Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê


Biểu đồ 3: Diễn biến giá hạt tiêu tại Đăk Lắk một số năm theo tháng



tải về 0.81 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu05.12.2017
Kích0.81 Mb.
#34980
1   2   3   4   5   6   7   8

Biểu đồ 3: Diễn biến giá hạt tiêu tại Đăk Lắk một số năm theo tháng



Nguồn: Trung tâm xúc tiến Thương mại Đắk lắk

Hạt tiêu tháng 10 tiếp tục giảm giá, bình quân chỉ còn 37.600 đ/kg so với tháng trước, giảm 1.100 đ/kg (-2,9%) và thấp hơn vùng kì năm trước 9.000 đ/kg (-19,4%). Nếu so với tháng 3/08, tháng đạt mức giá cao nhất trong năm, đã giảm 17.500 đ/kg (-31,8%). Mức giá này chạm mốc giá cùng kì năm 2006.


Giá tiêu trên thị trường Đắk Lắk thu thập ngày 29/10/08 có giá 32.000đ/kg. Xu hướng giá tiêu vẫn tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.
Phân bón

Giá phân bón tiếp tục giảm mạnh trong tháng 10. Đạm Phú Mỹ giá trần bán lẻ tại nhà máy là 8.200 đ/kg, giảm 1.200 đ/kg so với tháng trước. Giá bán lẻ urê trên thị trường giảm 700-800 đ/kg so với tháng 9/08. Hiện giá bán lẻ đạm Phú Mỹ tại miền Bắc phổ biến ở mức 7.500đ/kg, tại miền Trung 7.300 đ/kg, tại Nam Bộ 7.000 đ/kg. Giá bán buôn urê Hà Bắc 6.500 đ/kg.

Giá bán lẻ phổ biến một số loại phân khác như sau: DAP 15.000-17.000 đ/kg; Supe lân 3.600 đ/kg; SA (Trung quốc) 5.300 đ/kg.

Dự giá phân bón tiếp tục giảm và ổn định dần trong tháng tới.



THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Cà phê



Cùng chung xu thế với các thị trường hàng hoá khác, thị trường cà phê thế giới tháng 10/08 biến động theo chiều hướng giảm giá mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại trước tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngay từ đầu tháng 10, giá cà phê đã ở mức thấp nhất trong hơn 10 tháng qua do phải chịu sức ép nặng nề của đồng USD lên giá và tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ. Giá cà phê chè giao tháng 12/08 giảm 80,4 USD/tấn (2,8%) xuống 2763 USD/tấn -mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/07. Thị trường chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng, từ mức thấp nhất của 13 tháng rưỡi qua.

Ngày 17/10, giá cà phê vối tại Luân Đôn giao tháng 11/08 đạt 1.744 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với phiên giao dịch trước đó. Tại sàn giao dịch kỳ hạn New York, giá cà phê chè giao tháng 12/08 đạt 2.546 USD/tấn, tăng 58 USD/tấn so với phiên giao dịch trước đó.

Xu thế giảm giá tiếp tục duy trì tại các sàn giao dịch trong suốt thời gian còn lại của tháng. Vào những ngày cuối tháng, giá cà phê tại thị trường New York đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua. Kết thúc phiên 29/10, giá cà phê chè chỉ còn 2.471 USD/tấn. Trong phiên, giá có lúc đã rơi xuống chỉ còn 2.314 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 15/5/07. Giá cà phê vối tại Luân Đôn cũng giảm mạnh trong phiên này, giá giao tháng 11/08 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua, còn 1.547 USD/tấn, giảm 9 USD/tấn so với phiên trước đó.

Biểu đồ 4: Giá cà phê thế giới tháng 10/08, có so với tháng 9/08



Nguồn: Reuters

Sự biến động của đồng đôla Mỹ thời điểm này là yếu tố được quan tâm nhất của tất cả các nhà đầu tư, nhất là tỷ giá so với đồng nội tệ của các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu như Braxin, Việt Nam và Inđônêsia. Thị trường đã giảm mạnh khi đồng đôla tăng  và thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Giá cà phê trong thời gian tới vẫn phải chịu nhiều áp lực và chưa thể sớm lộ rõ khuynh hướng.

Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể làm giảm nguồn cung cà phê và mọi người có xu hướng sẽ chuyển sang uống cà phê tại nhà. Ông Nestor Osorio, giám đốc điều hành ICO cho biết “Khủng hoảng tài chính đã gây ra sự giới hạn về tín dụng và thiếu tính thanh khoản sẽ có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung, trong khi dự đoán cho thấy cầu vẫn được giữ vững trong mùa đông tới.

Chính phủ của các nước sản xuất cũng như tiêu thụ cà phê đều đang nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tài chính, trong đó có việc cấp tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất. Một số nhà đầu tư khác thì cho rằng giai đoạn suy thoái của thị trường cà phê sắp chấm dứt khi hoạt động mua vào được khuyến khích do giá giảm. Tuy nhiên, phần lớn những chuyên gia đều tỏ ra bi quan về triển vọng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn và dự báo thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu cùng với đà suy thoái kinh tế thế giới.

Đường



Thị trường đường thế giới tháng 10/08 biến động phức tạp trong bối cảnh tâm lý của các nhà đầu tư bị chi phối mạnh bởi khủng hoảng trên thị trường tài chính Mỹ. Ngoài ra, theo đà sụt giá trên thị trường dầu mỏ, giá đường cũng sụt giảm theo. Giá năng lượng thấp đã làm yếu đi triển vọng hỗ trợ giá cả các mặt hàng liên quan tới sản xuất nhiên liệu sinh học, trong đó có mía đường.

Trong phiên giao dịch cuối tháng, giá đường trắng và đường thô đều sụt giảm mạnh xuống mức đáy trong vòng 4 tháng qua do sức ép từ hoạt động thanh lý của các quỹ đầu tư. Giá đường thô giao tháng 12/08 tại NewYork đứng ở mức 245,4 USD/tấn, thấp hơn tháng trước 32 USD/tấn. Trên thị trường Luân Đôn, giá đường trắng hợp đồng kỳ hạn tháng 12/08 đứng ở mức 330 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với cuối tháng 9/08.

Biểu đổ 5: Giá đường thế giới tháng 10/08, có so với tháng 9/08



Nguồn: Reuters

Theo các nhà môi giới, mặc dù khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể sẽ khiến nhu cầu tại một số khu vực giảm, nhưng nhu cầu tăng ở các nước tiêu dùng lớn sẽ nâng đỡ giá đường trong thời gian tới. Chẳng hạn, Ấn Độ đang chuẩn bị nhập 350.000 tấn đường thô của Braxin và có thể sẽ còn phải nhập nhiều hơn nữa; nguồn cung nội địa của Mỹ cũng vẫn thiếu, với tỷ lệ dự trữ - tiêu dùng chỉ ở mức 6%.

Các nhà kinh doanh và phân tích cũng hy vọng cung cầu trên thị trường đường thế giới sẽ trở lại cân bằng hơn vào năm tới, khi thị trường chuyển từ tình trạng dư thừa đường trong 2 năm liền sang thiếu hụt. Nguyên nhân là do sản lượng đường ở Ấn Độ và Brazil, hai nước sản xuất đường chủ chốt thế giới, sẽ giảm mạnh và thị trường đường sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ nhu cầu ổn định của các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Gạo

Thị trường gạo thế giới tháng 10/2008 khá ảm đạm, giá giảm mạnh do nhu cầu mua yếu vì dự báo giá sẽ còn giảm hơn nữa khi vụ thu hoạch mới của Thái Lan sẽ bắt đầu vào tháng tới.

Trong bối cảnh cầu giảm, giá gạo tiêu chuẩn của Thái Lan đã giảm liên tiếp trong 5 tuần liên tiếp xuống còn khoảng 630 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 10/08, giá gạo các loại xuất khẩu của Thái Lan đã giảm trung bình khoảng 150 USD/tấn. Ngày 27/10, giá gạo 100% B của Thái Lan chỉ còn 578 USD/tấn và gạo sấy cũng chỉ còn 555 USD/tấn.

Theo các nhà xuất khẩu gạo, không có yếu tố tích cực nào nâng đỡ giá gạo trong thời gian qua và dự đoán sẽ tiếp tục giảm sau khi chính phủ Thái Lan thông qua kế hoạch mua thóc giá 12.000 baht (350 USD)/tấn trong chương trình can thiệp giá vụ mới, thấp hơn gần 15% so với mức 14.000 baht trước đây vào ngày 22/10. Mức giá này tương đương giá xuất khẩu khoảng 630 – 640 USD/tấn. Mặc dù Thái Lan có thể đặt mức sàn cho giá gạo xuất khẩu trong ngắn hạn, nhưng các nhà xuất khẩu gạo cho rằng họ khó cạnh tranh với các nước sản xuất gạo khác như Việt Nam và điều này càng gây thêm sức ép giảm giá lên thị trường gạo.

Theo nhận định của giới kinh doanh, giá gạo chuẩn Thái Lan có thể giảm xuống mức 400 USD/tấn trong tháng 12/08 hoặc tháng 1/09, do nguồn cung gạo trên thế giới tăng trong khi nhu cầu của các khách mua gạo hàng đầu của Thái Lan giảm sút. Hiện nay Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - vẫn chưa ký được bất kỳ thỏa thuận xuất khẩu nào cho lượng gạo sắp thu hoạch vì chưa có khách hàng nào đạt mua khi thấy giá gạo trên thế giới tiếp tục xu hướng giảm và nguồn cung dồi dào. Sản lượng thóc chính vụ của Thái Lan, thu hoạch vào tháng 11 tới dự kiến đạt 23,8 triệu tấn.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) và Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây lại cho rằng việc các nước sản xuất gạo chủ chốt hạn chế xuất khẩu và dân số gia tăng nhanh sẽ làm cho thị trường gạo toàn cầu tiếp tục khan hiếm nguồn cung trong năm thứ hai liên tiếp. Tuy mức tiêu thụ gạo trên đầu người ở những nước đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ dự báo sẽ giảm, nhưng tổng lượng tiêu thụ gạo của thế giới ước tăng 18 triệu tấn do dân số tăng. Người dân ở các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng quay sang sử dụng gạo để thay thế các thực phẩm đắt đỏ hơn như rau quả và thịt. Ngoài ra, dự trữ gạo của Mỹ - một trong số ít nước không hạn chế xuất khẩu gạo trong cuộc khủng hoảng gạo gần đây - dự báo sẽ tiếp tục giảm. Điều này có thể khiến cho thị trường trở nên bất ổn trong những tháng tới.

Cao su

Quan ngại về tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với sự suy giảm của giá dầu thô, thị trường cao su thế giới tháng 10/08 diễn biến trầm lắng.

Tại Tokyo (TOCOM) ngày 29/10, giá cao su hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2008 chỉ còn 163,1 Yên (1,81 USD)/kg, giảm hơn 30 Yên so với giữa tháng. Nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh sợ hãi về sự suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn đã khiến giá cao su trên thị trường Tocom giảm gần 50% từ đầu tháng 9/08 xuống chỉ còn 159,3 Yên vào cuối tuần trước (17/10), thiết lập mức thấp nhất kể từ tháng 7/2005.

Trên thị trường giao ngay châu Á, giao dịch cao su cũng không mấy sôi động do nhu cầu mua yếu vì khách hàng tạm ngưng mua vào với hy vọng giá còn giảm thêm. Miền nam Thái Lan, khu vực sản xuất cao su chính của nước này, vẫn đang mưa nhiều làm gián đoạn hoạt động thu hoạch mủ cao su. Giá quá thấp khiến cho người trồng cao su không muốn bán cao su vào lúc này, bởi bán đồng nghĩa với lỗ.

Tại Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên gần đây liên tục giảm. Nguồn cung ổn định bởi đang là mùa thu hoạch cao điểm, trong khi nhu cầu cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên đều giảm. Các nhà kinh doanh tỏ ra thận trọng trong việc thu mua nên rất ít hợp đồng được ký kết. Lượng tồn kho cao su thiên nhiên tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tính đến giữa tháng 10/2008 đạt mức 65.000 tấn, cao hơn 11,4% so với đầu tháng.

Theo các nhà phân tích, giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm mạnh được xem là nhân tố chính gây áp lực lên giá cao su thiên nhiên. Hiện giá dầu đang ở dưới mức 70 USD/thùng vì thế dự kiến giá cao su thiên nhiên còn tiếp tục suy giảm trong thời gian tới.

Hạt tiêu

Mặc dù đã bước qua thời kỳ suy giảm có tính mùa vụ (các tháng 8 và 9) nhưng thị trường hạt tiêu thế giới tháng 10/08 vẫn chưa sôi động trở lại. Nguyên nhân chính là do mối lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến sức mua và nhu cầu tiêu dùng. Theo Tổ chức Hồ tiêu thế giới IPC, “thị trường tiêu đi xuống bởi sự thiếu tích cực của các nhà đầu cơ cùng với sự sụt giảm lượng cầu”. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 vừa qua, lượng hạt tiêu nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 2.272 tấn từ mức 34.091 tấn cùng kỳ năm trước xuống còn 31.819 tấn. Thông thường, sự sụt giảm nhập khẩu này sẽ được lấp đầy trong thời gian còn lại của năm, nhưng hiện nay lượng nhập khẩu tiêu đang phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính.

Phần lớn lượng tiêu nhập vào Mỹ đến từ Inđônêsia, nhưng hiện nay nhiều nhà nhập khẩu đã tìm đến nguồn cung hạt tiêu Ấn Độ do mức giá cạnh tranh hơn. Giá tiêu Ấn Độ đã giảm khỏang 3-4% so với giữa tháng. Tại Việt Nam, thị trường tiêu cũng khá trầm lặng và giá giảm nhẹ, giá tiêu đen 500g/l đứng ở mức 2.875 USD/tấn. Tại Sri Lanka, giá giảm khoảng 1%. Còn tại Braxin, tuy đang trong vụ thu hoạch nhưng giao dịch cũng trầm lắng, tiêu Asta được bán với giá 2.775 USD/tấn.

Trên thị trường giao ngay, hoạt động mua bán cũng kém sôi động. Lo ngại về suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm tổng cầu sụt giảm. Các nhà dự báo hy vọng, trong những tuần tới, thị trường sớm thoát khỏi tình trạng suy giảm mạnh hiện nay.


1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương