SỞ giáo dục và ĐÀo tạO – HỘi tâm lý giáo dục tỉnh phú YÊN



tải về 1.38 Mb.
trang15/16
Chuyển đổi dữ liệu12.07.2016
Kích1.38 Mb.
#1669
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16
Giáo dục chuyên nghiệp trong giai đoạn này có nhiều chuyển biến tích cực. Quan hệ phối hợp, quản lý và chỉ đạo giữa Sở Giáo dục-đào tạo với hệ thống các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến các lớp bổ túc văn hóa đều thực hiện đúng qui định. Ngay từ năm học 2001-2002, lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp; việc tổ chức thi tốt nghiệp nghề phổ thông tại các trung tâm cũng được cải tiến bằng cách sử dụng bộ đề chung; việc tổ chức thi chứng chỉ trình độ A,B tin học, ngoại ngữ cũng đã đi vào nề nếp đúng qui chế.

Năm 2002, tham gia quản lý về mặt Nhà nước của Sở Giáo dục-đào tạo đối với hệ thống các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ hơn. Các trường chuyên nghiệp trong quá trình giảng dạy đã gắn với các đơn vị sản xuất để tổ chức cho học viên tham quan học tập, kiến tập, thực hành rèn luyện tay nghề. Trường Cao đẳng xây dựng số 3, Trung học công nghiệp kỹ thuật Tuy Hòa đã làm tốt việc gắn công tác đào tạo với việc sử dụng sinh viên ra trường.

Về công tác Giáo dục thường xuyên, năm 2002 các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo hệ không chính quy đã chủ động mở các lớp bổ túc văn hoá, tin học, ngoại ngữ, liên kết đào tạo các lớp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và được xã hội đồng tình ủng hộ. Tháng 12-2002, UBND tỉnh Phú Yên quyết định thành lập Trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp huyện Phú Hoà.

Năm 2003 các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp bắt đầu thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh và việc ra đề thi theo đúng qui định mới của Bộ Giáo dục-đào tạo. Tháng 5-2003, Sở Giáo dục-đào tạo tổ chức Hội giảng giáo viên dạy giỏi khối trung học chuyên nghiệp và dạy nghề lần thứ 3 tại trường Trung học kỹ thuật công nghiệp Tuy Hòa, có 28 giáo viên tham gia chia làm 2 bảng. Kết quả bảng A khối các trường chuyên nghiệp có 01 giáo viên dạy giỏi, 13 giải nhì, 01 giải ba. Bảng B khối các trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp có 01 giáo viên dạy giỏi, 03 giải nhì, 06 giải ba và 02 giải khuyến khích.

Năm 2004, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục-đào tạo về tăng cường quản lý về tuyển sinh và đào tạo đối với hệ đào tạo không chính quy, tiếp tục ổn định quy hoạch đào tạo không chính quy trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo không chính quy, đặc biệt là ở các hệ đào tạo cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Giữ vững quy mô và mở rộng thêm một số ngành đào tạo từ xa.

Cũng trong thời gian này Sở Giáo dục-đào tạo tiếp tục xem xét và tổ chức các đơn vị mở lớp đào tạo ngoại ngữ và tin học trình độ A, B kể cả các cơ sở tư nhân, có ưu tiên cho các địa bàn khó khăn. Quản lý và kiểm tra việc dạy đủ và đúng chương trình đối với từng hệ đào tạo, cải tiến tổ chức thi cử đúng quy chế, nghiêm túc và thuận lợi cho học viên. Mở rộng các hình thức học ngoại ngữ và tin học (học theo trường, lớp, tự học), tạo sự liên thông giữa các loại chương trình để người học có thể bổ sung kiến thức và tham gia dự thi khi có đủ trình độ. Học sinh cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đăng ký với Sở Giáo dục-đào tạo và có học thêm một số đơn vị kiến thức quy định sẻ được dự thi lấy chứng chỉ A ngoại ngữ và tin học.

Trong năm 2005 Sở Giáo dục-đào tạo đã tổ chức hai hoạt động phong trào dành cho khối các trường cao đẳng-trung cấp chuyên nghiệp-dạy nghề gồm: Hội thi an toàn giao thông và Hội thi tiếng hát sinh viên học sinh.

Công tác phát triển Trung tâm học tập cộng đồng trong thời gian này cũng được các địa phương hết sức quan tâm. Năm học 2004-2005 có 40% số xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2005, Hội khuyến học Tỉnh Phú Yên cũng được thành lập do ông Nguyễn Duy Luân, nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh ủy làm chủ tịch danh dự, ông Lê Văn Hữu nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Chủ tịch đã đi vào hoạt chính thức. Hội khuyến học tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong nhà trường chính qui; vận động nhân dân tham gia vào các hình thức học tập không chính qui nhằm mục tiêu giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, nhất là đối với người lớn để tiến tới một xã hội học tập trong nền văn minh hiện đại. Phù hợp với yêu cầu của thời đại nguyện vọng của nhân dân nên Hội đã nhanh chóng phát triển và mang lại những hiệu quả thiết thực. Đến nay, Hội đã phát triển được 827 chi Hội có đến 53.676 Hội viên. Đặc biệt, là Hội tích cực vận động xây dựng “Gia đình hiếu học” “Họ tộc khuyến học”, phát triển quỹ khuyến học khuyến tài, phối hợp với Sở giáo dục đào tạo xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng. Các Hội đoàn tự nguyện của quần chúng như Hội thầy trò Lương Văn Chánh, Hội cựu học sinh Trung học Phú Yên và rộng rãi hơn là Hội cha mẹ học sinh ở tất cả các đơn vị trường học đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển nền giáo dục của nước nhà trên con đường hiện đại hóa.

Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 50 trung tâm học tập cộng đồng. Các huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Đồng Xuân đã có 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Dù mới bước đầu hình thành, song các trung tâm học tập cộng đồng ở nhiều địa phương đã phát huy tích cực, hiệu quả, thể hiện được sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của ngành Giáo dục-đào tạo. Tháng 4-2005 ngành Giáo dục-đào tạo đã phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng và bàn kế hoạch tiếp tục thành lập các trung tâm mới cho những địa phương còn lại.



IV. PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ

Thực hiện chỉ thị số 61-CT/TW ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41/2000/QG10 của Quốc hội khóa X, UBND tỉnh Phú Yên đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động số 05-Ctr/TU ngày 26/7/2001 về thực hiện chỉ thị số 61-CT/TW của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII về thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Xây dựng đề án phổ cập giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2001-2007 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 27/2001/NQ-HĐND trong kỳ họp lần thứ 7 từ ngày 17 đến 19/7/2001.

Ngày 11/5/2000, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp tỉnh với 18 thành viên do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thầy Trần Văn Chương - Giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo làm phó trưởng ban thường trực. Các thành viên được phân công các nhiệm vụ khác nhau bao gồm lãnh đạo các ngành Tài chính, kế hoạch đầu tư, Lao động thương binh-xã hội, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Liên đoàn lao động, Hội cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân. Đến ngày 14/9/2001, UBND tỉnh ra quyết định số 2602/QĐ-UB ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Để đẩy mạnh công tác này, lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 24/2004/CT-UB ngày 23/9/2004 về việc tiếp tục tăng cường công tác phổ cập giáo dục phổ thông. Theo đó ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tiểu học, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở được thống nhất ở các cấp thành ban chỉ đạo phổ cập giáo dục phổ thông, việc thống nhất này đã giúp UBND các cấp chỉ đạo tập trung hơn.

Sau khi đề án phổ cập giáo dục trung học cơ sở được ban hành, UBND tỉnh ra quyết định số 1514/QĐ-UB ngày 31/5/2001 quy định tạm thời định mức chi cho công tác phổ cập gồm 250.000đ/hs/lớp/năm. Đến tháng 5 năm 2005 UBND tỉnh ra quyết định số 1146/2005/QĐ-UB tăng mức chi là 500.000đ/hs/lớp/năm cho các đối tượng khu vực đồng bằng và 600.000đ/hs/lớp/năm cho các đối tượng miền núi. Tổng hợp kinh phí chi phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong những năm này như sau: năm 2001: 400 triệu, năm 2002: 509 triệu, năm 2003: 695 triệu, năm 2004: 695 triệu và năm 2005: 700 triệu đồng.

Trên cơ sở kết quả cuộc tổng điều tra phổ cập giáo dục Trung học cơ sở tháng 2-2000, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng đề án phổ cập giáo dục Trung học cơ sở giai đoạn 2000-2005, có 87/101 xã, phường, thị trấn và 4 huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu và thị xã Tuy Hòa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Năm 2002 hướng dẫn kiểm tra kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở61. Tháng 12-2003, Phú Yên đã có 2 huyện, thị xã và 65 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về PCGD THCS và 14 xã tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, định mức kinh phí nhà nước cấp cho công tác này còn thấp, việc huy động học viên người dân tộc ra lớp gặp khó khăn. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các vùng biển, vùng núi còn nhiều.

Năm 2004, ngành giáo dục Phú Yên có những giải pháp cụ thể để thực hiện Phổ cập giáo dục THCS cấp huyện, thị xã, phường đúng theo qui định, trong đó chú ý đến lãnh đạo các trường PT cấp 2,3 trên địa bàn. Phòng giáo dục các huyện, thị tiếp tục huy động toàn xã hội cùng tham gia công tác phổ cập giáo dục THCS như Đoàn thanh niên tổ chức chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, Hội phụ nữ, Hội nông dân… tham gia huy động học sinh chưa hoàn thành cấp học đến các lớp bổ túc THCS; hội cựu chiến binh, lực lượng vũ trang bảo đảm trạt tự các lớp học BTVH ban đêm, bộ đội biên phòng (thầy giáo mang quân hàm xanh) tổ chức các lớp phổ cập trên địa bàn đóng quân…Tháng 12-2004, toàn tỉnh có 78/104 xã, phường, thị trấn, 3/8 huyện, thị xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng thêm 1 huyện và 13 xã.

Nhờ phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội, ban chỉ đạo phổ cập các cấp đã tích cực huy động nhiều học sinh bỏ học, học sinh diện khó khăn ra các lớp không chính quy, các lớp bổ túc trung học cơ sở ban đêm. Có thể nói đây là biện pháp rất quan trọng để toàn tỉnh có thể hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Số học viên được huy động ra các lớp bổ túc trong các năm như sau: năm 2001có 221 lớp/4.145 học viên; năm 2002 có 195 lớp/3.855 học viên, năm 2003 có 227 lớp/4.941 học viên; năm 2005 có 231 lớp/5.021 học viên.

Xác định phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo đã tập trung chỉ đạo thống nhất mục tiêu trong nhiệm vụ chung. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp đã có những biện pháp thích hợp đảm bảo mục tiêu kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, từng thời kỳ. Đối với những vùng khó khăn (vùng sâu, vùng xa, miền núi) tỉnh đã có sự lựa chọn ưu tiên trong quá trình phổ cập, đầu tư kinh phí có trọng điểm, tổ chức mạng lưới trường lớp thích hợp để thu hút trẻ trong độ tuổi đến trường, đồng thời đa dạng hóa các hình thức học tập tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đi học, đặc biệt chú ý trẻ em ở lứa tuổi “tiền học đường”, mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Tính đến cuối năm 2005 đã có 7/9 huyện, thị xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở gồm:

- Thị xã Tuy Hòa (đạt chuẩn 12/2002)

- Huyện Tây Hòa (tách ra từ huyện Tuy Hòa, đạt chuẩn 12/2003)

- Huyện Đông Hòa (tách ra từ huyện Tuy Hòa, đạt chuẩn 12/2003)

- Huyện Phú Hòa, đạt chuẩn 12/2004

- Huyện Đồng Xuân, đạt chuẩn 12/2005

- Huyện Sông Cầu, đạt chuẩn 12/2005

- Huyện Tuy An, đạt chuẩn 12/2005.

Toàn tỉnh có 94/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (Thị xã Tuy Hòa 14/14, Đông Hòa 10/10, Tây Hòa 11/11, Phú Hòa 8/8, Đồng Xuân 10/11, Tuy An 15/16, Sông Cầu 10/11, Sông Hinh 07/11, Sơn Hòa 07/14).

V. CÔNG TÁC AN NINH TRẬT TỰ TRƯỜNG HỌC VÀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO HỌC SINH

Trong giai đoạn 2001-2005, mô hình “trường-phường” được các đơn vị trường học đẩy mạnh một bước. Phương châm phối hợp giữa các lực lượng trong nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng an ninh trật tự trường học góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh được Sở Giáo dục-đào tạo hết sức quan tâm. Sở Giáo dục đã chọn 8 đơn vị trường học và 2 huyện để làm điểm là trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Trần Quốc Tuấn, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, cấp 2-3 Sơn Thành, Phan Bội Châu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, phòng Giáo dục-đào tạo huyện Tuy Hòa và huyện Sông Cầu.

Các chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập trường học như ma túy, phòng chống HIV/AIDS được triển khai với nhiều hình thức phong phú đã có tác động giáo dục đạo đức cho học sinh. Chú trọng tăng cường trật tự kỷ cương, củng cố nề nếp, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phấn đấu để mọi hoạt động của nhà trường đều có tác dụng giáo dục đạo đức sâu sắc đối với học sinh, sinh viên; tiếp tục xây dựng các tập thể sư phạm nhà trường mẫu mực và các tập thể học sinh-sinh viên tiên tiến, giỏi toàn diện. Nhiều trường học đã tích cực ngăn ngừa, phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm xâm nhập trường học. Hầu hết cán bộ, giáo viên nhân viên và học sinh có ý thức cao trong việc chấp hành kỷ luật, tôn trọng và giữ gìn an ninh trường học, an toàn giao thông, trật tự đô thị, xây dựng môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp”. Điển hình trong phong trào này là các trường: Tiểu học Xuân Phước, huyện Đồng Xuân; trung học phổ thông Nguyễn Huệ; trung học cơ sở Hùng Vương; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa.

Công tác Hội và phong trào “Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ” trong các trường học của tỉnh Phú Yên trong năm 2001-2002 bắt đầu phát triển. Tổng số hội viên chữ thập đỏ (Đội thanh niên xung kích trường học) là 58.131 hội viên/209 trường học. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc giáo dục đạo đức, tư tưởng lối sống cho học sinh. Nhiều trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt truyền thống, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục môi trường tạo một bước chuyển biến về thái độ và hành vi đối với học sinh. Triển khai nội dung chương trình giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên qua các môn sinh học, địa lý, giáo dục công dân; tổ chức tốt buổi sinh hoạt ngoại khóa về an toàn giao thông và các tác dụng giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông trong học sinh. Nhiều trường học đã phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội thiếu niên tiền phong, đội thanh niên xung kích trường học trong công tác tự quản học tập và tổ chức ca múa hát tập thể theo các bài hát qui định, phong trào chữ thập đỏ, an toàn giao thông, xây dựng phong trào Đoàn, Đội vững mạnh.

VI. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHUẨN HOÁ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN

Để nâng cao trình độ giáo viên các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên các cấp được lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo hết sức quan tâm. Năm 2001, trường CĐSP Phú Yên thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa 33 lớp cho 432 giáo viên mầm non, 128 giáo viên tiểu học, 572 giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm tiểu học, 90 giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Liên kết với Đại học sư phạm Qui Nhơn đào tạo 60 giáo viên có trình độ cử nhân giáo dục tiểu học, 140 giáo viên có trình độ đại học sư phạm ngành vật lý và lịch sử. Liên kết với ĐHSP Hà Nội mở 1 lớp cử nhân Quản lý giáo dục cho 83 cán bộ. Bồi dưỡng cho 78 cán bộ trường Tiểu học. Đào tạo 96 học viên làm công tác thư viện có trình độ trung cấp. Liên kết với trường ĐHSP Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ĐHSP Kỹ Thuật cho 146 cán bộ giáo viên và học sinh. Ngoài ra, Sở Giáo dục-đào tạo còn cử 26 cán bộ, giáo viên dự thi Cao học (thi đỗ 23); gần 500 giáo viên tham gia học đại học tại chức và từ xa.

Một trong những hoạt động tích cực, nhạy bén của lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo Phú Yên về phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ cao đáp ứng yêu cầu giáo dục thời kỳ đổi mới và hội nhập. Thực hiện đúng theo định hướng phát triển chung của tỉnh, từ năm 2001, Sở Giáo dục-đào tạo đã xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đối với những cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Đến năm 2005 toàn ngành đã có hơn 80 cán bộ giáo viên có trình độ thạc sĩ, 11 cán bộ, giáo viên đang nghiên cứu sinh. Chủ trương này thực hiện ở Phú Yên sớm hơn các tỉnh khác trong khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Đặc biệt, ngày 15 tháng 6 năm 2004, Bộ chính trị BCHTW Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trong nâng cao bản lĩnh chính trị, bản chất lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Triển khai Chỉ thị này, toàn ngành đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo một cách mạnh mẽ và có chất lượng hơn. Sở Giáo dục-đào tạo liên kết với trường đại học sư phạm Hà Nội mở hai lớp cử nhân quản lý giáo dục cho hầu hết cán bộ quản lý cấp trường, phòng giáo dục và Sở Giáo dục-đào tạo. hàng trăm cán bộ quản lý và giáo viên được cử đào tạo thạc sỹ và nghiên cứu sinh trong giai đoạn này.



VII. PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC ĐẢNG TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC

Các Phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Ban Tuyên giáo các huyện tổ chức quán triệt kịp thời và triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Trong các năm học (2001-2005), Trường CĐSP, Phòng Giáo dục-đào tạo huyện Tuy Hòa, trường THPT Lương Văn Chánh là những đơn vị làm tốt công tác phát triển Đảng trong giáo viên, học sinh, sinh viên.

Trong năm học 2000-2001, toàn ngành đã kết nạp được 225 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 1.627 đồng chí, chiếm tỷ lệ 14,57% tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành. Công tác phát triển Đảng trong Đoàn viên học sinh, sinh viên được tiếp tục được chú trọng. Từ năm 1997-2005, có 23 Đoàn viên học sinh, sinh viên của các trường CĐSP, phổ thông DTNT tỉnh, trường chuyên Lương Văn Chánh được đứng vào hàng ngũ của Đảng CSVN. Đây là những học sinh, sinh viên có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, tu dưỡng chính trị, đạo đức, hội đủ những yêu cầu cần có của một người Đảng viên. Một số đơn vị làm tốt công tác xây dựng Đảng như ngành GD-ĐT huyện Sơn Hòa, đảng viên chiếm 18,8% tổng số cán bộ, giáo viên. Huyện Tuy An 15,8%, huyện Đồng Xuân 14,3%, thị xã Tuy Hòa 13,7%.

Năm 2002, thực hiện chỉ thị 34CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 09- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng ngành GD&ĐT phối hợp với các huyện, Thị ủy, Đảng ủy Dân chính Đảng tiếp tục trú trọng tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức, công tác xây dựng , củng cố tổ chức cơ sở Đảng và phát triển Đảng viên trong trường học. Trong năm học đã kết nạp được 228 Đảng viên mới, nâng tổng số Đảng viên toàn ngành lên 1.855, đạt tỷ lệ 13,46% so với tổng số cán bộ , công chức của ngành. Toàn ngành có 2 Đảng bộ, 185 chi bộ và chi bộ sinh hoạt ghép với các địa phương.

Đến cuối năm học 2003, toàn ngành được kết nạp được 360 Đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 2.163 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,37% so với tổng số cán bộ, công chức trong ngành. Những đơn vị làm tốt công tác phát triển Đảng trong cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THPT Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Huệ THPT Lê Thành Phương, THPT Lê Lợi, THPT Nguyễn Du, PGD huyện Tuy Hòa… Đến cuối năm học 2004, toàn ngành đã nạp được 313 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 2.492 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,92% so với tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành (tăng hơn năm trước: 1,55%). Trong thời gian 5 năm từ 2001 đến 2005 toàn ngành đã kết nạp được 1294 đảng viên nâng tỷ lệ sơ đảng viên trong cán bộ công chức toàn ngành là 20,2%.

*

* *



Đây là giai đoạn nhận thức của xã hội về vai trò của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng đầy đủ hơn. Đại bộ phận nhân dân trong tỉnh có tinh thần hiếu học, đã tổ chức được nhiều quỹ khuyến học ở các làng xã, họ tộc nhằm giúp đỡ động viên con em nâng cao tinh thần học tập. Thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa các loại hình giáo dục và nguồn kinh phí, huy động toàn xã hội cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục. Giai đoạn này hệ thống giáo dục quốc dân đã được củng cố và phát triển khá toàn diện, hình thành các loại hình trường lớp công lập, bán công, dân lập có bản đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mạng lưới các trường phổ thông được xây dựng đều khắp trên tất cả các địa bàn. Cơ sở vật chất được tăng cường, nhiều trường học được xây dựng mới, khang trang. Chất lượng giáo dục-đào tạo cũng được nâng cao, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đúng đọ tuổi ngày càng tăng, học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng giảm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp cao, nhiều học sinh đạt gải cao trong các kỳ thi gọc sinh giỏi cấp quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành giáo dục cũng được quan tâm đúng mức, số lượng giáo viên và cán bộ quản lý có trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt trên 97%.

Trong giai đoạn này, lĩnh vực đào tạo nghề cũng phát triển cả về quy mô và chất lượng, cung cấp được phần lớn lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 14,05% năm 2000 lên 23,5% năm 2005. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị dạy nghề được cải thiện một bước; công tác xã hội hóa dạy nghề cũng được mở rộng; đào tạo nghề theo modul được áp dụng, giảm đáng kể thời gian học nghề cho người lao động.




KẾT LUẬN
Thời gian 60 năm (1945-2005) của ngành giáo dục là một quá trình đấu tranh, bảo vệ và xây dựng, phát triển, một giai đoạn lịch sử hào hùng và vô cùng oanh liệt. Sự nghiệp giáo dục cả nước nói chung, giáo dục Phú Yên nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh gìn giữ và phát triển đất nước.

Tinh thần hiếu học của dân tộc ta được khẳng định từ sớm và bừng sáng lên sau lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” tháng 8 năm 1945. Nhân dân cả nước vừa kiên cường chiến đấu để bảo vệ nhà nước cộng hòa non trẻ vừa quyết tâm xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân.

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ thử thách của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với phương châm “ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” nền giáo dục Phú Yên đã lập nên những thành tích đáng tự hào không chỉ đào tạo nên những thế hệ công dân, những chiến sĩ kiên cường chiến đấu hy sinh cho công cuộc giải phóng đất nước mà còn chuẩn bị đội ngũ công nhân, cán bộ có trình độ để quản lý xã hội, phát triển kinh tế.

Từ năm 1975, đất nước thống nhất. Trong giai đoạn 15 năm hợp nhất hai tỉnh, giáo dục Phú Khánh bước vào giai đoạn phát triển mới. Tỉnh Phú Khánh đã phát triển giáo dục các cấp lên một bước mới, xóa bỏ nền giáo dục nô dịch của chế độ cũ, xây dựng một nền giáo dục cách mạng, đổi mới toàn diện thốn nhất trong cả nước.

Sau khi tái lập tỉnh Phú Yên từ năm 1989, trước bối cảnh của đất nước từng ngày đổi mới, với tinh thần chấn hưng, giáo dục Phú Yên đã biết kế thừa những thành quả đã đạt được, nhanh chóng củng cố và vượt lên tiến kịp các tỉnh bạn trong cả nước.

Những năm đầu của thế kỷ XXI (2000-2005), Phú Yên đã có một vị thế nhất định, bên cạnh các ngành khác, ngành giáo dục phát triển tương đối mạnh góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy chưa đạt mức phát triển bền vững nhưng đã hiển hiện những tiềm năng và triển vọng lớn. Trong những thành tựu về văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật vừa qua của toàn tỉnh, giáo dục được đánh giá như một nét đặc sắc, một thành công khá toàn diện:

1- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, ngành giáo dục tỉnh Phú Yên đã thực hiện đúng những quan điểm, đường lối chiến lược, mục tiêu, nguyên lí, phương châm về giáo dục do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đề ra qua các thời kỳ cách mạng.

Toàn ngành đã đoàn kết nhất trí vượt mọi khó khăn, thực hiện một cách chủ động và sáng tạo, năng động và có hiệu quả qua 3 cuộc cải cách giáo dục (1950,1956,1979) và công cuộc đổi mới hiện nay đưa nền giáo dục tỉnh có được diện mạo và vị thế nhất định trong cả nước.

2. Giáo dục Phú Yên từng bước xây dựng được một hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ về cơ cấu các ngành học, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, rộng lớn về qui mô, phủ kín khắp các địa bàn trong tỉnh từ thành phố đến nông thôn, từ miền núi dến hải đảo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

3. Về nhiệm vụ đào tạo nhân lực đã được quan tâm hơn từ ngày tái lập tỉnh. Hệ thống trường chuyên nghiệp được hình thành gồm các trường dạy nghề, trung học, Cao đẳng chuyên nghiệp của Trung ương và địa phương. Các trường Trung cấp dần được nâng lên thành trường Cao đẳng, từng bước dáp ứng nhu cầu đội ngũ công nhân cán bộ khoa hoc kỹ thuật cho sự phát triển công, nông nghiệp, du lịch ở địa phương và vùng miền. Việc chuẩn bị hình thành một trường Đại học đa ngành của tỉnh cũng được xúc tiến.

Vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá ngày càng bức xúc đòi hỏi sự đầu tư lớn về ngân sách, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên và có sự liên kết chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương.

4. Về chất lượng, ngành giáo dục và đào tạo đã theo sát và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp giáo dục Phú Yên là một tỉnh hàng đầu trong liên khu V, có tác dộng tích cực trong công cuộc xây dựng đời sống mới, trong lao động sản xuất, trong chiến đấu bảo vệ vùng tự do, là hậu phương lớn, cung ứng nhân tài vật lực cho công cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngành giáo dục Phú Yên là một mặt trận chiến đấu ác liệt, thầy và trò đã chiến đấu kiên cường trên mặt trận quân sự và chính trị, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, toàn ngành giáo dục Phú Yên sánh bước cùng xây dựng và phát triển sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tuy chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, song học sinh Phú Yên vẫn nổi tiếng là cần cù, siêng năng, học giỏi và hạnh kiểm tốt. Học sinh trường Chuyên Lương Văn Chánh, trường Nguyễn Huệ… qua các thời kỳ vẫn nêu cao truyền thống yêu nước, học giỏi kính thầy, mến bạn. Các em đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Toàn quốc, Olimpic khu vực, và thi tuyển vào Đại học.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự giao lưu giữa các nền văn hóa giáo dục, yêu cầu chất lượng giáo dục, chất lượng đạo đức, chính trị ở nhà trường ngày càng cao hơn. Nhà trường phải là vườn ươm mầm non dân tộc, nhân tài thời đại, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

5. Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là nhân tố quyết định cho những thành tựu của nền giáo dục. Đội ngũ giáo giới Phú Yên hình thành sớm, tập hợp nhiều thế hệ, nhiều nguồn đào tạo, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Tất cả với tinh thần đoàn kết, lương tâm nghề nghiệp, gắn bó trong công đoàn giáo dục, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong nghề nghiệp tạo ra những thành quả mà nhân dân ngưỡng mộ. Noi gương các nhà giáo tiền bối cách mạng, nhất là lớp nhà giáo qua 2 cuộc kháng chiến đã anh dũng kiên cường vừa tham gia kháng chiến vừa kiến quốc để tạo ra thế hệ tiếp nối thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ hòa bình và đổi mới. Nếu so với mấy chục thầy giáo thời Pháp thuôc, vài trăm giáo viên thời kháng chiến chống Pháp thì con số trên 1 vạn giáo viên các cấp trong đó hàng trăm giáo viên có trình độ thạc sỹ vào năm 2005 và tiến sĩ thì thật là một bước tiến khổng lồ. Cùng với chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp nghề nghiệp, sự tôn vinh của nhân dân sẽ là động lực cho giáo viên phấn đấu vươn lên.

6. Công tác quản lý giáo dục có nhiều tiến bộ cùng với sự phát triển của công tác quản lý hành chính nhà nước. Ngành giáo dục có hệ thống trường học với quy mô lớn, hàng trăm đơn vị của các cấp học, hàng vạn giáo viên, hàng chục vạn học sinh với nội dung quản lý rất đa dạng và phức tạp. Qua các thời kỳ phát triển bộ máy quản lý ngành dần được định hình và củng cố, những non yếu được khắc phục. Các cán bộ quản lý giáo dục ở Sở, Phòng được tuyển chọn từ những giáo viên giỏi về chuyên môn, được bồi dưỡng về quản lý nên công tác ngày càng có hiệu quả.

Nâng cao nhận thức và hoạt động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí vai trò của Giáo dục-đào tạo trong công cuộc công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước. Ngành giáo dục đã xây dựng được mối liên hệ và quan hệ ngày càng tốt giữa nhà trường-gia đình-xã hội, hình thành được môi trường giáo dục lành mạnh đem lại hiệu quả thiết thực không những cho việc giáo dục học sinh trong nhà trường và cả đời sống văn hoá trong xã hội.

Ngành giáo dục-đào tạo đã biết dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất trường học, chăm lo đời sống cho giáo viên nhất là hệ thống trường mầm non, bán công, dân lập, … cùng với Nhà nước phát triển một nền giáo dục trên quy mô lớn.

7. Quán triệt quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã quan tâm đến việc đầu tư ngân sách và cơ sở vật chất, tăng cường xây dựng thiết bị hiện đại cho trường học để phù hợp với bước tiến giáo dục thời đổi mới. Phong trào thi đua “Học thật tốt”, ”Dạy thật tốt” vẫn được duy trì và phát triển liên tục trong tất cả các bậc học, cấp học từ ngành học mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp và cao đẳng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên từng bước khá vững chắc và đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể đơn vị giáo dục tiêu biểu. Một mốc son trong lịch sử giáo dục Phú Yên là tháng 12/1998 Phú Yên được Nhà nước công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học và xoá nạn mù chữ. Phú Yên về đích trước 2 năm so với mốc của cả nước. Từ đây nền dân trí của tỉnh đã bước qua khỏi ngưỡng cửa đầu tiên của nền học vấn để bước tiếp lên bậc cao hơn của một nền giáo dục quốc dân, văn minh và hiện đại trong thế kỷ XXI.

Tuy Phú Yên vẫn còn ở tình trạng một tỉnh nghèo, nhiều thiên tai bão lụt giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn, song so với tình tình chung cả nước, giáo dục Phú Yên cho đến thập niên cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI vẫn được đánh giá là một tỉnh có nền giáo dục phát triển vào loại tốt, toàn diện.

Những thành tựu giáo dục và đào tạo đã góp phần xứng đáng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, làm đổi mới bộ mặt văn hoá xã hội của tỉnh. Trên cơ sở chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Phú Yên đã có chính sách sử dụng, bổ nhiệm nhân lực được đào tạo chính quy, có chất lượng cao, có chính sách hợp tình hợp lý để đổi mới và nâng cao chất lượng trong bộ máy Nhà nước và các cơ sở doanh nghiệp sẽ kích thích công tác đào tạo và tự đào tạo.

Trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, nền giáo dục cách mạng Phú Yên đã có những bước tiến đáng kể, tạo đà cho từng giai đoạn phát triển chung của toàn xã hội. Sau những lần cải cách giáo dục, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các ngành khác, giáo dục Phú Yên ghi lại những dấu ấn của thắng lợi với bao thành tích đáng tự hào trên nhiều phương diện, góp phần tích cực vào sự nhiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã xây dựng một nền giáo dục mới cùng cả nước thực hiện tốt quá trình đổi mới của đất nước với một hệ thống trường lớp hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập; tạo nguồn cán bộ, giáo viên đạt cả về chất lượng và số lượng; có cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, khang trang và hiện đại.

Xuyên suốt chiều dài của lịch sử đương đại, nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại, nhà giáo dục lỗi lạc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh bằng những hoạt động thực tiễn của mình đã biến những ham muốn tột bực là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành’, bằng cuộc vận động cách mạng “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, giặc ngoại xâm”, đã làm cho dân tộc ta từ một dân tộc yếu trở thành một dân tộc thông thái đứng vào hàng ngũ của các dân tộc tiên tiến trên thế giới. 60 năm, tuy phải qua mấy cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng đã hình thành được một nền dân trí phát triển, một đội ngũ nhân lực ngày càng đa dạng phong phú từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, một đội ngũ trí thức với trình độ cao Thạc sĩ, Tiến sĩ… ở hầu hết các ngành Khoa học kỹ thuật hiện đại. Đó là vốn quí, là tài sản vô giá cần được tập hợp và sử dụng cho sự phồn vinh của quê hương nói riêng, đất nước nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Sách, Tạp chí

1. Đào Duy Anh : Việt Nam Văn hóa sử cương, tái bản NXB Đồng Tháp 1998.

2. Nguyễn Thế Anh: Vài nét về giáo dục Việt Nam từ sau Đại chiến thế giới thứ nhất đến trước Cách mạng Tháng Tám, Tạp chí NCLS, số 102, 1967.

3. Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên: Phú Yên kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Ban Tuyên giáo, 1994.

4. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Phú Yên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên (1930-1945). Ban tuyên giáo, 1999.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên: Lịch sử Phú Yên kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975). Ban Tuyên giáo, 1996.

6. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung Ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Sự thật- Hà Nội 1975.

7. Bộ giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển của sự nghiệp GD và ĐT 1945-1995, Bộ Giáo dục xuất bản, 1995.

8. Phan Huy Chú: Lịch triền hiến chương loại chí, Bản dịch Nxb Sử học, 1961.

9. Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ: Địa dư tỉnh Phú Yên. Imprime Rie Quynhơn, 1937.

10. Cao Xuân Dục: Quốc triều hương khoa lục, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993.


  1. Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán: "Tỉnh Phú Yên”, Đại Nam nhất thống chí, tập 10, Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1964.

12. Đảng bộ Huyện Sông Cầu: Lịch sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Huyện Sông Cầu 1930 – 1975. Huyện ủy Sông Cầu, 2001.

13. Đảng bộ Huyện Tuy Hòa: Lịch sử Đảng bộ Huyện Tuy Hòa 1930 - 1975. Huyện ủy Tuy Hòa, 2000.

14. Đảng bộ xã Hòa Quang: Hòa Quang trên đường Cách mạng, 1998.

15. Đảng bộ xã Bình Kiến: Bình Kiến mảnh đất kiên trung, 2000.

16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ tư. NXB Sự thật - Hà Nội, 1997.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban chấp hành Trung ương: Nghi quyết của Bộ Chính trị vê cải cách giáo dục. NXB Sự thật - Hà Nội, 1997.

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6, NXB Sự thật - Hà Nội, 1987.

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TW khóa VII, tháng 2/ 1993.

20. Nguyễn Xuân Đàm: 50 năm nền giáo dục Cách mạng Phú Yên. Báo Phú Yên 651/1995.

21. Lê Quí Đôn: Phủ biên Tạp lục, bản dịch NXB KHXH, Hà Nội, 1977.

22. Đà Giang - Trần Sĩ - Một cuộc đời - Thành phố Hồ Chí Minh 1999.

23. Phạm Minh Hạc (Cb): Sơ thảo giáo dục Việt Nam 1945 – 1990. NXB Giáo dục 1992.

24. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

25. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

26. Nguyễn Văn Huyên: Những bài nói và viết về giáo dục. NXB Giáo dục, 1990.

27. Huyện ủy Tuy Hòa: Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1930 – 1975, 2000.

28. Phan Khoang. Việt sử xứ Đàng Trong. Nxb Văn Học, TP. HCM, 2001.

29. Trần Tử Minh: Trường THPT Nguyễn Huệ- Những tháng năm đáng nhớ. Sở Văn hóa thông tin Phú Yên 2001.

30. Nhiều tác giả – Phú Yên một thời để nhớ, 2001.

31. Lê Nhường: Biện pháp quản lí công tác bồi dưỡng trưởng phó phòng giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên. Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục, 2002.

32. Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918. NXB Giáo dục, 2001.

33. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục. T1. Viện Sử học, 2004.

34. Sở Giáo dục& Đào tạo Hà Tĩnh: Lịch sử giáo dục Hà Tĩnh. NXB Chính trị Quốc gia, 2005.

35. Sở Khoa học & Công nghệ Phú Yên: Kỷ yếu hội thảo khoa học, Phú Yên 395 năm, 2006.

36. Nguyễn Tấn Hào: Đổi mới công tác quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THPT của Tỉnh Phú Yên trong giai đoạn hiện nay. Luận văn Thạc sĩ – Hà Nội 2002.

37. Nguyễn Khánh Toàn: Về văn học và giáo dục. NXB Khoa học xã hội, 1972.

38. Nguyễn Văn Thưởng: Sơ lược về Giáo dục và thi cử ở nước ta nửa đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Trí thức Phú Yên, Số 6&7-2009.

39. Nguyễn Văn Thưởng (Cb): Các phong trào yêu nước và cách mạng ở Phú Yên (1885-1930). NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2009.

40. Nguyễn Đình Tư : Non nước Phú Yên, Nxb Tiền Giang, 1964.

41. ỦY ban nhân dân tỉnh Phú Yên: Phú Yên 10 năm xây dựng và phát triển. Ủy ban nhân dân tỉnh, 1999.

42. ỦY ban nhân dân tỉnh Phú Yên: Địa chí Phú Yên - NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2003.

43. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Tìm hiểu tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB KHGD Hà Nội, 1990.



II. TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA BỘ GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Các Văn bản – Tư liệu của Bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Quyển I ( 1954 – 1975)


44. Tập lưu công văn 1959 -1960 của Bộ quốc gia Giáo dục Việt Nam Công Hòa.



  1. Biên bản học tập thông điệp của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa trước phiên họp của Quốc hội ngày 2 /11/1968.

  2. Diễn từ của Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Bộ giáo dục trong dịp Chủ tọa lễ Bế giảng khóa huấn luyện quân sự cao cấp học đường tại trung tâm huấn luyện Quang Trung tháng 10 / 1969.

  3. Diễn văn của Ngô Khắc Tỉnh trong buổi lễ kỉ niệm 102 nhân ngày mất của Nguyễn Trường Tộ.

  4. Bài đáp từ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi lễ khai giảng Viện Đại học Sài Gòn ngày 18 /1/1971.

  5. Báo cáo kết quả hoạt động của khối tiểu học, Trung học trong năm 1972 và dự án thực hiện năm 1973 của Bộ Giáo dục.

  6. Nghị định của Bộ Giáo dục về thể thức tổ chức kì thi văn bằng khả năng sư phạm tiểu học cho Giáo viên tiểu học thực thụ 4 năm. Năm 1958

  7. Bảng tổng kết kinh phí thực hiện niên khóa 1974 - 1975 của Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên.

52. Tổng kết ngân sách Quốc gia năm 1975 của Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên.

  1. Dụ số 9 ngày 14/7/1950 của Bảo Đại về việc ấn định quy chế công chức Việt Nam.

  2. Nghị định của phủ Thủ tướng năm 1968.

  3. Sự vụ lệnh bổ nhiệm, chỉ đạo điều động giáo sư năm 1975 của tỉnh Hậu Giang, Phú Yên, Tây Ninh, Châu Đốc, Vĩnh Long.

III. TÀI LIỆU LƯU TRỮ VỀ GIÁO DỤC VÙNG GIẢI PHÓNG

MIỀN NAM VIỆT NAM ( 1972 -1975) VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC. (Quyển II)


56. Báo cáo phong trào giáo dục khu V 2 năm 1973-1974 ở vùng giải phóng.

57. Thông tư của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam về công tác cán bộ giáo dục. 1974.

58. Chỉ thị của Ban Chấp hanh TW về công tác giáo dục các tỉnh thành miền Nam trong 3 năm 1978- 1980.

59. Báo cáo tình hình khai giảng năm học 1975-1976 các Ty Giáo dục miền Nam.

60. Báo cáo tổng kết 3 đợt học tập, cải tạo cho công nhân viên chức, giáo chức ngụy quyền năm 1975 của Bộ Giáo dục và Thanh niên.

61. Quy chế tạm thời của Bộ Giáo dục về tổ chức quản lí trường phổ thông ở miền Nam 1975.

62. Quy định tổ chức bộ máy quản lí giáo dục các cấp địa phương miền Nam 1976.

63. Quyết định của Phủ Thủ tướng về chính sách sử dụng giáo viên vùng mới giải phóng ở miền Nam 1975.

64. Danh sách hồ sơ giáo viên giao cho Ty Giáo dục Phú Khánh.

65. Chỉ thị của Ban CHTW về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng. Năm 1975.

66. Tham luận về cải cách giáo dục của bà Nguyễn Thị Bình – Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục tại kì họp khóa 2 Quốc hội khóa VI 1977.

67. Kế hoạch báo cáo tình hình, mục tiêu chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên ở các tỉnh phía Nam năm 1978.
=========================================================


MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

PHẦN MỞ ĐẦU. KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG

VĂN HÓA, GIÁO DỤC PHÚ YÊN

I. VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI PHÚ YÊN


II. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - GIÁO DỤC


PHẦN THỨ NHẤT. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1945

CHƯƠNG I. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TỪ THẾ KỶ XVII ĐẾN NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX


I. KHÁI QUÁT GIÁO DỤC VIỆT NAM TRƯỚC KHI PHÁP XÂM LƯỢC

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1885


2.1. Hình thức tổ chức

2.2. Giáo dục dân gian từ trong quần chúng lao động

2.3. Hệ thống trường học ở Phú Yên

2.4. Những nhà khoa bảng ở Phú Yên


CHƯƠNG II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI PHÁP THUỘC (1885-1945)


I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC TRONG CẢ NƯỚC

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI PHÁP THUỘC (1885 - 1945)


2.1. Số trường – lớp


2.2. Việc dạy và học

2.3. Những người Phú Yên có bằng cấp thời Pháp thuộc 1885-1945


III. NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH PHÚ YÊN ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

PHẦN THỨ HAI. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1975

CHƯƠNG III. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRONG CHÍN NĂM KHÁNG CHIẾN (1945 - 1954)

I. CẢ NƯỚC NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN

II. HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở PHÚ YÊN (1945-1954)
2.1. Giáo dục bình dân

2.2. Giáo dục phổ thông

2.2.1. Giáo dục Tiểu học

2.2.2. Giáo dục Trung học
2.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

2.4. Bộ máy ngành giáo dục Phú Yên (1945-1954)
III. TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ

CHƯƠNG IV. GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI KỲ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRONG CĂN CỨ CÁCH MẠNG VÀ VÙNG GIẢI PHÓNG (1954-1975)

2.1. Giáo dục Phú Yên giai đoạn 1954-1960

2.2. Giáo dục Phú Yên giai đoạn 1961-1965

2.3. Giáo dục Phú Yên giai đoạn 1966 – 1968

2.4. Giáo dục Phú Yên giai đoạn 1969 -1975

III. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRONG VÙNG CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN TẠM CHIẾM 3.1. Hệ thống tổ chức giáo dục Phú Yên trong vùng địch tạm chiếm

3.2. Phong trào đấu tranh yêu nước của giáo viên – học sinh Phú Yên trong vùng kiểm soát tạm thời của chính quyền Sài Gòn

IV. CHI VIỆN CỦA HẬU PHƯƠNG LỚN XHCN MIỀN BẮC CHO GIÁO DỤC PHÚ YÊN



PHẦN THỨ BA. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TỪ NGÀY THỐNG NHẤT

ĐẤT NƯỚC NĂM 1975 ĐẾN NĂM 2005

CHƯƠNG V. GIÁO DỤC PHÚ YÊN NHỮNG NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

VÀ TRONG THỜI KỲ HỢP NHẤT PHÚ YÊN VỚI KHÁNH HÒA

(1975 – 1989)

I. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

(TỪ THÁNG 4 ĐếN THÁNG 11 NĂM 1975)

1.1. Chủ trương của Đảng về giáo dục

1.2. Về tổ chức bộ máy giáo dục

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRONG THỜI KỲ HỌP NHẤT PHÚ YÊN VÀ KHÁNH HÒA

(11 - 1975 đến 7 -1989)

2.1. Tình hình chung

2.2. Các hoạt động giáo dục



2.2.1. Về tổ chức bộ máy

2.2.2. Xây dựng hệ thống trường Sư phạm

2.2.3. Xóa mù chữ và Bổ túc văn hóa

2.2.4. Thực hiện công cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3

2.2.5. Giáo dục mần non và phổ thông

III. CÔNG TÁC ĐẢNG VÀ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ TRONG GIÁO DỤC

IV. XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

CHƯƠNG VI. GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI KỲ TÁI LẬP TỈNH

VÀ TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1989-2000)

I. THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRONG THỜI KỲ MỚI

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 1989-2000

2.1. Sự phát triển giáo dục Mầm non

2.2. Sự phát triển giáo dục phổ thông

2.2.1. Cấp Tiểu học

2.2.2. Trung học cơ sở



2.2.3. Trung học phổ thông

2.3. Phát triển giáo dục miền núi, hải đảo

III. HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP, CAO ĐẲNG – TRUNG TÂM GIÁO DỤC

IV. XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ

V. CƠ SỞ VẬT CHẤT NGÀNH GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO

VI. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI, HỢP TÁC GIÁO DỤC CHƯƠNG VII. GIÁO DỤC PHÚ YÊN NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI

(2001 - 2005)

I. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO TRONG TÌNH HÌNH MỚI

II. GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI (2001-2005)

2.1. Bước phát triển của giáo dục Mầm non

2.2. Sự phát triển của các bậc học giáo dục phổ thông

2.2.1. Giáo dục Tiểu học

2.2.2. Giáo dục Trung học cơ sở

2.2.3.Giáo dục Trung học phổ thông

2.3. Giáo dục miền núi và học sinh dân tộc

III. GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP

IV. PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ

V. CÔNG TÁC AN NINH TRẬT TỰ TRƯỜNG HỌC VÀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO HỌC SINH

VI. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHUẨN HOÁ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN

VII. TỔ CHỨC ĐẢNG TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC

KẾT LUẬN


TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤC


Trang


Каталог: vanban -> vb thongbao
vanban -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vanban -> Sè: 90/2003/Q§-ub
vanban -> Bch đOÀn tỉnh thanh hóa số: 381 bc/TĐtn-btg đOÀn tncs hồ chí minh
vanban -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 35/2008/NĐ-cp ngàY 25 tháng 03 NĂM 2008
vanban -> BỘ NÔng nghiệP & phát triển nông thôn cục trồng trọt giới Thiệu
vanban -> 10tcn tiêu chuẩn ngành 10tcn 1011 : 2006 giống cà RỐt-quy phạm khảo nghiệm tính khác biệT, TÍnh đỒng nhấT
vanban -> TIÊu chuẩn ngành 10tcn 683 : 2006 giống dưa chuột-quy phạm khảo nghiệM
vanban -> QuyếT ĐỊnh của bộ trưỞng bộ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số 41/2004/QĐ-bnn ngàY 30 tháng 8 NĂM 2004
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương