PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記



tải về 3.07 Mb.
trang22/32
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích3.07 Mb.
#33422
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   32

() 當知吾人大事因緣。同居一關。最難透脫。唯極樂同居。超出十方同居之外。了此方能深信彌陀願力。信佛力。方能深信名號功德。信持名。方能深信吾人心性。本不可思議也。具此深信。方能發於大願。文中應當二字。即指深信。深信發願。即無上菩提。合此信願。的為淨土指南。由此而執持名號。乃為正行。若信願堅固。臨終十念一念。亦決得生。若無信願。縱將名號持至風吹不入。雨打不溼。如銀牆鐵壁相似。亦無得生之理。修淨業者。不可不知也。大本阿彌陀經。亦以發菩提願為要。正與此同。
(Giải: Hãy nên biết đối với nhân duyên đại sự của chúng ta, một cửa ải Đồng Cư khó thể vượt thoát nhất. Chỉ có cõi Đồng Cư trong Cực Lạc vượt khỏi các cõi Đồng Cư trong mười phương. Hiểu rõ điều này rồi thì mới có thể tin sâu vào nguyện lực của Phật Di Đà. Có tin vào Phật lực thì mới có thể tin tưởng sâu xa công đức của danh hiệu. Tin vào trì danh thì mới có thể tin tưởng sâu xa tâm tánh của chúng ta vốn chẳng thể nghĩ bàn. Có lòng tin sâu xa như vậy rồi thì mới có thể phát ra đại nguyện. Hai chữ “hãy nên” trong kinh văn chính là nói đến lòng tin sâu xa. Tin sâu, phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Đề. Gộp cả hai thứ Tín và Nguyện này, đích xác là kim chỉ nam cho pháp môn Tịnh Độ. Do hai điều này mà chấp trì danh hiệu thì là Chánh Hạnh. Nếu tín nguyện kiên cố, lâm chung mười niệm hoặc một niệm, cũng quyết định được vãng sanh. Nếu không có tín nguyện, dẫu trì danh hiệu đến mức gió thổi chẳng lọt, mưa táp chẳng ướt giống như tường bạc vách sắt thì cũng chẳng có lẽ nào được vãng sanh! Người tu Tịnh nghiệp chẳng thể không biết điều này. Đại Bổn A Di Đà Kinh cũng coi “phát nguyện Bồ Đề” là trọng yếu, hoàn toàn giống như kinh này).
Trong kinh này, đức Phật nói rõ ràng: Thế giới Tây Phương thành tựu sự trang nghiêm thù thắng, thời gian không dài. Đoạn thứ nhất giới thiệu hoàn cảnh y báo, gần giống như xây trường học trong một thời gian ngắn ngủi, xây dựng một khu trường đẹp đẽ tuyệt vời, các thiết bị hoàn chỉnh, không thiếu sót mảy may nào. Đoạn thứ hai nói về sự trang nghiêm nơi chánh báo, giới thiệu đạo sư A Di Đà Phật là vị thầy ưu tú nhất, Thanh Văn, Bồ Tát, Nhất Sanh Bổ Xứ là những học trò đạt thành tựu trong tu học. Quán sát hai đoạn kinh văn này, ta thấy các cõi Phật trong mười phương chẳng thể sánh bằng. Đem những chỗ tốt đẹp của thế giới Cực Lạc nói hết ra, chúng ta đã biết tình hình thực tế ấy, lẽ nào chẳng hâm mộ, hướng về. Trong đoạn này, kinh dạy cho chúng ta biết một đại sự nhân duyên, tức là đại sự sanh tử. Trong lục đạo, muốn liễu sanh tử, thoát tam giới thì chẳng phải là chuyện dễ dàng, đoạn phiền não khó lắm! Mê hoặc tạo nghiệp, chịu khổ, tạo thành luân hồi. Khi gánh chịu quả báo chẳng biết tự phản tỉnh, càng thêm mê hoặc, càng mê sâu hơn, mỗi đời lại kém hơn đời trước. Cõi Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có lục đạo, khác hẳn cõi Đồng Cư trong mười phương thế giới. Thế giới Tây Phương là Nhất Chân pháp giới, cũng chẳng có mười pháp giới. Bốn cõi xếp theo hàng ngang, hễ sanh về một cõi sẽ sanh về hết thảy cõi, người vãng sanh mang theo nghiệp cũ, nhiều hay ít chẳng giống nhau. Người mang theo nghiệp ít sẽ ở trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm hoặc cõi Thường Tịch Quang. Mang theo nghiệp nhiều sẽ ở trong cõi Phương Tiện Hữu Dư hoặc cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trên sự thật là Nhất Chân pháp giới, bất luận chúng sanh trong đường nào, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều bình đẳng với Đẳng Giác Bồ Tát. Bốn mươi tám nguyện và kinh Vô Lượng Thọ đều nói như thế. Nếu chẳng phải là Nhất Chân pháp giới, sẽ hoàn toàn chẳng có tình hình này! Quán Kinh nói bốn cách niệm Phật là Thật Tướng, Quán Tưởng, Quán Tượng và Trì Danh. Mười phương chúng sanh sanh về thế giới Cực Lạc, phần nhiều nhờ cách Trì Danh Niệm Phật. Bởi nó là pháp môn bậc nhất, dễ dàng nhất, đơn giản nhất, nhanh chóng nhất, ổn thỏa thích đáng nhất, chí viên, chí đốn. Kinh Vô Lượng Thọ nói điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là “phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm”. Lại xem phần ba bậc chín phẩm vãng sanh [trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ] và đọc các kinh điển Đại Thừa khác, những người hồi hướng vãng sanh đều là “phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm”. Nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện là “một bề chuyên niệm, mười niệm thành tựu”, nguyện thứ mười chín là “phát Bồ Đề tâm”. Đủ thấy rằng [tông chỉ] “phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm” dựa trên bổn nguyện của Phật Di Đà. Trong Quán Kinh, đức Phật gọi Bồ Đề tâm là “chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm”. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói Bồ Đề tâm là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Những danh tướng ấy rất nhiều, nhưng đều nói chưa rõ ràng lắm. Ở đây, Ngẫu Ích đại sư dạy cho chúng ta một định nghĩa đơn giản, trọng yếu nhất: “Tin sâu phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm”. Tất cả những tâm như chí thành tâm, thâm tâm, trực tâm, hồi hướng phát nguyện tâm, đại bi tâm đều bao gồm trong một niệm, đại sư đã nói toạc ra. Bà cụ già chẳng biết chữ, chẳng biết thế nào là phát Bồ Đề tâm, nhưng bà cụ có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, đến cuối cùng, thân không bệnh khổ, ngồi vãng sanh. Do vậy, đại sư nói: “Hợp thử tín nguyện, đích vi Tịnh Độ chỉ nam. Do thử nhi chấp trì danh hiệu, nãi vi Chánh Hạnh” (Gộp cả hai thứ Tín và Nguyện này đích xác là kim chỉ nam cho pháp môn Tịnh Độ. Do hai điều này mà chấp trì danh hiệu thì là Chánh Hạnh), hết sức trọng yếu!

“Nhược tín nguyện kiên cố, lâm chung thập niệm, nhất niệm, diệc quyết vãng sanh” (Nếu tín nguyện kiên cố, lâm chung mười niệm hoặc một niệm, cũng quyết định được vãng sanh): Đại sư nói hết sức khẳng định, chính là nói: “Đắc sanh dữ phủ, toàn do tín nguyện chi hữu vô” (Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không).

Có tín và có nguyện sẽ tương ứng với nguyện lực của A Di Đà Phật, tương ứng với chân tâm bổn tánh của chính mình. Dẫu có cảm ứng cũng chớ nên hoan hỷ, chỉ dốc sức nơi tín nguyện trì danh là được rồi. Nếu công phu trì danh đến mức, mà tín nguyện hoàn toàn chẳng chân thật, thiết tha thì cũng uổng phí công phu. Có người đối với chuyện thế gian không buông xuống được, con cái, thân quyến, của cải, sự nghiệp, chẳng bỏ thứ gì được, chỉ cần có một tí vướng mắc sẽ chẳng thể vãng sanh. Công phu chân chánh là thấy thấu suốt, rõ ràng hết thảy pháp trong thế gian, đấy gọi là Đoạn Đức, ý chí hướng về Tây Phương hết sức mãnh liệt thì còn có gì mà chẳng làm được!


4.2.3. Chỉ thẳng pháp Trì Danh [nhằm khuyên hành giả] lập hạnh
(Kinh) Xá Lợi Phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc. Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn, kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ.
() 舍利弗。不可以少善根福德因緣。得生彼國。舍利弗。若有善男子。善女人。聞說阿彌陀佛。執持名號。若一日。若二日。若三日。若四日。若五日。若六日。若七日。一心不亂。其人臨命終時。阿彌陀佛。與諸聖眾。現在其前。是人終時。心不顛倒。即得往生。阿彌陀佛。極樂國土。
(Chánh kinh: Này Xá Lợi Phất! Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên để sanh vào nước ấy. Này Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn, khi người ấy lâm chung, A Di Đà Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lúc lâm chung, tâm chẳng điên đảo liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật).
Đức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên để sanh vào nước ấy). “Thiện căn” là tin tưởng sâu xa, “phước đức” là trì danh, phát tâm niệm Phật là phước đức lớn nhất trong thế gian lẫn xuất thế gian. Trời, người ít phước đức, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát ít thiện căn, nửa tin nửa ngờ. Có ai đem pháp môn này giới thiệu với người khác thì những kẻ ấy tự nhận là bậc thượng căn lợi trí, đáng nên học kinh giáo, tham Thiền, coi pháp Niệm Phật chẳng xứng đáng [để họ quan tâm]. Trong cõi đời, có kẻ tin Phật lâu năm, chịu tin tưởng, cũng phát nguyện, nhưng chẳng thể vãng sanh là do chưa thể buông xuống các duyên trong cõi đời, không bỏ nổi cảm tình, bị chuyện thế gian vây bủa, tức là chẳng đủ phước đức. Trước hết, phải hiểu rõ lý luận và sự thật trong pháp môn Tịnh Độ, phải giảng nhiều, nghe nhiều, chứ chỉ một hai lượt thì hiệu quả chẳng lớn. Tôi là một người thuộc vào trường hợp này! Giảng Yếu Giải lần này khác với lần giảng năm ngoái. Trong lần này có những điều trong quá khứ tôi chưa hề nói đến. Quán sát, thấu hiểu mỗi năm càng sâu đậm hơn năm trước, mỗi năm một hiểu rõ hơn, chứ không phải là năm ngoái tôi tiếc pháp không chịu nói! Năm ngoái tôi cũng không biết những điều ấy. Đến nay tôi mới thấu hiểu [vì sao] xưa kia thiền sư Đạo Xước giảng ba kinh một luận Tịnh Độ, giảng hơn hai trăm lần. Đáng tiếc là những bản chú giải của lão nhân gia không được truyền lại. Hiện thời, chúng ta thấy bản chú giải của cổ đức được lưu truyền phổ biến nhất là bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Viên Trung Sao của U Khê đại sư và Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Ngày nay có thể nghe nói tới bộ Yếu Giải này, chính là thiện căn và phước đức cùng lúc đầy đủ. Trong đời quá khứ, các vị đồng tu đã kết duyên rất sâu với A Di Đà Phật, nhưng sở dĩ chưa thể vãng sanh là do trong ba điều kiện trên đây đã thiếu mất một. Nếu đầy đủ thì đời này sẽ là thân sau cùng. Sanh nhằm thời đại này, nghe kinh có băng thâu âm và băng thâu hình, nghe mấy chục lượt thì từ trong mê tình chúng ta sẽ được lay tỉnh. Đấy là tăng thượng duyên, thiện căn, phước đức là thân nhân duyên.

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu” (Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu): Tiêu chuẩn “thiện nam tử, thiện nữ nhân” được nói ở đây khác với tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân trong hết thảy các kinh điển khác. “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” như trong kinh Di Đà đã nói phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, mà cũng là những nam tử, nữ nhân tin thật, nguyện thiết, nhất tâm trì danh hiệu như trong phần trên đã nói.

Văn thuyết A Di Đà Phật” (nghe nói A Di Đà Phật): “Văn” (聞) là nghe xong liền có nguyện vọng [vãng sanh] mạnh mẽ. “Chấp” (執) là nắm giữ, “trì” (持) là giữ gìn chẳng để mất. Trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, hễ vọng niệm vừa dấy lên, ngay lập tức nghĩ đến tượng A Di Đà Phật, miệng liền niệm Phật; nhất tâm bất loạn là mục tiêu niệm Phật của chúng ta. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “tịnh niệm tiếp nối”, tâm tưởng Phật, miệng niệm Phật đều không gián đoạn. Nếu có tạp niệm thì chẳng tương ứng. Tạp niệm, vọng tưởng dấy lên là hiện tượng bình thường, chẳng cần phải quan tâm đến nó, cứ chuyên chú nơi Phật hiệu, vọng niệm sẽ dần dần ít đi. Thông thường, công phu sẽ đắc lực sau hai ba năm, mỗi giờ có đôi ba vọng niệm thì đã được coi là khá lắm rồi! Chưa đoạn được vọng niệm, nói chung là vì chưa buông xuống được các duyên trong đời. Hiện tại, chúng ta đả Phật thất, chính là căn cứ theo kinh Di Đà đã dạy, bảy ngày có thể thành tựu; chỉ cần tu đến mức nhất tâm bất loạn, muốn vãng sanh liền vãng sanh. Sống chết tự tại, bảy ngày niệm đến mức tương ứng là được. Nếu chẳng tương ứng thì bảy mươi ngày cũng chẳng có tác dụng gì hết.

(Giải) Bồ Đề chánh đạo, danh “thiện căn”, tức thân nhân. Chủng chủng trợ đạo, Thí, Giới, Thiền đẳng, danh “phước đức”, tức trợ duyên. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Đề thiện căn thiểu, nhân thiên hữu lậu phước nghiệp, phước đức thiểu, giai bất khả sanh Tịnh Độ. Duy dĩ tín nguyện chấp trì danh hiệu, tắc nhất nhất thanh, tất cụ đa thiện căn, phước đức, tán tâm xưng danh, phước thiện diệc bất khả lượng, huống nhất tâm bất loạn tai!
() 菩提正道。名善根。即親因。種種助道。施戒禪等。名福德。即助緣。聲聞緣覺。菩提善根少。人天有漏福業。福德少。皆不可生淨土。唯以信願執持名號。則一一聲。悉具多善根福德。散心稱名。福善亦不可量。況一心不亂哉。
(Giải: Chánh đạo Bồ Đề gọi là “thiện căn”, tức thân nhân (cái nhân chánh yếu). Các món trợ đạo như Thí, Giới, Thiền v.v... gọi là “phước đức”, tức là trợ duyên. Thiện căn Bồ Đề của Thanh Văn, Duyên Giác ít ỏi, phước nghiệp của trời người là hữu lậu, nên phước đức ít ỏi, đều chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ. Chỉ có tín nguyện, chấp trì danh hiệu thì mỗi một tiếng đều đầy đủ nhiều thiện căn, phước đức. Tâm tán loạn xưng danh thì phước thiện còn chẳng thể lường, huống là nhất tâm bất loạn ư!)
Chú giải đoạn này, đại sư giảng rõ tình huống có thể vãng sanh hay

là không. Chữ “chánh đạo” trong “Bồ Đề chánh đạo” chỉ Chân Như bổn tánh trong Phật pháp Đại Thừa. “Bồ Đề chánh đạo” tức là minh tâm kiến tánh, trong Tịnh Tông gọi là “thâm tín”. Tin sâu xa quả thật có thế giới Cực Lạc, có A Di Đà Phật, tin sâu xa lời giới thiệu của Thích Ca Mâu Ni quả thật chẳng dối, tin sâu xa mười phương hết thảy chư Phật Như Lai chứng minh lời Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói là xác thực không sai. Đấy chính là “thân nhân” (cái nhân chánh yếu) khiến chúng ta vãng sanh Tịnh Độ, thành Phật trong một đời. Các pháp thường được nói đến như Tứ Nhiếp, Lục Độ, ba mươi bảy đạo phẩm đều là trợ duyên. Chúng ta thật sự phát nguyện sanh về Tịnh Độ, thân cận A Di Đà Phật thì Tứ Nhiếp, Lục Độ, ba mươi bảy đạo phẩm cũng đều hoàn toàn trọn đủ. Một đời xử thế, đãi người, tiếp vật, có tơ hào thiện tâm, thiện hạnh nào cũng đều hồi hướng Tây Phương cầu sanh về thế giới Cực Lạc, chẳng cầu phước báo trời người trong đời này hay trong đời kế, chỉ cầu vãng sanh Tây Phương, trang nghiêm Tịnh Độ thì tâm ấy mới thuần, là trợ duyên thù thắng. Cổ nhân nói: “Tín nguyện trì danh là điều lành nhất trong các điều lành”. Đạo lý trong câu nói này rất sâu. Bậc Bồ Tát minh tâm kiến tánh còn chưa hiểu thật rõ loại sự lý này. Nếu đức Phật không dạy chúng ta, ai có thể hiểu được? Phàm phu nghiệp chướng tập khí nặng nề, tuy Phật giảng rõ ràng, vẫn chẳng nhất định tin tưởng, nhưng đại Bồ Tát có trí huệ cao, nghe rồi liền tỉnh ngộ. Vì thế, so ra thì Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương tiếp dẫn bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng dễ dàng, đức Thế Tôn ở trong thế giới này khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh Độ thật khó khăn. Do vậy, pháp môn này được gọi là “nan tín chi pháp” (pháp khó tin). Nếu nghe xong mà có thể tin tưởng và tiếp nhận, phụng hành, đấy chính là như trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Thiện căn, phước đức đã tu hành trong vô lượng kiếp quá khứ đến nay đã chín muồi. Nếu không, sẽ chẳng thể tiếp nhận, nhưng người như vậy rốt cuộc chẳng nhiều nhặn gì!



(Giải) Cố sử cảm ứng đạo giao, văn thành ấn hoại, Di Đà thánh chúng, bất lai nhi lai, thân thùy tiếp dẫn, hành nhân tâm thức, bất vãng nhi vãng, thác chất bảo liên dã.
() 故使感應道交。文成印壞。彌陀聖眾。不來而來。親垂接引。行人心識。不往而往。託質寶蓮也。

 

(Giải: Do vậy, khiến cho [Phật và hành giả tu Tịnh Độ] cảm ứng đạo giao, nét khắc trên ấn đã hiện, ấn [sáp] liền hoại. Phật Di Đà và thánh chúng, chẳng tới mà tới, đích thân rủ lòng tiếp dẫn, tâm thức của hành nhân chẳng đi mà đi, gởi thể chất trong hoa sen báu).


Văn thành ấn hoại142 là tỷ dụ công phu niệm Phật thành tựu. Công phu trong một niệm, niệm đến mức thuần nhất bèn cảm ứng đạo giao. Vì sao nói A Di Đà Phật và Bồ Tát, thánh chúng “đến mà chẳng đến”? Đến và đi là nói theo mặt Sự, trên mặt Sự quả thật có chuyện ấy. Nói theo mặt Lý thì chẳng có đến hay đi. Chư Phật, Bồ Tát biến hiện trong tâm của chúng sanh, chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà thế giới Cực Lạc cũng là do tự tánh của chúng sanh biến hiện, duy tâm Tịnh Độ, hoàn toàn chẳng rời ngoài cái tâm. A Di Đà Phật đến tiếp dẫn là do tín nguyện hạnh của chính mình cảm ứng. Tín - Nguyện - Hạnh là năng cảm, còn Phật, Bồ Tát ứng hiện là sở cảm. Tâm thức của hành nhân vãng sanh, chứ không phải thân thể vãng sanh. Thân thể là Ngã Sở (cái thuộc về Ngã), tâm thức mới là Ngã.

(Giải) Thiện nam nữ giả, bất luận xuất gia, tại gia, quý, tiện, lão, thiếu, lục thú, tứ sanh, đản văn Phật danh, tức đa kiếp thiện căn thành thục. Ngũ Nghịch, Thập Ác giai danh “thiện” dã.
() 善男女者 。不論出家在家 。貴賤老少 。六趣四

生。但聞佛名。即多劫善根成熟。五逆十惡。皆名善也。
 (Giải: “Thiện nam nữ”: Bất luận tại gia hay xuất gia, sang, hèn, già, trẻ, sáu nẻo, tứ sanh, chỉ nghe được danh hiệu Phật thì đã là thiện căn trong nhiều kiếp chín muồi. Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng đều gọi là “thiện” cả)
Đoạn này ý nói hễ người nào vãng sanh thì đều là do thiện căn trong nhiều kiếp đã chín muồi, chẳng cần biết là tại gia hay xuất gia, sang, hèn, già, trẻ, sáu nẻo, cho đến bốn loài Noãn, Thai, Thấp, Hóa, đều gọi là “thiện”. Chẳng hạn như trong cuốn Vật Do Như Thử (loài vật còn như thế) có chép chuyện súc sanh vãng sanh rất nhiều. Đàm Hư đại sư kể: Vào đầu thời Dân Quốc, khi lão pháp sư Đế Nhàn trụ trì ngôi chùa nhỏ mang tên Đầu Đà, có một con gà trống niệm Phật vãng sanh, nó cũng đáng gọi là “thiện nam tử”. “Văn” là Văn Huệ, nghe rồi tin lại còn phát nguyện cầu sanh, dùng một chữ Văn để đại diện, tức là do thiện căn trong nhiều kiếp chín muồi. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã giảng rất thấu triệt: Vương tử A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả, trong đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, thiện căn, phước đức chẳng nhỏ. Đời này lại gặp Phật Thích Ca, dùng thân phận cư sĩ để nghe Phật giảng kinh, thuyết pháp, mong mỏi trong tương lai chính mình sẽ thành Phật giống hệt như A Di Đà Phật, nhưng chỉ khởi lên ý niệm ấy, chứ hoàn toàn chẳng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Cúng dường bốn trăm ức Phật, nhưng thiện căn vẫn chưa chín muồi! Nói cách khác, trong đời này nghe đến danh hiệu A Di Đà Phật mà có thể tin, có thể nguyện, buông xuống hết thảy, cầu sanh Tịnh Độ, thiện căn của người đó chắc chắn vượt trội vương tử A Xà Thế. Loại người này không nhiều, hiện thời chúng ta khuyên người ta niệm Phật, người ta không tin tưởng, đấy là chuyện bình thường! Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác trong đời quá khứ có thiện căn, trong đời này chưa gặp được Phật pháp, tạo tội Ngũ Nghịch, Thập Ác, lúc lâm chung gặp thiện duyên, được thiện tri thức chỉ dạy, khuyên lơn, khích lệ, vừa nghe liền tin tưởng, lập tức tiếp nhận, niệm Phật cầu sanh, như ông Trương Thiện Hòa đời Đường chẳng hạn, đấy chính là thiện căn trong nhiều kiếp nhiều đời đã chín muồi. Tiêu chuẩn thiện - ác ấy chẳng thể dùng quan niệm thông thường để so lường được, mà phải dựa trên nhân duyên trong nhiều đời trước đã tạo ra nhân lành.
(Giải) A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh triệu đức, khánh vô bất tận. Cố tức dĩ chấp trì danh hiệu vi Chánh Hạnh, bất tất cánh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản dị, chí trực tiệp dã. Văn nhi tín, tín nhi nguyện, nãi khẳng chấp trì. Bất tín, bất nguyện, dữ bất văn đẳng, tuy vi viễn nhân, bất danh Văn Huệ.
() 阿彌陀佛。是萬德洪名。以名召德。罄無不盡。故即以執持名號為正行。不必更涉觀想參究等行。至簡易。至直捷也。聞而信。信而願。乃肯執持。不信不願。與不聞等。雖為遠因。不名聞慧。
(Giải: A Di Đà Phật là danh hiệu rộng lớn có đủ muôn đức. Dùng danh để vời đức, trọn chẳng còn sót gì. Vì thế, liền lấy chấp trì danh hiệu làm Chánh Hạnh, chẳng cần phải dính dáng những hạnh như quán tưởng, tham cứu v.v.. Đơn giản, dễ dàng nhất, thẳng chóng nhất. Nghe rồi tin, tin rồi nguyện, bèn chịu chấp trì. Chứ chẳng tin, chẳng nguyện thì cũng giống như chẳng nghe; tuy tạo thành cái nhân xa, nhưng chẳng thể gọi là Văn Huệ).
Vãng sanh được kiến lập trên nền tảng ba thứ chẳng thể nghĩ bàn: Một là tâm tánh chẳng thể nghĩ bàn, hai là cái tâm niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, ba là danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. “A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh triệu đức, khánh vô bất tận” (A Di Đà Phật là danh hiệu rộng lớn có đủ muôn đức. Dùng danh để vời đức trọn chẳng còn sót gì): Biến công đức của A Di Đà Phật thành công đức của chính mình, vì A Di Đà Phật là tự tánh Di Đà, Tây Phương thế giới là duy tâm Tịnh Độ. Tâm tánh của chính mình và tâm tánh của Phật là một, chẳng hai. Do “hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng’ nên phải chuyên tưởng Di Đà thì mới có thể biến Di Đà thành chính mình, khí phận giao tiếp với nhau, thật sự có thể cảm ứng đạo giao. Tu Tịnh Độ lấy chấp trì danh hiệu làm Chánh Hạnh, đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng nhất, chẳng cần phải quán tưởng, tham cứu. Tất cả hết thảy kinh luận hãy nên buông xuống hết, trọn chẳng cần đến pháp môn thứ hai, tâm lập tức thanh tịnh. Nghe rồi tin, tin rồi nguyện, đầy đủ ba món tư lương. Nếu chẳng tin, chẳng nguyện thì giống như chẳng nghe. Hễ có một pháp thế gian hay xuất thế gian nào không buông xuống được thì điều đó cho thấy lòng tin chẳng thật, nguyện chẳng thiết tha. Dầu niệm Phật cho nhiều cũng chẳng thể vãng sanh. Trong tâm, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, trọn chẳng để cho bất cứ một pháp nào khác xen tạp trong tâm chính mình. Nếu chẳng được vậy thì chỉ là gieo được cái nhân xa mà thôi. Cổ nhân nói “buông xuống thân, tâm, thế giới, nhất tâm chuyên niệm” chính là nhằm bồi dưỡng cho thiện căn chưa chín muồi của chúng ta được chín muồi, đấy là chuyện chúng ta có thể làm được. Đương nhiên, trong ấy vẫn có một nhân tố trọng yếu tức là nhân duyên. Chúng ta gặp được sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, giảng thấu triệt, tường tận như thế này, dẫu thiện căn, phước đức còn kém một chút thì cũng có thể khiến cho thiện căn, phước đức được chín muồi sớm hơn.
(Giải) Chấp trì, tắc niệm niệm ức Phật danh hiệu. Cố thị Tư Huệ. Nhiên hữu sự trì, lý trì. Sự trì giả, tín hữu Tây Phương A Di Đà Phật, nhi vị đạt “thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”, đản dĩ quyết chí nguyện cầu sanh cố, như tử ức mẫu, vô thời tạm vong. Lý trì giả, tín Tây Phương A Di Đà Phật thị ngã tâm cụ, thị ngã tâm tạo, tức dĩ tự tâm sở cụ sở tạo hồng danh, vi hệ tâm chi cảnh, linh bất tạm vong dã.
() 執持。則念念憶佛名號。故是思慧。然有事持理持。事持者。信有西方阿彌陀佛。而未達是心作佛。是心是佛。但以決志願求生故。如子憶母。無時暫忘。理持者。信西方阿彌陀佛。是我心具。是我心造。即以自心所具所造洪名。為繫心之境。令不暫忘也。
(Giải: Chấp trì là niệm niệm nhớ tới danh hiệu Phật, cho nên là Tư Huệ; nhưng có Sự Trì và Lý Trì. Sự Trì là tin có A Di Đà Phật ở Tây Phương, nhưng chưa thấu đạt “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhưng do quyết chí nguyện cầu vãng sanh, như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên. Lý Trì là tin A Di Đà Phật ở Tây Phương tâm ta sẵn đủ, là do tâm ta tạo, liền dùng hồng danh tâm ta sẵn đủ, tâm ta tạo ấy để làm cảnh hệ niệm khiến cho chẳng tạm quên vậy).
Tách rời Văn - Tư - Tu thì mới có thể giảng Sự và Lý rất rõ ràng, chứ trên thực tế, Tam Huệ Văn - Tư - Tu và ba món tư lương Tín - Nguyện - Hạnh đều ở trong một niệm. Một câu Phật hiệu đầy đủ ba món tư lương, mà cũng đầy đủ Tam Học Giới - Định - Huệ và Tam Huệ Văn - Tư - Tu. Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương mở rộng ra chính là toàn bộ hết thảy pháp do đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, các pháp ấy đều nằm gọn trong một câu danh hiệu.

Chấp trì danh hiệu có Sự Trì và Lý Trì khác biệt. Sự Trì là thật sự tin tưởng có thế giới Cực Lạc, có A Di Đà Phật, nhưng chưa thấu đạt “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, chỉ có cái tâm cầu nguyện được vãng sanh hết sức khẩn thiết, như con nhớ mẹ, không lúc nào quên mất. Đấy là Sự Trì.

Lý Trì là tin tâm ta sẵn có A Di Đà Phật, Phật do tâm ta tạo. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật đều do tự tánh biến hiện. Hiểu rõ Lý là giải ngộ, ngộ rồi bèn bắt đầu tu thì có thể chứng ngộ.

Bất luận Sự Trì hay Lý Trì, biểu hiện bề ngoài đều giống nhau: Tinh tấn không lười biếng, tín tâm kiên định. Những phần tử lưng chừng giữa bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là những kẻ khó độ nhất! Cổ nhân khuyên lơn chúng ta hãy học theo kẻ ngu; học theo người trí chẳng dễ, học theo kẻ ngu thì còn có thể làm được. Ai chịu học làm kẻ ngu thì người ấy chính là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” như trong kinh này đã nói, hết thảy đều bỏ được, một bộ kinh A Di Đà, một câu A Di Đà Phật, những thứ khác hoàn toàn chẳng cần đến. Đấy chính là ngu mà không ai có thể bằng được!


(Giải) Nhất nhật chí thất nhật giả, khắc kỳ biện sự dã. Lợi căn nhất nhật tức bất loạn. Độn căn thất nhật phương bất loạn. Trung căn nhị, tam, tứ, ngũ, lục nhật bất định. Hựu lợi căn năng thất nhật bất loạn. Độn căn cẩn nhất nhật bất loạn. Trung căn lục, ngũ, tứ, tam, nhị nhật bất định.
Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 3.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương