PHÁt biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ ba, HĐnd tỉnh khoá V


UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM



tải về 0.98 Mb.
trang12/20
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.98 Mb.
#20044
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20

UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Số: 23/BC-UBND Huế, ngày 17 tháng 3 năm 2006



BÁO CÁO


Tình hình triển khai Nghị quyết 4d/2005/NQ-HĐND ngày 28/7/2005

của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch

việc sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân trên địa bàn tỉnh

Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Thực hiện Thông báo số 01/TB-TT-HĐND5 ngày 16/01/2006 của HĐND tỉnh về chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 3 của HĐND tỉnh khoá V, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tình hình triển khai Nghị quyết 4d/2005/NQ-HĐND ngày 28/7/2005 của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch việc sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân trên địa bàn tỉnh như sau:


I. Tình hình triển khai Nghị quyết:

Năm 2005, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 32/2005/CT-UBND ngày 02/6/2005 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý về đất xây dựng mồ mả, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh. Từ sau khi Nghị quyết 4d/2005/NQ-HĐND được HĐND tỉnh ban hành, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số biện pháp trước mắt như khẩn trương xây dựng định mức đất nghĩa trang nghĩa địa, xúc tiến nhanh công tác quy hoạch, ... Vào tháng 9/2005, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện cụ thể nội dung Nghị quyết. Đến nay, kết quả thực hiện cụ thể như sau:

1. Sở Xây dựng được giao chủ trì tổ chức lập Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang của tỉnh đến năm 2020; Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn - Bộ Xây dựng là đơn vị tư vấn triển khai thực hiện. Ngày 29/9/2005, UBND tỉnh đã tổ chức thông qua lần thứ nhất báo cáo của đơn vị tư vấn để lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương tham gia ý kiến. Nội dung báo cáo quy hoạch đã nêu được thực trạng của hệ thống nghĩa trang nghĩa địa trên địa bàn toàn tỉnh, dự báo nhu cầu sử dụng đất và định hướng quy hoạch tổ chức hệ thống nghĩa trang nghĩa địa và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm đến năm 2020 trên phạm vi vùng tỉnh. Đến nay, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn đã tiếp tục làm việc với các địa phương thống nhất thêm một số vấn đề cụ thể và đang hoàn chỉnh đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 6/2006.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang của tỉnh đến năm 2020. Đến nay đã tổng hợp, nghiên cứu về cơ bản, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua và ban hành quy định để thực hiện tạm thời trong thời gian chưa phê duyệt Quy hoạch.

3. Các địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng do điều kiện khách quan về quỹ đất và phong tục tập quán, nguồn lực và do điều kiện chủ quan có một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt công tác này, nên chưa thể hoàn thành được yêu cầu của Nghị quyết đề ra: "đảm bảo đến cuối năm 2005 cơ bản hoàn thành việc khoanh vùng quy hoạch các nghĩa trang nghĩa địa ở cấp xã; hoàn thành quy hoạch chi tiết một số khu nghĩa trang, nghĩa địa tập trung ở các khu vực trọng điểm". Tuy vậy, các địa phương cũng đã có định hướng và triển khai một số công việc cụ thể sau:

- Thành phố Huế: UBND tỉnh đã có chủ trương thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Huế về việc mở rộng 2 nghĩa trang nhân dân phía Bắc và phía Nam. Trong năm 2006, UBND thành phố đã bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư mở rộng 2 nghĩa trang trên và chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà hoả táng.

- Huyện Hương Thuỷ: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 575,54 ha chiếm 10,37% diện tích đất nông nghiệp, UBND huyện đã định hướng xây dựng 2 cụm nghĩa trang: cụm phía Bắc thuộc các xã Thuỷ Dương và Thuỷ Phương phục vụ cho các xã Thuỷ Dương, Thuỷ Phương, Thuỷ Thanh và Thuỷ Vân; cụm phía Nam thuộc xã Thuỷ Phù phục vụ cho thị trấn Phú Bài, các xã Thuỷ Châu, Thuỷ Phù, Thuỷ Lương và Thuỷ Tân. Hiện nay, UBND huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu chọn địa điểm mới cho cụm nghĩa trang này để dành quỹ đất cho việc mở rộng khu Công nghiệp Phú Bài. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết kiến nghị của UBND huyện về việc xem xét lại vấn đề mở rộng nghĩa trang nhân dân phía Nam thành phố Huế tại xã Thuỷ Phương do điều kiện hạn chế quỹ đất tại khu vực.

- Huyện Phú Vang: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 1.540,72 ha chiếm 15,19% diện tích đất nông nghiệp. Do nhu cầu bức xúc để di dời mồ mả để triển khai thực hiện một số dự án thuộc khu đô thị mới An Vân Dương, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng triển khai lập quy hoạch và đầu tư xây dựng mới một nghĩa trang thuộc địa bàn xã Phú Xuân, đến nay đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết, chuẩn bị trình duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào tháng 4/2006; đồng thời UBND tỉnh cũng đã thống nhất dành một phần quỹ đất tại các nghĩa trang của thành phố để đáp ứng nhu cầu nhân dân các xã Phú Thượng, Phú Dương và thị trấn Thuận An. UBND huyện Phú Vang đã có dự kiến triển khai Quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn huyện trong năm 2006.

- Huyện Nam Đông: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 26,5 ha chiếm 0,66% diện tích đất nông nghiệp; mặc dầu là địa phương có đất rộng, dân số ít, chưa có nhu cầu bức xúc về nghĩa trang, nghĩa địa nhưng UBND huyện đã định hướng quy hoạch 3 cụm nghĩa trang cho toàn huyện: nghĩa trang tại xã Hương Hoà đã được đầu tư xây dựng phục vụ thị trấn Khe Tre và các xã Hương Hoà, Hương Lộc, Hương Phú; cụm nghĩa trang Long - Quảng và cụm Nhật - Giang - Hữu.

- Huyện Phú Lộc: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 1.401 ha chiếm 16,46% diện tích đất nông nghiệp, là địa phương có nhu cầu rất lớn về nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ việc di dời mồ mả để triển khai các dự án tại khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện lập dự án đầu tư mở rộng khu nghĩa trang Trường Đồng thêm 5 ha và lập dự án đầu tư xây dựng mới nghĩa trang nhân dân Chân Mây tại thôn Phú Cường thuộc xã Lộc Thuỷ có quy mô 12 ha, đến nay các dự án đầu tư trên đã hoàn thành và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Huyện Hương Trà: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 1.044 ha chiếm 16,40% diện tích đất nông nghiệp, UBND huyện đã có định hướng đến năm 2010 sẽ tăng diện tích nghĩa trang tập trung khoảng 33 ha tại các xã Hương Vân, Hương Phong, Hải Dương và Hương Hồ, giảm khoảng 19 ha do di dời các khu nhỏ lẻ, xen lẫn dân cư thuộc thị trấn Tứ Hạ, các xã Hương Toàn, Hương Xuân, Hương An, Hương Phong, Hương Vinh, sau năm 2010 sẽ tiến hành quy tập các khu nghĩa địa nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong các khu dân cư và đồng ruộng khoảng 50 ha vào các nghĩa trang nghĩa địa đã được quy hoạch. Định hướng quy hoạch tập trung nghĩa địa tại xã Hương Hồ (kết hợp với nghĩa trang phía Bắc thành phố Huế) để phục vụ cho các xã Hương Hồ, Hương Vinh và Hương An.

- Huyện Quảng Điền: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 1.303,32 ha chiếm 14,0% diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt diện tích đất nghĩa địa tại thị trấn Sịa rất lớn (223,15 ha) và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa và tiến hành việc di dời nghĩa trang ra khỏi đô thị. Tuy nhiên, huyện đang gặp nhiều khó khăn do kinh phí di dời quá lớn.

- Huyện Phong Điền: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 1.428,14 ha chiếm 14,09% diện tích đất nông nghiệp, việc quy hoạch khoanh vùng nghĩa trang nghĩa địa chỉ đang được thực hiện ở mức thống kê, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2006 sau khi có Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang toàn tỉnh. Tuy nhiên, huyện cũng thấy đây là một việc tương đối khó khăn do tập quán người dân muốn được chôn cất người thân tại nghĩa trang của từng thôn.

- Huyện A Lưới: Hiện trạng tổng diện tích đất nghĩa địa là 58,24 ha chiếm 1,12% diện tích đất nông nghiệp, có điều kiện tương tự như huyện Nam Đông, không có nhu cầu bức xúc lớn về nghĩa trang, nghĩa địa. Tuy nhiên, UBND huyện cũng đã quan tâm rất nhiều đến công tác quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa dự kiến trong năm 2006 sẽ bố trí vốn tổ chức lập quy hoạch 6 cụm nghĩa trang: Hồng Thuỷ; Hồng Vân và Hồng Trung; Bắc Sơn và Hồng Kim; Hồng Quảng, Nhâm và Hồng Thái; Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt và A Roàng; đô thị A Lưới kéo dài và các xã Hương Phong, Phú Vinh, Hồng Thượng tại xã Hồng Thượng.



II. Các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết:

1. Chỉ đạo Sở Xây dựng đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân tỉnh đến năm 2020 để có cơ sở tiến hành triển khai quy hoạch chi tiết một số khu nghĩa trang, nghĩa địa liên huyện và ở các khu vực trọng điểm; hướng dẫn UBND các huyện và thành phố lập quy hoạch chi tiết các nghĩa trang nghĩa địa cho cụm xã, UBND các xã lập quy hoạch chi tiết nghĩa trang nghĩa địa trên địa bàn xã gắn với việc ban hành Quy chế tăng cường quản lý nghĩa trang, nghĩa địa.

2. Chỉ đạo UBND thành phố và các huyện chủ động bố trí nguồn vốn lập quy hoạch chi tiết các nghĩa trang cụm xã và khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) tổ chức khoanh vùng quy hoạch các nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn xã; thông báo cấm kiên cố hoá lăng mộ ở một số vùng dự kiến quy hoạch và dọc theo các trục đường du lịch hoặc đường liên thôn, liên huyện; từng bước vận động nhân dân thay đổi hình thức mai táng, cải táng mồ mả của thân nhân nằm xen ghép trong các khu dân cư, khu đô thị về tập trung tại các nghĩa trang, nghĩa địa đã được quy hoạch. Đôn đốc UBND thành phố Huế khẩn trương tiến hành lập dự án đầu tư nhà hoả táng với quy mô phù hợp, huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà hoả táng.

3. Đề nghị HĐND tỉnh:

- Thông qua quy định về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa để thực hiện tạm thời; đưa việc thực hiện quy định này vào quy ước làng, xã, thôn, bản văn hoá; giao cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện định mức trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Tỉnh.

- Chỉ đạo HĐND các huyện, xã, phường, thị trấn ban hành Nghị quyết về việc khoanh vùng, quy hoạch các nghĩa trang nghĩa địa tại địa phương.

- Thông qua chủ trương tổ chức nghiên cứu xây dựng một số nghĩa trang theo loại hình nghĩa trang công viên tại các khu vực có đủ điều kiện để UBND Tỉnh triển khai thực hiện. Khuyến khích các nhà đầu tư, tổ chức đầu tư xây dựng nghĩa trang theo tiêu chuẩn thống nhất để bán cho người dân có nhu cầu.
Trên đây là báo cáo của UBND tỉnh về tình hình triển khai Nghị quyết 4d/2005/NQ-HĐND ngày 28/7/2005 của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương lập quy hoạch, kế hoạch việc sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kính trình HĐND tỉnh xem xét./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

NGUYỄN THỊ THỊ HOÀ


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số 10/BC-TT.HĐND Huế, ngày 30 tháng 3 năm 2006




BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KHU ĐÔ THỊ, KHU ĐỊNH CƯ MỚI

VÀ CHÍNH SÁCH TẠO VỐN TỪ QUỸ ĐẤT

Thực hiện chương trình giám sát năm của HĐND tỉnh, ngày 15/8/2005, Thường trực HĐND tỉnh đã có Kế hoạch số 418/TT.HĐND5-KH về giám sát các dự án phát triển khu đô thị, khu định cư mới và chính sách tạo vốn từ quỹ đất. Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Văn Mễ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại 36 cơ quan đơn vị, gồm: 06 xã, 03 phường, 01 thị trấn, 02 UBND cấp huyện, 03 Ban quản lý dự án, 04 doanh nghiệp tiếp nhận cơ sở hạ tầng, 11 chủ đầu tư và 06 cơ quan quản lý nhà nước (có danh sách các đơn vị được giám sát kèm theo).

Mục đích của cuộc giám sát là nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các dự án phát triển các khu đô thị, khu định cư mới và chính sách tạo vốn từ quỹ đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay. Từ đó, rút ra những mặt ưu điểm để tiếp tục phát huy; đề xuất những biện pháp bổ khuyết chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án, chính sách này. Thường trực HĐND kính báo cáo HĐND tỉnh kết quả giám sát như sau:
A. KẾT QUẢ GIÁM SÁT

I. Tình hình triển khai, thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới:

I.1. Về diện tích đất giao cho các dự án:

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối tháng 3/2006, UBND tỉnh đã có quyết định giao và tạm giao đất cho 15 dự án gồm 13 chủ đầu tư với diện tích 655,49 ha để tiến hành xây dựng các khu đô thị mới. Trong đó:

- Giao đất chính thức cho 03 dự án với diện tích 34,39 ha, gồm: khu dân cư Kiểm Huệ 6,2 ha của Công ty CP bất động sản Sông Đà; khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An 22,8 ha của Công ty cổ phần Xây dựng số 8 và khu nhà ở biệt thự tại xã Thuỷ Xuân 5,39 ha cho Công ty cầu 1 Thăng Long.

- Tạm giao đất cho 11 dự án với diện tích 621,49 ha, thời điểm bắt đầu tạm giao trong tháng 6/2004, gồm:



1. Công ty cổ phần Bất động sản Sông Đà: 02 dự án, tổng diện tích 231,7 ha, gồm:

+ Khu đô thị mới trục đường Thuỷ Dương - Tự Đức : 32,6 ha.

+ Khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An : 199,1 ha.

2. Công ty xây lắp điện 3: 01 dự án, khu đô thị mới Phú Mỹ - Phú Thượng tại huyện Phú Vang, diện tích 73 ha.

3. BQLDA Chuyên ngành xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh: 01 dự án, khu đô thị mới dọc đường Thuỷ Dương - Tự Đức, xã Thuỷ An, diện tích 12 ha.

4. UBND thành phố Huế: 01 dự án, khu đô thị mới Bắc Hương Sơ, xã Hương Sơ diện tích 35,1 ha.

5. Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu số 7: 01 dự án, khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An ở xã Thuỷ An và phường Xuân Phú, diện tích 84 ha.

6. Công ty TNHH Thương mại, đầu tư và kinh doanh bất động sản Huế: 01 dự án, khu đô thị mới tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, diện tích 43,7 ha. 7. Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Petro Quảng Ngãi: 01 dự án , khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An, tại xã Thuỷ An, diện tích 31,8 ha 8. Công ty TNHH Kinh doanh nhà: 01 dự án, khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An, tại xã Thuỷ An, diện tích 31,2 ha .

9. Công ty Xây lắp: 01 dự án, khu đô thị mới dọc đường Tự Đức - Thuỷ Dương, thuộc xã Thuỷ An, diện tích 33,6 ha

10. Công ty Petro Quảng Ngãi: 01 dự án, khu đô thị mới Phú Dương, thuộc xã Phú Dương, diện tích 33 ha.

11. Công ty xây dựng số 8: 01 dự án, khu đô thị mới Đông Nam Thuỷ An, thuộc xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, diện tích 22,8 ha.

- Quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng khu biệt thự tại xã Thuỷ Dương diện tích 12 ha do Công ty cổ phần Thái Bình Dương là chủ đầu tư.



I.2. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án:

Qua giám sát cho thấy, sau gần 2 năm kể từ ngày được UBND tỉnh tạm giao đất, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới rất chậm. Đến nay, chỉ có 03 dự án đang thi công phần cơ sở hạ tầng; 01 dự án thực hiện xong đền bù giải toả; 01 dự án mới kiểm kê xong để đền bù giải toả, 10 dự án còn lại chưa thực hiện kiểm kê đền bù, trong đó có 02 dự án xin được trả lại phần lớn diện tích đất được tạm giao. Cụ thể:

1. Dự án của Công ty cổ phần Xây dựng số 8, diện tích 22,8 ha đang thi công phần hạ tầng cơ sở.

2. Dự án của Công ty Cầu 1 Thăng Long đang san lấp mặt bằng.

3. Dự án khu dân cư kiểm Huệ của Công ty cổ phần bất động sản sông Đà 6,2 ha đã được san nền xong, đang thi công phần cơ sở hạ tầng còn lại, đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

4. Dự án của liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Petro Quảng Ngãi (31,8 ha) ở xã Thuỷ An mới thực hiện xong đền bù giải toả cho dân.

5. Dự án của Công ty Xây lắp điện 3 đã kiểm kê đền bù xong, Sở Tài chính đang thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. UBND tỉnh đã phê duyệt cơ chế tài chính của dự án.

Hai chủ đầu tư xin trả lại đất là Công ty Cổ phần bất động sản sông Đà, xin trả lại 149,1ha/199,1 ha và Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng số 7, xin trả lại 72/84 ha.

Các dự án còn lại đang trong giai đoạn khảo sát, điều tra, thăm dò nhu cầu của thị trường… Qua giám sát, Thường trực HĐND rút ra ba nguyên nhân cơ bản sau dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án chậm là:

- Thứ nhất, trong một thời gian ngắn (từ ngày 20/6 - 30/6/2004), đã có 14 dự án được tạm giao 650 ha đất, trong khi, qui hoạch chung của khu vực chưa có, Luật đất đai qui định không cho các chủ đầu tư phân lô bán nền đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.

- Thứ hai, do thị trường nhà đất bị chững lại, việc cho phép triển khai đồng thời nhiều dự án xây dựng các khu đô thị, nhiều khu tái định cư mới làm xuất hiện khả năng tăng “cung” rất lớn. Từ đó, làm phát sinh tâm lý chờ đợi của người mua, ảnh hưởng đến quyết tâm thực hiện dự án của các chủ đầu tư có năng lực.

- Thứ ba, hầu hết các nhà đầu tư đã được tạm giao đất có năng lực tài chính hạn chế, cùng với biến động bất lợi của thị trường bất động sản nên các ngân hàng thương mại không tài trợ vốn cho các dự án, làm cho nhiều chủ đầu tư vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn, điển hình là Công ty Cosevco 7, sau hơn 1 năm được tỉnh tạm giao 84 ha đất tại xã Thuỷ An, đơn vị không triển khai dự án, đến nay đã xin trả lại 72 ha, Công ty cổ phần Bất động sản Sông Đà được giao 199,1 ha ở xã Thuỷ An không có khả năng thực hiện…
I.3 Đánh giá tình hình thực hiện các dự án:

1. Về công tác quản lý nhà nước:

a. Qui hoạch và quản lý qui hoạch:

Qua giám sát cho thấy, công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch đô thị mới của tỉnh ta còn nhiều hạn chế, là một trong những nguyên nhân làm cho tiến độ thực hiện các dự án chậm; làm phát sinh nhiều vướng mắc trong xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của các hộ dân đang sinh sống trong và quanh vùng dự án. Cụ thể:

- Có đến 8/14 dự án xây dựng khu đô thị mới với tổng diện tích 518,6 ha, thuộc địa bàn các xã Thuỷ An, Thuỷ Dương, Phú Dương và Phú Thượng, nằm trong Khu đô thị mới An Vân Dương đã được UBND tỉnh tạm giao đất từ tháng 6/2004 không thể đẩy nhanh được việc lập, trình phê duyệt qui hoạch chi tiết do gần 1 năm sau (tháng 5/2005) qui hoạch chung của Khu đô thị An Vân Dương mới được phê duyệt. Có chủ đầu tư phải điều chỉnh qui hoạch nhiều lần nhưng vẫn chưa triển khai được dự án như trường hợp của Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Petro Quảng Ngãi do quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12/2004 mâu thuẫn với quy hoạch chung về cao độ san nền, về hướng tuyến của các trục đường (các trục đường trong qui hoạch chi tiết lệch tim từ 10 - 30m so với quy hoạch chung An Vân Dương), về diện tích đất đã đền bù và diện tích còn lại để thực hiện dự án (có 11,7 ha, chủ dự án đã đền bù cho dân nhưng nay không còn thuộc phạm vi dự án)...

- Việc qui hoạch, giao đất cho các chủ dự án xây dựng các khu đô thị mới không liên vùng, liên thửa làm cho một số diện tích không thể sản xuất vì không có hệ thống kênh mương tưới tiêu, gây lãng phí đất đai, điển hình là ở các phường Vĩ Dạ và Xuân Phú. Một số nơi, đất 2 vụ lúa đã được chủ đầu tư san lấp mặt bằng nhưng bỏ hoang trong nhiều năm đã tạo ra sự bất bình trong nhân dân như ở các xã Hương Sơ (4,2 ha) và Thuỷ An (hơn 7 ha).

- Chưa có sự thống nhất cao trong việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật về cấp thoát nước, điện, đường giao thông... giữa các khu đô thị, khu tái định cư mới với các khu dân cư hiện có đã dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ, kể cả một số khu vực trước đây chưa bao giờ bị ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của một bộ phân dân cư. Nguyên nhân chính là do các khu quy hoạch chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500; mặt khác, diện tích giao đất cho các chủ đầu tư nằm rải rác ở nhiều nơi nên vừa khó khăn cho công tác quản lý, vừa khó khăn cho công tác qui hoạch xây dựng để khớp nối hạ tầng.

- Hệ số sử dụng đất giao thông, đất các công trình công cộng, đất ở… được lập tuỳ thuộc từng dự án, chưa có sự thống nhất trong từng khu vực, địa phương.



b. Về cơ chế tài chính:

Qua giám sát cho thấy, cơ chế kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước trong các khâu: thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình chưa được qui định chặt chẽ nên dễ dẫn đến tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước. Bởi:

- Các dự án xây dựng khu đô thị mới ở tỉnh ta hiện nay phần lớn được thực hiện theo nguyên tắc: nhà đầu tư tự ứng vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và được tỉnh hoàn trả lại bằng quỹ đất ở hoặc trừ vào tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư sẽ nộp ngân sách địa phương. Về bản chất, kinh phí đầu tư hạ tầng ở các khu đô thị mới là kinh phí của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo qui định của Luật xây dựng năm 2003 và Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình, đối với các dự án này, Sở Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổng dự toán. Việc này dễ dẫn đến tình trạng, dự toán kinh phí ứng trước để xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư tính trừ vào khoản thu nộp ngân sách tỉnh chưa thật sát đúng, nếu các khâu thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, thi công thực tế không được kiểm tra chặt chẽ.

- Theo quy định của Luật đất đai 2003, việc thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu công trình hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ chế này đảm bảo việc kiểm soát của Nhà nước đối với kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiện nay, các dự án đang được thực hiện theo cơ chế giao đất trực tiếp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tự lập qui hoạch chi tiết trên diện tích được giao, chưa có dự án nào thực hiện theo cơ chế của Luật đất đai và Luật xây dựng năm 2003. Do vậy, nếu không bổ khuyết kịp thời những vấn đề trên, dễ dẫn đến khả năng thất thoát ngân sách.



c. Về quản lý di dời, chôn cất mồ mả.

Mặc dầu thành phố Huế đã có qui định không được chôn cất mồ mả trong thành phố nhưng tình trạng này vẫn đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, một số trường hợp người dân đã chôn cất lại mồ mả được di dời vào những vùng qui hoạch dành cho mục đích khác với mức độ kiên cố hoá cao hơn, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường, chắc chắn sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước và tiền bạc của nhân dân sau này. Nguyên nhân là do công tác quản lý di dời, chôn cất mồ mả chưa tốt, có nơi còn buông lỏng và do chưa có qui hoạch hợp lý các khu nghĩa trang, nghĩa địa. Việc cụ thể hoá nghị quyết của HĐND tỉnh về qui hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh còn rất chậm.



2. Về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động:

Kết quả giám sát ở các địa phương có dự án cho thấy có hơn 2400 hộ bị thu hồi đất, trong đó có hơn 450 hộ bị thu hồi hết đất ở và hơn 500 hộ bị thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp với tổng số lao động bị mất việc làm trên 2000 người. Tuy nhiên, số lượng người dân bị thu hồi hết đất sản xuất được chuyển đổi việc làm sang nghề mới rất ít. Mặc dầu, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đối với những hộ gia đình bị thu hồi từ 30% diện tích đất sản xuất trở lên, nhưng mức hỗ trợ đó không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và đại bộ phận người dân nhận tiền hỗ trợ đều sử dụng vào việc khác. Các địa phương được giám sát đều phản ánh số lao động không có việc làm, hoặc có việc làm không ổn định mà nguyên nhân do bị thu hồi đất sản xuất trong những năm qua tăng khá nhiều đã ảnh hưởng lớn về mặt xã hội. Nếu các cấp chính quyền và nhà đầu tư không có các giải pháp tốt để hỗ trợ kịp thời thì có thể dẫn đến các vấn đề xã hội bức xúc sau này.



3. Công tác đền bù giải toả:

Vướng mắc chủ yếu trong công tác đền bù giải toả thời gian qua là giá đền bù về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu được thực hiện theo Quyết định số 1920 QĐ/UBND ngày 8/8/1997 của UBND tỉnh qui định về giá các loại đất và Quyết định số 225/2001/QĐ-UB ngày 30/01/2001 của UBND tỉnh quy định về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất còn chênh lệch lớn so với giá thực tế, trong lúc đó, giá nhiều loại vật liệu tăng nhanh nên kinh phí đền bù giải toả không đủ để khôi phục lại tình trạng nhà ở và vật kiến trúc ban đầu. Từ đó đã phát sinh một số vụ việc khiếu kiện kéo dài về giá đền bù giải toả, một số trường hợp khiếu kiện đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được. Thực hiện Luật đất đai năm 2003, HĐND tỉnh thông qua giá các loại đất hàng năm và UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh giá đền bù thiệt hại tài sản trên đất (tháng 11/2005) cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc trên.

Tuy vậy, nhiều trường hợp đến nay người dân vẫn còn thắc mắc như: ở xã Thuỷ An, việc áp giá và thanh toán tiền đền bù đất bị thu hồi theo giá năm 2004 và được chi vào tháng 12/2004, thấp hơn nhiều so với giá quyền sử dụng đất có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2005 được HĐND tỉnh thông qua. Một số dự án khác như dự án tái định cư phục vụ thi công cầu Tư Hiền, phục vụ giải toả hai bờ sông An Cựu… giá đất tại khu tái định cư lại áp dụng theo giá mới cao hơn giá áp dụng đối với diện tích thu hồi tính theo qui định cũ cũng phát sinh nhiều bất hợp lý, cần tiếp tục được xem xét giải quyết thoả đáng.
II. Tình hình triển khai, thực hiện các dự án xây dựng khu định cư mới và chính sách tạo vồn từ quỹ đất:

Thời gian qua, chủ trương xây dựng các khu định cư mới vừa tạo quỹ đất phục vụ tái định cư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo quỹ đất cho các đối tượng chính sách, vừa tạo quỹ đất bán đấu giá để bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngân sách các cấp đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh, đem lại một số kết quả nhất định. Nhiều khu dân cư mới ở Kiểm Huệ, Vỹ Dạ, Hương Sơ, Đông Nam Thuỷ Trường, Thuỷ Lương, thị trấn Phú Bài... được xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới cho thành phố Huế và các thị trấn, huyện lỵ, giảm áp lực về tăng dân số trong nội thành, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Từ năm 2003 đến nay, tỉnh ta đã xây dựng 24 khu tái định cư mới với diện tích 771.029 m² vừa để đổi đất lấy hạ tầng, vừa phục vụ cho việc thi công các dự án. Đến nay đã có 15 dự án hoàn thành, 9 dự án đang triển khai, nguồn thu cấp quyền sử dụng đất từ các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới đã góp phần tăng thu ngân sách địa phương, đáp ứng đáng kể nhu cầu chi xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

- Năm 2003: thu 127,617 tỷ đồng

- Năm 2004: thu 107,973 tỷ đồng

- Năm 2005: thu 150 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn cơ chế chính sách lại bị thay đổi, điều chỉnh, thị trường nhà đất đang chững lại, thì kết quả thu cấp quyền sử dụng đất đạt được trong thời gian qua là một cố gắng lớn của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.



Tuy nhiên việc thực hiện công tác này vẫn còn một số vấn đề bất cập đáng lưu ý:

1. Công tác quản lý:

a. Qui hoạch và quản lý qui hoạch, quản lý xây dựng còn bất cập:

Do qui hoạch chung và qui hoạch chi tiết chưa đồng bộ lại không có cơ quan chỉ đạo kết nối hệ thống hạ tầng chung nên đã dẫn đến tình trạng cánh kéo về đấu nối kỹ thuật; về cao độ san nền; về xử lý hệ thống tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt... như đã nêu ở trên.

Qui hoạch chi tiết một số dự án chưa phù hợp; một số tuyến giao thông ở các khu dân cư có qui mô lòng đường chỉ 3,5m không đáp ứng cả trước mắt và lâu dài; cao độ san nền thuộc dự án của Công ty Cổ phần bất động sản Sông Đà ở phường Xuân Phú cao hơn mặt bằng chung trên dưới 0,5m nếu không xử lý sẽ tăng ngập úng ở nội đô.

Quá trình triển khai một số dự án chưa làm tốt công tác quản lý qui hoạch. Ví dụ, theo qui hoạch dọc đường Đào Tấn là trung tâm hành chính của phường Trường An nhưng nay đã bán đất cho dân xây dựng nhà ở hết toàn bộ diện tích dọc tuyến đường này.

Tỷ lệ đất dùng để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội trong các khu định cư, khu đô thị mới chưa hợp lý do việc ưu tiên sử dụng quỹ đất để bán nhằm tăng thu.

Tình trạng bê tông hoá đô thị, hộp hoá nhà ở diễn ra phổ biến đang phá vỡ cảnh quan đô thị; diện mạo nhiều khu dân cư mới rất lộn xộn, điển hình là khu dân cư Kiểm Huệ. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án phần lớn dừng lại ở qui hoạch phân lô, chưa có qui hoạch kiến trúc mặt tiền và công tác quản lý xây dựng chưa tốt.

Nhìn chung, các chủ đầu tư đều chưa thực hiện tốt qui chế dân chủ; chưa tổ chức việc lấy ý kiến của cấp uỷ, chính quyền; chưa thông qua HĐND các cấp đối với một số công việc theo luật định. Việc công bố qui hoạch; các nội dung chủ yếu của dự án cũng có trường hợp làm chưa tốt. Một số vấn đề bức xúc của các địa phương có liên quan chưa được quan tâm giải quyết. Xã Thuỷ An, các phường Vỹ Dạ, Xuân Phú là những địa phương có diện tích thu hồi đất rất lớn nhưng trong qui hoạch chung và qui hoạch chi tiết chưa bố trí diện tích dành cho những hạ tầng thiết yếu, làng nghề, khu dịch vụ và các công trình phúc lợi công cộng khác của địa phương. Điều này sẽ dẫn đến quá tải trong đáp ứng các nhu cầu bứt thiết của nhân dân khi có sự gia tăng cơ học lớn về dân số.

b. Xây dựng và quản lý chất lượng các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế:

- Các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện, cung cấp nước, thoát nước, đường giao thông của các khu định cư, khu dân cư mới chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời trước khi bố trí tái định cư nên gây ra nhiều bức xúc với các đối tượng phải di dời, giải toả; không hấp dẫn các đối tượng có nhu cầu đất ở tham gia đấu giá đất ở.

- Chất lượng công trình hạ tầng của một số dự án ở các khu dân cư Kiểm Huệ, Hương Sơ, Vỹ Dạ không đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp.

- Hầu hết các công trình hạ tầng: điện, nước, đường giao thông, thoát nước, cấp nước, công viên cây xanh chưa được bàn giao kịp thời cho cơ quan chuyên ngành quản lý, duy tu, bảo dưỡng hàng năm, nên nhiều công trình ở một số khu dân cư hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.


2. Về công tác bố trí tái định cư và đền bù giải toả:

a. Công tác chuẩn bị tái định cư chưa được quan tâm đúng mức: một số dự án chưa xây dựng xong khu tái định cư nhưng đã tiến hành giải toả, di dời dân, nhiều hộ dân bị di dời, giải toả phải thuê nhà để ở. Có những trường hợp dự án đã thực hiện xong từ lâu nhưng đối tượng bị giải toả vẫn chưa được bố trí tái định cư, còn phải thuê nhà để ở. Điển hình là Dự án nhà chung cư ở phường Trường An do Công ty Xây lắp làm chủ đầu tư có hộ bà Nguyễn Thị Hồng (Chủ tịch Hội phụ nữ phường Trường An) phải đi thuê nhà ở đã qua 3 cái Tết Nguyên đán nhưng vẫn chưa được bố trí đất ở, Dự án Khu đô thị Đông Nam Thuỷ An có 22 hộ phải thuê nhà ở hơn một năm.…

Như vậy, cùng với việc chậm xây dựng các khu tái định cư và các công trình hạ tầng ở các khu tái định cư được đầu tư không đồng bộ, chất lượng không đảm bảo nên nhiều dự án đã không thực đúng quy định hiện hành là người dân tái định cư phải có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.



b. Giá đền bù đất và tài sản, cây cối, vật kiến trúc còn thấp:

Cũng như các dự án xây dựng khu đô thị mới, các dự án xây dựng khu định cư mới cũng gặp phải vướng mắc chủ yếu trong công tác đền bù giải là giá đền bù về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu được thực hiện theo Quyết định số 1920 QĐ/UBND ngày 8/8/1997 và Quyết định số 225/2001/QĐ-UB ngày 30/01/2001 của UBND tỉnh. Đây là những quyết định được duy trì khá lâu trong lúc thị trường đã có biến động. Mặt khác, một số trường hợp áp dụng tính giá đền bù nơi đi và giá quyền sử dụng đất nơi đến không được qui về một thời điểm nên một số đối tượng bị thiệt thòi dẫn đến khiếu kiện. Đơn giá đền bù một số loại cây trồng như mai, dừa, hoa huệ… cần xem xét kỹ để kịp thời điều chỉnh.

3. Sử dụng đất đai còn lãng phí:

Mặc dầu phần lớn các dự án xây dựng khu định cư mới ở tỉnh ta trong những năm qua có đặc điểm chung là tiến độ xây dựng khu định cư mới chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu di dời, giải toả. Tuy nhiên vẫn có một số dự án đã hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng qua nhiều năm nhưng vẫn không bố trí tái định cư được làm lãng phí lớn đất đai. Điển hình là khu tái định cư 4,2 ha ở xã Hương Sơ, đã được xây dựng từ năm 2001 nhưng nay bỏ hoang thành bãi đổ rác...



4. Về công tác tổ chức bán đấu giá đất:

Theo đánh giá của Sở Tài chính thì Hội đồng bán đấu giá đất các cấp tổ chức bán đấu giá còn mang tính nhỏ lẻ, chưa mở rộng thị trường đến các tỉnh lân cận và các thành phố lớn, nơi có nhiều nhà đầu tư có nguồn lực, có nhu cầu lớn về đất, do vậy việc bán đấu giá đất thường kéo dài, gặp nhiều khó khăn; kết quả thu được không cao và một số trường hợp phải điều chỉnh giá.


B. ĐỀ NGHỊ:

1. Đối với UBND tỉnh:

a. Về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án:

- Hiện nay khả năng cung về đất ở đã vượt quá nhu cầu, do vậy đề nghị dãn tiến độ triển khai các dự án tạo quỹ đất, ưu tiên tập trung đầu tư hoàn chỉnh từng phần đối với các dự án có tính khả thi cao. Trong lúc thị trường nhà đất trong tỉnh đang chững lại không nên cấp phép triển khai dự án mới.

- Rà soát toàn diện các dự án, xem xét năng lực và quyết tâm của từng nhà đầu tư để quyết định sớm việc thu hồi toàn bộ hay một phần diện tích được giao để hạn chế tình trạng lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân.

- Soát xét để điều chỉnh vị trí đất giao cho các chủ đầu tư, đảm bảo tính liên vùng, liên thửa và bổ sung dự án khai thác diện tích đất nông nghiệp xen ghép xét thấy không còn hiệu quả như đối với một số diện tích xen ghép giữa các dự án ở Thuỷ An, Xuân Phú, Vỹ Dạ...



b. Về công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch:

- Bố trí vốn lập qui hoạch chi tiết 1/2000 ở khu A đô thị An Vân Dương để thuận tiện cho việc quản lý, kết nối hệ thống hạ tầng cơ sở khi triển khai các dự án.

- Bố trí vốn để xây dựng trước một số khu tái định cư, khu chung cư nhằm phục vụ kịp thời cho công tác di dời, giải toả của các dự án đã, đang và sẽ triển khai cũng như tạo quỹ đất để bán đấu giá và tạo quỹ nhà ở để giải quyết cho một số nhu cầu khác.

- Thực hiện đúng các qui định của Luật xây dựng 2003, hạn chế tối đa việc phân lô để người được cấp quyền sử dụng đất tự xây dựng công trình kiến trúc. Giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng ban hành một số phương án kiến trúc mẫu để đảm bảo quản lý chặt chẽ kiến trúc nhất là kiến trúc mặt tiền các đường phố nhằm tạo diện mạo đô thị mới thực sự khang trang, hiện đại.

- Đôn đốc các sở, ngành chức năng cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về cốt san nền; về giải pháp kỹ thuật đảm bảo thoát lũ; về xác định các điểm đấu nối và sự phù hợp của các công trình hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt là khu vực dọc trục đường Lăng Tự Đức - Thuỷ Dương Thuận An...

- Trong qui hoạch chú ý xử lý tốt các vấn đề sau:

+ Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh để sớm qui hoạch các khu nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ di dời giải toả, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của nhân dân; không để xảy ra tình trạng di dời theo kiểu “sâu đo” làm phát sinh chi phí về sau.

+ Thực hiện tốt qui chế dân chủ trong công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch; xử lý tốt kiến nghị của cấp uỷ, chính quyền địa phương về việc dành quỹ đất cho việc phát triển sản xuất, dịch vụ, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư… Yêu cầu các chủ đầu tư kịp thời công khai những nội dung chủ yếu của dự án để cho nhân dân và chính quyền địa phương theo dõi, giám sát. Đối với các công việc theo luật định phải thông qua HĐND các cấp cần phải thực hiện nghiêm túc.

+ Giải quyết hợp lý yêu cầu tái định cư trên cả 2 hình thức tập trung và xen ghép tại các điểm dân cư ổn định để không gây xáo trộn lớn đời sống nhân dân. Dành tỷ lệ diện tích để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách tại các khu vực dân cư.

+ Kiểm tra để có chủ trương điều chỉnh qui hoạch chi tiết một số dự án về chiều rộng của đường nội thị, không nên quá nhỏ và cần dành diện tích cho giao thông tĩnh. Qui hoạch chi tiết phải đảm bảo đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng, đáp ứng công suất vận hành, liên thông các trục đường giao thông, cấp điện, các nước, thoát nước, thông tin liên lạc trong toàn bộ khu đô thị, khu tái định cư mới và với đô thị đã có.

+ Qui hoạch hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải đồng bộ, có tính đến định hướng phát triển lâu dài trong tương lai.

c. Về quản lý chất lượng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng.

- Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc xây dựng hệ thống hạ tầng trong các khu đô thị mới, khu tái định cư mới (có sự tham gia của các đơn vị vận hành sau này) nhằm kiểm tra, giám sát kỹ chất lượng của các công trình này ngay từ khi mới xây dựng.

- Tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống hạ tầng đã xây dựng từ lâu, đánh giá hiện trạng để có kế hoạch bàn giao cho đơn vị tiếp nhận sửa chữa, hoặc yêu cầu các đơn vị thi công sửa chữa để các chủ dự án bàn giao cho các đơn vị liên quan quản lý, vận hành phát huy hiệu quả. Đối với các dự án mới xây dựng, yêu cầu chủ dự án phải tổ chức nghiệm thu và bàn giao ngay cho các cơ quan liên quan quản lý, vận hành. Trường hợp khi thực hiện dự án đã xác định được bên nhận chuyển giao thì bên nhận chuyển giao được tham gia quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình trong giai đoạn xây dựng đến khi hoàn thành. Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình và bên nhận chuyển giao có kế hoạch và trách nhiệm bảo trì theo qui định.

d. Về cơ chế chính sách:

- Nghiên cứu vận dụng chính sách thu hút đầu tư bằng các hình thức BT, BOT nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng và hoàn chỉnh một số khu đô thị mới. Ưu tiên cho các công trình đầu mối quan trọng như các cầu vượt sông An Cựu, sông Phát Lát, đường ra khu đô thị mới An Vân Dương.. để phục vụ cho việc triển khai các dự án.

- Áp dụng mức giá đền bù nơi đi và giá nơi đến theo chính sách giá của cùng một thời điểm. Nếu nơi đến định giá cao hơn một ít thì không buộc người nhận phải nộp thêm tiền nhằm thực hiện chính sách nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và phù hợp với thực tế là các chủ dự án thường giao đất cho người bị giải toả chậm và hạ tầng kỹ thuật nơi đến chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu.

- Bổ khuyết chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Do số lượng lao động nông nghiệp phải chuyển đổi nghề quá lớn, vì vậy nên nghiên cứu vận dụng nhiều hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và lồng ghép nhiều nguồn vốn, kể cả hỗ trợ qua đền bù; vốn cho vay giải quyết việc làm; dành một số vị trí thuộc các công trình dịch vụ trong khu qui hoạch thuộc diện cho thuê để ưu tiên bố trí cho các hộ đã hoạt động kinh doanh, dịch vụ hoặc có thể chuyển sang các ngành này.

Về đào tạo nghề, do phần lớn người nhận tiền hỗ trợ đều sử dụng vào việc khác, do vậy nên chăng vận dụng hình thức cấp vốn hỗ trợ qua các trường dạy nghề, các trung tâm đào tạo có sự thoả thuận của đối tượng thụ hưởng.

- Có chủ trương, giải pháp thích hợp đối với các trường hợp giao đất không qua đấu giá trước khi Luật đất đai, Luật xây dựng có hiệu lực; đảm bảo công tác quản lý không chỉ dừng lại ở mức thiết kế cơ sở mà phải giám sát chặt chẽ các giai đoạn sau; đảm bảo không để sơ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đối với các dự án chưa triển khai thực hiện hoặc các dự án mới phải thực hiện việc đấu giá đất hoặc đấu thầu công trình có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư theo qui định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP. Trường hợp đấu giá đất không thành hoặc chỉ có một nhà đầu tư xin thực hiện dự án thì thực hiện theo điểm d, khoản 5, điều 2 của Nghị định 17/2006/ND-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ.

Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh đôn đốc giải quyết một số kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn số 542/HĐ-KTNS ngày 19/12/2005, cụ thể là:

- Thực hiện công khai hoá, minh bạch hoá qui hoạch xây dựng các khu đô thị mới, các khu dân cư mới trên địa bàn tỉnh cho nhà đầu tư và nhân dan theo dõi, giám sát.

- Có kế hoạch khai thác quỹ đất trong phạm vi đã giải toả 102m trong đó có 58m ở hai bên đường Tự Đức - Thuỷ Dương theo hình thức phân lô bán để xây dựng biệt thự nhà vườn, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị và tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư đường này và hạ tầng kỹ thuật liên quan khác.

- Chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra điều chỉnh cốt san nền hoặc có giải pháp tối ưu khác để giải quyết những vấn đề phát sinh của khu qui hoạch ở phường Xuân Phú do Công ty Cổ phần bất động sản Sông Đà làm chủ đầu tư. Điều chỉnh cốt tuyến đường Thuỷ Dương - Thuận An và cốt san nền của các dự án ở khu vực này. Khống chế cao độ mặt bằng ở các khu đô thị mới, khu dân cư mới bảo đảm hướng thoát nước theo qui hoạch chung đô thị.

- Phê duyệt kế hoạch phân lô khu tái định cư Xuân Diệu của Công ty Xây lắp.

- Chỉ đạo các ngành chức năng làm việc với các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để giải quyết các vướng mắt ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án như thống nhất với ngành Điện lực về việc di dời tuyến điện chạy qua 2 dự án của Công ty Xây dựng số 8 và Công ty Cầu I Thăng Long.

- Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án qui hoạch đấu nối đường nội bộ của dự án thuộc Công ty Cầu I Thăng Long ở xã Thuỷ Xuân nối với Quốc lộ I A.

- Chỉ đạo việc bàn giao các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở các khu định cư mới cho các đơn vị chức năng của thành phố (Công ty Vệ sinh Môi trường đô thị; Công ty Công viên cây xanh) quản lý để thực hiện kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên.

- Yêu cầu các chủ đầu tư có liên quan tham gia xử lý các vấn đề phát sinh trong phạm vi dự án và khu vực liền kề như chống ngập lụt cho một số điểm dân cư ở phường Vỹ Dạ, phường Xuân Phú và xã Thuỷ An mới phát sinh khi triển khai các dự án.

- Đôn đốc các chủ dự án xem xét giải quyết cấp đất cho các hộ thuộc diện đền bù giải toả phải thuê nhà ở từ 1 đến 2 năm; tạo điều kiện cho bà con sớm ổn định cuộc sống.

- Kiện toàn Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng tỉnh, giao cho Ban này làm đầu mối quản lý kết nối hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới.

- Sớm qui hoạch mở rộng các khu nghĩa địa, nghĩa trang đã đầu tư để phục vụ tốt cho kế hoạch giải toả sắp tới.

- Có qui định cấm chôn cất ngoài vùng nghĩa trang, nghĩa địa đã qui định.



2. Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh:

- Xem xét bổ sung vốn năm 2006 cho công tác đầu tư cơ bản (bản đồ địa hình 1/2000, 1/500, tài liệu địa chất công trình... của khu đo thị mới An Vân Dương). Vốn qui hoạch và xây dựng các khu tái định cư; các nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ tốt di dời, giải toả.



- Phối hợp với UBND tỉnh để giám sát các dự án xây dựng khu đô thị, khu định cư mới. Đề nghị các Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND các cấp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động giám sát.
Trên đây là báo cáo kết quả giám sát tình hình, kết quả thực hiện các dự án phát triển khu đô thị, khu định cư mới và chính sách tạo vốn từ quỹ đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay. Thường trực HĐND tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu xử lý những vấn đề bất hợp lý và có giải pháp sớm thực hiện những kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh.
TM. THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Каталог: admin -> upload -> news
news -> Trung tâM ĐIỀU ĐỘ HỆ thống đIỆn quốc gia
news -> KỲ HỌp thứ NĂM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 07, 08 và ngày 10, 11 tháng 12 năm 2012) LƯu hành nội bộ huế, tháng 12 NĂM 2012
news -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> TỈnh thừa thiên huế
news -> KỲ HỌp thứ TÁM, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 16, 17, 18 tháng 7 năm 2014) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2014
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp chuyêN ĐỀ LẦn thứ nhấT, HĐnd tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2012
news -> KỶ YẾu kỳ HỌp thứ MƯỜi lăM, HĐnd tỉnh khoá V nhiệm kỳ 2004 2011
news -> HỘI ĐỒng nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
news -> KỲ HỌp thứ SÁU, HĐnd tỉnh khóa VI nhiệm kỳ 2011 2016 (Ngày 17, 18, 19 tháng 7 năm 2013) LƯu hành nội bộ huế, tháng 7 NĂM 2013
news -> TỜ trình về việc thành lập các thôn, tổ dân phố mới

tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương