Nội dung số này



tải về 12.44 Mb.
trang11/11
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích12.44 Mb.
#33723
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

TÂM SỰ NGƯỜI ĐI
Đi xa mới thấy quê hương

Đẹp như lần giở từng trang truyện Kiều

Như em tuổi mới biết yêu

Hồn trong trắng tựa mây chiều đong đưa

Muốn về kẻo ngại trời mưa

Vì quên đem nón bài thơ đội đầu

Nhớ xưa bên cạnh bờ ao

Cầu tre lắt lẻo thấy nao nao lòng

Thấy em giặt áo ven sông

Tóc xanh chảy xuống mát dòng sông trôi

Bờ vai cánh vạc xa xôi

Bay trong tâm tưởng một đời không phai

Có đi mới thấy đường dài

Lênh đênh mới biết sông đầy lại vơi

Đi xa mới thấy cuộc đời

Buồn trông con nhện miệt mài giăng tơ

Như trên cành lá sâu đo

Đến cùng cuống lá lại bò vào trong

Thấy trời thấy đất mênh mông

Thấy hồn nhẹ tựa nỗi lòng cô đơn

Có đi mới biết nguồn cơn

Mỗi lần nhắc đến quê hương xót thầm!
BÊN TRỜI LÃNG DU
Giữa khuya thức giấc gợi sầu

Trăng rơi nửa chiếc trên đầu mái sương

Ngày đi mất hút dặm trường

Bên đời lạnh chẻ hồn vương sóng nhàu

Ngoảnh nhìn quê mẹ thấy đâu

Vàng phai thu lại nhuốm màu đông qua

Chưa về bên bóng nhạt nhòa

Rơi trong phố lạnh phồn hoa của người

Bốn mùa mây vẫn phố trôi

Muốn yêu lòng ngại bên trời lãng du!





Đâu Là Hạnh Phúc


Mỹ Đức - Phạm Kim Dung


Khi nói đến hạnh phúc, người ta thường nghĩ đến tình yêu, tiền bạc sung túc, nhà cao cửa rộng, danh tiếng, sắc đẹp... Các nhà tâm lý học thường định nghĩa hạnh phúc là cảm giác thoải mái, vui sướng khi một ý thích, ước nguyện, một điều mong mỏi trở thành hiện thực. Cũng theo các tâm lý gia này, nếu những mong ước, ưa thích trên không thực hiện được thì đó là đau khổ.

Chúng ta đã thấy định nghĩa trên khá đúng trong cuộc sống hằng ngày. Hãy xem một em bé sơ sinh khóc vì đói. Nếu cho em sữa, em sẽ nín khóc ngay, và sau khi bú no nê, em sẽ mỉm cười tươi rói làm mát lòng bố mẹ. Lớn hơn một chút, em được bố mẹ dẫn đi mua sắm. Em đòi mua đồ chơi. Nếu bố mẹ không mua, em sẽ khóc toáng lên, la hét giận dữ. Nếu bố mẹ mua cho em món đồ chơi mà em đang đòi, khuôn mặt đỏ ửng và đẫm nước mắt sẽ tươi như hoa, đầy vẻ hoan hỉ, vui sướng như là em chưa hề la khóc, tức giận trước đó. Lớn hơn chút nữa, em trở thành học sinh trung học hay sinh viên đại học. Nếu bố mẹ em khá giả, giàu có, em sẽ có nhiều vật dụng đắt tiền như xe ô tô đời mới, quần áo sang trọng, nhiều tiền túi. Em lại là học sinh, sinh viên giỏi. Em cũng khá đẹp trai hay rất đẹp gái nên lúc nào cũng có nhiều bạn mến mộ, trầm trồ chung quanh. Em thấy mình thật hạnh phúc và sung sướng quá. Em bắt đầu kiêu ngạo và xem thường những ai thua kém em. Nhưng nếu gia đình em nghèo, em không được đi học, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm, phải bươn chải kiếm sống từ khi còn bé, em thật là khổ. Hoặc em phải thường xuyên vừa làm vừa học rất vất vả mà nhiều khi không đủ trả tiền học, tiền ăn, quần áo xuềnh xoàng, xe cũ nên hay hỏng, làm bài luôn luôn điểm C, chẳng có mấy bạn bè thích chơi với em. Nhìn những học sinh, sinh viên con nhà giàu trong lớp, em thấy mình thua kém bạn bè quá. Em mơ ước một cái xe tốt hơn, mới hơn để không làm khổ em. Em cũng muốn học giỏi hơn để sau này dễ tìm một việc làm. Em cũng thích có nhiều quần áo nữ trang đẹp hơn để bằng bạn bè. Em tủi thân, mặc cảm tự ti và thấy cô đơn hết sức. Em bắt đầu nhìn những người bạn con nhà giàu bằng con mắt thiếu thân thiện. Lòng tị hiềm, ganh tị đã manh mún nơi em.

Rồi thì các em sẽ hoàn toàn trưởng thành với những lo toan của đời sống hằng ngày như chúng ta hôm nay. Các em là hình ảnh quá khứ của chúng ta. Chúng ta là hình ảnh hôm nay của các em khi xưa. Ai ai cũng tất bật với cuộc mưu sinh. Làm sao để đời sống khá giả, đầy đủ hơn, làm sao để con cái học hành tử tế, nên người, làm sao để giàu có, làm sao để có và giữ được địa vị cao trong xã hội, làm sao để gìn giữ hạnh phúc gia đình, làm sao để có cái nhà to hơn.... Chúng ta bị ngàn lẻ một cái ‘làm sao’ đó bủa vây trong một mê hồn trận khó tìm thấy cửa ra. Nhiều người không tìm được cách giải quyết cho những câu hỏi làm sao đó thường thấy mình thất thế, thua kém mọi người. Từ đó sinh ra bi quan, yếm thế, tự rút vào cái tháp ngà của chính mình và thường thèm thuồng xen lẫn đố kỵ nhìn những thành công của người chung quanh. Người thành công thì trở nên hãnh tiến, tự cho mình nhất trong thiên hạ và lại loay hoay với những câu hỏi ‘làm sao’ khác như làm sao để giữ mãi sự thành công, làm sao để luôn luôn hơn người khác, làm sao để giữ mãi sắc đẹp và tuổi trẻ hôm nay, làm sao để các đối thủ khác không thể đánh bại được mình, làm sao đầu tư để tiền đẻ ra tiền nhiều hơn...

Nếu áp dụng định nghĩa hạnh phúc và đau khổ nói trên vào tất cả những tình huống vừa kể ra thì thật là đúng quá. Hạnh phúc quả là niềm vui sướng khi một dự tính, ước mơ được hình thành. Đau khổ là điều ngược lại. Nhưng nếu nhìn sâu vào bất cứ một cảm giác hạnh phúc nào theo quan điểm của các tâm lý gia nói trên thì trước khi được hưởng mật ngọt hạnh phúc, “người hạnh phúc” nào cũng phải nếm nhiều mùi đau khổ. Chẳng hạn như một người muốn đầu tư vào địa ốc mà không có nhiều tiền phải chụp giựt lung tung, rút hết ruột mấy cái nhà đang có, hoặc nếu chỉ có một cái để ở cũng sẵn sàng rút hết ra với lãi xuất thả nổi để có tiền mua nhà khác cho thuê. Mỗi khi lãi xuất lên hay xuống thì thường thót ruột lo âu. Mỗi tháng thì lại lo làm sao có tiền đủ trả cho ngân hàng. Trong số người thuê nhà mình, bỗng dưng có người không thuê nữa. Nếu trong vài tháng mà nhà đó chưa cho thuê được thì lại thêm một nỗi lo sợ nữa. Những lo lắng bất an đó chính là đau khổ. Nếu may mắn trong thời gian ngắn, giá nhà lên bèn bán kiếm được một số lời. Đó là hạnh phúc. Nếu không may, phải chịu sư phập phồng bất ổn trong vài năm. Nếu kém may mắn hơn, vì kinh tế không phát triển, thị trường địa ốc cứ tụt giảm thì không biết người đó sẽ lo sợ đến thế nào.

Đó chỉ là một thí dụ đơn giản nhất để thấy rằng trước khi có hạnh phúc, ai cũng phải trải qua khá nhiều cảm giác bất ổn, khó chịu, âu lo, hoảng sợ, phải đương đầu với nhiều khó khăn, phải giải quyết những trở ngại từ chính trong công việc hoặc gây ra từ những người ghen ghét chung quanh mình. Có những khi hạnh phúc tạo nên trong hệ lụy với bao nhiêu người khác. Một ông tướng chỉ huy giỏi, bách chiến bách thắng vẫn luôn luôn là người thành công trên sự hy sinh của nhiều binh sĩ cả hai bên, ta và địch. Vì thế mới có câu “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô.” Một văn hào Nga đã nói rằng vinh quang nào cũng trải qua nhiều cay đắng. Đằng sau thắng lợi bao giờ cũng là khổ nhọc và nước mắt. Nhiều người khác cho rằng đó là cái giá của hạnh phúc. Nhưng chúng ta phải thấy rằng hạnh phúc đó chỉ là một chút mật ngọt sau bao nhiêu gian khổ hay chỉ là một sự tạm ngừng nghỉ để rồi lại tiếp tục lao vào một ước muốn khác. Cuộc đời chúng ta là một chuỗi ham muốn. Khi một ham muốn đạt được hay không đạt được thì đã có sẵn một hay nhiều ước muốn, dự tính khác sắp hàng chờ sẵn. Hạnh phúc đích thực có phải là sự thỏa mãn hết mong muốn này đến mong muốn khác của chúng ta không? Câu trả lời dĩ nhiên là KHÔNG. Vậy thì đâu là hạnh phúc đích thực của con người?

Trước khi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên, xin hỏi bạn một câu. Trong đời sống hằng ngày, ai là người làm khổ bạn nhiều nhất và cái gì làm bạn khổ nhất? Chồng bạn? Vợ bạn? Con cái bạn? Cha mẹ bạn? Anh em bạn? Bà mẹ chồng? Ông bố vợ? Cô con dâu? Anh con rể? Họ hàng bên chồng? Họ hàng bên vợ? Tên đồng nghiệp đáng ghét? Tên xếp khó chịu, hay nhăn nhó? Việc làm không thoải mái? Làm nhiều mà lương ít? Nếu bạn là nhà giáo ở Mỹ thì những đứa học trò nhỏ xíu nhưng hay mách bố mẹ để bố mẹ chúng gây khó khăn cho bạn? Việc làm ăn thua lỗ? Sức khỏe không tốt, hay ốm đau?... Tất cả những liệt kê nói trên là một danh sách để chúng ta kiểm lại xem ai là kẻ làm ta đau khổ nhất. Tiếc thay, những người và những việc nói trên có làm cho chúng ta thêm khổ thật, nhưng tất cả không phải là nguyên nhân chính. Chính bạn là người làm mình khổ nhất. Chính những ham muốn của bạn làm khổ bạn nhất. Đến đây nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi phải chăng để có được hạnh phúc chúng ta không nên ham muốn gì hết. Chắc chắn nhiều người sẽ phản đối. Họ thà có nhiều ước muốn để đau khổ rồi hạnh phúc hơn là không được có ước muốn gì cả. Thật ra không phải như vậy.

Đối với người còn rất trẻ, ước mơ và hoài bão góp phần hình thành nhân cách của họ. Những ước mơ và lý tưởng to lớn thường làm thay đổi lịch sử một nước hay nhiều nước và là duyên khởi trùng trùng ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học và kỹ thuật tiến bộ bậc nhất. Sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã đem lại rất nhiều tiện nghi vật chất về nhiều lãnh vực mà cách đây khoảng hai chục năm thôi chúng ta không có. Có một khoảng cách dài thăm thẳm giữa thành quả khoa học kỹ thuật ở đầu thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Sở dĩ được như vậy là do những ước mơ và ham muốn của con người. Nếu không có ước muốn, sẽ không có những phát minh khoa học và kỹ thuật cũng như không có những tiến bộ vượt bực làm thay đổi đời sống nhân loại hôm nay.

Đối với người lớn tuổi, đã “tri thiên mệnh” thì sao? Có phải vì vậy mà chúng ta tự buông thả mình theo vật chất? Còn có một con đường trung đạo để chúng ta suy ngẫm. Cách đây mấy ngàn năm cuộc sống của con người rất thô sơ, nhưng người xưa đã rất khôn ngoan khi nói “Tri túc, tiện túc. Đãi túc, hà thời túc?” Nghĩa là biết đủ, là đủ; đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ? Để bớt làm khổ mình, chúng ta cần biết dừng lại. Tiền bạc, tiện nghi vật chất quả rất cần cho cuộc sống của chúng ta hôm nay. Nhưng đó không hoàn toàn là hạnh phúc. Giàu có, nhà cao, cửa rộng, sự thành công của con cái hay trong công việc làm ta sung sướng, hãnh diện với mọi người, nhưng cũng không phải là hạnh phúc thực sự. Tại sao? Vì tất cả không ở mãi với chúng ta. Nhiều người thường nghĩ hạnh phúc là những sự việc to lớn giống như Niết bàn trong Phật giáo phải ở một thế giới nào cách xa chúng ta lắm. Thực ra Niết bàn và hạnh phúc ở quanh ta, rất gần ta trong những cái tưởng như rất tầm thường. Tiếng chim hót trong nắng sớm ban mai, đóa hoa rung rinh trong gió, giọt nắng bên thềm, tiếng trẻ thơ nô đùa hồn nhiên, một bản nhạc hay... là những hạnh phúc đơn sơ, êm ái không cần phải qua đau khổ mới nếm được. Có mẹ và còn mẹ là hạnh phúc. Có một niềm tin tôn giáo để quay về nương tựa là hạnh phúc. Một tình bạn chân thật bền bỉ là hạnh phúc. Lòng tử tế đối xử với nhau là hạnh phúc. Chia xẻ và được chia xẻ, cảm thông và được thông cảm, yêu và được yêu, cho và được cho là hạnh phúc. Tha thứ cũng là hạnh phúc. Ở nhà thuê hay share phòng vẫn hạnh phúc hơn một người không gia cư. Nhưng một người homeless khỏe mạnh thì hẳn là sung sướng trăm lần hơn một ông triệu phú đang quằn quại chờ chết trên giường bệnh. Bị bệnh nan y nhưng cố gắng bình thản chấp nhận để tìm cách chữa trị thì tốt hơn là bi quan, tuyệt vọng. Nghèo nhưng tình nghĩa vợ chồng chung thủy vẫn nhiều lần hơn những người giàu có gẫy đổ hôn nhân hay bị phản bội. Đó là những thí dụ đơn giản về hạnh phúc. Xem thế thì hạnh phúc không hẳn là giàu có, tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi... là những cái mà con người mất cả cuộc đời để theo đuổi mà mấy ai được trọn vẹn. Hạnh phúc là những cái trong tầm tay chúng ta nếu biết bằng lòng với hiện tại; biết sống vui, sống khỏe là biết được hạnh phúc. Đó là nguyên tắc cơ bản của hạnh phúc đích thực.

Tuy nhiên dưới cái nhìn của bậc Giác Ngộ, đức Phật, thì những điều trên đúng nhưng không đủ. Hạnh phúc không chỉ là những tình huống riêng lẻ như vậy. Hạnh phúc là một quá trình lâu dài không làm khổ mình, không làm khổ người, và không làm khổ các chúng sanh khác. (Các chúng sanh khác là các sinh vật có sự sống như loài vật, côn trùng, hoa lá, cỏ cây...). Vì nói nhiều đến cái khổ nên một số người nghĩ rằng đạo Phật bi quan, yếm thế, chỉ để cho người già. Điều này dĩ nhiên là không đúng. Ai cũng đồng ý có luật nhân quả trong đời sống hằng ngày. Ngôn ngữ nào cũng có những câu châm ngôn, thành ngữ nói đến nhân và quả. Tuy chữ dùng khác nhau, nhưng tất cả ý tưởng của các ngôn ngữ đều giống nhau. Khắp nơi trên thế giới người ta đều có những câu tục ngữ tương tự như những câu sau đây trong tiếng Việt của chúng ta: Nhân nào,quả nấy; Quả báo nhãn tiền; Ác giả, ác báo; Gieo gì, gặt nấy; Gieo gió, gặt bão... Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều người trong chúng ta chỉ nhìn thấy nhân quả trước mắt mà không thấy những nhân quả khuất mắt.

“Nhân” tựa như một hạt giống khi trồng xuống đất cần hội tụ nhiều yếu tố khác như ánh sáng, sức nóng mặt trời, phân bón, thời gian tối thiểu, môi trường chung quanh... trước khi cho ra một “quả”. Thời gian để “nhân” trổ thành “quả” nhanh hay chậm hoàn toàn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố nói trên. Hãy nhìn cây cam trong vườn nhà. Có năm cam ra quả sớm, chín sớm. Có năm cam ra quả muộn, chín muộn. Nhưng sớm hay muộn gì cũng có quả cam. Tương tự như thế, đã gieo “nhân” rồi, sớm muộn gì cũng ra “quả” đó. Những gì chúng ta có hôm nay là “quả” của nhiều “nhân” khuất mắt ta không thấy hôm qua hay nhiều thời gian trước đó mà thôi. Và những gì ta làm hôm nay sẽ là “nhân” cho “quả” ngày mai mà ta sẽ thọ lãnh. Nhìn những gì chúng ta làm hôm nay sẽ biết được tương lai ngày mai của ta ra sao. Hiểu được như vậy, sẽ ít ai trồng muốn “nhân” đắng để chịu nhận “quả” cay và chua sau này. Ai cũng thích quả ngon và ngọt phải không? Bằng cách sống với nhân quả, triết lý đạo Phật cho thấy chỉ chúng ta mới là những người có toàn quyền tự quyết định tương lai mai sau của mình chứ không phải bất cứ một người nào khác, dù đó là hữu hình hay vô hình. Một triết lý giúp chúng ta làm chủ đời sống của mình hôm nay và ngày mai thì hẳn không phải là triết lý của người bi quan, chán đời rồi.

Khi chúng ta không làm khổ chính mình thì chúng ta được an lạc; không làm khổ người và làm khổ các chúng sanh khác là chúng ta đã gieo những nhân lành để không bị quả báo về sau. Đó là cách hiểu đơn giản nhất và thực hành đơn giản nhất.

Thực ra “Không làm khổ mình, không làm khổ người, và không làm khổ các chúng sanh khác” xuyên suốt tất cả tư tưởng, triết lý Phật giáo qua mọi thời đại nên dù có thể dễ hiểu mà không dễ thực hành.

Nhưng dù không dễ thực hành, hạnh phúc đích thực ở lúc này và tại đây cho bất cứ ai cũng là hãy chọn lọc ước mơ của mình, biết dừng lại và biết bằng lòng với hiện tại.

Xin thân tặng tất cả các bạn một bài hát vui mà chắc nhiều bạn thường nghe trên radio, và một bài thơ của một thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam. Bài hát nhại theo một giai điệu vui tươi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hay hát trước 1975.


Em thường hay ước mơ.

Mơ mượn “loan” có tiền.

Có tiền là em sẽ bung ra,

Em trả hết cái credit card,

Em lại mua cái xe Jaguar,

Em lại đi shopping,

Em lại buy everything,

Em lại mua cái cục hột xoàn....
(Ước mơ của em lúc nào cũng là tiền. Em xoay xở mọi cách để có tiền kể cả mượn “loan.” Nếu không mượn được “loan,” em sẽ không có tiền, em vẫn nợ thẻ tín dụng, sẽ không có xe Jaguar, sẽ không đi shopping, sẽ không mua được gì cả, sẽ không có cục hột xoàn, em sẽ đau khổ. Nhưng có mượn đươc “loan,” em cũng sẽ khổ dài dài vì bạc đầu cày trả nợ...)



Buông xuống đi, buông xuống đi!



Chớ giữ làm chi, có ích gì.

Thở ra, chẳng lại, còn chi nữa,

Vạn vật vô thường, buông xuống đi.
(Xin tạm diễn giải: Tất cả những gì ta đang có trong tay đều mong manh, ngắn ngủi như sương khói. Cuộc đời, mạng sống của ta tùy thuộc vào hơi thở. Một ngày nào đó, nếu chỉ thở ra, mà chẳng thể thở vào, ta không còn sống trên đời này nữa. Giàu có, danh lợi còn có ích gì? Sẽ chỉ còn lại sự vận hành của nhân quả. Vậy thì hãy buông xả tất cả để không làm khổ mình, không làm khổ người và các chúng sanh, để ngưng tác động nhân quả và được an lạc miên viễn...)


MẸ VÀ CON GÁI


Patricia Bunin - Nhị Tường dịch 



"Mẹ sẽ không quên mang theo cái cối xay khoai chứ mẹ?" Tôi hỏi qua điện thoại sau khi thông báo với mẹ tôi phải chuẩn bị đi mổ vú. Ngay ở cái tuổi tám mươi hai và một khoảng cách xa ba ngàn dặm, mẹ vẫn biết tôi muốn nói gì: món xúp khoai tây nghiền.

Đó là món mẹ từng làm mỗi khi tôi đau ốm hoặc gặp chuyện rủi ro khi tôi còn thơ bé, món này được dọn trong một cái chén với một cái muỗng tròn trịa xinh xắn. Nhưng thuở đó tôi luôn là một đứa trẻ may mắn và ít khi đau ốm. Hầu như tôi hiếm khi phải dùng đến món khoai tây nhuyễn hoặc thuốc men. Lần này tôi ốm nghiêm trọng.

Đáp chuyến bay nửa đêm từ Virginia, Mẹ trông vẫn tươi vui như mọi ngày khi bà bước vào cửa chính nhà tôi ở California vào ngày sau khi tôi từ bệnh viện trở về. Tôi gần như không thể nhướng mắt lên nổi, nhưng điều cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi rơi vào giấc ngủ đó là mẹ mở những gói hành lý và và lấy ra cái cối xay khoai tây đã 60 tuổi. Một món quà kỷ niệm mẹ nhận trong ngày cưới, cái tay cầm bằng gỗ đã sứt mẻ và có nhiều kỷ niệm gắn bó trong những năm ròng.

Mẹ đã nghiền khoai tây trong căn bếp nhà tôi vào cái ngày mắt tôi đẫm lệ nói cho bà biết tôi phải trải qua xạ trị. Mẹ đã đặt chiếc cối xay xuống và nhìn thẳng vào mắt tôi. “Bất cứ lúc nào mẹ cũng sẽ ở cạnh con,” mẹ nói. “Không có gì quan trọng hơn trong đời mẹ là phải làm cho con khỏe mạnh.” Tôi luôn nghĩ rằng mình là người bướng bỉnh trong gia đình nhưng năm tháng sau đó tôi thấy mình trở nên chân thành.

Mẹ khẳng định rằng tôi không thể chết trước mẹ. Mẹ dìu tôi đi bộ trong nhà thậm chí cả khi tôi không thể đi xa hơn mươi bước. Mẹ nghiền nát những viên thuốc và bỏ vào trong mứt, bởi vì cho dù là đã ở tuổi trung niên, đã có một đứa con gái cũng đã trưởng thành, tôi vẫn không thể nào nuốt được viên thuốc khá hơn ngày tôi còn là một đứa trẻ.

Khi tóc tôi bắt đầu rụng, mẹ mua cho tôi những chiếc mũ rất ngộ nghĩnh xinh xắn. Mẹ ướp gừng để tôi được ấm bụng và ngồi bên cạnh tôi những đêm tôi không ngủ được. Mẹ bón cho tôi từng thìa trà.



Khi tôi nằm xuống, mẹ vẫn ngồi cạnh. Khi mẹ nằm xuống thì tôi ắt hẳn đã ngủ. Mẹ không bao giờ để tôi trông thấy điều đó. Và cuối cùng, tôi bình phục. Tôi trở lại với trang viết của mình.
Tôi đã khám phá ra rằng Ngày lễ Mẹ không chỉ là ngày chủ nhật nào đó của tháng Năm, mà là mọi ngày trong cuộc đời khi ta có một người mẹ yêu thương bên cạnh mình.



Thiền hành -

Photo by

Chiêu Hà



Cụm Mây


Mang Hình Chiếc Lá
Mỹ Huyền



Mới đêm qua, bên cạnh mảnh vườn lốm đốm cỏ, khoảng đất đen trong sân vẫn còn trống, vậy mà sáng hôm sau đã thấy lấm chấm những mầm non. Chúng vươn lên sau những tháng vùi mình trong lòng đất, dưới những lớp tuyết lạnh của mùa đông vừa tan chảy. Thời tiết đã ấm dần. Vài hôm nhìn lại thấy chúng cao lớn đón ánh mặt trời, rồi dần đơm nụ, nở hoa. Những bông hoa màu tím nhạt kiêu hãnh trong nắng sớm, nhưng cũng biết e ấp với những đợt gió vờn qua.

Loài hoa trong khu vườn nhỏ nhà tôi mang cái tên thật dễ thương, hoa bướm, mà lúc còn ở quê nhà lũ con nít chúng tôi thường gọi là hoa soi nhái. Tôi không rõ lắm về việc vì sao người ta gọi như thế, chỉ nghe ai đó nói rằng hoa cụp xuống vào ban đêm, giống như người ta đeo đèn pin trên trán cúi lom khom đi bắt ếch nhái vào những đêm mưa vậy. Vào tuổi thơ tôi, hoa bướm luôn bị chúng tôi ngắt rồi tự đính vào vành tai để chơi trò giả làm cô dâu hay một cô thôn nữ, hoặc hái về cắm trong bình đặt trên bàn học, có khi dùng cọng rơm khô cột thành một bó hoa đơn sơ đem tặng cô giáo nhân ngày lễ của thầy cô. Hoa cứ mọc quanh năm nên không sợ hoa hết, và cũng chẳng ai la rầy vì là hoa dại. Còn người lớn phải bận rộn làm ăn không có thì giờ để mắt tới bọn con nít chơi trò nghịch ngợm gì, mà chúng tôi có nghịch ngợm chi đâu, thời ấy đâu còn trò nào khác hơn thế nữa. Hoa bướm ở quê tôi nhiều màu lắm, trắng, hồng đậm, hồng nhạt, tím nhạt, nhưng nhiều nhất là màu vàng. Không như ở đây chỉ toàn là màu tím nhạt, cũng không thấy đứa trẻ nào đến hái hoa. Ở xứ văn minh này không có cái tự do hái hoa nhà người ta nên bọn trẻ ở đây không có cái hồn nhiên của chúng tôi thuở trước. Và những vườn hoa sặc sỡ trước mỗi nhà cũng mang một vẻ gì đó buồn tẻ hơn. Tôi nhớ đến ngày xưa và thèm khát muốn chơi lại trò chơi xưa cũ. Tôi định đưa tay ngắt một hoa cho thỏa nỗi niềm mà không sợ ai la rầy, vì vườn của mình mà, thì hoa bỗng lắc lư theo gió như tránh né. Lòng gợn chút băn khoăn và hối hận khi tôi nhanh chóng hiểu ra rằng nó cũng cần một sự sống tự nhiên cùng đồng loại để góp chút hương sắc cho đời. Tôi rút tay, lướt mắt nhìn quanh vườn với niềm thông cảm khôn nguôi. Gió thổi nhẹ lay hoa nghiêng ngã như cúi đầu cảm ơn. Tôi nhắm mắt hít một hơi thật sâu như muốn thâu hết khí trời tinh khiết vào lồng ngực. Một cảm giác mát lạnh thoáng trên da thịt, thì ra cơn mưa xuân lất phất đến tự bao giờ...

Loài hoa khoe sắc trong bao lâu, tôi không để ý, chỉ biết là khi những chú ong không còn tìm thấy mật nơi hoa nữa thì cũng là lúc hoa đã phai màu, rũ rượi, héo tàn, và cuối cùng rơi rụng xuống chính mảnh đất mà nó từng vươn lên. Những hạt khô nằm đó chờ những cộng nghiệp của mưa, nắng và độ ẩm để một lần nữa được tái sinh. Sự thái hóa của hoa đồng nghĩa với việc sự sống khác sẽ bắt đầu. Trong bản chất của sự sinh đã ngấm ngầm sự diệt, và trong diệt đã có sẵn mầm sinh. Chỉ một loài hoa thôi mà không biết có mấy lần tái sinh trong hai mùa xuân hạ.

Cây phong ngay tầm mắt cũng cao lớn hơn. Nhớ ngày nào cây vẫn còn trơ cành, khẳng khiu, điểm chút màu xanh của chồi non vừa mới nhú. Chỉ thoáng vài hôm mà cây đã toàn là lá. Lá nhiều nên đã che khuất cành, xanh um. Vài chú chim bay đến tìm sâu làm thức ăn cho buổi sáng, sau khi chào bình minh bằng một khúc nhạc quen thuộc đầu ngày. Ong bướm lượn quanh khoảng sân đầy hoa tím dưới bóng cây phong, làm cho khu vườn nhỏ dù không nhiều loại hoa cũng trở nên sinh động. Không gian nhỏ chỉ có vỏn vẹn ba màu. Màu xanh um của lá cây, màu xanh mượt mà của thảm cỏ, và màu tím nhạt của hoa bướm. Nhưng nếu ngước mắt lên thì sẽ thấy thêm màu xanh của trời, màu trắng của mây và màu vàng trong của nắng. Lâu lâu có cụm mây đen tưởng đâu lạc đường bay đến rồi sẽ đi, nhưng chỉ một lúc sau những đám mây đen khác vần vũ kéo theo làm bầu trời như thấp xuống, rồi một trận mưa rào mặc sức tuôn rơi. Mưa như trút nước để tắm gội cho vạn sinh vật, làm dịu đi cái nóng của mùa hè. Mưa đến rồi đi thật nhanh. Có vài chú giun ngoi lên khỏi mặt đất, dạo quanh trên nền gạch mát lạnh của phần đường dành cho người đi bộ. Vài chú khác bị đạp xẹp lép dưới bước đi vô tình của người lỡ đường vội vã trong cơn mưa. Thảm thương hơn cho số mải chơi, đến khi quay về nơi chốn cũ thì đã kiệt sức giữa đường dưới cái nắng gay gắt sau cơn mưa hạ. Dăm ba bé sâu con cũng ra tắm nắng, thả rơi thân mình theo sợi tơ rất đỗi mong manh, đu đưa, lắc lư. Nếu không chú ý lắm cũng có thể lắng nghe được tiếng chim hót gọi nhau hòa nhịp cùng với tiếng rơi lộp độp của những giọt nước mưa còn đọng lại trên lá, trên hoa, trên cọng cỏ. Những giọt nước trong vắt, long lanh như những viên ngọc bích phản chiếu tất cả những gì ở xung quanh nó. Nếu ghé mắt nhìn vào ta sẽ thấy được cả một bầu trời thu nhỏ bên trong.

Có ai đếm được bao nhiêu trận mưa hay bao nhiêu đợt nắng gió đã đi qua một mùa hè ngắn ngủi nơi đây? Có ai biết được chính xác bao giờ mùa hè kết thúc và mùa thu bắt đầu từ khi nào? Chỉ biết những chiếc lá dần chuyển màu khi cơn gió mang theo hơi lạnh, là lúc trong đầu loáng thoáng với hai chữ thu sang.

Người bộ hành quen thuộc đi ngang, ngửa mặt nhìn cây thay màu lá, rồi đưa ánh mắt xuống nói gì đó với chú cún con cùng tản bộ với mình. Chú cún đứng lại vài giây, ve vẩy cái đuôi màu nâu nhạt nhỏ xíu, ngoái đầu nhìn chủ. Không biết nó đang vui thích với màu vàng rực của lá hay đang thắc mắc trước sự đổi thay này. Gió thu thổi mạnh, lay những chiếc lá chạm vào nhau nghe xào xạc, nhưng man mác buồn. Hình như chúng trao nhau lời tiễn biệt trước lúc lìa cành. Cành lá phất phơ trong gió, chạm phớt vào nhau như thay cho vòng tay xiết chặt và những cánh tay vẫy chào nhau khi chia tay lần cuối. Không biết cơn gió cuối thu sẽ đưa đẩy số phận chúng về đâu, và biết bao giờ mới được tái ngộ trên cùng một thân cây như kiếp này. Có số lá an phận, không cần gió cũng tự gieo mình xuống ngay dưới gốc cây thật nhẹ nhàng, thanh thản. Có lẽ chúng hiểu được rằng dù sớm dù muộn thì chúng cũng sẽ phải trở lại nơi mà chúng sinh ra và lớn lên, trở lại với cội nguồn âu cũng là một quy luật bất biến của vũ trụ. Số khác bị gió thổi bay gần, bay xa, buông xuôi số phận cho cơn gió, cho những bước chân vô tình dẫm lên thân xác khô sậm màu vì không còn dưỡng chất. Dù người bộ hành không vội vã, họ cũng chẳng có ý định muốn né tránh một chiếc lá khô nằm bất động bên đường. Tiếng lá khô vỡ giòn tan rất nhỏ dưới gót giày, nghe như một tiếng kêu đau cuối cùng của một sinh mạng trước lúc lâm chung. Tất cả số lá đã rời khỏi cành, dù gần dù xa, đều sẽ hóa thành mùn khi gặp phải mưa thu. Chỉ còn vài chiếc lá cuối cùng luyến tiếc điều chi nên chưa chịu buông cành. Lá bơ vơ trên thân cây trơ trụi, cố bám víu để chống lại nhịp sống vô thường chăng? Hay chúng là một trong những số lá hiếm hoi vẫn còn sức mạnh ở nơi tâm hồn, nên có đầy đủ nghị lực, ý chí và lòng kiên nhẫn trước thử thách của đất trời, của tạo hóa. Nắng, mưa, gió, và cái lạnh buốt không làm thối chuyển được lời nguyện của nó ở một kiếp xa xôi nào đó, rằng sẽ phải đón nhận và vượt qua tất cả những nghịch cảnh, khó khăn, phải biết tự vượt qua chính mình, lấy sự quạnh hiu, cô độc làm niềm lạc quan, tự tại. Cho nên, những chiếc lá vàng có vẻ như bơ vơ lạc lõng trên thân cây không lá, nhưng thật ra chúng rất tự tin vào con đường mà chúng đã chọn. Chúng sẽ ở lại cành đến khi thành tựu lời nguyện, và mãn duyên với một thân kiếp làm lá. Lúc đó chúng sẽ mãn nguyện rời cành, cũng trở về với cội nguồn như bao chiếc lá khác, nhưng với hi vọng sẽ không còn tái sinh nữa, hoặc có cũng sẽ mong được tái sinh thành hữu thân như một con người, để chúng có thể chia sẻ với mọi người về sự trải nghiệm khi thân còn là chiếc lá của ngàn kiếp xa xưa. Những chiếc lá không dễ dàng buông xuôi theo số phận nếu vẫn còn một chút hơi thở cuối cùng với tâm nguyện khát khao hướng đến nơi giải thoát. Đối với riêng tôi, chúng là những chiếc lá vàng nhưng không héo úa.

Còn những sợi lá mong manh của vườn hoa tím cũng run lên với cơn gió lạnh mùa thu. Vài nụ vừa mới nhú thêm, bất ngờ gặp phải hơi lạnh nên co ro, nhưng cũng gắng nở ra một cách ngượng ngạo, e dè khi cánh hoa chưa đủ lớn. Chúng phải nở, nếu không chúng chẳng còn cơ hội nào nữa khi mùa thu sắp sửa qua đi. Bất kì một kiếp làm hoa nào cũng cho cuộc đời ít nhiều ý nghĩa. Mà ý nghĩa nhất là lúc cánh hoa bung ra, nở rộ, khoe sắc và dâng hương, với một tâm nguyện duy nhất có thể mang chút gì tươi tắn đến cho những ai hữu duyên đang sống giữa cuộc đời có quá nhiều ô nhiễm.
Thảm cỏ cạnh bên vẫn còn đang xanh tươi tốt mà đợt tuyết đầu đông đã đến. Chiếc lá vàng cuối cùng lặng lờ rơi, một cơn gió nhẹ thoảng qua, lá nhẹ nhàng đáp xuống nằm im trên thảm cỏ xanh mềm. Tôi hiểu lá đang hóa kiếp. Tôi yên tâm vì biết sẽ không có ai bước lên thảm cỏ ấy nên lá cũng không bị dẫm dưới bước chân của một người nào. Chú cún con quen thuộc được chủ mặc ấm dắt đi tản bộ cũng chậm bước cúi đầu phân ưu, không ve vẩy cái đuôi nâu nhỏ rất dễ thương như mọi ngày. Hạt tuyết nhỏ thưa thớt, lất phất bay một cách chậm rãi, rồi dần dầy đặt và rơi thật nhanh. Bầu trời trắng xóa một màu tang. Tôi không còn thấy lá nữa vì tuyết đã lấp đầy. Lòng chợt nặng trĩu một nỗi buồn như mất đi một cái gì quen thuộc. Một lúc lâu, sau khi nghĩ kĩ tôi lại mừng cho nó. Đã quá đủ cho một kiếp lá mong manh phải hứng chịu biết bao sự khắc nghiệt của thời tiết nơi này. Và tôi tin vào phút giây cuối cùng ấy, lá đã biết râm ran câu niệm ‘Nam mô Phật’ từ lúc bắt đầu rời cành cho đến khi lá đặt thân yên vị trên thảm cỏ.

Mùa đông ở đây tuyết nhiều. Xe ủi tuyết đẩy tuyết sang hai bên lề đường thành ụ cao. Mỗi nhà cũng tự xúc tuyết sang hai bên mở đường cho xe vào sân hoặc garage. Mùa đông trời mau tối. Đường xá vắng hoe, người ta lười ra đường vì thời tiết quá lạnh, phải mặc nhiều lớp áo, mang ủng, khăn len, mũ ấm, găng tay... Gió đông hú từng cơn, những ụ tuyết mờ ảo dưới ánh đèn đường vàng hắt hiu, mang một nét gì đặc trưng buồn tẻ của mùa đông, mùa đến cuối cùng trong năm. Tôi liên tưởng đến những nấm mồ. Dưới những nấm mồ tập thể ấy là biết bao thân xác của vô số vạn vật trên cõi đời này. Đâu ai đếm được có bao nhiêu chiếc lá, bao nhiêu cánh hoa rơi, bao nhiêu xác côn trùng, bao nhiêu hạt cát và sỏi đá... bị vùi lấp dưới những nấm mồ lạnh lẽo ấy.


Rất nhiều lần sau này, vào những ngày thong thả lúc trời còn sáng, tôi thường hay nhìn ra mảnh sân cỏ, vị trí nơi chiếc lá cuối cùng đã ra đi và vĩnh viễn nằm đó. Để làm gì, tôi không rõ lắm, nhưng mang máng nhận ra một điều là hình như đang muốn tìm lại một cái gì đó đánh rơi. Sau đó tôi ngó lên trời, lòng dâng lên một niềm vui vô tận khi bắt gặp được cụm mây trắng mang hình dạng của một chiếc lá phong đang bồng bềnh, tự tại giữa khung trời xanh ngát cuối đông.
Vaughan, mùa hè 30-07-2007



Thơ LỮ TÙNG ANH
Trăn Trối



Trước khi về với bụi tro,
Có lời tâm huyết dặn dò, chớ quên!
Con nên lấy đức làm nền,
Xây tòa cao thượng vượt trên thấp hèn!
Tránh xa ích kỷ nhỏ nhen,
Gièm pha, đâm thọc, bon chen, giựt giành!
Chỉ vì đố kỵ, ghét ganh,
Mà bao cuộc sống trở thành âm u…
Đừng nên xây oán đắp thù,
Nuôi dòng nọc độc làm mù trái tim!
Hãy nên bắt chước loài chim,
Hót chào những kẻ săn tìm mồi ngon!
Đừng nên biến méo thành tròn,
Để cho tư lợi làm mòn công tâm!
Hãy nên bắt chước loài tằm,
Ăn toàn dâu lá mà nằm trả tơ!
Đừng như loài lợn ăn dơ,
Bụng to đầu béo nằm chờ… thớt dao!
Đừng nên tài thấp ngồi cao,
Có ngày ghế lệch… lộn nhào xuống sông!


Thấm yêu mới chọn vợ chồng,
Đàn bà hiền dịu, đàn ông kiên cường!



Gia đình mà thiếu tình thương,
Khác nào đi dạo khu vườn trụi hoa!


Sống chung cần nhất thật thà,
Lòng tin giảm sút, cửa nhà khó yên!
Đàn bà, kỵ nhất vô duyên,
Vụng về, vặt vãnh, bám tiền, mê trai!
Đàn ông, kỵ nhất bất tài,
Hẹp hòi, hèn hạ, bạc bài, xỉn say!
Giàu sang chính đáng ngày mai,
Là do tài đức miệt mài hôm nay!
Mỗi ngày chăm chút tương lai,
Đừng quên gác chuyện sinh nhai vài giờ!
Để đọc sách, để ngâm thơ,
Để nghe đàn hát, để chờ tri âm…
Để đừng bỏ đói cõi tâm,
Nuôi lòng trắc ẩn… ôm trầm trần ai!


Nghe gì, chớ vội tin ngay,
Phải nghe bằng cả hai tai hai chiều!
Thế gian kẻ ghét, người yêu,
Ghét thì nói xấu, đặt điều vu oan!
Lưỡi mầm co dãn, luận bàn lệch cong!
Con cần gạn đục khơi trong,
Kết thân người tốt, đề phòng tà gian!







Coi chừng đồ dõm mạ vàng,
Mặt mày trắng trẻo, ruột gan đen sì!


Bạn bè quý nhất cố tri,
Đừng vì vật chất mất đi bạn hiền!
Sống là cần đến đồng tiền!
Nhưng đừng để nó cầm quyền chỉ huy!
Để tiền đánh gục lương tri,
Là thành con vật hiểm nguy cho đời!
Thanh bần mà được thảnh thơi,
Còn hơn trọc phú rối bời tâm can!
Đừng quên thảm cảnh cơ hàn,
Tới lui thăm viếng… hỏi han đôi lời…
Đừng buôn tình cảm kiếm lời,
Tặng quà vô nghĩa những nơi không cần!
Mà nên xóa nợ, tri ân,
Của cải dễ kiếm lòng nhân khó tìm!
Làm cha, cần nhất đức nghiêm,
Làm mẹ cần nhất trái tim chan hòa…
Dạy con: có thưởng, có la,
Để con ỉ lại, chính là hại con!
Cho con mặc đẹp ăn ngon,
Đâu bằng chữ nghĩa vuông tròn mang theo!
Để con đức hẹp, trí nghèo,
Khác nào nuôi cọp, nuôi beo trong nhà!


Thôi đừng phí lệ khóc cha,
Trước sau, ai cũng phải già, phải đi!
Luật đời tử biệt sinh li,
Mỗi người mỗi cảnh, mỗi đi một đường…
Đường nào cũng ẩn đau thương,
Càng tham chiếm giữ, càng vương nợ đời!
Có đầy thì phải có vơi,
Con mau dừng lại khi trời chưa khô!
một mình đối diện hư vô,
lắng nghe tiếng vọng đáy mồ tiền nhân…
lặng nhìn thiên cổ phù vân,
ngẫm soi mọi thứ bụi trần kết tinh…
để luôn tự giáo dục mình…
tiêu trừ cái ác, phát sinh cái lành!
Thói hư, tật xấu lây nhanh,
Cái đẹp, cái tốt khó thành, dễ tan!


Trước khi vĩnh biệt trần gian,
Có lời trăn trối trễ tràng dặn con…
đời cha, nhiều việc chưa tròn,
lúc kề miệng lỗ, hãy còn băn khoăn…



chỉ vì gia cảnh khó khăn,
mà cha môi lạnh, chán nhăn một đời!
Lo cho hũ gạo đừng vơi,
vợ con no ấm, vui chơi an lành,
ưu tiên con cái học hành,
mà bao sinh thú phải đành dẹp qua!
Cây đời chưa kịp trổ hoa,
tuổi già ập dến… lùi xa đứng nhìn!
Đôi khi nghèo rớt niềm tin,
Nhưng cha vẫn cố giữ gìn chữ nhân!
Giàu bất chính.. là bất nhân,
Đúc mình thành tượng dã nhân đội vàng!
Bất tài, cam chịu nghèo nàn,
Quyết không làm chuyện ác gian hại đời!
Làm người khó lắm con ơi,
kiếm tiền, nhưng chớ… nhổ phơi tâm hồn!


(trích “Rong chơi cõi mù”-LTA-1998)







Hương Rơi Cuối Mùa


Chiêu Hoàng


LTS.: Bài này tác giả đã viết từ năm 1998, có đăng trên một số trang lưới văn học và đã được tuyển chọn trong Góp Nhặt Hương Sen, một tuyển tập văn học Phật giáo vừa được xuất bản trong mùa Vu Lan 2007, do Phụ Nữ Việt chủ trương, với sự góp mặt của 24 tác giả, và lời giới thiệu của Vĩnh Hảo. Tuyển tập Góp Nhặt Hương Sen là sự kết tụ của trí tuệ và từ tâm của những cây bút Phật giáo, phát hành để gây quỹ từ thiện. Quý độc giả muốn có một tuyển tập văn học Phật giáo của nhiều tác giả Phật giáo hải ngoại nên tìm đọc tác phẩm này; đồng thời cũng là cách gián tiếp góp phần làm giảm thiểu niềm đau của những người bất hạnh qua công tác từ thiện của nhóm Phụ Nữ Việt. Mọi ủng hộ cho tuyển tập và công tác từ thiện của Phụ Nữ Việt, xin ghé thăm trang nhà www.phunuviet.org , liên lạc ban điều hành để biết thêm chi tiết. Trân trọng giới thiệu. Vĩnh Hảo.

Thiên hạ thường gọi tôi là "thằng khờ". Nhất là đám con nít trong xóm, cứ hễ khi nào tôi ra đường một mình chúng cũng đều xúm vào trêu ghẹo, thậm chí có đứa quá khích động liệng cả đá vào tôi nữa:

"Ô kìa, ra mà coi thằng khờ tụi bay ơi!!"

Những lúc bị chúng bắt nạt, đánh như thế, tôi thường khóc rống lên, ôm đầu chạy tuốt về nhà:

"Mẹ ơi... Mẹ ơiiiiii... Chúng đánh con đau quá... Hu...hu...hu..."

Lần nào cũng vậy, mẹ đều xót xa, ôm tôi thật lâu trong lòng cho đến khi tôi cảm thấy ấm áp, an lạc:

"Mẹ đã dặn con bao lần mà con vẫn không nhớ. Chớ nên ra đường chơi một mình mà không có mẹ. Chúng sẽ ném đá và làm con đau đớn. Con nhớ chưa?"

"Con nhớ! Híc..híc..híc..."

"Ngoan lắm. Nào cho mẹ xem con bị đau đâu."

Nói rồi. Bà tỉ mỉ nhìn từng phân vuông trên da thịt tôi, sờ đầu, nắn tay, chân v.v... để chắc chắn tôi không bị bầm dập, trầy sướt chỗ nào.

"Mẹ ơi. Thằng khờ là gì hở mẹ?"

"Có nghĩa là một đứa trẻ vì một lý do nào đó mà đầu óc nó phát triển rất chậm - như con vậy. Con năm nay đã mười hai tuổi, nhưng não bộ của con chỉ bằng một đứa trẻ lên năm. Lại nữa, đôi khi một vài bộ phận trong cơ thể không nhận được tín hiệu từ não bộ, hoặc nhận một cách sai lạc, nên hành động trở thành vụng về, lệch lạc rất nhiều. Cơ thể thì phát triển một cách bất bình thường, dị dạng. Một vài cơ quan trên người bị teo lại hoặc lệch đi. Như miệng con hơi bị méo, lệch hẳn qua một phía. Đầu óc thì khi nhớ, khi quên. Bộ óc không đủ khả năng để nhớ được một chuyện mới xảy ra vài ngày trước đó. Những tư tưởng thì cứ nhảy lên liên tục, hết ý niệm này nối tiếp với ý niệm khác. Niềm vui, nỗi buồn luân chuyển luôn luôn, phát sinh ra những hành động hồ đồ khi khóc, khi cười không thể kiểm soát nổi..."

Mẹ nói dài quá, tôi chẳng hiểu gì. "Não bộ", "phát triển", "cơ thể bất bình thường" v.v.. và nhiều từ khác... Tất cả những ngôn từ ấy đều rất trừu tượng đối với tôi. Tóm lại, tôi chỉ hiểu đại khái "thằng khờ" chính là tôi, mười hai tuổi, nhưng chỉ bằng một đứa bé lên năm. A ha… Như vậy cũng tốt lắm chứ! Chả thế mà lúc nào tôi cũng được mẹ đặc biệt chăm sóc. Thỉnh thoảng còn thấy mẹ vừa ôm tôi vào lòng vừa khóc nữa...

Mẹ rất thương tôi. Tôi chỉ thấy bằng cảm giác. Rõ rệt nhất về tình yêu bà dành cho tôi là bà thường ôm tôi vào lòng, để tôi co gọn người trong lòng bà, nghe hơi ấm từ ngực bà truyền sang, cảm nhận được tình yêu bà dành cho tôi thật bao la. Đôi khi sung sướng quá, tôi cứ chỉ muốn mình mãi mãi là một đứa bé năm tuổi, mãi mãi là thằng khờ của mẹ.

Về ngoại hình - dưới con mắt cực kỳ chủ quan - tôi tự nghĩ có lẽ mình trông không đến nỗi tệ. Đôi mắt hơi lớn. Miệng bị lệch nên lúc nào cũng hở, rãi rớt cứ chảy ra ròng ròng mà tôi chẳng hề biết, vì vậy mà ngực áo lúc nào cũng ướt. Mẹ phải đeo thêm cho tôi một cái yếm cho đỡ lạnh ngực. Mẹ biết tôi rất thích mầu sắc nên cái yếm nào cũng đầy mầu xanh, đỏ, tím, vàng v.v... (Những cái yếm này nhiều khi cũng làm trò cười cho thiên hạ). Tôi thích nhất cái yếm có hình cầu vồng ngũ sắc, vì tôi luôn luôn nghĩ rằng mình từ đó mà ra. Thật tuyệt diệu khi được sinh ra từ một vùng đầy mầu sắc như thế!

Mặc dù tôi là con trai, nhưng mẹ tôi lại cắt tóc bum bê (chắc mẹ chỉ biết cắt một kiểu đó thôi!). Đằng trước là một mảng tóc che cái trán ngang xuống tới chân mày. Khuôn mặt hơi vuông, nên với kiểu tóc như vậy trông tôi lại càng ngờ nghệch. Đôi tai hơi to quá khổ, vểnh ra phía trước. Một đôi lần, nhìn ngắm mình trong gương, tôi thấy mình cũng đẹp trai lắm nên hay mỉm cười và... làm điệu với chính mình...

Tôi không đến trường. Mẹ bảo đang xin cho tôi vào một ngôi trường cho những trẻ em khuyết tật, nhưng vì trường quá xa nhà, đưa đón không tiện nên mẹ giữ tôi ở nhà luôn. Chỉ một tháng một lần, đưa tôi đi bác sĩ và lấy thêm thuốc mà thôi.

Những lúc rảnh, mẹ thường lôi những quyển sách tập cho tôi nhận diện qua hình ảnh.

"Xe đâu?" Mẹ hỏi.

Tôi nhìn một lúc rồi chỉ vào chiếc xe mẹ đă dạy rất nhiều lần.

"Giỏi lắm. Xe mầu gì?"

"Mầu... mầu..."

Tôi cố lục tung trong đầu những ngôn từ mà mẹ vừa dạy trước đó coi cái mầu của xe là mầu gì. Chà. Cả tỉ thứ nhảy lung tung trong đầu mà bất ngờ tôi chưa thể nhận diện ra cái nào là cái nào... Hưm... Mầu gì nhỉ?

"Mầu?" Giọng mẹ nhắc nhở…

"Mầu.... xanh..."

"Sai rồi! Mầu đỏ đấy chứ. Nè. Trái táo này cũng là mầu đỏ. Nhớ chưa?"

Tôi bá lấy cổ mẹ:

"Mẹ ơi. Cái xe cũng là trái táo hở mẹ?"

"Ưm... Không phải đâu. Cái xe này chỉ cùng màu với trái táo thôi. Nó không phải là trái táo. Nhớ nhé!"

Tôi ngồi dựa hẳn vào ngực mẹ, nghe hơi ấm từ ngực bà truyền qua. Âm thanh từ môi bà bay ra như mơ, như thực. Bà nói cái gì mà nhớ với quên? Tuyệt nhiên tôi không thể nhận ra bà đang nói gì.

"Nón đâu?"

Tôi mệt mỏi, không muốn suy nghĩ gì nữa hết, chỉ bừa vào một cái hình trong quyển sách đầy những hình ảnh và mầu sắc. Mẹ kêu khẽ:

"Không phải đâu! Đó là con ngựa. Con ngựa có bốn cái chân và một cái bờm ở trên đầu. Con nói đi. Con ngựa!"

"Con ngựa..." Tôi lặp lại một cách máy móc.

"Ngoan lắm..."

Mẹ biết tôi đã mệt và bắt đầu lười biếng suy nghĩ. Nên bà yên lặng. Nhìn mông lung qua khung cửa sổ sáng lòa những nắng. Tôi thương đôi mắt mẹ. Mắt mẹ to, có mầu nâu hạt dẻ, hun hút một chiều sâu khó hiểu. Lần nào nhìn sâu vào mắt mẹ, tôi chỉ muốn ngụp lặn thật sâu trong đôi mắt ấy. Tôi thấy được nỗi buồn mênh mang, mênh mang…

Gia đình tôi rất nghèo. Chỉ có hai mẹ con sống trong một căn phòng nhỏ. Mẹ không bao giờ nhắc đến cha tôi, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi mẹ về cha, vì đối với tôi, tất cả đều rất mơ hồ, lãng đãng. Tôi chỉ biết có mẹ và không gian riêng tư rất hạn hẹp trong căn phòng nhỏ này. Chỉ cần đi tung tăng vài bước là hết phòng. Góc bên kia là bếp. Mẹ ngăn một cái hàng rào gỗ cao để tôi không vào được. Mẹ bảo phòng khi hỏa hoạn. Tôi chẳng hiểu hỏa hoạn là gì. Nhưng mẹ cấm tiệt tôi không được bén mảng đến khu ấy.

Ngoài ra, tôi có thể ngồi lui cui chơi một mình cả ngày với mấy món đồ chơi lỉnh kỉnh. Tôi rất thích cây súng ngắn, làm bằng một loại gỗ khá nặng, rất đẹp mắt. Những lúc tâm hồn bấn loạn, bất an, nhất là những lúc lên cơn, tôi như người nhập đồng, la hét, lăn lộn, và trở nên rất dữ tợn. Cơn giận dữ ùn ùn xô tới như cơn bão, tôi đập phá bất cứ gì ở trong tầm tay. Một lần, tôi dùng cây súng bổ xuống đầu mẹ phọt máu, nhìn thấy máu chảy dài trên mặt mẹ, tôi càng thêm điên tiết, dữ tợn hơn. Tôi nghe Mẹ kêu "ối" một tiếng lớn rồi nhào tới ôm chặt lấy tôi vào lòng, càng dãy dụa, mẹ càng ôm tôi chặt hơn. Như một người thợ săn thiện nghệ, bà lôi ở đâu ra một ống chích, đẩy nhẹ vào mông tôi. Một lúc, cơn điên dần dần hạ, tôi từ từ chìm vào giấc ngủ... Lúc đó, người đàn bà trẻ mới có thì giờ nhìn đến vết thương mình...

Cứ hễ ba giờ chiều là mẹ phải đi làm. Chẳng hiểu mẹ làm gì nhưng về trễ lắm. Không bao giờ tôi biết mẹ về lúc nào. Cứ trước khi đi làm, mẹ đều căn dặn chỉ một điệp khúc tới độ tôi đã thuộc lòng:

"Thức ăn mẹ để sẵn trên bàn, khi nào con đói thì ăn nhé. Buồn thì mở TV lên xem hay lấy sách hình ra học. Buồn ngủ thì cứ leo lên giường ngủ nhớ chưa? Mẹ sẽ về!"

Tôi yên lặng gật đầu. Mẹ ôm tôi vào lòng hôn lên má rồi lặng lẽ ra cửa khóa lại. Để chắc ăn tôi không chạy ra ngoài chơi, bà còn cẩn thận khóa thêm một ổ khóa khác phía bên ngoài.

Đời sống của tôi dường như chỉ khép kín ở bốn khung vuông, ngăn cách hẳn với thế giới bên ngoài. Nhưng chẳng hề gì vì tôi đã có một thế giới rất riêng tư - ngay cả mẹ cũng không biết - không phải tôi muốn dấu mẹ, nhưng tôi thực không biết nói sao để diễn tả cái thế giới ấy, một thế giới của không gian thênh thang và kỳ diệu, biến đổi theo từng ý niệm tâm thức khởi lên, lẫn lộn, từng mảnh chắp vá và có rất nhiều mầu sắc...


Một buổi sáng. Sau khi tắm rửa, chải đầu, mẹ mặc cho tôi một chiếc áo mới:

"Hôm nay mẹ sẽ đưa con lên chùa làm lễ quy y..."

Tôi không biết quy y là gì. Nhưng vẫn im lặng, thõng tay để mặc mẹ mặc quần áo cho mình.

"Mẹ còn muốn thày ban phép lành cho con và nhất là xin được sám hối tất cả những lỗi lầm mẹ đã tạo..."

Tôi thực chẳng hiểu mẹ nói gì. Tựa như mẹ đang nói chuyện với một bóng ma nào đó. Nhưng bằng cảm xúc bén nhậy của mình, tôi biết lúc đó mẹ đang rất buồn, đôi mắt mẹ đong đầy những khổ đau. Tôi có thể nhìn thấy được long lanh, hạt nước mắt sẵn sàng tràn ra khoé mi. Tôi nhìn bà ngẩn ngơ:

"Sao mẹ lại khóc thế?"

Mẹ tôi quẹt vội giọt nước mắt vào cánh tay áo, ôm tôi vào lòng âu yếm hỏi:

"Hôm nay được mặc áo mới. Con có thích không?"

"Con thích!" Tôi máy móc trả lời rồi hỏi lại:

"Mình đi chơi đâu hả mẹ?"

"Thì hồi nãy mẹ nói con rồi. Hôm nay mình lên chùa..."

Mặc dù vẫn chẳng hiểu chùa là gì, nhưng tôi giữ im lặng, vì nếu có hỏi thêm thì câu trả lời của mẹ càng làm tôi mù mịt. Tuyệt nhiên, tôi chẳng có một quan niệm hay một ý tưởng nào trong đầu về cuộc đi chơi hôm nay. Dẫu vậy, lòng tôi cũng rộn lên một niềm vui vì được ra khỏi nhà. Được nhìn thấy một thế giới khác so với thế giới của riêng tôi. Chẳng phải sao? Mỗi thế giới đều có những điều kỳ diệu, biến ảo riêng của nó. Mà lạ lùng thay, hình như sự biến ảo, kỳ diệu này chỉ có mình tôi nhìn thấy, nó làm cho tâm tôi thật khích động, và đôi khi tôi có cảm tưởng trái tim mình như muốn bị vỡ tung, muốn lập tức, nhập vào với không gian thênh thang mang đầy những bí ẩn, kỳ diệu của một kiếp người... Những lúc khích động như thế, tôi lại bị lên cơn...

Trên suốt con đường dài từ nhà đến chùa, cả hai cùng im lặng. Khuôn mặt mẹ lộ rõ sự suy tư và khổ đau. Tôi không hiểu mẹ nghĩ gì, nhưng thỉnh thoảng tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Giọng mẹ khẽ khàng như nói với một người trong mơ:

"Hối ơi. Cho mẹ ngàn lần xin lỗi... Mẹ thật có lỗi với con..."

Gió mát thổi qua cửa kính xe làm tôi thiu thiu muốn ngủ. Đôi mắt tôi sụp xuống. Tâm thức loé lên cơ man những giải nắng với những mầu sắc rực rỡ. Tôi rơi vào giấc ngủ với không gian đầy mầu sắc và mộng mị ấy...

Vị thày khoác chiếc áo choàng mầu đỏ rực như mầu rượu chát. Ông ngồi trên một cái bệ, dáng vững vàng, to lớn như một trái núi nhỏ. Ông có đôi mắt rất hiền từ và ấm áp. Cả hai mẹ con quỳ thụp xuống, cái kéo của mẹ mạnh quá tới độ tôi bị té ngồi xuống sàn trong lúc mẹ sụp xuống lạy. Tôi thấy người mẹ run lên bần bật, nước mắt tuôn như mưa, hình như mẹ đang rơi vào một sự khích động to lớn lắm. Sau khi lễ vị đạo sư ba lễ, mẹ úp mặt xuống sàn nói một mạch, làm như nếu bà nói chậm, thì bà sẽ không còn cơ hội nào để có thể nói nữa. Bằng một giọng cách quãng, gấp gáp và đầy nước mắt:

"Thưa thày. Chúng con lên chùa hôm nay để xin thày làm lễ quy y cho chúng con. Riêng con xin phát lồ sám hối. (Nói tới đây, giọng mẹ nghẹn lại, nức nở...) Cha thằng nhỏ bỏ đi ngay sau khi con có thai được bốn tháng. Cha mẹ con vì xấu hổ nên đuổi con ra khỏi nhà, lúc đó, đời sống bơ vơ, vật vã, lại thêm cái thai cưu mang trong bụng mà con không hề muốn giữ, nên con đã dại dột quyết định... quyết định... uống mấy thang thuốc để... trục nó ra ngoài. Ai ngờ...”

Nói tới đây. Mẹ tôi nấc lên, tiếng nói trở thành tiếng khóc khò khè, nghẹt mũi...

Tôi chẳng hiểu thằng nhỏ là ai. Sao mẹ lại khóc nhiều tới thế? Tôi ngây mặt nhìn mẹ, rồi nhìn lên vị sư già...

Từ nãy giờ, ông vẫn yên lặng nghe mẹ tôi kể lể và để nguyên cho mẹ tôi khóc lóc. Dường như ông chẳng làm gì cả. Chỉ lắng nghe. Nhưng tôi có cảm tưởng cái không làm gì cả ấy ảnh hưởng đến tâm thức mẹ tôi rất nhiều. Tựa như ông là một cái thùng chứa lớn, nhận tất cả những khổ đau, oan trái mà mẹ tôi đang trút vào. Một lúc. Bà nín khóc, tâm có vẻ lắng dịu một phần nào...

Lúc đó vị thày mới thong thả bảo:

"Lành thay! Lành thay! Con đã thành tâm sám hối. Muốn giải trừ được những ác nghiệp mình đã phạm cần phải có bốn lực: Thứ nhất là phát lồ sám hối; thứ hai là thành tâm ăn năn những tội lỗi mình đã phạm; thứ ba là tạo công đức lành để giải trừ các ác nghiệp và thứ tư là quyết tâm chừa bỏ. Trong bốn lực kể trên, thầy thấy con đã hội đủ ba lực. Đó là sự phát lồ sám hối, thành tâm ăn năn và quyết tâm chừa bỏ. Ngày rằm này, thày sẽ cho các con một buổi lễ quy y. Phần còn lại, thì nên làm những việc lành, tích tụ công đức để thanh tịnh hóa những ác nghiệp mà mình đã phạm. Bây giờ, lại gần đây, thày ban phước lành cho con..."

Mẹ vội kéo tôi lại phía thày. Ông đặt hai bàn tay lên đầu chúng tôi. Tôi co rúm người lại, há hốc miệng khóc rống lên. Có một điều thật kỳ lạ, từ trên đỉnh đầu nơi giáp ranh với bàn tay ông chạm đến, một lực nhu hòa truyền qua đầu tôi, nó như một dòng nước suôi chảy, lan tràn khắp cơ thể, nó chảy đến đâu, tôi nghe một sự an lạc tới đó. Tôi ngưng khóc lúc nào không biết. Nhắm nghiền mắt, và lại nhìn thấy cái cầu vòng ngũ sắc ẩn hiện trong tâm thức.....


Ngày quy y đối với mẹ là một ngày trọng đại. Tôi hiểu được điều đó vì mẹ dậy rất sớm, tắm rửa cho hai mẹ con một cách tinh tươm, rồi mỉm cười. Ít khi tôi thấy được nụ cười trên khuôn mặt mẹ. Ồ, nụ cười mới đẹp làm sao. Nó làm cho khuôn mặt mẹ rạng rỡ, đẹp thêm lên. Hàm răng mẹ trắng đều, ánh mắt lung linh một cách kỳ ảo. Tôi bỗng yêu vô cùng nụ cười ấy, tôi muốn được nhìn thấy nụ cười luôn mãi mãi nở trên môi mẹ.

Sau khi quy y. Tâm mẹ có vẻ an hơn. Mẹ đặt một bàn thờ nhỏ ở góc phòng và thường thắp hương, niệm Phật trước khi đi làm. Mỗi cuối tuần, bà thường đưa tôi lên chùa, dự một thời kinh sáng, sau đó, tôi được đưa vào một lớp học Việt ngữ, còn mẹ thì xuống bếp làm việc. Thường thì mẹ làm những việc mà nhiều người không muốn làm, như chùi rửa cầu tiêu, phòng tắm. Hoặc trên chùa có những ngày lễ lớn, mẹ thường ngồi miết bên đống bát chén to như cái núi, rửa hết đợt chén này tới đợt chén khác. Mẹ làm việc rất chăm chỉ, chẳng bao giờ than phiền. Nhiều lần, tôi thấy mồ hôi mẹ ướt đầy lưng áo. Trên trán những giọt mồ hôi nhỏ xuống hòa với thùng nước dơ. Tôi ngẩn ngơ nhìn mẹ. Ở trong trường hợp nào tôi cũng thấy mẹ rất đẹp. Sự chịu đựng của mẹ càng cao, tôi lại thấy thấp thoáng nét đẹp càng tròn đầy. Những lúc như thế, tâm tôi dường như không thể chịu đựng được sự thương yêu chứa đầy trong trái tim, tôi chạy a đến ôm mẹ kêu lớn "Mẹ ơi... Con thương mẹ!!!”

Ở chùa, tôi không bị ai chọc phá, đánh đập và gọi tôi là thằng khờ như trong xóm. Họ rất tốt với tôi, thường nhường cho tôi những gì dễ dàng nhất. Họ còn cho tôi tham gia vào những sinh hoạt của một nhóm toàn con nít. Phần đông, chúng tôi chỉ ngồi tô mầu và học đánh vần. Trong mấy tháng đầu, học mãi tôi mới có thể đánh vần được chữ "Mẹ". Mờ - e - me - nặng - Mẹ. Lần nào đánh vần xong chữ Mẹ, lòng tôi lại rộn lên một niềm vui…

Trong lớp học, tôi được ngồi gần với một con bé thắt tóc bím. Nó thấp hơn tôi một cái đầu. Nó ưa nói nhiều, tiếng nói của nó như chim, ríu ra, ríu rít. Phần đông, tôi chẳng hiểu nó nói gì, nhưng tôi rất ưa nghe nó nói, tôi thích nghe cái âm thanh phát ra từ đôi môi xinh xinh ấy. Lại nữa, mắt nó to, giống Mẹ, những gì có liên quan đến mẹ, tôi đều thích. Tôi tò mò nhìn nó. Thấy nó thật lạ lùng như thế giới chung quanh tôi. Nó biến hóa luôn luôn, không lúc nào ngừng lại. Tất cả đều lạ lùng, mầu nhiệm. Tôi thấy nó ngồi bặm môi tô màu lên một tấm hình dang dở. Tôi cũng có một tấm và đã tô xong rồi, còn nó thì chưa.

"Ê. Mày tên gì thế?"

Con bé trợn mắt nhìn tôi:

"Anh không được gọi bé bằng mày. Mẹ bé bảo, gọi như vậy không có nice."

Nghe nó nói như vậy tôi im lặng. Lại tiếp tục ngồi nhìn nó. Muốn nói với nó một điều gì tôi lại quên phứt đi ngay. Hình như tôi vẫn chưa biết được tên nó. Con bé thấy tôi câm như thóc bèn ngừng tô màu, nhìn qua trang giấy của tôi:

"Anh tô lem hết cả ra ngoài rồi. (toét miệng, cười) Hihihi... Mà sao anh tô con chó nhiều mầu quá vậy? Giống y như mầu chiếc cầu vồng vậy đó. Bé chưa thấy có con chó nào có cái mầu này đó nghe."

"Ờ... Ai cũng từ cái cầu vồng này mà ra đấy!" Tôi giải thích.

Con bé cười nắc nẻ, chừng như nó không tin những gì tôi vừa nói. Mà lạ. Những điều tôi nói toàn là sự thật, nhưng chẳng mấy ai tin.

Nghe nó cười, tôi cũng toét miệng cười theo. Con bé bị mất hai cái răng cửa. Mẹ tôi có hàm răng đẹp hơn nó.

A. Tôi nhớ mẹ quá. Mẹ đâu rồi? Tôi phải đi kiếm mẹ. Tôi đứng lên, đi ra khỏi lớp. Nhưng tôi lại quên mất lối xuống bếp tìm mẹ, tôi đi thẳng ra cổng chùa. Trong tôi, chỉ có một lực rất mãnh liệt đẩy tôi đi tìm mẹ. Mẹ ơi...mẹ ơi...

Tôi chạy băng băng qua con đường rộng. Tôi nghe tiếng xe thắng rất gấp. Tôi thấy cả thân mình bị tung lên. Tiếng nhiều người lao xao từ một phía mơ hồ nào đó:

"Cán chết thằng nhỏ rồi..."



Tôi như người vừa đi từ một thế giới này qua một thế giới khác. Tựa như một loài bướm thoát ra được cái kén hạn hẹp, xấu xí của mình để bước vào không gian thênh thang, lớn rộng. Tôi không còn phân biệt được đâu là mình, đâu là không gian thênh thang ấy nữa. Tâm thức tôi trở nên minh mẫn một cách lạ lùng. Hốt nhiên, tôi hiểu được tất cả mọi sự. Tôi hiểu được nỗi khổ đau của mẹ và niềm hối hận vô biên của bà từ bao nhiêu năm nay. Mọi dữ kiện như một cuốn phim quay nhanh - nhưng chẳng sót chút tiểu tiết nào - đang lần lượt chạy ngang đầu. Càng hiểu mẹ, tôi càng thương mẹ hơn. Nếu tôi có thể đi lại được từ đầu, tôi sẽ tha thứ cho bà tất cả, tôi sẽ nhìn bà bằng lòng bi mẫn vô biên. Cái nhìn của vị đạo sư đã làm lễ quy y cho hai mẹ con tôi ngày nào.

Tâm tôi như một đóa hoa từ từ nở ra rất muộn màng, được tưới tẩm bằng giọt mật của lòng bi mẫn ấy. Tôi thấy mình chìm dần vào vùng ánh sáng bàng bạc như một mầu sữa, chỉ còn lại trong không gian thênh thang một mùi hương thoang thoảng vương ở cuối mùa...




TU BỤI
truyện dài nhiều chương của
TRẦN KIÊM ĐOÀN





(tiếp theo)
CHƯƠNG BẢY
Chốn Dại Khôn
Hai mươi năm sau ngày tàn cuộc nội chiến triền miên, kéo dài từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, con người và đất nước hồi sinh. Băng bó những vết thương non nước sau cuộc chiến không có gì dịu mát hơn là những tàn cây xanh. Xuân ở Huế đẹp rực rỡ và trang đài. Sông, núi, biển, trời là cái khung thiên nhiên không có mùa phai cũ. Bao nhiêu loại cây cảnh quý hiếm và rực rỡ nhất từ khắp mọi miền đất nước đều được mang về trồng hay chưng trong các vườn ngự uyển của hoàng cung, trong các hoa viên của kinh đô và trong các dinh phủ của các nhà quan quyền và quý tộc. Phong trào thời thượng của giới quan lại và quý tộc trong thời nầy là mượn hoa và cây kiểng để nói lên sự giàu sang và quyền lực của mình. Sự đua chen đao kiếm làm cho lòng người mỏi nản và cảnh sống tiêu điều; nhưng sự tranh đua cây cảnh tô điểm cho đời thêm hoa mỹ.

Khi nói đến Huế, người ta vẫn có thói quen phong thổ ghép Huế với Thừa Thiên làm một. Về mặt địa lý, trong thừa Thiên có Huế; nhưng về mặt văn hóa, trong Huế không có Thừa Thiên. Văn hóa Huế là một cụm văn hóa đặc thù mang nặng tính cung đình Triều Nguyễn; trong khi văn hóa Thừa Thiên thuộc về nền văn hóa dân gian của đại chúng Việt Nam.

Kinh đô có một đời sống văn hóa mới. Đó là đời sống văn hóa hậu đình.

Đời sống khép kín trong những vườn cây và dưới những mái nhà cổ kính mang vẻ im lìm và lắng đọng. Nhưng đấy cũng là những trung tâm bình luận, thông tin, quyết đoán nhiều chuyện nước non từ Bắc vào Nam. Đó là một tập họp không cân đối về quyền lực cũng như về kinh tế của nhà quan, nhà hoàng tộc, nhà dân... thường bị ảnh hưởng nóng lạnh sau những chuyện lớn nhỏ xảy ra ở cung đình.

Cuộc cờ của Trí Hải và Hàn Kỳ Vương vừa thổi vào khung cảnh lắng đọng nầy một luồng gió lạ. Người ta đang cần một cái gí đó mới mẻ, năng động, thú vị hơn là những sinh họat đã thành khung, thành nếp gần như thói quen đều đặn hàng ngày. Trí Hải vốn đã có một chút dáng vẻ huyền thoại từ lâu vì nếp sống khác người, nay cái bóng huyền thoại đó lại càng được tô vẽ và thổi phồng thành một nhân vật gần như phi thường, phi thực. Sau trận đấu cờ ăn thua bằng cả sự nghiệp, Trí Hải lặng lẽ rút vào thế giới riêng. Khi con người trong cuộc im lặng, biến mất thì cũng là lúc con người ngoài cuộc xuất hiện, lên tiếng.

Có quá nhiều người, nhiều nhân vật tranh nhau sống, nghĩ và kết luận thay cho Trí Hải. Họ “Trí Hải” còn hơn cả Trí Hải. Nhiều nhóm tụ họp nhau, tự nhận mình như thể là kẻ tâm phúc, bạn tri âm, ngày ngày đấu cờ, luyện nước cho Trí Hải. Và cũng không ít người nói một cách rành rẽ rằng họ có mặt, có một vai trò và ảnh hưởng đáng kể trong suốt cuộc đấu tay đôi giữa Trí Hải và Hàn Kỳ Vương mặc dầu hai người nầy chỉ là một tên gọi mơ hồ mới nghe qua trong trí đối với họ. Nhưng mặc kệ, khi con người không có hào quang thì cần dựa vào hào quang của những nhân vật tên tuổi để mong chia sẻ chút ánh sáng lọt ra ngoài rào dậu. Hình ảnh hư cấu thường được sáng tạo đầy chi tiết, màu sắc và có sức lôi cuốn ly kỳ hơn cả sự thật. Và những nhà “nghệ sĩ” giàu tưởng tượng đó bị sự tưởng tượng của chính mình chinh phục. Họ ngụy tín với chính mình. Nói láo và nói láo hoài chồng chất; nói láo và nói láo hoài với chính mình; nói láo và nói láo hoài với nhau... rồi bỗng một sáng đẹp trời nào đó họ tin điều nói láo có thật. Sự dối trá tu luyện lâu ngày thành yêu tinh. Yêu tinh trở thành một ảo tưởng của chân lý. Họ trở lại tin ảo tưởng là sự thật. Một sự thật xây dựng bằng dối trá xuất hiện như một chân lý mới mẻ còn đáng tin cẩn hơn là sự thật chính nó. Họ hớn hở tìm mình và tìm nhau. Họ xây thành quách của tư tưởng để bảo vệ và vinh danh điều dối trá trơ lỳ sau mặt nạ le lói hào quang của chân lý. Dẫu cho Trí Hải bằng xương bằng thịt có xuất hiện nói điều chân thật thì cũng sẽ bị dòng nước ngược cuốn phăng đi không còn dấu vết.

Phạm Xảo sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Trung, trưởng thành ở miền Nam và tuổi già sống ở Huế.

Rồi Huế cũng vào Thu. Mùa Thu Huế là thủ phạm của những nỗi buồn không tên tuổi, của những mơ mộng vu vơ và của những ước mong ngoài tầm tay với. Mùa Thu Huế với những đụn mây lam, chàm, tím từ núi cứ bay hoài ra biển, ngang qua vùng trời của những đôi mắt trông vời xa xứ. Huế rất “dễ sợ!” Sợ mùa đông dài với những cơn mưa tỉ tê đang tới. Sợ mùa đông ngủ muộn sẽ bị chôn vùi trong lá cây. Sợ những tình cảm mới nhen sẽ nguội lần với gió bấc Giêng, Hai. Huế rất... dễ sợ. Sợ phía Tây dãy Trường Sơn sớm và chiều sương nhiều hơn nắng. Tầm mắt bị ngăn lại nên trí tưởng tượng cứ vướng vất hoài với một thế giới huyền bí núi rừng “bên tê.” Phía Đông là biển. Dù có trời trong mây tạnh thì cái nhìn cũng chỉ đến lằn ranh giới hạn ở chân trời. Lại sợ. Sợ cái vô biên của đất trời. Ngước về phía Bắc “sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.” Hướng về Nam lại sợ “đi bộ thì khiếp Hải Vân; đi thủy thì khiếp sóng thần hang dơi!” Nói gọn lại thì Huế là vùng đất “dễ sợ” và người ở Huế thì rất dễ bị sợ. Có lẽ vì thế nên người Huế dù có khen hay chê cũng đều... dễ sợ: “Đẹp dễ sợ, xấu dễ sợ; thương dễ sợ, ghét dễ sợ...!”

Có vẻ như cái đất ngụ cư nầy là nơi an nghỉ lý tưởng cho những con ngựa chiến quen vó chinh phục đã qua thời son trẻ. Thời mới đến, Phạm Xảo muốn bỏ vùng đất tạm dung nầy để tìm về một nơi khác. Nhưng biết nơi đâu là chốn đất lành chim đậu. Hà Nội hợp với tuổi già có danh vọng để tự hào với quá khứ. Miền Nam hợp với tuổi trung niên nhiệt tình sôi nổi để bay nhảy với hiện tại. Phạm Xảo nhìn mùa Thu sang Đông của đời mình mà ái ngại. Lúc đầu, Huế chọn Phạm Xảo vì đây là kinh đô nên tùy tướng phải theo chủ tướng. Rồi sau một thời gian, ông chọn Huế như khởi đầu cho một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Tình yêu trước hôn nhân là một ân sủng của tình cảm: Nhìn ra nhau để yêu nhau. Tình yêu sau hôn nhân là một thách đố của tình cảm: Nhận ra nhau mới yêu nhau. Nhìn ra, như một khám phá tiền định của hai số phận; nhận ra, như một xác định hiện thực của hai con người.

Phạm Xảo nhận ra Huế sau những năm dài sống với Huế. Tâm sự cô đơn được vuốt ve bằng điệu sống lặng lẽ mà thâm trầm. Nếp sống về chiều khô cằn được tẩm ướt với suối nguồn lãng mạn vô hình.

Người sống trong lòng xứ Huế cảm thấy tù túng như bị úp trong một cái chén ngọc - ngọc trản - nửa vời. Đường bay của ước mơ thì vút qua khỏi Trường Sơn phía tây, vượt ngoài Nam Hải hướng đông, lửng lơ bên tê đèo Hải Vân về nam và lang bạt quá Hoành Sơn ra bắc; nhưng nỗi lòng thì vẫn la đà, chìm khuất bên dòng sông Hương. Bến bờ sông Hương thì có giới hạn mà những xôn xao dậy sóng của mơ mộng thì không cùng nên... vỡ đê! Nước của dòng sông tâm hồn lênh láng: Tràn bờ... lãng mạn pha một chút đa tình!

Sau cuộc cờ, bầu không khí êm đềm và tịch liêu của Thái ấp bị xao động thường xuyên. Khách ái mộ Trí Hải từ Nam ra Bắc đến viếng nườm nượp. Cuộc cờ và một trong hai nhân vật đấu cờ không còn nữa, nhưng mọi người vẫn nô nức hướng về dĩ vãng. Lắm khi dĩ vãng cũng chỉ là cột mốc thời gian, hay một dấu ấn của dòng sinh mệnh để cho những đàn chim bốn phương bay lên làm tổ. Đàn chim con nở ra và tung cánh vào đời từ cái mốc của dĩ vãng ấy vẫn thường tự xem mình là kẻ kế thừa dĩ vãng.

Phạm Xảo và Trí Hải vẫn sống kề cận với nhau. Họ là hai dòng nước đã nhận ra nhau, cùng chảy về xuôi chung một dòng nhưng vẫn ở phía hai bờ cô quạnh. Không dễ gì thay đổi cách sống của một người khi những thói quen đã thành thiên tính. Núi cao dời dễ, tính người khó thay. Hai người có khi đi bên nhau, vẫn sống kề cận bên nhau suốt ngày không nói với nhau một tiếng. Trong im lặng họ hiểu nhau nhiều hơn là qua tiếng nói. Bởi vậy, nhiều khách lạ thường hỏi họ về chuyện cuộc cờ của ngày qua, họ chỉ cười mà không nói gì. Thật ra, đối với Trí Hải, chuyện cuộc cờ cũng như chuyện đốt than trên rừng, chẳng có gì đáng nói.

Hơn nửa năm sau ngày cuộc cờ chấm dứt trên sông Hương, Phạm Xảo đón một người khách thật bất ngờ.

Người gác cổng đưa vào tấm thiệp chỉ có tên tự là Tử Du. Nét chữ hao hao giống kiểu thư pháp của Hàn Kỳ Vương. Nội dung tấm thiệp là xin được gặp mặt Phạm Xảo. Ông lão vốn xưa nay không có bạn bè và cũng chẳng có ai hay biết tông tích ngoài Trí Hải. Sự thăm viếng bất ngờ của một nhân vật nào đó thuộc hàng quý phái “thiệp đến trước, quan tước đến sau” làm ông lão vừa ngỡ ngàng, vừa cảm động. Không cần phải phúc đáp, ông lão đi nhanh ra cổng. Từ phía bên ngoài cổng rợp bóng cây xanh, một người trung niên không rõ mặt xuống ngựa, tiến sát cổng cung tay thi lễ khi thấy bóng Phạm Xảo. Ông lão ngờ ngợ khi cái giọng quen quen đã từng nghe đâu đó lên tiếng trước:

- Kính chào Phạm huynh. Huynh vẫn khỏe? Tưởng đâu không có ngày gặp lại thế mà hôm nay còn được diện kiến với huynh thật là vạn hạnh!

Phạm Xảo kêu lên ngạc nhiên khi nhận ra người phía bên kia chính là Hàn Kỳ Vương. Với khuôn mặt rám nắng râu ria tua tủa, nét phong trần đã làm cho diện mạo Vương đổi khác. Thoáng một vẻ gì thật tình, chơn chất từ trong giọng nói và phong thái so với một Hàn Kỳ Vương mang dáng dấp của một gã pháp sư đầy tà thuật trước đây.

Phạm Xảo cũng lộ vẻ vui mừng chào lại:

- Thật là hữu duyên thiên lý không ngờ. Thế Hàn gia vẫn khoẻ chứ. Ngọn gió lạ nào đưa ông trở lại chốn nầy? Hãy khoan trả lời, xin mời vào trong cái đã. Ngoài nầy, trời cuối mùa Thu lạnh lắm...

Khi chủ và khách đã an vị bên trong, vương lên tiếng:

- Mới hơn nửa năm mà cuộc đời đã đổi khác. Câu chuyện đổi đời dài lắm đại huynh ạ. Cái tên Hàn Kỳ Vương không còn nữa. Xin huynh cứ gọi tôi là Du, Tử Du, một gã lang thang.

- Tử Du là du tử. Hay! “Tiếu nhãn nghênh gia khách. Đạm bạc dĩ thanh tâm.” (Mắt cười đón khách quý. Đơn giản chút lòng trong)

Phạm Xảo vừa pha trò, vừa pha trà với chút thống khoái hiếm hoi trong đời ông. Bỗng dưng lại có người khách một thời nổi tiếng và một thuở hết thời như ông đến thăm, không vui sao được. Bên chung trà bốc khói, thoang thoảng mùi cúc vàng mùa thu, ông lão hứng chí nhắc lại chuyện cũ:

- Đêm hôm đó, khi tôi phóng xuống nước và may mắn túm được đầu tóc dài của ông nhưng suýt nữa thì cả hai cùng chết vì nước nguồn chảy siết quá. Thế nước cuồng lũ, tôi rán bơi một mình còn không nổi làm sao cứu được người khác. Trong giây phút cực kỳ nguy cấp trong đêm tối đó thì tôi vớ được gốc củi rều. Viện binh cho một lão tướng trong thế sinh tử đó chẳng cần hùng binh mà chỉ là một thân gỗ mục. Tay phải níu ông, tay trái ôm gốc củi lụt để nương theo dòng cuồng lưu mới tấp vào được Cồn Hến. Tôi vẫn chưa quên đôi mắt đầy vẻ thù hằn của ông và câu nói tức thời dành cho tôi khi ông mới vừa tỉnh lại: “Hãy để cho ta chết vì sự nghiệp vẻ vang của Hàn gia. Ta căm thù, ta oán hận đứa nào đã cứu sống ta, không cho ta chết vinh hơn sống nhục!”

Hàn Kỳ Vương, đã đổi thành Tử Du, hai tay nâng chung trà trước mặt Phạm Xảo, mỉm cười nói như tạ lỗi:

- Xin đại huynh lượng thứ. Trong phút đó tôi nói rất thật với lòng mình. Thế sự cổ kim đâu phải chỉ có tôi là thằng khùng duy nhất đâu. Bởi thế hôm nay tôi mới trở lại đây để nói lời tạ lỗi và cũng xin được tri ân ơn cứu tử của đại huynh. Có lẽ tôi vẫn còn oán hận đại huynh, vẫn muốn làm kẻ tuẫn đạo nếu không có dịp tự mình tìm ra cái thế giới lường đảo nhau sau tấm bình phong huy hoàng che mắt thiên hạ. Trong một phần đời ngắn ngủi còn lại, tôi không biết là mình may mắn hay bất hạnh khi được sống lại để tìm ra sự thật...

Sự khích động hiện lên trên khuôn mặt Tử Du, kéo theo sự tò mò và khích động của Phạm Xảo. Tử Du lúc nhiệt thành, lúc lặng người xúc động, lúc đứng dậy hoa tay múa chân, lúc ôm mặt khóc rưng rức... khi kể lại chuyện cũ:

- Đại huynh còn nhớ không, sau khi tôi hồi tỉnh, đại huynh bỏ tôi nằm ở lại nơi cái chòi tranh bên sông với vợ chồng người thợ rèn. Họ chỉ biết tôi là người chết đuối nước lụt nên cho ăn và cho một bộ áo quần cũ vá trước rách sau. Hôm sau tôi xin đi. Ra khỏi nhà bác thợ rèn, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về trận cờ “sinh tử” hồi đêm cùng chuyện Hàn kỳ Vương trầm mình trên sông Hương và bị nước lụt cuốn đi không tìm ra xác. Tôi đi lang thang từ thành ra chợ, chẳng có ai biết tôi là ai. Thú vị nhất là được nghe lời bình phẩm và phản ứng của thế giới quanh mình sau khi mình chết. Điều lạ lùng nhất của xứ sở Việt Nam đại huynh là trái tim to lớn của con người nhỏ bé. Không ai hằn học với một tên Tàu đi chinh phục như Hàn kỳ Vương tôi sau khi hắn đã chết cả. Hầu như mọi người đều thương cảm cho một người tài hoa gặp phải số phận bất hạnh. Chỉ có điều làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt là sự trở mặt quá nhanh của phía chúng tôi. Khi chứng kiến cảnh tôi trầm mình trong nước lũ, đám vệ sĩ tay chân của tôi không một tên nào ra tay để có một hành động nào cứu vớt tôi cả. Sáng hôm sau, chúng yên chí rằng tôi đã chết trôi mất xác. Người hầu thiếp xinh đẹp của tôi tom góp hết tài sản mang theo, cặp riêng với gã cầm đầu nhóm vệ sĩ, thuê thuyền giong buồm về Tàu trước. Nhóm vệ sĩ lục tục rút theo sau.

Phạm Xảo gật gù theo dõi câu chuyện với sự thích thú và nỗi cảm động riêng tư. Sau khi gặp vua Gia Long lần cuối, Phạm Xảo cũng đã “chết” như thế. Có những cái chết chưa xuôi tay nhắm mắt để cho những cái sống dấu mặt nhìn đời. Vương kể tiếp:

- Sau đó không lâu, tôi cũng lần mò về xứ không ai hay biết. Nơi vùng đất Thiểm Sơn, quê hương nhà họ Hàn chúng tôi, chuyên sống về nghề cờ bạc bịp xứ mình và cờ bạc điếm xứ người, vẫn không có gì đổi khác sau cái “chết” của tôi. Tôi rùng mình đứng cuối đường nhìn lại sự ngây thơ trong sáng và nhiệt tình của mình bị lợi dụng tán tận như thế nào.

Quê hương vùng Thiểm Sơn của tôi vẫn nghèo như muôn thuở. Cái giàu mới lấm tấm xa hoa, ngự trị trên cái nghèo bạt ngàn u ẩn tạo một sự tương phản nhức nhối. Tập đoàn chức sắc gian ác nhà họ Hàn chúng tôi xây dựng gia tài đồ sộ của họ trên mồ hôi nước mắt và sự ngu dốt của con dân họ Hàn lương thiện.

Nhóm hoạt đầu bắt mạch được khát vọng của tâm lý sơ khai là cần nuôi dưỡng một ảo tưởng về mình và về giòng họ của mình như người Tàu thượng cổ tự cho mình là con Trời cháu Đất. Ảo tưởng đó là rượu an thần để giúp xoa dịu bớt cuộc sống khổ hạnh vốn đã đày ải muôn năm về thể chất lẫn tinh thần đám dân nghèo, ngu dốt; nhưng cũng tạo được sức mạnh thần kỳ từ sự ngu dốt tập thể đó để làm đòn bẫy cho đám trưởng tộc đi chinh phục thiên hạ. Cái huyền thoại ngu ngơ về tổ Hàn Tín, về ngôi chí tôn “thiên hạ vô địch kỳ vương” vớ vẩn vậy mà lại được việc đáo để cho nhóm hoạt đầu huynh ạ.

Tuổi già cung hiến sức lực và tài sản, tuổi trẻ hy sinh cả tuổi hoa niên vào cái canh bạc khổng lồ ấy như đám tông đồ trần gian cúc cung tận tụy với hàng chí thánh. Như tôi đây, được chọn làm “kỳ vương” nên từ khi mở mắt chào đời đã bị đeo cái tròng oan nghiệt đó vào cổ. Một đời tôi chỉ biết đánh cờ. Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tôi chung sức nuôi tôi ăn học để lý luận về cờ và đánh cờ. Tôi nướng sạch sành sanh tuổi trẻ và lý tưởng vào việc học cờ, đánh cờ và tung hỏa mù mớ lý thuyết mô phỏng lỗi thời được sơn son thếp vàng và gán cho cái nhãn hiệu “Hàn Tổ Thánh Thư.” Tôi bảo vệ bộ cờ và vinh danh sự chiến thắng đấu cờ còn cao hơn gấp trăm lần mạng sống, tương lai của bản thân và gia đình tôi. Tôi đã đem những “sự nghiệp” với giá trị vật chất kếch sù về dâng lên nhóm chức sắc Hàn gia mà không một mảy may thắc mắc. Tôi yên chí mình là anh hùng lẫm liệt của dòng họ Hàn, là kẻ quên mình để mang hạnh phúc an vui về cho thiên hạ.

Nhưng chỉ sau khi “chết” tôi mới khám phá ra thực chất của huyền thoại “kỳ vương” nhà họ Hàn. Tất cả chỉ là một trò lừa đảo có hệ thống. Từ trưởng tộc đến ông quyền, ông hương, ông biện... chung cuộc chỉ là những tay chơi cờ bạc bịp trên đầu trên cổ của những đứa chơi cờ bạc thật sau tấm bình phong lý tưởng đẹp đẽ như tôi.

Nhóm hồi hương, chẳng ai còn nhắc đến tôi. Nhóm trưởng họ cũng chẳng ai buồn hỏi đến Hàn Kỳ Vương còn hay mất mà chỉ quan tâm đến việc có “sự nghiệp” nào đem về hay không. Có thì tranh nhau chia chác, không có cũng chẳng ai màng vì vẫn còn muôn nghìn nguồn lợi lộc khác đang ùn ùn kéo đến. Được dịp chẳng ai buồn để ý, tôi đi sâu vào những ngõ ngách của phường cờ bạc và suýt ngất xỉu khi được nhìn tận mắt lò sản xuất “tinh huyết thạch.” Thì ra, cái gọi là “tinh huyết thạch” chỉ là sản phẩm bình thường của nhóm thợ đá khéo tay và giỏi chế biến tại mỏ đá hoa cương Điểm Hồng Đào tuyệt hảo nằm sâu ở khu núi đá nơi vùng tôi ở. Hàng ngày có hàng chục bộ cờ “gia bảo” được mài dũa và thành hình từ nơi nầy. Thế mà tôi ngu dại quyết chết theo một quân cờ bị hoàng thân Trí Hải ném xuống dòng sông Hương.

Nhóm vệ sĩ cặp kè theo sát bên tôi không phải là để bảo vệ cho một thằng bù nhìn có tên gọi là Hàn Kỳ Vương như tôi mà là để bảo vệ cho chuyện hoang tưởng nói dối về “bộ cờ gia bảo Hàn gia” khỏi bị lôi ra ánh sáng. Tôi còn khiếp đảm khi được biết thêm rằng, nếu một khi đã được phong lên hàng “Kỳ vương” như tôi rồi mà thua một trận đấu, thì chính những tên vệ sĩ theo hầu phải giết tôi để biến tôi thành một kiểu thánh tử đạo để cho nhà họ Hàn đẹp mặt với thiên hạ. Vì kết quả ăn thua của canh bạc, người ta giết nguời không gớm tay để trang hoàng cho sự dối trá và vùi dập sự thật...

Vương như nghẹn lại. Nhìn đôi mắt đỏ ngầu, da mặt và tay chân đen sạm cháy nắng của Vương, Phạm Xảo cảm thấy gần gũi hơn với với con người một thời lỡ bước như mình. Phạm Xảo ân cần mời:

- Hàn gia... à quên, Tử Du đi đường xa mệt mỏi, mắt mũi kèm nhem đỏ hoe vì thiếu ngủ. Du có thể ở lại đây nghỉ chân qua đêm, ngày mai đi đâu rồi hãy tính.

- Cảm tạ đại huynh. Đúng vậy, tôi phi ngựa thâu đêm không ngủ. Trên đường đi đến xứ nầy để viếng đại huynh, tôi cứ thắc mắc hoài một câu hỏi là tại sao huynh lại bất chấp nguy hiểm, nhảy vào dòng nước lũ để cứu tôi?

Phạm Xảo nhìn khách cười chúm chím trả lời:

- Lý do rất đơn giản là vì tôi thương dòng sông Hương. Dòng sông vào những ngày không mưa lũ thường trong suốt và hiền hòa quá. Tôi không muốn nó phải cưu mang những cái chết uất nghẹn, tức tưởi của một kẻ tự trầm mình trong tuyệt vọng. Người vào chùa tu vì bị thất tình, phải nhờ hương trầm đánh bật mùi thơm ân ái làm cho thiền môn bận lòng; cũng như kẻ thất bại cờ bạc phải nhảy xuống sông tự vận làm sông xanh vẩn đục đều là những cách giải nạn, gửi đời quá giản đơn không đúng chỗ. Tôi cứu Tử Du là để cứu dòng sông. Dòng sông vẫn cứ vô tình thầm lặng chảy. Tử Du đừng bận lòng về chuyện ân oán đời nầy.

Vương vỗ tay cười dòn:

- Câu trả lời nặng tình mà nhẹ nghĩa. Huynh không cứu con người mà lại đi cứu một dòng sông thì nhân nghĩa nhạt thếch. Thế nhưng tôi lại hết sức tâm đắc với lối hành xử tài tử đầy phiêu bạt giang hồ nầy đó huynh à.

- Con người tôi chưa quen, nhưng dòng sông tôi đã gắn liền với nó. Đời tôi khô khan lắm. Phải nói là khô cằn mới đúng. Nếu tôi nói một cách chân thật rằng, tôi chưa biết yêu một người nào cả mà hình tượng yêu đầu đời, khi đã xế lão của tôi, là một dòng sông thì Tử Du nghĩ sao?

- Yêu con người có khi trắng tay khánh kiệt; nhưng yêu một dòng sông thì quá lắm cũng bình tài!

- Lại nhớ bài bạc rồi phải không?

Vương lảng sang chuyện khác:

- Hoàng thân Trí Hải vẫn khoẻ? Sau cuộc cờ có gì thay đổi không?

- Có quá nhiều người đến hỏi thăm hay thăm hỏi về lắm chuyện liên quan đến cuộc cờ. Càng có nhiều người đến viếng, Hoàng thân càng ít ló mặt bên ngoài. Thiên hạ càng nhiều lời chủ nhân Thái ấp này càng lặng lẽ.

- Những nước cờ của ông ấy là những nước cờ “lạc nước” của những tiên ông hội cờ với thiền sư trên núi xanh. Cờ lạc nước cũng như “nguyệt lạc, ô đề... trăng lặn, quạ kêu”, hư hư thật thật không biết đâu là định hướng. Nước cờ ấy chỉ làm chủ được khi toàn tâm thoáng đạt. Chuyện hơn thua quanh cái tâm vọng động giữa đời nầy không thắng nổi. Ông ấy dùng cốt cách thinh lặng thiền sư để đấu với một gã vi trần sôi nổi như tôi thì chuyện ăn thua đã thấy rõ rồi, chẳng lạ.

Sáng sớm hôm sau, với khay trà buổi sớm, bên cạnh Phạm Xảo còn có một người khách lạ. Trí Hải bất chợt đưa cả hai tay ra đón khi nhận ra đó là Hàn Kỳ Vương.

Hai cựu kỳ vương đối thủ nhìn nhau. Long lanh một chút kiêu kỳ thoáng qua và cảm động.

Trí Hải lên tiếng trước:

- Tốt vẫn còn chỗ cũ?

Vương gục gặc đầu, nét vui xen lẫn chút buồn:

- Không. Đã qua sông!

Trí Hải nhìn sâu vào mắt người đối diện:

- Cũng tốt cho tốt!

Vương đăm chiêu:

- Có lẽ tốt cho đời.

Cả hai cùng im lặng. Phạm Xảo xen vào giữa, giọng đùa vui:

- Tốt cho trà! Lúc này mới quý. Trà Lúa như công chúa trăng tròn, thơm dịu và nồng nàn lắm nhị vị quan viên ạ. Xin mời. Trà đã sẵn...

- Có phải trà Lúa của người Chăm ở mạn Trường Sơn Tây không? Ô, tuyệt vời!

Khi con người bị buộc chặt vào cái thực thể ngắn hạn, người ta tự đồng hóa sự hiện hữu của số phận mình với sự hiện diện của khối quyền lực hay vật chất xuất hiện thường xuyên lù lù trước mắt. Nhưng đấy chỉ là một sự ngộ nhận sai lầm.

Mỗi cá thể có riêng phần đời của nó. Như cái bộ cờ “tinh huyết thạch” tai quái ấy, cùng lúc, đã buộc chặt bao nhiêu cuộc đời với nó. Thế nhưng khi nó bị ném xuống dòng sông như một mớ sỏi đá vô dụng thì cũng chẳng có chút tác động nào đối với những người đã bị ràng buộc thân phận mình với nó. Tuy sự khám phá muộn màng đã làm bao nhiêu cuộc đời đổ vỡ cả mộng lẫn thực vì nó.

Chỉ đến khi mất đi cái sức mạnh vô địch đầy ảo tưởng đó, kẻ sợ một mình vì thói quen nương tựa mới khám phá ra rằng, người ta không dám xả bỏ thói quen hay những giá trị trang hoàng héo úa mốc meo vì sợ hãi. Sợ hãi cái đơn lẻ của chính mình mà người ta thường gọi là cô độc hay cô đơn. Người ta không chịu sống với chính mình. Khi chỗ dựa níu kéo mất đi ta mới biết rằng mình vốn có tự do và giải thoát từ trong cái vũ trụ bao la của chính trí óc và tâm hồn mình. Giải thoát là phủi cho hết những lớp bụi nô lệ để tự do - vốn đã có sẵn trong chính mình - hiển lộ, chứ không phải là cố níu lớp mây ngũ sắc đầy vẻ tự do kéo từ phương xa lại để phủ kín trên cánh rừng nô lệ.

Sáng hôm nay, bên hương trà bốc khói giữa mùa Thu thoảng sắc và hương cúc vàng bóng Thu, có ba người đang ngồi bên nhau thanh thản uống trà. Cả ba người trước đây dựa vào cái thành trì ác nghiệt của danh vị kỳ vương, của tiếng tăm bộ cờ tinh huyết thạch, của sự hơn thua giữa Hàn gia và kẻ sĩ kinh đô. Họ gặp nhau dưới một khung trời, mặt đối mặt, mà chẳng thấy nhau. Những con người nghi kỵ nhau, dè chừng nhau, xoi bói nhau, tấn công nhau, hủy diệt nhau chỉ vì mình bị dính chùm hay nương tựa vào một khối vô nghĩa, vô tri mà vì định kiến hay vọng tưởng, mình tự phong cho nó muôn vàn giá trị viễn mơ mà tự nó không hề có.

Nâng chén trà, Trí Hải hỏi Hàn Kỳ Vương:

- Lần nầy Hàn gia trở lại xứ nầy hẳn phải có một sự vụ mới?

Vương chăm chăm nhìn khói trà uốn éo, hớp một ngụm trà và nhìn người đối diện:

- Xin hoàng thân gọi tôi là Tử Du. Tôi không còn là Hàn Kỳ Vương, một tay cờ của Hàn gia nữa. Mọi sự đổi thay đều có lý do của nó. Sau cuộc cờ chiến bại, tôi như một người tái sinh để có dịp đứng ra ngoài tầm xa nhìn lại chính mình thuở trước. Tôi khó khăn lắm mới nhận ra mình thuở đó. Cái gã tôi cực đoan và u tối tội nghiệp đến thế sao. Tôi phải tự biết lột xác để vươn lên sống cho mình hay mãi mãi làm tôi đòi cho một thế lực khác.

Phải biết gột rửa một hệ thống suy nghĩ chật hẹp, lỗi thời và thô bạo đã được thếp vàng phong thánh. Phải để cho luồng gió mới thổi lồng lộng vào tâm, vào trí, vào hồn nếu muốn sống chân thật.

Lần nầy tôi trở lại vùng đất nầy là để tri ân cứu tử của đại huynh Phạm Xảo và được viếng Hoàng thân. Với tôi bây giờ, Hoàng thân không phải là một nhân vật cao cờ mà là một người thấu đạt triết lý đánh cờ. Tôi cũng chẳng còn màng chuyện hơn thua về cờ mà chỉ muốn đi đây đi đó như một kẻ lãng du. Tôi chỉ muốn sống đời bình thường và chân thật của chính mình. Tôi tiếc là đã tiêu phí hai phần đời sống rỗng tuếch như cái mõ làng chuyên bị gõ thành tiếng cho người khác nghe chơi, trong khi tự thân mình chỉ là cái xác gỗ mục vô hồn. Tôi muốn lấy lại linh hồn của tôi Hoàng thân ạ.

Trí Hải trầm ngâm, hỏi lại:

- Linh hồn Tử Du đi đâu mà phải lấy lại?

- Cục đất cũng có linh hồn. Hồn của đất là chất dinh dưỡng nuôi mầm cây. Hồn con người là cái tinh túy cuộc sống của chính hắn. Tôi chỉ là một tay cờ bạc truyền đời, cái tinh túy của cuộc sống vắng bóng thì làm gì có linh hồn.

- Thế lấy lại bằng cách nào?

- Đó chính là câu hỏi đã làm tôi trở lại đất nước nầy để mong tìm ra câu trả lời.

Phạm Xảo góp lời:

- Có nghĩa là Tử Du nghĩ rằng, khi trầm mình xuống nước, dòng sông Hương nầy, xứ Huế nầy, đất nước Việt Nam nầy đã lấy mất linh hồn của mình chăng?

Vương trả lời không chút đắn đo:

- Không. Không đâu huynh! Nếu nói linh hồn là tinh túy thì nó phải nằm sâu, nằm sẵn trong chính mình giống như mạch nước ngầm nằm sâu trong đất. Giữ linh hồn hay nuôi dưỡng linh hồn là đừng để nó bị chôn vùi dưới những tầng tầng, lớp lớp của những rác rưởi và bụi bặm của đời sống. Nếu không giữ nó được trong sáng, trôi chảy luân lưu thì cũng đừng để nó bị chôn vùi tắt nghẽn.

Phạm Xảo gật gù gợi ý:

- Đã có sẵn thì cần gì phải tìm đến xứ nầy mới tìm lại được?

Vương giải thích như phản đối:

- Không dễ đâu huynh. Vẫn có nhiều kẻ mất quê hương trên chính quê hương của mình và mất linh hồn trong chính tâm hồn não loạn của mình.

- Như thế thì vùng đất nầy giúp gì được Tử Du?

- Có huynh ạ. Tôi thích cái nghèo và cái giàu ở xứ nầy, nó trái ngược hẳn với sự giàu nghèo trên quê hương tôi. Cái nghèo ở đây rất dễ thấy, nhưng cái giàu thì phải đi tìm mới có.

- Tử Du muốn nói đến sự giàu nghèo tinh thần hay vật chất?

- Cả hai. Vùng quê hương Thiểm Sơn của tôi, nhan nhản những phố xá lầu đài, sắc mầu rực rỡ. Nhưng lắm khi người chủ nhà giàu lại là một gã ăn cắp, một tay cờ bạc bịp, một kẻ gian tà chinh phục người lương thiện bằng thứ xảo ngữ, lộng ngôn học đòi loanh quanh trong giới bịp bợm của mình. Họ thường là những kẻ đã tự nhốt linh hồn trong những hộp vàng hay nhét nó cong queo dưới những đống bạc. Huynh đã có bao giờ sống với những kẻ mất linh hồn đó chưa?

- Chưa. Nhưng tôi có thể hình dung ra họ.

- Tưởng tượng thường khi không đúng đâu. Họ không xấu xa như bầy quỷ sứ. Họ cũng đẹp đẽ. Đàn ông cũng dáng dấp oai phong, đàn bà cũng yêu kiều diễm lệ; ở nhà sang trọng và đi xe song mã; tiệc tùng ca xướng như hàng quý tộc. Họ nói năng thì tuyệt vời, trôi chảy, với những danh từ hoa mỹ đầy lý luận thuyết phục, nhưng chẳng có tiếng nói nào phát ra tự linh hồn tinh túy của họ cả. Tiếng nói của họ là một chuỗi âm thanh dày đặc trên hè phố, trong tiệm ăn, giữa văn phòng, trong sách vở. Họ mượn lời của nhau để lừa đảo nhau, thu góp của cải kiếm ăn, làm giàu trên sự bần cùng của đa số lớp người bình dân lương thiện, lao động khổ nhọc. Nếu có một tiếng nói tự linh hồn nào đó cất lên sẽ bị dập vùi không thương tiếc. Sự dập vùi có khi rất êm ái, chỉ là im lặng thôi. Thế mà sự im lặng đó lại mạnh ghê gớm vì nó sẽ biến con người lương thiện thành kẻ khốn cùng, khánh kiệt...

Cả ba người im lặng, chỉ có hương trà và khói trà lừng lững bốc lên. Phạm Xảo lại hỏi:

- Vậy là Tử Du đã quyết chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai?

- Quê hương thì mỗi người chỉ có một, làm gì có thứ hai, thứ ba... Nơi tôi sinh ra, nơi tôi lớn lên, nơi tôi trưởng thành, nơi tôi đang ngồi uống trà trong phút này đây đều chỉ là những vùng đất có dấu ấn của đời mình sâu hay cạn, buồn hay vui. Quê hương của mình chính là tấm lòng của mình. Mất tâm hồn là mất quê hương và bán rẻ tâm hồn là bán rẻ quê hương.

- Tử Du muốn nói khái niệm linh hồn và tâm hồn giống nhau phải không?

- Theo tôi, Tâm Hồn là cái “Ta” gắn liền với thân xác khi suy nghĩ và hành động; còn Linh Hồn là cái “Ta” độc lập với thân xác nên không sinh ra hay hủy diệt theo điều kiện thể chất.

- Như thế thì linh hồn là cái bóng của tâm hồn hay ngược lại?

- Tâm hồn ở dạng vật lý, nên nó là “thể”. Linh hồn ở dạng ý niệm, nên nó là “thức”. Thể thức gắn liền nhau, tách rời nhau hay là hóa thân của nhau chứ không thể là cái bóng của nhau được.

Phạm Xảo dẹp khay trà và hướng ra sân, nói với hai người còn lại:

- Có một mùa Thu ngoài kia. Hồn Thu ở đó...

Nắng lên cao. Hương trà cũng vừa cạn. Mỗi người theo đuổi một ý niệm về cái hồn trong lặng im. Không ai gọi mời ai mà họ cùng đứng dậy, ra sân. Lá cứ nối đuôi nhau chao đảo hay lượn lờ rơi trong gió. Bóng ba người đàn ông trải dài trên sân gạch đang bị phủ kín với lá vàng thu. Nắng, gió, lá, cây, sân... không hiểu mỗi thứ có chăng một mảnh hồn riêng trong vũ trụ, nhưng khi góp lại, có cái hồn sơ xưa của mùa thu Huế hiển hiện với dáng mơ phai, với màu quan san, với những đụn mây màu xám chở đầy nước từ kho trời rơi xuống. Có ba người, mùa Thu cô liêu quanh đây dường như ấm lên một chút; nhưng nỗi cô quạnh vẫn chực chờ đâu đó, muốn về..


(còn tiếp)





THÔNG BÁO
CỦA TẠP CHÍ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

Kính thưa quý văn thi hữu và bạn đọc,



  • Phương Trời Cao Rộng đang sưu tập những tranh vẽ và hình chụp nghệ thuật để đăng lên bìa trước, cũng như để minh họa cho các bài vở bên trong. Kính mong sự đóng góp ủng hộ tranh và hình của quí họa sĩ, nhiếp ảnh gia để tạp chí luôn giữ được vẻ mỹ thuật cần thiết cho một tờ báo văn học, nhất là văn học Phật giáo.

  • Có một số độc giả gửi email “yêu cầu được nhận báo” miễn phí, có nghĩa là vừa miễn phí tờ báo (ấn phí), vừa miễn phí tiền gửi (cước phí)—không kể tim óc và thời gian của người chủ trương và quý văn thi hữu—nhưng rất tiếc chúng tôi không đáp ứng được. Xin thưa, báo biếu chỉ gửi đến quý vị bảo trợ và các văn thi hữu đóng góp bài vở cho Phương Trời Cao Rộng mà thôi. Tạp chí không có ngân quỹ để gửi báo miễn phí đến mọi người, ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt mà chúng tôi biết rõ. Mỗi kỳ báo đều có đăng trọn vẹn trên trang lưới vinhhao.net, xin xem đây cũng là một hình thức biếu tặng trong khả năng của chúng tôi rồi, mong quý độc giả thông cảm.

  • Cước phí bưu điện tại Hoa Kỳ đã tăng từ giữa tháng 5, 2007; trong khi đó, ấn phí cũng tăng dần theo vật giá sinh hoạt. Nhiều tờ báo văn học nghệ thuật khác—dĩ nhiên là không kể các báo quảng cáo thương mại—đều phải miễn cưỡng tăng giá. Phương Trời Cao Rộng lâu nay vẫn chủ trương không ghi giá bán mà chỉ sống nhờ sự bảo trợ và ủng hộ dài hạn của độc giả (theo bảng giá đề nghị suýt soát với vốn in và tiền gửi báo), do đó, vẫn không có gì thay đổi (nơi Phiếu Bảo Trợ & Ủng hộ dài hạn). Tạp chí cũng học được phương thức nhắc nhở độc giả dài hạn khi sắp đáo hạn đặt báo (chẳng hạn ghi con số tháng, năm kèm theo tên mỗi người khi gửi báo), nhưng chúng tôi không làm, không nhắc nhở, vì nghĩ rằng quý độc giả đã tự nguyện ủng hộ thì sẽ tự giác nhớ rằng đã qua một năm, hay hai năm; nếu nhiều người đều quên, không tiếp tục ủng hộ thì tờ báo sẽ đình bản một ngày nào đó, thật bất ngờ, là điều đáng tiếc không ai muốn xảy ra.

  • Danh sách chư tôn đức, văn thi hữu, độc giả, và thân hữu bảo trợ và ủng hộ Phương Trời Cao Rộng (tinh thần hay tài chánh) có đăng trên www.vinhhao.net, xin bấm vào mục Phương Trời Cao Rộng, tìm trang Danh sách Bảo Trợ và Ủng Hộ.

  • Bài vở và hình ảnh đóng góp cho Phương Trời Cao Rộng, xin gửi về địa chỉ email: vinhhao@vinhhao.net hoặc vinhhao3011@yahoo.com. Quý vị có thể dùng YouSendIt.com để gửi nếu hình ảnh và bài vở nặng trên 10MB.

Trân trọng cảm tạ sự ủng hộ nhiệt tình, quí báu của quý vị.
Vĩnh Hảo


Tác Phẩm Mới của TT Tuệ Sỹ

với Dấu Ấn Một Nhà Sư, Nghệ Sĩ
Việt Báo Thứ Tư, 8/15/2007, 12:02:00 PM

Bài của Nguyên Giác



Buổi Giới Thiệu Sách "Huyền Thoại Duy Ma Cật" của Thầy Tuệ Sỹ đã thành công viên mãn hôm Thứ Bảy 11-8-2007 tại Phòng Triển Lãm Việt Báo, Westminster, California.

Buổi giới thiệu xen lẫn các thời nói chuyện của các diễn giả và đóng góp văn nghệ của các ca sĩ  vừa trang nghiêm, thân tình, xứng hợp với văn phong đạo học và nghệ sĩ trong tập sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thầy Tuệ Sỹ.

Thầy Thích Nguyên Siêu đã nói về sách này:

"... Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác phẩm được giới thiệu hôm nay, hàm tàng một nội dung ẩn mật phô diễn hành trạng của vị Bồ Tát hóa thân vào đời để thi thiết Bồ Tát đạo, lập thệ sâu xa Bồ Tát nguyện và tác thành chân thân Bồ Tát hạnh giữa biển đời sinh tử trầm luân. Huyền Thoại Duy Ma Cật là tác phẩm mới nhất được Thầy luận giải bằng sở tri uyên thâm Phật pháp, bằng nghệ thuật văn phong lịch nghiệm để từ đó hiến dâng, trao tặng cho tất cả bằng hữu tri thức, cùng pháp giới chúng sanh thấm nhuần ân pháp nhũ..."

Các diễn giả đã trình bày mỗi người một hướng nhìn—gồm Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, nhà văn Nhã Ca, nhà văn Viên Linh, nhà văn Đỗ Quý Toàn - hoặc về công trình nhiều thập niên của Thầy Tuệ Sỹ, hoặc về bản thân Thầy Tuệ Sỹ, hoặc về các kỷ niệm với Thầy Tuệ Sỹ, hoặc về tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật.

Điều hợp chương trình là Thượng Tọa Thích Minh Dung đã khéo léo, mời các nghệ sĩ Phương Dung, Kim Anh, Bích Thuận, Ngọc Nôi, Long Thành, Nguyễn Tiến Dũng… trình bày các bản nhạc nhẹ nhàng, tươi vui, hay là hò Huế. Độc đáo cũng là khi Thầy Thiện Đồng lên ứng khẩu 2 câu vọng cổ. Và xúc động nhất là khi ca sĩ Phương Dung cuối chương trình đã hát bài "Sám Hối," một tuyệt phẩm của âm nhạc Phật Giáo.

Nhà thơ Viên Linh đã nhắc về một số kỷ niệm với Thầy Tuệ Sỹ khi thầy gửi thơ, truyện cho tạp chí Thời Tập hơn 40 năm trước, và khi ra hải ngoại nhà thơ Viên Linh đã thực hiện 2 số báo đặc biệt có chủ để về Tuệ Sỹ.

Viên Linh nhắc lời cố Hòa Thượng Mãn Giác rằng "Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước rồi…" và lời nhà thơ Bùi Giáng rằng, "…ai ngờ đâu, nhà thơ Việt phi phàm, nghe 4 câu đã lạnh buốt cả hồn, thiên tài quá lớn…"

Giới thiệu chi tiết nhất lại là nhà thơ Đỗ Quý Toàn, khi nhắc rằng chính Tuệ Sỹ là người nhận ra khía cạnh kịch trong Kinh Duy Ma Cật, và mỗi phẩm, mỗi chương là một màn kịch, một truyện phim, và khi thiên nữ xuất hiện là có biến cố trong chuyển kịch. Trong sách này, Thầy Tuệ Sỹ đã trở thành một nhà phê bình kịch.

Đỗ Quý Toàn nói rằng trước giờ nhiều người dị ứng với  Kinh Duy Ma Cật, vì cho là có nhiều hình ảnh không phù hợp, khi nâng cao Đại Thừa, chê bai Tiểu Thừa, và hình ảnh một vị cư sĩ được nâng cao hơn 10 vị đại đệ tử của Phật. Nhưng chính Thầy Tuệ Sỹ, theo lời Đỗ Quý Toàn, trong sách Huyền Thoại Duy Ma Cật, đã nhận ra rằng thực sự các vị thánh đã nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ riêng trong cõi thánh đó, mà tâm lượng chúng sinh của chúng ta bất khả suy lường.

Đỗ Quý Toàn nêu 2 thí dụ trong sách, mà Thầy Tuệ Sỹ đưa ra. Thứ nhất, Thầy Tuệ Sỹ chỉ ra hai bản Hán dịch khác nhau, trong phẩm về Ngài Xá Lợi Phất. Bản Tạng ghi rằng Ngài Xá Lợi Phất kể với Đức Phật rằng ngài Duy Ma Cật đã quỳ dưới chân ngài Xá Lợi Phất trước, rồi sau đó mới lý luận. Bản do ngài La Thập dịch đã xóa bỏ chi tiết trên. Nhưng bản ngài Huyền Trang dịch vẫn giữ lại y như thế. Như thế, phận của một vị cư sĩ, dù là Bồ Tát cư sĩ, vẫn phải tôn kính chư Tăng.

Điểm thứ nhì, là phẩm về Ngài Ca Diếp. Kinh Duy Ma Cật tán thán ngài Ca Diếp tương đương với Phật, kể lại rằng Phật đã chia nửa tòa ngồi cho ngài Ca Diếp, và Phật ca ngợi rằng chiếc áo Ca Diếp không thể dính bụi được.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói, chính Thầy Tuệ Sỹ đã giúp gỡ bỏ hiểu nhầm về vai trò cư sĩ  Duy Ma Cật đối với chư tăng trong Kinh này.

Nói chuyện riêng với phóng viên sau buổi giới thiệu sách, nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói rằng còn một điểm nữa chưa nói ra, vì thời lượng quá ngắn, đó là phẩm về Ngài Văn Thù, Xá Lợi im lặng, với cái tuyệt diệu của "sự im lặng sấm sét" (mặc như lôi). Nơi đó, hoàn toàn không thể có chuyện hiểu nhầm rằng vai trò cư sĩ Bồ Tát lớn hơn vai trò chư tăng.

Có mặt trong buổi giới thiệu sách có nhiều Tăng Ni, như quý Hòa Thượng Trí Chơn, Chơn Thành, Hạnh Đạo, Nguyên Trí, Thiện Hương, quý Thượng Tọa Quảng Thanh, Minh Mẫn, Minh Đạt, hay quý Ni Sư Chân Thiền, và vân vân.
Bên phía nhân sĩ có GS Trần Ngọc Ninh, LS Nguyễn Quang Trung, GS Bùi Ngọc Đường, Huỳnh Tấn Lê, Phan Mạnh Lương, Lê Hiếu Nghĩa, Nguyễn Huỳnh Mai, Diệu Trân… và nhiều nữa.

Ban Tổ Chức là Hội Thân Hữu Già Lam, một tổ chức được giới thiệu là:

"Hội Thân Hữu Già Lam thành lập từ tháng 3 năm 2004, khởi đi từ cuộc họp mặt thân tình của các cựu học tăng chương trình đào tạo đặc biệt (hậu đại học) tại Tu viện Quảng Hương Già Lam (1980-1984). Ban đầu lấy tên là Trí Thủ Foundation, sau đổi thành Hội Thân Hữu Già-Lam (Gia-lam Buddhist Alumni Association, Inc.): là tổ chức qui tụ Tăng Ni và Cư sĩ Phật tử khắp nơi trong ý nguyện phục vụ đạo pháp và nhân loại, qua các công tác Văn Hóa Giáo Dục và Từ Thiện Xã Hội…"

Lên sân khấu cảm ơn người tham dự, nhóm đại diện Hội Thân Hữu Già Lam trong buổi chiều Thứ Bảy là TT Nguyên Siêu, TT Quảng Thanh, nhà văn Vĩnh Hảo, nhà nghiên cứu Như Hùng, và TT Minh Dung (cũng là người giữ vai MC xuất sắc).

Trong phần trình bày cảm tưởng, Hòa Thượng Thích Chơn Thành đã nói rằng trong khi Đức Phật nói vô số kinh điển để đóng vai ông lái đò đưa chúng sinh tới bờ giác ngộ, thì Thầy Tuệ Sỹ cũng đã học làm ông lái đò và dùng vô số phương tiện văn chương Bát Nhã để cứu độ chúng sinh, và "hy vọng tất cả quý vị nơi đây đều trở thành người lái đò đưa khách qua sông, can đảm, kiên nhẫn, dùng mọi phương tiện tranh đấu với ba đào…"

Đặc biệt, Thầy Tuệ Sỹ đã có một số ấn bản bìa cứng đặc biệt gửi từ VN qua, mang ấn ký của Thầy để tặng các diễn giả và bảo trợ. Cũng nên ghi chú, bản in ở hải ngoại do nhà xuất bản Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang. Bản in ở quốc nội là do nhà xuất bản Phương Đông. Cả hai bản đều ra năm 2007. Tuy nhiên, cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật (năm 2007) này là bản chú giải cho bản Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, cuốn do Thầy Tuệ Sỹ dịch và xuất bản năm 2002.

Ngoài 2 cuốn trên, Thầy Tuệ Sỹ cũng có nhiều bài rời trong nhiều năm, viết về một số phẩm trong Kinh Duy Ma Cật.

Trường hợp độc giả muốn đọc Huyền Thoại Duy Ma Cật, nên tìm đọc bản Kinh Duy Ma Cật trước. Tuy nhiên, nếu độc giả đã từng đọc Kinh Duy Ma Cật, dù của bất cứ thầy nào dịch (Việt Ngữ hiện có 6 bản dịch của 6 thầy), cũng đều có thể vào đọc Huyền Thoại Duy Ma Cật, một tập chú giải cực kỳ xuất sắc, và đã gỡ được rất nhiều ngộ nhận có thể có.



TIN TỨC PHẬT GIÁO KHẮP NƠI





Tầm cầu Niết Bàn trên sân khấu kịch nghệ

by R.J. Donovan, Boston Now, Aug 6, 2007



Trình diễn Cuộc Đời Đức Phật trên sân khấu.

Boston, MA (Hoa Kỳ) -- Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta, người khai sinh Phật Giáo, đản sinh tại Ấn Độ 500 năm trước Christ. Người bắt đầu đời sống trong cương vị một thái tử quý giá, nhưng vào cuối thập kỷ 20 của cuộc đời đã bỏ hết tất cả mọi quyền uy vương giả để theo đuổi sự giác ngộ tỉnh thức.

Hiện nay, cuộc đời và giáo lý của Ngài là chủ đề của một chương trình biểu diễn trên sân khấu, vở kịch một diễn viên "Đức Phật, Sự Chiến Thắng và Cuộc Đời của bậc Thánh Nhân Vĩ Đại" được biên soạn và thực hiện bởi nhà biên đạo kiêm diễn viên kịch nghệ Hoa Kỳ Evan Brenner.

Ý tưởng nảy ra sau khi Brenner xem Alec McGowen thực hiện vở kịch một diễn viên "Thánh  Mark's Gospel" trên sân khấu kịch nghệ Broadway. Brenner nói "Tôi đã bị chìm đắm trong các bài kinh, nó có rất nhiều tính chất  kịch nghệ và tôi đã đọc một trong những bài kinh đó cho cô bạn gái của tôi nghe vào lúc ấy. Cô ấy đã không ngừng kêu lên "oh", "ah" với những điểm chính và tôi nghĩ "Tại sao không thực hiện tích truyện của  Đức Phật."

Có nhiều người có thể đã không ngờ rằng Đức Phật thực sự là một con người. "Đó là một trong những điều mà tôi rất hứng thú được chia sẻ với mọi người.”

Khác với một bài giáo pháp thuần túy, vở kịch thu hút khán giả truyền thống vì sự thú vị về tính chất kịch nghệ của cuộc đời Đức Phật. Brenner nói "Tôi xem câu chuyện như là một sự chào mừng của một người bất toàn với một triết thuyết hoàn hảo."

Từ lâu nay Đức Phật chia sẻ triết lý và giáo pháp của Ngài qua khẩu ngữ, và  màn trình diễn  nhấn mạnh vào những thông điệp qua nghệ thuật sân khấu kịch nghệ cô đọng súc tích. Vẫn là vậy, Brenner vẫn cảm thấy khái niệm Phật Giáo đặc biệt phù hợp với kịch nghệ, Brenner nói "bởi vì kịch nghệ, với tính chất nhấn mạnh vào cốt lõi và thiện mỹ, là một kinh nghiệm phong phú sống động", và ông them "Đức Phật vốn thật là một người kể chuyện siêu việt."



Vài hàng về Evan Brenner (Theo trang nhà riêng của ông  tại  http://www.buddhacom.com/info.htm)

Evan Brenner tốt nghiệp cấp tiến sĩ ngành Biên kịch tại Đại Học Loyola Marymount University, New York. Ông cũng là một diễn viên trong phim New York Independent và từng là đạo diễn nhiều loạt phim truyền hình kể cả America's Most Wanted và  Little Bill. Ông đặc biệt hứng thú với cuộc đời Đức Phật như là  một biểu thức và ví dụ về sự chiến đấu của tâm linh, diễn trình thử thách và thành tựu.

Evan đã nghiên cứu Phật Giáo và thực hành thiền định hơn hai mươi năm. Ông cũng đã từng thọ giới sadi  tông phái Thiền Phật Giáo năm 2001, và kể từ năm 2003 ông mua được bộ thánh điển tam tạng theo truyền thống Theravada. Ông biên soạn vở kịch Cuộc Đời Đức Phật  dựa vào những giai đoạn cuộc đời và giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy được ghi chép trong Tam tạng thánh điển.

(Nhã Uyên  dịch) 


 

Vận động viên chơi gôn Thái Lan, Chapchai Nirat và đời sống tu sĩ

By RIZAL ABDULLAH, The Star, August 22, 2007


JOHOR BARU, Malaysia – Trong suốt kỳ nghỉ hè của mùa giải Châu á, vận động viên Chapchai Nirat của Thái Lan đã lưu trú 3 tuần lễ xuất gia gieo duyên trong một ngôi chùa với hy vọng rằng việc này sẽ giúp anh ta gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp chơi gôn của mình.

Anh ta sẽ quay trở lại thi đấu trong buổi lễ khai mạc giải Iskandar Johor mở rộng trị giá US$300,000 vào ngày mai tại Câu Lạc Bộ Royal Johor Country (RJCC).

Chapchai là một trong những nhân vật được kỳ vọng sẽ thắng cuộc với số tiền là US$47,550. Người thắng cuộc trong giải này sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia trong giải Asian Tour. Anh ta bây giờ xếp thứ 4 với số tiền kiếm được là US$252,138

“Chúng tôi nghĩ rằng một người đàn ông từ 20 tuổi thì nên xuất gia để tỏ lòng tôn kính đối với cha mẹ,” Chapchai nói.

“Tôi đã ở trong một ngôi chùa 3 tuần lễ của mùa nghỉ hè của mình và học cách sống như một người tu. Điều hữu ích nhất tôi đã học là việc thiền định, mà tôi nghĩ rằng hiện nay điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho tôi.

“Bây giờ tôi đã biết khá nhiều về thiền định và điều này sẽ giúp tôi cách thư giãn và kiềm chế nội tâm của mình. Tôi hy vọng điều này sẽ có lợi cho việc chơi gôn của mình.”

Với biệt danh là “King Kong” về những cú đánh của mình, Chapchai đã bức phá trong mùa giải này bằng cách tiến thẳng vào giải TCL Classic ở Trung quốc, trở thành người Thái thứ 3 thắng trong một trận đấu hoà. Anh ta đã được xếp hạng 4 trong danh sách 10 người đứng đầu khi bắt đầu vòng 2 của giải, và là người đạt được trị giá US$180,000 sau người dẫn đầu Liang Wenchong của Trung quốc có trị giá là US$438,252.

“Tôi hy vọng rằng sẽ chơi tốt hơn và thắng một hay hai trận nữa để thăng hạng. Điều này sẽ tạo cho tôi nhiều cơ hội tiến xa hơn trong giải Order of Merit,” Chapchai nói.

Chapchai cũng biết rằng trong việc nghỉ tập gôn gần một tháng qua, anh ta cần phải gấp rút chuẩn bị nếu muốn đoạt giải trong giải Johor mở rộng.

Liang và Scott Hend của Úc, người tham gia trong trong giải US trước đây, xếp hạng 3 với trị giá US$332,460 cũng là một trong số những người được kỳ vọng trong Câu Lạc Bộ Royal Johor Country.

“Tôi chỉ mới bắt đầu luyện tập lại và tôi phải làm sẵn sàng cho những trận đấu của tôi. Tôi phải chuẩn bị tốt cho vòng hai của mùa giải này. Có một vài trận đấu lớn sắp đến và tiếp theo sẽ là những trận đấu của giải Barclay Singapore mở rộng and UBS Hong Kong mở rộng”, Chapchai nói.
 

Tích Lan: cuộc triển lãm hội hoạ ‘Chân lý tuyệt vời’

Lanka Daily News ngày 20 tháng 8, 2007

Colombo, Tích lan -  Học viện Goethe tại Tích Lan với sự cộng tác của Sri Sambodhi Vihara đã mở một cuộc triển lãm với chủ đề ‘Chân lý tuyệt vời,’ là cuộc triển lãm nghệ thuật với những bức tranh nguyên tác, phim ảnh và sự trình bày các tác phẩm trong cuộc đời của Tỳ khưu Sumeđha, do hoạ sĩ Cora de Lang đảm trách, bắt đầu từ thứ ba, 21 tháng 8 vào lúc 6 giờ chiều tại Sri Sambodhi Vihara (đối diện với Học viện Goethe).  Cuộc triển lãm sẽ kéo dài cho tới ngày 21 tháng 9.  Giờ mở cửa: Chủ nhật đến thứ Sáu, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

 Vị tu sĩ Phật giáo, Sư Sumedha sinh năm 1932 tại Basel, Thuỵ sĩ.  Thân phụ Sư là người Ai Cập, thân mẫu là người Đức.  Do luật lệ riêng của Thuỵ sĩ, Sư phải mang hộ chiếu Đức mặc dù chưa lần nào Sư đặt chân đến Đức quốc. 

 Sư đã bắt đầu sự nghiệp hội hoạ khi còn rất trẻ tại Art Academy, Geneva, và sau đó tiếp tục tại Paris. Từ năm 1952 đến 1974, Sư sinh sống tại Zurich, và từ năm 1968, Sư cùng lúc mở một xưởng vẽ thứ hai tại Luân Đôn.

 Năm 1970, Sư đến Tích Lan lần đầu tiên, và liên tiếp mỗi năm vài tháng trong 3 năm sau đó.  Năm 1974, Sư đến định cư tại đây và chưa bao giờ rời khỏi hòn đảo này. Ngày 5 tháng 12 năm 1975, Sư xuất gia thọ giới sa di. Năm 1981, Sư thọ giới cụ túc tại thành phố thiêng liêng Anuradrapura. Sư đã sống mấy mươi năm cuối đời tại Tích lan, hơn 25 năm cuối cùng trong động Manapadassana Lena tại Dulvala, gần Kandy.  Ngày 21 tháng 12, Sư đã viên tịch, hưởng thọ 75 tuổi .

Aja Iskander Schmidlin là tên của Sư trong hộ chiếu, nhưng Sư không muốn được nhớ đến như một người Đức hay Thuỵ sĩ, chỉ đơn thuần là một tu sĩ Tích Lan, Sư cũng đã viết thư yêu cầu điều này với tổng thống Tích Lan.  Như Sư được biết trong thời gian sau đó, tên ‘Aja’ của Sư theo tiếng Pali và Sanskrit có nghĩa là ‘Vô sanh’, đồng nghĩa với Niết Bàn.   

Suốt khoảng thời gian làm tu sĩ, Sư vẫn không rời bỏ nghệ thuật, nhưng đã đưa nó sang một hướng đi mới: dùng hội hoạ để chuyển tải đạo lý, để diễn bày những lời dạy của Đức Thế Tôn bằng hình ảnh qua những bức tranh sơn màu, nhất là tranh vẽ bằng màu nước, những bức hoạ v.v...

Trong những ngày cuối của Sư, Thượng Toạ Mettavihari, hoạ sĩ Cora de Lang (người mà Sư muốn sẽ đảm trách cuộc triển lãm) và Richard Lang đã đến thăm Sư trong hang động của ngài.  Họ đã phỏng vấn, thu hình ảnh và âm thanh, xem qua những tác phẩm của Sư được trưng bày trong hang động, và họ hứa với Sư sẽ tổ chức một cuộc triển lãm về Tỳ Khưu Sumedha - một nghệ nhân, người họa sĩ đã khiến cho người ta hình dung được đạo lý, nhưng chính Sư cũng đã hiểu thấu đáo về giáo lý Theravada.

Khi được biết sẽ có cuộc triển lãm sắp tới, Sư đã gợi ý rất nhiều ngay cả chủ đề của cuộc triển lãm - và Sư cũng biết rất rõ là Sư sẽ không còn có mặt trong ngày khai mạc.

(Minh Châu dịch) 

Thêm một dự án làm phim về cuộc đời Đức Phật

Tuesday August 28, 01:40 AM

MUMBAI (AFP) - Một thiên sử thi, cuộc đời và giáo pháp của Đức Phật Cồ Đàm, sẽ được  quay thành phim. Nhóm sản xuất South Asian cho biết như trên hôm thứ Hai.

 Thông điệp của bộ phim sẽ cho “các câu trả lời về những sự khủng hoảng địa cầu về xung đột và môi trường sinh thái,” Navin Gooneratne, chủ tịch hội Light of Asia - Ánh Sáng Á Châu - nói với phóng viên như trên.

Cuốn phim có tựa đề "The Buddha - Đức Phật" là một dự án đầu tư giữa hội đoàn Ánh Sáng Á Châu, văn phòng đặt tại Colombo - Tích Lan, và Công Ty India's Beyond Dreams Entertainment. Đạo diễn kỳ cựu Ấn Độ  Shyam Benegal sẽ là đạo diễn của bộ phim.

Gooneratne đã không tiết lộ kinh phí của cuốn phim, cuốn phim mà nghe nói sẽ được thu hình tại Ấn Độ và Tích Lan, một đa số các quốc gia Phật Giáo, với dự trù ra mắt vào khoảng giữa năm 2009.

Học giả Phật Giáo Tích Lan  Nimal D'Silva sẽ dẫn đầu nhóm nghiên cứu gồm các thành viên kể cả các chuyên gia từ Trung quốc, Nhật bản và Nam hàn, những  nơi chịu ảnh hưởng của Phật Giáo.

(Hạt Cát dịch) 


 

Trung Quốc thiết lập hệ thống dự báo để bảo vệ bích hoạ Phật Giáo

Đôn Hoàng, Cam Túc- Aug. 28 (Xinhua). Các nhà khoa học đã thiết lập một hệ thống dự báo trong hầu hết các hang động quý giá Phật Giáo với hy vọng có thể bảo toàn những bức bích hoạ hàng thế kỷ từ ảnh hưởng nhiệt độ  gia tăng, ẩm thấp và mật độ thán khí được mang tới bởi du khách.

Hệ thống dự báo, phát kiến hợp tác bởi Học viện Đôn Hoàng trụ sở đặt tại vùng Tây bắc tỉnh Cam Túc, và Đại Học Triết Giang, gồm có hàn thử biểu, máy đo độ ẩm và máy đo độ thán khí, Fan Jinshi, quản trị viên Học Viện Đôn Hoàng cho biết như trên.

Khi một chỉ số trong bất cứ thiết bị nào lên tới mức báo động thì hệ thống sẽ phát ra tín hiệu và chúng tôi sẽ cho di tản du khách và đóng cửa khu vực cho đến khi lệnh báo động được bãi bỏ. Ông Fan nói thêm.

Các hoạt động thử nghiệm hệ thống đã bắt đầu áp dụng tại 10 hang động trong số 50 hang động  mở cửa cho du khách viếng thăm.

Một con số trung bình từ  3,000 đến 5,000 du khách kéo đến thành phố sa mạc hằng ngày trong mùa cao điểm giữa tháng Năm đến tháng Mười để tham quan hàng ngàn bức bích hoạ và như thế họ đã thở ra một số lượng thán khí độc hại trong các hang động.

Những hệ thống thông hơi từ lâu đã có vấn đề với khoảng 85 % các  hang động nhỏ hơn 25 mét vuông, và các nhà chuyên môn đã báo dộng rằng các bức hoạ có xuất xứ từ Thế Kỷ Thứ Tư đang mất dần màu sắc bởi ảnh hưởng của việc du khách kéo tới không giới hạn.

Để cho việc kiểm soát dễ dàng hơn, ông Li Ping, giám đốc bộ phận tiếp tân của Học Viện Đôn Hoàng khuyến khích du khách muốn tham quan Đôn Hoàng nên ghi danh trước qua mạng lưới trực tuyến tại trang nhà của Học Viện.

Thạch Quật Mạc Cao ở Đôn Hoàng, còn gọi là Thiên Phật Động, đã được cơ quan UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới hồi năm 1987.

Tổng cộng có tất cả 735 hang động đã được  tìm thấy và số bích họa trên tường chiếm một tổng số diện tích 45,000 mét vuông. Các hang động chứa tất cả  2,400 pho tượng Phật.

(Hạt Cát dịch) 


 

Điêu khắc Phật Giáo từ thế kỷ 12 được phát hiện trong hang động ở Nam Dưong

The Associated Press, Published: August 29, 2007 



JAKARTA, Indonesia: Một hang động được dùng làm nơi hành thiền của tu sĩ Phật Giáo trong thế kỷ thứ 12 chứa đựng những tác phẩm điêu khắc miêu tả hành trình hoằng hoá của đức Phật trước đây chưa từng được khám phá, một lãnh đạo Phật Giáo nói như trên hôm thứ Tư.

Hang động kéo dài - một gợi nhớ về quá khứ rực rỡ của Phật Giáo trên một quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất nhì thế giới - đựợc khám phá hơn hai thập niên trước gần ngôi làng Jireg ở phía đông tỉnh Java.

Nhưng nó đã không được xúc tiến phát triển khám phá thêm vì địa điểm hẻo lánh khó đi tới của nó, theo như lời của Ngài  Dhamma Subho Mahathera thuộc Giáo hội Tăng Già Theravada Namn Dương - một giáo hội Phật Giáo lớn nhất Nam Dương, người đã thăm viếng khu vực hôm 12 tháng 08 vừa qua

"Theo như hiểu biết của tôi thì đây là hang động Phật Giáo duy nhất trên thế giới để cho chư Tăng hành thiền.

Những tác phẩm điêu khắc gồm có các bức tượng của một con voi, con bò, con khỉ và một đoá sen - Biểu tượng hoà bình của Phật Giáo.

Nam Dương cũng có ngôi chùa Borobudur ở trung tâm Java được xây dựng hơn 1,100 năm trước - ba thế kỷ truớc khi Hồi giáo kéo tới - là một nơi thờ phượng Đức Phật và cũng là một nơi để hành hương. Nó đã được tổ chức UNESCO xếp vào danh sách Di Sản Thế Giới  vào năm 1980.

Ngài Trưởng Lão nói các hang động Phật Giáo cũng được phát hiện ở Tích Lan và Ấn độ, nhưng các hang động kia không có những bức hoạ miêu tả tình trạng hành thiền Phật giáo.

Giáo lý Phật Giáo dạy rằng chánh tri kiến và tự điều phục tâm qua hành thiền có thể đưa con người đến trạng thái niết bàn - một trạng thái tâm linh an bình tĩnh lặng và giải thoát khỏi  tham  dục.

(Hạt Cát dịch) 
                      

Đài Loan: cuộc hội thảo hàng năm của tổ chức Phật giáo Nhập Thế INEB

Ngày 31 tháng 8, 2007



Đào Viên, Đài Loan -  The International Network of Engaged Buddhists (INEB), một tổ chức Phật giáo tự chủ đạo gồm hơn 20 quốc gia, sẽ bắt đầu cuộc hội thảo hàng năm ngày hôm nay tại tỉnh Taoyuan.

Gần 100 đoàn đại biểu trên khắp thế giới sẽ tham dự cuộc hội thảo tại Đại học Phật giáo Hongshi tại huyện Kuanyin. Các đoàn đại biểu từ 17 quốc gia sẽ tham dự cuộc họp năm nay, trong đó có phái đoàn Nhật, Nam Hàn, Thái, Việt, Ấn, Nepal, Úc, Hoa Kỳ và Trung Hoa.

 Shih Chao-hwei, giáo sư tôn giáo học tại Đại Học Hsuan Chuang tại Hsinchu, là chủ nhiệm uỷ ban điều hành của tổ chức Phật Giáo Nhập Thế INEB. Giáo sư và Sulak Sivaraksa, một trong những sáng lập viên của tổ chức INEB, sẽ cùng nhau trình bày một bài diễn thuyết then chốt với chủ đề ‘Kukkha and Its Cause’ trong chương trình ngày mai.

 Ngày mai và Chủ Nhật các đoàn đại biểu sẽ bàn thảo về những đề tài được sắp xếp từ sự trường tồn của khổ đau, đạo Phật và sự bám víu vào sở hữu vật chất, và đạo Phật được chú trọng về mặt xã hội cho tới tâm linh, và Dana: phúc lợi xã hội hay sự biến đổi xã hội.

Từ thứ hai đến thứ năm các phái đoàn sẽ viếng thăm những cơ sở Phật giáo lớn trong nước, trong đó có Dharma Drum Mountain, Đại Học Hsuan Chuang, Phổ Quang Sơn, Bệnh viện Phật giáo Tzu Chi và Viện bảo tàng các tôn giáo trên thế giới.

Tổ chức INEB được thành lập năm 1989 bởi một nhóm các nhà tư tưởng và hoạt động xã hội Phật giáo tại Thái Lan. Tổ chức chú trọng vào hoà bình, nhân quyền, sự bình đẳng giữa nam và nữ, sự phát triển trên nền tảng tâm linh và hội đàm giữa các tôn giáo.

(Minh Châu  dịch) 

Ấn Độ: Phát hiện thêm liên hệ mới về nguồn gốc Ấn độ của nghệ thuật Phật Giáo Trung Quốc, Tây Tạng

by Annie Samson, PTI, Aug 28, 2007

New Delhi, India - Bích hoạ trong một số hang động ở Trung quốc đã được phát hiện  chịu ảnh hưởng rõ ràng của các nghệ nhân từ Kashmir, căn cứ theo sử gia và nhà làm phim nổi tiếng, Benoy K. Behl, người gần đây đã thu hình các khu văn hoá quan trọng ở Trung quốc và Tây Tạng trên phía Bắc Con Đường Tơ Lụa.

"Tôi đã có thể nhận dạng rõ ràng những ảnh hưởng của các nghệ nhân Kashmir trong một số bích hoạ tại hang Mạc Cao của Đôn Hoàng, là nét nghệ thuật Phật Giáo nổi tiếng của Trung quốc," Behl, người gần  đây đã kết thúc tập phim tài liệu về  những bức bích họa được tìm thấy trong các hang động, các tu viện và ở những khu di tích văn hoá ở Hoa Lục và cao nguyên Tây Tạng, nói như trên.

Nhà sử học, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu bao quát về nghệ thuật Phật Giáo và Ấn Giáo tại tất cả các quốc gia Á Châu, đã thu hình 34 khu vực văn hoá quan trọng trải dài 14,000 km phía Bắc Con Đường Tơ Lụa.

Những hang động ở Kizil, gần Kucha có rất nhiều bức tranh tinh tế giống với các bức bích hoạ Ấn Độ. Chúng tôi là những người  Ấn độ đầu tiên làm tài liệu về những khu vực này, Behl, người chỉ rõ rằng các bức bích họa được  tìm thấy ở đây phản ảnh giai đoạn hình thành nghệ thuật Phật Giáo ở Hoa lục, nói như trên

"Có một sự nối kết rất lâu đời giữa hai nền văn hoá, nghệ thuật và tôn giáo của Ấn Độ và Trung quốc', ông Behl, người được uỷ thác trách nhiệm nghiên cứu như một viện sĩ tại học viện Viện Nghiên cứu Á Châu  Maulana Abul Kalam Azad nói thêm như trên.

Behl giải thích rằng Ngài Kumarajiva, con của một người Ấn sống trong thế kỷ thứ Tư, có thể  đã là một tên tuổi danh tiếng nhất trong Phật Giáo Trung Hoa thời đó. Kumarajiva lúc còn rất nhỏ đã được gửi Kasmir để học hỏi nghiên cứu Phật pháp và Sanskrit, và sau đó trở nên nổi tiếng với công trình dịch thuật khi ngài trở về Kucha.

(Hạt Cát  dịch)
 

Hoa Kỳ: Nghi thức trao tặng huy chương công dân danh dự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ được cử hành tại đại sảnh Quốc Hội

The Associated Press, Published: September 4, 2007

WASHINGTON: Hạ Viện Hoa Kỳ vừa thông qua một bản nghị quyết hôm thứ Ba cho phép sử dụng đại sảnh Quốc Hội để cử hành nghi thức trao tặng huy chương công dân danh dự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng tới.

Bản nghị quyết cũng cho phép uỷ ban Chiến Dịch Quốc Tế cho Tây Tạng tổ chức một nghi lễ liên hệ dành cho vị lãnh đạo tâm linh lưu vong Tây Tạng trong khuôn viên Quốc Hội vào ngày 17 tháng Mười tới đây. Hạ Viện đã biểu quyết trao tặng Huy Chương Công Dân Danh Dự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi năm ngoái.

Nghi lễ trọng đại có tính cách quốc gia này sẽ khiến cho Trung quốc bất bình, chính phủ Trung quốc ngày càng gia tăng tìm kiếm phương cách chỉ đạo Phật Giáo Tây Tạng, là nền tảng của văn hoá, dân trí, tôn giáo và đời sống chính trị của người dân Tây Tạng trong hàng bao thế kỷ.

Trung quốc đã phản đối biểu quyết của Nghị Viện về việc trao tặng huy chương công dân danh dự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và đã chỉ trích Ngài trong việc nhận lãnh Giải Nobel Hoà Bình hồi năm 1989.

Cả thế kỷ nay, Trung quốc cho rằng vùng phía Tây của dãy Hy Mã Lạp Sơn, mảnh đất Tây Tạng là thuộc về lãnh thổ Trung quốc, và để thực hiện điều này là một cuộc xâm nhập bằng vũ lực quân đội năm 1951, đức Đạt Lai Lạt Ma sau một cuộc nổi dậy bị thất bại đã chạy sang thành lập chính phủ lưu vong Tây Tạng tại Dharmsala, Ấn Độ từ năm 1959.

Mary Beth Markey, phó chủ tịch Uỷ Ban Chiến Dịch Quốc Tế cho Tây Tạng, đã kêu gọi hội nghị trao tặng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma phần thưởng quốc tế ý nghĩa nhất vì kể từ lúc Ngài nhận Giải Nobel Hòa Bình đến nay cũng đã gần 20 năm.



(Hạt Cát  dịch) 



PHIẾU BẢO TRỢ VÀ ỦNG HỘ DÀI HẠN

TẠP CHÍ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

 
1) BẢO TRỢ:


Xin chọn một trong những ô trống sau đây:
Mỗi tháng: _____ (___), $25 (___), $50 (___), $100 (___), $200 (___).
Và chọn thời gian bảo trợ:
Ba tháng (___), Nửa năm (___), Một năm (___), Hai năm (___), Ba năm (___)

2) ỦNG HỘ DÀI HẠN:
(Bảo trợ ấn phí, cước phí, không phải mua báo, vì báo không đề giá bán)
* Tại Hoa Kỳ: Một năm: $75 (___) | Hai năm: $120 (___).
* Tại Canada: Một năm: $90 (___) | Hai năm: $160 (___). (first class)
* Âu, Úc, Á: Một năm: $140 (___) | Hai năm: $270 (___). (first class)

Đính kèm ngân/chi phiếu số: ____________ với số tiền bảo trợ/ủng hộ: $_______________
Địa chỉ người bảo trợ / ủng hộ (để liên lạc, gửi báo):
Họ và tên ______________________________________ Pháp danh: ______________________
___________________________________________ Thành phố: ____________­_____________
____________________________________ Telephone (không bắt buộc): __________________
Bài vở, ý kiến đóng góp, chi phiếu ủng hộ xin gửi về:

HAO VINH


P.O. Box 374

Midway City, CA 92655 – USA

Email: vinhhao@vinhhao.net hoặc phuongtroicaorong@vinhhao.net
Ủng hộ tài chánh cũng có thể chuyển (deposit) thẳng vào trương mục:

HAO VINH


Account #: 09325-47111

Bank of America, CA7-147-01-01



13952 Brookhurst Street, Garden Grove, CA 92683 – USA


1 以心傳心。不立文字(Đ.T. 48, trang 03713b13 Huyết mạch luận, Thiếu thất lục môn).

2 為說金剛經。至應無所住而生其心。惠能言下大悟 Đ.T. 48, Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm hành do trang 0349a

3 Đ. 48, Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm hành do trang 0349a

4 Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 650 phần chú thích.

5 Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 649.

6 Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 622.

7 Tử ở đây mang ý nghĩa sống chết trong từng sát-na một. Chỉ cho sự sống chết thay đổi nhau của những tế bào để tạo nên sự tiến hóa, kể cả tâm lý thay đổi. Sự thay đổi này chính là sự sống chết thay nhau trong từng giây từng khắc. Nếu không có sự thay đổi này thì con người sinh ra lúc nào cũng vẫn là một giọt máu, không có những hiện tượng trẻ lên ba, trẻ lên mười, để trở thành thiếu niên, thanh niên và cuối cùng già yếu và chết đi. Ở đây nói đến tính hiện hữu của Duyên khởi tánh không của cuộc sống.

8 Tố Như thi, Quách Tấn dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973. trang 170

9  Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn học 1996.

10 Đ. 17, No. 0842, Đại Phương Quảng Viên Giác Tu-đa-la liễu nghĩa, trang: 0915c22 (HT. Thích Thiện Hoa dịch.)

11 Linh Sơn: gọi cho đủ là Linh Thứu sơn, là chỉ cho núi Linh Thứu nơi đức Đạo sư nói pháp độ sinh khi Ngài còn tại thế. Có hai thời kỳ đức Đạo sư nói pháp ở nơi đây: Một, thời kỳ đức Đạo sư thuyết Kinh Pháp Hoa. Hai, thời đức Đạo sư phó pháp cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp (theo Thiền tông) “Dĩ tâm truyền tâm”.

12 Guna, một thuật ngữ triết học của Ấn giáo. Theo Samkhya (Số luận), Guna là sự hợp thành Prakriti, thuộc tính chính của tất cả mọi chúng sinh, bao gồm sattva (đức hạnh), rajas (đam mê) và tamas (ngu muội). Trong Bhagavad Gita, thần Krishna bảo rằng, hệ thống đẳng cấp đó do ông tạo ra là được dựa trên các guna và nghề nghiệp (người dịch).

13 Prakriti, thuật ngữ triết học trong Số luận, chỉ bản chất hay yếu tố đầu tiên của con người (người dịch).

14 Saddhamma - Sad (=sant) + dhamma, Pháp chân thực (người dịch).

15 Sila theo thuật ngữ Phật học có nghĩa là “giới luật”. Ở đây, Ambedkar đã sử dụng từ này theo một nghĩa rộng hơn.

16 Ahimsa, một thuật ngữ được sử dụng trong cả Ấn giáo, Kỳ-na giáo và Phật giáo, nhưng ý nghĩa của từ này được dùng có phần khác nhau ở trong mỗi tôn giáo. Trung Hoa dịch từ này là “bất hại”, và đôi khi được chuyển dịch sang tiếng Anh là “non-violence” hoặc “harmlessness”. Nhưng trong các bài viết bằng tiếng Anh thì thuật ngữ này thường được để nguyên (người dịch).

17 Tattvamasi = tat tvam asi, có nghĩa rằng atman và Brahma là bao gồm tất cả mọi thứ (người dịch).

18 Sangham aranam gaschami, quay về nương tựa Tăng (người dịch).

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG - Số 16 ● trang


tải về 12.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương