Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê



tải về 490.79 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích490.79 Kb.
#9633
1   2   3   4   5   6

Xuất khẩu


Giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 11 ước đạt trên 1,22 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm lên 14,85 tỷ USD, tăng hơn 24 % so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt 7,8 tỉ USD, tăng 37,9 %; thuỷ sản lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 4 tỷ USD đạt 4,27 tỉ USD, tăng 24,8 %; lâm sản đạt 2,77 tỉ USD, tăng 18 %. Tính đến tháng 11/2008 xu hướng đi xuống của kim ngạch xuất nhập khẩu đã thể hiện rõ nét hơn do yếu tố giảm giá và khối lượng các mặt hàng cũng giảm đi.

Cụ thể một số mặt hàng chính như sau:

+ Gạo: Ước tháng 11/2008 xuất khẩu 250 ngàn tấn, kim ngạch đạt 119 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt gần 4,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,7 tỉ USD, so cùng kì năm trước giảm gần 4 % về lượng nhưng lại tăng hơn 88 % về giá trị.

Gạo là mặt hàng có mức tăng kim ngạch cao nhất trong các các mặt hàng nông lâm sản, do giá gạo xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm tháng 11 mặc dù đã giảm so với tháng 10 nhưng vẫn tăng lên 47 % so với cùng kỳ năm 2007.

+ Cà phê: Ước xuất khẩu tháng 11/2008 đạt khoảng 60 ngàn tấn với trị giá 102 triệu USD. Với ước tính này thì tổng lượng cà phê xuất khẩu 11 tháng năm 2008 sẽ đạt 863 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xấp xỉ 1,78 tỷ USD, giảm 20,5 % về lượng nhưng tăng 7,2% về kim ngạch. Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh. Giá xuất khẩu bình quân tháng 11 đang ở mức 1.700 USD/tấn giảm tới 2% so với cùng kỳ năm 2007.

+ Cao su: Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2008 ước đạt 70 ngàn tấn tăng 5% về lượng nhưng giảm 15% về giá trị do giá cao su thế giới giảm mạnh. Tổng khối lượng cao su xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 586 ngàn tấn với trị giá hơn 1,5 tỷ USD; giảm 8,3 % về lượng nhưng tăng 22,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2007. Giá cao su XK bình quân tháng 11/08 đã giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái do yếu tố giá dầu thế giới giảm.

+ Chè: Ước xuất khẩu tháng 11/2008 đạt 10 ngàn tấn với kim ngạch đạt 13 triệu USD đưa tổng lượng chè xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 100 ngàn tấn, kim ngạch đạt 140 triệu USD, giảm chút ít về lượng (2,5 %) nhưng tăng hơn 20 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

+ Hạt điều: Tháng 11/2008, xuất khẩu ước đạt 14 ngàn tấn tăng 4 % về lượng nhưng giá trị kim ngạch hầu như không tăng, chỉ đạt 73 triệu USD. Tuy nhiên, tổng khối lượng điều xuất khẩu của 11 tháng đầu năm sẽ ở mức 153 ngàn tấn với trị giá 853 triệu USD, tăng cả về lượng (gần 11 %) và về kim ngạch (45,9 %) so với cùng kỳ năm 2007.

+ Tiêu: Xuất khẩu tháng 11/2008 ước khoảng 7 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 23 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 11 tháng lên con số 86 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD, tăng 11% về lượng và 19,5 % về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

+ Lâm sản và đồ gỗ: Tháng 11/2008, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước đạt 271 triệu USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt trên 2,77 tỉ USD, tăng 18 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 2,5 tỉ USD, tăng 19,4 %; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 205 triệu USD, tăng 3,7 % cùng kỳ năm trước.

+ Thuỷ sản: Do yếu tố thời vụ, nên xuất khẩu thuỷ sản tháng 11 có xu hướng giảm so với tháng 9 và tháng 10, ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng lên 4,279 tỷ, bằng 100,68 % kế hoạch và tăng 24,32 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu thủy sản vượt qua mức 4 tỷ USD và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức cao.

Mặc dù gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ tại thị trường Nga, nhưng cá tra, basa vẫn có đà tăng trưởng ổn định, gần đuổi kịp kim ngạch xuất khẩu tôm động lạnh chế biến. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng năm 2008 đạt 1,23 tỷ USD, tăng 50,87 % so với cùng kỳ (Nga chiếm 13,73 %, Ucraina : 10,46 %, Tây Ban Nha : 8,37 %), khối lượng xuất khẩu 542,9 ngàn tấn, tăng gần 71 % so với cùng kỳ năm 2007. Nga, Ukraina và Ai Cập đang tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Nga là thị trường đơn lẻ có mức kim ngạch nhập khẩu cá tra của Việt Nam cao nhất. Lượng cá tra xuất sang Ai cập đã tăng tới 250 %. Mặt hàng tôm đông lạnh chế biến vẫn giữ vị trí thứ nhất về kim ngạch đạt 1,35 tỷ USD (tăng 9,95 % so với cùng kỳ) với khối lượng 157,5 ngàn tấn (tăng 21,87% so với cùng kỳ), các thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh lớn là Nhật 334,3 triệu USD (chiếm 29,76 % giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh), Mỹ 321,5 triệu USD (27,79 %).

Về thị trường, EU vẫn là thị trường nhập khẩu số một của Việt Nam với giá trị đạt 965,2 triệu USD (chiếm 25,21 % tổng giá trị xuất khẩu), tiếp theo là Nhật 684,7 triệu USD (chiếm 17,89 %), Mỹ đứng thứ 3 đạt 616,6 triệu USD (chiếm 16,11 %).


Nhập khẩu vật tư, phân bón

Tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thuỷ sản tháng 11/2008 ước khoảng 500 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này lên hơn 9,4 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2007 là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tăng giá gây ra. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn là phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ.

Cụ thể một số mặt hàng chính như sau :



+ Phân bón : Lượng phân bón các loại nhập khẩu trong tháng 11 ước đạt 145 ngàn tấn, trong đó; Ure là 40 ngàn tấn, SA – 60 ngàn tấn, DAP – 20 ngàn tấn, NPK – 10 ngàn tấn và các loại khác – 15 ngàn tấn. Tính đến tháng 11/2008, lượng phân bón nhập khẩu ước khoảng 2,96 triệu tấn với trị giá nhập khẩu 1,465 tỷ USD, giảm 12,8 % về lượng, nhưng kim ngạch tăng 72,5 % so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón nhập khẩu tuy có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2007 nên giá trị kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng thêm gần 70%

+ Thuốc trừ sâu và nguyên liệu : Ước nhập khẩu tháng 11/2008 đạt 30 triệu USD, đưa tổng nhập khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt gần 445 triệu USD, tăng 34,8 % so với cùng kỳ năm 2007.

+ Gỗ và sản phẩm gỗ : Giá trị gỗ và sản phẩm từ gỗ nhập khẩu tháng 11/2008 ước đạt 80 triệu USD đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đầu năm lên hơn 1 tỷ USD, tăng 11,5 % so cùng kỳ năm trước.

+ Thức ăn gia súc và nguyên liệu : Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2008 đạt 60 triệu USD. Tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đầu năm ước đạt 1,61 tỷ USD tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

+ Cao su : Ước nhập khẩu tháng 11/2008 đạt 13 ngàn tấn, kim ngạch 30 triệu USD. Trong 11 tháng đầu năm 2008 cả nước nhập khẩu 178 ngàn tấn với kim ngạch 482 triệu USD, so cùng kỳ năm trước xấp xỉ về lượng nhưng tăng 42,5 % về giá trị.

+ Lúa mì: Ước lượng lúa mì nhập khẩu tháng 11/2008 khoảng 50 ngàn tấn với trị giá kim ngạch là 21,5 triệu USD. Tổng lượng nhập khẩu 11 tháng năm 2008 đạt 660 ngàn tấn với trị giá 284 triệu USD, giảm 41,6 % về lượng và 8,8 % về giá trị so cùng kỳ năm trước.

+ Thịt: Nhập khẩu tháng 10 đạt 19 triệu USD, tăng so với tháng 9 là 3 triệu USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu thịt 10 tháng đã đạt mức 177 triệu USD trong đó thịt phụ phẩm gia cầm là 120 triệu USD (chiếm 69%) tăng 3,8 lần so với cùng ký năm trước (46,4 triệu USD)

+ Muối: Nhập khẩu muối trong tháng 10 là 6,1 triệu USD (trong đó hạn ngạch là 4,9 triệu USD), đưa tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2008 lên 21,6 triệu USD. Ước lượng lúa mì nhập khẩu tháng 11/2008 tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2007 (4,2 triệu USD).

Tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông sản lâm thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông sản lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm ước đạt 8,3 tỉ USD, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả cụ thể của một số mặt hàng chính như sau:

+ Phân bón: Ước nhập khẩu tháng 9/2008 đạt 190 ngàn tấn các loại, giảm 35,8% so cùng kỳ, trong đó urê ước 40 ngàn tấn (giảm 27,2%), DAP khoảng 20 ngàn tấn (giảm 10,2%). Nguyên nhân do lượng hàng tồn kho trong nước dồi dào, chưa đến mùa chăm sóc. Tổng lượng phân bón nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước khoảng 2,7 triệu tấn, tương đương 1,3 tỷ USD, tăng 2,7% lượng, nhưng kim ngạch tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lượng phân urê nhập khẩu 9 tháng ước đạt 639 ngàn tấn, tương đương 253,5 triệu USD, tăng 40,8% lượng và gần gấp 2,2 lần về giá trị, giá phân urê nhập khẩu bình quân 9 tháng đầu năm nay lên tới 397 USD/tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu bình quân tháng 8/08: 447 USD/tấn; DAP khoảng 360 ngàn tấn và 325 triệu USD, giảm 14,1% về lượng nhưng gần gấp 2,2 lần về giá trị, giá phân DAP nhập khẩu bình quân 9 tháng đầu năm nay: 903 USD/tấn, tăng trên 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu bình quân tháng 8/08: 907 USD/tấn; Phân SA: 586 ngàn tấn và 159 triệu USD, giảm 15,2% nhưng tăng gần 76% về giá trị; NPK: 161 ngàn tấn và 92,5 triệu USD, giảm 17,8% về lượng nhưng tăng 63,7% về giá trị; các loại phân bón khác: 952 ngàn tấn và 482 triệu USD, tăng 9,8% về lượng và gần gấp 2,2 lần về giá trị.

+ Thuốc trừ sâu và nguyên liệu: Ước nhập khẩu tháng 9/2008 đạt 30 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt gần 391 triệu USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ 2007.

+ Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước nhập khẩu tháng 9/2008 đạt 80 triệu USD, tăng 1,3% so cùng kì năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 854 triệu USD, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước.

+ Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 9/2008 đạt 100 triệu USD, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu 9 tháng ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kì năm trước. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, khô dầu đậu tương chiếm 58%. Mức tăng giá bình quân của khô dầu đậu tương nhập khẩu năm nay tăng khoảng 50% so với năm trước. Ấn độ là nước cung cấp khô dầu đậu tương lớn nhất cho Việt Nam với thị phần 47%, sau đó là Thái lan 15%.

+ Cao su: Ước nhập khẩu tháng 9/2008 ước đạt 15 ngàn tấn, kim ngạch NK trên 47 triệu USD. Ước 9 tháng đầu năm NK khoảng 153 ngàn tấn với kim ngạch khoảng 416 triệu USD, so cùng kỳ năm trước tăng 7,7% về lượng và 55,4% về giá trị.



+ Muối: Kim ngạch nhập khẩu muối 8 tháng đầu năm đạt 13,3 triệu USD. Ước 9 tháng nhập khoảng 180 ngàn tấn gồm cả muối nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch. Cục Chế biến NLS và nghề muối đang phối hợp với Bộ Công thương đề nghị Chính phủ bổ sung hạn ngạch nhập khẩu muối cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Ấn độ là nước xuất khẩu muối số 1 cho Việt Nam với thị phần 49%, tiếp theo là Inđônêxia 19%.

+ Lúa mì: Tổng lượng nhập khẩu 8 tháng đạt 501 ngàn tấn với trị giá 214 triệu USD, giảm 39% về lượng, nhưng tăng 6% về giá trị so cùng kỳ năm trước, giá lúa mì nhập khẩu bình quân: 428 USD/tấn, tăng 73% so với cùng kỳ 2007. Giá lúa mì đã giảm trong những tháng gần đây đang xuống mức 300 USD/tấn. Dự kiến lượng lúa mì nhập khẩu tháng 9/08 khoảng 50 ngàn tấn, đưa lượng lúa mì nhập khẩu 9 tháng 2008 ước đạt 551 ngàn tấn, giảm 37% so với năm trước.



+ Bông: Tổng nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 213,6 ngàn tấn với kim ngạch 331 triệu USD, so cùng kỳ năm trước tăng 29,2% về lượng và 61,3% về giá trị.







TRONG NƯỚC

Bến Tre: Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Bắt đầu từ tháng 12/2008, Trung tâm sẽ cung ứng trên 76 tấn phân bón hóa học với giá thấp hơn giá thị trường hiện nay khoảng hơn 10% để phục vụ cho Dự án “ thâm canh 1.000 ha dừa cho năng suất sản lượng cao“ đang được thực hiện ở 12 xã của 6 huyện trong tỉnh. Toàn bộ số phân bón này sẽ được chuyển giao về tận trụ sở của UBND xã của 12 xã thuộc vùng dự án để bán cho bà con.


Cao Bằng: đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng (PCCR) nhằm hạn chế thiệt hại về tài nguyên môi trường do cháy rừng gây ra. Tại 119 xã trọng điểm cháy, tỉnh thành lập trên 2.000 tổ đội PCCR cấp thôn, bản với mỗi tổ có 3 -5 người. Các huyện có diện tích rừng lớn như: Nguyên Bình, Thạch An, Trà Lĩnh... tích cực thực hiện phương châm "4 tại chỗ'': chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ. Khó khăn lớn nhất trong việc PPCR mùa khô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là diện tích rừng khá lớn với trên 320.000 ha nhưng lực lượng kiểm lâm quá mỏng, trung bình mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách từ 2 - 3 xã, các trang thiết bị PCCR chưa được đáp ứng được yêu cầu...Từ đầu năm đến nay, Cao Bằng đã xảy ra 10 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng thiệt hại gần 35 ha, trong đó có gần 32 ha rừng sản xuất, 2,5 ha rừng phòng hộ.
Thừa Thiên - Huế: UBND tỉnh đã quyết định đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng cho dự án khôi phục và phát triển đàn lợn sau dịch tai xanh theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó tỉnh trích từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai từ nay cho đến hết năm 2009 với kết quả dự kiến ước đạt 4.500 con lợn nái và 3 con lợn đực giống hậu bị. Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất chăn nuôi trang trại, gia trại theo mô hình an toàn và tạo điều kiện thuận lợi về cấp đất, cho thuê đất. Tỉnh hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công tác thú y phòng chống dịch, tiền mua lợn giống hậu bị với 40% giá giống tại thời điểm mua...Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ở mức tối đa 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,65%/tháng và đối với những hộ không thuộc diện hộ nghèo 0,9%/tháng.

Cao Bằng: Đang tích cực thực hiện phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đội ngũ cán bộ thú y tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm. Đặc biệt, thời gian này, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao nên các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch cúm gia cầm, tăng cường giám sát phát hiện sớm để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch...Theo Chi cục Thú y tỉnh Cao Bằng, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt rất thấp như tiêm phòng cúm gia cầm mới chỉ đạt gần 55% kế hoạch, lở mồm long móng cho đàn gia súc cũng chỉ đạt trên 50% kế hoạch.

Nghệ An: Kết quả kiểm kê 1/10, đàn trâu 286.880 con, giảm 1.900 con; đàn bò 436.731 con, giảm 23.939 con; đàn lợn 1,1 triệu con, giảm 15.458 con so cùng kỳ năm 2007. Đây là thời điểm đàn gia súc của tỉnh có số lượng giảm sút nhiều nhất.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do, dịch bệnh trên đàn gia súc liên tiếp xảy ra; cơ chế hỗ trợ cho phát triển gia súc còn nhiều bất cập, không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc hàng hoá; chi phí đầu tư cho chăn nuôi gia súc tăng cao, trong khi giá thịt và sữa tăng không đáng kể. Riêng chương trình bò sữa hiện đang bế tắc, chưa tìm được hướng giải quyết làm cho các hộ chăn nuôi bò sữa rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, tạo bức xúc cho người chăn nuôi và đây là nguyên nhân xảy ra khiếu kiện kéo dài. Khắc phục tình trạng này, Nghệ An đang xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi và bố trí đủ vốn để thực hiện các chương trình chăn nuôi gia súc. Riêng năm 2009 tỉnh quyết định chuyển đổi ít nhất 1,5% đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ phục vụ cho việc nuôi gia súc.

Lâm Đồng: Trong hơn tuần qua, nhiều hộ nông dân trồng cà chua có được vụ thu hoạch “đậm” khi cà chua được mùa và giá cũng tăng rất cao. Theo nhiều hộ trồng cà chua ở huyện Đơn Dương – vùng trồng cà chua lớn nhất của Lâm Đồng: nhờ trồng một số giống cà chua mới nên vụ thu hoạch này, nhiều vườn cà chua cho năng suất cao trên 40 tấn/ha. Đặc biệt, do nhu cầu rau quả đang tăng cao ở các thành phố lớn và nhữing vùng bị lũ lụt nên giá cà chua từ mức bình quân 3.500 nghìn đồng/kg đã tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg trong 3 ngảy qua. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm 2008 đến nay. Nhờ vậy nông dân trồng cà chua đạt doanh thu trên 250 triệu đồng/ha cà chua; nhiều hộ nông dân có lãi ròng trên 100 triệu đồng. Do diện tích cà chua ở Lâm Đồng là hơn 4.000 ha, chiến 30% tổng diện tích cà chua của cả nước nên việc tăng giá cà chua ở Lâm Đồng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường cà chua trong cả nước.

THẾ GIỚI

Thương mại gạo toàn cầu (dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ)

Thị trường gạo thế giới: Giá chào gạo Thái giảm 115 USD so với tháng trước ở mức 561 USD/tấn và rơi xuống mức không thể tin được với 407 USD/tấn chỉ trong vòng 6 tháng.

Thay đổi dự báo năm 2008:

+ Xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng 150 ngàn tấn, chủ yếu đối với loại gạo basmati tiếp tục tăng sang khu vực châu Phi.

+ Nhập khẩu gạo của Bờ biển ngà tăng 330 ngàn tấn lên mức 980 ngàn tấn theo thống kê tính đến thời điểm hiện nay và do kết quả sản xuất không đạt như dự kiến.

+ Nhập khẩu gạo của Philipin tăng 200 ngàn tấn lên mức 2,5 triệu tấn theo số liệu thống kê đến nay.

Thay đổi dự báo năm 2009:

+ Xuất khẩu gạo của Pakistan tăng thêm 850 ngàn tấn lên mức kỉ lục 4 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu tăng trong bối cảnh Ấn Độ hạn chế xuất khẩu hiện nay.

+ Xuất khẩu gạo của Trung Quốc tăng 300 ngàn tấn lên mức 1,3 triệu tấn do nguồn cung hạn hẹp đối với thị trường ngũ cốc xuất khẩu.

+ Nhập khẩu gạo của Bờ biển ngà tăng 150 ngàn tấn do sản xuất giảm.

Giá lương thực dự kiến tăng 4% trong năm 2009

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 25/11 dự đoán tốc độ tăng giá lương thực trong năm 2009 sẽ không trầm trọng như dự báo đưa ra trước đây nếu giá hàng hoá tiếp tục đứng ở mức hiện nay.

Trong báo cáo hàng tháng, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ dự báo lạm phát giá lương thực năm 2009 xuống 4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đây, cho thấy giá cả các hàng hoá như thịt, trứng, sữa và ngũ cốc cũng như các sản phẩm ngân hàng đã dịu sốt. Tốc độ tăng giá thịt bò, thịt lợn và gia cầm dự báo sẽ giảm trong năm 2009 xuống 3%, còn con số này của các sản phẩm sữa cũng được hạ xuống 2,5%, trong khi tốc độ tăng giá ngũ cốc và các loại bánh mỳ bị điều chỉnh xuống 3%. Tuy nhiên, bất chấp sự suy giảm này, 2009 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp giá lương thực tăng với tốc độ tối thiểu là 4%. Trong khi đó, bộ này vẫn giữ nguyên dự báo tăng giá lương thực cho năm 2008 ở mức 5,5%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Giá cả một loạt mặt hàng nông sản đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, sau khi leo lên các mức cao kỷ lục trong năm nay, trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mỳ đã giảm khoảng 50%. Trong khi đó, việc giá năng lượng, dùng trong hoạt động vận chuyển, đóng gói và chế biến hàng hoá, giảm khoảng 66% kể mức đỉnh trên 147 USD/thùng hôm 11/7 cũng đã bắt đầu có tác động lên giá lương thực.

Hàn Quốc tăng tiêu thụ gạo chế biến và giảm nhập khẩu lúa mỳ

Hàn Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô thị trường tiêu thụ gạo chế biến trong nước để giảm tiêu thụ lúa mỳ phải nhập khẩu đắt đỏ.

Hàn Quốc hiện phải nhập khẩu hầu hết các loại ngũ cốc, trừ gạo, vì Hàn Quốc sản xuất được 94% nhu cầu gạo trong nước và chỉ nhập khẩu một lượng gạo nhỏ theo thỏa thuận về hạn ngạch với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hàn Quốc muốn vào năm 2012 sẽ thay thế khoảng 4,6% trong tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu hàng năm là 2,2 triệu tấn, trong khi nước này tăng gấp đôi giá trị của thị trường gạo được chế biến thành bánh, đồ uống và mì sợi lên 2.000 tỷ won (1,35 tỷ USD). Kế hoạch này dự kiến sẽ giúp ổn định cung-cầu gạo, tạo thêm 3.200 việc làm, giảm tiêu thụ lúa mỳ, qua đó giảm chi phí nhập khẩu.

Mặc dù gạo là nguồn lương thực chủ yếu của người dân Hàn Quốc, song quy mô của thị trường gạo chế biến của nước này còn rất nhỏ, chỉ chiếm 2% trong thị trường lương thực trị giá khoảng 49.000 tỷ won.

Lượng gạo nhập khẩu để chế biến của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng 45% lên 290.000 tấn vào năm 2014, so với mức 200.000 tấn hiện nay năm 2005.

Giá lương thực tăng kỷ lục trên thế giới hồi đầu năm nay đã khiến Hàn Quốc phải nhập khẩu lúa mỳ với giá FOB 424 USD/tấn trong tháng 3/08, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 181 USD/tấn trong giai đoạn 2006-07. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu lúa mỳ từ Ôxtrâylia và Mỹ.

Cà phê tăng giá

Giá cà phê arabica (chè) tại Niu Yoóc và robusta (vối) tại Luân Đôn đều tăng giá trong phiên 24/11 theo đà tăng chung của thị trường hàng hóa thế giới khi đồng USD giảm giá so với các ngoại tệ chủ chốt khác.

Kết thúc phiên 24/11 tại Niu Yoóc, giá cà phê chè giao tháng 3/09 đã tăng 3,3 xu Mỹ (3%) lên 1,1405 USD/lb (1 lb = 0,454 kg). Tại Luân Đôn, giá cà phê vối giao tháng 1/09 còn tăng mạnh hơn, thêm 75 USD (4,1%) lên 1.888 USD/tấn.

Theo một nhà kinh doanh cà phê tại Niu Yoóc, giá cà phê chè tăng theo đà chung của thị trường hàng hóa nhờ thị trường đã bớt nguy cơ hơn sau khi Chính phủ Mỹ quyết định ra tay cứu giúp Tập đoàn Citigroup đang gặp khó khăn về tài chính, bằng cách bơm vốn và bảo đảm tài sản cho tập đoàn này. Thêm vào đó, đồng USD giảm giá cũng thúc đẩy các hoạt động mua vào vì các loại hàng hóa ở đây đều được mua bán bằng đồng USD.

Chỉ số hàng hóa Reuters/Jefferies CRB đã tăng hơn 5% trong phiên 24/11, phần lớn nhờ giá dầu thô tăng gần 10%.

USDA hạ dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2008/09 xuống 158,8 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa hạ dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2008/09 xuống 158,8 triệu tấn, giảm 2,9 triệu tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng 5/08.

USDA điều chỉnh dự báo sản lượng đường thế giới do có sự sụt giảm mạnh về sản lượng đường của châu Á, khu vực chiếm tới 40% sản lượng đường thế giới. Theo USDA, trong niên vụ 2008/09, sản lượng đường của khu vực này sẽ giảm xuống 62,5 triệu tấn trong niên vụ 2008/09, nhưng sản lượng đường của Braxin sẽ tăng 350.000 tấn lên 32,4 triệu tấn. Braxin là nước sản xuất tới 20% sản lượng đường của thế giới.

USDA cũng dự báo niên vụ 2008/09 tiêu thụ đường trên toàn cầu sẽ ở mức 162,1 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với dự báo đưa ra trước đó và tăng tới 5 triệu tấn so với dự báo cho niên vụ 2007/08. Trong khi dự trữ đường cuối niên vụ sẽ đứng ở mức 38,6 triệu tấn, giảm 4,1 triệu tấn so với niên vụ trước.

Trong khi đó, hãng phân tích thị trường F.O.Licht dự báo sang niên vụ 2009/2010 sản lượng đường của Braxin, dự tính bắt đầu vào tháng 3/09, sẽ lớn hơn niên vụ hiện nay. Nguyên nhân là do vụ này hàng triệu tấn mía bị bỏ mặc trên các cánh đồng, do chi phí đầu vào cho sản xuất cao hơn giá bán đường, khiến người sản xuất thua lỗ.

Tuy nhiên, Licht dự báo niên vụ 2008/09 thế giới sẽ thiếu đường thay vì trong 2 niên vụ vừa qua mỗi niên vụ dư cung hơn 10 triệu tấn đường. Nếu tình hình thay đổi như dự báo, giá đường sẽ có cơ hội tăng trở lại và từ đó kéo giá ethanol tăng theo.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà phân tích dự đoán giá đường kỳ hạn tại Niu Yoóc sẽ đạt tới 16 xu Mỹ/lb (1 lb= 0,454 kg). Nhưng đáng tiếc là hiện nay giá đường chỉ dao động ở mức 11-12 xu Mỹ/lb, thậm chí thấp hơn cả chi phí sản xuất ở Braxin, nước sản xuất đường lớn nhất và cạnh tranh nhất thế giới.

Sản lượng dầu cọ Malaixia sẽ tăng chậm lại

Nhà phân tích thị trường các loại hạt có dầu World Oil dự báo sản lượng dầu cọ của Malaixia sẽ chỉ tăng từ từ trong năm 2009 sau khi trải qua chu kỳ tăng nhanh trong nhiều năm.

Theo World Oil, năm 2009 Malaixia sẽ sản xuất được 17,60 triệu tấn dầu cọ so với mức ước tính 17,56 triệu tấn cho năm 2008 và 15,82 triệu tấn cho năm 2007. Chu kỳ cho sản lượng của cây cọ có thể sẽ giảm nữa vào đầu năm 2009, khiến sản lượng dầu cọ của Malaixia sụt giảm. Có nhiều khả năng năng suất và sản lượng dầu cọ của Malaixia đều sụt giảm do tác động của việc người nông dân hạn chế bón phân cho cây.

Các nền tảng nguồn cung dầu cọ trong ngắn hạn vẫn , nhưng triển vọng dài hạn cho thấy có sự thắt chặt nguồn cung và dự trữ giảm sút.

Trong vài tuần gần đây giá dầu cọ ở Malaixia và Inđônêxia đã giảm mạnh do dự trữ ở mức cao kỷ lục, nhưng vẫn cao hơn mức thấp lập được vào tháng 10 bất chấp giá dầu giảm nhanh.

Dầu cọ vốn được sử dụng để sản xuất từ bánh quy cho tới nhiên liệu sinh học đã giảm giá tới 65% so với mức kỷ lục 4.486 ringgit/tấn hồi tháng 3 do giá dầu thô giảm, sản lượng dầu cọ gia tăng và kinh tế toàn cầu suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu cọ.

Tuy nhiên, giá dầu cọ thô Malaixia đã tăng 2,2% trong ngày 19/11, sau khi Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu dầu đậu tương. Giá dầu cọ thô giao tháng 2/09 tăng 31 ringgit lên 1.467 ringgit (407 USD)/tấn.

Theo các nhà giao dịch, dầu cọ đang được hỗ trợ bởi việc Ấn Độ tăng thuế đánh vào dầu đậu tương sẽ làm thị trường nhập khẩu các loại dầu thực vật của Ấn Độ chuyển hướng nhiều hơn sang dầu cọ.

Chính phủ Thái Lan sẽ thu mua cao su nếu giá giảm xuống dưới 1 USD/kg

Thứ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Theerachai ngày 26/11 cho biết Chính phủ nước này sẽ thu mua cao su cho người nông dân nếu giá mặt hàng này giảm xuống 1 USD/kg.

Phát biểu bên lề Hội nghị về cao su đang diễn ra ở Băng Cốc, Thứ trưởng Theerachai cho biết quan điểm của Chính phủ Thái Lan đó là nếu giá cả giảm xuống dưới 1 USD/kg, họ sẽ nhảy vào mua cao su cho người nông dân để kéo giá lên.

Giá cao su đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 năm, do nhu cầu suy giảm giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá cao su RSS3 của Thái Lan được mua bán ở mức 1,50 USD/kg trong phiên giao dịch ngày 26/11.

Ca cao và cà phê đồng loạt lên giá


Tại Sở giao dịch kỳ hạn Luân Đôn (LIFFE) ngày 28/11, giá ca cao giao tháng 3/09 đã tăng lên 1.515 bảng Anh/tấn, so với 1.509 bảng Anh/tấn tuần trước đó. Còn giá ca cao giao tháng 12/08 tại thị trường giao dịch Niu Yoóc (NYBOT) đứng ở mức 2.280 USD/tấn, tăng so với 2.050 USD/tấn tuần trước đó.

Trong khi đó, giá cà phê vối (robusta) và cà phê chè (arabica) cũng đã đảo chiều giảm giá của tuần trước đó nhờ hoạt động mua vào. Giới đầu tư mặt hàng này còn hy vọng giá cả sẽ còn tăng nữa do nỗi lo lũ lụt có thể ảnh hưởng tới các khu vực trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/11, giá cà phê vối giao tháng 1/09 đã tăng từ 1.805 USD tấn tuần trước đó lên 1.980 USD/tấn. Còn giá cà phê chè giao tháng 3/09 tại NYBOT tăng lên 115,80 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg) vào cuối phiên 28/11, so với 115,25 xu Mỹ/lb tuần trước đó.

Giá đường và ngũ cốc tăng trở lại

Giá đường tuần qua đã phục hồi khá nhanh theo các thị trường giao dịch các mặt hàng nông sản khác. Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/11, giá đường trắng giao tháng 3/09 tại LIFFE đã leo lên 328,40 bảng Anh/tấn, so với mức 320,50 bảng Anh/tấn tuần trước đó. Còn tại NYBOT, giá đường thô giao tháng 3/09 chốt phiên cuối tuần 28/11 ở mức 11,88 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg), so với 11,36 xu Mỹ/lb cuối tuần trước. Hãng phân tích thị trường Public Ledger cho rằng tình trạng thiếu nguồn cung đường từ châu Á khi nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng mạnh cũng là một trong những nhân tố hỗ trợ giá đường tuần qua.

Theo chân các hàng hoá khác tuần qua giá ngũ cốc và đậu tương cũng tăng lên. Kết thúc phiên cuối tuần 28/11, giá ngô giao tháng 3/09 đã tăng lên 3,67 USD/bushel so với mức 3,54 USD/bushel cuối tuần trước đó. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn đã tăng lên 5,56 USD/bushel, so với 5,18 USD/bushel tuần trước đó.

(1 bushel đậu tương, ngô = 25,4 kg; 1 bushel lúa mì = 27,2 kg).




Hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam - Hà Lan
Nhận lời mời của Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm của Vương quốc Hà Lan Giê-đa Vơ-buốc (Gerda Verburg), từ ngày 23-25/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã thăm chính thức Hà Lan.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam tới Hà Lan. Ngoài hội đàm chính thức với Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Giê-đa Vơ-buốc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có các buổi làm việc với Bộ Kinh tế, Bộ Giao thông – Công chính - Quản lý nước, Bộ Ngoại giao của Hà Lan và thăm một số công trình bảo vệ ven biển của nước bạn.

Hai bên đã kiểm điểm lại những chương trình hợp tác về nông lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi giữa hai nước và thống nhất các chương trình hợp tác mới với các nội dung cụ thể: Mở rộng hợp tác về kinh nghiệm phòng, tránh và thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước mắt tập trung cho việc chống ngập úng của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; Lập chương trình hợp tác về chất lượng và an toàn thực phẩm; Hợp tác dưới hình thức đẩy mạnh các chương trình đối tác "Nhà nước - Tư nhân" trong các ngành ca cao và cà phê, thuỷ sản, nước cho lương thực và hệ sinh thái, phát triển bền vững cho rau và hoa quả sạch, hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động, thực vật, bảo vệ và phát triển rừng ngập nước, lập vườn bảo tồn thực vật ở Việt Nam,…

Hà Lan là một nước có nhiều kinh nghiệm về các lĩnh vực thuộc nông nghiệp ở châu Âu và thế giới. Trong hợp tác với Việt Nam, Hà Lan rất chủ động và thiện chí. Nhiều chương trình hợp tác ở Việt Nam đạt kết quả tốt. Chuyến thăm đã mở ra nhiều hoạt động hợp tác mới trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Hội thảo triển vọng hợp tác trong lĩnh vực cà phê Việt Nam - Italia

Tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư và phát triển quan hệ trao đổi buôn bán trong ngành cà phê là mục đích của cuộc hội thảo về triển vọng hợp tác trong công nghiệp cà phê giữa Việt Nam và I-ta-li-a diễn ra tại thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a ngày 26/9.

Tham gia hội thảo, do chính quyền vùng La-xi-ô và Đại sứ quán nước ta tại I-ta-li-a tổ chức, có đoàn doanh nghiệp Việt Nam với đại diện của 11 công ty sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê lớn trong nước. Phía I-ta-li-a có sự tham gia của Viện cà phê Espresso quốc gia và nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu cà phê lớn của nước này.



Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cà phê Việt Nam (VINACAFE) nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho phép Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và thiết lập các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực cà phê. Ông cho biết Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai vào thị trường I-ta-li-a, chỉ đứng sau Bra-xin, song tiềm năng thương mại giữa 2 nước trong lĩnh vực này còn rất lớn và cần tiếp tục khai thác.

Với mức xuất khẩu bình quân khoảng 840 nghìn tấn/năm, cà phê Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần thương mại cà phê toàn cầu. Xuất khẩu cà phê là một trong những thế mạnh của Việt Nam sang thị trường I-ta-li-a. Thống kê trong 8 vụ cà phê gần nhất, trung bình mỗi năm, I-ta-li-a nhập khẩu của Việt Nam 66 nghìn tấn cà phê, có năm lên đến 90 nghìn tấn, đưa nước này trở thành bạn hàng cà phê lớn thứ 4 của nước ta (chiếm 8,13% thị trường xuất khẩu), chỉ đứng sau Đức, Mỹ và Tây Ban Nha. Các tập đoàn sản xuất và chế biến cà phê lớn nhất của I-ta-li-a như Lavazza hay Pecorani cũng đã đặt văn phòng đại diện và mở các liên doanh ở Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê thành phố Tri-ét-xtê (Trieste), thị phần của Việt Nam trong các nước xuất khẩu cà phê vào I-ta-li-a đang tăng nhanh trong những năm qua do chất lượng cà phê nước ta đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng I-ta-li-a.

Hiện I-ta-li-a là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 5 trên thế giới, với mức tăng trưởng trung bình của thị trường lên tới 6% mỗi năm, là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tích cực khai thác thị trường này.

Hội nghị An ninh lương thực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng

Các quan chức cấp cao về nông nghiệp thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) đã nhóm họp tại Viêng Chăn (Lào) để thảo luận về vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu trong thời gian qua có những diễn biến bất lợi, gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực của người dân trong khu vực. Cuộc họp nhằm đưa ra các khuyến nghị giúp các nhà hoạch định chính sách xác định được vai trò của các nước GMS trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng này, thông qua sự hợp tác khu vực và quốc tế.



Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng giá lương thực trên toàn cầu, tác động đối với khu vực cũng như những đối sách chiến lược để đối phó với các thách thức an ninh lương thực đang đặt ra; trao đổi dữ liệu, thông tin và công nghệ nhằm thúc đẩy việc quản lý, canh tác đất đai và sử dụng hệ thống tưới tiêu một cách có hiệu quả, cũng như các cách thức xử lý và bảo quản sau thu hoạch.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về phương thức ngăn chặn tình trạng tăng giá lương thực thông qua việc tìm kiếm một thoả thuận chung nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo và lên kế hoạch lập kho dự trữ gạo trong khuôn khổ ASEAN + 3.

GMS gồm các nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Mi-an-ma và Trung Quốc, được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ban đầu, GMS bao gồm các nước nằm trong lưu vực sông Mê Công: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Năm 2004, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đã được đưa vào hợp tác GMS. Mục tiêu của GMS là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mê Công.

Việt Nam tham dự Triển lãm quốc tế "Worldfood" tại Mát-xcơ-va

Tham gia Triển lãm quốc tế "Worldfood" (''Thế giới thực phẩm'') lần thứ 17 diễn ra ở Mát-xcơ-va từ ngày 23 đến 26/9 Việt Nam có 9 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Hồ Thị Thu Trang, đại diện VASEP, cho biết năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam thuê mặt bằng 68 m2 với chi phí hơn 21.400 ơ-rô, quy mô lớn nhất từ trước tới nay. VASEP thuê một công ty của Đức thiết kế gian trưng bày hết sức ấn tượng và thuận tiện cho giao dịch.

Theo bà Hồ Thị Thu Trang, mỗi năm, VASEP tham gia hai hội chợ thực phẩm quốc tế, ở Mát-xcơ-va và Đu-bai (Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất). Mặc dù chi phí tổ chức triển lãm ở Mát-xcơ-va đắt gấp 4 lần so với ở Đu-bai, nhưng do Nga là thị trường lớn và quan trọng nên VASEP vẫn quyết định tham gia triển lãm ở Mát-xcơ-va. Nếu tính theo quy mô quốc gia thì Nga là nước nhập khẩu cá ba sa Việt Nam nhiều nhất, chiếm 15% tổng sản lượng xuất khẩu của nước ta.

Trong ngày khai mạc 23/9 đã diễn ra lễ trao giải "Sản phẩm của năm" cho các doanh nghiệp có hàng chất lượng cao. Theo truyền thống, một tháng trước khi diễn ra triển lãm, Bộ Nông nghiệp Nga tiếp nhận hồ sơ ứng cử viên. Năm nay, hơn 300 công ty trên thế giới đã gửi hơn 600 sản phẩm đến dự giải. Trong khuôn khổ triển lãm "Worldfood" năm nay cũng diễn ra Diễn đàn nông nghiệp toàn Nga lần thứ hai bàn về triển vọng phát triển thị trường nông sản Nga và thế giới.

Triển lãm "Worldfood" lần thứ 17 được tổ chức trên mặt bằng hơn 60.000 m2 đã thu hút sự tham gia của 1.300 công ty đến từ 61 quốc gia, trong đó có những "thành viên truyền thống" như Ác-hen-ti-na, Bỉ, Mỹ, I-ta-li-a, Đức, Bra-xin, Na Uy, Đan Mạch, Ca-na-đa và một số nước tham gia lần đầu. Việt Nam tham gia triển lãm "Worldfood" Mát-xcơ-va từ năm 2005.

IMF: Các nước nghèo tiếp tục bị ''tổn thương'' do giá lương thực và năng lượng tăng cao


tải về 490.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương