Phụ lục 1 danh sách các nhân vật lịch sử, ĐỊa danh bổ sung Quỹ tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh


II . NHÂN VẬT LỊCH SỬ SAU THẾ KỶ 20 (45 tên)



tải về 0.53 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.53 Mb.
#11051
1   2   3   4   5   6

II . NHÂN VẬT LỊCH SỬ SAU THẾ KỶ 20 (45 tên)

20. PHẠM XUÂN ẨN (1927 - 2006)

Thiếu tướng tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, là phóng viên, nhà báo cho tạp chí Time, New York Tribune, The Christian Science Monitor…Tên thật là Trần Văn Trung. Quê ở xã Bình Phước, Biên Hòa, Đồng Nai.

Thời niên thiếu ông sống ở Sài Gòn sau đó chuyển về Cần Thơ học trường College de Can Tho. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông bỏ học tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó học một khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền.

Năm 1947, ông tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn chống Pháp, sau đó là chống Mỹ. Ông làm thư ký cho công ty dầu lửa Caltex cho đến năm 1950.

Năm 1952, ông ra chiến khu D được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ủy viên ủy Ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Trở về Sài Gòn ông đổi tên là Phạm Xuân Ẩn.

Năm 1953, ông được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, ông bị gọi nhập ngũ và bị trưng dụng ngay làm Bí thư phòng Chiến tranh tâm lý Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares. Trong công tác tình báo, để có thể đi khắp nơi và tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất, tháng 10 năm 1957 ông sang Mỹ học ngành báo chí. Tháng 10 năm 1959 ông về nước.

Từ năm 1960 đến 1964 ông làm cho hãng Reuters.

Từ năm 1965 đến năm 1976, ông là phóng viên người Việt chính thức duy nhất của tuần báo Times và là cộng tác viên các báo khác. Với vỏ bọc là phóng viên người Việt của tuần báo Times, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA, ông đã có được mọi nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát, cơ quan tình báo. Những tin tức tình báo chiến lược của ông đã được bí mật gửi cho Bộ chỉ huy quân sự ở miền Bắc thông qua Trung ương cục miền Nam. Chúng sống động và tỉ mỉ đến mức Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhận định “chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ”. Trong vô vàn các tin tức, tài liệu đó có thể kể đến các tài liệu có tầm quan trọng như: Toàn bộ nội dung kế hoạch Staley - Taylor, các tin tức giúp Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam có sự chuẩn bị cho trận Ấp Bắc, nguyên bản kế hoạch “Chiến tranh cục bộ”…

Ngày 30/4/1975, ông là một trong những nhà báo chứng kiến sự kiện xe tăng của quân đội nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đến thời điểm đó cũng như vài tháng sau các đồng nghiệp cũng như những người thuộc chính quyền cũ, mới vẫn chưa biết ông là một điệp viên cộng sản.

Ngày 15/4/1976, Phạm Xuân Ẩn được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đảng và Nhà nước đã trao tặng Ông nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương chiến thắng hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến công: hạng I, II; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ông mất ngày 20/9/2006 tại thành phố Hồ Chí Minh.



21. HỒ THÀNH BIÊN (1890 - 1976)

Nhân sĩ yêu nước. Quê xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang.

Ông sinh trong một gia đình nông dân. Năm 1902 vào học Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng, năm 1921 vào học Đại chủng viện Phnom Pênh (Campuchia). Được thụ phong linh mục ngày 21/9/1921, phục vụ họ đạo Trà Lồng, Hòa Hưng (Rạch Giá) rồi Sa Keo (Sóc Trăng).

Nhận ra con đường giải phóng đất nước, linh mục đã hướng dẫn giáo dân ở Sa Keo tham gia cách mạng tháng tám năm 1945. Khi Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ, ông ra bưng biền kháng chiến, làm Hội trưởng Công giáo kháng chiến tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, Phó hội trưởng Công giáo kháng chiến Nam Bộ.

Tháng 9/1945, tập kết ra Bắc cùng với các linh mục Võ Thành Trinh,

Trần Quang Nghiêm. Ông đã giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban liên lạc Công giáo toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội khóa II, III, IV; Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á -Phi của Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Hội đồng bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Ông mất năm 1976, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

22. NGUYỄN HÀNG CHI (1886-1908)

Nhân sĩ yêu nước. Quê làng Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông nổi tiếng hay chữ trong vùng nhưng ông không đi thi. Năm 1904, hưởng ứng phong trào Đông Du, Duy Tân thuộc nhóm “ám xã”. Năm 1907, ông là người đứng đầu các cuộc bãi thi ở Nghệ Tĩnh, sau đó vào Quảng Nam liên hệ với các chiến sỹ phong trào Duy Tân ở Nam Ngãi, rồi về Nghệ Tĩnh phát động phong trào chống thuế tại quê nhà.

Ông là người trực tiếp vận động và là tác giả các bài hịch, tờ hợp khiếu (đơn khiếu nại), các đơn “khiếu sưu” đưa yêu sách. Năm 1908, phong trào Duy Tân bộc phát mạnh khắp các tỉnh miền Trung, liền bị Nam triều và thực dân khủng bố đàn áp.

Ông là người dẫn đầu các cuộc biểu tình nên bị bắt trước nhất. Ông bị án sát Cao Ngọc Lễ kết tội với bản án rất nặng gọi là ‘tội khôi” (tội đứng đầu) nên bị chém ngay tại quê nhà.

Cuộc xin sưu ở Hà Tĩnh đã gây tiếng vang lớn và tên tuổi của Nguyễn Hàng Chi được truyền tụng và ca ngợi khắp vùng Nghệ Tĩnh.

23. VÕ CHÍ CÔNG (1912 - 2011)

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Quê quán: xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1930, vào Đảng tháng 5/1935.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930 - 1931; tháng 5 năm 1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1936, ông làm Bí thư Chi bộ ghép (một số xã thuộc huyện Tam Kỳ). Năm 1939, làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1940, làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, ông được phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên. Năm 1942, ông được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực nam Trung Bộ.

Năm 1943, ông bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù giam ở nhà lao Hội An, sau đầy đi nhà tù Buôn Mê Thuột.

Sau đảo chính Nhật, tháng 3 năm 1945, đồng chí ra tù về Quảng Nam làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ông làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93.

Năm 1946, làm Phó ban Tổ chức cán bộ và làm Thanh tra Quân khu V. Năm 1951, làm Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, Khu ủy viên khu V. Năm 1952, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1954, làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Năm 1955, làm Phó Bí thư Khu ủy V.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy V.

Năm 1961, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1964, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy V, Chính ủy Quân khu V.

Năm 1975, sau khi giải phóng hòan toàn miền Nam, ông là Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách khu V. Năm 1976, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, ông tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1978, ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp Miền Nam.

Tháng 4 năm 1981, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII và được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, ông tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6 năm 1986, ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Tháng 4 năm 1987, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (tháng 6 năm 1991) và khóa VIII (tháng 6 năm 1996). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Do công lao và thành tích hoạt động cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.



24. VÕ TRẦN CHÍ (1927 - 2011)

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Quê quán: xã Hướng Thọ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ông sinh ngày 22 tháng 5 năm 1927 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Thuở nhỏ, ông theo học tại trường làng, tiếp tục học tiểu học và tốt nghiệp tiểu học sơ cấp Pháp, học tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (1982); có lòng yêu nước thiết tha, sớm giác ngộ cách mạng.

Tháng 8/1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở xã và thị xã Tân An, làm Tổng Thư ký Ủy ban nhân dân xã. Sau khi Pháp tái chiếm Nam bộ, ông tham gia tích cực trong chính quyền Việt Minh và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 9 năm 1946.

Từ năm 1947 đến năm 1949, là cán bộ Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc tỉnh Tân An; Ủy viên Ban Chấp hành, Tỉnh đoàn phó Thanh niên Cứu quốc kiêm Trưởng ban chính trị Tỉnh đội.

Từ năm 1951 đến năm 1954, là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Thủ Thừa, phụ trách dân vận, Chính trị viên Phó Huyện đội kiêm Bí thư chi bộ đại hội địa phương quận và Chính trị viên đại đội.

Năm 1954, là Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa. Năm 1958, là Tỉnh ủy rồi Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Long An. Năm 1964, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Long An, có thời gian kiêm Chính trị viên Tỉnh đội.

Tháng 12 năm 1967, được cử làm Bí thư Phân khu ủy Phân khu II, một trong các trọng điểm chung quanh Sài Gòn - Gia Định dịp Tết Mậu Thân. Tháng 8-1970, sáp nhập Phân khu II, Phân khu III, đồng chí là Phó Bí thư Liên phân khu thống nhất.

Tháng 9 năm 1972 đến tháng 3 năm 1974, là Khu ủy viên Khu II (Khu 8 cũ), Bí thư phân khu ủy Phân khu II, Phó Bí thư Phân khu 23, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Long An.

Tháng 3 năm 1975, được Trung ương Cục miền Nam bổ sung vào Ban Binh vận R, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1975, là Thành ủy viên Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Quận ủy quận 5. Trong thời gian này, ông học Trường Cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng 10 năm 1980 đến tháng 8 năm 1982, là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1983 đến năm 1986, là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng Phân ban nông thôn, Trưởng ban Nông nghiệp Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1986 đến năm 1991, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1991 đến năm 2006, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Do những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Ông qua đời ngày 16 tháng 11 năm 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh.

25. HUỲNH TẤN CHÙA (1918 - 1947)

Liệt sĩ, quê quán ấp Thuận Kiều, xã Đông Hưng Thuận (nay thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ thuở thiếu thời ông đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.

Năm 1935, ông thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng năm đó, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn, chúng tra tấn rất dã man nhưng không khuất phục được ông. Sau đó ông bị kết án 5 năm tù và chuyển đến giam tại nhà tù Tân An (tỉnh Long An). Năm 1937, ông vượt ngục về quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1939, ông cùng các đồng chí khác tổ chức một cuộc mít-tinh lớn, rải truyền đơn, dán biểu ngữ ở Bà Điểm (Hóc Môn) để phản đối thực dân Pháp bắt thanh niên Việt Nam đi lính. Năm 1945, ông tham gia thành lập và là Ủy viên quân sự Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.

Năm 1946, ông chỉ huy đánh bộ binh Pháp và xe bọc thép giải thoát cho Trung tướng Nguyễn Bình - Khu Bộ trưởng khu 7 ở xã Vĩnh Lộc

Năm 1947, ông chỉ huy Chi đội 12 phối hợp với một đơn vị của Chi đội hải ngoại Trần Phú đánh bọn lính dù Pháp ở Giồng Dinh không có chúng bao vây Bộ chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Trong trận này, ta đã tiêu diệt được lực lượng tinh nhuệ của địch. Tin chiến thắng Giồng Dinh đã làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ ta. Cũng trong trận đánh này, ông bị bom ép thổ huyết và anh dũng hy sinh vào ngày 22 tháng 7 năm 1947 tại xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

26. VĂN TIẾN DŨNG (1917-2002)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quê quán: Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Tp. Hà Nội.

Ông tham gia cách mạng 1936. Năm 1943-1944 Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Đông, Bắc Ninh, ủy viên thường vụ rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều lần bị thực dân pháp bắt giam. Tháng 1/1945 bị kết án tử hình vắng mặt; Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách tổ chức chiến khu Quang Trung, chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống pháp, 11/1945 - 1946 chính ủy chiến khu 2. Tháng 12.1946-1949 Cục trưởng Cục chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương. 10.1949-1950 chính ủy liên khu 3. Năm 1951-1953, đại đoàn trưởng kiêm chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 320. Tháng 11/1953 tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, trưởng đoàn đại biểu của Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến thi hành hiệp định Giơ ne vơ 1954 về Việt Nam. Từ 1954 tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị Thiên (1972); Tây Nguyên (1975); tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). Năm 1980-1986 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984-1986). Tác giả của nhiều tác phẩm quân sự như: “mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam”… Ủy viên BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam khóa III-VI (dự khuyết khóa II), Ủy viên Bộ Chính trị (3/1972) khóa IV, V (dự khuyết khóa III). Đại biểu Quốc hội khóa II-VII. Huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Quân Công (hạng nhất, hạng nhì), Chiến thắng hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất…



27. NGUYỄN CHÍ DIỄU (1908 - 1939)

Nhà hoạt động cách mạng. Quê ở làng Thành Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Năm 1925, ông vào học tại trường Quốc học Huế, kết bạn với ông Võ Nguyên Giáp và tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tham gia vận động cuộc biểu tình đòi thả Phan Bội Châu, ông bị đuổi khỏi trường Quốc học năm 1927. Năm 1928, ông là Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ của Việt Nam Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt). Năm 1929, ông vào Sài Gòn hoạt động cùng ông Nguyễn Đình Kiên. Giữa năm 1929, Đảng Tân Việt bị phân hóa, ông cùng một số người khác tách ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (ngày 01/01/1930).

Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó ông làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 10 năm 1930 ông bị Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn và thường được gọi với bí danh là “Trọng lớn” để phân biệt với “Trọng con” (Lý Tự Trọng). Tháng 5 năm 1930, ông bị kết án khổ sai chung thân đày đi Côn Đảo. Tháng 6 năm 1936 được tha, ông về Huế tiếp tục lãnh đạo phong trào Đông Dương Đại hội và chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ.

Ông bị bệnh nặng mất ngày 15/9/1939.



28. TRẦN BẠCH ĐẰNG (1926 - 2007)

Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng của Việt Nam. Tên thật là Trương Gia Triều. Quê quán: xã Hòa Thuận, huyện Rồng Giềng, tỉnh kiên Giang.

Ông là cháu nội nhà chí sĩ yêu nước Trương Gia Mô (còn gọi là cụ Nghè Mô).

Ông tham gia cách mạng từ khi mới 17 tuổi. Năm 1946, ông đã được giao phụ trách tờ Chống Xâm Lăng của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951 làm tổng biên tập báo Nhân Dân Miền Nam của Trung ương Cục. Ông lần lượt đảm trách nhiều cương vị quan trọng như bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau ngày giải phóng Sài Gòn, ông tập trung vào sự nghiệp nghiên cứu và viết báo. Cầm bút hơn 60 năm, ông có nhiều bút hiệu như: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Quang... và sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau.

Từ những bài thơ đầu tay: Trên bờ Đồng Nai, Dấu cũ, Chiếu rách mưa đêm, Dạy học lậu... ông có những tập truyện ngắn nóng bỏng tính thời sự như Bác Sáu Rồng (1975), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985) và những tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước: Chân dung một quản đốc (1978), Ngày về của ngoại (1985). Ông cũng khẳng định mình trong lĩnh vực kịch: Trần Hưng Đạo bình Nguyên (1951), Nửa tuần trăng kỳ lạ (1984), Tình yêu và lời đáp (1985), Một mùa hè oi ả (1986), Một mối tình (1987).

Điện ảnh cũng được Trần Bạch Đằng quan tâm. Kịch bản phim truyện Ông Hai Cũ (hai tập - 1985, 1987), Dòng sông không quên (1989) gây được nhiều ấn tượng và tác phẩm quy mô Ván bài lật ngửa (chín tập, bắt đầu thực hiện từ 1982, hòan thành năm 1988) là dấu ấn rất quan trọng trong điện ảnh Việt Nam.

Và với những người đọc báo, nhất là người Sài Gòn, thì nhắc đến Trần Bạch Đằng là nhắc đến hàng ngàn bài báo sắc sảo, những bình luận không khoan nhượng, độ rung cảm tinh tế trước cuộc sống, tình cảm sâu đậm với người dân lao động... Ông cũng là một cây bút tích cực phê phán tiêu cực và có nhiều kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới đất nước. Nổi bật nhất có Đổi mới - Đi lên từ thực tế (NXB Trẻ, 2000) gồm 112 bài tuyển chọn từ 1975-2000, với 3 phần: Thôi thúc của đổi mới (1975-1985), Gian nan những bước đầu (1986-1991), Chín năm cho một cuộc hồi sinh (1992-2000)...

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc…

Ông mất ngày 16 tháng 4 năm 2007, tại thành phố Hồ Chí Minh.

29. LÊ QUANG ĐẠO (1921 - 1999)

Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ông tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, quê xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1938 ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội. Tháng 8/1940, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Giai đoạn từ năm 1946 đến 1949, ông là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư khu ủy đặc biệt Hà Nội, Liên khu ủy viên Liên khu 3, Bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông. Từ 1950 - 1956, ông phụ trách công tác tuyên huấn Chiến dịch Biên giới, Cục trưởng Cục tuyên huấn.

Là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1987 - 1992). Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa III đến VI, Bí thư Trung ương Đảng các khóa IV, V, Đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.



30. DƯƠNG QUANG ĐÔNG (1905 - 2003)

Nhà cách mạng. Quê xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Năm 1920, ông học tại trường Nguyễn Xích Hồng (Gia Định), được ông Tôn Đức Thắng tổ chức vào Công hội bí mật tại Sài Gòn. Năm 1921, ông tham gia tổ chức các công, nông hội tại Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Từ năm 1921 đến năm 1926 ông hoạt động trong Công hội đỏ tại Sài Gòn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Tôn Đức Thắng. Năm 1940, ông bị bắt và bị đày đi Tà Lài. Năm 1941, cùng với bảy đồng chí khác (trong đó có Trần Văn Giàu) vượt ngục về Sài Gòn. Ngày 15/10/1943, thành lập Xứ ủy Nam Kỳ, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta tại Bangkok (Thái Lan). Tháng 2 năm 1946, ông phụ trách một đoàn do Xứ ủy cử đi Thái Lan, Campuchia và Malaysia với 5 nhiệm vụ, mà nhiệm vụ đầu tiên là lo vũ khí cho cuộc kháng chiến. Ông đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1951, ông bị bắt tại Thái Lan và bị trục xuất về nước.

Năm 1954, ông là Thành ủy viên phụ trách binh vận tại Sài Gòn. Năm 1958, ông được giao nhiệm vụ mở đường giao thông từ Lào về Hà Nội. Năm 1961, ông là Phó Ban Hàng hải tại Khu 9. Từ năm 1964 đến năm 1975, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục mở các tuyến đường giao thông trong nước và các nước Thái Lan, Campuchia với Việt Nam.

Năm 1975, ông về hưu và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố Hồ Chí Minh (1977), Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (1982). Ông được tặng thưởng: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh.

Ông mất năm 2003 tại thành phố Hồ Chí Minh.



31. ĐẶNG TRẦN ĐỨC (1921-2004)
Thiếu tướng tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam. Bí danh: Ba Quốc. Quê ở Thanh Trì, Quận Hòang Mai, Thành phố Hà Nội.

Ông nhập ngũ năm 1949, qua nhiều năm công tác trong quân đội, ông được phong thiếu tướng, cục trưởng Cục 12, Tổng cục II năm 1990; khi tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang ông là trung tá, cán bộ tình báo Đoàn 22, Quân khu 7.

Cuối 1949 - 4/1975, ông được giao nhiệm vụ tình báo chiến lược hoạt động nội tuyến trong hàng ngũ địch, điều kiện hoạt động khó khăn, nguy hiểm luôn bị địch giám sát, theo dõi nhưng ông đã mưu trí, khôn khéo lấy được nhiều tin tức, tài liệu của địch báo cáo về trung tâm kịp thời đầy đủ chính xác, giúp cấp trên chủ động chỉ đạo đánh địch có hiệu quả, tránh được nhiều thiệt hại, tổn thất cho nhân dân và Quân đội. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, trong đó có hơn 20 năm hoạt động đơn độc giữa Sài gòn.

Ông đã được Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều huân huy chương:



  • Huân chương Độc lập hạng ba;

  • Huân chương Quân công hạng hai;

  • Huân chương Chiến thắng hạng hai;

  • Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất;

  • Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, ba;

  • Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba;

  • Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba;

  • Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba;

  • Huy chương Quân kỳ quyết thắng.

Ông mất ngày 26 tháng 3 năm 2004.

32. HÒANG KIM GIAO (1941 - 1968)

Liệt sĩ. Quê quán: Hải Phòng.

Ông xuất thân trong một gia đình cả bố mẹ đều hoạt động cách mạng.

Ông là một chiến sĩ trẻ, một trong ba mươi cán bộ, chiến sĩ được cử theo học lớp Vật lý khóa 6 (1961 - 1965) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau khi ra trường, ông được điều động về Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Ông miệt mài học thêm chuyên ngành Vô tuyến Điện tử ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và học thêm ngoại ngữ.

Năm 1965, ông tham gia đề tài khoa học "Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông" do Bộ Quốc Phòng chủ trì.

Khi đề tài thành công, ông được giao nhiệm vụ phục vụ chiến trường và đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đã hướng dẫn cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong tháo gỡ và phá được hàng ngàn quả bom.

Ông đã anh dũng hy sinh cuối năm 1968 trong khi làm nhiệm vụ.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng khoa học cao nhất của Việt Nam). Và nhiều phần thưởng cao quý khác: Huân chương Chiến công hạng nhì, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.



33. VÕ NGUYÊN GIÁP (1911 - 2013)

Đại tướng, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước.

Năm 14 tuổi, Đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa ở Trường Quốc học Huế. Năm 1927, gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1930, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng.

Đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, Đồng chí đã tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.

Tháng 12 năm 1944, Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt, năm 1954, Đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đồng chí đã tham gia cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hòan toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của Đồng chí gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc.

Hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù.

Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được làm nên bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta cùng trí tuệ của một tập thể cán bộ lãnh đạo tài năng, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng mà Đồng chí là một trong những người tiêu biểu.

Quá trình tham gia lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng, cùng với Trung ương Đảng, Bác Hồ, Đồng chí có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Học thuyết đó kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với lực lượng vũ trang và quân đội, Đồng chí đặc biệt quan tâm, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, thương yêu cán bộ, chiến sĩ; luôn bám sát thực tiễn, có mặt ở những địa bàn, chiến trường trọng yếu. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, một vị Tổng tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, thân thiết.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở cương vị nào, Đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới...

Trong nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác giáo dục, rèn luyện, Đồng chí đã luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thường xuyên nhấn mạnh phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Đồng chí luôn căn dặn cán bộ phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới, gắn bó mật thiết với nhân dân. Bản thân Đồng chí không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, thực hành nói và làm theo tư tưởng, tấm gương của Bác, luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sống giản dị, khiêm tốn; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn Đồng chí là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.

Đối với phong trào cách mạng thế giới, cống hiến của Đồng chí góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh. Tên tuổi của Đồng chí đã được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ngưỡng mộ, cảm phục.

Đối với quê hương Quảng Bình, Đồng chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt, mong mỏi Quảng Bình ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp. Đồng chí là niềm tự hào to lớn của mỗi người dân Quảng Bình.

Trong gia đình, Đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, đức hy sinh, luôn gần gũi, bao dung, quan tâm đến mọi người.

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng và những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.



34. LÊ THIẾT HÙNG (1908 - 1986)

Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tên thật là Lê Văn Nghiệm, quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Năm 1940, ông làm đại diện cho Việt Nam Giải phóng Đồng minh (sau đổi thành Việt Nam Độc lập Đồng minh).

Ngày 9/3/1945, ông chỉ huy lực lượng Việt Minh giành chính quyền tại Thất Khê, Đồng Đăng, Na Sầm

Tháng 11/1946, ông được cử giữ chức Chủ tịch của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương, ông giữ chức Khu trưởng Chiến khu IV. Tháng 7/1947, ông về tham gia xây dựng Bộ Tổng tham mưu Quân đội quốc gia Việt Nam. Tháng 1/1948, ông giữ chức Tổng thanh tra quân đội. Ông có tên trong danh sách 9 Thiếu tướng được phong lần đầu tiên năm 1948. Ông từng là chỉ huy trưởng mặt trận Bắc Cạn và Tuyên Quang.

Từ 1950 - 1963, Ông lần lượt giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quân huấn kiêm hiệu trưởng trường Lục quân Việt Nam, Tư lệnh Bộ chỉ huy pháo binh, Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh kiêm chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng không. Năm 1963, ông chuyển sang làm công tác đối ngoại: đại sứ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Triều Tiên. Tháng 5/1970, ông làm phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

35. TRẦN SĨ HÙNG (1921 - Không rõ năm mất)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (tên gọi khác: Trần Xuân Bái, Tư Hùng). Quê quán: xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Năm1937, ông tham gia phong trào Bình dân và Việt Minh khi mới 16 tuổi. Năm 1942, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh thị xã Phủ Lý.

Tháng 8 năm 1945 đến 1946, ông là Trưởng ban Trinh sát Ty Liêm phóng

Hà Nam và sau là Trưởng ban Đặc vụ tỉnh ủy Hà Nam.

Năm 1947, ông được Đảng cử lên chiến khu Việt Bắc phụ trách công tác dân vận an toàn khu của Chính phủ. Tại đây, ông được tiếp cận với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hòang Quốc Việt,… Đặc biệt, ông được phục vụ bên cạnh Bác Hồ.

Tháng 5 năm 1955, ông bị địch bắt tại Sài Gòn. Trong suốt 5 năm giam giữ, chúng đã đã đưa ông qua nhiều trại giam như Lê văn Duyệt, Biệt phòng khét tiếng p42, Trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa), Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn, nhà tù Phú Lợi… Dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Ra tù, ông lại tiếp tục móc nối với tổ chức và cơ sở cách mạng để tiếp tục hoạt động. Năm 1968, ông cùng đồng đội tấn công Đại sứ quán Mỹ.

Năm 1969, do ảnh hưởng từ những đòn tra tấn của địch, ông bị bệnh nặng và được tổ chức đưa ra Bắc rồi được đưa sang Trung Quốc và Hungary để chữa bệnh. Sau đó, ông về nhận công tác ở Cục Bảo vệ chính trị 1 - Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu.



36. NGUYỄN VĂN KIẾT (1906 - 1987)

Giáo sư, Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên. Quê quán; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Sau khi học hết tiểu học tại quê nhà, ông sang Pháp du học, lấy bằng Cử nhân Văn chương (Poitiers - 1931) và Cao học Triết (Paris - 1933).

Năm 1937, ông về nước, dạy học tại trường Trung học Phan Thanh Giản rồi làm hiệu trưởng trường Trung học tư thục Nam Hưng (Cần Thơ). Sau cách mạng tháng Tám, ông tham gia kháng chiến và viết sách tại Cần Thơ và Mỹ Tho. Năm 1956, ông lên Sài Gòn dạy tiếng Pháp và Việt văn tại trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm và Đại học Kiến trúc. Ông tiếp tục giữ liên lạc với các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở nội đô. Ông viết bài và xuất bản nguyệt san “Tiếng nói trí thức” đấu tranh bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, cho hòa bình và thống nhất nước nhà.

Từ 1963 - 1968, nhà ông là nơi hội họp của Ban Trí vận nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau 1968, ông ra vùng giải phóng, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam. Ông tham gia thành lập liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Thường trực. Năm 1969, Ông được cử giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên.

31/01/1977, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

37. ĐOÀN KHUÊ (1923 - 1998)

Đại tướng, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng. Quê xã Triệu Lãng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Tham gia cách mạng năm 1939, Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt giam đày đi Buôn Ma Thuột. Tháng 6/1945 tham gia thành lập tỉnh ủy lâm thời, Chủ nhiệm Việt Minh, ủy viên Quân sự tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, 1946 - 1947 chính trị viên Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi. 1947 -1954 chính ủy Trung đoàn, Phó chính ủy Sư đoàn 305.

Trong Kháng chiến chống Mỹ, 1954 - 1960 là phó chính ủy Sư đoàn 675, phụ trách Chính ủy Sư đoàn 351; Chính ủy Lữ đoàn 270. Năm 1960 - 1964, là Phó Chính ủy Quân khu 4. Năm 1964 - 1975 , là Phó Chính ủy Quân khu 5, tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch trên địa bàn Quân khu.

Năm 1977 - 1983, là Chính ủy kiêm tư lệnh Quân khu 5. Tháng 5/1983 - 1987, là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, rồi tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. 1987 - 1991, là Thứ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1991 - 1997, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Ông được phong quân hàm đại tướng năm 1990.

Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa IV - VIII, Ủy viên Bộ chính trị khóa VI -VIII (1997). Đại biểu Quốc hội khóa VII - IX.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ông mất năm 1998, tại Hà Nội.

38. TÔN THẤT DƯƠNG KỴ (1914 - 1987)

Giáo sư. Quê quán: xã Văn Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sau cách mạng tháng Tám, ông là Thư ký Hội Trí thức Cứu quốc Thừa Thiên - Huế (1945 - 1946). Năm 1949, ông sáng lập và biên tập tạp chí “Tiến hóa” - cơ quan tranh đấu văn hóa - chính trị của trí thức miền Trung. Sau khi tạp chí bị địch đóng cửa, năm 1954, ông lại ra tập văn “Ngày mai” - cơ quan đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, nhưng lại bị Mỹ - Diệm đóng cửa, ông bị bắt giam. Năm 1955, sau khi ra tù, ông vào Sài Gòn dạy trường Marie Curie, Đại học Văn khoa và Đại học Vạn Hạnh. Năm 1962, ông hoạt động công khai và cùng những người yêu nước khác lãnh đạo Phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy ban Vận động hòa bình Việt Nam với cương vị Tổng thư ký. Tháng 3/1965, ông bị địch bắt giam rồi “trục xuất” qua cầu Hiền Lương ra miền Bắc. Sau đó, ông lại trở về miền Nam hoạt động. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông được cử làm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.

Từ năm 1977, ông được cử làm Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

39. NGÔ LIÊN (1918 - 2001)

Nhà hoạt động cách mạng. Ông còn có tên là Ngô Nhữ Niên, bí danh Ba Đức; quê ở huyện Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Hoạt động cách mạng từ 1937. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công giữ chức vụ Đảng ủy viên Đảng bộ chuyên trách công tác Hoa kiều Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ tháng 9/1945 - 4/1952, ông lần luợt đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Ban Hoa vận Xứ ủy Nam Kỳ, Phó Chủ tịch Tổng hội Giải liên Nam Bộ. Tháng 5/1952 - 5/1954, ông được Trung ương cử đi học tại Viện Mác - Lênin Bắc Kinh.

Từ tháng 5/1954 - 2/1965, ông lần lượt giữ chức: Ủy viên Ban Hoa vận Trung ương, Vụ trưởng Vụ Hoa vận Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng hội Hoa liên Việt Nam tại Hà Nội. 1965 - 1974: Trưởng ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày giải phóng, ông giữ các chức vụ: Phó ban Dân vận Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, chuyên gia đoàn A.50 tại Campuchia, đại biểu quốc hội khóa VI, VII, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố, Phó ban công tác người Hoa thành phố, thành viên Hội Hữu nghị Việt - Trung thành phố…

Ông được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, huy chương khác.



40. ĐẶNG THÚC LIÊNG (1867 - 1945)

Nhân sĩ yêu nước. Quê ở làng Tân Phú, Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Ông là một nhân sĩ nhiệt thành yêu nước, từng hoạt động chung với Trần Chánh Chiếu và Nguyễn An Khương. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Mỹ Tho vì hoạt động chính trị chống Pháp, ba tháng sau được thả. Năm 1911, ông trở lên Sài Gòn viết bài cho các báo: Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Trung lập và sau cùng Đại Việt tạp chí…

Năm 1931, ông lập tờ Việt dân báo. Năm 1934, ông sáng lập Hội Việt Nam Y dược. Khoảng năm 1944, ông cùng với Lê Phát Vĩnh xuất bản tờ báo Đông Phong. Ông đã viết nhiều tác phẩm được xuất bản có giá trị như Quốc văn hồn, Hán văn thi tập, Việt âm thi tập, Tâm quyển giải, Chủng mạch tân biên...

Ông mất năm 1945 tại Sa Đéc, Đồng Tháp.



41. QUẢN TRỌNG LINH (1907 1975)

Nhà hoạt động cách mạng. Bí danh Lê Minh. Quê quán: xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1930, ông được điều về công tác ở Ban Kinh tế của Lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 19/6/1931, ông bị địch bắt ở Mỹ Tho. Ngay đêm đó, ông trốn thoát về Bạc Liêu, Rạch Giá và bị mất liên lạc với tổ chức Đảng. Ông tự tổ chức 2 nông hội phát triển thành 2 chi bộ, tổ chức thành công hai cuộc biểu tình đòi lại ruộng đất cho nông dân.

Năm 1937, ông bắt được liên lạc với Đảng và trở thành Đảng viên trực thuộc Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Cũng trong năm này, ông lại bị địch bắt lần thứ 2. Năm 1938, ông bị Tòa Đại hình Sài Gòn kết án 15 năm tù và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1941, ông vượt ngục về đến Gò Công thì bị bắt. Sau đó, ông bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 4 năm tù khổ sai ở Côn Đảo. Năm 1942, ông tiếp tục vượt ngục Côn Đảo (lần thứ 2) và lần này bị bắt lại ở Cà Mau. Cũng trong năm này, ông tiếp tục bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 5 năm.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được rước về đất liền và được phân công làm Trung đội trưởng du kích quận Phong Điền (Cần Thơ). Năm 1946, ông làm cán bộ liên lạc đặc biệt của Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1947, ông là Bí thư Chi bộ Công an trực thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 8 năm 1948, ông được cử làm Phó Ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1949, ông được bầu làm Ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 7 tháng 8 năm1949, ông bị cảnh sát đặc biệt miền Đông bắt giữ và sau đó bị giam ở khám Chí Hòa. Năm 1951, ông là người đầu tiên đã vượt khám Chí Hòa thành công và về Dĩ An (Bình Dương) tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm kiểm soát viên công an đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1952, ông được cử đi học khóa Trường Chinh. Năm 1953, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Chấp pháp Sở Công an Nam Bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, nhận công tác ở Bộ Công an và làm Trưởng Phòng V (Phòng Giao thông liên lạc Bắc - Nam) của Ủy ban Thống nhất cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999).

Ông mất năm 1975 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

42. DƯƠNG BẠCH MAI (1905 - 1964)

Nhà cách mạng. Quê ở Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Thuở nhỏ ông học ở Sài Gòn, sau sang Pháp học, tham gia Đảng Cộng sản Pháp, rồi được cử sang Matxcơva học Trường Đại học Phương Đông. Năm 1932, ông về nước hoạt động báo chí ở Sài Gòn, cộng tác với các báo: La Cloche Fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền cùng các ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Năm 1936, ông tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ, trúng cử Hội đồng quản hạt Sài Gòn. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt và bị đày ra Côn Đảo, được trả tự do 1943, nhưng bị quản thúc ở Biên Hòa. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn năm 1945, sau đó phụ trách công tác an ninh trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông là thành viên đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt (1946), sau đó được điều ra miền Bắc công tác. Ông là người có công tổ chức và lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Ông mất năm 1964 tại Hà Nội.

43. CHU HUY MÂN (1913 - 2006)

Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam. Ông tên thật là Chu Huy Điều, quê ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An.

Ông tham gia cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930. Từ 1937 - 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum.. Năm 1943, ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1945, ông tham gia quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam rồi Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên khu Việt Bắc. Tháng 5/1951, ông làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Năm 1961, ông được phân công là Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia giúp cách mạng Lào, giữ cương vị Đoàn trưởng Đoàn 100 với bí danh Vũ Chân. Tháng 8/1965, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ 1967 - 1975, ông là Tư lệnh Quân khu 5, Phó bí thư Đảng ủy Quân khu, Chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Từ 1975 - 1976, ông là Chính ủy kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), ông được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977 - 1986), phụ trách công tác giúp cách mạng Lào, Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc (1980).

Ông là đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981 - 1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V.

Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ông mất năm 2006, tại Hà Nội.


Каталог: Uploads -> Articles03
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles03 -> BỘ TÀi chính nưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles03 -> Phụ lục số I nội dung đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo mou vào năm 2014
Articles03 -> Các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (sau đây gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương