Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê



tải về 490.79 Kb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích490.79 Kb.
#9633
1   2   3   4   5   6


Báo cáo đánh giá thực trạng kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 24/9, cảnh báo trong năm 2009, khoảng 50 quốc gia đang phát triển sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do giá lương thực và năng lượng tăng cao.

Liên quan vấn đề này, Giám đốc điều hành IMF nêu rõ mặc dù đã giảm trong những tháng gần đây, song giá hai mặt hàng chiến lược trên vẫn cao hơn so với thời điểm trước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nước, đặc biệt là ở châu Phi. Ông cho rằng trong khi tập trung mọi nỗ lực đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng đồng quốc tế không nên lơ là các cuộc khủng hoảng khác, cụ thể là tác động xấu và kéo dài của tình trạng giá lương thực và năng lượng leo thang đối với những nước nghèo nhất thế giới. Ông kêu gọi các nước giàu tăng cường viện trợ cho những nước nghèo bị ''tổn thương'' nặng nề do giá lương thực và năng lượng leo thang.

IMF nhận xét, mặc dù đã hạ nhiệt, song tới trung tuần tháng 9, giá dầu mỏ vẫn cao gấp đôi so với mức kỷ lục hồi cuối năm 2006 và giá lương thực cũng cao hơn so với thời điểm này. IMF ước tính các nước nghèo phải nhập khẩu năng lượng sẽ phải chi thêm 60 tỷ USD, tương đương 3,2% tổng sản phẩm quốc nội để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tương tự, 43 quốc gia đang phát triển phải nhập khẩu lương thực sẽ phải chi thêm 7,2 tỷ USD cho lương thực. Điều này sẽ đẩy các nước trên vào tình trạng mất cân bằng cán cân thanh toán và lạm phát gia tăng.

CARE International: Số người nghèo trên thế giới gia tăng

Theo một phúc trình của Cơ quan cứu trợ quốc tế CARE International công bố mới đây, số người sống bên bờ vực của nghèo đói trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong hai năm qua, chủ yếu do tác động của giá lương thực- thực phẩm tăng cao.

Vanessa Rubin, tác giả bản phúc trình cho biết, trong hai năm qua, số người trên toàn thế giới không thể tự nuôi bản thân và cần được trợ giúp đã tăng gấp đôi lên khoảng 220 triệu người. Tại Kê-ni-a, người dân phải chi đến 80% thu nhập cho thực phẩm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và dân số gia tăng cũng là hai nhân tố đẩy con người vào cảnh nghèo đói. Biến đổi khí hậu gây cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất và nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế các nước đang phát triển.

Tác giả bản phúc trình nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần rút ra bài học từ rất nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những thập niên trước. Cụ thể, cùng với việc dành ngân khoản để cứu trợ khẩn cấp ngắn hạn, cộng đồng quốc tế đồng thời cần chú trọng thực hiện các cam kết phát triển dài hạn để hỗ trợ dân cư địa phương.

Theo bà Ru-bin, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc họp tuần tới tại New York (Mỹ) chắc chắn phải bàn đến xu hướng tình trạng đói nghèo đang gia tăng, khi mà thời gian cho việc hiện thực hóa mục tiêu giảm một nửa số người nghèo đói trên toàn cầu vào năm 2015 không còn nhiều.
Thái Lan: Mưa lớn kéo dài 16 ngày qua gây ngập lụt phần lớn các tỉnh thuộc khu vực Bắc và Đông Bắc
Mưa lớn kéo dài 16 ngày qua gây ngập lụt phần lớn các tỉnh thuộc khu vực Bắc và Đông Bắc Thái Lan, làm 18 người chết và gần 190 nghìn người mắc các bệnh da liễu, cảm lạnh, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.

Cục nha khí tượng thủy văn cảnh báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các địa phương trên sẽ tiếp tục bị ngập lụt. Đây là lần thứ 7 trong năm nay, khu vực Bắc và Đông Bắc Thái Lan bị ngập lụt kéo dài.

Để đối phó với tình trạng trên, Bộ Y tế Thái Lan đã cung cấp nước sạch, lương thực thực phẩm, nhà vệ sinh lưu động và điều động 963 đội y tế lưu động đến để khám chữa bệnh cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai. Chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng quân đội tham gia các hoạt động cứu trợ và khắc phục ảnh hưởng của lụt lội.

LHQ kêu gọi viện trợ khẩn cấp 10 triệu USD cho Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 19/9, LHQ đã kêu gọi quyên góp gần 10 triệu USD để viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho các vùng bị lụt hồi tháng 8 vừa qua ở Lào.

LHQ cho biết các trận lụt thuộc vào loại tệ hại nhất ở Lào trong suốt một thế kỷ qua đã phá hủy nhiều cánh đồng canh tác, cơ sở hạ tầng và nhà cửa của hơn 200.000 người. Dịch bệnh và tình trạng suy dinh dưỡng đã xuất hiện tại 11 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của trận lụt. Nhiều gia đình đang ở rất gần ranh giới nghèo khổ và rất dễ bị tụt xuống dưới mức nghèo khổ. Điều phối viên của LHQ Xô-nam Y-ang-chen Ra-na (Sonam Yangchen Rana) cho rằng trận lụt tháng 8 vừa qua "đang đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ, an ninh lương thực, phúc lợi và cuộc sống của người dân, nhất là các cộng đồng dân cư nghèo, về trung và dài hạn".

Để giúp Lào khắc phục hậu quả của trận lụt này, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp 9.945.998 USD cho 15 dự án, như làm sạch nguồn nước, vệ sinh môi trường, cứu trợ lương thực, cung cấp thuốc chữa bệnh, chăm sóc y tế, cung cấp hạt giống, tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh và ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở Lào.

Trung Quốc khẳng định đã kiểm soát hoàn toàn vụ sữa nhiễm độc

Cơ quan chức năng Trung Quốc ngày 24/9 thông báo đã "kiểm soát hoàn toàn" vụ bê bối sữa nhiễm độc ở quốc gia này. Đây được xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo với thế giới rằng các sản phẩm của nước này đã an toàn.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh, ông Hướng Vũ Trang, trưởng bộ phận điều tra thuộc Tổng cục Giám sát, Quản lý và Kiểm dịch chất lượng (GAQSIQ), khẳng định "vấn đề đã được kiểm soát", thị trường đã được an toàn và sẽ không có thêm rắc rối nào. Trong một thông báo trên mạng cùng ngày, GAQSIQ cho biết kết quả xét nghiệm của 235 mẫu phẩm sữa chua và sữa hộp giấy được sản xuất từ ngày 14/9 trên cả nước cho thấy không còn dấu hiệu của melamine. Trong khi đó, phát biểu tại Niu Y-oóc (Mỹ) ngày 24/9 nhân dịp dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết hành động kiên quyết để giải quyết vụ bê bối sữa Tam Lộc nhiễm độc, khẳng định Chính phủ Trung Quốc quyết tâm nâng cao an toàn thực phẩm.

Mặc dù đưa ra những thông tin hết sức khả quan nhưng Trung Quốc vẫn rất khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vụ bê bối này hiện nay không chỉ dừng ở mức độ ảnh hưởng tới sức tiêu thụ các sản phẩm sữa mà thậm chí đã mở rộng đến nhiều mặt hàng thực phẩm khác có chứa sữa xuất xứ từ Trung Quốc.

Tập đoàn Unilever thông báo đã thu hồi mặt hàng trà sữa Lipton tại thị trường Đài Loan do lo ngại các sản phẩm này dùng loại sữa nhiễm độc của Trung Quốc. Bộ Y tế Ma-lai-xi-a đã đưa ra mức "báo động cấp 5" đối với một số mặt hàng thực phẩm truyền thống được nhập từ Trung Quốc. Với mức báo động này, các sản phẩm trên sẽ phải qua kiểm tra an toàn trước khi được đưa ra thị trường.

Tại châu Âu, sau I-ta-li-a, Chính phủ Pháp ngày 24/9 đã quyết định cấm nhập khẩu tất cả các loại sản phẩm có chứa sữa nguồn gốc từ Trung Quốc và những biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn sẽ tiếp tục được thực hiện. Theo đó, những sản phẩm này sẽ bị thu hồi và không được phép bày bán trên thị trường. Chủ tịch Ủy ban An toàn sản phẩm người tiêu dùng Mỹ Nan-xi Nót (Nancy Nord), đang ở thăm Thượng Hải, cũng thông báo Chính phủ Mỹ sẽ kiểm tra các loại thực phẩm nhập khẩu có chứa sữa của Trung Quốc. Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã cảnh báo công dân nước này không nên dùng các sản phẩm sữa có xuất xứ từ Trung Quốc nếu như không có sự đảm bảo của nhà sản xuất.

Đến nay, Trung Quốc đã có 4 trẻ em tử vong, 54.000 em bị sỏi thận và sức khỏe bị ảnh hưởng do sử dụng các sản phẩm sữa nhiễm melamine. 13.000 trẻ đã phải nhập viện điều trị và hơn 100 em hiện đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Hàn Quốc: ngại về nguy cơ an toàn thực phẩm

Trước lo ngại về nguy cơ an toàn thực phẩm, ngày 29/9, Đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã chủ trì cuộc họp liên ngành với Bộ Y tế, Cơ quan quản lý dược phẩm - thực phẩm, Bộ Tài chính... để thảo luận về các biện pháp tăng cường quản lý thực phẩm trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông.

Cuộc họp này diễn ra sau khi Chính phủ và GNP đã đồng ý trên nguyên tắc về một loạt biện pháp nhằm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt với thực phẩm nhập khẩu. Nghị sĩ An Hông Chơn, phụ trách ủy ban phối hợp chính sách của GNP, cho biết có 7 biện pháp tăng cường giám sát an toàn thực phẩm được đề xuất áp dụng trong thời gian tới. Theo đó, nhà sản xuất sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi thực phẩm của họ bị phát hiện nhiễm độc hoặc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong nước hoặc quốc tế. Một trong các biện pháp được xem là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay là sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của doanh nghiệp khi phát hiện sản xuất thực phẩm gây hại hoặc sẽ áp dụng cả hai biện pháp thu hồi giấy phép và buộc đóng cửa nhà máy nếu cơ sở đó bị phát hiện vi phạm hai lần trong vòng hai năm. Những cơ sở này cũng sẽ bị phạt số tiền cao gấp 10 lần lợi nhuận mà họ có thể thu được.

Cũng theo đề xuất mới, nhà sản xuất bắt buộc phải ghi trên nhãn mác chính của sản phẩm nơi sản xuất và dòng chữ này phải in to gấp rưỡi tên thương hiệu. Chính phủ cũng sẽ thông báo công khai tên những sản phẩm bị thu hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thiết lập một hệ thống giúp người tiêu dùng dễ dàng cập nhật thông tin về những mặt hàng nguy hại đến sức khỏe. Chính phủ cũng sẽ tăng tỷ lệ kiểm định bắt buộc với sản phẩm nhập khẩu từ 20% hiện nay lên 30%.

Hàn Quốc quyết định tăng cường các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm sau khi vụ sữa nhiễm melamine bị phát hiện ở Trung Quốc. Tại Hàn Quốc cũng phát hiện ít nhất 2 sản phẩm của hai công ty sản xuất tại Trung Quốc là "Misarang" và "Milk rush" có hàm lượng melamine ở mức nguy hiểm.

Cá tra và basa của Việt Nam đáp ứng những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU)

Các sản phẩm từ cá tra và basa nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, do mặt hàng này có khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng được những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Quan chức cấp cao của EC cho biết, trong trường hợp phát hiện những vi phạm về vệ sinh thực phẩm, ngay lập tức Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tăng cường thanh tra, kể cả thanh tra tại chỗ, và trong trường hợp các nước xuất khẩu "không đưa ra những biện pháp chỉnh đốn cần thiết" EC có thể cấm xuất khẩu sang khối này.

Cũng theo quan chức trên, trong 2 năm qua EU đã phát hiện 5 trường hợp dư lượng kháng sinh ở cá tra và basa của Việt Nam cao hơn mức cho phép, tuy nhiên, mức độ vi phạm không nghiêm trọng đến mức phải đưa ra những biện pháp xử lý đặc biệt.

Dư luận chống tiêu thụ cá tra và basa nhập khẩu từ Việt Nam đã xuất hiện từ vài tháng nay tại vùng Ga-li-xi-a của Tây Ban Nha, quốc gia EU nhập các sản phẩm trên nhiều nhất.

Mỹ: Số người béo phì liên tục gia tăng

Số người béo phì ở Mỹ có xu hướng ngày càng gia tăng. Số liệu mới nhất của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh của Mỹ (CDC) cho thấy người béo phì chiếm tới 27,4% dân số Mỹ.



Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, béo phì tức là chỉ số cơ thể (BMI) vượt quá 30. CDC cho biết số người mắc bệnh béo phì ở Mỹ liên tục tăng. Hiện số người dân Mỹ có chỉ số BMI vượt quá 30 đã tăng đáng kể. Theo thống kê, năm 1997, tỷ lệ người béo phì từ 20 tuổi trở lên ở Mỹ là 19,4%, ngay năm sau đã tăng vọt lên 26%. Trong vòng 11 năm qua, năm 2003 là năm duy nhất số người béo phì ở Mỹ giảm 0,2%, xuống còn 23,7%. Nhưng đến năm 2004 thì tỷ lệ này lại tăng lên 24,5%.

Tính theo độ tuổi, số người béo phì ở Mỹ trong độ tuổi từ 40-59 là 30%, tỷ lệ này trong độ tuổi 20-29 là 25,2%. Ngoài ra, nếu phân loại theo chủng tộc và giới tính thì phụ nữ gốc Phi bị mắc bệnh béo phì nhiều nhất, chiếm 37,7%, sau đó đến phụ nữ Mỹ La-tinh, chiếm 35,4%.

Phát triển giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu - sự lựa chọn của tương lai

Quỹ đa dạng cây trồng toàn cầu (GCDT) vừa công bố dự án nghiên cứu và phát triển những giống cây lương thực có khả năng chịu được tác động của biến đổi khí hậu. Dự án với vốn đầu tư 1,5 triệu USD chủ yếu tập trung cho công tác khảo cứu giống cây trồng tại những nước đang phát triển.

Theo dự án của GCDT, các nhà khoa học trước hết sẽ tìm hiểu những loại hoa màu chính, trong đó có ngô và lúa. Họ sẽ sàng lọc, cấy ghép để tìm ra những giống có khả năng thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán, hoặc thay đổi nhiệt độ bất thường.

Các nhà khoa học hy vọng các giống hoa màu này có thể giúp chống được tác hại của biến đổi khí hậu. Giám đốc GCDT Ca-ri Phâu-lơ (Cary Fowler) giải thích: "Giống hoa màu mới phải cho sản lượng lương thực nhiều hơn trên cùng một diện tích đất và không cần tưới nước nhiều". Ông cho rằng chúng ta không thể tiếp tục trồng những hoa màu thuần giống mà cần phải đa dạng hóa. Dự kiến trong vòng hai năm tới, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra được hồ sơ đầy đủ về những giống cây trồng có khả năng chịu được biến đổi khí hậu, việc tiếp theo là lai tạo và nhân các hạt giống có đặc tính đó.

Việc lai tạo những giống cây trồng cho sản lượng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng là đề tài nghiên cứu của lĩnh vực công nghệ sinh học. Các nhà vận động cho cây trồng biến đổi gien (GM) hy vọng kết quả khả quan của dự án trên sẽ giúp người dân có cái nhìn tích cực hơn đối với cây trồng biến đổi gien.

Trong vài năm qua, Quỹ đa dạng cây trồng toàn cầu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về cây lương thực. Mỗi cuộc hội thảo đều rút ra được những phương pháp tốt nhất để bảo tồn đa dạng sinh học cho từng loại hoa màu. GCDT cũng là một trong những tổ chức tham gia dự án lưu trữ giống cây trồng tại Bắc cực hiện nay.

Mỹ: Giá nhà giảm mạnh nhất trong gần 10 năm qua

Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản toàn quốc của Mỹ (NAR) ngày 24/9 công bố kết quả khảo sát thị trường cho biết giá nhà tại thị trường Mỹ trong tháng 8 tiếp tục giảm mạnh chưa từng có trong gần 10 năm qua. Đây là bằng chứng mới nhất về hậu quả của cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong 17 năm qua trong lĩnh vực địa ốc và cũng là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng hiện nay tại Mỹ.

Tại Oa-sinh-tơn, giá một ngôi nhà trung bình ở Mỹ trong tháng 8/2008 giảm 9,5%, xuống chỉ còn ở mức 203.100 USD/ngôi. Đây là mức giảm giá lớn nhất kể từ năm 1999. Tổng số các ngôi nhà chưa bán được trong tháng giảm 7%, xuống còn 4,3 triệu ngôi so với mức cao kỷ lục 4,6 triệu ngôi trong tháng 7/2008. Doanh số bán ra của những ngôi nhà xây sẵn trong tháng 8 giảm 2,2%, chỉ đạt tốc độ 4,91 triệu ngôi/năm.

Trước đó, ngày 23/9 Cơ quan quản lý tài chính nhà đất liên bang Mỹ (Federal Housing Finance Agency) công bố kết quả điều tra mới nhất cho biết giá nhà tại thị trường Mỹ trong tháng 7/2008 giảm 5,3% so với cùng kỳ cách đây một năm, tương đương với mức giảm 0,6%/tháng.

IMF: Thế giới không nên vì khủng hoảng mà quên giảm đói nghèo

Theo bản đánh giá kinh tế giữa tháng 9/08, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho biết trong khi cộng đồng quốc tế hiện đang tập trung vào cuộc khủng hoảng tài chính đang tiếp diễn ở các nền kinh tế tiên tiến, điều quan trọng là không để mất dấu "cuộc khủng hoảng khác" - đó là ảnh hưởng tiếp diễn của giá lương thực và nhiên liệu tăng cao đối với một số trong những nước nghèo nhất thế giới.

Ông Strauss-Kahn cho hay 50 nước, đặc biệt là châu Phi, vẫn đứng trước nguy cơ này trong suốt năm 2009 do giá cả leo thang. Ông lưu ý mặc dù phần nào giảm trong những tháng gần đây, giá lương thực và nhiên liệu vẫn ở trên mức khi giá đợt bão giá này bắt đầu. Đối với nhiều nước, điều này có nghĩa là "cú sốc lớn" đòi hỏi hành động xuyên biên giới từ cộng đồng quốc tế về mặt trợ giúp quốc tế để giúp đỡ những nước bị tổn thương.
Cập nhật đánh giá hồi tháng 6/08, IMF nói rằng giá dầu hiện thấp hơn 40% so với mức cao đỉnh điểm hồi giữa tháng 7/08, nhưng vẫn cao gấp hai lần so với thời điểm cuối năm 2006. Tương tự, giá lương thực đã giảm 8% so với tháng 6%, nhưng cao hơn nhiều so với cuối năm 2006.

IMF dự báo những nước nhập khẩu nhiên liệu, có thu nhập thấp đang đối mặt với tình trạng hóa đơn nhiên liệu tăng lên tương đương 3,2% GDP (60 tỷ USD). Đối với những nước nhập khẩu lương thực, hóa đơn lương thực hiện cũng tương đương 0,8% GDP (7,2 tỷ USD).

Ông Strauss-Kahn nói rằng những yếu tố này đang làm yếu đi cán cân thành toán, ngân sách nhà nước và lạm phát gia tăng ở những nước nghèo.

Ông kêu gọi các nước tài trợ đẩy mạnh viện trợ cho các nước có thu nhập thấp. Ông cho biết IMF đang hợp tác với các tổ chức quốc tế khác cung cấp 264 triệu USD trong năm nay cho những nước bị ảnh hưởng.

IMF, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ngày 24/9 đã nhóm họp tại trụ sở của IMF để thảo luận việc phối hợp các chương trình làm việc nhằm giúp các nước đối phó với những vấn đề nảy sinh từ giá lương thực và nhiên liệu cao.

IRRI: Tình hình l­ương thực toàn cầu đang ở thời điểm quyết định

Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), có trụ sở ở Philíppin, cho biết, xét trên khía cạnh an ninh lương thực, việc nhu cầu tiếp tục tăng trong khi sản xuất sụt giảm đã đẩy tình hình lương thực thế giới vào tình thế "ngã ba đường" , bởi nếu không đưa ra được những hành động cụ thể sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lâu dài khiến giá lương thực tăng "đột biến" trong năm 2008.

IRRI kêu gọi các chính phủ tái đầu tư vào nông nghiệp bao gồm nghiên cứu cải tiến công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như tăng cường đào tạo các nhà nông học. Bà Elizabeth Woods, Chủ tịch IRRI, nhấn mạnh: "Tăng năng suất lương thực là biện pháp duy nhất để đảm bảo đủ lương thực cho mọi người, và cần phải có những nỗ lực lâu dài để đạt được mục tiêu này, bởi chỉ tài trợ thêm cho nghiên cứu nông nghiệp là không đủ".
Bà Woods cho biết tỷ lệ tăng trưởng sản lượng lúa gạo đã giảm xuống dưới ngưỡng 1% trong những năm gần đây, so với mức 2,3% trong những năm 1967-1990. Dựa trên thu nhập và tỷ lệ tăng dân số, tới năm 2020 sản xuất lương thực hàng năm phải tăng khoảng 1,5% mới đáp ứng được nhu cầu.

Báo cáo của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cảnh báo rằng giá lương thực leo thang là một phần nguyên nhân khiến số người nghèo đói trên toàn thế giới tăng thêm 75 triệu người, lên 925 triệu người.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lưu ý rằng muốn ngăn chặn đột biến về giá lương thực trong tương lai, các quốc gia châu Á cần phải thực hiện những cải cách cơ cấu sâu rộng trong ngành nông nghiệp. Việc ADB tăng chuẩn nghèo đói từ 1 USD/ngày lên 1,35 USD/ngày, nghĩa là sẽ có thêm hàng triệu người sẽ rơi vào nhóm những người nghèo.
Giá gạo -một trong những ngũ cốc quan trọng của thế giới- đã tăng lên cao kỷ lục trên 1000 USD/tấn trong tháng 5/08, trước khi đứng ở mức khoảng 700 USD/tấn, vẫn gấp đôi mức giá trước đó một năm.

Haiti đang đối mặt với khủng hoảng lương thực

Bốn trận bão nhiệt đới gần đây đã hủy hại hầu hết diện tích trồng lương thực, cũng như phá hủy các hệ thống thủy lợi và các trạm bơm của Haiti, làm gia tăng mối lo ngại rằng hàng triệu người ở quốc gia đói khổ này lâm vào cảnh đói nghèo trầm trọng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Haiti, Joanas Gue, cho hay hệ thống nông nghiệp của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, các nhà ngoại giao và tổ chức cứu trợ cho rằng Haiti đang cần cứu trợ khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thiếu đói trên quy mô lớn.
Các chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp đã được chuyển trực tiếp tới người dân bị ảnh hưởng nặng nền bởi các cơn bão Fay, Gustav, Hanan và Ike - đã gây lũ lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 425 người thiệt mạng trong vòng chưa đầy một tháng qua, trong đó có 194 nạn nhân ở Thung lũng Artibonite được coi là vựa lúa của Haiti.

Phát ngôn viên Stephanie Bunker của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết LHQ chỉ huy động được chưa đến 2% tổng số tiền yêu cầu gây quỹ khẩn cấp 108 triệu USD cho Haiti. Ông Henrietta Fore, phụ trách Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, nói các khoản cứu trợ dành cho Haiti là rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD.

Các trường học, dự kiến mở cửa vào đầu tháng 9/08, hiện đang là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của những người tị nạn. Tình trạng ngận lụt và thiếu điện vẫn chưa được khắc phục tại nhiều khu vực của Gonaives, thành phố lớn thứ tư của Haiti, trong khi bệnh sốt rét và các bệnh dịch khác đã bắt đầu lây lan.

Chính phủ Mỹ đang gửi 29 triệu USD các khoản cứu trợ lượng thực và viện trợ nhân đạo. Những quốc gia như Côlômbia đã vận chuyển lương thực và quần áo bằng máy bay tới những nơi cần cứu trợ khẩn cấp của Haiti. Các cơ quan LHQ đã tiếp tế lương thực cho hơn 200.000 người của quốc gia nghèo nhất khu vực Tây Bán Cầu này.

Ông Gue ước tính khoảng 60% sản lượng lượng thực gần đến ngày thu hoạch của Haiti, trong đó có ngô và khoai lang, đã bị hủy hoại bởi các trận bão nói trên.

Các trận bão có thể để lại hậu quả nặng nề cho Haiti trong nhiều năm, do lớp màu mờ của các diện tích đất trồng trọt vốn cằn cỗi bởi nạn phá rừng của nước này bị quét sạch xuống biển. Hàng trăm hệ thống cơ sở tưới tiêu, kênh và các trạm bơm của Haiti cũng bị hư hại, cùng với khoảng 9.000 tấn phân bón bán hạ giá cho nông dân biến mất.

FAO: Giá lương thực leo thang đẩy thêm 75 triệu người vào cảnh nghèo đói

Tổng Giám đốc Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), Jacques Diouf, cho biết số người nghèo đói trên toàn thế giới đã tăng từ 850 triệu người lên 925 triệu người (tăng thêm 75 triệu người) trong năm 2007 do giá lương thực leo thang.

Chỉ số giá của FAO cho thấy giá lương thực toàn cầu tăng 12% trong năm 2006, 24% trong năm 2007 và tăng tới 50% chỉ trong 8 tháng đầu năm 2008. Những con số này gợi mở khả năng số người bị thiếu lương thực có thể lên tới trên 1 tỷ người tới cuối năm nay. Theo ông Diouf, để tăng gấp đôi sản lượng lương thực và xoá bỏ đói nghèo thì cần phải đầu tư 30 tỷ USD/năm.

Hội nghị thượng đỉnh của FAO hồi 6/08 cam kết sẽ giảm một nửa số người nghèo đói trên toàn cầu vào năm 2015 và có những biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng khủng hoảng lương thực. Trong tuyên bố cuối cùng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cam kết chi 6,5 tỷ USD, nhưng lại tập trung chủ yếu vào nhiên liệu sinh học, đồng thời chấp thuận việc thúc đẩy sản xuất lương thực tại các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, các tuyên bố này cũng tương tự như những kết luận đưa ra tại hội nghị hồi năm 1996 và 2002. Ông Diouf trước đó đã nói: "với các xu hướng như hiện nay, mục tiêu này sẽ bị đẩy lùi tới năm 2150 thay vì 2015".

Ngân hàng Thế giới ước tính, giá lương thực leo thang đã đẩy 100 triệu người sống dưới mức nghèo đói, gây ra các cuộc phản kháng và thậm chí là nổi loạn tại một số khu vực trên thế giới, đồng thời đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia đã đổ lỗi cho một số nguyên nhân khiến giá lương thực leo thang như giá dầu tăng cao, việc tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu sinh học và các thực phẩm giàu calo -đặc biệt là thịt- tại các nền kinh tế phát triển.

Cơ quan Cứu trợ lương thực LHQ này tháng trước cho biết đã thực hiện một chương trình trị giá 214 triệu USD nhằm cứu tế lương thực cho "16 điểm nóng đói nghèo" trên toàn thế giới trong bối cảnh giá lương thực tăng cao. Trong đó, 104 triệu USD dành cho 11 triệu người tại 14 quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi giá lương thực cao, bao gồm hỗ trợ các khu vực nông thôn không đủ tiền mua lương thực và có nguy cơ gây xung đột. Khoảng 110 triệu USD khác sẽ giành cho việc giải quyết những xung đột tại khu vực "sừng tê giác" châu Phi.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát cao ở châu Á

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chính chính sách tiền tệ lỏng lẻo, chứ không phải giá lương thực và năng lượng leo thang, mới là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát cao ở châu Á.



Trước đó, ngày 16/7, ADB đã nâng dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2008 của châu Á từ mức dự báo 5,1% được đưa ra hồi tháng 4/08 lên 7,8% và hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong cùng kỳ của châu lục từ 7,6% xuống 7,5%.

Một nghiên cứu của hai nhà kinh tế Juthathip Jongwanich và Park Donghyun, thuộc ADB, nhận định: "Các cú sốc về giá dầu và lương thực trên thị trường quốc tế đóng góp chưa đến 30% mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của châu Á, trong khi nhu cầu quá mức và những đồn đoán về lạm phát chiếm khoảng 60%". Nghiên cứu cho rằng giá hàng hóa gia tăng đã tạo ra một cái cớ để các nhà hoạch định chính sách ở châu Á không tăng lãi suất.

ADB cảnh báo chính sách tiền tệ nhằm đối phó với các cú sốc giá lương thực và dầu mỏ sẽ chỉ làm căng thẳng thêm vấn đề, đồng thời khẳng định triển vọng đáng ngại này sẽ khiến các ngân hàng trung ương nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc kiềm chế lạm phát trước khi nó tiếp tục leo thang và gây thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế khu vực.
Theo nghiên cứu trên của ADB, chính sách tiền tệ lỏng lẻo khuyến khích nhu cầu quá mức là kết quả của những ưu tiên của các chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế của họ sau cuộc khủng tài chính châu Á hồi năm 1997/98.

Kinh tế châu Á đã hồi phục nhanh trong một thập kỷ qua trong một cơ chế lạm phát thấp, song ADB cho rằng điều này đã "ru ngủ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong sự tự mãn".
Nghiên cứu của ADB thừa nhận chính sách thắt chặt hiện nay không phải không tạo ra những rủi ro đáng kể, như gây giảm sút lớn hơn về tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sụt giảm về hàng hóa xuất khẩu của châu Á, cũng như làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

ADB kêu gọi các nước cải cách cơ cấu nông nghiệp

Trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á" vừa công bố, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã kêu gọi các nước đang phát triển trong khu vực tiến hành cải cách cơ cấu nông nghiệp để có thể ngăn chặn tình trạng giá lương thực tăng cao. Báo cáo dẫn lời nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Ifzal Ali, nhận định rằng hiện tại do nhu cầu lương thực vẫn cao hơn nguồn cung, nên mặc dù thời gian gần đây giá một số loại lương thực như gạo đã giảm, nhưng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực vẫn tồn tại và sẽ đẩy giá lương thực tăng lên. Hơn nữa, châu Á còn cần phải cải cách cơ cấu cho phù hợp với môi trường trong đó các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng lương thực hồi đầu năm nay đã đẩy giá gạo trên thị trường thế giới từ mức trung bình 400 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn vào tháng 5 và giảm xuống còn 730 USD/tấn trong tuần vừa qua.

Theo ông Ali, các chính phủ ở châu Á cần đầu tư vào những lĩnh vực công có khả năng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin thị trường giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông khẳng định, giá lương thực chỉ có thể giảm khi nguồn cung tăng lên.

Báo cáo trên của ADB cũng nhận định rằng trong thời gian tới, giá lương thực khó có thể giảm xuống mức thấp như trước năm 2008 cho dù các nước châu Á có tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì sắp tới, các nước đều sẽ xây dựng lại kho dự trữ lương thực, từng giảm mạnh trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất lương thực sẽ tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng của giá dầu thô vẫn ở mức cao. Ông Ali cho rằng, tới đây thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi trong nông nghiệp, trong đó xu thế giá lương thực giảm như ba thập niên qua sẽ nhường chỗ cho xu thế tăng giá trong những thập niên tới.

Thiếu đầu tư vào nông nghiệp - một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo

Theo báo cáo thường niên năm 2008 của Liên Hợp Quốc với tiêu đề "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ", việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khiến hàng triệu người trên toàn cầu lâm vào cảnh đói nghèo, đặc biệt là các nước đang phát triển như Ấn Độ.

Báo cáo cho rằng việc trợ cấp nông nghiệp tại các nước phát triển đang làm giảm viện trợ phát triển. Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết nguy cơ đói nghèo đang gia tăng sẽ được giảm thiểu nếu việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các nước đang phát triển được chú trọng trong những thập kỷ qua.

Báo cáo cũng đánh giá vai trò của trợ giúp phát triển chính thức (ODA) - nguồn viện trợ của các nước công nghiệp đối với các nước đang phát triển nhằm mục tiêu xoá bỏ đói nghèo của Liên Hiệp Quốc.

Tổng giá trị trợ cấp mà các nước công nghiệp dành cho lĩnh vực nông nghiệp đã tăng khoảng 65 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2004 trước khi giảm 16 tỷ USD xuống còn 372 tỷ USD trong năm 2006. Các khoản trợ cấp trên cao gấp ba lần so với ODA của các nước công nghiệp. Điều này gây phương hại cho các mục tiêu của ODA là trợ giúp phát triển nông nghiệp.


tải về 490.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương