Phụ lục 1 danh sách các nhân vật lịch sử, ĐỊa danh bổ sung Quỹ tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh



tải về 0.53 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.53 Mb.
#11051
1   2   3   4   5   6

65. HUY CẬN (1919 - 2005)


Nhà thơ xuất sắc phong trào thơ mới, Bộ trưởng Bộ canh nông. Ông quê làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Năm 1942, vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7-1945, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau là Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), sau đó vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời. Từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1946 ông là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ.

Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (12-1946 đến 7-1947) rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế (1947-1949). Từ 1949 đến 1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. Từ 1955 đến 1984: Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Từ tháng 9-1984: Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 và 7. Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I-1996). Ông mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.



66. PHẠM TRỌNG CẦU (1935 - 1998)

Nhạc sĩ, sinh năm 1935 ở Nam Vang, Cam Pu Chia.

Năm 1943, gia đình ông trở về Sài Gòn. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, gia đình ông chuyển về miền Tây Nam Bộ. Ông sống và học tập tại Vũng Liêm, tham gia Đội tuyên truyền xung phong huyện.

Năm 1948, ông trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của học sinh sinh viên. Một thời gian sau, ông vào bộ đội tiểu đoàn 308 rồi Trung đoàn Cửu Long.

Năm 1962, ông sang Pháp thi vào nhạc viện Paris. Tại Paris, ông viết bản “Mùa thu không trở lại” nổi tiếng. Năm 1969, ông về nước giảng dạy tại trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, tham gia các đoàn văn nghệ như Nguồn sống, sinh viên Phật tử Vạn Hạnh và hoạt động nội thành. Năm 1972, ông bị địch bắt đến 1975 thì được thả.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về công tác ở Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và là Ủy viên Hội Âm nhạc thành phố.

67. TÁM DANH (1901 - 1976)

Nghệ sĩ cải lương. Ông tên thật là Nguyễn Phương Danh. Quê quán: xã Sơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang..

Ông gia nhập sân khấu cải lương từ thời kỳ “ca ra bộ”, đã hợp tác với các gánh hát Đồng Bào Nam, Phước Cương, Thanh Tùng, Huỳnh Kỳ và lập gánh Danh Đàng (Tám Danh và Hai Đàng, nữ diễn viên của gánh Trần Đắc). Những vai nổi tiếng của ông : Hà Công Yên (Tứ Đổ Tường), Bao Công (Xử án Bàng Quý Phi), Tề Thiên Đại Thánh (Mẫu Đơn Tiên), Phan Nhân (Số độc đắc).

Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Cần Thơ, giữ chức vụ Chủ tịch xã Phú Khánh một thời gian. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông công tác trong Phòng Chính trị Vệ quốc đoàn khu VIII . Năm 1949, ông được phân công về hoạt động bí mật ở Sài Gòn, liên lạc với Năm Châu, Tư Trang, Bảy Nhiêu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là một trong số những người sáng lập và lãnh đạo Đoàn Cửu Long (tiền thân của đoàn Văn công Nam Bộ).

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Hai mươi năm ở miền Bắc, ông làm diễn viên, đạo diễn, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đào tạo lớp trẻ, học trò rất quý trọng ông. Ông từng được bầu làm Đại biểu Quốc hội và được tặng thưởng Huân chương Độc lập.

Sau khi mất được ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”.



68. BA DU (1904 - 1980)

Nghệ sĩ Cải lương. Tên thật là Phan Văn Hai. Quê xã Chánh Hiệp nay là

xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Từ khi còn là học sinh trung học, ông đã đam mê đờn ca tài tử. Là một nghệ sĩ cải lương, ông đã nổi tiếng trong các vở: Mộc Quế Anh dâng cây, Anh hùng náo tam môn giai, Thôi Tử thí Tề Quân… với lối hát, diễn nhiều sáng tạo, có “đánh đồ thiệt” (dùng đồ binh khí thật đánh nhau bằng võ Thiếu lâm). Đồng thời, ông cũng là soạn giả cải lương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở Đồng Tháp Mười, góp phần xây dựng Đoàn Ca kịch Cửu Long (đội cải lương của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ).

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Đoàn Cải lương Quân đội, Ban Nghiên cứu sân khấu cải lương, Hiệu phó Trường Ca kịch dân tộc, đem kinh nghiệm của nhiều năm trong nghề xây dựng các đoàn cải lương, đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ, nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Ông có công lớn trong việc xây dựng Đoàn Cải lương Nam Bộ.

Ông mất năm 1980, được truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” năm 1984.

69. NAM ĐÌNH (1906 - 1978)

Nhà báo yêu nước . Tên thật là Nguyễn Thế Phương. Quê Long An.

Ông vào làng báo năm 1926, là phóng viên chuyên đề về tòa án của nhiều tờ báo ở Sài Gòn. Sau đó ông là chủ bút tờ Đuốc Công lý, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Thần Chung (1949), tham gia làm báo Đuốc Nhà Nam.

Ông là nhà báo nổi tiếng với chủ trương thống nhất Tổ quốc, chống âm mưu thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, bù nhìn của Pháp. Là tác giả nhiều tiểu thuyết được ưa chuộng như Tuý Hoa Đình, Mộng Hoa, Giọt lệ má hồng, Vô oan trái, Bó hoa lài, Cô Bạch Mai. Và các sách nghiên cứu lịch sử: Sài Gòn tháng 9 năm 1964, 83 năm nước Pháp và Việt Nam đã mấy lần ký Hiệp ước.

Ông mất tại Pháp năm 1978.



70. NĂM ĐỒ (1916 - 1992)

Nghệ sĩ hát bội .Tên thật là Nguyễn Thị Đồ. Quê làng Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh.

Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, cha là thầy đờn. Bà học hát bội từ rất sớm, trong thời gian đi theo gánh hát Tấn Thành Ban. Là nghệ sĩ hát bội, bà đã hát trên các sân khấu: Tấn Thành Ban, Tấn Thành B, Tấn Thành - Năm Đồ, Phước Thành. Sau năm 1975, từ cuộc thi sân khấu hát tuồng tại Quy Nhơn (1975) và sau chuyến biểu diễn ở Hà Nội nhân Đại hội Đảng lần thứ IV, Đoàn Nghệ thuật hát bội thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và nghệ sĩ Năm Đồ là một trong những nghệ sĩ trụ cột của đoàn. Bà đã tận tình truyền nghề và kinh nghiệm cho các thế hệ diễn viên trẻ. Những vai diễn nổi tiếng để lại ấn tượng sâu sắc của nghệ sĩ Năm Đồ: Thần nữ (Thần nữ dâng ngũ linh kỳ), Lưu Kim Đính (Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu), Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), Chung Vô Diệm (Chung Vô Diệm), Phàn Lê Huê (Phàn Lê Huê cứu Hồng thủy trận). Đặc biệt, bà rất xuất sắc trong các vai nam: Trương Phi, Trịnh Ân, Châu Xương…

Năm 1979, bà đoạt giải thưởng của UNESCO với trích đoạn hát bội “Yến Phi Long tiễn chồng” và được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” năm 1984.

Bà mất năm 1992 tại thành phố Hồ Chí Minh.



71. PHÙNG HÁ (1911 - 2009)

Nghệ sĩ Cải lương. Tên thật là Trương Phụng Hảo. Quê xã Điền Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Là một trong những nghệ sĩ cải lương xuất sắc nhất thời kỳ đầu của sân khấu cải lương. Bà vào nghề năm 13 tuổi. Đã tham gia nhiều gánh hát: Tái Đồng Ban, Thầy Năm Tú, Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phi Phụng, Phụng Hảo I, Phụng Hảo II, Phụng Hảo III, Tam Phụng Hảo,Việt kịch Năm Châu… Các vai diễn xuất sắc: Mạnh Lệ Quân, An Lộc Sơn, Lữ Bố, cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt … Ngoài việc đi hát bà còn giảng dạy ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, đào tạo rất nhiều học trò là những nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay. Cùng với soạn giả Nguyễn Thành Châu, soạn giả Trần Hữu Trang, bà đã sáng lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu. Từ năm 1975, bà tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật sân khấu II (thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Cải lương Sài Gòn I, Đoàn cải lương Sài Gòn II, cố vấn nghệ thuật Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cố vấn Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố và là Trưởng Ban giám khảo của các cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương 1988 - 1989.

Bà là một trong những nghệ sĩ cải lương kỳ cựu nhất. Bà đã được nhiều giải thưởng lớn về diễn xuất trước năm 1975, được giải thưởng của Hội Âm nhạc Quốc tế và được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” năm 1984.

Bà mất năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh.



72. VŨ TUYÊN HNG (1938-2008)

Giáo sư, Viện sĩ viện hàn lâm khoa học. Quê quán: Hà Nội.

Ông là con của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan  (1902 - 1987, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I-1996) và nữ sĩ Hằng Phương (1908 - 1983).

Từ năm 1955 đến năm 1960: học tập tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Từ năm 1961 đến năm 1968: là giảng viên, sau đó giữ chức trưởng Bộ môn Di truyền chọn giống cây trồng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Năm 1973: Ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) trường Đại học Nông nghiệp, Krasnodar, Liên Xô. Năm 1977: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học).

Từ năm 1977 đến năm 1999 ông giữ chức các chức vụ: Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; từ năm 1989 đến năm 1993 là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp; từ năm 1978 đến năm 1995, là Chủ nhiệm các chương trình khoa học kỹ thuật Nhà nước về cây lương thực và cây thực phẩm; từ 1982 đến năm 1989, là ủy viên Hội đồng Giải thưởng Nhà nước Việt nam. Từ 1989 đến 1999, là Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp Việt Nam. Ông Được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm khoa học Thế giới đang phát triển, Đông Nam Á.

Từ năm 1999 đến khi mất, ông đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII và VIII, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa VIII, XI và XII, ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia của chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

Ông mất năm 2008 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.

73. TỐ HỮU (1920 - 2002)

Nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tên thật là Nguyễn Kim Thành. Quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 13 tuổi ông vào học trường Quốc học Huế. Tại đây ông đã được tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ của thời đại: tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Enghels, Vladimir Ilyich Lenin, Marxim Gorki, Hồ Chí Minh… qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu.

Năm 1938, ông gia nhập Đoàn Thanh niên và sau đó được kết nạp Đảng.

Tháng 4 năm 1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và bị đày đi nhiều nhà lao. Trong tù, ông luôn giữ vững khí tiết, tiếp tục hoạt động cách mạng ở mọi hòan cảnh. Cuối năm 1941, ông vượt ngục về hoạt động bí mật ở Hậu Lộc, Thanh Hoá. Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là chủ tịch ủy ban khởi nghĩa của thành phố Huế. Năm 1946, ông là bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó ông luôn giữ những trọng trách trong công tác văn nghệ cũng như trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm 1948 ông là Phó tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam. Năm 1963, ông là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Tại đại hội Đảng lần thứ II (1951), ông là ủy viên dự khuyết Trung ương, năm 1955, ông là ủy viên chính thức. Tại đại hội Đảng lần thứ III (1960), ông vào Ban Bí thư. Tại đại hội Đảng lần thứ IV (1976), ông là ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó ban nông nghiệp Trung ương. Từ năm 1980, ông là ủy viên chính thức Bộ chính trị. Năm 1981, ông là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng tới năm 1986. ngoài ra ông còn là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như: hiệu trưởng trường Nguyễn Ai Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.

Những tác phẩm văn học nổi tiếng của ông gồm: Từ ấy (thơ, 1946), Việt Bắc (thơ, 1954), Gió lộng (thơ, 1964), Ra trận (thơ, 1972), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981), Đợi anh về (thơ dịch, 1998)…

Ông đã được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải nhất giải thưởng văn học Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955, Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (1996).

Ông mất ngày 09/12/2002, tại Hà Nội.



Каталог: Uploads -> Articles03
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles03 -> BỘ TÀi chính nưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles03 -> Phụ lục số I nội dung đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo mou vào năm 2014
Articles03 -> Các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (sau đây gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương