Phụ lục 1 danh sách các nhân vật lịch sử, ĐỊa danh bổ sung Quỹ tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh



tải về 0.53 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.53 Mb.
#11051
1   2   3   4   5   6

86. NGUYỄN VĂN THƯƠNG (1919 - 2002)


Giáo sư, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân, quê quán Thừa Thiên-Huế.

Thuở nhỏ ông học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách của Pháp. Năm 1936, tốt nghiệp Quốc học Huế, ông viết bài Trên sông Hương, cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế.

Năm 1939, ông ra Hà Nội học. Trong những năm đó ông đã sáng tác một số nhạc phẩm, trong đó có nhạc phẩm Đêm đông.

Năm 1942, ông vào làm việc ở Trung tâm Bưu điện Sài Gòn.

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của ông ra đời và gây được ấn tượng mạnh mẽ. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp: kịch múa Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông... ông viết nhiều tác phẩm về đề tài Kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm những ca khúc, hợp xướng gây ấn tượng như: Bài ca Việt - Lào, Dâng Người tiếng hát mùa xuân, Gửi Huế giải phóng, hợp xướng Dân ta đánh giặc anh hùng, Tiến lên toàn thắng ắt về ta... Ông từng là trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật của hầu hết các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi biểu diễn ở nước ngoài.

Ông còn nổi tiếng với những tác phẩm khí nhạc như Lý hòai nam (độc tấu sáo trúc, cùng Ngọc Phan), Buôn làng vào hội, Quê hương (cùng Hòang Dương). Sau khi đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, ông viết nhiều tác phẩm khí nhạc khác như Ngày hội non sông độc tấu sáo trúc và bộ gõ, Rhapsodie số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho violoncelle và piano... đặc biệt là giao hưởng thơ Đồng khởi của ông đã từng được trình diễn lần đầu tại Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1971.

Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục sáng tác và viết nhiều cuốn sách về âm nhạc. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhạc viện Hà Nội

Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001. Ông mất năm 2002 thành phố Hồ Chí Minh.



87. NGUYỄN GIA TRÍ (1908 - 1993)

Danh họa. Quê ở xã Trường An, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

Ông là sinh viên của trường Indochina Fine Arts College (Mĩ thuật Đông Dương) (1931-1936), là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài mỹ nghệ truyền thống thành những tuyệt phẩm nghệ thuật, được mệnh danh là "Vua sơn mài".

Là một trong những hoạ sĩ hàng đầu có những đóng góp cho những bước khởi nguyên và sự phát triển của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ 20. Ông cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn là bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).

Ông là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc. Những tác phẩm của ông có thể tìm thấy trong viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm 1960 - 1970, nghệ thuật của ông có xu hướng thiên sang trừu tượng. Tuy vậy, cuối đời ông lại trở về với thế giới lãng mạn đầy mộng mơ của những năm 40: bức tranh Bắc, Trung, Nam.

Ông còn là một nhà biếm hoạ sắc sảo, bút danh Raitơ (Right) với những tranh châm biếm chính quyền thực dân Pháp và đám quan lại phong kiến tay sai trên báo Phong hoá, báo Ngày nay. Ông là nhà đồ hoạ nổi tiếng với những tranh khắc gỗ màu mang đậm màu sắc dân gian

Ông mất ngày 20/6/1993 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những đóng góp của ông cho một khuynh hướng mới của nền hội họa Việt Nam. Đó là một bút pháp và phong cách riêng trong nghệ thuật sơn mài.

88. NGUYỄN ĐÌNH TỨ (1932 - 1996)

Nhà vật lý hạt nhân, một trụ cột của nền khoa học Việt Nam. Quê ở xã

Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh..

Ông là cộng tác viên, người lãnh đạo tập thể khoa học quốc tế thuộc phòng thí nghiệm Năng lượng cao (LVE) ở một trung tâm nghiên cứu quốc tế nổi tiếng - Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân tại Dubna (Liên Xô).

Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Thứ trưởng (tháng 4 - 6/1976) rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (tháng 6/1976 - 2/1987), Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Bí thứ trung ương Đảng, Trưởng ban khoa giáo trung ương Đảng. Tại đại hội Đảng lần thứ VIII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị nhưng mất ngay trong đại hội.

Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ cao cho cụm công trình: “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm”.

89. DIỆP MINH TUYỀN (1941 - 1997):

Nhạc sĩ. Ông sinh ra tại thành phố Mỹ Tho. Năm 6 tuổi, ông theo cha, mẹ lên Sài Gòn.

Ông đam mê nhạc từ nhỏ. Năm 1950, ông theo mẹ vào chiến khu Đồng Tháp Mười và đã tham gia biểu diễn văn nghệ tại đơn vị mẹ của ông. Từ đó ông bắt đầu ảnh hưởng bởi những ca khúc kháng chiến. Năm 1952, ông theo cha về phân liên khu miền Tây ở rừng U Minh. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam. Tuy học ở trường Đại học Tổng hợp Văn nhưng ông vẫn tiếp tục chơi nhạc và ông được biết đến với vai trò nhạc sĩ hơn là thi sĩ.

Sau năm 1975, Diệp Minh Tuyền công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ năm 1979, Diệp Minh Tuyền viết nhiều ca khúc như: Bài ca người lính, Nếu em là bờ xa, Giã từ cành phượng vĩ … Và đặc biệt là bài “Hát mãi khúc quân hành” được giải nhất cuộc thi viết về lực lượng vũ trang năm 1984.

Ông từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh kiêm Tổng biên tập tạp chí Sóng nhạc. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh. Ông được trao tặng nhiều giải thưởng âm nhạc của Tp. Hồ Chí Minh và là tác giả của nhiều bài phê bình âm nhạc, văn hóa.

Ông mất ngày 21/11/1997 tại Tp. Hồ Chí Minh.

90. DƯƠNG QUANG TRUNG (1928 - 2013)


Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Pháp, Tiến sĩ y khoa. Sinh ngày 3-9-1928, quê quán An Xuyên - Cà Mau.

Thuở nhỏ ông học trung học tại Sài Gòn. Năm 1948, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Đại học y khoa Bordeaux vào năm 1958.

Năm 1960, ông về nước làm Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật phổi Viện chống lao TW-Hà Nội.

Năm 1964, ông tình nguyện đi vào chiến trường B2 Nam Bộ. Từ năm 1965 đến 1975, ông là Ủy viên Ban Bảo vệ sức khỏe của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Ban Trí vận Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông là Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy Ban Quân quản Khu Sài Gòn - Gia Định. Từ tháng 3 năm 1976 đến tháng 3 năm 1981, ông là Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1981 đến năm 1987, ông là Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1989 đến 2002, ông là Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ y tế Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch). Năm 2004, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh; sau đó, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam - Đại diện lãnh đạo Tổng Hội tại khu vực phía Nam. Năm 2007, ông là Chủ tịch danh dự Hội Bảo vệ trẻ em.

Với những công lao to lớn của ông cho sự nghiệp y tế nước nhà, ông đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương Vì sức khỏe nhân dân, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng danh hiệu Anh hùng lao động (2003), Thầy thuốc nhân dân (1995), và nhiều phần thưởng cao quí khác.

Ông mất năm 2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

91. TRẦN QUỐC VƯỢNG (1934 - 2005)


Giáo sư Sử học. Ông sinh tại Kinh Môn, Hải Dương. Quê làng Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Năm 1956, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông được phong hàm giáo sư. Các chức vụ đã đảm nhiệm: chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội; giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên văn hoá-Lịch sử, trưởng bộ môn Văn hoá học, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; phó tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá ẩm thực Việt Nam, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghề truyền thống Việt Nam, tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội...

Ông có hơn 30 đầu sách đã xuất bản:


  • Sách chuyên khảo: phiên dịch và chú giải Việt sử lược (khoảng thế kỷ 14, đây là bộ sách sử xưa nhất do người Việt viết còn truyền lại); chủ biên bộ Danh nhân Hà Nội (2 tập); đồng tác giả Hà Nội ngàn xưa (cùng Vũ Tuân Sán); đồng tác giả Mùa xuân và phong tục Việt Nam (cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ); Theo dòng lịch sử ; Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá; Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm

  • Sách giáo khoa: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hoá VN, Lịch sử Việt Nam...

  • Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các báo và tạp chí trong và ngoài nước.

Ông được xem là một trong "tứ trụ” của sử học Việt Nam đương đại. Năm 2012 , Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Ông mất năm 2005, tại Hà Nội.



IV. NHÂN VẬT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI: (08 tên)

92. ALLBERT BRUCE SABIN (26/8/1906 - 03/3/1993).

Bác sĩ, nhà nghiên cứu y học người Mỹ gốc Ba Lan, ông nổi tiếng về sáng chế thành công vắc-xin bại liệt đường uống.



Sinh ngày 26 tháng 8 năm 1906 tại Białystok, Nga (nay thuộc Ba Lan), và qua Mỹ với gia đình năm 1921. Năm 1930, ông nhập quốc tịch Mỹ. Sabin lấy bằng bắc sĩ y khoa từ Đại học New York vào năm 1931. Ông tập về nội khoa, bệnh học, và ngoại khoa tại Bệnh viện BellevueThành phố New York từ 1931 đến 1933. Năm 1934, ông làm nghiên cứu tại Học viện Y học Dự phòng Lister (Lister Institute of Preventive Medicine) tại Anh, sau đó gia nhập Học viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller (Rockefeller Institute for Medical Research), nay là Đại học Rockefeller. Trong thời này ông bắt đầu chú ý lắm về nghiên cứu y khoa, nhất là về bệnh nhiễm trùng. Năm 1939, ông qua Bệnh viện Trẻ em Cincinnati (Cincinnati Children's Hospital) tại Cincinnati, Ohio. Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, là trung tá trong Bộ Quân y Hoa Kỳ và giúp phát triển những vắc-xin chống sốt xuất huyết Dengueviêm não Nhật Bản. Vào năm 1946, để giữ sự liên hiệp với Bệnh viện Trẻ em, ông cũng trở thành giám đốc về Nghiên cứu Nhi khoa tại Đại học Cincinnati.

93. CHE GUEVARA (1928-1967)

Che Guevara Ernesto Guevara De La Serna, nhà cách mạng Mác-xít nổi tiếng người Argentina. Thường được biết đến với tên Che Guevara (phiên âm là Chê Ghê-va-ra), là thầy thuốc, người tạo ra học thuyết quân đội, nhà lãnh đạo quân du kích và phong trào cách mạng Cuba. Tháng 12/1956 cùng với Phiđen Caxtrô và quân đội cách mạng đổ bộ lên CuBa. Năm 1957 Chỉ huy đội du kích. Đội quân do Che Guevara chỉ huy đã đánh thắng quân của Batitxta tại Thành phố Xanta Clara, là một trong những đội quân đầu tiên tiến vào Habana. Năm 1959 - 1965 Giám đốc Nhà phát triển công nghiệp Cu ba, Chủ tịch Ngân hàng nhà nước, bộ trưởng công nghiệp. Năm 1965 bí mật rời Cu ba đi tham gia cách mạng ở một số nước Mĩ Latinh. Năm 1966 - 1967 chỉ huy đội du kích ở Bôlivia. Ngày 8.10.1967 trong trận chiến đấu cuối cùng tại Iurô với tiểu đoàn đặc biệt do CIA huấn luyện. Che Guevara bị thương vẫn cùng một đội viên du kích ở lại yểm hộ cho đồng đội rút lui. Che Guevara bị bắt và bị sát hại. Bộ quân phục đẫm máu của Che Guevara đươc nhân dân vùng Van Grăngđê ở Bôlivia cất giữ làm bảo vật. Trên đồi ở Xanta Clara (Cuba) có đài kỷ niệm Che Guevara. Che Guevara là chiến sĩ cách mạng quốc tế nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến cách mạng của nhân dân Việt Nam.

94. JEAN BAPTISTE LOUIS PIERRE (1833 - 1905).

Jean Baptiste Louis Pierre là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn (được cho phép xây dựng theo Nghị định ngày 23 tháng 3 năm 1864 của Đề đốc De La Grandière, còn có tên gọi là Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn).

Jean Baptiste Louis Pierre là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học. Nhờ ông, nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, một số loài cây đại mộc từ các lục địa khác được du nhập, một số cây ăn trái thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để từ đây cho ra đời những giống cây trái ngon.

Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Thành phố Hố Chí Minh và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn...

95. HÔ-XÊ MÁC-TI (28/1/1853 - 19/5/1895).

Hô-xê Mác-ti sinh ra tại thủ đô La Ha-ba-na trong một gia đình đốc học nguyên gốc Va-len-xi-a (Tây Ban Nha) mới đến nhập cư tại Cu-ba. Tháng 9-1879, Mác-ti một lần nữa bị chính quyền thực dân bắt giam và trục xuất ra khỏi Cu-ba. Cuộc lưu đày thứ hai của Mác-ti bắt đầu từ thời điểm đó, ông sang Tây Ban Nha, rồi chuyển đến Pháp và Niu Oóc (Mỹ) năm 1880.

Năm 1892, Mác-ti sáng lập Đảng Cách mạng Cu-ba, được bầu giữ trọng trách cao nhất trong ban lãnh đạo Đảng và gấp rút hòan tất các công việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hậu cần, lực lượng... cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày 29-1-1895, lệnh khởi nghĩa được truyền về Cu-ba; 2 ngày sau, lãnh tụ Mác-ti trở về đất nước và ngày 25-3 công bố Tuyên ngôn Montecristi, cương lĩnh của cuộc chiến tranh 1895 và cách mạng giải phóng dân tộc Cu-ba. Ngày 19-5, Mác-ti anh dũng hy sinh tại Dos Rios trong một cuộc chiến đấu không cân sức với lực lượng của chính quyền thực dân, để lại một di sản tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại cho nhân dân Cu-ba và các dân tộc Mỹ la-tinh khác.

Hô-xê Mác-ti là người kế tục và nâng tầm chủ nghĩa Mỹ la-tinh lên đỉnh cao mới với ba cống hiến quan trọng. Một là, luận chứng về sự song song tồn tại trong thế đối lập nhau của hai “châu Mỹ”: Bắc Mỹ ăng-lô - Xắc-xông TBCN, bóc lột và xâm lược đối lập với Mỹ la-tinh kém phát triển, bị bóc lột và bị nô dịch... làm cho chủ nghĩa Mỹ la-tinh, vốn mang tính chất cách mạng và giải phóng, nay đồng nghĩa với chủ nghĩa chống đế quốc. Thứ hai là lý luận về chiến tranh cách mạng như con đường tất yếu của các dân tộc Mỹ la-tinh trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc Mỹ cuối thế kỷ XIX, củng cố chủ nghĩa Mỹ la-tinh trên tư cách chủ nghĩa Mỹ la-tinh chiến đấu. Thứ ba là tư tưởng, chiến lược xây dựng ở các quốc gia Mỹ la-tinh một chế độ xã hội “của tất cả và vì hạnh phúc của tất cả mọi người”, khác về bản chất so với chế độ xã hội Bắc Mỹ. Như vậy là, vốn mang nội dung phi thực dân hóa từ buổi ra đời, chủ nghĩa Mỹ la-tinh giai đoạn Mác-ti lần đầu tiên đề cập khuynh hướng phi Tư bản Chủ nghĩa của sự phát triển chính trị và kinh tế - xã hội ở khu vực.

96. KOVALEVSKAYA (1850 - 1891)

Sofia Vasilyevna Kovalevskaya là nhà nữ toán học lớn của Nga, với nhiều đóng góp quan trọng cho các ngành thống kê, phương trình vi phân và cơ học, và là người phụ nữ đầu tiên được trao học hàm giáo sư toàn diện ở Bắc Âu. Tên của bà cũng được đặt cho giải thưởng khoa học dành cho những tập thể, cá nhân nữ có đóng góp to lớn cho nền khoa học ở Việt Nam.

97. MARIE CUIRIE (07/11/1867 - 04/7/1934).

Marie Cuirie - Marie Skłodowska - Curie Nhà vật lýhóa học người Ba Lan-Pháp, nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lýhóa học. Marie Curie là giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Paris (Sorbonne), và vào năm 1995 thi thể của bà được mai táng tại điện PanthéonParis vì những đóng góp to lớn cho nhân loại. Ngoài việc phụng sự khoa học, bà Marie Curie còn là một nữ công dân có lòng ái quốc nhiệt thành, không những đối với Quê hương mà còn với cả Tổ quốc mà bà nhìn nhận. Bà Marie Curie quả là nhân vật đã thực hiện hòan toàn câu nói của Đại Văn hào người Pháp Victor Hugo: “Phụng sự Tổ Quốc mới chỉ là một nửa. Nửa kia là phụng sự Nhân loại”.

98. NÊRU.J - JAWAHARLÃL NEHRU (1889 - 1964).

Nhà hoạt động chính trị Ấn Độ, người cộng tác xuất sắc của Ganđi M. K. (M. K.Gandhi) trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Thủ lĩnh Đảng Quốc đại, thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập (1947). Đề xướng đường lối chiến lược phát triển nền kinh tế - xã hội của nước cộng hòa. Là một trong những người đề ra 10 nguyên tắc chung sống hòa bình tại hội nghị Băngđung (Bandung; 1955) và khởi xướng Phong trào các Nước Không liên kết. Ông được coi là nhà kiến trúc xã hội mới của nhân dân Ấn Độ. Là người cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập tình đoàn kết thân thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ.



99. ROBERT KOCH (11/12/1843 - 27/5/1910).

Heinrich Hermann Robert Koch Bác sĩnhà sinh học người Đức. Ông nổi tiếng như một người đã tìm ra trực khuẩn bệnh than (1877), trực khuẩn lao (1882) và vi khuẩn bệnh tả (1883) đồng thời là người đã phát biểu nguyên tắc Koch. Ông đã được trao giải Nobel dành cho Sinh lý và Y học cho các công trình về bệnh lao vào năm 1905. Ông cũng được coi là một trong số những người đặt nền móng cho vi khuẩn học.

V. ĐỊA DANH (02 tên)

100. SA HUỲNH

Văn hóa Khảo cổ. Sa Huỳnh là một địa danh ở cực nam của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thôn Phú Khương, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Di tích Phú Khương được người Pháp phát hiện năm 1909; khai quật năm 1923. Văn hoá Sa Huỳnh là khái niệm chỉ hệ thống các di tích tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, chứa đựng nền văn hoá vật chất từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồng sắt, được phân bố từ Quảng Bình đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên, có niên đại từ cuối thiên niên kỷ thứ II đến nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, tức cách ngày nay khoảng 3.000 năm.

Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đồng Nai, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam. Sự phong phú và đa dạng của các bộ sưu tập công cụ sản xuất bằng đá, đồng và sắt được phát hiện ở đây đã cho thấy cư dân Sa Huỳnh có một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa, trồng màu và nghề đánh bắt hải sản ở biển phát triển kéo theo sự phát triển của các ngành nghề thủ công khác, trong đó rõ nét nhất là nghề chế tác đá, kim khí và nghề làm đồ gốm. Sự phong phú về các loại hình công cụ sản xuất, đồ trang sức, chứng tỏ cư dân Sa Huỳnh xưa đã đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và thẩm mỹ, là nền văn hóa bản địa của một cư dân nông nghiệp sớm, đã đạt được trình độ văn hóa cao. Văn hóa Sa Huỳnh đã tiếp biến nhuần nhuyễn và lan tỏa mạnh mẽ đối với các nền văn hóa khác trong nước và khu vực Đông Nam Á.



101. CÁT TIÊN

Di chỉ khảo cổ. Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985, đến nay khu di chỉ khảo cổ học Cát Tiên được giới khoa học (lịch sử, khảo cổ học...) khẳng định đây là một khu thánh địa, quần thể di sản văn hóa lớn của Việt Nam. Khu di chỉ Cát Tiên kéo dài trên 10 km nằm dọc theo hệ thống sông Đạ Đờng - Đồng Nai với rất nhiều gò đồi. Toàn bộ khu di tích này thuộc địa phận kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở khu vực xã Quảng Ngãi thuộc huyện vùng sâu

vùng xa Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, khu vực Nam Tây Nguyên.



Qua 8 lần khai quật khảo cổ từ năm 1994 đến năm 2006, các nhà khoa học đã làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc khác nhau, thu thập được hàng ngàn hiện vật chất liệu vàng, bạc, thạch anh. bao gồm: các vị thần (Brahma, Uma, Siva…), các tu sĩ, các vật, con vật linh (lưỡi tầm sét, ốc, rùa, bò Nadin, voi…), Hoa sen, chữ Phạn, Yoni… chất liệu đồng bao gồm: các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt, mảnh tượng, trang sức, nhạc cụ…. và vật liệu kiến trúc gạch, mi cửa tháp (trán cửa) bằng đá.Theo nhận định của các nhà khoa học thì đây là một quần thể phế tích kiến trúc khá đặc sắc của một Thánh địa Bàlamôn giáo, của một vương quốc cổ trong lịch sử, chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo tồn tại vào khoảng thế kỷ IV - XIX sau Công nguyên./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

TÀI LIỆU THAM KHẢO SỬ DỤNG TRONG VIỆC BIÊN SOẠN

ĐỊA DANH VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ

  1. Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1992.

  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 2004

  3. Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Bộ mới, NXB TP.Hồ Chí Minh , 2006

  4. http://www.quangngai.gov.vn

  5. http://www.baotanglamdong.com.vn




Каталог: Uploads -> Articles03
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles03 -> BỘ TÀi chính nưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles03 -> Phụ lục số I nội dung đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo mou vào năm 2014
Articles03 -> Các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (sau đây gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương