Nnc nguyễn quang trung tiếN


Sơn Triều chống Pháp của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình



tải về 271.6 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích271.6 Kb.
#38220
1   2

2. Sơn Triều chống Pháp của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình

Đầu tháng 9 năm 1885, sau nhiều ngày trèo đèo lội suối trên đất Lào, khi vượt qua đèo Quy Hợp đến vùng Hàm Thao, gần Sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi được Tổng đốc Nghệ An kiêm chỉ huy Sơn phòng Hà Tĩnh là Nguyễn Chánh đem quân đón tiếp, đưa về trú ở làng Phú Gia thuộc huyện Hương Khê. Phạm Văn Mỹ hay tin đem 500 quân nhập vào đoàn tuỳ tùng của vua Hàm Nghi7. Sau đó, Phan Đình Phùng đón vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết về Sơn phòng Hà Tĩnh.

Tại Sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết tiến hành củng cố nhân sự, tổ chức chiêu mộ nghĩa quân, bố trí đồn trại ở các chỗ hiểm yếu... Vua phong cho Phan Quang Cự làm Bố chánh Hà Tĩnh, Huỳnh Xuân Phong làm Sơn phòng Chánh sứ, Nguỵ Khắc Kiều làm Phó sứ, Phan Khắc Hoè làm Án sát, Phan Đình Phùng làm Tán lý, Phan Trọng Mưu làm Tham biện. Trương Quang Ngọc là một thổ ty vốn người to khoẻ, giỏi võ ở vùng Thanh Lạng cũng đem đội quân thiện chiến người Mường đến ứng nghĩa, được vua Hàm Nghi phong chức Hiệp quản, bổ sung vào đoàn quân hộ giá.



Biết tin vua Hàm Nghi ở tại Ấu Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 10 năm 1885 thiếu tướng Prud’homme tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt nhà vua nhằm dập tắt phong trào kháng chiến. Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng tùy tùng lui vào vùng Bãi Đức,9 Quy Đạt10 thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình để tránh giặc. Theo gót Hàm Nghi có Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Đàm,11 Tôn Thất Tiệp,12 Trần Xuân Soạn với chừng 100 lính và đoàn dân công chuyển 50 thùng vật dụng, 3 thớt voi và 5 con ngựa. Đạo quân Mường của Trương Quang Ngọc đi đoạn hậu để chặn giặc.

Đoàn quân kháng chiến đi về phía xóm Đồng Nguyên thuộc làng Cổ Liêm,13 nhưng không tìm thấy địa thế thích hợp, nên kéo đến xóm Lim ở làng Ba Nương14. Tám ngày sau, quân Pháp từ Bãi Đức tiến đến Trành (làng Kiên Trinh thuộc tổng Thanh Lạng), vua Hàm Nghi liền vào trú quân ở sách Cát Đặng trong thung lũng Ma Rai thuộc tổng Kim Linh15. Một ngày sau, toán quân gồm 35 lính Pháp do đại uý Hugo chỉ huy kéo đến Ba Nương16. Không thấy nghĩa quân, giặc bèn tra khảo một người dân địa phương để nắm tin tức, rồi đuổi theo vua Hàm Nghi đến núi Lập Cập (còn gọi là eo Lèn hay Hung Ải)17. Quân nhà vua đã phục kích sẵn tại eo Lập Cập thấy quân Pháp đến liền nổ súng, đạn và tên nỏ của nghĩa quân bắn ra tới tấp, hơn một nữa đội quân Pháp bị thương vong, đại uý Hugo bị thương đến hai lần do trúng tên. Bị thất trận, Hugo phải thu quân về Bãi Đức, hợp với cánh quân đang đồn trú tại đó kéo toàn bộ trở lại Vinh vào ngày 28 tháng 12 năm 1885. Đến ngày 3 tháng 1 năm 1886, Hugo chết vì tên tẩm độc đã phát tác18.

Vùng Ma Rai rất rộng, lọt thỏm giữa một thung lũng hẹp bốn bên núi rừng cao ngất, là một địa bàn hiểm yếu. Chiều dài của thung lũng theo hướng Đông Tây khoảng 10km, chiều rộng khoảng 1-2km. Muốn vào thung lũng này phải qua hai cái đèo (tiếng địa phương gọi là eo): đèo Ông Ðùng, hay còn gọi là eo Cà Bời, ở phía Đông (nếu đi theo con đường nay thuộc xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa vào); đèo Lập Cập ở phía Bắc (nếu đi theo con đường này thuộc các xã Hóa Tiến và Hóa Hợp, huyện Minh Hóa vào). Từ thung lũng này muốn rút lui có hai đường: vượt qua núi Pun về phía Tây ra La Văn đến Khe Ve, hoặc vượt qua dãy Trường Sơn ở phía Nam theo ngả đèo Mụ Giạ (nay thuộc xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá) để qua Lào.



Sau trận thắng Lập Cập, do địa thế vùng Ma Rai đất rộng, rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt nhưng lại quá nghèo, nếu giặc bao vây chặn mất đường eo Lập Cập thì khó liên hệ được bên ngoài để mở rộng địa bàn hoạt động và tập hợp lực lượng chống Pháp; nên sau 3 tháng trú đóng, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định rút khỏi thung lũng Ma Rai đi về hướng Tây qua núi Pun, theo đường La Văn về Tân Yên,19 sau đó chuyển lên Tà Bảo, rồi Khe Ve thuộc tổng Thanh Lạng20.



Cầu Khe Ve (Ảnh 2004)21

Nơi vua Hàm Nghi đặt căn cứ kháng chiến trong những năm 1886-1888



Vua Hàm Nghi lập căn cứ ở cửa Khe, đắp luỹ cao hai thước tạo thành đồn chiến đấu. Đây là căn cứ nằm bên bờ sông Nan - một nhánh quan trọng thuộc thượng nguồn sông Gianh. Trên địa bàn Khe Ve có rất nhiều hang động, nhờ đó vua Hàm Nghi gặp thuận lợi hơn trong việc đóng quân và cất giấu lương thực22. Muốn đến vùng Khe Ve, phải qua hai dãy núi đá Ma Rai và Lập Cập rất hiểm trở. Nhân dân Mường chung quanh tuy nghèo khổ vẫn mang lương thực đến ủng hộ khá nhiều, vua Hàm Nghi thấy vậy liền sai người đem tiền trả lại cho đồng bào.

Đầu tháng 1 năm 1886, lại một cánh quân từ Vinh do trung uý Camus chỉ huy phối hợp với quân Pháp trú phòng ở Hà Tĩnh lên đường tìm bắt vua Hàm Nghi. Ngày 10 tháng 1 năm 1886, từ Hà Tĩnh quân Pháp kéo lên Tốc Kỳ, Làng Mai và đến gần cửa Khe Ve ở thượng nguồn sông Nan thì phát hiện dấu vết của nghĩa quân. Rút kinh nghiệm sau trận đại bại của Hugo, lần này quân Pháp tiến rất chậm, song vẫn bị nghĩa quân theo dõi từng bước. Ngày 17 tháng 1 năm 1886, quân Pháp đến gần cửa Khe Ve thì bị nghĩa quân chặn đánh. Cuộc giao chiến diễn ra ác liệt, Camus trúng tên bị thương nên giao quyền chỉ huy lại cho trung uý Freystatter. Quân Pháp lại tiếp tục kéo binh vượt qua Khe Ve thì bị nghĩa quân mai phục bên bờ hữu ngạn đánh úp, Camus cùng 3 lính Pháp tử trận tại chỗ, 8 lính Pháp khác bị thương, cuộc hành binh bị bẻ gãy hoàn toàn. Freystatter vội vàng đem tàn quân chạy về Bãi Đức, từ đó rút về Vinh vào ngày 21 tháng 1 năm 188623.



Ngã ba Khe Ve (Ảnh 2004)24

Vùng đất nằm trong căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi giai đoạn 1886-1888


Q
Sơ đồ khu vực thượng nguồn sông Gianh (Do B. Bourotte minh họa), nơi đứng chân của Sơn Triều Hàm Nghi trong 3 năm (10/1885-10/1888)

ua hai lần thất trận nhục nhã, người Pháp xác định phải đánh đồn cửa Khe và tiêu diệt Sơn Triều của Hàm Nghi bằng mọi giá. Cuộc hành quân qui mô của Pháp đã được vạch ra: một cánh của thiếu tá Plagnol từ Vinh tiến lên Bãi Đức, cánh thứ hai của thiếu tá Pelletier từ Hà Tĩnh vượt qua đèo Quy Hợp, xuôi theo Khe Ròi thọc xuống. Cả hai cánh quân cùng lúc đánh vào căn cứ cửa Khe Ve của vua Hàm Nghi. Đây là một trận đánh sinh tử bởi vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên dù chiến đấu anh dũng, gây nhiều thiệt hại cho Pháp, nghĩa quân Hàm Nghi vẫn phải rút chạy. Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn đem một ít quân theo ngã Quy Đạt ra Hà Tĩnh, rồi sau đó ra Bắc để qua Trung Quốc cầu viện vào tháng 2 năm 1886. Đạo quân Mường của Trương Quang Ngọc cùng hai anh em Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp đưa vua Hàm Nghi rút sâu vào rừng núi phía Tây. Trong trận này nghĩa quân Hàm Nghi bị tổn thất khá nặng, bỏ lại nhiều ngựa, gươm súng và áo quần thường dùng của nhà vua.

Từ căn cứ cửa Khe Ve, vua Hàm Nghi sang núi Ma Rai, rồi từ đó thường xuyên luân chuyển, khi thì ở Ma Rai, khi thì về Thanh Cước, lúc lại sang Khe Ve, quanh quẩn mãi trong vùng rừng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh và Cam Môn (thuộc Lào). Hai lữ đoàn tăng cường của trung tá Metzinger và trung tá Mignot đưa quân săn lùng ráo riết nhưng không tài nào tìm được vua Hàm Nghi, nên cuối cùng phải rút về đóng ở Quảng Khê (cửa sông Gianh) và thành Đồng Hới. Ngày 16 tháng 2 năm 1886, đích thân thiếu tướng Prud’homme ra Quảng Bình chỉ huy chiến dịch bao vây Hàm Nghi. Quân Pháp triển khai chiếm đóng Hà Tĩnh, thiết lập căn cứ chợ Đồn và ở cửa sông Gianh để kiểm soát. Đạo quân “miền thượng nguồn” của Metzinger được lệnh bao vây thung lũng phía trên sông Gianh, chặn các đường giao thông phía Tây và phía Nam vùng Khe Ve. Còn đạo quân “miền hạ lưu” của Mignot thì chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực phía dưới.



Ngày 28 tháng 2 năm 1886, quân Pháp đến vùng Khe Ve, vua Hàm Nghi theo con đường mòn bí mật qua phía Nam vùng Khe Ve đến Ngả Hai, sau đó đi vào khu vực biên giới và trú ngụ tại đó để tránh sự truy lùng. Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 3 năm 1886, từ Khe Ve quân Pháp toả đi các hướng chung quanh, chiếm các điểm cao chia cắt Khe Mòi với sông Nan, lục soát Khe Doi nơi vua Hàm Nghi từng trú ẩn, nhưng vẫn không thu được kết quả. Quân Pháp tiếp tục truy lùng thêm 10 ngày nữa rồi đành bỏ cuộc kéo quân trở về Đồng Hới25.

Sau cuộc rút lui của quân Pháp vào tháng 3 năm 1886, hoạt động điều hành cuộc kháng chiến của Sơn Triều do vua Hàm Nghi đứng đầu tỏ ra có hiệu quả hơn trước. Từ Sơn Triều ở Quảng Bình, vua Hàm Nghi và bộ tham mưu chỉ đạo hoạt động chống Pháp thông qua việc phong chức cho các thủ lĩnh và phân công địa bàn phụ trách như Nguyễn Quang Bích nhận hàm Lễ bộ Thượng thư phụ trách vùng Tây Bắc (Bắc Kỳ); Nguyễn Thiện Thuật nhận hàm Bố chánh Hải Hưng, sau thăng làm Hiệp thống Bắc Kỳ Quân vụ đại thần, lãnh đạo phong trào chống Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ… Tôn Thất Đàm là con trai trưởng của Tôn Thất Thuyết, theo cha phò vua Hàm Nghi cứu nước, đến tháng 2 năm 1886 khi Tôn Thất Thuyết lên đường ra Bắc rồi sang Trung Quốc cầu viện, Tôn Thất Đàm được giữ chức Khâm sai Chưởng lý Quân vụ đại thần, chịu trách nhiệm trực tiếp ban phát mệnh lệnh của vua Hàm Nghi cho các tướng sĩ khắp cả nước, đồng thời phụ trách việc điều động binh đội từ các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình trở vào các tỉnh trong Nam. Việc điều động các toán quân từ Nghệ An trở ra các tỉnh ngoài Bắc được giao phó cho Trần Xuân Soạn26.

Chỗ dựa trực tiếp về quân sự của Sơn Triều Hàm Nghi ở Quảng Bình là lực lượng của Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân, được vua phong làm Hồng lô tự khanh sung Tán lý quân vụ. Đầu năm 1886, sau khi Tôn Thất Thuyết ra Bắc rồi sang Trung Quốc cầu viện, Nguyễn Phạm Tuân được thăng chức Thượng tướng quân, làm việc bên cạnh Tôn Thất Đàm để giúp vua đánh giặc. Căn cứ kháng chiến của Nguyễn Phạm Tuân ở vùng Yên Lương - Cổ Liêm27 thuộc thượng lưu sông Gianh, nằm sát vị trí đóng quân của vua Hàm Nghi ở Khe Ve, quân số có đến ngàn người. Nguyễn Phạm Tuân đã sát cánh cùng với Khâm sai Tán lý Quân vụ đại thần Tôn Thất Đàm chiến đấu bảo vệ căn cứ Khe Ve của Sơn Triều Hàm Nghi rất tích cực.

Đến tháng 4 năm 1886, nhận thấy cần phải xây dựng một cơ sở cố định để nắm bắt tình hình và điều hành cuộc kháng chiến, dựa vào Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm đã đem một viên tá sứ, một viên tham biện cùng 30 nghĩa quân từ nơi ở của vua Hàm Nghi tại tổng Thanh Lạng đến xóm Thác Đài, làng Cổ Liêm thiết lập một văn phòng trung tâm thu nhận tin tức, tấu, sớ, biểu của các thủ lĩnh Cần Vương khắp nơi gửi về rồi chuyển cho vua Hàm Nghi phê duyệt và nhận chỉ thị trực tiếp từ nhà vua để truyền đạt lại28.

Vùng thượng nguồn sông Nan, sông Gianh bao quanh khu vực vua Hàm Nghi ở đều có nghĩa quân đóng giữ. Còn vùng trung lưu sông Gianh thì có Đề đốc Lê Trực xây dựng căn cứ kháng chiến tại Thanh Thuỷ. Nghĩa quân của Lê Trực nhiều lần phối hợp với Nguyễn Phạm Tuân và Tôn Thất Đàm chiến đấu chống Pháp hành quân ở thượng nguồn, trực tiếp bảo vệ Sơn Triều của vua Hàm Nghi. Tài liệu của Pháp cho biết rằng: “Từ mùa xuân, vùng thượng lưu giữa sông Nậy và sông Gianh không nối được, các làng đặt dưới quyền kiểm soát của quân phiến loạn (nghĩa quân - TG)”29.

Trước sự lớn mạnh của Sơn Triều ở Quảng Bình và phong trào kháng chiến khắp cả nước, vua Đồng Khánh do Pháp lập nên ở Huế (từ 14/9/1885) đã ra đạo dụ mới kêu gọi những người kháng chiến về đầu thú, hứa thưởng tước “Nam” và hàm nhị phẩm cho những ai đưa được Hàm Nghi về Huế.

Trong hai năm 1886-1887, các cuộc khởi nghĩa ủng hộ Sơn Triều của vua Hàm Nghi nổ ra khắp nơi, đẩy quân Pháp vào thế bị động cả về quân sự lẫn chính trị. Do vậy, địch càng muốn mau chóng bắt đuợc Hàm Nghi để đè bẹp ý chí chiến đấu của những người kháng chiến. Pháp bao vây căn cứ của vua Hàm Nghi bằng cách chặn các con đường tiếp tế của nghĩa quân, xây dựng nhiều đồn bốt dọc theo sông Gianh, cắt đứt liên lạc giữa dân chúng với quân kháng chiến và thực hiện việc đốt phá, khủng bố dã man, tàn bạo.

Ngày 27 tháng 2 năm 1887, quân Pháp chia làm hai cánh, do Bertrand dẫn một cánh đi qua Troóc và Cổ Liêm đánh vào nơi tập trung quân của Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm ở Thác Đài, cánh còn lại do Trupel chỉ huy từ Quảng Khê men theo Rào Nan đánh lên. Nghĩa quân đã chặn đánh quyết liệt, làm cánh Trupel bị tổn thất nặng và chúng không hội quân được với nhau. Tuy căn cứ Thác Đài bị mất. Lãnh binh kiêm hy sinh cùng nhiều nghĩa quân khác, song quân Pháp vẫn thất bại, rút quân về lại Quảng Khê.

Ngày 9 tháng 4 năm 1887, quân Pháp do đại uý Mouteaux chỉ huy chia làm hai cánh, đem theo Nguyễn Trọng Duật đã phản bội và một lý trưởng cũ để chỉ đường tiến đánh làng Yên Lương trên Rào Nan. Nguyễn Phạm Tuân bị bắn trọng thương, bị bắt và hôm sau thì chết, các tướng lĩnh dưới quyền của ông đều bị xử bắn ở chợ Minh Cầm.

Nhằm tiêu diệt hết các cánh quân bảo vệ Sơn Triều Hàm Nghi, ngày 17 tháng 4 năm 1887 quân Pháp tiến đánh căn cứ Hạ Trang (Lệ Sơn), rồi dồn binh càn quét vùng Troóc và tấn công căn cứ Cao Mại của Mai Lượng. Mặc dù chiến đấu anh dũng, nhưng do tổn thất quá nặng, Mai Lượng phải rút qua Vàng Liêu hội quân với Tôn Thất Đàm. Cuối năm 1887, được Tôn Thất Đàm giao quyền chỉ huy quân đội triều đình Hàm Nghi tại Vàng Liêu, Mai Lượng ra sức củng cố lực lượng nghĩa quân, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và giành lại quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn.

Ngày 19 tháng 6 năm 1887, Mouteaux bất ngờ đánh xuống căn cứ Thanh Thuỷ của Đề đốc Lê Trực, hầu hết nghĩa quân và vợ con Lê Trực bị bắt sống, chỉ có Lê Trực và một ít nghĩa quân trốn thoát. Từ đây lực lượng của Lê Trực yếu dần và không có được trận đánh nào đáng kể nữa.

Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, nghĩa quân Lê Trực tan rã, Tôn Thất Đàm thì rút ra và bị cô lập ở vùng rừng núi Hà Tĩnh, nghĩa quân Mai Lượng bị khống chế hoạt động, xem như lực lượng trực tiếp bảo vệ Sơn Triều của Hàm Nghi bị tan tác, các vùng trên sông Gianh lần lượt lọt vào tay Pháp, chỉ còn tổng Thanh Lạng là khu vực mà vua Hàm Nghi có thể ẩn náu. Tuy nhiên, nhờ địa thế trắc trở và lòng yêu nước của những người hộ giá, Sơn Triều của vua Hàm Nghi vẫn tồn tại, tránh được móng vuốt của các đoàn quân Pháp đang ngày đêm lùng sục.

Nhưng dần dà về sau, một số người đi theo vua Hàm Nghi bắt đầu có tư tưởng mệt mỏi, muốn về đầu thú với Pháp. Thông qua Phạm Văn Mỹ là kẻ theo đuôi những người cộng tác với Pháp, người Pháp nắm được tư tưởng của Trương Quang Ngọc nên tìm cách liên lạc. Ngày 18 tháng 7 năm 1887, Mouteaux từ đồn Minh Cầm kéo quân lên Khe Ve rồi qua Thanh Cước để gặp Trương Quang Ngọc, vì biết y thường lui tới chỗ cha vợ là Cả Hinh trú ở vùng này. Quân Pháp đến Thanh Cước mới hay Trương Quang Ngọc đang dừng chân ở Chà Mạc. Khi quân Pháp đi sang Chà Mạc thì Trương Quang Ngọc đã chạy thoát. Mouteax liền nhờ dân địa phương chuyển lại bức thư dụ hàng với những hứa hẹn tốt đẹp.

Vài hôm sau, dân Mường Cơ Sa30 bỏ vua Hàm Nghi quay sang hàng Pháp, Mouteaux liền nhờ viên chánh tổng trả ống thuốc phiện và cái bàn đèn thu được của Trương Quang Ngọc tại Chà Mạc, đồng thời gửi cho vua Hàm Nghi một tạ gạo trắng cùng 2 bức thư của bà Thái hậu Từ Dũ và vua Đồng Khánh khuyên hàng. Trương Quang Ngọc cũng có thêm một bức thư riêng của Mouteaux thương lượng bắt vua Hàm Nghi lập công, lập tức y nhận lời giúp Pháp bắt vua Hàm Nghi, nhưng do bị trượt gãy chân trong lần trốn chạy ở Chà Mạc, nên hẹn đợi đến lúc lành bệnh sẽ bắt tay thực hiện31.

Đầu năm 1888, vành đai bao vây Sơn Triều của vua Hàm Nghi xiết chặt dần, Tôn Thất Tiệp muốn đưa vua ra Bắc tiếp tục chiến đấu song không thành. Có người tuyệt vọng quá liền đặt vấn đề điều đình với Pháp, lập tức bị Tôn Thất Tiệp chém đầu. Lúc này quanh nhà vua chỉ còn lại Tôn Thất Tiệp, hai cha con Thống chế Nguyễn Thuý và hai người lính Mường cùng vài người khác từng đi theo vua Hàm Nghi nhưng không còn được Tôn Thất Tiệp tin cậy nữa, vì thế Trương Quang Ngọc chưa thể thực hiện ý đồ phản bội.

Ngày 12 tháng 10 năm 1888, viên đội trước đây vốn theo hầu Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình đến đầu thú Pháp ở đồn Đồng Ca và tiết lộ tin tức nhà vua cho giặc. Đại uý Boulangier liền phái Nguyễn Đình Tình liên lạc với Trương Quang Ngọc. Vài ngày sau, hai kẻ phản bội nhận lời bắt vua cho thực dân Pháp.

Ngày 1 tháng 11 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình đem theo 20 lính Mường lấy ở Thanh Lạng, Thanh Cước kéo lên Chà Mạc. Đến 10 giờ đêm, toán quân phản bội tiến đến chỗ vua Hàm Nghi bên bờ Khe Tà Bảo. Đó là một ngôi nhà lợp tranh, vách nứa đơn sơ mới được dựng lên chừng sáu, bảy tháng. Cha con Thống chế Nguyễn Thuý nghe động, từ trong nhà lao ra liền bị Trương Quang Ngọc và đồng bọn dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Tiệp vác gươm ra đánh cũng bị lính Mường phóng giáo xuyên qua ngực gục tại chỗ. Vua Hàm Nghi vừa chợt tỉnh giấc, cầm gươm bước ra thì bị rơi vào tay những kẻ phản bội.



3. Thay lời kết

Dù cuối cùng cũng bị bắt, nghiệp lớn cứu nước vẫn không thành, nhưng chính nhờ có Hàm Nghi đứng ra phát động, mà phong trào Cần Vương cả nước nổ ra từ rất sớm và hết sức quyết liệt, gây cho Pháp nhiều lúng túng, tổn thất.

Đặc biệt, trong phần lớn thời gian tiến hành kháng chiến, vua Hàm Nghi đứng chân ở Quảng Bình, nên phong trào kháng chiến tại đây càng mãnh liệt với nhiều cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Mai Lượng, Trần Văn Định, Đoàn Đức Mậu, Hoàng Văn Phúc... Tất cả đều ra sức vì nghĩa lớn của dân tộc, quyết đấu tranh trực diện với Pháp để giúp vua giành lại nền độc lập đã mất, trực tiếp góp phần bảo vệ ngọn cờ kháng chiến Hàm Nghi, bảo vệ Sơn Triều chống Pháp đang hoạt động trên mảnh đất này.

Chính sự hưởng ứng sôi nổi, quyết liệt và rộng khắp của nhân dân Quảng Bình nói riêng, nhân dân cả nước nói chung theo tiếng gọi yêu nước của vua Hàm Nghi (giai đoạn 1885-1888), đã có lúc làm cho nền thống trị của thực dân Pháp hết sức rối loạn, quyền lực của chúng dường như chỉ co hẹp lại ở kinh đô Huế. Thời điểm ấy người Pháp phải thốt lên rằng: “Quyền đô hộ của chúng ta chỉ được thừa nhận tại kinh thành và các vùng kế cận các đồn binh, nhưng các đồn binh thì không có nhiều. Ngoài ra tất cả xứ Trung Kỳ đang hoàn toàn rối loạn”32.

Cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ Sơn Triều chống Pháp của nhân dân Quảng Bình và phong trào Cần Vương cả nước đã lôi cuốn đại đa số dân chúng tham gia, tạo nên sự phân hoá sâu sắc trong hàng ngũ quan lại của triều đình bù nhìn do Pháp dựng lên ở Huế; nhiều người đã tìm cách gia nhập hoặc ủng hộ ngọn cờ chống Pháp do vua Hàm Nghi đứng đầu. Thực dân Pháp từng phải cay đắng nhận xét rằng: “Các quan lại, đặc biệt là những quan lại cao cấp, hầu hết đều bỏ đi, nhập bọn với Tôn Thất Thuyết (và Hàm Nghi). Ảnh hưởng của Tôn Thất Thuyết (và Hàm Nghi) như là tăng lên hằng ngày, sĩ phu nổi lên đấu tranh vũ trang. Không ai cắt lúa chín ngoài đồng, một vài ông quan còn lại thì mặt này họ dịu ngọt với quân ta, mặt kia họ lại một lòng với quân phiến loạn (tức nghĩa quân)”33.

Sự hy sinh quên mình vì nghĩa lớn của nhân dân Quảng Bình cũng tác động sâu sắc đến nhận thức và tư tưởng của vua Hàm Nghi, thúc đẩy nhà vua quyết tâm duy trì cuộc kháng chiến chống Pháp đến cùng. Vì thế, ngay cả khi đã rơi vào tay giặc, nhà vua vẫn không buông xuôi, không chịu đầu hàng kẻ thù và chấp nhận cuộc sống lưu đày. Điều đó đã tạo nên hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân về vị vua kháng chiến của triều Nguyễn, về Sơn Triều kháng Pháp mà vua Hàm Nghi đã tạo dựng trong 3 năm ròng đứng chân ở miền Tây Quảng Bình.

Trong khoảng thời gian 4 năm 3 tháng trên ngai vàng, vua Hàm Nghi đã có trải nghiệm 3 tháng trèo đèo lội suối mất hàng trăm dặm, để trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù từ Huế đến Hà Tĩnh (7/1885-10/1885); nhưng lại có đến 3 năm thiết lập, điều hành bộ máy triều đình kháng chiến ở núi rừng Quảng Bình (10/1885-10/1888), để lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc đầy khó khăn, thử thách.

Không một vị hoàng đế nào của triều Nguyễn phải nếm trải nhiều gian khổ nhưng anh dũng như vua Hàm Nghi trong những điều kiện hết sức nghịch lý ấy; cũng không một địa phương nào do lịch sử đưa đẩy lại biến thành “Kinh đô kháng chiến”, vất vả bảo vệ Sơn Triều của vua Hàm Nghi suốt 3 năm ròng như tỉnh Quảng Bình. Âu đó cũng là định mệnh lịch sử, khiến tên tuổi của vua Hàm Nghi gắn chặt với một phần lịch sử - văn hóa của Quảng Bình, tạo nên sự đa sắc và độc đáo cho vùng đất đã quá nổi tiếng là địa linh nhân kiệt này!



Tài liệu tham khảo:

1. Nguyen The Anh, Monarchie et fait colonial au Viet Nam 1875-1925, Ed. L’ Harmattan, Paris, 1992.

2. B. Bourotte, “L’ Aventure du Roi Ham Nghi”, Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), No. 3, 1929.

3. Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi, Chinh Ký, Hà Nội, 1952, tr.166-167.

4. Marcel Gaultier, Le Roi proscrit, Impr. d’Extrême-Orient, Paris, 1940.

5. Marcel Gaultier, L’etrange aventure de Hàm Nghi: empereur d’Annam, La Nef de Paris, 1959.

6. Charles Gosselin, L’ Empire d’ Annam, Perrin et Cie, Paris, 1904.

7. Prud’homme, L’Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot, Paris, 1901.

8. Thomazi, La conquête de l’Indochine Francaise, Paris, 1934.

9. Nguyễn Quang Trung Tiến, “Chí lớn nghĩa trọng của Tôn Thất Ðàm”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 15, 1996, tr.42-49.

10. Nguyễn Quang Trung Tiến, Vua Hàm Nghi với phong trào Cần Vương ở Bình Trị Thiên (1885-1888), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Đại học Khoa học Huế, 2000.

11. Nguyễn Quang Trung Tiến, Tìm hiểu hệ thống di tích các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở khu vực Bình Trị Thiên cuối thế kỉ XIX, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Đại học Khoa học Huế, năm 2005.



1 Sơn Triều là cách gọi của nhân dân địa phương để chỉ triều đình chống Pháp trên núi rừng Tuyên Hoá (nay phần lớn nằm trên địa bàn huyện Minh Hoá) của vua Hàm Nghi tại Quảng Bình giai đoạn 1885-1888.

2 Xưa thuộc phường Lương Năng, tổng Cơ Sa; nay thuộc thôn Hoá Lương, xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

3 Do đến năm 1964, huyện Tuyên Hóa được tách đôi thành hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hoá, nên địa bàn hoạt động chủ yếu của triều đình Hàm Nghi ngày xưa nay thuộc về huyện Minh Hóa.

4 Vùng ruộng Cây Mang xưa ở xóm Lim, làng Ba Nương, tổng Cơ Sa; nay thuộc thôn Tân Xuân, xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

5 Khu vực nhà ông Thủ Chỉ Nưa ở sách Cát Đặng trong thung lũng Ma Rai, tổng Kim Linh; nay thuộc xóm Rôồng, thôn Đặng Hoá, xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

6 Về ngày mất của vua Hàm Nghi, có nhiều ghi chép khác nhau do trước đây chưa được thẩm định kĩ. Nhiều sử liệu cho rằng vua Hàm Nghi mất vào ngày 4/1/1943, tuy nhiên nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dẫn theo lời công chúa Như Lý cho biết vua mất vào ngày 14/1/1944. Ảnh chụp trên mộ Hàm Nghi cũng ghi rõ dòng chữ S.M. HAM NGHI, EMPEREUR D’ANNAM, HUE 1871-ALGER 1944.

7 B. Bourotte, “L’Aventure du Roi Ham Nghi”, Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), No. 3, 1929, p. 139.

9 Bãi Đức nay thuộc thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

10 Quy Đạt nay là thị trấn huyện lỵ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

11 Nhiều sách chép là Đạm, có khi ghi là Đảm; nhưng theo gia phả dòng họ Tôn Thất Thuyết, các con trai đều đặt tên có bộ “ngôn” [], nên tên con trưởng của Tôn Thất Thuyết gọi là Tôn Thất Đàm.

12 Nhiều sách chép là Thiệp, có khi ghi là Thiếp; nhưng theo gia phả dòng họ Tôn Thất Thuyết, các con trai đều đặt tên có bộ “ngôn” [], nên tên con thứ của Tôn Thất Thuyết gọi là Tôn Thất Tiệp mới đúng.

13 Làng Cổ Liêm thuộc tổng Kim Linh xưa, nay thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

14 Làng Ba Nương thuộc tổng Cơ Sa xưa, nay thuộc xã Xuân Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

15 Sách Cát Đặng ở thung lũng Ma Rai nay thuộc thôn Đặng Hoá, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

16 Prud’homme, L’Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot, Paris, 1901, p. 101.

17 Con đường đèo qua núi Lập Cập dài ước 10km, còn gọi là Eo Lèn hay Hung Ải, đỉnh đèo có độ dốc 50-60o, dẫn vào xã Hóa Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình hiện nay.

18 B. Bourotte, “L’Aventure du Roi Ham Nghi”, B.A.V.H, No. 3, 1929, p. 148.

19 Tân Yên nay thuộc xã Hóa Tiến, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

20 Tà Bảo, Khe Ve thuộc tổng Thanh Lạng xưa, nay thuộc xã Hóa Thanh, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

21 Cầu Khe Ve nằm trên tuyến đường 12A, ở xã Hoá Thanh, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

22 Căn cứ Khe Ve trước đây thuộc phường Thanh Thiên, tổng Thanh Lạng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình (ngày nay nằm trên tuyến đường 12A từ ngã ba Khe Ve, thuộc xóm Nhà Cộ, thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt - Lào).

23 Prud’homme, L’Annam du 5 Juillet au 4 Avril 1886, Chapelot, Paris, 1901, p. 120.

24 Ngã ba Khe Ve nay thuộc xóm Nhà Cộ, thôn Thanh Long, xã Hoá Thanh, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

25 Prud’homme, L’Annam du 5 Juillet au 4 Avril 1886, Chapelot, Paris, 1901, p.121.

26 Nguyen The Anh, Monarchie et fait colonial au Viet Nam 1875-1925, Ed. L’ Harmattan, Paris, 1992, pp. 128-129.

27 Làng Cổ Liêm (tục gọi là làng Trem) xưa thuộc tổng Kim Linh, huyện Tuyên Hóa, ngày nay thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

28 B. Bourotte, “L’ Aventure du roi Ham Nghi”, B.A.V.H, No. 3, 1929, p. 139-140.

29 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, Perrin et Cie, Paris, 1904, p. 271.

30 Nay thuộc xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

31 Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi, Chinh Ký, Hà Nội, 1952, tr.166-167.

32 Thomazi, La conquête de l’Indochine Francaise, Paris, 1934, p. 275.

33 Marcel Gaultier, Le Roi proscrit, Impr. d’Extrême-Orient, Paris, 1940, p. 124-125.


tải về 271.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương