng phản bội và trong số các bài thơ của y, vào thời đó, rất nhiều bài bị các chuyên gia cho là có hại về mặt tư tưởng. Y có quan hệ gần gũi với A.A.Umansky và O.I.Shkhmatov, những kẻ về sau bị bắt vì tội chống chế độ Xô-viết.

Trong một thời gian dài, Brodsky không làm việc ở đâu cả, y sống một cuộc đời ăn bám và đã nhiều lần bị các cơ quan MVD (2) cảnh cáo, do đó, tháng 3-1964, phù hợp với nghị quyết “Tăng cường cuộc đấu tranh chống những cá nhân có lối sống phản xã hội” (3) của Đoàn chủ tịch Hội đồng Xô-viết Tối cao Liên Xô, tòa án nhân dân quận Dzerzhinsky (Leningrad) đã ra bản án 5 năm đày ải ở trại cải tạo lao động Arkhangelsky đối với y… Tháng 11-1965, xét đến đơn [xin ân xá cho Brodsky] của A.Akhmatova, S.Marsak, K.Chukovsky, D.Shostakovich, V.Admony, Y.Erkind, Y.Gordin, I.Metter, y được tha, không phải ngồi tù khoảng thời gian còn lại.

Sau khi trở về Leningrad, Brodsky tập trung quanh y những thanh niên non nớt về chính trị, tiếp tục tuyên truyền các bài thơ có nội dung tệ hại về mặt tư tưởng và đăng tải chúng trong các ấn bản tự phát hành…

Tháng 6-1972, nhận được một lời mời [từ ngoại quốc], Brodsky rời bỏ Liên Xô và định cư ở Mỹ (4).

Ở Mỹ, Brodsky trở thành giáo sư đại học, đồng thời, y tiếp tục đăng thơ trên báo chí phương Tây, trong số đó có những tờ mang tính chất chống chính quyền Xô-viết (”Vestnik RHD”, “Vremya i mi” v.v…), và trong một số bài thơ, y đã nhạo báng Đảng Cộng sản Liên Xô và hiện thực Xô-viết.

Năm 1974, Brodsky là thành viên BBT tờ tạp chí “Kontinent”, có quan điểm chống đối chế độ Xô-viết.

Brodsky tham gia vô số những hoạt động khiêu khích tư tưởng do các trung tâm bạo loạn phương Tây tổ chức…

Năm 1979, tại Đại hội lần thứ 44 của Văn bút Quốc tế (PEN Club) ở Rio de Janeiro, Brodsky có mặt trên cương vị “đại diện nước Nga” và y đã kêu gọi Văn bút Quốc tế mở rộng những trung tâm của các văn sĩ lưu vong và ủng hộ quan điểm chống thể chế chủ nghĩa xã hội của chúng.

Năm 1986, tại Hội nghị ở New York của Văn bút Quốc tế, cùng Aksyonov (5), y đã tuyên truyền cho những ưu điểm của lối sống Mỹ.

Năm 1981, y được trao giải MacArthur, một giải thưởng vô cùng có uy tín; nhờ đó, trong vòng 5 năm, hàng năm y được nhận 30 ngàn Mỹ kim. Năm 1987, y được giải của giới phê bình Mỹ…

Tháng Sáu năm ấy, y từ chức viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Hoa Kỳ để phản đối việc Y.Yetushenko (6) được nhận làm viện sĩ danh dự.

Giới tuyên truyền phương Tây gọi Brodsky là “thi sĩ Nga vĩ đại nhất“, kẻ “khi ở Liên Xô đã bị đàn áp trên báo chí, bị kết án, bị tù đày, bị đày ải và bị buộc phải rời bỏ Tổ quốc“…

Trao giải Nobel cho Brodsky là một hành động chính trị khiêu khích của các nhóm phản động phương Tây, nhằm mục đích ngăn chặn cảm tình ngày càng tăng của công luận thế giới trước chính sách ngoại giao yêu chuộng hòa bình của đất nước ta…



----------------

Ghi chú:

(1) Tại lễ trao giải Nobel Văn chương ở Stockholm, Brodsky nhận xét một cách châm biếm rằng sau khi tờ “Novy Mir” đăng một chùm thơ ông, số các bài thơ của ông được đăng tải ở Liên Xô lên đến con số... 12!

(2) Viết tắt của Bộ Nội vụ Liên Xô.

(3) Nghị quyết này nhằm vào “những phần tử trốn tránh lao động”, “ăn bám xã hội”. Chiến dịch chống lại “những tên trốn tránh lao động” bắt đầu năm 1957. Thoạt đầu, nó nhằm vào những kẻ vi phạm trật tự xã hội - buôn lậu, nghiện ngập rượu chè, côn đồ v.v… - nhưng sau đó, mục tiêu thực sự của chiến dịch đó là những văn nghệ sĩ “hành nghề tự do”, những diễn viên, họa sĩ, thi sĩ… không phải là thành viên các Hội nghệ sĩ chính thức, mang tính “quốc doanh”, đặt dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Thời gian đầu, chính quyền mới chỉ xúi giục hàng xóm, láng giềng gây sự, hành hung với những phần tử “ăn bám”, sau đó, họ bị đưa ra tòa và bị đày ải đi những vùng xa xôi nhất của lãnh thổ Liên Xô. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch “chống bọn trốn tránh lao động” biến thành một chiến dịch bài Do Thái: đa số những văn nghệ sĩ, trí thức bị buộc vào tội này đều là người gốc Do Thái hoặc có quan hệ với sắc tộc Do Thái.

(4) Kỳ thực, trong thực tế, Brodsky bị cưỡng bức phải ra nước ngoài.

(5) Vasily Aksyonov (1932- ): nhà văn Nga. Cùng Evtushenko, ông từng là đại diện của “làn sóng mới” trong văn giới Xô-viết đầu thập niên 60. Khi ở Liên Xô, Aksyonov tham gia giới trí thức đối lập và thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu. Bị buộc phải di tản năm 1980, định cư ở Mỹ, Aksyonov thuộc hàng văn sĩ nổi tiếng nhất của Nga ở nước ngoài.

(6) Yevgeny Yevtushenko (1933- ): nhà thơ, nhà văn Nga, nhân vật nổi bật nhất trong văn giới Liên Xô của thời kỳ “hòa dịu” sau 1956. Tuy nhiên, sau những năm tháng “nổi loạn” và “phản kháng” ban đầu, dần dần Yevtushenko đã tỏ ra “thích nghi” với chính quyền và đứng vào hàng những văn nghệ sĩ “cung đình” được trọng dụng ở Liên Xô.

Ngày 16-2-1988, trong cuộc trò chuyện với người bạn cũ là Tomas Ventslova, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Lithuania, một chuyên gia xuất sắc về văn học Nga (sống tại Hoa Kỳ), Brodsky đã phát biểu như sau về Yevtushenko và về việc ông ra khỏi Viện Hàn lâm Văn học Mỹ:

anh ta là một kẻ mà tôi không thể chịu đựng nổi. Theo ý tôi, đó là một người xấu, một kẻ bất lương - đây là ấn tượng cá nhân của tôi, được chứng tỏ bởi những kinh nghiệm cá nhân - hơn thế nữa, anh ta rất có hại cả trong lĩnh vực văn học lẫn chính trị. Đối với tôi, không thể chấp nhận được việc ngồi cùng phần tử ấy trong một tổ chức. Chỉ có thế thôi“.

(Xin xem bài “Nỗi hoài nhớ cố hương có khi nào?”, tạp chí “Akiraciai” số 5-6 năm 1988, Chicago, Mỹ).

(H.Linh chuyển ngữ và giới thiệu)

***

Phỏng vấn Joseph Brodsky:_____________________________________________

NỖI HOÀI NHỚ CỐ HƯƠNG CÓ KHI NÀO? (1)

(NCTG) Ngày 16-2-1988, sau khi nhận giải Nobel Văn chương, Joseph Brodsky (1940-1996) đã có một cuộc trò chuyện rất thân tình với Tomas Ventslova (1937- ), nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Lithuania, chuyên gia xuất sắc về văn học Nga, hiện đang sống ở Mỹ. Hai người là bạn cũ của nhau từ thời Brodsky còn ở Leningrad (cũ).



Cuộc nói chuyện đã đề cập đến khá nhiều vấn đề lý thú trong đời sống văn học Nga và thế giới. Nhiều ý kiến, nhận định của Brodsky đã khiến độc giả phải ngạc nhiên và làm nhiều đồng nghiệp văn, thi sĩ của ông phật ý. Sau khi xuất hiện trên một tạp chí Nga ngữ xuất bản ở München năm 1988, nhiều báo chí văn nghệ các nước đã dịch và đăng tải lại cuộc trò chuyện nói trên (ví dụ: tạp chí “Akiraciai” số 5-6 năm 1988, Chicago, Mỹ); giữa các văn bản có sự khác biệt, tuy không lớn.

Chúng tôi dịch bài phỏng vấn quan trọng nói trên theo bản tiếng Hung: “Mikor születik a honvágy?”, nguyệt san “Kétezredik” (Năm hai ngàn), số tháng Năm 1989, có tham khảo bản tiếng Nga in trên tạp chí “Novy Mir” số 6, tháng 2-1996, do Hồng Thanh Quang lược dịch với tựa đề “Con người chỉ đại diện cho chính mình”, đăng trên tuần báo “Văn nghệ trẻ” (Việt Nam) số 21, ngày 10-9-1996.

***


Anh có cảm giác gì sau khi nhận giải Nobel?

Tôi không cảm thấy gì đặc biệt, mới lạ về chất cả. Hơn thế nữa, tôi không cảm thấy mình mang danh giữ giải Nobel. Tôi chỉ cảm thấy là con đẻ của địa ngục - như tất cả mọi khi, như suốt cuộc đời...



Anh đánh giá như thế nào về các văn hào Nga khác, từng được nhận giải Nobel: Bunin, Pasternak, Sholokhov, Solzhenitsyn?

Bunin và Pasternak là những thi hào tuyệt vời, là thi sĩ, họ thú vị hơn nhiều so với vai trò văn sĩ. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, Pasternak đã nhận giải thưởng Nobel nhờ tiểu thuyết. Còn nói về Sholokhov, tôi nghĩ rằng quả thực giải thưởng được trao cho tác giả đích thực của bộ “Sông Đông êm đềm” - Kryukov hoặc ai đó - chứ không phải cho Sholokhov.



Và tác giả đích thực đó có xứng đáng được nhận giải thưởng hay không?

Tôi cho rằng không, nếu xét rằng những văn hào như Proust, Musil, Joyce, Platonov cũng đã từng sống trong thế kỷ XX.



Anh chỉ muốn nhắc đến Platonov trong số các văn hào Nga?

Đáng tiếc, chỉ có thể nhắc đến tên Platonov. Theo tôi, những người khác đều yếu hơn, không thể so sánh được. Cả Bulgakov, Pilnak, Zamyatin, Babel... đều là những nhà phong cách học tuyệt vời, nhưng văn học không chỉ là phong cách, nó còn là thực thể. Ở họ, thực thể hơi bị sút kém so với Platonov. Tôi cho rằng Solzhenitsyn đã được giải thưởng vì thực thể chứ không phải vì phong cách.



Phong cách của ông ấy cũng còn có thể khá hơn nữa, phải không?

Phong cách còn có thể khá hơn nữa, có điều... Tôi còn nhớ một bận tôi và Neuman - bạn thơ của tôi - trò chuyện với Akhmatova. Chúng tôi bàn về cuốn “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”. Neuman tuyên bố rằng anh không thích cuốn sách lắm. Anna Andreyevna [Akhmatova] ngắt lời anh: "Thích hay không thích là thế nào? Đây là cuốn sách mà cả 250 triệu người dân cần phải đọc." Đó cũng là ý kiến của tôi. Giờ đây, lại càng có thêm nhiều người phải đọc nó...



Anh cũng có ý kiến như thế về cuốn “Gulag?” (1)

Nhất định là phải thế. Đó là một tác phẩm đáng kể hơn Ivan Denisovich. Thậm chí, tôi muốn nói thêm rằng “Vòng đầu” (2) cũng quan trọng hơn Ivan Denisovich.



Thế còn “Khu ung thư?”

Cuốn đó thì hơi yếu hơn rồi.



Còn “Ngôi nhà của Matryona?”

Không tồi, cũng ở tầm vóc như Ivan Denisovich.



Ở Liên Xô, người ta phản ứng - chính thức và không chính thức - như thế nào về giải Nobel

của anh?

Tôi không biết mấy về phản ứng chính thức, nhưng những điều tôi biết thì chính xác. Tôi biết là theo chỉ thị từ trên, báo chí trung ương không hề đăng tin đó: chỉ thị này xuất phát từ một ông Ligachev nào đó. Tôi không biết ông ta có vai trò như thế nào trong nhà nước, nhưng có vẻ chức tước khá cao, ít ra cũng bởi tên ông ta trùng một vần với tên Gorbachev...



Anh không hay biết gì về phản ứng của Gorbachev?

Tôi hoàn toàn không hay biết chút gì.



Một bận anh được hỏi - xin trích: "Ông nghĩ gì về Gorbachev?" Và anh đáp: "Không nghĩ gì cả, và tôi hy vọng điều này là tương hỗ."

Đúng vậy. Tuy nhiên, cách đây không lâu người ta kể rằng Ban Trung ương họp vào tháng Giêng. Một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận là quan điểm liên quan đến điều này. Tôi không biết đó là hội nghị của Ban Trung ương hay phiên họp của một ủy ban trực thuộc Ban Trung ương. Dù sao đi nữa, người ta cũng thông qua một quyết định, theo những người quen của tôi, quyết định đó có thể tác động một cách không thuận lợi vào khả năng công bố các tác phẩm của tôi. Tuy nhiên, xét về mặt khác, bởi lẽ ngày nay bàn tay phải cũng chẳng biết tay trái làm gì... - điều này cũng đã tồn tại từ hồi xưa, có điều giờ đây nó đã..., biết nói thế nào nhỉ...



Đã mang tính tổ chức.

Chính xác! Thậm chí, nó đã mang tính hiện sinh. Vì vậy, các báo chí Xô-viết đủ loại vẫn tiếp tục xin tôi thơ. Và tôi cũng thường viết cho họ.



Họ có xác định cụ thể là họ cần loại thơ như thế nào không?

Thường là không. Tờ “Oktyabr” (Tháng Mười) không, còn tờ “Neva” (Sông Neva) thì có...



Tức là hai tờ “Oktyabr” và “Neva” có xin bài của anh...

Và còn tờ “Ogonok” (Tia lửa nhỏ) nữa. Cách đây ít lâu, chừng ba tháng, tôi đã thương lượng với tờ “Ogonok”. Không phải với tổng biên tập Korotich mà với phụ tá của ông ta, tôi nhớ là Medvedev thì phải. Ông ta hỏi tôi muốn gì nếu họ đăng bài của tôi. Số là tờ “Novy Mir” có đăng một chùm thơ của tôi, kèm theo vài lời theo đó tác giả đã cho phép đăng chùm thơ tuyển đó, điều này không hoàn toàn đúng. Tờ “Ogonok” biết về bất đồng đó của tôi với “Novy Mir”: họ muốn tránh việc đó và vì thế, họ gạn hỏi tôi. Tôi cho họ biết điều tôi muốn. Khi đó, cuộc nói chuyện chuyển sang một bước ngoặt lý thú, đương sự hỏi: "Ông nghĩ thế nào nếu một tuyển tập của ông được ấn hành ở Liên Xô?" Tôi nói là tôi không có gì để phản đối cả. Đáp lời, ông ta nói: số là TBT “Khudozhestvennaya Literatura” (Nhà xuất bản Văn học) đang ngồi cạnh bên tôi. Ở Liên Xô, có hai nhà xuất bản – “Khudozhestvennaya Literatura” và “Sovietskiy Pisatyel” (Nhà xuất bản Nhà văn Xô-viết) - phát hành các tác phẩm thơ, và bởi lẽ không thể liệt tôi vào hàng ngũ các nhà văn Xô-viết, tất nhiên tôi phải in sách tại Nhà xuất bản Văn học. Tôi trả lời: nếu các ông muốn vậy, hãy gửi tôi một hợp đồng hợp lệ và tôi sẽ chọn lựa ra một cuốn thơ...



Và họ báo cho anh biết là họ sẽ gửi bản hợp đồng?

Họ không bảo là sẽ gửi mà họ chỉ bảo: có thể họ sẽ gửi.



Ở Stockholm, anh nói: sau lần thơ anh được đăng trên tờ “Novy Mir”, số các bài thơ của anh được đăng tải ở Liên Xô tăng lên con số 12. Có đúng thế không?

Đúng vậy.



Đây là phản ứng chính thức. Thế còn phản ứng không chính thức?

Về phản ứng không chính thức, phải nói rằng đã xảy ra những chuyện động trời. Người ta tổ chức những tối đọc thơ tôi...



Ít nhiều mang tính chính thức chứ?

Vâng, với những giới hạn nhất định. Nhưng không ai để tâm đến những giới hạn ấy cả... Ít nhất cũng đã có hai đêm thơ ở Moscow: Koma Ivanov (3) làm chủ tọa một tối, tối kia Evgeny Rein (4). Những hoạt động tương tự đã diễn ra ở Leningrad. Một số giáo viên trung học đọc thơ tôi trong đài phát thanh của nhà trường...



Anh vẫn chưa được đưa vào sách giáo khoa về văn học?

Hiện thời thì chưa, nhưng...



Nhưng có vẻ anh sẽ được vào?

Một người vừa sang Nga cách đây không lâu, kể rằng thời nay người ta ăn mừng lễ Giáng sinh như thế nào. Như anh biết đấy, do nhiều lý do khác nhau, Giáo hội Chính thống giáo Xla-vơ rất được thịnh. Người ấy đã tham dự hai, ba lễ mừng Giáng sinh và hầu như tất cả đều diễn ra như sau: cây thông Noel, những lá cờ Thánh nho nhỏ và có trời biết được còn những thứ bà rằn gì nữa, rồi người ta ngâm những vần thơ Giáng sinh của Pasternak và tôi.



"Cùng nhau, chúng ta đều là những chuỗi san hô..."

Cả bài ấy, cả những bài khác nữa. Số là vào mỗi dịp Giáng sinh, như tôi còn nhớ được, tôi lại thử làm thơ "Giáng sinh" và ít nhiều cũng thành công. Vài bài thơ của tôi - chừng mươi bài - đã ra đời như thế.



Tuyệt vời!

Tôi không biết có gì tuyệt vời ở đây, nhưng chắc chắn là...



Bây giờ là một câu hỏi khá xa chuyện đang bàn, liên quan đến thời điểm cuộc trò chuyện của chúng ta. Hôm nay là ngày 16 tháng Hai 1988, kỷ niệm lần thứ 70 ngày nước Lithuania độc lập. Anh nhắn gì với độc giả Lithuania về thời điểm này?

Tôi vô cùng tiếc rằng đây chỉ là một thời điểm chứ không phải thực tế.



Ta hãy nói về khả năng sách của anh được ra mắt ở Liên Xô.

Toàn bộ chuyện này mới xảy ra ở mức độ đàm tiếu hoặc ý định, và cái ý định này, nếu tôi hiểu chính xác, không xuất phát từ những người có tâm hồn cao thượng nhất. Đây là một thứ cục diện mới.



Cũng như điều đã xảy ra với Milos ở Ba Lan?

Dĩ nhiên. Nhưng tôi không thể chờ đến lúc người ta ra tem có in hình tôi.



Có trời biết được...

Không, không, điều đó thì có thể biết được.



Cuộc sống ở phương Tây có ảnh hưởng đến anh như thế nào? Anh không thấy hoài nhớ nước Nga hay Leningrad ư?

Tôi nghĩ rằng nó không có ảnh hưởng gì đến tôi. Có lẽ, nó chỉ khiến tôi nổi khùng hơn. Từ năm 15 tuổi, ít nhiều tôi đã sống tự lập; tôi đã quen như thế và lối sống của tôi chẳng đổi thay chút nào trong 15 năm qua, tôi nghĩ rằng anh cũng có thể chứng thực điều đó.



Đúng, ở Mỹ hầu như anh cũng sống hệt như ở Leningrad.

Chỉ khác là ở Leningrad không có gì ăn, còn ở đây thường thường là có. Có cả cái ăn lẫn cái uống. Đặc biệt, ở Leningard không có gì để uống. Tại đây, cuộc sống của tôi hệt như ở nhà, đúng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, kể cả con mèo...



Trong vòng 15 năm ở Mỹ, lúc nào anh cũng nuôi mèo?

Lúc nào tôi cũng có một con mèo nào đó. Thường thường là mèo hoang. Con mèo ở Leningard chết sau khi mẹ tôi qua đời. Nó còn sống khá lâu sau khi tôi ra đi.



Thế còn nỗi nhớ quê hương?

Cố nhiên tôi rất hay có một cảm giác mạnh về thực thể, rằng tôi phải về lại nơi này hay nơi khác, gặp lại người này hay kẻ khác. Nhưng theo tôi, điều đó không đồng nhất với nỗi hoài nhớ quê hương. Tôi không khát khao về quê hương thuần túy. Nhưng tôi hoài nhớ về Leningrad. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đến mức tôi muốn có mặt bất thần ở đó. Theo tôi, mọi nỗi hoài niệm được ra đời khi con người từ bỏ mối quan hệ với thực tế và tôi thì không phải là loại người như thế. Hoặc giả, tôi rất hay muốn từ bỏ hiện thực, nhưng không để thiên về quá khứ.



Nếu có khả năng và chắc hẳn anh sẽ có, anh có về thăm Leningrad không?

Không biết. Tôi còn lưỡng lự. Trong trường hợp đó, sự hỗn loạn còn lớn hơn nhiều, mặc dù tình thế hiện nay cũng chưa sáng sủa gì lắm.



Nếu có thể lựa chọn, anh sẽ về đâu: Leningrad hay Vilnius?

Tôi muốn chọn Vilnius hơn, vì ở đó tôi sẽ không bị người ta lùng sục như ở thành phố quê hương tôi. Và kỷ niệm cũng ít hơn. Đây là điều quan trọng. Dường như - và ở đây tôi nói nghiêm chỉnh - tri giác tôi hoạt động một cách sai trái. Bởi lẽ tôi nghĩ rằng cuộc sống ít nhiều phát triển theo đường thẳng. Con người ta, khi đã cảm nhận, đã trải qua một điều gì đó, anh ta thường xuyên bỏ lại nó sau lưng. Càng ngày, anh càng rời xa nguồn cội, xa ngày hôm qua, hôm kia. Và trở về, như cách “Thánh Kinh” viết về gió... Tôi không phải là gió. Tôi ngờ về chuyện có thể trở về. Sẽ là một hành động dại dột nếu tôi trở về thành phố quê hương rồi lại biến đi sau hai, ba ngày, thậm chí một tuần. Con người cố gắng sống cuộc đời riêng của mình và đừng đùa cợt với nó. Đối với tôi, về thăm Leningrad... tôi không biết, có thể chuyện đó sẽ diễn ra... Nhưng tôi nghĩ rằng tự bản thân tôi, tôi sẽ không về. Hẳn là một số hoàn cảnh nhất định có thể buộc tôi phải về, chẳng hạn nếu tôi không có khả năng nào khác để gặp con trai tôi hoặc một vài người khác. Nhưng vì nhớ nhà - điều mà chúng ta đang nói đến - thì tôi không bao giờ về.



Anh thấy gặp gỡ họ ở đây thì hơn?

Thì tự nhiên hơn. Và tôi muốn nói thêm điều này nữa. Tôi đã quen - và tôi tin rằng, anh cũng thế - sống ẩn dật, đứng tránh sang một bên, cùng lắm cũng chỉ bình luận các sự kiện. Như một kẻ quan sát phong lưu, hoặc có lẽ không phong lưu, nhưng là một quan sát viên.



Mọi nhà văn đoạt giải Nobel đều đạt được một uy tín tinh thần lớn lao. Anh có ý tận dụng thứ uy tín đó như thế nào, nếu anh muốn?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không cảm thấy mình đạt được một thứ uy tín tinh thần nào.



Chắc hẳn đây là một ảo ảnh.

Có thể là vậy, nhưng ít nhất không phải sự tự dối mình.



Anh từng luôn luôn lên tiếng nếu ai đó bị bắt bớ chẳng hạn...

Tôi nghĩ rằng chuyện ấy cũng không thể khác được trong tương lai.



Có điều, giờ đây nó đã có trọng lượng lớn hơn.

Nhờ trời!



Anh nghĩ gì về công khai và cải tổ? Chúng có ảnh hưởng không đến nền văn học Nga đương đại và nếu có, ra sao?

Chắc hẳn chúng sẽ tác động đến cung cách cư xử của các tạp chí, đến chế độ đăng tải bài vở, đến việc ấn hành các tác phẩm.



Điều đó cố nhiên là tốt.

Thì rõ là tốt và nếu nó là công trạng của một cá nhân cụ thể nào đó thì phải cám ơn cá nhân ấy một cách nghiêm chỉnh.



Kể cả khi cá nhân đó là Gorbachev?

Nhưng tôi không tin là những chuyện như thế lại có ảnh hưởng đến sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật, hoặc nhìn chung, lại khiến tình trạng văn học, thi ca và các bộ môn nghệ thuật khác trở nên khá hơn. Có thể nó tác động đến tình trạng của nghệ thuật tạo hình, của âm nhạc, nhưng văn học thì không. Vì văn học là thứ thường thường không bị xác định bởi bầu không khí chính trị. Trong thế kỷ này, nền văn học tốt đã ra đời ở cả hai phía của bức rèm sắt, thậm chí trước cả khi nó được phát minh ra.



Có thể nó lại thịnh nhất trong bầu không khí khủng bố chính trị?

Không nhất thiết. Tôi không khẳng định thế. Proust đứng ngoài mọi thứ khí quyển chính trị hoặc ít nhất, ông đứng ngoài mọi bầu không khí có thể gọi là mang tính khủng bố. Frost, Musil... cũng như vậy...



Nhưng Musil đã phải chạy trốn Hitler đấy thôi?

Nhưng ông đã viết từ trước thời Hitler và bản thân ông sống phần lớn cuộc đời mình ở nước Áo thời tiền Hitler.



Cũng phải có một cái lý gì đó chứ...

Không có mấy đâu. Có thể nói điều tương tự về Faulkner, Joyce và còn nhiều người nữa.



Kinh cầu hồn” của Akhmatova, các tác phẩm của Platonov và nhiều cuốn sách khác đã ra đời trong bầu không khí khủng bố.

Đúng vậy. Đúng như thế nếu xét về văn học Nga. Nhưng vì vậy, chúng ta không thể muốn duy trì hoặc làm sống dậy bầu không khí đó. Cũng như ta không thể quá hy vọng rằng bầu không khí được cải thiện sẽ khiến nền văn học khá khẩm hơn. Nhà văn có thể viết những tác phẩm đáng giá trong bất kỳ bầu không khí nào.



Anh có ý kiến gì về bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm [70 năm cách mạng tháng Mười] của Gorbachev?

Chịu! Tôi chưa đọc nó.



Chà, các đồng chí, hãy tự ghi nhớ câu trả lời này! Hãy trở về đề tài Vilnius. Anh bảo thà anh về Vilnius còn hơn là về Leningrad, mặc dù thời đó toàn bộ dân Leningrad sẵn sàng tràn về Vilnius.

Có thể, mặc dù tôi không tin rằng người Lithuania... gì nhiều lắm về chuyện này.



Nếu tôi không nhầm, thân mẫu anh là người gốc Lithuania hay một vùng lân cận nào đó.

Mẹ tôi sinh ra ở Daugavpils (Latvia) nhưng thời thơ ấu, đa phần bà sống tại Lithuania với ông tôi.



Ở vùng ngoại ô Baisogala?

Đúng thế, ở vùng ngoại ô Baisogala. Hình như còn có một ai đó biết tiếng Lithuania trong gia đình bà. Tôi không nhớ là ai, có lẽ một bà bác nhiều tuổi nhất, hiện nay bà vẫn còn

sống.

Anh không biết tiếng Lithuania?

Không. Tôi cho rằng bà ngoại tôi cũng biết tiếng Lithuania nhưng tôi không có dịp chứng thực điều này.



Thiện cảm của anh đối với Lithuania xuất phát từ đó?

Tôi nghĩ không phải thế. Có vẻ đó là thiện cảm cá nhân của tôi thì đúng hơn.




tải về 191.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương