TÒa giám mục phát diệm thưỜng huấn linh mụC 18 – 21 / 02 / 2013 Đề tài: giáo hội theo công đỒng vatican II


Qui chiếu về phạm trù “societas inaequalis et hierarchica”: Giáo hội là Dân Thiên Chúa



tải về 472.12 Kb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích472.12 Kb.
#5591
1   2   3   4   5   6   7

Qui chiếu về phạm trù “societas inaequalis et hierarchica”: Giáo hội là Dân Thiên Chúa


Vaticanô II không phủ nhận tính chất cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và không hề chối bỏ Vaticanô I, trái lại vẫn dành cả chương III để nói về phẩm trật và vẫn nhắc lại giáo lý của Vaticanô I về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng (x. GH 18). Tuy nhiên Vaticanô II không còn nhìn Giáo hội như một kim tự tháp và không đóng khung Giáo hội trong cơ cấu phẩm trật. Như chúng ta đã nói, Lược đồ thứ nhất De Ecclesia vẫn còn mang nặng tinh thần pháp lý. Từ đầu năm 1963, Ủy ban giáo thuyết của Công đồng đã phải soạn thảo lại một bản văn khác. Có ít nhất mười lăm dự thảo được đề nghị, nhưng cuối cùng một Lược đồ mới gồm bốn chương được gửi tới các Nghị phụ và được thảo luận từ 30-9 đến 31-10 năm 1963 : I- Mầu nhiệm Giáo hội ; II- Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, đặc biệt về chức giám mục ; III- Dân Chúa, đặc biệt là giáo dân ; IV- Lời kêu gọi nên thánh trong Giáo hội29. Cuộc thảo luận đã đi tới kết luận là sắp xếp lại Lược đồ thành tám chương như chúng ta thấy hiện nay, trong đó chương II bàn đến Dân Thiên Chúa, tức là tất cả những gì liên quan đến toàn thể các tín hữu kitô ; rồi sau đó mới nói đến các thành phần khác nhau trong Dân Chúa : phẩm trật trong chương III, giáo dân trong chương IV, tu sĩ trong chương VI. Sự thay đổi dàn bài đó rất có ý nghĩa : các Nghị phụ thấy rằng Phẩm trật chỉ có ý nghĩa khi được đặt vào trong lòng Dân Thiên Chúa và để phục vụ Dân Thiên Chúa chứ không phải là tất cả Giáo hội và cũng không phải là cánh cửa hoặc là phẩm tính đầu tiên của Giáo hội.

Ý niệm Dân Thiên Chúa trước hết gợi lại lịch sử cứu độ và những chặng đường của dân do thái lữ hành trong sa mạc, và vì thế cũng cho thấy Giáo hội là dân Israel mới đang lữ hành giữa những thăng trầm để tiến bước về thành thánh tương lai bất diệt. Dân Thiên Chúa cũng nói lên tính cách cộng đoàn của các tín hữu : “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc…” (GH 9). Danh xưng Dân Thiên Chúa còn cho thấy Giáo hội không phải là một ý niệm trừu tượng hay chỉ là một định chế, một cơ cấu pháp lý tựa như một pháp nhân, nhưng trước hết đó là những con người cụ thể được tái sinh nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Giáo hội là Giáo hội của những con người được kêu gọi giữa loài người để thi hành sứ mạng cho loài người.

Từ xác tín này, trước hết Vaticanô II khơi dậy ý thức sống động về Giáo hội địa phương. Từ lâu trước Công đồng, người ta đã từng tranh luận xem chức giám mục có phải là bí tích không. Các Nghị phụ đã dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền để đưa ra kết luận dứt khoát và tuyên bố chức giám mục là bí tích, đồng thời khám phá lại chiều kích tập đoàn (collegium) và hiệp thông của chức giám mục (x. GH 21-22). Cùng với việc nhận ra bí tích tính của chức giám mục, Công đồng cũng thấy được tầm quan trọng của Giáo hội địa phương. Dân Thiên Chúa là cộng đoàn duy nhất nhưng lại hiện diện nơi mọi dân mọi nước trần gian, hiện diện cách cụ thể trong từng địa phương. GH 23 và GM 11 cho thấy mỗi giáo phận, mỗi cộng đoàn Giáo hội địa phương, thể hiện trọn vẹn và đầy đủ mầu nhiệm Giáo hội, vì ở đó có thừa tác vụ giám mục, có Lời Chúa và Thánh Thể ; và chính trong Giáo hội địa phương ấy mà Giáo hội duy nhất của Đức Kitô hiện diện và hoạt động thực sự. Người ta chỉ thấy Giáo hội hiện diện cụ thể tại địa phương này hay địa phương kia, chứ không thấy một Giáo hội trừu tượng. Tuy nhiên Giáo hội hoàn vũ không phải chỉ là tổng số các Giáo hội địa phương hợp lại ; có thể nói Giáo hội ấy có một hiện hữu riêng và đã hiện hữu trước khi được thể hiện tại từng Giáo hội địa phương. Chỉ có Giáo hội hoàn vũ mới thực sự là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô cách trọn vẹn, chỉ Giáo hội ấy mới có thừa tác vụ Phêrô, và cũng chỉ Giáo hội ấy mới biểu lộ trọn vẹn các phẩm tính của mầu nhiệm Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Dân Thiên Chúa ở mỗi địa phương mang dấu ấn riêng của từng nơi chốn và thời đại, của văn hóa và lịch sử tại địa phương ấy. Cộng đoàn Giáo hội luôn luôn được định vị trong thời gian và không gian, tức là được địa phương hóa : đó không phải là yếu tố ngẫu nhiên hay tùy phụ, trái lại, đó là đòi hỏi của định luật nhập thể. Ý thức tầm quan trọng của Giáo hội địa phương chính là ý thức về một sự nhập thể cần thiết phải có để biểu lộ cụ thể mầu nhiệm Giáo hội, và đồng thời cũng là ý thức về sự cần thiết của vấn đề hội nhập văn hóa, và như thế mới có thể xây dựng một Giáo hội thực sự là công giáo (x. GH 13 ; 23).

Một cách đặc biệt, khi gọi Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Công đồng muốn nhấn mạnh đến tính cách bình đẳng căn bản giữa tất cả các Kitô hữu. Giáo hội trước hết không phải chỉ là giáo phẩm mà là cộng đoàn gồm tất cả những người tin vào Đức Kitô. Giá trị đầu tiên đó là được lãnh nhận bí tích rửa tội và Thánh Thể nhờ đó tín hữu được tham dự vào sự sống của Đức Kitô để trở thành Kitô hữu và làm thành Dân Thiên Chúa. Danh hiệu Dân Thiên Chúa liên quan và bao gồm mọi tín hữu kitô, nghĩa là cả phẩm trật lẫn giáo dân, vì “giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng Thân thể Đức Kitô” (GH 32). Sự bình đẳng căn bản của tất cả các Kitô hữu đặt nền tảng trên chức tư tế chung do bí tích rửa tội đem lại. Đây chính là một tái khám phá của Công đồng. Các giáo phụ cũng như các tiến sĩ Giáo hội đã từng dựa vào 1Pr 2, 9 để khai triển đề tài chức tư tế chung của các tín hữu. Nhưng vì những người Cải cách đã dựa vào chức tư tế phổ quát để chối bỏ chức tư tế thừa tác, nên Công đồng Trentô đã nhấn mạnh đến tính chất đặc thù cao cả của chức linh mục thừa tác. Tuy nhiên người ta dễ đi từ thái cực này đến thái cực kia : sự nhấn mạnh đôi khi quá đáng làm cho nhiều tín hữu trong suốt bốn thế kỷ quên đi địa vị và sứ mạng của mình để trở thành những người thụ động ù lỳ trong Giáo hội. Vaticanô II đã lập lại sự quân bình khi cho thấy chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác khác biệt nhau về bản chất nhưng đồng thời cũng bổ túc cho nhau để cùng thể hiện sự phong phú nơi chức tư tế duy nhất của Đức Kitô (x. GH 10-11).

Đôi khi người ta nhân danh Giáo hội là Dân Thiên Chúa để đề cao giáo dân và loại trừ phẩm trật. Thật là sự hiểu lầm đáng tiếc, Dân Thiên Chúa không đồng nghĩa với giáo dân. Sự bình đẳng căn bản không loại trừ việc khác biệt nhau trong thừa tác vụ, vì các chi thể chỉ là một trong Đức Kitô nhưng lại thi hành những nhiệm vụ khác nhau để làm cho thân thể được lớn lên (x. GH 7 ; 32).

Như vậy người giáo dân từ nay không còn là người ở bên lề Giáo hội hay chỉ là thành phần thứ yếu, trái lại họ chu toàn một sứ mạng quan trọng và đặc thù trong thế giới :”Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (GH 33). Giáo hội không thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng thánh hóa thế gian nếu không có những người giáo dân thánh hóa thế giới “như men từ bên trong”, “qua các công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội” (GH 31). Sứ mạng của họ không do hàng giáo phẩm chia phần cho, nhưng bắt nguồn từ tính chất đặc thù của ơn gọi giáo dân, đó là tính chất trần thế.

Vì Giáo hội là toàn Dân Thiên Chúa, việc nên thánh không còn là chuyện của các nhà tu hành mà là bổn phận của tất cả mọi người môn đệ Đức Kitô. Giáo hội là thánh không phải chỉ trên bình diện cơ cấu hay hữu thể, nhưng cả trên bình diện hiện sinh nữa. Giáo hội phải là cộng đoàn những con người thánh thiện, vì thế Hiến chế Lumen Gentium dành cả chương V để kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu nên thánh, rồi sau đó trong chương VI mới nói đến con đường nên thánh đặc thù của các tu sĩ. Nếu các tu sĩ được kêu gọi “tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm để hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt” (GH 44), thì tất cả mọi Kitô hữu vì đã được thánh hóa nhờ bí tích rửa tội, nên dù ở “bất cứ bậc sống hay địa vị nào, cũng được kêu gọi để tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và tiến đến sự trọn lành của đức ái” (GH 40). Từ các mục tử, giám mục hay linh mục, những người đang thi hành thừa tác vụ thánh, hoặc các tu sĩ sống trong cộng đoàn tu viện, đến các giáo dân sống đời hôn nhân giữa bụi trần của cuộc đời ô trọc, hay những người góa bụa, khổ đau, tất cả đều có thể và có bổn phận nên thánh để làm chứng cho Đức Kitô : sự thánh thiện phải được thực hiện và biểu lộ “trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống” (GH 41). Do đó, cuộc sống giữa đời của người giáo dân không phải là một cản trở cho sự thánh thiện, và muốn nên thánh cũng không đòi phải trốn khỏi thế gian, trái lại, sống giữa đời với những bổn phận trần thế chính là con đường nên thánh của giáo dân và là nét đặc thù trong ơn gọi nên thánh của họ. Như vậy với Vaticanô II, sự thánh thiện không còn là đặc ân của một thiểu số, cũng không chỉ nằm trên bình diện tu đức hoặc chỉ là chuyện sở thích cá nhân ; trái lại nó mang chiều kích Giáo hội, nghĩa là nó biểu lộ chính mầu nhiệm Giáo hội và là một đòi hỏi thiết yếu gắn liền với ơn gọi của từng người trong cộng đoàn Dân Thiên Chúa.

Sau hết sẽ thật là thiếu sót nếu trình bày về Giáo hội học của Vaticanô II mà không nói đến Đức Maria, bởi vì Hiến chế tín lý về Giáo hội đã dành cả một chương cuối để nói về Đức Trinh Nữ Maria. Chính tựa đề của chương VIII đã cho thấy ý nhắm sâu xa của Công đồng : phải nhìn Đức Maria trong lịch sử cứu độ, tức là trong ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo hội, và đó chính là một cái nhìn mới30. Một mặt, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và được những đặc ân độc nhất vô nhị. Nhưng mặt khác, mầu nhiệm Đức Maria chỉ có ý nghĩa khi được tháp nhập vào mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo hội. “Đức Mẹ được chào kính như chi thể tối cao và độc nhất vô nhị của Giáo hội, đồng thời như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo hội trên phương diện đức tin và đức ái” (GH 53). Đức Maria là Mẹ của Giáo hội, là Đấng cộng tác cách đặc biệt vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, là Đấng Trung gian tùy thuộc vào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng đồng thời Người cũng là môn đệ đầu tiên biết lắng nghe và giữ lời Đức Kitô ; trong cộng đoàn Dân Thiên Chúa, Mẹ trổi vượt mọi tín hữu nhưng Mẹ không ở ngoài Giáo hội, trái lại Mẹ vẫn là chi thể, một chi thể độc nhất ở vị trí tối cao của Giáo hội.

Điều quan trọng đối với Giáo hội học, đó là con người Đức Maria biểu lộ chính mầu nhiệm Giáo hội. Thật vậy, cũng như Đức Maria là Mẹ và là Trinh Nữ, Giáo hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ ; hơn nữa Giáo hội là Mẹ và là Trinh Nữ qua chính con người của Đức Maria là “người đi tiên phong và là gương mẫu” của Giáo hội (GH 63). Giáo hội là thánh, nhưng sự thánh thiện của Giáo hội được biểu lộ qua chính Đức Maria, vì “qua con người của Đức Trinh Nữ, Giáo hội đã đạt tới một sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền”, trong khi chúng ta còn đang phải chiến đấu với tội lỗi để tiến lên trên con đường thánh thiện (GH 64). Sau nữa, “Mẹ của Đức Giêsu hôm nay đã được vinh hiển hồn xác trên trời chính là hình ảnh và khởi đầu của Giáo hội phải được hoàn thành đời sau” (GH 68). Tất cả những đặc ân Đức Mẹ nhận được là vì Đức Kitô và vì thân thể của Người là Giáo hội ; hơn nữa chính qua các đặc ân của Đức Mẹ mà Giáo hội nhận ra ơn gọi và định mệnh của mình, chính qua việc nhìn ngắm Đức Mẹ mà Giáo hội thấy được chính mình và nhận ra sứ mạng của mình trong thế giới. Đức Maria vừa là mẹ vừa là người môn đệ gương mẫu cho Giáo hội, vừa là người đi trước vừa là kẻ đồng hành với Giáo hội nhưng cũng là người về đến quê nhà trước Giáo hội.



  1. CÁI MỚI VẪN CHƯA CŨ

Thời gian chỉ cho phép chúng ta làm công việc kê toa thuốc, nghĩa là nói quá nhiều mà vẫn là quá ít. Nhưng rảo quanh một vòng ít nữa cũng gợi lên phần nào cái tinh thần mới trong Giáo hội học của Vaticanô II. Hôm nay, 38 năm sau ngày bế mạc, Công đồng vẫn còn là mới mẻ và hợp thời, nhất là đối với nhiều người công giáo Việt Nam. Thực ra ngay từ khi Vaticanô II mới kết thúc, người ta đã nói rằng có lẽ cần một Vaticanô thứ III để bổ túc cho Vaticanô II. Chẳng hạn nếu như Vaticanô II dung hòa được sự chia cách giữa Giáo hoàng với giám mục, thì cũng cần một Công đồng khác để bàn đến mối liên hệ giữa giáo sĩ, cách riêng là linh mục, với giáo dân. Người ta cũng nhận xét rằng định nghĩa về giáo dân của Vaticanô II còn mang tính cách giáo luật : giáo dân không phải là giáo sĩ hay tu sĩ, và vì thế cần phải có một định nghĩa khác tích cực hơn và có tính cách thần học hơn. Ngoài ra, nhiều người ngày nay không muốn gọi Vaticanô II là Công đồng chung (concile oecuménique), vì Vaticanô II mới mở rộng những cánh cửa của hiệp nhất, còn thực tế các anh em của các Giáo hội ngoài công giáo vẫn chưa có tiếng nói tại hội nghị. Và còn nhiều chuyện khác nữa31.

Quả thực Công đồng đã không làm được hết mọi chuyện, và chính Công đồng cũng ý thức rằng mình chưa thực hiện được hết mọi dự tính. Nhưng có lẽ chúng ta đều nhận rằng Công đồng đã làm một cuộc cách mạng về Giáo hội học, một cuộc khai phá để đem lại luồng khí mới cho Giáo hội như Đức Gioan XXIII từng mơ ước. Những giá trị mà Công đồng đã khám phá hoặc tái khám phá vẫn còn đang tạo nên những chuyển biến tích cực trong Giáo hội và trong thế giới. Để kỷ niệm 20 năm ngày bế mạc Công đồng, Đức Gioan-Phaolô II đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám mục đặc biệt vào năm 1985 để “họp mừng, chứng thực và cổ võ thực hiện Công đồng Vaticanô II” ; các Nghị phụ đã tuyên bố rằng Công đồng quả là một hồng ân và là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội và cho thế giới trong thế kỷ này, và mời gọi mọi người học hỏi và đào sâu các văn kiện của Công đồng để đem ra thực hành32. Riêng đối với Đức Gioan-Phaolô II, Vaticanô II là tất cả chương trình hành động của ngài : “Tôi đã được hồng ân đặc biệt là tham dự và cộng tác tích cực vào diễn tiến của Công đồng. Đối với tôi, cách riêng trong những năm của triều đại giáo hoàng của tôi, Vaticanô II đã và vẫn luôn luôn là điểm quy chiếu thường xuyên cho mọi hoạt động mục vụ của tôi, qua việc cố gắng đem các hướng dẫn của Công đồng ra áp dụng một cách cụ thể và trung thành, ở bình diện mỗi Giáo hội cũng như ở mức độ toàn Giáo hội. Phải không ngừng trở về với nguồn mạch này” 33. Và rồi để bước vào thiên niên kỷ mới, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã nhiều lần kêu gọi phải áp dụng Công đồng, vì đó là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa : “Năm tháng qua đi, nhưng các bản văn của Công đồng vẫn không hề mất giá trị và vẻ sáng chói. […] Đó vẫn là địa bàn (boussole) đáng tin cậy hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường của thế kỷ đang tới” 34.

Giáo hội học của Vaticanô II cho tới nay vẫn còn là một sứ điệp mang tính thời sự và có tính chất ngôn sứ. Không biết chừng nào sẽ có Vaticanô III, nhưng ít nữa Vaticanô II vẫn còn là một luồng sáng hướng đạo cho Giáo hội trong thời đại chúng ta, và vai trò của các Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới sẽ là đào sâu và áp dụng cách sáng tạo những định hướng của Công đồng. Xin được nêu lên một vài gợi ý nhỏ.

Trước tiên hơn lúc nào hết, Giáo hội hôm nay vẫn còn phải được xây dựng theo mô hình hiệp thông. Lẽ dĩ nhiên như chúng ta đã nói, mẫu Giáo hội học hiệp thông không phải là mà cũng không thể là kiểu mẫu duy nhất để xây dựng Giáo hội. Tuy nhiên đó là một kiểu mẫu trọng tâm, nền tảng và thiết yếu ; và nếu như sau hết mọi sự sẽ chỉ có tình yêu là tồn tại mãi mãi, thì sự hiệp thông cũng sẽ mãi mãi là sự sống và là chứng từ của Giáo hội đối với thế giới. Nhân loại hôm nay bị xâu xé vì chiến tranh và hận thù, từ chiến tranh quốc gia, chiến tranh kinh tế đến chiến tranh sắc tộc hay tôn giáo, và con người trở thành tế vật hy sinh của những tham vọng thống trị. Vì thế con người thời nay chờ đợi nơi Giáo hội một chứng từ về sự hòa giải và về khả năng hiệp nhất trong đa dạng ; điều đó chỉ có được khi Giáo hội sống hiệp thông theo kiểu mẫu của mô hình hiệp thông nơi Chúa Ba Ngôi. Công đồng nhắc lại một lời của Đức Gioan XXIII : “Những gì liên kết các tín hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ : hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự” (MV 92).

Bên cạnh chiến tranh bom đạn là cuộc chiến của đồng tiền và kỹ thuật. Chúng ta đang dần dần tiến lên một xã hội giàu mạnh và hiện đại hóa. Nhưng cái thách đố lớn lao của xã hội hôm nay là người ta chạy theo công việc và lo làm giàu nên không còn giờ để sống cho nhau nữa. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, càng ngày càng có nhiều người nghèo hơn, nhiều người cô đơn và bị bỏ rơi hơn. Xã hội hiện đại hóa cũng là một xã hội công nghiệp hóa : tất cả đều chuyển sang máy móc tự động, ngay cả con người cũng trở thành một cỗ máy trong xưởng máy lớn lao của thế giới. Hiện đại hóa còn là đô thị hóa, đời sống trở nên nhộn nhịp đông đúc, nhưng trong đó mỗi người chỉ là một con số vô danh giữa một đám đông xô bồ. Con người hôm nay cần đến một tình yêu có khả năng ôm ấp, cảm thông và chia sẻ với những nỗi khổ đau và cô đơn của mình, và như vậy một Giáo hội của sự hiệp thông sẽ trở thành niềm hy vọng cho những người đang đi tìm một mái nhà ấm áp thân yêu.

Kế đến, phạm trù bí tích áp dụng vào Giáo hội mang một ý nghĩa hiện sinh và giải thích lý do sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới. Trung thành với lệnh truyền của Đức Kitô, Giáo hội đã lên đường với hoài bão làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ của Chúa. Bao nhiêu lớp người đã vất vả ra đi gieo hạt giống Tin mừng, bao nhiêu máu đào của các vị tử đạo đã thấm vào mảnh đất của các dân tộc, rất nhiều chương trình truyền giáo, rất nhiều nỗ lực canh tân, nhưng hôm nay, sau hai mươi thế kỷ, Giáo hội vẫn còn là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12, 32) giữa cộng đoàn nhân loại đông đảo. Dù công việc loan báo Tin Mừng đã đem lại nhiều kết quả lớn lao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, Giáo hội càng ngày càng trở thành thiểu số giữa lòng thế giới, nhất là khi tinh thần tục hóa ngày càng thấm nhập vào mọi cơ cấu và lãnh vực của đời sống con người. Rất nhiều khi một cách nào đó, các cộng đoàn Kitô hữu giống như những kẻ bị lưu đày giữa thế gian, như những ốc đảo giữa các đại dương mênh mông. Giáo hội sẽ chẳng bao giờ còn được phép mơ thấy một vương quốc kitô cạnh tranh hoặc bao trùm các vương quốc trần gian. Nhưng không phải vì thế mà Giáo hội thất vọng. Giáo hội có con đường của riêng mình. Công đồng đã diễn tả thân phận và sứ mạng của Giáo hội trong thế giới bằng những lời mà có lẽ mãi mãi vẫn không bao giờ lỗi thời : “Dân tộc thiên sai, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của sự hiệp nhất, của niềm hy vọng và của ơn cứu độ, cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Đức Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu độ cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất” (GH 9).

Sau hết, Công đồng đã mở ra cho Giáo hội một viễn ảnh mới để đi vào lòng thế giới hôm nay, đó là Giáo hội học của phục vụ. Như chúng ta đã trích lời của Đức Phaolô VI, một cách nào đó Giáo hội từ nay mang một danh hiệu mới, đó là đầy tớ của nhân loại35. Tinh thần phục vụ thấm nhập sâu xa vào trong các văn kiện của Vaticanô II và đã trở thành một trong những điểm thiết yếu của Công đồng. Tinh thần phục vụ ấy ngày càng tỏ ra cần thiết và hợp thời. Chỉ nói riêng tại châu Á, nỗ lực của Liên Hội Đồng Giám mục châu Á (FABC) là đem tinh thần phục vụ của Công đồng vào trong bối cảnh nghèo đói, đa văn hóa và đa tôn giáo của lục địa lớn lao này, trong đó các Kitô hữu chỉ là một thiểu số 2%36. Càng ngày các Giám mục của châu Á càng ý thức rằng chỉ có con đường phục vụ mới có khả năng thâm nhập vào các cơ cấu và giá trị của xã hội để phúc âm hóa chúng. Ba mươi ba năm sau Công đồng, Thượng Hội Đồng Giám mục về châu Á đã làm sống lại tinh thần của Vaticanô II và đồng thanh tuyên bố : “Như Đức Giêsu, ước gì Giáo hội ngày càng trở thành một Giáo hội đầy tớ và tiếp tục sứ mạng yêu thương và phục vụ các dân tộc châu Á” 37. Theo các Nghị phụ, cách thức hiện diện đặc thù của Giáo hội tại châu Á, đó là phục vụ. Trở thành đầy tớ là một trong các nhân tố góp phần biến đổi bộ mặt tây phương của Giáo hội thành bộ mặt mang tính châu Á38. Đây là một đòi hỏi ưu tiên, vì trong bối cảnh châu Á, phục vụ như một tôi tớ là con đường thích hợp nhất để thông truyền sứ điệp Tin mừng, là cách hiện diện dễ đi vào lòng người nhất, và là cách tốt nhất để sống chung hòa bình với các tôn giáo khác.

Như vậy cái mới của Giáo hội học của Vaticanô II vẫn chưa phải là cũ đối với chúng ta. Để kết thúc, xin được trích lại lời của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giám mục về văn hóa trong Hội thảo chuyên đề “Bốn mươi năm sau Vaticanô II nhìn lại”: “Nhìn lại Vaticanô II là một điểm tái khởi hành. [...] Nếu trong bốn thập niên qua, Công đồng đã khơi lên bao sức sống được mệnh danh là luồng gió mới cho Giáo hội hoàn vũ cũng như cho Giáo hội địa phương, thì hôm nay thiết nghĩ, Vaticanô II cũng vẫn còn đó nền tảng sức sống làm thành nguồn cảm hứng mới cho những cộng đoàn Giáo hội thiết tha với sứ mệnh lên đường. Duc in altum. Hãy chèo ra chỗ nước sâu” 39.

Xuân Lộc 30-10-2003

                                                         Giuse Nguyễn Năng

 --------------------------------------------

Chú thích

1 Nói một cách tổng quát, hai mươi Công đồng trước đây xoay quanh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Nhập thể, Chúa Thánh Thần, ân sủng, các bí tích, hoặc tái lập hiệp nhất và kỷ luật trong Giáo hội. Người ta cũng đã bàn về các thành phần trong Giáo hội, chẳng hạn như chức linh mục hoặc quyền tối thượng của Đức Giáo Chủ, nhưng chưa có một Công đồng nào dành được một chương nguyên vẹn để nói về mầu nhiệm Giáo hội.

–  Ký hiệu viết tắt : GH = Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) ; MV = Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay (Gaudium et Spes) ; GM = Sắc lệnh về nhiệm vụ của Giám mục (Christus Dominus) ; HN = Sắc lệnh về hiệp nhất (Unitatis Redintegratio) ; TG = Sắc lệnh về truyền giáo (Ad Gentes) ; TD = Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis humanae).



2 Chẳng hạn trong các văn kiện của Vaticanô II, có 93 lần trích dẫn các Công đồng trước, trong đó 21 lần từ Trentô và 24 lần từ Vaticanô I ; 201 lần trích dẫn hoặc qui chiếu về các văn kiện của Đức Piô XII. Xem E. Innocenti, Le citazioni pontificie nei documenti conciliari, trong Concretezza (16-7-1966) 6-10.

3 Xem Văn bản gửi cho Ủy Ban chuyên môn ngày 2-7-1960, trong S. Garofaro (dir.), Dizionario del Concilio Ecumenico Vaticano Secondo, Roma 1969, cột 125. Chính Đức Piô XI và XII cũng đã có ý tiếp tục Vaticanô I nhưng chưa thực hiện được. Và khi chuẩn bị Công đồng, người ta đã nêu lên câu hỏi : đây là một Công đồng mới hay là nối tiếp Vaticanô I.

4 Diễn văn ngày 8-12-1969, trong Documentation catholique 1554 (1970) 10 tt.

5 Xem H. Pottmeyer, Continuità e innovazione nell’ecclesiologia del Vaticano II. L’influsso del Vaticano I sull’ecclesiologia del Vaticano II e la ri-recezione del Vaticano I alla luce del Vaticano II, trong G. Alberigo (ed.), L’ecclesiologia del Vaticano II : dinamismi e prospettive, Bologna 1981, 71-95.

6 Xem A. Acerbi, Due ecclesiologie. Ecclesiologia giuridica ed ecclesiologia di comunione nella “Lumen Gentium”, Bologna 1975.

7 Xem A. Dulles, Models of the Church, New York 1987. Tác giả trình bày năm mẫu căn bản : Giáo hội như một đinh chế, như sự hiệp thông mầu nhiệm, như bí tích, như người loan báo Tin mừng, như người tôi tớ phục vụ. Vị Hồng Y này đề nghị một mẫu mới : Giáo hội là cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô.

8 R. Bellarminô, De Ecclesia, III, 2, Colonia 1619, 108.

9 Xem J. Rigal, Le mystère de l’Eglise. Fondements théologiques et perspectives pastorales, Paris 1996, 69-70.

10 Xem Y. Congar, Le Concile de Vatican II. Son Eglise. Peuple de Dieu et Corps du Christ, Paris 1984, 10.

11 Huấn dụ của Đức Piô IX với Cơ Mật Viện, Multis gravibusque, ngày 17-12-1860. Đức Piô IX nhấn mạnh nhiều lần với Cơ Mật Viện : Singulari quadam (9-12-1854), Maxima quidem laetitia (9-6-1862) ; rồi trong thông điệp Vix dum a Nobis (7-3-1874). Mệnh đề sau đây đã bị ngài lên án : “Giáo hội không phải là một xã hội đích thực và hoàn hảo, hoàn toàn tự do, và không được hưởng các quyền riêng và trường tồn đã được Đấng Sáng Lập thần linh ban cho ; chính quyền dân sự mới có quyền xác định các quyền của Giáo hội và những giới hạn để thực thi các quyền này” (Syllabus, mệnh đề 19, 8-12-1864 : DS 2919). Sau này, Đức Lêô XIII cũng nhiều lần đề cập đến vấn đề này (Diuturnum illud, 29-6-1881 ; Immortale Dei, 1-11-1885 : DS 3167 ; Libertas praestantissimum, 20-6-1888), rồi Đức Piô X (Compendio della dottrina cristiana, 1905), Đức Bênêđitô XV (Providentissima Mater Ecclesia, 1917), Đức Piô XI (Divini illius magistri, 1929 : DS 3685).

12 Mansi 51, 543.

13 Xem A. Antòn, Lo sviluppo della dottrina sulla Chiesa nella teologia dal Vaticano I al Vaticano II, trong Facoltà Teologica Interregionale Milano, L’ecclesiologia dal Vaticano I al Vaticano II, Brescia 1973, 64-69; O. Rousseau, La Constitution “Lumen Gentium” dans le cadre des mouvements rénovateurs de théologie et de pastorale des dernières décades, Unam Sanctam 51 b, 35-56; B. Kloppenburg, Ecclesiology of Vatican II, Chicago 1974, 1-10; R. Aubert, La théologie catholique au milieu du XXe siècle, (Cahiers de l’actualité religieuse), Tournai 1954.

14 Acta Synodalia, I/IV, 12-121.

15 Acta Synodalia, I/IV, 142 tt. Các nhận xét khác cũng tương tự : G. D’Avak, sđd., 148-150; A. Bea, sđd, 227-230, vv…

16 Đức Gioan XXIII : Audience générale, 25-10-1961, trong Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II Apparando, II/I, 117 ; Diễn văn khai mạc Công đồng, 11-10-1962, trong Acta Synodalia Sacrosancti Concilii Vaticani II, II/I, 172 ; Nuntius radiophonicus, 11-9-1962, AAS 54 (1962) 680. Đức Phaolô VI : Diễn văn khai mạc khóa IV, 14-9-1965, AAS 57 (1965) 797 ; Diễn văn kết thúc khóa IV, 7-12-1965, AAS 58 (1966) 57-58.

17 Thượng Hội Đồng Giám Mục 1985 (kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II), Relatio finalis, Enchiridion Vaticanum 9 : 1980.

18 A. Acerbi (sđd) chứng tỏ rằng Công đồng vẫn giữ lại các yếu tố của một Giáo hội học pháp lý, và nhiều người lấy làm tiếc vì Vaticanô II đã không đẩy vấn đề tới cùng. Nhưng thực ra các kiểu mẫu hay phạm trù Giáo hội học không thể loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau, vì  Giáo hội cũng mang cả chiều kích xã hội nữa.

19 Theo Y. Congar, Le Concile de Vatican II, sđd, 19.

20 Cyprianô, De Oratione Domini 23, PL 4, 553.

21 G. Philips, L’Église et son mystère au deuxième Concile du Vatican II, t. I, Paris 1967, 91.

22 Xem K. Rahner, Rapporto tra natura e grazia, trong Id., Saggi di antropologia soprannaturale, Roma 1969, 43-78 ; Id., Ateismo e cristianesimo implicito, trong Id., Nuovi Saggi,  III, Roma 1969, 217-248.

23 Xem MV 42 §5 ; 76 ; TD 13.

24 “Une chose est certaine: l’évolution s’est faite dans le sens d’une prise de conscience croissante par la "cité temporelle" de son autonomie vis-à-vis de la "cité spirituelle", et réciproquement du désengagement de cette dernière par rapport à la cité temporelle. Mais alors que leur diversité même a pu les faire apparaître parfois non seulement distinctes, mais rivales et opposées, aujourd’hui, grâce à Dieu, et de plus en plus – et Nous voudrions souhaiter qu’il en soit ainsi dans le monde entier – elles ne se posent plus en adversaires. En ce qui concerne l’Église, en tout cas, son désir de collaboration avec les pouvoirs de ce monde est sans arrière-pensée: les actes du Concile l’ont prouvé avec éclat” (Discours au Corps diplomatique, 8 -1-1966, AAS 58  [1966] 144).

25 Diễn văn ngày 4-10-1965, AAS 57 (1965) 877.

26 Diễn văn ngày 14-9-1964, trong Documentation catholique (1964) 1222.

27 Bài giảng tại khóa IX của Công đồng, 7-12-1965, AAS 58 (1966) 58.

28 Y. Congar, sđd, 27.

29Cf. Acta Synodalia, II/I, 215-274.

30 Thực ra gần một nửa Nghị phụ muốn tách riêng lược đồ về Đức Maria. Ngày 29-10-1963, câu hỏi được đặt ra cho các Nghị phụ là : có muốn đổi lược đồ về Đức Trinh Nữ Mẹ Giáo hội thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo hội không ? Trước hết, có chấp nhận xen lược đồ vào Hiến chế không : trong số 2193 Nghị phụ có mặt, thì 1114 vị bỏ phiếu thuận, 1074 phiếu chống. Kế đến, nếu xen, thì xen vào chỗ nào : Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với mầu nhiệm Giáo hội, nhưng giáo lý về Đức Maria lại vượt quá giáo lý về Giáo hội. Do đó chỉ có thể đặt vào phần cuối của Hiến chế.

31 Xem G. Alberigo (ed.), L’ecclesiologia del Vaticano II : dinamismi e prospettive, Bologna 1981 ; R. Latourelle (ed.), Vatican II. Bilan et perspectives. Vingt-cinq ans après (1962-1987), 3 tập, Montréal-Paris 1988 ; Congresso del ventennio dal Concilio Vaticano II (Roma, 18-21/02/1985), 3 tập, Roma 1985.

32 Thượng Hội Đồng Giám mục 1985, Relatio finalis, Enchiridion Vaticanum 9 : 1780 ; Nuntius, ibid., 1770-1773.

33 Diễn văn ngày 30-5-1986, số 5, trong AAS 78 (1986) 1273.

34 Tông thư Novo Millennio ineunte, 6-1-2001, số 57. Xem tông thư Tertio millennio adveniente, 10-11-1994, số 36.

35 Bài giảng của Đức Phaolô VI tại khóa IX của Công đồng, 7-12-1965, tức là áp ngày bế mạc Công đồng : AAS 58 (1966) 58.

36 Xem Sứ điệp của FABC trong cuộc gặp gỡ lần thứ I tại Manila, 29-11-1970, và các văn kiện khác tiếp theo.

 37 Thượng Hội đồng Giám mục về châu Á, Sứ điệp kết thúc, Documentation catholique 2183 (1998) 529.



38 Thượng Hội đồng Giám mục về châu Á, Relatio post disceptationem, Boletin Eclesiastico de Filipinas 74 (1998) 662-663.

39 ĐC. Giuse Vũ Duy Thống, Vatican hai, nhìn lại, trong : Hội đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ ban Giám mục về văn hoá, Bốn mươi năm sau Vatican hai nhìn lại, Tp. HCM. 2002, 44-46.

Каталог: download -> khotulieu -> hochoi
download -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
khotulieu -> TỰ ÐIỂn phụng vụ
khotulieu -> ĐỜi sống trong chúa kitô (câu 279 468)
khotulieu -> Youcat youth catechism giới thiệu sách giáo lý cho ngưỜi trẻ
khotulieu -> Lời Than Trách (= Impropères) Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh
khotulieu -> Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó ĐỨc chúa giêsu ngắm mưỜi lăm sự thưƠng khó
khotulieu -> GiỜ thánh TỐi thứ NĂm tuần tháNH
khotulieu -> Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
hochoi -> Hội đồng Giám mục Việt Nam: Tâm thư gửi các gia đình Công giáo

tải về 472.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương