Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê



tải về 490.79 Kb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích490.79 Kb.
#9633
1   2   3   4   5   6

TRONG NƯỚC

Thu mua tiếp khoảng 1 triệu tấn lúa hiện tồn đọng trong nông dân vùng ĐBSCL

Nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc tiêu thụ lúa, gạo trước vụ Đông xuân năm 2008-2009 và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngày 28/11, tại Công văn số: 2081/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc mua khoảng 500.000-600.000 tấn quy gạo hàng hóa (khoảng 1 triệu tấn lúa) hiện tồn đọng trong nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian thực hiện từ 1/12/2008-28/2/2009.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho doanh nghiệp vay thực hiện nhiệm vụ trên. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay cho 2 Tổng công ty Lương thực mua số lúa, gạo trên. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn các tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh.

Trước đó, đầu tháng 11/2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc mua khoảng 300.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của các công ty kinh doanh lương thực và trong dân.

Tiếp tục cho vay mua gạo hàng hóa tại các tỉnh ĐBSCL

Ngày 28/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 10493/NHNN-TD chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cân đối đủ vốn và kịp thời để mua 500.000 - 600.000 tấn gạo hàng hóa tại các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, Agribank cân đối đủ vốn và kịp thời cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam vay để mua 500.000 – 600.000 tấn gạo hàng hóa (quy thóc khoảng 1 triệu tấn lúa) tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng gạo mua cụ thể sẽ được thực hiện theo chỉ tiêu giao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3556 BNN-KH ngày 28 tháng 11 năm 2008 (Tổng công ty Lương thực miền Nam 350.000 tấn gạo, Tổng công ty Lương thực miền Bắc 150.000 tấn gạo).

Ngoài ra, Agribank thực hiện cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường với mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất hiện hành của ngân hàng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay cho 2 Tổng công ty trên, việc xử lý hỗ trợ cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tiền Giang nỗ lực xuất khẩu gạo

Tính đến tháng 11, Tiền Giang đã xuất khẩu được gần 139.000 tấn gạo hàng hóa các loại, đạt khoảng 70% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty Lương thực tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được trên 120.000 tấn gạo hàng hóa có 61.000 tấn gạo mua trong vụ hè thu chính vụ 2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu mua lúa gạo tồn đọng trong dân tương đương với trên 122.000 tấn lúa hàng hóa.

Kết quả trên là nỗ lực lớn của Tiền Giang trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tiêu thụ tốt hơn lượng lúa gạo hàng hóa trong dân, giải phóng nguồn vốn, tiếp tục tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2008 – 2009 thắng lợi. Tuy nhiên, cái khó chưa tháo gỡ được một cách rốt ráo hiện nay của địa phương là tình hình giá gạo và thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian qua có những diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến mặt hàng chiến lược của Tiền Giang - tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước khi thu mua lương thực trong dân đều bị lỗ so với giá thị trường trong khi đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Đứng về phía nông dân, trong các vụ sản xuất liên tiếp vừa qua phần lớn đều chọn trồng lúa IR 50404 và các giống tương đương có phẩm chất kém tuy canh tác dễ, năng suất cao nhưng ngược lại hầu như không được thị trường chấp nhận nên rất khó tiêu thụ. Trong khi đó, giá lúa phẩm chất cao, lúa thơm được tiêu thụ với giá từ 5.500 đ đến 7.200 đ/kg. Cá biệt lúa chất lượng cao an toàn của Hợp tác xã Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) được bán với giá trên 7.200 đ/kg nên người trồng lúa vẫn lời to.

Từ thực trạng tổ chức sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đang tập trung khắc phục khó khăn, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung trên qui mô toàn tỉnh trong năm 2009, khuyến cáo nông dân chọn giống tốt gắn với củng cố mối liên kết “4 nhà”, phát huy vai trò những doanh nghiệp đầu tàu như: Công ty Lương thực Tiền Giang...Đối với doanh nghiệp tập trung tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu và thực hiện tốt các cam kết hợp đồng nhằm tạo mối cung - cầu bền vững. Qua đó, thiết thực tháo gỡ những vướng mắc, đưa hạt gạo xuất khẩu Tiền Giang vươn xa thị trường, ổn định và nâng cao đời sống nông dân.

An Giang: Ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng gạo là giống lúa Nhật gieo sạ trên 2.000ha


Vụ đông xuân năm nay, Công ty Liên doanh Angimex - Kitoku ký kết hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với nông dân tỉnh An Giang gieo sạ 1.300 ha diện tích trồng lúa Nhật. Ngoài thành phố Long Xuyên, năn nay diện tích gieo sạ còn được mở rộng thêm 4 huyện: Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân và Thoại Sơn.

Theo hợp đồng đã được ký kết, năm nay nông dân trồng 4 lọai giống do Công ty tạm ứng trước giống và thu hồi sau khi thu hoạch với 1 giá gồm giống KINU 7.300 đồng/kg, giống HANA 7.400 đồng/kg, AKITA 7.700 đồng/kg và KOSHI 8.100 đồng/kg, tăng từ 66% đến gấp hai lần tùy loại giống. Ngòai ra, Công ty còn còn tăng mức thưởng đối với lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng là 600 đồng/kg, cao hơn năm trước 400 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi. Để đảo bảo chất lượng lúa sau thu họach, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng nông dân trong suốt quá trình sản xuất để xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xảy ra.

Lúa Nhật gieo trồng ở tỉnh An Giang từ nhiều năm nay duy nhất 1 vụ đông xuân hàng năm, tại thành phố Long Xuyên. Do được nông dân cải tiến nâng cao chất lượng, nhu cầu xuất khẩu loại gạo này ngày càng tăng, đồng thời, sản phẩm lúa Nhật có đầu ra ổn định, được các công ty tạm ứng 1 phần chi phí.

Ngoài Công ty Liên doanh Angimex - Kitoku, trên địa bàn tỉnh Long An còn có Công ty TNHH An Khang tham gia ký kết thu mua, do đó khả năng An Giang tăng diện tích gieo trồng giống lúa Nhật lên hơn 2.000 ha trong vụ đồng xuân 2008 - 2009.
Cà Mau: Sản lượng thủy sản năm 2008 đạt trên 310.000 tấn


Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thiên tai, nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn đạt 311.000 tấn, bằng 97% kế hoạch năm, trong đó sản lượng tôm đạt 114.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Gíá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 630 truệu USD (so với chỉ tiêu đề ra là 650 triệu USD). Đây là năm đầu tiên sau 10 năm ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm nói trên. Đó là tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động không thuận lợi đến tình hình xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu thủy sản. Thị trường xuất khẩu có những thay đổi đột biến như nhiều nước chuyển sang nhận mua tôm thẻ chân trắng thay vì mua tôm sú như trước đây. Song nguyên nhân quan trọng và đáng quan tâm nhất, đó là sản lượng tôm nuôi đang có dấu hiệu giảm dần, trong khi đó thì chương trình khai thác thủy sản xa bờ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Năm 2009, tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt tổng sản lượng 334.000 tấn thuỷ sản; kim ngạch xuất khẩu đạt 675 triệu USD. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nong thôn tỉnh Cà Mau cho biết, khâu đột phá để tăng trưởng nhanh kinh tế thủy sản là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, thông qua đó thúc đẩy tăng năng suất trên cùng diện tích nuôi tôm, cá.

Khánh Hòa khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra

Để khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra, tỉnh Khánh Hòa đã trích từ Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại với số tiền 3 triệu đồng/người chết, từ 2-3 triệu đồng một nhà bị sập hoặc hư hỏng tuỳ theo mức độ và giá trị từng ngôi nhà.

UBMTTQVN tỉnh đã phát động toàn dân ủng hộ các gia đình gặp nạn, tổ chức đến thăm và tặng các gia đình có người bị chết và có nhà bị sập hoàn toàn ở huyện Ninh Hoà. UBMTTQVN tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm cho mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng. Một số gia đình có nhà sập, ghe thuyền bị chìm, đời sống gặp nhiều khó khăn, UBMTTQVN tỉnh đã kiến nghị với tỉnh và huyện hỗ trợ thêm cho mỗi gia đình 2 triệu đồng để họ sớm ổn định cuộc sống. Tại Cam Ranh, tỉnh đã hỗ trợ thêm mỗi gia đình 1.500.000 đồng ngoài số tiền 3.000.000 đồng qui định của tỉnh. Báo Công an nhân dân đã trích từ nguồn đóng góp của tập thể cán bộ, phóng viên biên tập và bạn đọc 13 triệu đồng hỗ trợ 13 gia đình có người chết tại huyện Ninh Hoà.

Hà Nội: Hơn 5.000 gia cầm bị chết không phải do dịch bệnh

Đó là thông tin mà ông Nguyễn Xuân Vui- Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội đã khẳng định như vậy với phóng viên TTXVN chiều 1/12. Giải thích thêm về vấn đề này, ông Vui cho biết, từ ngày 20/11 đến nay đã có 5.228 con gia cầm ở một số vùng chăn nuôi trên địa bàn thành phố bị chết, trong đó ở xã Phú Cát ( huyện Quốc Oai) có 1.215 con, xã Hoà Thạch ( Quốc oai) có 804 và xã Thanh Bình ( huyện Chương Mỹ) có 620 con bị chết.

Chi cục Thú y Hà Nội đã kiểm tra, xét nghiệm và xác định nguyên nhân số gia cầm này bị chết không phải do dịch bệnh mà là do trong và sau thời gian mưa lụt, nhiều hộ chăn nuôi phải dồn chuồng vì có một số chuồng nuôi, khu nuôi đã bị ngập lụt kéo dài , ẩm ướt dẫn đến mật độ gia cầm ở mỗi ô nuôi quá lớn ( chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) làm cho nhiều gia cầm phải chen chúc, dẫm đạp lên nhau hoặc do lượng gia cầm quá lớn, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo làm cho gia cầm bị ngộ độc và chết. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng chủ động thải loại những con yếu, có biểu hiện chậm lớn. Số gia cầm chết so với tổng đàn gia cầm ở mỗi địa phương nêu trên đều từ hơn 90.000 con trở lên vẫn nằm trong mức độ cho phép theo quy định của ngành Thú y.

Tuy nhiên, để đảm bảo có nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh cung cấp cho thị trường Thủ đô vào những tháng cuối năm và dịp Tết Kỷ Sửu, Chi cục Thú y Hà Nội cũng khuyến cáo người chăn nuôi trong thời điểm sau đợt mưa lụt cần hết sức chú ý việc vệ sinh chuồng trại, xử lý tốt phân và chất độn chuồng; nên phun thuốc sát trùng vào nền chuồng và phun trực tiếp cả vào gia cầm; chú ý đảm bảo nguồn nước sạch để cho gia súc, gia cầm uống; tăng cường thức ăn chuẩn, có hàm lượng dinh dưỡng hợp lý cho đàn gia súc, gia cầm; nên trang bị hệ thống giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm để phòng ngừa vật nuôi bị chết vì rét.

Như vậy, mặc dù trong thời gian này, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, song hiện đàn gia súc, gia cầm ở Hà Nội vẫn an toàn.

Quy định ngưỡng melamine trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ra Quyết định số 3762/QÐ-BNN-CN về việc quản lý chất melaminne trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, ngưỡng melamine được chấp nhận có trong thức ăn chăn nuôi là 2,5 mg/kg; nếu vượt ngưỡng này thì sẽ bị cấm nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng trong ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng quy định các bước xác định chất melamine bằng phương pháp định tính và định lượng trong nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Quyết định này được Bộ NN-PTNT đưa ra sau khi Hội đồng Tư vấn thức ăn chăn nuôi (gồm Cục Chăn nuôi, Cục Nuôi trồng thủy sản, đại diện Bộ Y tế... ) họp bàn và thống nhất dựa trên quy định tiêu chuẩn hàm lượng melamine trong thực phẩm của Mỹ, Canada, EU... Cục Chăn nuôi cũng có văn bản nghiêm cấm nhập khẩu và thu mua nguyên liệu có nhiễm melamine để sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và sử dụng trong chăn nuôi. Doanh nghiệp phải tự lấy mẫu phân tích kiểm tra chất melamine đối với các loại nguyên liệu có nguy cơ nhiễm cao như: bột cá, khô dầu, gluten, bột thịt xương, sữa và sản phẩm từ sữa... và thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Trường hợp mẫu phân tích có kết quả dương tính với melamine thì khẩn trương khai báo về Cục Chăn nuôi để lên phương án xử lý.

Xác định nguyên nhân lây lan bệnh lở mồm long móng trên gia súc từ Nghệ An sang Hà Tĩnh


Đến ngày 1/12, Chi cục thú y Nghệ An đã có kết luận về vụ lây lan dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc từ xã Vân Diên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) sang xã Đức Bồng và thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Chi cục tiến hành kiểm điểm Trạm thú y huyện Nam Đàn và ông Trần Cao Sơn, kiểm dịch viên Chi cục thú y tỉnh. Riêng ông Sơn, nếu tái phạm một lần nữa sẽ bị tước thẻ kiểm dịch, chuyển công tác khác.

Trước đó, một quỹ từ thiện tại Hà Nội tài trợ 76 con bê cho các hộ gia đình chính sách nghèo xã Đức Bồng và thị trấn Vũ Quang. Trạm Thú y huyện Vũ Quang kiểm tra, phát hiện trong số đó có nhiều con bị bệnh lở mồm long móng, là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh lở mồm long móng sang số trâu, bò của hai xã này. Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã xác minh cho thấy số bê do quỹ từ thiện này tài trợ cho các gia đình chính sách được mua về từ xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) và được Chi cục Thú y Nghệ An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ngày 1/9/2008 do kiểm dịch viên Trần Cao Sơn Ký.

Được biết, tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An có tình trạng gia súc chuyển từ địa phương này sang địa phương khác nhưng kiểm dịch không đúng quy trình.


Hải Dương: Chưa hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, trong tổng số gần 3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì mới chỉ có hơn 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với số vốn gần 170 tỷ đồng, chiếm hơn 2% số lượng doanh nghiệp, 0,97% về vốn đăng ký, là mức đầu tư quá thấp so với nhu cầu về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương. Qua đây, có thể thấy hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Hải Dương cần khắc phục những yếu kém về kết cấu hạ tầng, chủ yếu là giao thông vận tải, điện nước, viễn thông; giải quyết mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch của mỗi địa phương một cách bài bản, căn cơ, làm căn cứ tin cậy cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra một cơ chế cấp phép đầu tư thuận lợi. Các địa phương trong tỉnh cũng cần linh hoạt hơn trong công tác thẩm định dự án đầu tư để tránh phiền hà, mất thời gian, tiền của và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Cần có cơ chế khuyến khích sự liên kết thực sự giữa “bốn nhà” có hiệu lực hơn nữa trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hiện nay, những lĩnh vực các doanh nghiệp có thể đầu tư ở Hải Dương là trồng rừng, chế biến gỗ; xây dựng các vùng trồng và chế biến nông sản xuất khẩu như gạo, cây lương thực, rau quả; các dự án sản xuất giống lợn, bò, gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi… Song, đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đầu tư lớn vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ thực tế trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính manh mún, chưa có nhiều nơi sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung cao. Nguyên nhân chính là do định hướng tổng thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn chưa rõ ràng; chính sách quy hoạch và đất đai chưa thực sự tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Cà Mau: Chương trình trồng rừng gặp nhiều khó khăn

Theo Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chỉ tiêu trồng rừng năm 2008 của tỉnh là 3.000 ha, nhưng khả năng chỉ trồng được 2.300 ha. Đây là năm đầu tiên Cà Mau không hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng.

Thực tế chương trình trồng rừng năm 2008 của tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Đối với từng U Minh Hạ, do mưa kéo dài, lượng nước trong rừng tăng cao nên không thuận lợi cho việc trồng rừng. Còn đối với vùng rừng ngập mặn (rừng đước) thì người dân không hoàn thành kế hoạch trồng rừng theo thỏa thuận với các Ban quản lý rừng. Ông Trần Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, khi giao đất cho dân quản lý, nội dung có đề cập tới trách nhiệm của bà con là phải trồng rừng. Tuy nhiên, hộ nào nuôi tôm được mùa thì tổ chức trồng rừng tốt, ngược lại hộ nào nuôi tôm thất bát thì bà con làm ngơ, vì vậy mà kế hoạch trồng rừng đước ở vùng nước mặn gặp không ít khó khăn.

Có một nguyên nhân sâu xa khác, đó là từ những năm trước đây, giữa dân với Lâm ngư trường ký kết hợp đồng. Các lâm ngư trường đại diện cho Nhà nước giao đất cho dân để tổ chức sản xuất, trong đó có giữ rừng và trồng rừng. Sau khi rừng khai thác, sẽ ăn chia theo tỷ lệ phần trăm. Thế nhưng hiện nay cây tràm không bán được, hàng ngàn ha rừng đến tuổi khai thác nhưng không có người mua. Thực tế trên khiến cho người dân có tâm lý hoang mang, không còn tha thiết nhận đất rừng, trồng rừng.

Các tỉnh ĐBSCL cung ứng giống lúa chất lượng cao cho sản xuất vụ đông xuân
An Giang đảm bảo đáp ứng 75% nhu cầu lúa giống chất lượng cao cho sản xuất vụ đông xuân 2008-2009 (chưa kể lượng lúa giống của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất lúa giống Bình Đức, công ty giống Bình Minh, trạm khuyến nông Chợ Mới...). Trung tâm khuyến nông An Giang phối hợp với Viện lúa ĐBSCL và Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL thực hiện trình diễn bộ giống lúa chống chịu rầy nâu với trên 20 giống lúa ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua kết quả 2 vụ thực hiện, Trung tâm khuyến nông đã ghi nhận được một số giống có khả năng thích nghi rộng, cho năng suất ổn định và có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu như OM 6162, OM 6073, OM 4900, OM 5629, MTL 499, MTL 523, MTL 547, OM 5636, OM 6600…,năng suất vụ đông xuân 7- 8 tấn/ha, vụ hè thu 5-6 tấn/ha.
Long An: Vụ lúa Đông Xuân 2008-2009, Long An cung ứng khoảng 40% lượng lúa giống xác nhận. Số còn lại 60% hộ dân tự tìm nguồn lúa giống để sản xuất. Vụ Đông- Xuân này, Long An sẽ gieo sạ khoảng 220 ngàn ha lúa; tương đương với 20 ngàn tấn lúa giống.Trong khi đó, Long An chưa có trung tâm sản xuất giống mà chỉ có các tổ nhân giống, trại giống do Trung tâm khuyến nông tỉnh kết hợp với nông dân sản xuất. Điều đáng quan tâm là hiện nay, do lúa IR-50404 giá thấp, gần 20 % nông dân địa phương chuyển sang gieo saj các loại lúa chất lượng cao, dẫn đến nguồn cung thấp hơn cầu. Ngoài ra, một số hộ nông dân ở Long An cũng đã chọn lúa “hàng hóa” để làm giống gieo sạ. Để khắc phục tình trạng đó, trước mắt Sở nông nghiệp và phát triển nông tỉnh Long An khuyến cáo nông dân hãy thận trọng, không nên chọn những giống lúa “hàng hóa” gieo sạ làm ảnh hưởng đến năng suất, bị sâu rầy cũng như không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh đang tổ chức thu mua giống lúa chất lượng cao ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đưa về cung ứng cho bà con sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo sạ, chăm bón lúa cho người nông dân.
Đồng Tháp: Trang trại nhiều nhưng đạt tiêu chí còn thấp

Hiện nay, ở Đồng Tháp, kinh tế trang trại phát triển khá đa dạng, với hơn 4.537 (có 3.786 trang trại trồng trọt, 332 trang trại chăn nuôi, 321 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 98 trang trại kinh doanh tổng hợp). Tổng vốn đầu tư cho các trang trại này là 427 tỷ đồng, với diện tích 27.000 ha, thu hút gần 33.000 lao động. Tổng giá trị sản lượng hàng hoá dịch vụ trên 722 tỷ đồng, thu nhập 313 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh chỉ có 112 trang trại được cấp giấy chứng nhận, đạt 2,5%.

Nguyên nhân là do chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chưa hấp dẫn hơn so với kinh tế nông hộ nên các chủ trang trại đạt tiêu chí chưa nhiều. Theo tiêu chí định lượng để xác định là kinh tế trang trại thì giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân một năm đạt từ 50 triệu đồng trở lên, bên cạnh quy mô sản xuất phải đạt từ từ 3-10 ha trong lĩnh vực trồng trọt; còn trong lĩnh vực chăn nuôi như bò lấy thịt phải có từ 50 con trở lên, chăn nuôi lợn phải từ 100 con, nuôi trồng thủy sản phải có diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản của một trang trại phải đạt từ 2 ha trở lên ... Ở Đồng Tháp nhiều trang trại đạt được mặt giá trị sản lượng nhưng chưa đạt được quy mô sản xuất và ngược lại, đồng thời nhiều trang trại chưa tập trung hóa và chuyên môn hóa các điều kiện và yếu tố sản xuất vượt trội so với sản xuất nông hộ. Nhiều chủ trang trại chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm trực tiếp điều hành sản xuất với quy mô lớn, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất mà chỉ dựa trên kinh nghiệm thực tế, sử dụng lao động trong gia đình là chủ yếu nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Hiện tại cơ cấu mặt hàng của các trang trại ở Đồng Tháp chủ yếu là sản xuất lúa; còn các loại sản phẩm thủy sản xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi, các loại trái cây đặc sản... chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu mặt hàng được sản xuất ra từ các trang trại. Điều này chứng tỏ quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; chưa có mô hình mang tính đột phá để phát triển mạnh sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay các trang trại chưa áp dụng tốt công nghệ sản xuất mới, đa số trang trại còn tổ chức sản xuất theo kiểu truyền thống, chế biến nông sản chỉ dừng lại ở trình độ sơ chế, sản phẩm làm ra của các trang trại luôn tiêu thụ trong một trạng thái bất ổn, hiện tượng người sản xuất luôn bị ép giá xảy ra thường xuyên làm cho các trang trại luôn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển. Hiện nay loại hình trang trại nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh ở Đồng Tháp, là thế mạnh thứ hai sau cây lúa, tập trung ở khu vực bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu như ở huyện Hồng Ngự, Châu Thành, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lai Vung và Lấp Vò, sản lượng hàng năm mỗi ha nuôi cá tra đạt hơn 1 tỷ đồng, nuôi tôm càng xanh đạt hàng trăm triệu đồng nhưng các trạng trại đạt quy mô hoặc sản lượng còn rất ít.

Từ nay đến năm 2010, tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện để kinh tế hộ sản xuất hàng hoá tiếp tục phát triển mạnh; điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trang trại để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, phát huy vai trò tự chủ trong sản xuất, kinh doanh trên cơ sở định hướng của nhà nước. Khuyến khích phát triển các trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp cả sản xuất, cả kinh doanh và có nhiều lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi…), khuyến khích mở rộng quy mô trang trại; phát triển trang trại ngoài khu dân cư để khắc phục và bảo vệ môi trường; vùng ven đô thị hình thành các trang trại sản xuất rau an toàn, hoa, nấm, sản xuất chế biến nông sản.

Sóc Trăng: Nhân rộng mô hìhinh sử dụng phụ phẩm rơm vào chăn nuôi trâu, bò

Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng đang khuyến khích các hộ dân sử dụng phụ phẩm rơm vào chăn nuôi trâu, bò. Qua gần 2 năm thực hiện thí điểm mô hình cho bò ăn bằng rơm ủ tại trang trại nuôi bò với trên 500 con của ông Đinh Thiên Cần thuộc ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho thấy đã mang lại kết quả rất khả quan như: Đàn bò tăng trọng nhanh, sau 3 tháng tăng 15 – 20% so với bò ăn cỏ bình thường; nguồn rơm ủ đảm bảo ổn định quanh năm; rút ngắn thời gian chăn nuôi; tạo điều kiện cho nhà chăn nuôi xoay vòng vốn nhanh; mang hiệu quả kinh tế cao hơn và giá thành sản xuất 1 tấn rơm ủ khô đóng bánh theo phương án thuê mướn toàn bộ công lao động chỉ tốn 565 ngàn đồng.

Hiện đã có hơn 40 hộ dân của các xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, Trung Bình (Long Phú) đã áp dụng mô hình này. Mới đây, Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo phổ biến mô hình chăn nuôi trâu bò sử dụng rơm ủ khô đã thu hút được nhiều nông hộ chăn nuôi tham gia. Các nông dân đã được hướng dẫn các giải pháp chế biến rơm như: chọn lọc trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất, nghiên cứu sắp xếp tổ chức, quản lý khâu đầu vào đến đầu ra cho hiệu quả và khoa học, thử nghiệm quy trình sản xuất nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm khô theo phương pháp công nghiệp và quy trình chế biến rơm tươi.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 35.000 con trâu, bò (trong đó có khoảng 4.000 con trâu), chủ yếu được bà con nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong gia đình và một số ít nuôi theo hình thức trang trại. Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư từ chương trình 135, trợ giá trợ cước của Chính phủ và các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện cho phong trào nuôi bò của tỉnh phát triển nhanh, đồng thời còn được ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp bà con cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay được mọi người quan tâm là thiếu nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho trâu, bò vì đồng cỏ bị thu hẹp dần, trong khi lượng rơm bỏ ngoài đồng sau khi thu hoạch các vụ lúa rất lớn, một lượng nhỏ được lấy về làm nấm rơm, lượng đốt bỏ làm phân tro... Vì vậy, để tận dụng hết số lượng rơm này, thì mô hình chế biến phụ phẩm rơm cần được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần giúp những người chăn nuôi ổn định nguồn thức ăn cho trâu, bò trong những tháng mùa khô và giải quyết lao động nông nhàn ở nông thôn.

Đồng Tháp: Phát triển 5 mô hình cung cấp nước sạch nông thôn

Đồng Tháp đang phát triển mạnh 5 mô hình cung cấp nước sạch nông thôn: Mô hình Hợp tác xã quản lý khai thác , Ban hoặc Tổ hợp tác thuộc Uỷ ban nhân dân xã quản lý (nguồn vốn đầu tư nhà nước) , Công ty TNHH Một thành viên cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị tỉnh nối mạng với hệ thống cấp nước của Công ty, Doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác quản lý (nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, vốn tư nhân, vốn dân đóng góp) và mô hình Tư nhân trực tiếp quản lý (nguồn vốn đầu tư của do một tư nhân hoặc một vài tư nhân cùng tham gia đóng góp) . Đến nay toàn tỉnh xây dựng được 335 trạm cấp nước tập trung, 8.000 giếng khoan lắp bơm tay, cấp phát 16.579 bộ bình lọc, xô lọc nước, các hộ đã xây dựng trên 1.200 bể chứa nước loại 4m3, nâng tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn phục vụ nhân dân từ 18,7% năm 2001 lên 63,5% vào năm 2008.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phát động, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã được các nguồn vốn trung ương đầu tư và của địa phương và các tổ chức Quốc tế tài trợ xây dựng . Đặc biệt Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã xây 2 trạm cấp nước sạch ở Đồn Biên phòng 905 và 911 thuộc khu vực huyện Tân Hồng và Hồng Ngự có công suất 1.000 m3/ngày cung cấp cho hơn 4.000 hộ dân ở chung quanh có nước sạch sinh hoạt và đã được nhân dân địa phương hoan nghênh. Ở những nơi chưa có hệ thống cung cấp nước sạch , nhất là nhân dân ở vùng nông thôn sâu, có hơn 60% hộ dân đã sử dụng nước sạch bằng cách tự lắng lọc như sử dụng phèn đánh cho nước trong, sử dụng lu, hủ chứa nước mưa , xây bể chứa, hoặc đào ao thả cây lục bình để lắng trong ,giử nước ngọt sử dụng.

Hiện nay, mô hình cung cấp nước của nhà nước và hợp tác với cá nhân xây dựng hệ thống nước sạch đang phổ biến nhất hiện nay, nhằm từng bước tăng cường công tác xã hội hóa trong việc cung cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn. Giải pháp của mô hình này là được nhà nước hỗ trợ 40% kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ưu điểm của mô hình là có sự hợp tác chặt chẽ, cũng như lợi ích của đối tác đầu tư và người sử dụng, công trình được đầu tư tốt, cung cấp nước được kịp thời, nhanh và chất lượng nước được đảm bảo hơn. Hiện nay mô hình này được nhân rộng cho nhiều địa phương áp dụng.

Tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83% vào năm 2010, 91% (năm 2015) và đến năm 2020 đạt 96% . Tiếp tục đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho các cụm, tuyến dân cư và các vùng sâu, vùng khó khăn chưa có nước sạch sinh hoạt với các mô hình đầu tư, quản lý, khai thác thích hợp nhằm từng bước xã hội hoá công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hải Phòng: “Liên kết 4 nhà ” tiêu thụ nông sản hàng hóa vẫn khó khăn


Sự liên kết giữa "4 nhà" (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) ở Hải Phòng vẫn thiếu chặt chẽ khiến việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó khăn trong nhiều năm nay. Thực tế cho thấy, sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế hiện chiếm tỷ lệ thấp so với tổng giá trị nông sản làm ra. Do khó tìm "đầu ra" nông sản nên ở nhiều vùng quê, nhà nông hoặc phải giảm diện tích, quy mô sản xuất sản phẩm đó hoặc tìm cách chuyển hướng sản xuất sang cây, con khác.

Điều đáng nói là giữa "hai nhà" (nhà nông và nhà DN) chưa có sự "liên kết" tin cậy lẫn nhau trong việc sản xuất và bao tiêu nông sản. Hiện, thành phố có khoảng 15 DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Tuy được nhận đầu tư ứng vốn và vật tư trước của DN, song, khi giá cả thị trường tăng thì nhà nông thường phá vỡ hợp đồng bằng việc bán nông sản ra ngoài với giá cao hơn. Điển hình là Nhà máy chế biến cà chua xuất khẩu Hải Phòng từ nhiều năm nay luôn lâm vào thực trạng bị "đói" nguyên liệu do nông dân bất tuân cam kết hợp đồng với DN mặc dù được trợ giá, giống trong việc trồng cà chua, tạo vành đai nguyên liệu. Mỗi năm, nhà máy chỉ thu mua được hơn 10% cà chua nguyên liệu theo hợp đồng khiến việc sản xuất cầm chừng. Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng ký hợp đồng sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên cơ sở thực hiện tốt việc bảo lãnh ngay từ đầu đối với yêu cầu của nông dân, như: năng suất, chất lượng hạt giống; cung ứng kịp thời, đầy đủ giống lúa bố, mẹ, các loại vật tư nông nghiệp cần thiết cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất...

Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, không ít nông dân giấu sản lượng thóc giống khiến thiếu hụt sản lượng buộc DN phải tìm cách bù vào cho đủ. Việc làm này khiến DN vừa thiếu sản phẩm cuối vụ, vừa mất thời gian giải quyết vấn đề người dân kiến nghị về giống. Vì vậy, 2 năm nay, Công ty giảm mạnh diện tích sản xuất giống lúa lai F1 tại Hải Phòng, chuyển sang ký hợp đồng sản xuất giống ở một số tỉnh khác. Đó là chưa kể không ít DN phải chịu rủi ro khi ứng vốn trước cho nông dân, song, lại không thu mua được sản phẩm do thất bát mùa màng...

Vì vậy, nhiều DN quan ngại đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hoặc không dám hợp đồng sản xuất lớn, chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ khiến việc mở rộng diện tích sản xuất hàng hoá tập trung khó khăn, chậm chạp. Mặt khác, không ít DN cũng thiếu tôn trọng việc thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản với nông dân, biểu hiện như không thu mua hết sản phẩm và thực hiện đúng về giá mua hoặc đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến nông dân khó thực hiện gây bất lợi cho nhà nông trong việc giao và thanh toán sản phẩm. Thậm chí, một số DN còn viện cớ kiểm định chất lượng để giảm cấp, hạ giá nông sản khiến nông dân bị thiệt thòi, bức xúc.

Trên thực tế, việc "liên kết" sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay ở Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở mối quan hệ liên kết giữa "2 nhà", hiếm thấy có sự phối hợp đồng bộ giữa "4 nhà". Thông thường, nhà nông phải chạy vạy tìm kiếm sự liên kết với "các nhà" khác. Vai trò quản lý, định hướng của nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất cây, con gì đạt hiệu quả kinh tế tại nhiều nơi còn mờ nhạt, chưa muốn nói là "không". Việc phân định trách nhiệm mỗi bên không rõ ràng khiến việc thực hiện liên kết giữa "4 nhà" rất lúng túng và thiếu tự giác.

Để việc liên kết giữa "4 nhà" đạt hiệu quả kinh tế cao, thiết nghĩ, nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành tập trung trên cơ sở tôn trọng lợi ích của "các nhà" và quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm cho sự phát triển "tam nông" bền vững.

Vĩnh Long: Khắc phục thiệt hại vụ Đông Xuân do ảnh hưởng của triều cường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho biết, đợt triều cường rằm tháng 10 âm lịch vừa qua đã làm trên 13.000 ha lúa vụ đông xuân 2008 - 2009 bị ngập. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các huyện, thị hỗ trợ kịp thời cho người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất và tiếp tục xuống giống diện tích lúa còn lại theo đúng lịch thời vụ.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long chuẩn bị đủ lượng lúa giống cung cấp để nông dân gieo sạ lại gần 2000ha lúa bị chết trắng ở Trà Ôn, Tam Bình, Bình Tân. Số còn lại là 11.088,8 ha ước thiệt hại 30% các địa phương phải hướng dẫn nông dân gieo sạ hoặc cấy dặm kịp thời. Chi cục Bảo vệ thực vật tích cực đưa cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa sau ngập nước và phòng trừ sâu bệnh.

Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn 7 huyện và Phòng kinh tế thị xã Vĩnh Long chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân đồng loạt tháo nước chống úng bằng cách tiêu tự chảy theo triều, hoặc vận động nông dân huy động máy bơm nước ra để cứu lúa. Riêng 27.000 ha còn lại chưa xuống giống, các địa phương đang hướng dẫn nông dân gieo sạ vào các con nước 25/10 – 1/11/2008 và 10/11/2008 âm lịch. Trong đó chú ý theo dõi tình hình rầy nâu di trú để có biện pháp bảo vệ thích hợp.

Chi cục BVTV Vĩnh Long và Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, Vĩnh Long đang có nguy cơ rầy nâu lây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa đông xuân tại địa phương. Vì vậy, tỉnh đã hướng dẫn nông dân phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện kịp thời các lứa rầy cám nở rộ, lứa rầy này có khả năng gây hại trên các trà lúa đông xuân ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Đồng thời, hướng dẫn nông dân khi phun thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách và tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, kỹ thuật ứng dụng “3 giảm - 3 tăng” để giảm thiệt hại do sâu bệnh, tăng hiệu quả sản xuất lúa cho nhà nông.

Sóc Trăng: Xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 315 triệu USD

Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu của Sóc Trăng đã tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường sang Nga và các nước Đông Âu. Nhờ vậy, đến cuối tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đạt trên 315 triệu USD, tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ những tháng đầu năm 2009.

Từ tháng 8/2008, các doanh nghiệp chủ lực của Sóc Trăng như Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Phương Nam đã đưa vào hoạt động xí nghiệp chế biến với các thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhờ vậy, 80% sản phẩm xuất khẩu của Công ty là hàng tinh chế, có giá trị cao và có khả năng đạt kế hoạch xuất khẩu cả năm hơn 93 triệu USD. Doanh nghiệp Kim Anh đa dạng hoá sản phẩm ở các mặt hàng tinh chế từ tôm sú, cá phi lê, chả cá và các loại thuỷ sản khác, đã nâng giá trị gia tăng lên 20% so với trước. Dự kiến năm 2009, doanh nghiệp này sẽ đưa các mặt hàng tinh chế có giá trị cao lên 4.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp khác như Công ty Khánh Hoàng, Công ty Sao Ta đang chuẩn bị để tháng 12 đưa vào hoạt động các xí nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu và phân xưởng chế biến cá tra với công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm.

Nghệ An: Không để nông dân thiếu lúa giống trong sản xuất vụ xuân 2009

UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không để nông dân thiếu lúa giống trong sản xuất vụ xuân 2009. Tỉnh chỉ đạo các địa phương và nông dân không nên xuống nhiều loại giống trên một cánh đồng vì gây phức tạp về chỉ đạo thời vụ và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; loại bỏ hẳn các giống dài ngày, nhiều sâu bệnh. Các công ty cung ứng giống niêm yết công khai về giá bán giống và bảo hành nguồn giống đảm bảo cho nông dân từ khi trồng đến khi thu hoạch. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành ngân hàng tạo điều kiện để nông dân vay vốn mua giống sản xuất vụ xuân.

Hiện nay, tại Nghệ An giá lúa giống phục vụ sản xuất vụ xuân 2009 tăng từ 15% đến 20% so với vụ xuân năm 2008. Dự báo trong vòng 2 tháng tới, sẽ còn tiếp tục tăng. Đây là bất lợi cho nông dân trong sản xuất vụ xuân.

Vụ xuân năm 2009, tỉnh Nghệ An bố trí cơ cấu giống là lúa lai và lúa thuần; trong đó, lúa lai bố trí giống Khải Phong số 1, Nhị ưu 986, 725, Bio 404, Q. ưu số 6, là những giống qua khảo nghiệm tại địa phương cho chất lượng gạo khá, hạn chế sâu bệnh, thời gian sinh trưởng nhanh. Tuy đây là những giống lúa có nhiều ưu điểm và được ngành nông nghiệp cho phép đưa vào sử dụng trong vụ xuân năm 2009 nhưng do chưa chủ động được giống nên phần lớn lượng giống phục vụ sản xuất phải mua từ các tỉnh khác và mua từ Trung Quốc.

Kết thúc vụ thuỷ sản 2008 ở Sóc Trăng: Thành công nhưng nông dân không vui

Vụ thuỷ sản năm 2008 của tỉnh Sóc Trăng đã kết thúc với việc bà con đã thu hoạch xong cơ bản trên 45.000 ha tôm sú và trên 15.000 ha thuỷ sản các loại khác. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và tình hình chung của các hộ nuôi thuỷ sản thì năm nay, thuỷ sản Sóc Trăng kết thúc niên vụ với kết quả: Được mùa về năng suất, sản lượng nhưng mất mùa về giá cả và đa phần người dân không vui do lãi không cao và lỗ vốn.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2008 của tỉnh ước đạt hơn 131,3 ngàn tấn, bằng 120,5% kế hoạch và tăng 25% so với cùng kỳ 2007. Trong đó, sản lượng tôm nuôi hơn 53,5 ngàn tấn (tương đương với năm trước dù diện tích không tăng trong khi tỷ lệ thiệt hại đầu vụ đến 31% diện tích) và cá tra gần 50 ngàn tấn (tăng hơn gấp đôi so với năm trước). Tuy đạt năng suất và sản lượng cao, nhưng nông dân vẫn rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm lại xuống thấp. Do đó, số hộ nuôi tôm có lãi chỉ chiếm 40%, số lỗ vốn đến 36% và còn lại 24% là huề vốn (trong khi tỷ lệ hộ nuôi có lãi của năm 2007 là 75%).

Ông Nguyễn Hữu Mai, PCT Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh cho biết: “Nếu tính từ năm 2002 đến nay thì giá thức ăn nuôi tôm đã tăng khoảng 10 ngàn đồng/kg, trong khi giá tôm thương phẩm lại giảm đi 40-50 ngàn đồng/kg, người nuôi tôm hiện nay đang rất khó khăn về các khoản dịch vụ đầu vào-đầu ra này”. Ông Huỳnh Văn Nóp, thay mặt Hiệp hội nuôi cá tra của huyện Kế Sách cũng bức xúc không kém: “Hiện nay vẫn còn khoảng 30% diện tích nuôi cá tra của Hiệp hội đang neo ao chờ giá. Vụ này, hầu hết các thành viên Hiệp hội đều bị thua lỗ nặng”. Riêng đối tượng nuôi mới là tôm thẻ chân trắng rất thành công cả về năng suất lẫn hiệu quả. Trong số 145 ha thả nuôi năm nay năng suất bình quân đạt từ 8 tấn/ha trở lên và giá bán dao động từ 45-48 ngàn đồng/kg, nên lãi bình quân mỗi ha từ 51-110 triệu đồng/ha. Các đối tượng nuôi nước ngọt khác (trừ cá tra) cũng cho mức lãi từ 20-25 triệu đồng/ha.

Nhận định về tình hình nuôi thuỷ sản năm 2009, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho rằng: “Nghề nuôi thuỷ sản sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan trong thời gian tới. Đó là những rủi ro về thời tiết, về điều kiện cơ sở hạ tầng, con giống, về giá cả dịch vụ đầu vào và đầu ra, về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sự cạnh tranh của các loại thuỷ sản khác và kén chọn của thị trường tiêu thụ trên thế giới”.

Trong năm 2009, được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn nhưng ngành NN&PTNT Sóc Trăng cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu thả nuôi đạt trên 68.000 ha thuỷ sản các loại (tăng 8.000 ha so với vụ 2008), trong đó có 48.000 ha nuôi tôm sú (tăng 3.000 ha), ngành NN&PTNT cũng đã đề ra các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh như vấn đề quy hoạch, ưu tiên vốn đầu tư; khuyến nông-khuyến ngư và BVNLTS. Về mùa vụ, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo cần áp dụng nghiêm theo lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo, trong quản lý giống, thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng và địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực liên kết giữa “các nhà” cần phải chặt chẽ hơn trong việc bao tiêu sản phẩm, đầu tư vốn, kỹ thuật và hợp tác có hiệu quả.

Tiền Giang: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao

Tiền Giang xây dựng được vùng trồng chuyên canh mãng cầu xiêm gần 260 ha trên vùng đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông, tập trung tại các xã Tân Phú, Tân Thới, Tân Thạnh...Từ nay đến 2010, tỉnh sẽ mở rộng diện tích mãng cầu xiêm tại đây lên trên 400 ha.

Không chỉ cho năng suất cao, mãng cầu xiêm còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Với giá bình quân 3.000 đồng/kg và năng suất khoảng 30 tấn/ha, mãng cầu xiêm cho nông dân thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Để nâng cao giá trị cây trồng có lợi thế cạnh tranh này, huyện Tân Phú Đông đã được tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thâm canh. Đặc biệt, với kỹ thuật xiết nước, phun thuốc kích thích cho cây ra hoa trái vụ, bón phân và chăm sóc thích hợp, nông dân đã chủ động được thời vụ thu hoạch tránh. Tuy nhiên, mãng cầu xiêm đang bị sâu bệnh tấn công gây hại trên khoảng 10% diện tích. Ngoài ra, nhiều vườn cây già cỗi đang cần được đầu tư cải tạo, trẻ hóa vườn mãng cầu để đạt năng suất và sản lượng cao.

Tiền Giang cũng mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình cá - lúa trên vùng trũng ven Đồng Tháp Mười tại huyện Cái Bè lên trên 300 ha và cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha.

Với mô hình cá - lúa, vụ đông xuân, nông dân trồng lúa chất lượng cao, vụ hè thu và thu đông nuôi thả cá trên chân ruộng. Thay vì nuôi cá thịt hoặc các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị khác, nông dân chuyên sâu ương dưỡng các loại cá giống cung ứng cho nhu cầu của nông dân trong khu vực. Trung bình mỗi ha thả 10 kg cá bột ương được 150 kg cá giống sau 2 – 3 tháng nuôi. Các loại cá giống ương dưỡng như mè, chép, trôi, trắm cỏ, mè vinh...đầu ra rất thuận lợi nhờ tổ chức sản xuất gắn với mạng lưới phân phối tốt. Sau hai vụ sản xuất cá giống trên chân ruộng, nông dân bắt tay vào vụ sản xuất đông xuân.

Từ chỗ là đất trũng ven Đồng Tháp Mười, điều kiện canh tác và sản xuất hết sức khó khăn, hiện, vùng này là trung tâm cung ứng các loại giống cá nước ngọt chất lượng cao cho các tỉnh thành phía Nam và đồng thời là vựa lúa hàng hóa của tỉnh Tiền Giang. Để phát huy thế mạnh mô hình cá - lúa, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 5,2 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng.
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương