Số 40 1-5-2008 Bán nguyệt san thông tin và nghị luận



tải về 393.36 Kb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích393.36 Kb.
#10724
  1   2   3   4   5   6




Số 40

1-5-2008


Bán nguyệt san

thông tin và nghị luận.
------------

Hội Đồng Cố Vấn 
Phạm Quế Dương - Nguyễn Hộ - Nguyễn Gia Kiểng - Trần Lâm - Bùi Tín
-------------

Chủ nhiệm

Nguyễn Thanh Giang

-------------

Tổng biên tập

Trương Nhân Tuấn

---------------

Ban biên tập
Nguyễn Phương Anh - Nguyễn Gia Dương - Phạm Hồng Đức - Phan Thế Hải - Nguyễn Văn Hiệp - Việt Hoàng – Vi Đức Hồi - Nguyễn Chính Kết - Trần Anh Kim - Nguyễn Thượng Long - Nguyễn Xuân Nghĩa - Lê Chí Quang - Vũ Cao Quận - Huỳnh Tâm - Trần Khải Thanh Thủy - Phạm Việt Vinh

Trang nhà:
www.to-quoc.net
Liên lạc :
toquocmagazine@yahoo.com





Thư tòa soạn

Cơ may có thể thành tai họa

Các chuyên gia đang báo động về một cuộc khủng hoảng thực phẩm. Giá gạo và lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng 130% trong vòng một năm, gần 60% riêng trong bốn tháng đầu năm 2008; mọi loại lương thực đều lên giá đột ngột; tổ chức Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (WFP) đòi khẩn cấp thêm 500 triệu USD để có thể tiếp tục trợ giúp các nước thiếu ăn; Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đồng thanh lên tiếng cảnh giác rằng cuộc khủng hoảng thực phẩm có nguy cơ gây bạo loạn và những thiệt hại rất lớn.

Khủng hoảng thực phẩm bao giờ cũng là khủng hoảng nguy hiểm. Nó rất dễ đưa tới nạn đói và những người không còn gì để ăn thì cũng chẳng còn gì để mất. Cái đói nhục mạ nạn nhân và nhục mạ cả loài người vì nó hạ giá trị con người xuống ngang hàng với bát gạo, củ khoai và làm các giá trị nền tảng của xã hội mất hết ý nghĩa. Một nạn đói bao giờ cũng để lại những vết thương khó hàn gắn với những hậu quả khôn lường. Có ai nghĩ rằng nếu không có nạn đói năm Ất Dậu 1945 thì có thể đã không có chế độ cộng sản, và những cảnh đấu tố dã man trong đợt cải cách ruông đất? Những lời báo động của các chuyên gia và các định chế quốc tế phải được lắng nghe.

Tuy vậy không nên để cây che khuất rừng. Cuộc khủng hoảng thực phẩm này tuy đòi hỏi những biện pháp khẩn cấp nhưng không khó giải quyết. Thí dụ : 500 triệu USD mà WFP cần chỉ là một phần ngàn ngân sách quốc phòng của một mình Hoa Kỳ. Mặt khác việc tăng giá thực phẩm cũng là điều đáng lẽ đã phải được thực hiện một cách có kế hoạch từ nhiều năm rồi, để giúp các nước chưa phát triển mà lợi tức chính là nông phẩm.

Đối với Việt Nam việc thực phẩm lên giá có nghĩa là các mặt hàng xuất khẩu của ta, mà chủ yếu là thực phẩm, sẽ đem lại nhiều ngoại tệ hơn và các nông dân của ta sẽ sung túc hơn. Nhưng thực tế là có nguy cơ hàng triệu người, các công nhân nghèo ở thành thị và các nông dân làm thuê ở nông thôn, sẽ lâm vào cảnh thiếu đói. Tại sao một cơ may lớn lại có thể biến thành đại họa? Đó là vì chính quyền cộng sản dung túng tham nhũng và đầu cơ, quản lý đất nước một cách không tiên liệu, vô trách nhiệm và vô tình. Nhà nước bỏ rơi người nghèo nhưng lại khống chế tất cả khiến xã hội dân sự không đảm nhiệm được chức năng liên đới bình thường của nó. Bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Ban biên tập

Bình luận kinh tế


Nhân ngày 30 tháng 4

« Đi tìm lòng nhân ái »
Nguyễn Thượng Long
"Từ nay người biết yêu người

Từ nay người biết thương người"

Sau chiến thắng 30/4/1975, những tứ thơ trên đã được nhạc sỹ tài danh Văn Cao khắc hoạ thành những nét nhạc tràn đầy súc động trong ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là bài "Mùa xuân đầu tiên".

Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù là người chiến thắng hay là kẻ chiến bại, dù ở đâu trên mặt đất này ai ai vào ngày tháng đó cũng thở phào và không ít thì nhiều đều có chung cảm hứng yêu thương nhau như vậy. Nhưng, sau mốc lịch sử đó những gì đã xảy ra lại không hoàn toàn như vậy. Đến nỗi, hơn mười năm sau (1987), ngày ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà văn NHT một lần phải thốt lên: "Vinh quang nào mà chẳng xây trên những nỗi điếm nhục!". Tôi không biết tâm trạng của anh NHT lúc đó như thế nào đến nỗi phải thốt nên lời dữ dội như vậy.

Thế hệ chúng tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời của nhà nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Độc lập Tự do Hạnh phúc". Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của chủ thuyết "Đấu tranh giai cấp", về con đường chuyên chính vô sản về bạo lực cách mạng mà những người cộng sản đã du nhập vào đất nước chúng ta. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh.

 Tại sao lại phải "Đào tận gốc, trốc tận rễ" đám Trí - Phú - Địa - Hào… và bây giờ người ta lại gọi đó chính là nguyên khí của đất nước!

 Tại sao sau CCRĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải vừa lau nước mắt, vừa thay mặt Đảng thanh minh trước quốc dân đồng bào rằng: Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ.

 Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 - Miền Nam sau 30/4/1975). Sau 1986 lại phải làm lại gần như từ đầu.

 Tại sao lại phải mở ra các "Pháp trường trắng"(nơi không có đầu rơi, không có máu chảy - Nguyễn Tuân), trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực đó. Đến nay trên thực tế không ít người trong họ đã được vinh danh trở lại thì hỡi ôi người còn người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề.

Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng ngậm ngùi mà nói: "Có triệu người vui! Cũng có triệu người buồn!". Tôi xin được phép hỏi:

Tại sao sau ngày 30/4/1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải ngay lại cố tình tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những kẻ bại trận. Những ngày tháng tù đầy cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ là những kí ức đầy hãi hùng. Kí ức hãi hùng này đã xô đẩy hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi mong kiếm tìm một vận hội mới. Đảng đã không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản vì hải tặc! Phải hoài thân bỏ xác trong bụng cá!.

Tại sao vào hạ kỳ của thế kỷ XX rồi vì ai? vì lý tưởng nào? chúng ta lại hành xử với nhau một cách dã man, vô tình như trong thời trung cổ như vậy! Cuộc hành hạ, cuộc tính sổ đó có thực sự cần thiết không? Có thực sự chính đáng không? Ta thử cùng nhau đặt ra một hoán vị giả định:

Sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam họ sẽ sống với Đảng cộng sản. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK được sản xuất từ Liên Xô. Nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân của miền Bắc. Họ sẽ sống với những người quốc gia. Trong tay họ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ hay ở Tenavip. Điều gì sẽ xảy ra đây? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng? Tôi nghĩ rằng không thể. Người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng vẫn phải thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào". Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà tránh khỏi những ngày quân trường Thủ Đức, có học hành chút ít như trang lứa chúng tôi tránh sao khỏi những ngày võ bị Đà Lạt! Rồi tất cả cũng phải dốc sức để "Lấp sông Bến Hải!", dốc sức để kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17. Bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định. Thế thì không chỉ là người dân mà những kẻ buộc phải cầm súng ở cả hai bên xét cho cùng đều là những quân cờ vô tội trên bàn cờ xung đột ý thức hệ do những triết thuyết ngoại lai chi phối. Hoàn toàn đúng như những gì mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ xa:



"Xét cho cùng với mọi cuộc chiến tranh.

Một bên thắng còn nhân dân đều bại!"

Nếu các "Đấng chăn dân" ở cả hai bên cùng nghĩ được như thế, thảm kịch đã không xảy ra. Kho tàng tiếng Việt đã không phải xuất hiện những cụm từ quá biểu cảm "Thuyền nhân" (Người thuyền - chỉ những người bỏ quê hương ra đi bằng thuyền). Sau này là cụm từ "Dân oan" ( Chỉ những người dân gặp phải oan ức trong đời sống Việt Nam đương đại) Vào những tháng năm ly loạn đó, không một ai nghĩ rằng lại đến lúc những kẻ: "Maco, đĩ điếm, lười lao động đáng nguyền rủa" lại được Đảng ta "Trìu mến" gọi là "Khúc ruột ngàn dặm!"… Không mấy ai nghĩ được lại có lúc nhiều tỉ USD hàng năm đã lăn ngược những con đường đầm đìa nước mắt của những thuyền nhân bỏ xứ lăn tìm trở về tiếp máu cho mẹ Tổ quốc đang đói nghèo loay hoay kiếm tìm "Chiếc lá Diêu bông xã hội chủ nghĩa!". Điều này là một bất ngờ là một trớ trêu của lịch sử dân tộc. Nhưng lần này có thể nói đó là một trớ trêu bi hài và có hậu.

Hôm nay, Đảng đã dám hạ mình nhận anh, nhận em với những người bỏ xứ. Xuân Mậu Tý vừa qua ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Cao Kỳ đã tay trong tay mà ánh mắt nhìn nhau chưa hết bẽ bàng! Vậy lỗi lầm dẫn đến những trớ trêu này là thuộc về ai? Đảng bảo Đảng không có lỗi, vậy vì sao ông Võ Văn Kiệt lại nghẹn ngào mà nói: "Có cả triệu người vui! Cũng có cả triệu người buồn!".

Gần đây, trước hiện tượng học sinh bỏ học tràn lan, trước hiện tượng tiêu chảy cấp đang diễn biến rất xấu, chỉ trong tháng 3 năm 2008, tôi không dưới 3 lần phải trả lời phỏng vấn của bà con ở nước ngoài. Có điều rất lạ là những lần phỏng vấn đó tôi không một lần phải tranh luận với mọi người về đề tài mà an ninh rất dị ứng. Đó là vấn đề về tự do - dân chủ và nhân quyền, về độc tài, về Đảng trị… Từ Thanh Quang, Bảo Thạch, Nam Phong đến Bảo Khánh cùng bà con lao động nhất nhất mọi người đều lo âu về tình hình con trẻ bỏ học, thất học về bệnh dịch đang đe doạ. Không phải chỉ là thăm hỏi chiếu lệ, có người còn hỏi tôi muốn tạo một số xuất học bổng cho học sinh trong nước thì phải làm thế nào? Có bác già ở Mỹ hỏi tôi cách thức gửi tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y tế về giúp đỡ bệnh nhân đang bị tiêu chảy cấp phải làm sao… Sau những lần hàn huyên với bà con cùng huyết thống Lạc Hồng tôi rơi vào một tâm trạng rất lạ. Có lúc tôi cảm thấy rất xúc động, thật ấm lòng trước nghĩa cử của đồng bào, những người đã từng chịu bao thị phi báng bổ của chính quyền trong nước ngày nào. Có lúc tôi thấy buồn đến tái tê khi liên tưởng đến người trong nước đối xử với nhau. Vì sao mà giờ đây, thầy dạy biến thành thợ dậy! Vì sao trước kia lương y như mẹ hiền, thì giờ đây lại có chỗ để nói "Lương y như quỷ dữ!". Ngót 90 triệu người trong nước làm sao đến nông nỗi để hơn 3 triệu người bỏ xứ ra đi giờ đây lại phải canh cánh lo âu cho mình từ cái ăn đến cái học, đến cả những chuyện tế nhị khó nói. Làm sao đến nông nỗi:



Hãy đi viện một lần

Để biết thế nào là nhân dân

Hãyđưa con đến trường

Để hiểu thế nào là chữ

Hãy ra chợ để thương những người vợ

Cầm đồng lương chúng ta mang về

(khuyết danh)

Sẽ thật khó mà hiểu nổi vì sao! Vì điều gì mà một dân tộc có truyền thống văn hiến nhiều nghìn năm, một dân tộc ngay từ tuổi bình minh của giống nòi đã ăm ắp những giá trị nhân văn cao cả: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng". Một dân tộc "Trọng nghĩa - Khinh tài", "Lấy chí nhân để thay cường bạo…" lại quá dễ dàng trở thành những đám đông ơ hờ trước vận mệnh của Tổ quốc, lấy lối sống chụp giật, dối trá làm cứu cánh, chọn thái độ bạc nhược để đứng nhìn cái thiện đang phải lùi bước trước cái ác, cái chính đang phải quỳ gối trước cái tà và bảo nhau như thế là khôn ngoan là thức thời! Một dân tộc đã từng "Ra ngõ là gặp anh hùng", dân tộc đó sẽ đi về đâu với sự biến đổi tính cách bệnh hoạn đến như thế. Đứng trước sự băng hoại ở tầm vóc này, Đảng cộng sản Việt Nam không một chút động lòng trắc ẩn hay sao? Đảng nghĩ gì, năm 1979 khi xua quân tràn vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, Đặng Tiểu Bình láo xược tuyên bố: "Phải dạy cho bọn lưu manh đó một bài học!". Đảng có đau lòng không khi không ít dân tộc văn minh nhìn những người Việt Nam được Đảng xuất khẩu họ đến kiếm ăn trong thời (xem tiếp trang 29)

Nhà báo tự do Bùi Tín

phát biểu nhân ngày 30-4
* không, không có giải phóng, thống nhất *cuộc ăn cắp khổng lồ

* những ngộ nhận vô duyên * chung vui cùng Lịch sử và Thời đại
Nhân ngày 30-4, trả lời phỏng vấn một số báo trong và ngoài nước, nhà báo tự do Bùi Tín hiện sống ở Pháp, 33 năm trước từng có mặt tại dinh Độc lập Sàigòn, phát biểu như sau:

33 năm đã qua, theo tôi, với khoảng cách thời gian dài để có thể suy ngẫm sâu sắc và nhận ra sự thật lịch sử, mọi người Việt nam, kể cả những người Cộng sản, cần đính chính một nhận thức sai lầm nguy hiểm đã bị những người lãnh đạo cộng sản áp đặt theo kiểu cưỡng hiếp mọi người dân phải thừa nhận. Họ buộc mọi người công nhận rằng việc họ chủ trương đưa quân từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu từ 1960 đến 1975 là chính nghĩa nhằm giải phóng và thống nhất đất nước, và ngày 30-4 là ngày Toàn thắng Vĩ đại.

Giống như xưa kia Giáo hội La mã cưỡng bức mọi người phải thừa nhận trái đất là một mặt phẳng, ai nói khác là phạm trọng tội, là nói sai chân lý. Có người đã chịu hỏa thiêu để khẳng định rằng :'' không! trái đất không phẳng! nó hình cầu và nó quay!''. Nay ai cũng nhận ra Chân lý ấy. Có điên mới nói khác.

Hôm nay tôi sẵn sàng nói to cho mọi người nghe rõ : đất nước Việt nam ta sau ngày 30-4-1975 không hề được giải phóng, cũng không hề được thống nhất. Ngày 30-4, đảng cộng sản thắng, toàn dân vẫn thua, vẫn bị thống trị bới độc quyền đảng trị.

Đảng cộng sản đã thực hiện chính sách chiếm đóng và thống trị miền Nam, bỏ tù và quản thúc hàng triệu người dân, tước đoạt của cải của dân qua đổi tiền và cải tạo, thải loại ngay Mặt trận dân tộc giải phóng, gây thảm cảnh hàng triệu thuyền nhân. Như thế mà là giải phóng, là thống nhất ư ?

Sau 30-4-1975, chỉ riêng đảng cộng sản cầm quyền, không cho ai lập hội, không cho một tư nhân nào ra báo, không có tự do ứng cử và bầu cử, thế mà gọi là giải phóng dân tộc ư ? là tự do ư ?

Còn nay thì đảng giàu, giàu sụ, dân nghèo, nghèo rớt. Thống nhất kiểu gì vậy? phát triển kiểu gì vậy?

Một nước ''độc lập'' mà buộc phải ký những hiệp ước bất bình đẳng, để bị mất đất, mất biển hàng trăm, hàng nghìn kilômét vuông, mất đảo, mất vô vàn tài nguyên hải sản; rồi người nước ngoài muốn đuốc của họ đến nước ta, vào lúc nào, ở đâu là do họ quyết định; bộ trưởng ngoại giao của họ lại còn sang thủ đô ta để giao nhiệm vụ cho bộ trưởng ngoại giao, cho thủ tướng và cho chủ tịch quốc hội phải bảo vệ đuốc của họ cho triệt để, và còn cho an ninh vũ trang của họ vào tham gia đàn áp nhân dân nếu có biểu tình ôn hòa...thì thử hỏi nước ấy độc lập ở chỗ nào? có chủ quyền ở chỗ nào ? những người lãnh đạo của ta có còn chút thực quyền, có còn chút tự hào dân tộc gì nữa đâu ! Người Việt chân chính tự trọng không xử sự như thế.

Đây là điều mỗi người Việt ta ở trong hay ngoài nước hãy suy nghĩ cho kỹ nhân ngày 30-4 năm nay.
Tôi mong tuổi trẻ trong nước trau dồi tư duy độc lập, tập suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình, và đọc bài luận văn ngắn của nhà triết học Pháp trứ danh Jean - François REVEL :''Hồ Chí Minh: sự tước đoạt lòng yêu nước ''. Bài luận văn sắc sảo chỉ thẳng ra sự thật phũ phàng, là ông Hồ và đảng CS đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt nam để phục vụ cho mưu đồ phe đảng của ông ta, để thỏa mãn mục tiêu thống trí thế giới của Quốc tế Cộng Sản III. Chữ ''détournement'' theo tiếng Pháp có ý nghĩa khá rộng là ''tước đoạt'', ''lấy trộm, lấy cắp '', '' của người khác xoáy làm của mình'','' chuyển thành, biến thành của mình ''.

Đọc xong, tôi ngấm sâu ý nghĩa của từ ''tước đoạt'', và cảm thấy mình như bị mất cắp, mà mất cắp cái gì quý lắm, vô giá. Cả tuổi trẻ đầy lý tưởng và nghị lực, cả mấy chục năm bị đánh lừa, bị móc túi, bị gạ gẫm, để đến gần cuối đời mới tỉnh ra, mà thương hại, mà tiếc thay cho bao nhiêu người vẫn chưa tỉnh! Giả thử trong cuộc đời thường, một người bị mất cắp chiếc xe máy, chiếc đồng hồ đắt tiền, chiếc nhẫn vàng kỷ niệm ngày cưới ... hẳn là tiếc, tiếc nuối vô cùng, xót xa hàng tháng. Thế mà biết bao người bị lừa cả cuộc đời, có khi mất cả mạng sống, và hàng triệu triệu anh chị em, dòng họ, đồng bào mình cùng bị lừa hàng nửa thế kỷ ! một cuộc ăn cắp, lường gạt khổng lồ. Hãy chỉ cho nhau kịp thấy đi, để mà tiếc, mà xót xa, mà đòi lại quyền sống tự do cho mỗi người, mở ra cuộc đấu tranh mới dành lại độc lập thật sự và thống nhất thật sự cho Tổ quốc.


30-4- năm nay, tôi vui vẻ nhẹ nhàng lắm. Tôi có thêm biết bao bạn quý, từ khi là nhà báo tự do 18 năm nay. Bạn trong nước, (xem tiếp trang 29)

Sự thật và niềm tin

sức mạnh diệu kỳ

TS. Trần Nhơn

Niềm tin là sức mạnh chính trị to lớn đoàn kết một cộng đồng, một dân tộc, cùng cả loài người vượt qua mọi gian lao thử thách, đấu tranh cho những mục tiêu nhân văn cao cả, phát triển vững bền.

Trong sách Luận ngữ có chép:

Tử Cống hỏi Khổng Tử về việc trị nước, Khổng Tử nói: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ!” tức là cần có 3 điều: lương thực đầy đủ, quân bị đầy đủ, dân tin Chính phủ.

Tử Cống hỏi: “Nếu trong 3 điều đó phải bỏ một điều thì bỏ điều nào trước tiên?” Khổng Tử đáp: “Túc binh”.

Tử Cống lại hỏi:”Nếu phải bỏ một điều nữa!” Khổng Tử trả lời: “Túc thực”.

Khổng tử nói tiếp: “Tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập!”. Nghĩa là, từ xưa đến nay không ai tránh khỏi cái chết nhưng nếu dân thiếu tin Nhà nước thì Nhà nước không thể đứng vững được!

Liên hệ với tình hình đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua, thấy rằng, niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước từ chỗ trước đây gần như tuyệt đối, đến nay đã giảm sút nghiêm trọng và đang liên tục trượt dốc. Cụ thể là:

- Sờ vào đâu cũng thấy tham ô, lãng phí, tiêu cực ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng thường được chạy chọt, “mua bán”, dàn xếp, che chắn cho nhau, “đánh bùn sang ao”, “đánh từ vai trở xuống”, theo phương châm “Ngươi không đụng đến ta thì ta không đụng đến ngươi” và với nhiều kiểu ngụy biện như: “Giơ cao đánh khẽ để cảnh báo nhắc nhở”, “Đóng cửa bảo nhau, không vạch áo cho người xem lưng”, “Bảo đảm ổn định chính trị” v.v…

- Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền nói không đi đôi với làm, nói một đàng làm môt nẻo (nói dzậy mà không phải dzậy!); làm việc không vì lợi ích chung mà vì lợi ích của phe nhóm đặc quyền đặc lợi, nhưng luôn được trá hình dưới bình phong “vì nước vì dân”. Đảng viên và người dân biết rất rõ từng vụ việc (“nhà có ngạch vách có tai”), nhưng chẳng những không thể làm gì được mà còn thường bị cuốn hút vào vòng xoáy “quyền lực – tiền lực”: quyền tạo ra tiền và tiền được dùng để củng cố, gia tăng quyền lực; rồi cứ thế tiếp tục quay cuồng với tốc độ ngày càng cao hơn! Ai không chấp nhận vào vòng xoáy, lập tức bị bật ra khỏi guồng máy. Vì “đấu tranh tránh đâu” nên chẳng mấy ai dám phản ảnh, tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Ai dám “điên rồ” làm việc đó, lập tức bị cô lập hóa; cộng đồng tuy nể trọng nhưng vì sợ liên lụy nên cũng phải tạm lánh xa.

- Không có kỷ cương không phải vì thiếu kỷ cương mà bởi vì chỉ là kỷ cương trên giấy. Trên không nghiêm, dưới không nghe: trên ăn chả thì dưới phải tìm cách ăn nem; “thượng bất chính hạ tắc loạn!”.

- Lãnh đạo điều hành đất nước yếu kém, lại không chịu nhận khuyết điểm, thực sự cầu thị. Không ai có thể chấp nhận được phát biểu của ông Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh rằng, không có sai sót gì trong công tác điều hành của Chính phủ. Lãnh đạo là dẫn dắt. Muốn dẫn dắt đúng đường hướng, phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải nghiên cứu sâu sắc để dự báo tốt các khả năng, tình huống và sớm chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ để can thiệp, tác động, điều chỉnh, đón đầu. Bị động với tình hình, để xảy ra lạm phát nghiêm trọng (mức lạm phát cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực) là chứng tỏ sự điều hành yếu kém của Chính phủ. Không nhận khuyết điểm chủ quan, đổ cho khách quan, là thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm.

- Giá cả liên tục tăng cao, ngân sách thâm hụt lớn, đời sống nhân dân khó khăn là kết quả tất yếu của việc điều hành yếu kém của Chính phủ (và sự đơn điệu, xơ cứng, kém hiệu quả của cả hệ thống chính trị) cộng dồn lại từ nhiều năm qua chứ không chỉ là công việc điều hành trong quý 4 năm 2007 và quý I/2008: Đầu tư phân tán, kém hiệu quả, lãng phí; nhiều lĩnh vực đầu tư và chính sách trợ cước trợ giá vẫn còn lún sâu vào cơ chế “xin – cho”, ban ơn, không phát huy được nội lực, không tạo động lực phát triển bền vững, không khuyến khích tiết kiệm ngân quỹ, đất đai, tài nguyên. Đáng lẽ nguồn tài chính khá dồi dào (nhưng có giới hạn) thu được từ dầu mỏ có thể được tập trung đầu tư phát triển các mũi nhọn kinh tế (trong đó có kinh tế biển theo phương châm “lấy biển nuôi biển và phát triển biển”), khoa học công nghệ (đặc biệt là khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghiệp sáng tạo) và những nhu cầu văn hóa xã hội thiết yếu khác nhằm lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia, đi tắt đón đầu nâng cao sức cạnh tranh trên con đường hội nhập tiến kịp thời đại, thì lại dùng nguồn tài chính đó để đầu tư tràn lan, kém hiệu quả và bù đắp cho nhiều khoản chi tiêu công rất hình thức, xa hoa, lãng phí. Cung cách đầu tư như vậy tạo ra môi trường “đục nước béo cò”, làm cho quốc nạn tham nhũng ngày càng thêm nghiêm trọng.

- Các loại “quan tham” dù “chủ động” hay “bị động” đều không “tri túc tri chỉ” (biết đủ biết dừng), vô cảm trước cảnh cực nhọc, khốn đốn của các tầng lớp lao động lương thiện và chân chính.

Điểm qua mấy nét tình hình như vậy để thấy rằng, niềm tin của đảng viên, người dân đang xuống ở mức quá thấp. Đó là một thực tế rất rõ ràng. Nếu có những đề tài, những cuộc khảo sát điều tra, nghiên cứu độc lập, khách quan, sẽ thấy rõ tính nghiêm trọng và bức xúc của vấn đề.

Nguyên nhân của tình hình yếu kém, bất cập mỗi ngày một trầm trọng hơn:

Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng: Một xã hội lành mạnh phù hợp với thời đại, có ít nhất hai vế hệ thống đồng hành, phát triển song song. Đó là một Nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Trong đó, “đối trọng” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và gắn bó cả hai hệ thống lại với nhau vì một mục tiêu chung, cao cả: “ích quốc lợi dân”. Đối trọng không phải là đối lập (đương nhiên lực lượng đối lập cũng làm chức năng đối trọng trong thể chế đa nguyên). Đối trọng là một bộ phận không thể thiếu trong một cơ thể thống nhất. Một chiếc cần cẩu tháp không lắp đối trọng thì chẳng những không thể cẩu được vật tư, nguyên liệu, cấu kiện phục vụ xây dựng công trình mà tự nó cũng không thể đứng vững được vì sức nặng của cánh tay đòn dài hàng chục mét! Một “Nhà nước vì dân” không quan tâm xây dựng cơ chế đối trọng và khuyến khích hoạt động lành mạnh của các lực lượng đối trọng, sẽ nhanh chóng bị quan liêu hóa và trở thành “Nhà nước hại dân”. Trong bản thân Nhà nước pháp quyền, tất yếu đã phải có cơ cấu và cơ chế đối trọng để cân bằng, kiểm tra giám sát lẫn nhau. Đến lượt xã hội dân sự, cũng là một hệ thống đối trọng sinh động đối với các cơ quan Nhà nước, giúp chính quyền gần dân, sát dân; giúp Nhà nước làm tốt vai trò và trách nhiệm “của dân, do dân, vì dân”. Ngược lại, trong xã hội ta hiện nay, xã hội dân sự đang còn rất ọp ẹp, mới bắt đầu khởi sắc nhưng gặp không ít trở lực ngăn cản hệ thống này phát triển đúng quỹ đạo và theo yêu cầu khách quan. Điển hình nhất của việc cản trở là sự trì hoãn quá lâu việc thông qua Luật về Hội. Trong khi đó, không ít thành phần cơ hội trong hệ thống này tự cầm cuốc cuốc vào chân mình: chuyên dựa dẫm, “ăn theo nói leo” và làm vật trang trí vô bổ cho không ít cơ quan Nhà nước quan liêu rất đố kỵ sự đối trọng, nói thì rất hay nhưng thường làm ngược lại và rất vô trách nhiệm. Một xã hội thiếu cơ chế đối trọng như vậy thì không thể tạo sự cân bằng giữa các lực lượng, thế lực, tầng lớp, phe nhóm, để công khai hóa mọi sự thật, cả mặt phải lẫn mặt trái; để khuyến khích mọi người tôn trọng sự thật, đấu tranh bảo vệ sự thật, chân lý; khuyến khích sự dũng cảm, thẳng thắn tranh luận bình đẳng mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, trong trật tự kỷ cương và tuân thủ hiến pháp, pháp luật nhằm tiếp cận chân lý khách quan, hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, cơ chế phục vụ có hiệu quả ngày càng cao cho mọi tầng lớp nhân dân. Một xã hội dân sự op ẹp lẽo đẽo chạy theo một Nhà nước quan liêu, xơ cứng, lếch thếch chạy theo thực tiễn thì tất yếu dẫn đến hậu quả là, không chỉ thường xuyên nảy sinh các nghịch lý, vấn nạn mà còn đẩy các nghịch lý, vấn nạn và các vấn đề mâu thuẫn xung khắc lên đỉnh cao nhất tạo thành bị kịch, quốc nạn, khả dĩ dẫn đến khủng hoảng, đổ vỡ nếu không kịp thời đưa ra được giải pháp cả gói đồng bộ, đồng hành, đồng lòng, triệt để nhưng khoan dung, làm cơ sở lý luận cho một cuộc cải cách to lớn mang tính cách mạng, thấm đậm tính nhân văn và tính thời đại (nội dung giải pháp trọn gói sẽ được bàn vào một dịp khác).

Bàn về ý nghĩa và sức mạnh của niềm tin, chúng ta càng thấm thía sâu sắc câu danh ngôn (khuyết danh) sau đây:

Của cải mất là không mất gì



Sức khỏe mất là mất chút ít

Niềm tin mất là mất tất cả”.

Quả vậy, niềm tin là sức mạnh to lớn, diệu kỳ. Tạo được niềm tin là tiền đề để có tất cả. Dù là tề gia, trị quốc hay bình thiên hạ cũng đều như vậy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn phần dân liệu cũng xong”. Nhưng để tạo được niềm tin bền vững, phải công khai, minh bạch hóa, khuyến khích mọi người nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và phân tích đúng sự thật. Do mỗi người đứng ở góc nhìn khác nhau, quan điểm thế nào là sự thật trong mỗi vấn đề cụ thể cũng còn nhiều điều phải bàn, phải tranh luận, nhưng ít nhất, người lãnh đạo cần có cái tâm thật trong sáng, biết lắng nghe, cầu thị để điều hành xử lý vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm này. Đương nhiên, Nhà nước cần có lộ trình, bước đi và nghệ thuật triển khai thực hiện yêu cầu khách quan về tôn trọng sự thật như nói trên cho phù hợp với bối cảnh chung và hoàn cảnh cụ thể. Nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc có thể chấp nhận và tha thứ cho mọi ý đồ và thủ đoạn bưng bít, bóp méo thông tin, thay đổi sự thật, bẻ cong lịch sử, là những hành vi có tội với nhân dân.

Giờ đây lương tri kêu gọi mỗi người lãnh đạo ở mọi cấp mọi ngành hữu quan: hãy “tri túc, tri chỉ” (biết đủ biết dừng), thành khẩn sám hối, cầm lại vũ khí phê bình và tự phê bình đã bị đánh rơi từ lâu (hay là đã bị cấp trên thu hồi cất giữ vào kho rồi!?); hãy nguyện làm một viên gạch nhỏ bé hoặc dù chỉ là một hạt cát để làm vữa dính kết, góp phần xây lại lâu - đài - niềm - tin đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng dường như đang được chống đỡ bởi những cây thép rỉ, cây gỗ mục và tô trát, vá víu bằng các lớp - vữa - dối - trá. Sự dối trá - hậu quả của việc đố kỵ với tiếng nói đối trọng - chính là bản chất của vấn đề nổi cộm số một hiện nay trong hệ thống chính trị của nước ta, mà như cách nói của người dân là “dối trên lừa dưới”, “thật ít giả nhiều”, và chúng ta, là người trong cuộc, thường né tránh để nói một cách nhẹ nhàng, êm tai hơn là: “không dám nhìn thẳng vào sự thật”, “bệnh thành tích”, “báo cáo không trung thực” v.v… Có thể nói, sự dối trá dường như là một đặc trưng cố hữu nổi bật nhất của xã hội Xã hội chủ nghĩa hiện thực, hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa xã hội khoa học, mà cho đến nay, qua nhiều chục năm đổi mới, cải cách, chưa thấy có dấu hiệu nào thể hiện ý chí chính trị của lãnh đạo chủ chốt các cấp quan tâm đến việc chữa trị lỗi hệ thống thâm căn cố đế này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, một nhà báo Pháp viết: “Le Communisme est né dans la guerre, construit dans la misère et détruit dans les mensonges” (Chủ nghĩa Cộng sản sinh ra trong chiến tranh, xây dựng trong sự nghèo khổ và sụp đổ trong sự dối trá). Một phóng viên viết trên báo Le Monde vào đầu thập niên 2000: “Le Vietnam est né de la misère, grandit de la guerre, mais maintenant périt dans les mensonges” (Nước Việt Nam sinh ra từ sự nghèo khổ, lớn lên từ chiến tranh, nhưng bây giờ tàn lụi trong sự dối trá). Chúng ta hãy bình tĩnh và nghiêm túc rút ra những nhân tố khách quan trong các câu trích dẫn trên để tự sửa mình.

Đảng viên và người dân cảm thấy mình bị xúc phạm vì bị lừa dối, bị quá coi thường. Người dân chỉ mong không bị coi thường, chưa nghĩ đến những điều cao xa hơn như: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là công bộc của nhân dân”…

Người Việt Nam có đặc điểm là: sức chịu đựng (thậm chí là cam chịu, nhẫn nhịn) rất cao. Nhưng cần lưu ý lời cảnh báo của Dryden: “Hãy coi chừng sư giận dữ của một con người kiên nhẫn!” (Beware the fury of a patient man!).


Hà Nội, 12/4/2008

TS. Trần Nhơn


Thơ

tải về 393.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương