Phòng Thống kê – Trung tâm Tin học và Thống kê


THẾ GIỚI Thái Lan sẽ bán 1,37 triệu tấn gạo trong kho của chính phủ



tải về 490.79 Kb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích490.79 Kb.
#9633
1   2   3   4   5   6

THẾ GIỚI

Thái Lan sẽ bán 1,37 triệu tấn gạo trong kho của chính phủ

Phó Chủ tịch Tổ chức Kho Công Thái Lan (PWO), Nattira Leewaroonpan, cho hay Chính phủ Thái Lan đang đàm phán bán 1,37 triệu tấn gạo trắng và gạo hương nhài từ kho gạo của chính phủ, trong đó chủ yếu bán cho các nhà xuất khẩu.

Bà Nattira cho biết PWO đang đàm phán với các nhà xuất khẩu để thỏa thuận được mức giá cao hơn. Gạo trắng hiện chỉ dành để xuất khẩu, trong khi gạo hương nhài chỉ có thể bán trong nước.

Số gạo này là gạo cất trong kho từ đợt thu mua gạo của chính phủ hồi tháng 11/07. Chính phủ hiện mới bán 1,8 triệu tấn gạo trong tổng số 3,1 triệu tấn gạo mà nước này dự định bán. Chính phủ Thái Lan đã tiến hành thu mua gạo của nông dân nhằm hỗ trợ giá gạo từ năm 2005.

Các nhà xuất khẩu cho hay mức giá mua gạo trong đợt bán lần này từ mức thấp nhất 6.800 baht đến mức cao nhất 15.000 baht. Bà Nattira cho hay Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ kết thúc vụ bán gạo từ kho gạo của chính phủ trong tuần này.

Xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 18,3% trong tháng 11/08

Theo số liệu vừa công bố của Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc (MKE), kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 11/08 đã giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 29,26 tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2001, giữa lúc các nhà sản xuất xe hơi của Hàn Quốc đã tiến hành cắt giảm sản lượng do nhu cầu ô tô ngày càng sụt giảm và đà suy yếu của nền kinh tế thế giới.

MKE nhấn mạnh với một số khách hàng đang đề nghị cắt giảm hoặc hủy bỏ các đơn đặt hàng, các điều kiện xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Trong tháng 11/08, mặc dù xuất khẩu tầu biển của Hàn Quốc tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2007, xuất khẩu tất cả mặt hàng chủ chốt khác đều giảm ở mức hai con số. Xuất khẩu linh kiện ô tô và các sản phẩm hóa dầu tháng này giảm lần lượt 30,8% và 36,6%, trong khi xuất khẩu máy móc giảm 24,4%.

Ông Chung Jae-Hwan, Cục trưởng Cục Đầu tư và Thương mại thuộc MKE, nhận định sự suy giảm trong xuất khẩu diễn ra sớm hơn dự đoán khi sự khan hiếm tín dụng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra đã buộc các nhà nhập khẩu giảm hoặc hủy bỏ các đơn đặt hàng. Theo ông Chung, sự sụp đổ của tập đoàn điện tử tiêu dùng Circuit City (Mỹ) và các nhà bán lẻ tương tự đã gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu của Hàn Quốc.

MKE cho hay, doanh số bán của Hàn Quốc đã giảm ở khắp nơi, ngoại trừ Trung Đông, nơi xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 11/08 đã tăng 30,6%. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Mỹ giảm 6,2% trong 20 ngày đầu tháng 11, trong khi sang Trung Quốc giảm 27,8%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 12,5% và Nhật Bản giảm 13,5%.

Trước tình trạng nhu cầu ngày càng giảm trên thị trường toàn cầu do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, một số hãng chế tạo ô tô của Hàn Quốc đã quyết định cắt giảm sản lượng. Công ty GM Daewoo Auto & Technology Co, một đơn vị của tập đoàn General Motors Corp. (Mỹ) ở Hàn Quốc, tuần trước đã đóng cửa một trong bốn nhà máy ở đây và dự kiến ngừng hoạt động 3 nhà máy khác từ ngày 22/12. Trong khi đó, tập đoàn Hyundai cũng hủy bỏ kế hoạch làm thêm giờ lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2009, với một số nhà phân tích thậm chí dự đoán kinh tế nước này có thể giảm lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh về nhu cầu trong nước, cho dù lạm phát tháng 11 tăng chậm lại ở mức 4,5%. Chính phủ Hàn Quốc đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế chính thức năm 2009 là 4%, song giới phân tích trong nước và quốc tế cho rằng con số này còn thấp hơn nhiều. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự doán Hàn Quốc sẽ đạt mức tăng GDP 2% năm 2009, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra mức dự báo 2,7%.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm 2009 sẽ tăng 15%

Mei Xinyu, một chuyên gia của Viện Hợp tác kinh tế-thương mại quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc dự báo, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2009 vẫn đạt khoảng 15%, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng sa sút của kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, các tỉnh duyên hải, trong đó có Quảng Đông, đã phải chịu sức ép lớn khi nhu cầu của thị trường thế giới đối với các mặt hàng "truyền thống" của Trung Quốc như hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất, giảm mạnh.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đồ điện và điện tử của Trung Quốc trong năm 2008 vẫn duy trì được mức tăng 20% trong năm 2008. Ngành công nghiệp sản xuất đồ điện và điện tử, với công nghệ tiên tiến, hiện là "chìa khóa" đối với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Ông Mei nhận định, chừng nào hoạt động xuất khẩu đồ điện-điện tử còn tiếp tục tăng trưởng, thì triển vọng xuất khẩu nói chung của Trung Quốc sẽ không quá tệ. Thống kê của Tổng cục hải quan Trung Quốc (CGAC) cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện-điện tử của nước này tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 288,89 tỷ USD.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chế tạo đang đẩy mạnh việc chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc hoặc tích thay thế các sản phẩm được làm từ Trung Quốc để cắt giảm chi phí.
Kể từ cuối tháng 7/08, Chính phủ Trung Quốc đã 3 lần tăng mức hoàn thuế xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doang nghiệp nước này. Ông Mei dự báo, trong tương lai, Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách khuyến khích cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo CGAC, giá trị trao đổi thương mại của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay đạt 2.189 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và lớn hơn cả giá trị của toàn bộ năm 2007 -đứng ở mức 2.174 tỷ USD. Cùng kỳ, kim ngạch thương mại của Quảng Đông -khu vực xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc- đạt 577,83 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng trao đổi thương mại quốc gia.

Thái Lan: Bất ổn chính trị-xã hội đang gây sốc cho nền kinh tế

Nền kinh tế Thái Lan đang ốm yếu lại bị bồi thêm một cú sốc mới trước cuộc biểu tình kéo dài ngay tại sân bay quốc tế chính của nước này trong thời điểm mùa du lịch, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Du lịch, ngành trụ cột chiếm tới 6% nền kinh tế Thái Lan, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà kinh tế Kasem Prunratanamala thuộc CIMB cho biết riêng mức thiệt hại trong ngành du lịch đến cuối năm nay có thể lên tới 150 tỷ baht (4,2 tỷ USD), tương đương với 1,5% GDP.

Từ nay đến cuối năm, khoảng một nửa trong số 4 triệu khách du lịch có thể huỷ bỏ các chuyến đi. Các ngành ăn theo ngành du lịch như nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 20% trong 1 triệu việc làm liên quan trực tiếp và gián tiếp đến ngành du lịch có thể mất việc.

Các trụ cột kinh tế khác của nền kinh tế cũng bị tác động do các lô hàng xuất khẩu các linh kiện điện tử và các sản phẩm tươi như rau, hoa quả, bị đình trệ khi hàng chục chuyến bay bị hoãn và các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán vốn đã bị lung lay do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan Pramon Sutheewong cho biết niềm tin vào các nhà xuất khẩu Thái Lan đang bị đi xuống, các nhà nhập khẩu nước ngoài tỏ ra hoài nghi về khả năng giao hàng đúng hạn và hiện có xu hướng họ sẽ chuyển đơn đặt hàng sang một số nơi khác.

Phó chủ tịch Liên đoàn các ngành Thái Lan Tanit Sorat ước tính những thiệt hại do các chuyến hàng xuất khẩu về phụ tùng ô tô, cá sống, hoa và rau quả tươi có thể lên tới 2-3 tỷ baht/ngày (57-85 triệu USD).

Nền kinh tế Thái Lan hiện đang trong tình trạng dễ bị tổn thương, với mức tăng khoảng 4% trong quý III/08 - mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những rối loạn chính trị. Một số nhà kinh tế cho biết chưa kể đến những khó khăn mới nhất gần đây, tốc độ tăng trưởng trong năm tới của Thái Lan sẽ giảm xuống 2,5% so với mức ước khoảng 4,5% trong năm nay.
Tố Uyên (Theo AP)

WB kêu gọi tăng viện trợ cho các nước đang phát triển

Trước thềm Hội nghị Quốc tế về Cung cấp tài chính cho Phát triển (ICFD), dự kiến diễn ra tại thủ đô Đôha (Cata) từ ngày 29/11 đến 2/12, Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi các nước giàu tiếp tục tăng cường tài trợ cho các nước đang phát triển, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang gia tăng tác động.

Trong tuyên bố ngày 27/11, Chủ tịch WB, Robert Zoellick, nói rằng các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển nên tránh đưa ra những chính sách phương hại đến lợi ích của những nước đang phát triển. Ông Zoellick cho hay chính phủ ở nhiều nước đang phát triển đã tiến hành các bước cần thiết trong những năm gần đây nhằm đưa ra và duy trì các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô, đồng thời nhấn mạnh những nước này đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính mà không phải do họ tạo ra, trong khi việc các nước phát triển áp dụng các cơ chế bảo hộ thương mại hay dân tộc chủ nghĩa kinh tế thậm chí sẽ tác động mạnh hơn đến họ.

Trong báo cáo chuẩn bị cho ICFD nhằm xem xét việc thực hiện Hiệp ước Monterrey, WB cho rằng các nhà tài trợ cần phải thực hiện cam kết của họ về giảm nợ và tăng viện trợ cho những nước đang phát triển. Hiện nhóm bảy nước công nghiệp hóa hàng đầu thế giới (G7) còn thiếu 30 tỷ USD so với cam kết. Theo báo cáo trên, đề cập đến các cuộc khủng hoảng toàn cầu đối những nước đang phát triển, các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ và Hiệp ước Monterrey, các nước đang phát triển hiện đang đứng trước "cơn bão hoàn hảo", hội tụ các yếu tố xấu như đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, khủng hoảng trên các thị trường tài chính và chứng khoán, cũng như lãi suất cao hơn.

Đầu tư, động lực tăng trưởng kinh tế chủ chốt của các nước đang phát triển trong 5 năm qua, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, kiều hối của các nước này -một cơ chế giảm đói nghèo hiệu quả- sẽ sụt mạnh do tác động của đà suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trước những điều kiện kinh tế ngày một xấu đi trên toàn cầu, WB đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển năm 2009 xuống còn 4,5%, thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Kinh tế của những nước có thu nhập cao, với nhiều nước trong số này đã rơi vào suy thoái, được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong năm tới. Trao đổi buôn bán toàn cầu dự kiến cũng giảm trong năm tới, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1982.

Chủ tịch WB nói thêm, trong một thế giới, nơi các nước đang phát triển được coi là động lực tăng trưởng mới của toàn cầu "chúng ta cần phải thấu hiểu những khó khăn và tính đến các nhu cầu của họ". Nhà kinh tế trưởng Justin Yifu Lin của WB cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đã đẩy nhiều nước phát triển vào suy thoái, các quốc gia đang phát triển có thể đóng góp tất cả vào mức tăng trưởng GDP của thế giới.

Theo ông Zoellick, trong 3 năm tới WB sẽ cấp khoản vay 42 tỷ USD để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và cấp 100 tỷ tín dụng 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển.

Panasonic cắt giảm 90% dự báo lợi nhuận

Tập đoàn điện tử Panasonic Corp. của Nhật Bản vừa cắt giảm 90% dự báo lợi nhuận của hãng trong tài khóa 2008 (kết thúc vào tháng 3/09), do đồng yên mạnh, doanh số bán hàng giảm và các đối thủ lớn liên tục giảm giá mạnh sản phẩm bán ra nhằm tranh giành thị phần của nhau trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Sau thông báo này, giá cổ phiếu của Panasonic đã giảm 4,7% xuống 1.284 yên/cổ phiếu vào cuối phiên 27/11.

Như vậy, Panasonic chỉ dự kiến thu lãi ròng 30 tỷ yên (316 triệu USD) trong tài khóa 2008-09, chưa bằng 1/10 so với dự báo trước ở mức 310 tỷ yên (3,3 tỷ USD). Công ty có trụ sở tại Osaka và có tên cũ là Matsushita Electric Industrial Co. này cũng hạ dự báo doanh số bán hàng từ 9.200 tỷ yên (96,8 tỷ USD) trong tài khóa trước xuống còn 8.500 tỷ yên (89,5 tỷ USD) tài khóa hiện nay.

Các tập đoàn điện tử của Nhật Bản đang phải đối phó với thời điểm khó khăn sau vài năm thu lợi nhuận cao nhờ bán rất chạy các loại tivi màn hình phẳng, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại di động. Mặc dù là hãng đứng đầu trên trên thị trường màn hình phẳng, song Panasonic cũng không thoát khỏi tình cảnh này, do sức ép về giá và kinh tế thế giới sa sút.

Panasonic thừa nhận điều kiện kinh doanh của hãng đang bị sa sút thảm hại và nhanh chóng, do chi tiêu tiêu dùng giảm và cạnh tranh về giá căng thẳng trên thị trường, cho dù lợi nhuận của hãng trong 6 tháng đầu tài khóa hiện nay đã tăng 22% so với cùng kỳ tài khóa trước lên 128,49 tỷ yên. Thêm vào đó, đồng yên cao giá ảnh hưởng tới lợi nhuận xuất khẩu, trong khi đầu tư vào cổ phiếu của hãng cũng giảm sút theo đà giảm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Panasonic đang nỗ lực đàm phán mua lại đối thủ nhỏ hơn trong nước là Sanyo Electric Co., với hy vọng hình thành một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo một cổ đông lớn của Goldman Sachs, Goldman đã kết thúc đàm phán bán cổ phần của họ trong Sanyo cho Panasonic vì mức giá Panasonic đưa ra để chào mua số cổ phần này là quá thấp.

Xingapo: Những khó khăn kinh tế tiếp tục gia tăng

Tình hình kinh tế ở Xingapo vốn đang trong suy thoái, đã tồi tệ hơn khi số liệu của chính phủ cho thấy sản lượng ngành sản xuất sụt giảm khoảng 13% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, tồi tệ hơn cả mức dự báo giảm trung bình 8,1% theo kết quả thăm dò của Dow Jones Newswires.


Nguyên nhân của tình trạng trên là do xuất khẩu điện tử và dược phẩm của nước này sụt giảm vì kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi kinh tế Xingapo lại phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ và châu Âu, những thị trường chủ chốt đối với hai mặt hàng trên. Ngoài ra, ngành sản xuất, chế tạo của Xingapo, chiếm gần một 1/4 GDP của Xingapo, với hầu hết các hoạt động đều hướng tới thị trường nước ngoài, nên nước này phụ thuộc nhiều vào tình hình "sức khỏe" của kinh tế toàn cầu.

Theo thông báo của chính phủ, hầu hết các ngành sản xuất đều giảm, đặc biệt là các ngành: dược phẩm (chiếm 22% ngành sản xuất, giảm 31%) và điện tử (chiếm 30%, giảm 14%). Chỉ riêng ngành cơ khí giao thông và sản xuất chung, trong đó có thực phẩm và in là tăng.

Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này báo hiệu sự khởi đầu có thể là tồi tệ nhất đối với Xingapo trong quý IV/08 và GDP của nước này có khả năng tiếp tục giảm.

Tuần trước, Chính phủ Xingapo cho biết kinh tế nước này giảm 6,8% trong quý III so với quý II sau khi giảm 5,3% trong quý II, đồng thời dự báo mức tăng trưởng 2,5% cho năm 2008.

ILO: Hàng triệu lao động trên thế giới sẽ gặp khó khăn trong năm 2009

Tờ "Thời báo Ấn Độ" dẫn Báo cáo tiền lương toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2008-2009, công bố ngày 26/11 cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ dẫn tới những cắt giảm lớn về tiền lương đối với hàng triệu lao động khắp thế giới trong năm 2009.

Trong báo cáo, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia nhận xét: "Đối với 1,5 tỷ người làm công ăn lương trên toàn thế giới, giai đoạn khó khăn đang ở phía trước. Mức tăng trưởng kinh tế chậm và âm, cùng với giá năng lượng và lương thực biến động mạnh sẽ tác động tới tiền lương của nhiều lao động, đặc biệt là những hộ nghèo. Đồng thời, tầng lớp trung lưu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

Căn cứ vào dự báo mới nhất về chỉ số tăng trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ILO cho biết tỷ lệ tăng lương trên toàn cầu nói chung sẽ đạt 1,1% trong năm 2009. Tuy nhiên, mức lương tại nhiều nước sẽ giảm, trong đó có cả các nền kinh tế lớn khi tỷ lệ tăng lương tại các nước phát triển sẽ giảm từ 0,8% năm 2008 xuống -0,5% năm 2009.

Nhấn mạnh khoảng cách chênh lệch giữa mức lương cao nhất với mức lương thấp nhất đã tăng từ năm 1995, báo cáo thúc giục chính phủ các nước cần ngăn chặn xu hướng này và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ sức mua của người lao động nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, các nước cần tôn trọng chính sách ấn định mức lương tối thiểu, bởi lẽ chính sách này trong những năm gần đây đã làm giảm căng thẳng xã hội vốn xuất phát từ tình trạng bất công gia tăng.

Báo cáo cũng lưu ý mức tăng lương diễn ra chậm hơn mức tăng trưởng kinh tế và giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Từ năm 1995 đến năm 2007, mức GDP cứ giảm 1% thì mức lương bình quân đầu người giảm 1,55%. Ông Somavia cho rằng nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời kỳ suy thoái toàn cầu đang lan rộng hiện nay, nó sẽ làm suy thoái sâu hơn và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế.

Việt Nam xúc tiến thương mại tại Nam Mỹ

Tại Áchentina, từ ngày 17-26/11, đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam do Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào dẫn đầu đã thăm Braxin và Áchentina để tìm hiểu khả năng tăng cường hợp tác kinh tế- thương mại và đầu tư với hai nước này. Tham gia đoàn có đại diện các tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Chủ tịch Phân ban Braxin trong Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Braxin Samuel Pinheiro Guimarães Neto, đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam đã trao đổi các lĩnh vực ưu tiên hợp tác và thời gian tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban trên. Trong thời gian thăm Braxin, đoàn đã dự Hội nghị quốc tế về nhiên liệu sinh học.

Tại Áchentina, đoàn đã gặp và làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, công ty năng lượng ENARSA và tập đoàn công nghiệp luyện kim IMPSA.

Trong các cuộc tiếp xúc và làm việc trên, các quan chức ba nước cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và hai quốc gia Nam Mỹ này là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, chế biến nông sản, công nghệ sinh học. Việt Nam và Áchentina đã nhất trí sớm khôi phục hoạt động của Ủy ban liên chính phủ.

Trong chuyến thăm này, các doanh nghiệp Việt Nam đã dự các diễn đàn doanh nghiệp diễn ra tại các bang Goinas và Sao Paulo ở Braxin và thủ đô Buênốt Airết của Áchentina. Đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PETROVIETNAM) đã làm việc với tập đoàn dầu khí quốc gia Braxin Petrobras nhằm sớm triển khai Nghị định thư về hợp tác sản xuất và sử dụng cồn nhiên liệu ethanol.

Theo thống kê của Chính phủ Braxin, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này năm 2007 đã đạt mức cao kỷ lục 323,3 triệu USD, thế nhưng kỷ lục trên đã bị phá vì chỉ trong 10 tháng đầu năm nay kim ngạch đã đạt gần 468 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Braxin hàng hóa trị giá 172,149 triệu USD, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, và nhập từ quốc gia Nam Mỹ này các sản phẩm trị giá 295,7 triệu USD, tăng 73%.

Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Áchentina và Việt Nam năm 2007 đã đạt mức cao kỷ lục 387,6 triệu USD và trong 10 tháng đầu năm nay đã lên tới 350,1 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áchentina đạt 56,8 triệu USD, tăng 202%, và kim ngạch nhập khẩu từ Áchentina đạt 293,3 triệu USD, giảm 4,5%.

Campuchia: Lượng gạo tồn kho quá lớn

Ông Tes Ethada, Chủ tịch Hội các nhà xay xát lúa gạo Campuchia, đã thừa nhận Campuchia hiện đang đối mặt với tình trạng lượng gạo tồn kho quá lớn, các cơ sở xay xát không có tiền để thu mua tích trữ lúa của nông dân, trong khi vụ thu hoạch mới đang tới gần.

Tuy vậy, ông Ethada cho rằng lệnh tạm thời cấm xuất khẩu gạo mà chính phủ ban hành hồi tháng 3/08, khi giá gao tăng đột biến, là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong khi xuất hiện tình trạng khan hiếm mặt hàng thiết yếu này trên thị trường thế giới. Theo ông, hiện Campuchia còn tồn khoảng trên 20.000 tấn gạo tại các cơ sở xay xát gạo trong nước, tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Battambang và Bantey Meanchey ở miền tây nước này.

Trong khi đó, các nhà xay xát ở 2 tỉnh trên cho rằng nhu cầu gạo trong nước hiện đã bão hoà trong bối cảnh giá gạo trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến lượng gạo tồn kho lớn của họ không thể tiêu thụ ngay được. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc bao tiêu lúa cho nông dân ngay sau vụ thu hoạch do họ không còn vốn để mua tích trữ như những năm trước đây.

Mặc dù giá gạo đã giảm từ mức 585 USD/tấn hồi tháng 10/08 xuống còn 450 USD/tấn hiện nay, sog các nhà xay xát vẫn khó tìm được khách hàng, ngay cả các thương nhân từ Việt Nam và Thái Lan, cho dù họ chịu lỗ lớn để tránh số gạo tồn giảm chất lượng và có thể còn mất giá nhiều hơn nữa.

Ông Heng Bunhor, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bantey Meanchey, cho biết lượng gạo tồn kho lớn tại các cơ sở xay xát ở tỉnh trên vào thới điểm này trong năm quả là điều không bình thường và tỉnh có chủ trương tạo thuận lợi và khuyến khích các thương gia có khả năng mua gạo để đưa sang bán ở các nước làng giềng của Campuchia nhằm giải quyết nhanh vấn đề dư thừa nói trên.

Hiện nay, các nhà xay sát ở Campuchia đang yêu cầu chính phủ nước này hỗ trợ tín dụng cho họ để có thể mở rộng kho chứa và mua tích trữ thóc khi mùa vụ tới nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trong năm 2009.

Bănglađét có thể hạn chế xuất khẩu chè nếu sản lượng sụt giảm

Phó chủ tịch Hiệp hội chè Băngla Đét, Safwan Ahmed cho biết quốc gia này có thể hạn chế xuất khẩu chè trong năm nay nếu sản lượng sụt giảm đáng kể, chủ yếu do thời tiết mưa ít và bón phân muộn.

Theo quan chức trên, trong giai đoạn từ tháng 3-10/08, 163 đồn điền chè của Băngla Đét sản xuất được 47,258 triệu kg chè, so với 47,305 triệu kg chè so với cùng kỳ năm 2007.

Một số nhà trồng chè dự đoán tới cuối tháng tháng 12/08, tổng sản lượng chè năm 2008 của Băngla Đét có thể chỉ đạt 56 triệu kg, so với 58 triệu kg của năm 2007. Sự sụt giảm này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chè nội địa, nhưng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Băngla Đét xuất khẩu chè (chủ yếu là chè đen) tới rất nhiều quốc gia tại châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trong tài khóa 2007 (kết thúc cuối tháng 6/08), Băngla Đét thu về gần 15 triệu USD xuất khẩu chè.

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 7,5% năm 2009

Trong báo cáo Cập nhật Quý về Trung Quốc công bố ngày 25/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2009 của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này, do cuộc khủng hoảng tài chính và sự tăng trưởng chậm lại toàn cầu sẽ tác động mạnh hơn tới nền kinh tế Trung Quốc.

Theo WB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,5% năm 2009 so với mức dự báo 9,2% đưa ra hồi tháng 6, và hơn một nửa mức tăng trưởng đó sẽ được trợ giúp bởi chính phủ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế cũng như các biện pháp kích thích kinh tế khác.

Báo cáo mới của WB cho rằng sự sụt giảm nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt tác động đến nền kinh tế nước này, vốn dựa vào xuất khẩu (chiếm khoảng 40% GDP).

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã miêu tả tình hình việc làm ở Trung Quốc là "tồi tệ" với việc các nhà xuất khẩu cắt giảm hàng nghìn việc làm, đặc biệt tại ở trung tâm sản xuất ở tỉnh Quảng Đông của nước này.

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào các biện pháp để thúc đẩy kinh tế trong nước và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Những biện pháp này bao gồm cải thiện chăm sóc y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội để khuyến khích người Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và chi nhiều hơn cho nền kinh tế.

Giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc, David Dollar, cho rằng "kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những khó khăn to lớn. Sự tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ tác động đến các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Trung Quốc" nhưng cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đạt "tỷ lệ tăng trưởng lành mạnh" năm 2009 và chính phủ nước này ở trong một tình trạng tốt về tiền mặt và dự trữ ngoại tệ để thực hiện các biện pháp thúc đẩy kinh tế.

Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, nền kinh tế này tăng trưởng 9% trong quý III/08, so với 10,1% trong quý II và 10,6% quý I.



tải về 490.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương