TÒa giám mục phát diệm thưỜng huấn linh mụC 18 – 21 / 02 / 2013 Đề tài: giáo hội theo công đỒng vatican II


Hiệp thông, nhưng hiệp thông thế nào?



tải về 472.12 Kb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích472.12 Kb.
#5591
1   2   3   4   5   6   7

Hiệp thông, nhưng hiệp thông thế nào?




    1. Trước hết, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và do Thiên Chúa Ba Ngôi




  • Chương đầu tiên của hiến chế “Lumen gentium” được đặt cho tựa đề là “De Ecclesiae mysterio” hay “Mầu nhiệm Giáo Hội”. Điều này hơi lạ với các nghị phụ công đồng Vatican II vì trong bản lược đồ thứ nhất của hiến chế người ta đặt tên cho chương này là “bản chất của Giáo Hội”, một kiểu nói có tính triết học nhiều hơn và nặng tính cơ chế hơn, nhưng truyền thống hơn. Ủy ban thần học đã phải xác định “mầu nhiệm” nói tới ở đây không phải là một điều gì trừu tượng và xa xôi, mà chính là một ý niệm căn bản trong Thánh Kinh. Đã qua rồi thời kỳ tập trung hộ giáo để chống lại phong trào Cải Cách (thế kỷ 16), nên chúng ta hãy mạnh dạn chọn cách làm việc dựa trên Thánh Kinh và thần học.




  • Quả thật, khi nói Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông hay là sự hiệp thông mầu nhiệm với Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đang nói về một điều rất thật và rất sống động. Chẳng hạn theo ý định có từ đời đời, Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta và mời gọi chúng ta “hiệp thông” vào đời sống của Ngài. “Phẩm giá con người được cao quý nhất là do con người được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa” (GS 19). Thiên Chúa không chỉ có ý định hay không chỉ tuyên bố suông, mà còn cung cấp cho chúng ta hết phương tiện này đến phương tiện khác để thực hiện sự hiệp thông ấy, mà trước tiên là nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Công trình này leo tới cao điểm nơi Đức Giêsu Kitô; Ngài là đấng có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cứu độ ấy của Chúa Cha “Con Thiên Chúa đến thế gian để làm cho loài người hiệp thông vào thần tính của Thiên Chúa” (AG 3). Rồi những gì đã được làm một lần là xong nơi Đức Giêsu Kitô sẽ được tiếp tục và biến thành hiện tại cho mỗi người là do Chúa Thánh Thần. Thánh Thần “chính là đấng bảo đảm cho mọi người được hợp nhất khi hiệp thông với Thiên Chúa và khi phục vụ nhau” (LG 4).




  • Như thế, Giáo Hội là kết quả của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong cùng một kế hoạch cứu độ. Sự hiệp nhất của Giáo Hội không phải là kết quả của sự thỏa thuận giữa những người trong cuộc, cũng không phải là tình cảm nảy sinh tự nhiên giữa những người cùng tham gia một tập thể, cũng không phải là thành quả của một nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất. Những sự hiệp nhất này có “hoành tráng” đến đâu cũng chỉ là của con người và vì thế, rất hữu hạn như bản tính của con người. Sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng không chỉ có trong đáy sâu hữu thể và chỉ lộ ra trong ngày cánh chung. Mà nó cũng mang tính lịch sử ở chỗ được thể hiện trước tiên nơi sự hiệp thông trong các hành vi bác ái, cũng như trong sự hiệp thông giữa các thừa tác vụ đang được thi hành trong Giáo Hội. “Có một sự tương tự giữa sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hiệp nhất của con cái Thiên Chúa khi các bên sống chân thật và yêu thương nhau” (GS 24). “Chính mầu nhiệm Giáo Hội hiệp nhất trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần sẽ tạo ra các thừa tác vụ dị biệt. Khuôn mẫu và nguyên lý để sống mầu nhiệm ấy chính là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần, duy nhất trong ba ngôi dị biệt” (UR 2).




  • Sự hiệp thông của Giáo Hội với Thiên Chúa Ba Ngôi được thấy rõ nhất trong phụng vụ. Hiến chế về phụng vụ thánh được Công Đồng đưa ra bàn cãi và phê chuẩn trước tiên không phải chỉ vì phong trào canh tân phụng vụ trước Vatican II đã chín muồi và đã bắt đầu gặt hái nhiều kết quả, hoặc chỉ vì đổi mới phụng vụ là sự đổi mới dễ thấy nhất và dễ làm nhất, mà vì đó chính là hệ luận đi kèm theo cái nhìn mới về Giáo Hội: không thể nói Giáo Hội hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi mà không thể hiện sự hiệp thông ấy nơi vẫn được ưu tiên để liên hệ với Thiên Chúa, tức là phụng vụ. Tuy nhiên, cũng không thể hài lòng với việc này một cách đơn giản như thế, mà phải biết tận dụng tối đa môi trường ưu tiên này bằng cách canh tân phụng vụ thế nào cho Giáo Hội tham dự vào đó một cách tích cực và ý thức. Canh tân phụng vụ từ ngôn ngữ sử dụng tới số bài đọc và nghi lễ gia tăng, từ thánh nhạc tới nghệ thuật thánh, là nhằm tạo điều kiện cho sự hiệp thông của Giáo Hội với Thiên Chúa trong phụng vụ cách năng động và chủ động hơn.




    1. Hiệp thông giữa các tín hữu với nhau




  • Sự hiệp thông giữa các tín hữu được đào sâu đặc biệt ở số 10 hiến chế “Lumen gentium” khi nói về Dân Thiên Chúa (chương 2) liên kết với nhau nhờ chia sẻ một chức tư tế chung khi họ tuyên xưng cùng một đức tin và chịu cùng một phép Rửa, dĩ nhiên do cùng một nguồn giảng dạy và cử hành.




  • Chia sẻ cùng một đức tin giả thiết việc tiếp cận cùng một mặc khải của Thiên Chúa, được cô động trong Thánh Kinh, nuôi dưỡng trong Thánh Truyền và hiện tại hóa qua Huấn Quyền Hội Thánh. Hiến chế về Mặc Khải của Vatican II đã giúp đưa Thánh Kinh tới gần với mọi thành phần Dân Chúa, sau khi đã giúp giải đáp những căng thẳng và hiểu lầm giữa các giáo hội liên quan đến mục đích và nội dung Mặc Khải, vai trò của Thánh Kinh trong giáo lý và đời sống, tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, cách giải thích Thánh Kinh, vai trò của Giáo Hội trong việc lưu truyền Mặc Khải và giải thích Thánh Kinh… Nếu thế, hiến chế về Mặc Khải cũng liên quan đến sự hiệp thông của Giáo Hội: Mặc Khải và đức tin là nền tảng của sự hiệp thông giữa các tín hữu. Bên cạnh sự hiệp thông với nhau trong phụng vụ và trong đời sống bác ái, các tín hữu còn hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin do Mặc Khải cung cấp. Như các kitô hữu sơ khai “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau (trong việc bác ái), siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và không ngừng cầu nguyện” (Cv 2,42). Đây chính là một trong những nguồn tạo ra “cảm thức đức tin” (‘sensus fidei’) nơi các tín hữu. Khái niệm này được nhấn mạnh khá nhiều trong các bản văn Công Đồng, như ở số 12 hiến chế “Lumen gentium”: “Hiệp thông trong cùng một đức tin là một ân huệ đặc biệt mà cộng đoàn các tín hữu đang có được […] và cũng là ơn ban cho toàn thể dân Chúa”. Chỉ tiếc là chừng 20 năm sau, người ta không còn thấy nhắc nhiều tới ơn này của các tín hữu, như trong bộ Giáo Luật ban hành năm 1983.




  • Chia sẻ cùng một nền phụng vụ: Công lớn của Vatican II là trả lại chiều kích cộng đoàn cho các hành vi phụng vụ. Đây là một nỗ lực đã bắt đầu trước Vatican II, như trong tông thư “Mediator Dei” (‘Là trung gian của Thiên Chúa’) của đức Piô XII. Các kitô hữu tham gia phụng vụ không phải chỉ trong tư cách là Thân Mình Đức Kitô kết hợp với Đầu để thờ phượng Thiên Chúa, mà còn trong tư cách là Dân Thiên Chúa, là cộng đoàn các kitô hữu bình đẳng và liên đới với nhau trong các hành động chung, tại đó mỗi người một việc phù hợp với chức vụ đã được ban cho mình qua ơn gọi của mình. Từ này không ai là “ngồi chơi xơi nước” hay chỉ làm khán giả bàng quan trong các cuộc cử hành phụng vụ (theo nguyên ngữ Hy Lạp “leiturgia” hay phụng vụ là hành vi của dân chúng [‘laos’ + ‘ergon’]. Cũng chính vì là hành vi chung của Dân Chúa, nên Giáo Hội đã quyết định không chỉ khuyến khích việc cử hành phụng vụ trong ngôn ngữ có thể hiểu được với hết mọi người, mà còn cổ võ sự hội nhập phụng vụ vào văn hóa địa phương nữa.




  • Chia sẻ cùng một phẩm giá và một sứ mạng : Tuy có khác nhau về chức vụ, nhưng mọi tín hữu đều có chung phẩm giá là “con cái Thiên Chúa”, là “dân tư tế”, là “chủng tộc thánh thiện”, là “dòng dõi hoàng vương”, là “đền thờ Chúa Thánh Thần”, là “thân thể Chúa Kitô”… Vì thế, mọi người đều được mời gọi sống hết chân tính ấy, cũng chính là được mời gọi nên thánh bằng cách phát huy chân tính ấy theo con đường Đức Kitô đã đi, dưới sự soi sáng của Thánh Thần. Cũng vậy, dù đứng ở vị trí nào và đang thi hành chức vụ nào, tín hữu nào cũng có chung sứ mạng là làm sáng danh Thiên Chúa và góp phần cứu độ con người. Đây chính là mục tiêu riêng của việc tông đồ và truyền giáo. Chứng kiến công đồng Vatican II đã triệt hạ những bức tường phân chia thứ bậc trong Giáo Hội và đã trả lại mặt bằng cho mọi tín hữu nên thánh và làm tông đồ, có tác giả thần học đã nói: kỷ nguyên của Vatican II là kỷ nguyên của việc sống đạo và truyền giáo trong một Giáo Hội “phẳng”, tương tự như công nghệ thông tin điện toán đã tạo điều kiện cho thế giới ngày nay trở nên “phẳng” cho hết mọi người có cơ hội (và cả rủi ro nữa !) đồng đều để thăng tiến (hay thụt lùi !).




    1. Hiệp thông trong phẩm trật Giáo Hội




  • Nên nhớ rằng “nói tới sự hiệp thông trong phẩm trật Giáo Hội không phải là nói tới một tình cảm mơ hồ nào đó liên kết các đấng bậc với nhau, mà là nói tới một thực tại sinh động, vừa có một hình thức pháp lý để xuất hiện vừa được thúc đẩy bởi đức ái trong các hoạt động của mình” (Chú Thích Sơ Khởi kèm theo hiến chế “Lumen gentium”). Sở dĩ sự hiệp thông giữa các phẩm trật trong Giáo Hội cần phải được xây dựng như thế, đó chính là vì để phục vụ sự hiệp thông của Giáo Hội một cách hữu hiệu.




  • Sự hiệp thông trong phẩm trật Giáo Hội được ám chỉ trước tiên tới tương quan giữa đức giáo hoàng và các giám mục. Sau Vatican I người ta có cảm giác một mình đức giáo hoàng đã đủ để phục vụ sự hiệp thông của Giáo Hội nhờ đặc ân bất khả ngộ của ngài. Cũng có lúc người ta lại đẩy sang thái cực ngược lại để cho rằng giám mục đoàn (dù bao giờ cũng bao gồm đức giáo hoàng như người thủ lãnh giám mục đoàn!) đã đủ, bất kể đức giáo hoàng đồng ý hay không. Với hiến chế “Lumen gentium”, các nghị phụ đã cho thấy không thể có bên này mà không có bên kia. “Do được thánh hiến làm giám mục mà các giám mục không những có bổn phận thánh hóa, mà còn có trách nhiệm giảng dạy và cai quản trong Giáo Hội. Tuy nhiên, cũng do bản chất của các trách nhiệm này, các ngài chỉ có thể thi hành các trách nhiệm ấy trong sự hiệp thông với vị thủ lãnh giám mục đoàn và các thành viên trong giám mục đoàn” (LG 21). Ngoài ra, một đàng không được làm giảm vai trò riêng của đức giáo hoàng là vai trò bảo đảm cho có sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiệp thông bằng cách vừa làm chủ các cộng đoàn đức ái trên khắp thế giới vừa bảo đảm cho có những dị biệt chính đáng giữa các cộng đoàn ấy (LG 13); đàng khác cũng không được quên vai trò của giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ gói gọn trong giáo phận mình cai quản.




  • Sự hiệp thông trong phẩm trật còn được hiểu các loại suy cho tương quan của các linh mục với các giám mục và với giám mục giáo phận của mình. Hiểu cách loại suy là vì giám mục không buộc có tương quan với các linh mục trong các hành động của mình y như đức giáo hoàng với các thành viên trong giám mục đoàn. Nhưng các linh mục buộc có tương quan với giám mục và các thành viên trong linh mục đoàn của giáo phận mình gần như các giám mục có bổn phận tương quan với đức giáo hoàng và các thành viên trong giám mục đoàn vậy. Nói cách khác, cần phân biệt hai chiều kích trong việc hiệp thông phẩm trật: hiệp thông theo chiều ngang là giữa những người cùng thi hành một thừa tác vụ như giám mục với giám mục, linh mục với linh mục, phó tế với phó tế; hiệp thông theo chiều dọc là giữa giám mục với linh mục, giám mục với phó tế, giám mục với một nhóm kitô hữu đang thi hành một thừa tác vụ nào đó. Hiệp thông theo chiều ngang xem ra không chặt chẽ bằng hiệp thông theo chiều dọc.




  • Cũng có thể nới rộng sự hiệp thông phẩm trật này tới các thành phần khác trong Dân Chúa, dĩ nhiên với những sắc thái khác, như giữa giám mục (hay giữa linh mục) với các thừa tác viên có chức thánh hay với các nhân viên mục vụ, với các thành viên thuộc các dòng đan tu, các tổ chức thuộc đời sống thánh hiến, các trinh nữ, các quả phụ… Tất cả những mối quan hệ này, và có thể sau này còn nhiều mối quan hệ khác nữa chưa tiên liệu trong Giáo Luật hiện nay, làm thành một sự hiệp thông phẩm trật trong Giáo Hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn, củng cố thêm cho khái niệm Giáo Hội là mầu nhiệm của sự hiệp thông.




    1. Hiệp thông đại kết




  • Khi sử dụng thuật ngữ “hiệp thông” làm khái niệm căn bản về Giáo Hội, Công Đồng đã nhận thức rõ mình đang dùng lại một khái niệm “từng được quý trọng trong Giáo Hội ngày xưa cũng như hôm nay, nhất là tại Đông Phương” (Chú Thích Sơ Khởi kèm theo hiến chế “Lumen gentium”), và vì thế không lạ gì khi thấy khái niệm này cũng đóng vai trò quan trọng trong sắc lệnh về đại kết và trong sắc lệnh về các Giáo Hội Đông Phương. Nói thế có nghĩa là sự hiệp thông không dừng lại trong Giáo Hội Công Giáo Roma, mà mở rộng tới các Giáo Hội Kitô khác.




  • Để thực hiện việc hiệp thông này, Vatican II đã có những bước đi quyết định hỗ trợ việc đại kết. Chẳng hạn thay vì lặp lại như công thức tuyên xức đức tin của công đồng Trentô (1564) (“Tôi nhìn nhận Giáo Hội Roma, công giáo và tông truyền là mẹ và là thầy của tất cả mọi giáo hội”), Vatican II đã khước từ không đồng hóa Giáo Hội của Chúa Kitô với ranh giới cụ thể của Giáo Hội Công Giáo (UR 3). Dù vẫn còn thận trọng không dám quả quyết tính Giáo Hội của một số cộng đoàn ly khai, nhưng các nghị phụ đã coi “các Giáo Hội Kitô khác nhau là các phương thế cứu độ” (UR 3) và có những sự phong phú riêng. Thậm chí sắc lệnh về Đại Kết còn thú nhận “có một số khía cạnh của mầu nhiệm mặc khải đôi khi được Giáo Hội này nắm bắt và trình bày tốt hơn Giáo Hội kia, đến nỗi phải coi các sự phát biểu thần học ấy có giá trị bổ sung cho nhau hơn là đối chọi nhau” (UR 3). Như thế, rõ ràng để hợp nhất các Giáo Hội, người ta không nhất thiết phải hy sinh các sự phong phú này. Chính sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương đã chẳng ngần ngại nhấn mạnh rằng “sự dị biệt trong Giáo Hội chẳng những không làm phương hại sự hiệp nhất mà còn làm tăng sự hiệp nhất” (OE 2).




  • Tuy nhiên, khi nói cho dù sự chia rẽ đôi khi là do lỗi của con người bên này hay bên kia (UR 3) nhưng “tính nhất thống […] vẫn còn một cách không thể mất được nơi Giáo Hội Công Giáo” (UR 4), mà lại hiểu sự trọn vẹn và mạnh mẽ của Giáo Hội Chúa Kitô nơi Giáo Hội Công Giáo, không chỉ trọn vẹn và mạnh mẽ xét theo các phương thế cứu độ nhưng là xét theo cả sự trung thành trong cơ chế và sự thánh thiện của các thành viên trong Giáo Hội, e rằng có thể gây hiểu lầm đáng tiếc. Ngoài ra, khi dùng chữ “hiệp thông” nhiều hơn chữ “hiệp nhất” (LG 4, 15, 18,50…), người ta có thể nghĩ tới khả năng có một sự đa nguyên chính đáng trong cùng một Giáo Hội của Chúa Kitô; cũng như khả năng có những hình thức hiệp thông khác nhau giữa các Giáo Hội. Vatican II đã nói tới sự “hiệp thông trọn vẹn” (UR 3,4,17), sự “hiệp thông toàn diện” (GS 92), sự “hiệp thông hoàn toàn” (UR 4) và sự “hiệp thông không hoàn toàn” (UR 3). Những ngữ vựng này có thể gián tiếp cho thấy Vatican II nhìn nhận sự phong phú của các Giáo Hội và những mối liên hệ có thể hợp nhất các Giáo Hội ấy. Nhưng chúng cũng có thể làm chúng ta hiểu lầm rằng hiệp thông là một cái gì đó đã xong, ai cũng thấy cũng biết, có thể mô tả và xác định, thậm chí xuất hiện nơi một Giáo Hội nào đó thôi mà các Giáo Hội khác chỉ việc quay về. Làm thế là quên rằng không có Giáo Hội nào lý tưởng đến nỗi không cần cải cách luôn (UR 6), cũng chẳng cần hoán cải (UR 7). Giữa Giáo Hội xuất hiện trong lịch sử với Giáo Hội phải trở thành theo kế hoạch của Thiên Chúa luôn có một quãng cách rất lớn.




    1. Hiệp thông với thế giới




  • Ngay trong định nghĩa của mình về mình (‘là bí tích hay là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa loài người : LG 1, hay là ‘dấu chỉ và là men của tình huynh đệ loài người’ : AG 8, AA 14), Giáo Hội Công Giáo qua công đồng Vatican II đã cho thấy những cơ cấu của Giáo Hội, được canh tân và cải tổ, không chỉ nhằm phục vụ chính mình, mà nhằm giúp Giáo Hội thi hành sứ mạng của mình cho tốt hơn, coi đó chỉ như những phương thế mà thôi.




  • Một cách cụ thể, sứ mạng của Giáo Hội là tìm cách khôi phục và kiện toàn sự hiệp thông giữa con người với con người, giữa con người với tập thể, giữa tập thể với tập thể, hầu đưa tất cả vào hiệp thông với Thiên Chúa. Muốn vậy, người ta phải tìm cách hạ hết các hàng rào phân cách và loại bỏ kiểu suy tư và lý luận của dân Do Thái lúc xây dựng tháp Baben, để giúp sống tinh thần của ngày lễ Thánh Thần Hiện Xuống: “Trong ngày lễ Thánh Thần Hiện Xuống năm ấy […] hình ảnh Giáo Hội của Giao Ước mới được hiệp nhất dù nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau […] đã khắc phục được tình trạng phân tán thời kỳ xây dựng tháp Baben” (AG 4). Công Đồng đả phá cả chủ nghĩa phe cánh cục bộ lẫn chủ trương đồng nhất không còn bản sắc.




  • Hiệp thông không phải chỉ là khéo léo sắp xếp lại cơ chế của Giáo Hội cho chạy việc, mà là một triển vọng đầy hứa hẹn cho hết mọi người tin tưởng vào sự thống nhất tất cả trong tương lai, dù trước mắt Giáo Hội có thể chỉ là “một đàn chiên bé nhỏ” (LG 9, GS 92). Vatican II thậm chí còn giới thiệu sự hiệp thông của Giáo Hội là kiểu mẫu cho sự hiệp thông đúng đắn giữa loài người (GS 39, AG 11, NA 1). Sở dĩ thế là vì Công Đồng không bao giờ quên chiều kích tập thể của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại và kế hoạch cứu độ của Chúa là hoàn thành sự thống nhất giữa nhân loại với nhau, giữa nhân loại với các tạo thành và với Thiên Chúa: “Theo ý định của Thiên Chúa, con người không nhận được ơn thánh hóa và cứu độ một cách riêng rẽ, không có liên quan gì giữa con người với nhau. Trái lại, Thiên Chúa muốn biến con người thành một dân tộc sẽ hiểu biết Chúa đúng theo sự thật và sẽ phục vụ Người trong thánh thiện” (LG 9).




    1. Hiệp thông với Giáo Hội trong chiều kích lớn nhất




  • Trong chương 8 cuối cùng của hiến chế “Lumen gentium” các nghị phụ đã 13 lần sử dụng hai từ “hiệp nhất” và “hiệp thông”; và như thế rõ ràng sự hiệp thông của Giáo Hội còn đi xa tới mức đụng đến cả thế giới bên kia bao gồm cả thánh nhân đã hoàn thành cuộc đời cách tốt đẹp lẫn các bậc cha anh còn cần được thanh tẩy thêm. Sự hiệp thông giữa các kitô hữu này (còn sống hay đã qua đời, qua đời và đang hưởng hạnh phúc đàng hay qua đời và đang còn cần được thanh luyện thêm) vừa được xây dựng trên sự hiệp thông của Giáo Hội với Thiên Chúa Ba Ngôi (mọi người đều được tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa bởi Thiên Chúa, đồng thời đang cưu mang nơi mình sự sống của Thiên Chúa), vừa được xây dựng trên lòng yêu mến con người đang nỗ lực dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Giáo Hội quen gọi đây là sự “hiệp thông giữa các thánh” hay mầu nhiệm “các thánh thông công”, không phải chỉ giữa các vị đã hoàn tất nhiệm vụ trần gian cách tốt đẹp và đang hưởng hạnh phúc thiên đàng, mà là giữa tất cả mọi kitô hữu, còn sống và đã qua đời, đã qua đời và đang hưởng hạnh phúc thiên đàng và đã qua đời mà còn cần được thanh tẩy thêm. Mọi kitô hữu đã là thánh do được tạo thành, cứu chuộc và thánh hóa bởi Thiên Chúa chí thánh bằng những phương tiện do chính Thiên Chúa chí thánh cung cấp là Giáo Hội của Chúa – nơi ưu tiên thông ban cho chúng ta ơn thánh, Lời Chúa và bí tích thánh. Mọi kitô hữu cũng đang là thánh khi phấn đấu hoàn thành ơn gọi nên thánh của mình, bằng cách vươn tới sự thánh thiện của Đức Kitô, dù nhiều khi phải phấn đấu rất vất vả và không thành công.




  • Sự hiệp thông này không chỉ là một ước mơ, cũng không phải là một sự thật chỉ có trên bình diện lý thuyết. Sự hiệp thông này, dù rộng lớn tới mức chẳng những không cảm nghiệm được mà còn không hình dung được, vẫn đang diễn ra thật: Có một sự “trao đổi các gia sản thiêng liêng” đang diễn ra giữa các thành phần Dân Chúa, dù không phải lúc nào cũng có chất lượng như Chúa muốn, cho tới khi mọi người nên hoàn thiện hay cho tới khi Đức Kitô “đạt tới tầm vóc viên mãn của mình”. Bên này trao lời kinh tiếng hát, bên kia chuyển ơn thánh; bên này dâng các việc lành phúc đức và xin ơn thánh, bên kia nhận chúng và ban ơn; bên này hy sinh, bên kia được tha… Một trong những gia sản thiêng liêng được trao vào tay Giáo Hội tại thế, cũng là “phương thế tốt nhất giúp chúng ta kết hợp với phụng vụ trên trời” chính là cử hành hy tế Thánh Thể (LG 50). Sự hiệp thông giữa các tín hữu trong buổi cử hành phụng vụ ấy có thể vẫn còn giới hạn, nhưng đã trở thành dấu chỉ và bí tích cho sự hiệp thông vô biên giữa các thánh trên trời dưới đất, nhờ cùng hiệp thông với Đức Kitô là Thiên Chúa vạn đại vô cương.




  1. Những nguy cơ khi xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội




    1. Hiệp thông không phải là đồng hóa




  • Ngay trong sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Vatican II đã xác nhận: “Giữa các Giáo Hội này có một sự hiệp thông rất đáng cảm phục, đến nỗi nó cho chúng ta thấy sự dị biệt chẳng những không làm phương hại tói sự hiệp nhất, còn tôn vinh sự hiệp nhất. Thật vậy, kế hoạch của Giáo Hội Công Giáo là tìm cách bảo vệ cho trọn vẹn các truyền thống của mỗi Giáo Hội hay lễ điển ấy. Giáo Hội Công Giáo cũng muốn thích nghi lối sống của mình cho hợp với các nhu cầu khác nhau của thời đại và địa phương” (OE 2). Đức Gioan Phaolô II cũng đã nhiều lần lặp lại quan điểm này: “Dị biệt mà chính đáng sẽ không đi ngược lại sự hiệp nhất của Giáo Hội, mà còn làm tăng uy tín cho Giáo Hội và đóng góp rất nhiều vào việc chu toàn sứ mạng của Giáo Hội” (tông thư “Ut sint unum”, 25.5.1995, số 50). Như vậy, trong hiệp thông đã có những khác biệt, hay khác biệt là một yếu tố làm nên sự hiệp thông. Điều này đúng cho từng cộng đoàn nhỏ cũng như cho toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội không phải là nơi dẹp bỏ mọi khác biệt, mà cũng chẳng phải là nơi cứ cộng các khác biệt lại với nhau, mà là nơi tạo ra sự hiệp thông giữa các khác biệt.Từ nay, sự khác biệt đã có một giá trị tích cực hơn và phải được mọi người nhìn nhận.




  • Ngay từ những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về sự hiệp nhất ngay giữa những dị biệt sôi sục. Như hội nghị Giêrusalem được tổ chức là vì một sự bất hòa gay gắt liên quan đến những yêu cầu đặt ra cho việc tiếp nhận những người ngoại đạo vào Giáo Hội (Cv 15). Hay thánh Irênê thành Lyon đã tìm cách cản ngăn đức giáo hoàng Victor tuyệt thông những tín hữu chủ trương mừng lễ Phục Sinh và chấm dứt chay tịnh theo lịch của người Do Thái, tức là ngày 14 tháng nisan hay ngày trăng tròn nhất của mùa xuân, không nhất thiết vào ngày chúa nhật như đang thi hành trong các Giáo Hội. Lý do ngài đưa ra một đàng là vì tục lệ cử hành như thế đã có từ trước cả những người chủ trương này và đã không có xáo trộn gì trong Giáo Hội lúc ấy do việc cử hành theo hai lịch khác nhau, đàng khác sự khác biệt trong cử hành phụng vụ đó có thể là bằng chứng cho thấy sự hiệp nhất của các kitô hữu nằm ở một bình diện sâu xa hơn nhiều. Hay như thánh Cyprianô đã từng phản đối đức giáo hoàng Stephanô (254-257) khi vị này không bắt buộc các người lạc giáo phải chịu phép Rửa lại, nhưng vẫn không tuyệt giao với ngài. Thánh Augustinô đã từng tóm tắt quan điểm của thánh Cyprianô như sau: “Censuit Cyprianus licet, salvo jure communionis, diversum sentire” (‘Cyprianô đã cho rằng một khi đã bảo đảm được sự hiệp thông thì mọi người được phép suy nghĩ khác nhau’) (‘De baptismo’ III, 3,5: PL 43, 141-142). Sau này đức giáo hoàng Lêô XIII cũng tuyên bố trong tông thư “Orientalium dignitas” như sau: “Một đàng Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô hết sức cẩn thận giữ gìn cho nguyên vẹn những gì đã tiếp nhận như của Chúa, bất di bất dịch. Đàng khác, Giáo Hội ấy cũng đồng ý và cho phép có một đôi thay đổi trong hình thức bên ngoài, nhất là trong những gì phù hợp với lịch sử thời xưa đáng tôn đáng kính… Sự đa dạng chính đáng trong phụng vụ và kỷ luật của các giáo hội Đông Phương sẽ không những có lợi ích mà còn làm tăng vẻ đẹp và sự tốt lành cho Giáo Hội” (30.11.1894). Còn trong hiến chế “Lumen gentium” của Vatican II, Công Đồng cũng nhìn nhận: “Trong Giáo Hội hiệp thông toàn cầu, có những giáo hội thừa hưởng những truyền thống riêng, nhưng vẫn không gây thiệt hại cho quyền tối thượng của tòa Phêrô, đấng đứng đầu cộng đoàn đức ái phổ quát” (LG 13)…




  • Lý do thứ nhất khiến Giáo Hội chấp nhận một sự hợp nhất đa dạng là vì theo hồng y linh mục Urs von Balthasar “chân lý luôn đa âm”. Hãy nhớ lại một trong những nguyên tắc hướng dẫn hành động của Giáo Hội sơ khai là đức tin chỉ là một, nhưng có thể được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Tương tự như một Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô nhưng được tường thuật bởi bốn tác giả khác nhau. Thánh Tôma Aquinô phát biểu: mỗi điều khoản đức tin là “một sự nhận thức chân lý của Thiên Chúa như một nỗ lực tìm cách nắm bắt được chính chân lý ấy” (ST IIa IIae, q.1, a.6). Hay vì giữa những cách phát biểu của chúng ta, dù là tinh tế nhất, với thực tại mà các lời phát biểu ấy nhắm tới luôn luôn có một biên độ, nên chúng ta mới được phép và được khuyến khích đưa ra nhiều cách diễn đạt khác nhau. Điều này không chỉ áp dụng cho thần học tín lý mà cả cho các nguyên tắc lớn trong luân lý Kitô Giáo, đã có nền tảng chắc chắn trong Thánh Kinh và thần học, như bổn phận tôn trọng sự sống, lựa chọn ưu tiên người nghèo, đấu tranh cho công lý và hòa bình…




  • Một lý do nữa để không được hiểu hiệp thông là đồng hóa, đó là sự hiệp nhất là một lý tưởng mà chúng ta phải xây dựng không ngừng. Chúng ta đã kế thừa một quan niệm về sự hiệp nhất quá vô ngã và cứng nhắc, như một cái gì đó đã vào khuôn vào nếp, tuân theo những quy luật vĩnh viễn, khôn ngoan thì ở lại trong đó, còn ra ngoài là hụt hẫng và sai lạc. Chúng ta quên mất ngay từ Cựu Ước thân phận lữ hành đã là thân phận căn bản của dân Chúa và vì thế, Giáo Hội Tân Ước cũng luôn đang trên đường tìm kiếm và sáng kiến dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.




  • Thế nên, một vài nguyên tắc hành động cần ghi nhớ để tránh biến hiệp thông thành đồng hóa :

. hãy bỏ lối lý luận một chiều để tham gia vào những cuộc đối thoại;

. hãy phân biệt cái tương đối với cái tuyệt đối, cái phụ thuộc với cái thiết yếu;



. hãy nhìn nhận “quyền bất đồng ý kiến” tới một mức nào đó.


    1. Каталог: download -> khotulieu -> hochoi
      download -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
      khotulieu -> TỰ ÐIỂn phụng vụ
      khotulieu -> ĐỜi sống trong chúa kitô (câu 279 468)
      khotulieu -> Youcat youth catechism giới thiệu sách giáo lý cho ngưỜi trẻ
      khotulieu -> Lời Than Trách (= Impropères) Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh
      khotulieu -> Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó ĐỨc chúa giêsu ngắm mưỜi lăm sự thưƠng khó
      khotulieu -> GiỜ thánh TỐi thứ NĂm tuần tháNH
      khotulieu -> Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
      hochoi -> Hội đồng Giám mục Việt Nam: Tâm thư gửi các gia đình Công giáo

      tải về 472.12 Kb.

      Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương