Rèn kỹ NĂng đỌC – hiểu văn bản văn học ngoài chưƠng trình cho học sinh chuyên văn mục lục phần ĐẶt vấN ĐỀ



tải về 153.1 Kb.
trang5/33
Chuyển đổi dữ liệu11.02.2024
Kích153.1 Kb.
#56546
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33
RÈN KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU VBVH CHO HS CHUYÊN

1.2 Văn bản văn học
1.2.1 Về khái niệm văn bản văn học, theo quan điểm có từ lâu đời, người ta phân biệt văn bản văn học theo hai nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, văn bản văn học là các loại văn bản ngôn từ, trong đó ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật, tức là có nhịp điệu, có hình ảnh, chức năng biểu cảm. Theo nghĩa hẹp, văn bản văn học là sản phẩm sáng tạo bằng hư cấu, tưởng tượng như thơ ca, phú, tiểu thuyết, kịch... Trước đây khái niệm văn bản văn học thường được đồng nhất với khái niệm tác phẩm văn học, song ngày nay hai khái niệm này có sự phân biệt cơ bản như sau: Văn bản văn học là sự hiện diện bằng văn tự (ngôn từ) của tác phẩm, là phương diện kí hiệu của tác phẩm. Thông qua hoạt động đọc của người đọc, văn bản văn học mới chuyển thành khách thể thẩm mĩ, đó là tác phẩm trong tâm trí người đọc. Nhưng tác phẩm văn học không đơn giản là sản phẩm của việc đọc, mà là sự thống nhất hữu cơ giữa văn bản, tiếp nhận, ngữ cảnh. Khi học sinh chưa đọc – hiểu, văn bản chỉ là văn bản. Khi đã đọc – hiểu rồi, văn bản mới biến thành tác phẩm, mang cách cảm, cách hiểu, ngữ cảnh của người đọc. Văn bản văn học có ngôn từ, kết cấu, hình tượng là phần ít biến đổi, làm thành giá trị ổn định của nó. Tác phẩm văn học là khách thể thẩm mĩ ngoài phần văn bản còn bao hàm cả ngữ cảnh và sự lý giải của người đọc. (Vì lí do trên mà người viết đã đổi tên chuyên đề Rèn kỹ năng đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn như được yêu cầu thành Rèn kỹ năng đọc – hiểu văn bản văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn. Phải thông quan hoạt động đọc – hiểu, văn bản văn học mới trở thành tác phẩm văn học; thêm nữa, việc đọc – hiểu đúng – trúng – sâu không chỉ căn cứ vào bản thân văn bản mà còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận và ngữ cảnh, do đó, với văn bản văn học ngoài sách giáo khoa, càng cần có những phương pháp rèn kỹ năng phù hợp cho học sinh chuyên văn.)
1.2.2 Về đặc điểm của văn bản văn học, ngoài các đặc điểm chung như các loại văn bản khác, văn bản văn học có đặc điểm riêng là mang tính chất nghệ thuật và thẩm mĩ.
- Đặc điểm về ngôn từ: Đặc điểm đầu tiên của ngôn từ văn học là tính nghệ thuật và thẩm mĩ. Tính nghệ thuật thể hiện ở chỗ ngôn từ văn học là sản phẩm sáng tạo theo các tiêu chí hình tượng và thẩm mĩ: có vần, nhịp bằng trắc xen nhau, cách lực chọn, trau chuốt sắp xếp theo một trật tự đặc biệt, khác với ngôn ngữ hàng ngày, đây cũng chính là tính lạ hóa của ngôn từ văn học. Tính thẩm mĩ thể hiện ở vẻ đẹp và sự hấp dẫn của hình tượng, biểu hiện được cảm xúc, tư tưởng của con người.
Đặc điểm thứ hai là ngôn từ văn học dùng để sáng tạo hình tượng, tức là nói tới một thế giới tưởng tượng, vì thế ngôn từ nghệ thuật có tính chất hư cấu, chứ không có giá trị thông tin như báo chí, nó chủ yếu chỉ có chức năng gợi ra hình tượng trong tâm trí người đọc.
Đặc điểm thứ ba là ngôn từ văn học có tính biểu tượng và đa nghĩa. Biểu tượng trong văn học là những hình ảnh cụ thể, sinh động, gợi cảm nhưng lại mang ý nghĩa quy ước của nhà văn hoặc của người đọc. Chẳng hạn như hình ảnh mặt trời vốn là để chỉ một thực thể của tự nhiên nhưng khi đi vào văn bản văn học lại trở thành những biểu tượng nghệ thuật mang nội dung cảm xúc và ý nghĩa khái quát: Trong câu thơ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ (Thơ Viễn Phương), mặt trời là biểu tượng cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người mang trái tim ấm nóng, đem lại nguồn sống, ánh sáng và bất tử trong lòng người dân Việt như mặt trời vậy. Còn trong ý thơ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng (Thơ Nguyễn Khoa Điềm), mặt trời lại mang biểu tượng về đứa con như là nguồn sáng, nguồn sống rực rỡ, diêu kỳ trong trái tim người mẹ. Trong thơ Tố Hữu, hình ảnh Mặt trời chân lí chói qua tim lại là biểu tượng cho ánh sáng của Đảng, của lí tưởng cộng sản đang tỏa ra chân lí của sự đúng đắn và tốt lành cho người thanh niên trẻ đang kiếm tìm lẽ sống chân chính của cuộc đời. Như vậy tính biểu tượng làm cho ngôn từ văn học có khả năng biểu đạt sâu, rộng và phong phú hơn so với ngôn ngữ giao tiếp thông thường . Đi kèm với tính biểu tượng là tính đa nghĩa có tác dụng làm gia tăng sức biểu hiện cho ngôn từ. Tính đa nghĩa của ngôn từ văn học biểu hiện rõ nhất trong thơ ca do nó có khả năng khơi gợi liên tưởng, mở rộng nội dung biểu hiện.
Các đặc điểm về ngôn từ trên đây làm cho văn bản văn học có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ.
- Đặc điểm về hình tượng: Hình tượng văn học là thế giới đời sống do ngôn từ gợi lên trong tâm trí người đọc. Từng câu, từng chữ trong văn bản dần gợi ra thế giới của những con người có cuộc sống riêng; goi thế giới đó là hình tượng vì nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người đọc. Hình tượng văn học là một phương tiện giao tiếp đặc biệt, đó là một thế giới biết nói. Thông qua chi tiết, nhân vật, cảnh vật, mối quan hệ giữa các nhân vật, nhà văn truyền cho người đọc cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ về cuộc đời, như vậy hình tượng hàm chứa các ý nghĩa khái quát do tác giả gửi gắm mà người đọc phải đọc ra, và đọc hiểu văn bản chính là thực hiện quá trình giao tiếp giữa người đọc và tác giả.
- Đặc điểm về ý nghĩa: Văn bản văn học do miêu tả con người, thiên nhiên, sự vật... mà gợi nhớ đến các hiện tượng đời sống, khiến người đọc suy nghĩ, cảm xúc về chúng. Ý nghĩa văn bản là ý nghĩa của hiện tượng đời sống được nhà văn nắm bắt và gợi lên qua hình tượng. Ý nghĩa của văn bản văn học thể hiện qua nhân vật, sự kiện, cảnh vật, chi tiết, qua sự sắp xếp, kết cấu của các bộ phận văn bản và qua cách sử dụng ngôn từ... Các yếu tố đề tài, chủ đề, cảm hứng, tính chất thẩm mĩ, triết lí nhân sinh trong văn bản văn học chính là các lớp ý nghĩa của văn bản văn học.
Đề tài: Trả lời câu hỏi viết cái gì?, chỉ hiện tượng đời sống được miêu tả.
Chủ đề: Trả lời câu hỏi viết nhằm nói lên vấn đề gì?
Cảm hứng: Sự biểu lộ tình cảm yêu, ghét, châm biếm, ngợi ca...
Tính chất thẩm mĩ: sự thể hiện các giá trị thẩm mĩ (bi, hài, bi tráng, hùng tráng...)
Triết lí nhân sinh: quan niệm chung về cuộc đời, về con người; thái độ bi quan, lạc quan, niềm tin, quan niệm đạo đức.
Các lớp ý nghĩa này chỉ được biểu hiện ra mà không được nói rõ trong văn bản, chúng do người đọc cảm nhận và khái quát nên, bởi vậy có thể khác nhau. Mỗi sự khái quát ý nghĩa đều là một hoạt động sáng tạo của người đọc, việc đồng sáng tạo ấy đòi hỏi yêu cầu khoa học là phải phù hơp với logic biểu đạt của văn bản, với toàn bộ sáng tác của nhà văn, với truyền thống văn hóa dân tộc trong văn học.
- Đặc điểm về cá tính sáng tạo của nhà văn: Văn bản văn học nào cũng do tác giả viết ra và ít nhiều để lại dấu ấn của người sáng tác. Văn học dân gian tuy không thể hiện cá tính riêng biệt của tác giả song vẫn hàm chứa cách nhìn của quần chúng lao động. Còn trong văn học viết chỉ có những tài năng lớn mới tạo ra được những nét nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa lớn, thể hiện trong hình tượng, chi tiết, cách nhìn, giọng điệu. Đặc điểm cá tính sáng tạo của tác giả làm cho các văn bản văn học trở nên phong phú, mới mẻ, không lặp lại, đó cũng là yêu cầu của văn chương không chấp nhân sự dập khuôn, sáo mòn. Thiếu cá tính sáng tạo, các văn bản văn học đơn điệu, nhàm chán, thậm chí bị nhân bản vô tính; mỗi văn bản văn học có cá tính sáng tạo là một tiếng nói riêng mới lạ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của người đọc.

tải về 153.1 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương