Nội dung số này


Sự Hình Thành và Ý Nghĩa Chùa Một Cột



tải về 12.44 Mb.
trang6/11
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích12.44 Mb.
#33723
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

1. Sự Hình Thành và Ý Nghĩa Chùa Một Cột


Chùa MỘT-CỘT được hình thành là do một giấc mộng của vua Lí Thái-tông (1028-1054)(5). Đại Việt Sử Kí Toàn Thư chép: “Tháng hai, mùa xuân năm Kỉ-Sửu (1049) đổi niên hiệu là Sùng-hưng-đại-bảo (1049-1054)(6) năm đầu. Trước đó vua mộng thấy Phật Quán Âm ngồi trên đài hoa sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói lại với triều thần. Có người cho là điềm gở, nhưng nhà sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quán Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn chung quanh, tụng kinh cầu sống lâu, nhân đó đặt tên chùa là Diên-hựu.” (7)

Theo đó thì chùa Một-cột đã lấy nguồn cảm hứng từ giấc mộng đài sen với Phật Bà Quán Âm. Cảm hứng từ mộng là một thứ tâm lí nghệ thuật của các dân tộc Đông- phương, và hình dáng chùa đã bao hàm nhiều ý nghĩa nghệ thuật

tôn giáo.

Theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục (trong sách



Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam) thì từ thời nhà Đinh đã dựng cột bia đá “Đà-la-ni”, gọi là cột “nhất-trụ”, để cầu tuổi thọ, cầu cho vận nước dài lâu bên cạnh cái không khí luôn luôn đe dọa nặng nề của Trung-quốc. Đến nhà Lí thì cây cột “nhất-trụ” ấy lại bao hàm nhiều ý nghĩa hơn nữa, khi vua Lí Thái-tông đã biến hình “nhất-trụ” thành hình hoa sen (bằng cách cho xây trên đỉnh cột một cái điện nhỏ bằng gỗ lợp ngói, mái cong), để trở thành chùa Diên-hựu (tức Một-cột). Chùa có hình dáng một hoa sen, và nếu nhìn từ xa thì quả đó một hoa sen lớn mọc lên từ hồ nước, – dĩ nhiên, cây cột đã trở thành cọng sen.

Vẫn theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục thì hình ảnh hoa sen cũng đã có những ấn tượng rõ nét trong tinh thần dân tộc ta từ thời nhà Đinh: Đinh Bộ Lĩnh (tức vua Đinh Tiên-hoàng-đế, 968-979) ở cạnh đền Sơn-thần, ngoài cửa có đám sen núi có dấu chữ “thiên tử”; mẹ Lê Hoàn (tức mẹ vua Lê Đại Hành) có mang nằm mộng thấy trong bụng sinh hoa sen; tháng sáu, niên hiệu Long-thụy-thái-bình (1054-1058)(8) thứ 5 (1058), vua Lí Thánh-tông (1054-1072)(9) cho xây điện Linh-quang, bên trái dựng điện Kiến-lễ, bên phải dựng điện Sùng-nghi; phía trước điện dựng lầu chuông một cột sáu cạnh hình hoa sen.(10)

Vậy thì, hoa sen luôn luôn mang một ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho những gì cao quí nhất trên đời. Nơi nào có hoa sen là nơi đó có Phật, Bồ-tát ngự trị; nơi nào có dấu sen là nơi đó có dấu vết hiền nhân; nơi nào có hồ sen nhất định phải là nơi thanh tịnh; và chính hoa sen đã được người bình dân tôn quí để ví với những người có tâm hồn thanh cao, sống nơi bụi trần đầy danh lợi

mà không bị những thứ ô uế

cám dỗ, ràng buộc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng;

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

(Ca Dao)


Cuối cùng, hoa sen có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đến nỗi nó đã được dùng làm tựa đề cho một bộ kinh cao thâm của Phật giáo

đại thừa: Kinh Diệu Pháp Liên



Hoa. Do đó có thể thấy, tín ngưỡng

HOA SEN là tín ngưỡng PHẬT THỪA

vậy.

Cũng vì hoa sen mang những ý nghĩa như



thế, nên hễ người ta nói đến

hoa sen là nói đến Phật. Sen là chỗ

Phật ngự. Tòa sen là tòa Phật. Và

bộ ba “Tam Thánh”: Di Đà – Quán Âm - Thế Chí

đã dính liền mật thiết với hoa

sen trong tín ngưỡng Tịnh Độ tông.

Cõi Cực-lạc là cả một thế giới hoa sen. Vì vậy, vua Lí Thái-tông đã mộng thấy hoa sen với Phật Bà Quán Âm đứng trên đài sen, và giấc mộng ấy đã được hiện thực bằng ngôi chùa Một-cột có hình dáng hoa sen với tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

được thờ trong đó.

Tín ngưỡng Phật Bà Quán Âm trong tâm thức dân tộc Việt cũng là một tín ngưỡng đặc biệt, nó biểu hiện cho lòng yêu thương vô bờ của MẸ, hòa đồng với tín ngưỡng sùng bái Nữ Thần cố hữu trong tư tưởng bình dân Việt-nam. Người bình dân Việt-nam với tâm hồn chất phác, chân thật, luôn luôn có khuynh hướng nguyện cầu một “tha lực” từ bi cứu khổ cứu nạn như Bồ Tát Quán Thế Âm, hay là Nữ Thần của họ. Họ nương tựa vào đó như một nơi an lành, như đứa bé cảm thấy được yên ổn trong lòng mẹ. Họ luôn luôn yên tâm

khi tin tưởng có Bồ Tát Quán Thế Âm

ở bên cạnh để che chở, độ

trì.


Xem thế, chùa Một-cột quả là một tác phẩm nghệ thuật tân kì, thể hiện trọn vẹn cái tâm linh độc đáo của dân tộc. Với cây cột độc nhất dựng sừng sững giữa hồ, nó biểu hiện cho tín ngưỡng về nguồn sống vũ trụ, về âm dương hòa hợp của tư tưởng Bà-la-môn giáo và Chiêm-thành – vốn cũng đã ảnh hưởng ngấm ngầm vào tinh thần dân Việt từ lâu. Với cái điện hình hoa sen mọc lên từ hồ nước, nó nói lên cái tinh thần phấn đấu âm thầm với dục vọng để tự kiến tánh thành Phật của các thiền sư, tức là giới trí thức bác học. Và với tượng Phật Bà Quán Âm, nó bộc lộ cái tình Mẹ, tượng trưng cho Nữ Thần, một tha lực từ bi luôn luôn cứu độ chúng sinh, đó là tín ngưỡng của giới bình dân chơn chất. Vì vậy, chùa Một-cột quả đã gói ghém hoàn toàn tinh thần tín ngưỡng

đặc biệt của Việt-nam thời đó.



Tinh thần chùa Một-cột là một tinh thần tổng hợp của Phật giáo Việt-nam thời Lí. Tinh thần đó đã dung hòa các tư tưởng vừa Thiền, vừa Mật, vừa Nho, vừa Lão, vừa trí thức, vừa bình dân, nhất là nó thể hiện một tinh thần hợp sáng

nhưng độc lập của quốc gia; và chính

cái tinh thần đó đã là nguyên

nhân sâu xa của việc thành lập thiền

phái Thảo Đường, một phái thiền

Việt-nam độc đáo thời nhà Lí.



2. Thiền Phái Thảo Đường: Một Kết Tinh Của Tinh Thần Phật Giáo Việt Nam Thời Nhà Lí


Thời đại nhà Lí là thời đại toàn thịnh của Phật giáo Việt-nam, mà cũng là thời đại có ý thức dân tộc cao nhất, tinh thần quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử độc lập của Việt-nam. Về điểm này, giáo sư Hoàng Xuân Hãn có nói: “Lí Thánh-tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc có danh ngang với một nước thiên tử. Vua đặt quốc hiệu là Đại-việt (1054), tôn các vua trước là Thái-tổ, Thái-tông, coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm-thành thần phục Tống” (11) Và chính ở trong cái ý thức dân tộc và tinh thần độc lập, tự cường cao độ đó mà phái thiền Thảo Đường đã xuất hiện, như học giả Trần Văn Giáp đã nói: “Đến thế kỉ XI, đạo Phật rất thịnh vượng ở Việt-nam. Những người nhiệt thành với đạo này không phải chỉ là quần chúng mà cả những quan lớn ở triều đình, và cả những vua chúa nữa. Những ông vua ấy muốn thiết lập một phái mới. Nhưng thay vì trực thuộc với Bồ Đề Đạt Ma, họ lại chọn một thiền sư Trung-hoa tên là Thảo Đường đã đến Chiêm-thành và ngụ một thời gian ở đó. Chắc chắn họ đã theo giáo huấn của vị sư trưởng này và thực hành giáo pháp của ông. Thời kì thứ tư này quả là thời kì Thiền học Việt-nam.”(12)

Từ Lí Thái-tông, ta thấy nhà vua đã có khuynh hướng xây dựng một nền Phật giáo riêng biệt, đặc thù cho Đại-cồ-việt(13) qua việc xây cất chùa Một-cột. Đến vua Lí Thánh-tông thì cái khuynh hướng ấy lại càng mạnh mẽ hơn nữa, đến nỗi đã đưa đến việc sáng lập một phái thiền mới lấy tên của thiền sư Thảo Đường.

Về sự tích Tổ Thảo Đường,

sách An Nam Chí Lược chép: “Thảo Đường



đi theo sư phụ sang ở đất Chiêm-thành. Khi vua Lí Thánh-tông đánh Chiêm-thành, bắt được làm tù binh, giao cho quan tăng lục làm gia nô. Quan tăng lục viết sách Ngữ Lục, để ngỏ trên bàn và đi khỏi. Nhà sư Thảo Đường xem trộm, có sửa chữa đi. Quan tăng lục về thấy thế lấy làm kinh ngạc về anh gia nô, bèn tâu lên vua. Vua bái Thảo Đường làm quốc-sư.”(14)

Tinh thần của tài liệu này cho ta thấy gì? Đọc lại lời của giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở trên thì triều đại Lí Thánh-tông quả là một triều đại oanh liệt, có tinh thần dân tộc cao sáng nhất. Vua Lí Thánh-tông nuôi mộng xây dựng quốc gia thành một đế quốc hùng cường, xứng danh “Đại-việt”; trong đó bao gồm ý tưởng sáng lập một tông phái Phật giáo Đại-việt đặc thù, hoàn toàn mang màu sắc dân tộc,

mặc dù trước đó đã có

hai phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn

Thông từ ngoại quốc truyền vào. Và mộng ước ấy đã được thành tựu do một thiện duyên hãn hữu, đó là việc nhà vua đi đánh Chiêm-thành, bắt nhiều tù binh, và trong

đám tù binh ấy có thiền sư Thảo Đường.

Thảo Đường là một tù binh được cắt đặt làm thị giả cho vị tăng lục (vị tăng sĩ cao cấp trông coi về tăng sự). Lại do sự khám phá của chính vị tăng lục mà Thảo Đường được nhà vua tôn làm quốc sư. Ấy là vua đã nhặt được viên ngọc vô giá từ trong bùn lầy! Ý vua đã mong ước thành lập một tông phái đặc biệt Việt-nam, nhưng nhà vua là cư sĩ, không thể đứng làm tổ khai sơn cho một môn phái, lại không muốn chọn các vị thiền sư đã sẵn có môn phái đương thời, nhân cơ hội khám phá được viên ngọc vô giá là thiền sư Thảo Đường (dù vốn có nguồn gốc từ Trung-hoa), bèn lập tức tôn lập ngài làm Tổ, lấy tên ngài làm tên môn phái, rồi chính nhà vua làm đồ đệ đầu tiên đời thứ nhất. Thật là một cơ hội nghìn vàng để vua thực hiện giấc mộng. Quan tăng lục là một vị cao tăng, mà viết “ngữ lục” còn bị Thảo Đường sửa chữa, thì Thảo Đường quả xứng đáng với sự trông đợi và kính ngưỡng của vua Lí Thánh-tông.

Vậy thì cái tinh thần đặc biệt của Tổ Thảo Đường là gì? Đó là một tinh thần tổng hợp Thiền và Tịnh. Theo tinh thần bài “Kỉnh Sách” của Tổ thì con đường tu hành không phải chỉ có một, mà

phải gồm cả ba phương diện: tham thiền,

quán chiếu và niệm Phật. Tham thiền

và quán chiếu tức là tập trung tinh

thần nhắm vào một điểm, ngưng đọng

tất cả mọi vọng niệm trong tâm, để

cho tâm ý thanh tĩnh, không còn vọng động.

Lúc đó cả năng tri và sở tri đều mất, trí tuệ phát sinh, kiến tánh giác ngộ. Đó là con đường tự lực đốn ngộ, có thể giải thoát ngay ở đời này, được áp dụng chung cho cả tăng lẫn tục. Nhưng đó là con đường trí thức, chỉ thích hợp cho những bậc thượng nhân; còn đối với kẻ độn căn mà đa số là quần chúng nông dân thì không thích hợp. Do vậy mà Tổ đã đưa ra con đường niệm Phật để dẫn dắt đám quần chúng nông dân đông đảo ấy. Tổ nói: “Thiền vốn không có cửa vào nhất định, nếu không đủ căn bản tâm linh thì phần nhiều rơi vào lầm lạc, trọn đời trôi nổi, khó mà giác ngộ. Pháp quán tâm thì rất tế nhị, tinh vi, nếu không có trí tuệ bát nhã thì ít có thể tiến bộ trên đường chứng nghiệm. Chỉ còn có lối niệm Phật là rất mau lẹ, tiện lợi. Từ xưa đến nay, người thông minh hay ngu độn đều tu, đàn ông hay đàn bà đều chuộng, muôn người không một sai lầm như bốn lời dạy của phái Lâm Tế đã tỏ rõ. Chỉ cần tự phân tích lấy tâm mình, chớ nghi ngờ mình làm không được.” (15)

Người nông dân vốn dồi dào tình cảm và giàu tưởng tượng. Hơn nữa, trải qua bao cảnh bạo tàn, đau thương của giặc giã, chiến tranh từ các đời trước, họ chỉ mong được một đời sống thanh bình, an cư lạc nghiệp với sự độ trì của thần linh, cho nên sự tin tưởng vào Phật Bà Quán Âm với lòng từ bi của Mẹ Hiền cứu khổ cứu nạn đã phổ biến mau lẹ và sâu rộng trong quần chúng bình dân. Tín ngưỡng vào Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ độ trì là một lòng tin vào tha lực. Bởi thế, con đường niệm Phật dành cho người bình dân đã được đề cao bên cạnh con đường tham thiền và quán chiếu dành cho bậc đại trí tin tưởng vào tự lực; đó là cái chủ tâm của vua Lí Thánh-tông trong việc thành lập thiền học Thảo Đường, nhằm tổng hợp tín ngưỡng của toàn dân, làm thành một sức mạnh

vô địch để thực hiện cái

mộng “Đại-việt” trong tinh thần dân

tộc cao sáng của mình.

Như vậy, đứng về phương diện lịch sử, chúng ta phải công nhận người sáng lập ra phái thiền Thảo Đường là vua Lí Thánh-tông. Tinh thần Thảo Đường chính là tinh thần Lí Thánh-tông trong ý hướng sáng lập một môn phái đặc biệt dân tộc. Tinh thần Lí Thánh-tông là một tinh thần cởi mở, sẵn sàng thâu hóa nhiều tín ngưỡng khác nhau. Vua rất sùng thượng Phật pháp nên đã xây cất và tu bổ rất nhiều chùa tháp. Tinh thần từ bi của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm nên nhà vua có tiếng là một ông vua nhân từ. Vua đã từng ban chăn chiếu cho tù nhân, cho họ ăn cơm đầy đủ vì nghĩ thương cái hoàn cảnh đói lạnh của họ trong ngục xá; và đối với dân chúng thì: “Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy; hiềm vì trăm họ ngu dại làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm; vậy từ nay về sau, tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi.” (16) Đối với Khổng giáo nhà vua cũng rất chú trọng. Vua là người đầu tiên ở nước ta dựng lập văn miếu, tạc tượng Chu Công, Khổng Tử và tứ-phối để thờ phượng (1070). Vua cũng rất hâm mộ âm nhạc Chiêm-thành và tin Thần đạo, xây chùa Nhị-thiên-vương thờ Nhật Thiên (Civa Deva) và Nguyệt Thiên (Visnu Deva)

thuộc tín ngưỡng Ấn-độ giáo.

Vì vậy, khi nhận xét về Lí Thánh-tông,

giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã viết: “Xem thế thì biết rằng khuynh hướng tín ngưỡng của nhà vua cũng như của toàn quốc thời bấy giờ không có tính cách giáo điều, hết sức cởi mở để thỏa hiệp nhiều tín ngưỡng khác nhau.”(17)

3. Quán Âm Nữ


Nói đến Lí Thánh-tông, chúng ta còn phải đề cập đến một điểm đặc biệt khác nữa, đó là sự liên quan gần như mật thiết giữa

nhà vua với hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm. Sử chép: “Nhà vua 40 tuổi, chưa có con trai, thường đi các đền chùa để cầu tự. Ngự giá đến đâu, người xem chật đường. Khi đến làng Thổ-lỗi, có người con gái hái dâu đứng dựa vào khóm cỏ lau, nhà vua lấy làm lạ, cho



vào cung, lập nàng làm Ỷ Lan phu nhân. Đến khi có mang, sinh hoàng tử Càn Đức, nhà vua mừng lắm. Ngày hôm sau lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong Ỷ Lan phu nhân làm thần phi, lại gọi là nguyên phi, đổi làng Thổ-lỗi làm làng Siêu-loại, vì là nguyên quán của nguyên phi.” (18)

Và: “Vua thân đi đánh Chiêm-thành, lâu không thắng, trở về đến châu Cư-liên, nghe tin nguyên phi điều khiển nội trị được lòng dân hòa hợp, trong nước yên ổn, tôn sùng Phật giáo, tục gọi là Quán Âm Nữ. Vua tự bảo, kẻ kia là một nữ nhi mà còn có thể được thế, ta là trai còn dùng làm chi! Bèn quay lại đánh mới thắng được.”(19)

Trong chế độ quân chủ xưa, việc vua sinh được hoàng nam là một điều vui mừng trọng đại không những cho nhà vua, cho triều đình, mà cho cả nhân dân trong nước. Vua Lí Thánh-tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai, nay gặp được Ỷ Lan phu nhân thì sinh hoàng nam, đó chẳng là điều đại phúc cho triều đình và cho cả thiên hạ ư? Vì vậy, từ một cô thôn nữ, Ỷ Lan đã được bước lên địa vị một nguyên phi, và đối với nhân dân thì được tôn kính là Quán Âm Nữ (con gái của Phật Bà Quán Âm), nàng quả đã được mọi người, mọi tầng lớp trong toàn quốc coi là một cứu tinh của dân tộc. Nàng là cứu tinh của dân tộc không những sinh được vị thái tử anh minh, mà còn vì ở tư cách lãnh đạo nhân dân, làm cho họ được sống thanh bình trong cảnh an cư lạc nghiệp. Người dân vốn đã sẵn lòng sùng bái Phật Bà Quán Âm, nay họ có dịp hiện thực hóa Phật Bà Quán Âm vào đối tượng Ỷ Lan phu nhân, chứng tỏ đã có một ý thức cảm thông, một sợi dây nối kết giữa tự lực và tha lực, giữa trí thức bác học và nông dân quê mùa, giữa giới thống trị và giới bị trị; và sợi dây đó chính là nàng thôn nữ Ỷ Lan. Ỷ Lan đối với nhà vua là hình ảnh Quán Âm Nữ, không những đã đem đến cho nhà vua hiếm hoi một vị thái tử anh minh nối nghiệp, mà còn là một động lực phấn khởi nhiệm mầu khiến cho nhà vua thắng trận khải hoàn; còn đối với nhân dân thì Ỷ Lan cũng là hình ảnh Quán Âm Nữ vì đã đem lại cho họ một xã hội an cư lạc nghiệp. Vì vậy, sau khi thắng giặc Chiêm-thành trở về, vua Lí Thánh-tông đã sáng lập tại kinh đô Thăng-long thiền phái Thảo Đường, cũng với ý chí thống nhất tín ngưỡng sùng bái của bình dân với tín ngưỡng trí thức của bác học để lấy sức mạnh toàn dân mà thực hiện mộng “Đại-việt”

nói về phương diện quốc gia, và thực

hiện một môn phái Thiền “Đại-việt”

nói về phương diện Phật giáo.


Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy Phật giáo thời Lí quả đã chứng tỏ cái năng lực phi thường trong việc giáo hóa con người về cả hai phương diện, xuất thế cũng như nhập thế. Từ Lí Thái-tổ đến Lí Chiêu Hoàng (1224-1225), trải qua chín đời vua, trị vì suốt một thời gian 215 năm (1010-1225), Phật giáo luôn luôn nắm vai trò chủ động. Mọi phương diện hệ trọng của quốc gia, từ chính trị, quân sự, đến giáo dục, văn học, nghệ thuật v.v... đều mang tinh thần Phật

giáo. Ba phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông

và Thảo Đường cùng nhau hợp

tác, truyền bá song hành, và cùng chung

qui vào một chí hướng phục vụ

quốc gia dân tộc.

Về phương diện xuất thế, các thiền sư cũng như các vua chúa sùng đạo đều căn cứ vào thiền học để khai phóng tâm linh, tự mình phát triển trí tuệ mà ngộ đạo. Về phương diện nhập thế, sau khi ngộ đạo, họ đã hòa mình vào đời sống xã hội, từ cung vua, kinh thành, cho đến làng mạc, thôn quê, họ đã mở bao nhiêu đạo tràng, trường học để mở mang văn hóa, giải phóng tâm hồn mông muội cho người đời; ở đâu có người sống là ở đó có ánh sáng đạo lí lan tràn tới. Bao nhiêu tinh hoa của dân

tộc được khai triển triệt để,

làm cho nền văn minh nước ta vào

thời đó thật rực rỡ, sánh

ngang hàng với Trung-quốc, khiến cho nước

láng giềng to lớn này phải nể sợ.

Tinh thần Phật giáo thời Lí, nhất là từ khi hình ảnh hoa sen với tượng Phật Bà Quán Âm xuất hiện, không phải là một tinh thần Phật giáo Thiền tông thuần túy, mà là cả một tinh thần dung hóa sáng tạo. Từ thiền sư Vạn Hạnh (tịch năm 1018) với triết lí “dung tam tế” đến các thiền sư Từ Đạo Hạnh (tịch năm 1112), Minh Không (tịch năm 1141) với khuynh hướng tổng hợp Thiền-Mật, sử dụng quyền năng thần thông để giúp đời; rồi các thiền sư Viên Chiếu (tịch năm 1090), Cứu Chỉ (tịch năm 1067), Ngộ Ấn (tịch năm 1088), Thông Biện (tịch năm 1134), Viên Thông (tịch năm 1151) v.v..., đều khai triển cái học TAM GIÁO (Phật - Lão - Nho) để phụng sự quốc gia dân tộc, khiến cho cái tinh thần “Bi, Trí, Dũng” của Phật giáo, hay “Nhân, Trí, Dũng” của Nho giáo được các cấp lãnh đạo thực hành triệt để, xây dựng một nước Đại-việt hùng cường, thịnh vượng và nhân ái.

Tinh thần “Bi-Trí-Dũng” ấy lại là một tinh thần toàn dân thống nhất, do công trình nối kết từ tín ngưỡng trí thức quí tộc đến tín ngưỡng sùng bái bình dân qua các hình ảnh

chùa Một-cột, Quán Âm Nữ, nhất

là sự sáng lập thiền phái Thảo Đường,

đã làm cho Phật giáo Việt-nam thời

nhà Lí có một tinh thần tín ngưỡng

hợp sáng thật đặc biệt.

Tất cả những sự kiện trên đã làm cho nước ta dưới thời đại nhà Lí thật xứng đáng với danh xưng “Đại-việt”.



CHÚ THÍCH
(1) Lê Đại Hành: Tên là Lê Hoàn, người làng Bảo-thái, huyện Thanh-liêm, tỉnh Hà-nam; là một vị tướng tài của vua Đinh Tiên-hoàng. Năm 968 được phong chức Thập-đạo tướng quân; năm 979 làm nhiếp chính cho Vệ vương Đinh Tuệ (con út của vua Đinh Tiên-hoàng, lên ngôi năm 979, lúc đó mới 6 tuổi). Năm 980, quân Tống xâm lăng, Lê Hoàn cử Phạm Cự Lượng làm đại tướng cầm quân nghênh địch. Trước khi ra quân, Phạm Cự Lượng cùng ba quân đều đồng thanh tôn Lê Hoàn lên ngôi vua (lấy cớ vua Đinh Tuệ còn quá nhỏ dại, chư tướng sĩ đánh giặc không thể biết thưởng phạt công minh). Liền đó, Lê Hoàn lên ngôi, xưng là Đại Hành hoàng đế, phế Đinh Tuệ làm Vệ vương, mở ra nhà Tiền-Lê (980-1009), rồi đích thân cầm quân chống giặc, thắng được cả thủy, lục quân Tống, giết chủ tướng Tống là Hầu Nhân Bảo (981), nhà Tống phải

cầu hòa. Ông ở ngôi được

25 năm (980-1005), thọ 65 tuổi.

(2) Lê Long Đĩnh: Ông là con út của vua Lê Đại Hành (em của Long Ngân, Long Kính, Long Việt). Vua Lê Đại Hành mất (1005), Long Việt lên ngôi (là vua Lê Trung-tông), nhưng chỉ được 3 ngày thì bị Long Đĩnh cho người ám sát để đoạt ngôi, trở thành vua đời thứ ba của nhà Tiền-Lê. Lê Long Đĩnh là ông vua nổi tiếng về độc ác, bạo ngược, hiếu sát trong lịch sử nước ta. Ông lại là người hoang dâm quá độ, đến nỗi mắc bệnh không ngồi được, phải nằm mà thính triều, cho nên được người đương thời gọi là “Ngọa-triều hoàng đế”. Ông ở ngôi được 4 năm (1005-1009), thọ 20 tuổi.

(3) Lí Công Uẩn: Vua khai sáng nhà

Lí (1010-1225). – Để phân biệt, có

người gọi đây là nhà Hậu-Lí,

khác với nhà Tiền-Lí (544-602) do Lí

Nam-Đế (544-548) sáng lập. – Công Uẩn

người làng Cổ-pháp, huyện Đông-ngạn,

phủ Từ-sơn, tỉnh Bắc-ninh, không

biết cha là ai, được mẹ là bà

họ Phạm đem cho thiền sư trú trì chùa

Cổ-Pháp là Lí Khánh Vân làm con

nuôi, cho nên lấy họ Lí. Tuổi thơ

ông đã sống kham khổ trong chốn thiền

môn, nhưng lại được sự dạy

dỗ tận tình của thiền sư Vạn Hạnh, nên lớn lên ông đã trở thành một người tài đức kiêm toàn, được vào triều phụng sự nhà Tiền-Lê, làm quan đến chức tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Ông được toàn thể đình thần tin yêu và kính trọng, nên sau khi vua Lê Long Đĩnh băng

(1009), ông đã được họ tôn

lên ngôi vua (tức vua Lí Thái-tổ),

khai sáng một triều đại nhà Lí huy

hoàng, áp dụng tinh thần BI-TRÍ-DŨNG

của Phật giáo trong việc trị dân, chấm

dứt một giai đoạn tai ách khổ đau

cho dân tộc. Sau khi lên ngôi, nhà vua cho

dời kinh đô từ Hoa-lư (Ninh-bình)

ra La-thành, đặt tên lại là Thăng-long

(tức thành phố Hà-nội ngày nay), vẫn giữ quốc hiệu là Đại-cồ-việt

(xin xem chú thích số 13 ở sau). Ông

ở ngôi được 18 năm (1010-1028),

thọ 55 tuổi.

(4) Vạn Hạnh: Vị cao tăng đời thứ 12 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Thiền sư họ Nguyễn, người làng Cổ-pháp, huyện Đông-ngạn, phủ Từ-sơn, tỉnh Bắc-ninh. Từ thuở nhỏ đã thông minh khác thường, tinh thông cả Nho, Lão, Phật, nghiên cứu hàng trăm bộ kinh luận Phật giáo, không ham danh lợi, không trọng giàu sang. Năm 21 tuổi xuất gia, học với thiền sư Thiền Ông chùa Lục-tổ, chuyên cần tinh tấn, đạo hạnh cao dày, lại rất giỏi về sấm vĩ và phong thủy, được thiên hạ tin tưởng là bậc tiên tri. Thiền sư là thầy dạy học cho cả vua Lê Đại Hành và Lí Thái-tổ, đã giúp đỡ rất nhiều cho vua Lê Đại Hành trong các việc cai trị cũng như quân quốc đại sự. Khi đoán biết vận số nhà Tiền-Lê đã hết, thiền sư đã khéo léo vận động đưa Lí Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, chấm dứt thời kì tối tăm đầy đau khổ của dân tộc dưới triều vua Lê Long Đĩnh tàn ác, dâm loạn, đồng thời ngăn chận được những biến loạn nguy hiểm sau khi vua Lê Long Đĩnh băng. Vua Lí Thái-tổ lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lí, phong cho thiền sư làm quốc sư. Nhân cơ hội này, thiền sư đã đem hết khả năng và tinh thần “dung hợp Nho-Lão-Phật” của mình để giúp vua trị quốc an dân, đúng với tư cách của một vị lãnh đạo không những về tâm linh, mà còn về hành động giúp dân

an cư lạc nghiệp. Thiền sư tịch vào

năm 1018.

(5) Lí Thái-tông: Con trưởng

vua Lí Thái-Tổ, tên Phật Mã, nối

ngôi năm 1028, là vua đời thứ hai nhà Lí. Ông là một vị quân vương

thông minh, giỏi cả về chính trị cũng

như quân sự. Ông cũng thấm nhuần

đức độ của vua cha, thâm tín Phật

pháp, nên rất thương dân và thường

quan tâm đến đời sống của dân. Ông ở ngôi được 26 năm (1028-1054),

thọ 55 tuổi.

(6) Trong suốt thời gian ở ngôi, vua Lí Thái-tông đã đặt 6 niên

hiệu: Thiên-thành (1028-1033); Thông-thụy

(1034-1038); Càn-phù-hữu-đạo (1039-1041); Minh-đạo (1042-1043); Thiên-cảm-thánh-vũ

(1044-1048); Sùng-hưng-đại-bảo (1049-1054).

(7) Trích từ sách Lịch Sử

Tư Tưởng Việt Nam, tập II (Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn



Hóa, 1969) của Nguyễn Đăng Thục.

(8) Trong suốt thời gian trị vì, vua Lí Thánh-tông đã đặt 5 niên

hiệu: Long-thụy-thái-bình (1054-1058); Chương-thánh-

gia-khánh (1059-1065); Long-chương-thiên-tự

(1066-1067); Thiên-huống-bảo-tượng (1068); Thần-võ (1069-1072).

(9) Lí Thánh-tông: Vua Thái-tông

băng (1054), thái tử Nhật Tông lên nối ngôi làm vua đời thứ ba nhà Lí, tức Lí Thánh-tông, đổi quốc hiệu là Đại-việt. Ông cũng là một vị quân vương tài trí, nhân từ và đức độ, đã tạo một sự nghiệp hiển hách còn hơn cả các đời trước. Ông ở ngôi được 18 năm (1054-1072), thọ

50 tuổi.

(10) Theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục,

Sđd.

(11) Hoàng Xuân Hãn, Lí Thường Kiệt (Sài-gòn: Ban Tu Thư Đại Học

Vạn Hạnh, 1967).

(12) Trần Văn Giáp, Phật Giáo Việt Nam, Tuệ Sĩ dịch (Sài-gòn: Ban

Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1968).

(13) Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, lên ngôi vua, xưng là Tiên-hoàng-đế, đặt quốc hiệu là Đại-cồ-việt (nước Việt lớn), đóng đô tại Hoa-lư (tỉnh Ninh-bình).

(14) Nguyễn Đăng Thục, Sđd.

(15) Nguyễn Đăng Thục, Sđd.

(16) Thượng-tọa Mật-Thể, Việt

Nam Phật Giáo Sử Lược (Nha-trang: Phật Học Viện Trung Phần, 1960).



(17) Nguyễn Đăng Thục, Sđd.

(18) Nguyễn Đăng Thục, Sđd.

(19) Nguyễn Đăng Thục, Sđd.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hoàng Xuân Hãn. Lí Thường



Kiệt. Sài-gòn: Ban Tu Thư Đại Học

Vạn Hạnh, 1967.

- Nguyễn Đăng Thục. Lịch Sử

Tư Tưởng Việt Nam, tập I, II. Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn

Hóa, 1969.

- Nguyễn Đăng Thục. Thiền Học

Việt Nam. Sài-gòn: Lá Bối, 1967.

- Nguyễn Lang. Việt Nam Phật Giáo Sử



Luận I. Paris: Lá Bối, 1977.

- Thượng tọa Mật Thể. Việt



Nam Phật Giáo Sử Lược. Nha-trang: Phật Học Viện Trung Phần, 1960.

- Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sài-gòn: Tân Việt, in lần thứ sáu.

- Trần Văn Giáp. Phật Giáo Việt

Nam (Tuệ-Sĩ dịch). Sài-gòn: Ban Tu Thư

Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1968.





THÁNG BẢY BÊN NHÀ
“Mạ già rồi mắt mờ tay run rẩy. Ngày bữa cơm trệu trạo nuốt cho qua. Nhìn thằng Cu cứ tưởng lầm con Gái. Đống khoai lang xó bếp tưởng đàn gà .

Mạ biết đời mình như cây Đa dưới bến. Như nương chè cổ thụ búp không xanh. Như cái rựa cùn như con dao mẻ. Có chi mô, con. Măng mọc tre tàn!

Chừ Mạ chỉ có một điều mong ước. Là mai tê Mạ có “ngủ” đi rồi. Các con để Mạ nằm côi nớ. Gần Ba con cho có cặp có đôi.

Bởi phần số khiến người đi kẻ ở. Nay thác về Loan Phụng hết đơn côi. Bèo hợp rồi tan hoa tàn lại nở. Kiếp phù sinh cũng là rứa, thôi con!”


Mạ ơi ! giờ Mạ ngủ yên rồi

Trên đồi hiu quanh có Cha con

Loan phụng hòa minh đời tan hợp

Lòng Cha vui, Mạ chắc vui hơn…
Con thì lang bạt trời quê lạ

Chưa dịp về thăm lại chốn xưa

Tháng Bảy, bên nhà mưa thấm đất

Ướt lạnh chi không, chỗ Mạ nằm
Phong rêu mấy lớp xanh dâu bể

Đời con cũng lắm nỗi phong trần

Tóc bạc theo dòng trôi hưng phế

Búp măng lại nhú, ngó tre tàn…
Con ngó bên kia trời quê cũ

Chỉ thấy mây mờ, núi khuất xa

Công Cha, nghĩa Mẹ đền chưa đủ

Mẹ, Cha giờ hạc nội mây ngàn !
Chiều nay nắng nhạt vàng rẻo phố

Tháng Bảy buồn hiu cơn gió lay

Lòng con gởi nhớ về theo gió

Quyện khói nhang ấm chỗ Mạ nằm.

TRẦN HUY SAO



ĐỨC ĐẠT-LA LẠT-MA

TẠI HAMBURG, ĐỨC QUỐC

Thích Hạnh-Thức


(Ảnh mới nhất của Ngài)


Đức Đạt-La Lạt-Ma đã đến Hamburg, Đức trong mười ngày từ 19 đến 28-7-2007. Ngài đến Hamburg lần nầy là lần thứ tư, chính thức như một quốc khách, và cũng là lần thăm viếng lâu nhất. Ba lần ghé thăm trước, 1982, 1991, 1998 với tính cách cá nhân. Tất cả đều do Trung Tâm Tây Tạng tại Hamburg—được thành lập năm 1977 dưới sự bảo trợ của Ngài—mời. Chiếc phi cơ riêng của Ngài ghé xuống phi trường Hamburg lúc 10g51´ trong một buổi sáng đẹp trời ngày 19-7-2007. Chính quyền địa phương đã trải thảm đỏ từ phi cơ đón ngài. Buổi chiều, Ngài được đưa đến thăm viếng tòa thị chính thành phố, tiếp xúc với chính quyền địa phương và dân chúng, ký vào sổ vàng lưu niệm (chỉ dành cho các bậc quốc khách Quốc vương, Tổng thống…). Tối đó, ngài đến thăm và nói chuyện tại Trung Tâm Tây Tạng.

Ngày 20-7 ngài đến tham dự và ban đạo từ cuộc hội thảo vận động thành lập Ni Bộ Tây Tạng, do Ni sư Jampa Tsedroen (Carola Roloff) thuộc Trung Tâm Tây Tạng Hamburg đứng ra tổ chức, với sự thỏa thuận của Ngài. Trên 300 diễn giả là các bậc cao tăng, cao ni và các học giả, giáo sư đại hoc, nghiên cứu Luật tạng… gồm 19 quốc gia trên thế giới câu hội. VN có Thượng Tọa Dr. Prf. Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Thích Nữ Huệ Hương (Từ Việt Nam qua), Thượng Tọa Thích Quảng Ba (từ Úc Châu) và sư cô Hạnh Trì (Mỹ) tham dự, (TT Trí Siêu thuyết trình về đề tài: “Về Lịch sử của Ni Bộ Phật Giáo tại Việt Nam”/ On the history of Buddhist Nun Order in VietNam). Đây là cuộc hội thảo đầu tiên trên thế giới, được tổ chức qui mô với mọi truyền thống Phật Giáo, để vận động thành lập lại Ni Bộ tại Tây Tạng (và các nước Nam Tông), đã biến mất từ hơn 2000 năm nay. Ngài đã ban đạo từ, tán thành việc tái lập nầy. Ngoài ra, Ngài còn dành cho các cơ quan truyền thanh truyền hình, báo chí v.v… những cuộc phỏng vấn, tiếp xúc…

Trong suốt tuần lễ còn lại, từ thứ bảy 21-7 tới hết ngày thứ sáu tuần sau 27-7, ngài dành trọn thì giờ để thuyết giảng cho Chư Tăng Ni và Phật tử khắp nơi tại sân vận động quốc tế tranh giải tenis lớn nhất nầy.

Chính quyền Hamburg dự trù, có khoảng 30.000 người từ 32 quốc gia trên thế giới đến tham dự. Vé tham dự là 55,00€ một ngày. Chư tăng ni được miễn (nhưng phải đăng ký trước một năm!)…

Đức Đạt La Lạt Ma năm nay 72 tuổi, sinh ngày 6-7-1935 tại một làng nhỏ miền Đông Bắc Tây Tạng với tên khai sanh là Lhamo Dhondrub. Lúc 2 tuổi (1937) Ngài được công nhận là tái sanh của Đạt La Lạt Ma đời thứ XIII. Năm 4 tuổi, ngài được đưa về cung điện Potala ở Lhasa để huấn luyện trở thành một tu sĩ lãnh đạo Phật Giáo với Pháp danh là Tenzin Gyatso. Năm 15 tuổi (1950) Ngài được tấn phong lãnh đạo thế quyền và giáo quyền Tây Tạng. Không lâu sau đó, Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm. Ngài có sang Trung quốc vận động với chủ tịch Mao Trạch Đông về vấn đề nầy, nhưng không thành công. Năm 1959 Ngài trốn chạy khỏi Tây Tạng, xin tị nạn tại Ấn Độ. Chính quyền Ấn Độ đồng ý cho Ngài cư ngụ tại Dharamsala, một vùng đất hoang vu, núi rừng bao phủ, giáp giới với Trung quốc. Ngày nay, nơi đó đã biến thành một nơi sầm uất, trung tâm du lịch và tu học trên toàn thế giới. Năm 1989 Ngài đoạt giải Nobel hòa bình. Trong cuộc trưng cầu ý kiến mới nhất ngày 14-7-2007 của tuần báo nổi tiếng “der Spiegel” (tấm gương), Ngài được người dân Đức có cảm tình nhiều nhất (44%), trong khi Giáo Hoàng Benedikt XVI chỉ được 42% (Đây là một sự chấn động, vì Giáo Hoàng là người Đức và Công Giáo là quốc giáo của nước nầy!). Ngài được người dân Đức mến mộ vì Ngài tỏa ra sự chân tình, lôi cuốn, có năng lực, điềm đạm, trầm tĩnh, và đặc biệt là cho họ được những lời khuyên hữu ích…

Hai ngày đầu Ngài giảng cho tất cả mọi tầng lớp thính chúng bằng tiếng Anh, đề tài “học hỏi hòa bình - sự thực hành của bất bạo động” (Frieden lehrnen- die Praxis der Gewaltlosigkeit). Thế giới ngày nay bị khủng hoảng trầm trọng, từ cá nhân đến xã hội. Chiến tranh, khủng bố, bạo động, nghèo đói, bất công… lan tràn. Con người sống trong hoang mang, sợ hãi, đau khổ, thất vọng… Làm sao để đối phó? Làm sao để thực tập bất bạo động? Câu trả lời là: phải kết hợp giữa Trí tuệ và bất bạo động. Hòa bình bên trong (nội tâm) là điều kiện cho hòa bình bên ngoài (thế giới)” (innerer Frieden ist die Voraussetzung für äußeren Frieden). Nếu mỗi người biết sống an lạc, hòa bình thế giới sẽ được thiết lập. Cá nhân Ngài là một điển hình: một ông thầy tu, người lãnh giải Nobel hòa bình, nhà lãnh đạo tinh thần đáng tôn kính. Ngài là tấm gương sáng cho sự đồng cảm và bất bạo động.

Buổi chiều chủ nhật 22-7 Ngài giảng về “Sự đồng cảm trong một thế giới toàn cầu hóa” (Mitgefühl in der globalisierten Welt). Trong thời đại mới, mọi người, mọi quốc gia đều liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Trong tinh thần đó, làm sao để phát huy tình người, hạn chế những tiêu cực như bất bình đẳng, hủy hoại môi sinh, cạnh tranh bất chính? Mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhặt, đều ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ. Sự phúc lợi của đại đa số phải được đưa lên hàng đầu. Mọi người đều có quyền sống hạnh phúc, nhưng điều đó có thực hiện được hay không là do thái độ của mỗi người chúng ta. Tây phương ngày nay thừa mứa vật chất, nhưng đồng thời cũng lắm khổ đau. Phải tập phát triển lòng thương yêu, sự đồng cảm, khoan dung để trấn áp những cảm nhận tiêu cực, sự giận dữ, lòng căm thù... Thái độ tinh thần (mentale Einstellung) tích cực đó ảnh hưởng tốt đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta…

Sau mỗi phần thuyết giảng Ngài trả lời những câu hỏi (gạn lọc) của thính chúng, và trao đổi với những vị quan khách được mời lên khán đài. Mỗi lần mời độ 4 vị, lên ngồi hai bên Ngài (hình chữ V rộng). Các vị được hân hạnh mời là: BS giáo sư tâm thần Prof. Manfred Cierpka, đại học Heidelberg, người sáng lập chương trình “không gây hấn” (Faustlos) ngăn ngừa sự bạo động trong giới thanh thiếu niên; nhà văn thiền sư Niklaus Brantschen; Prof. Weiße, giáo sư khoa giáo dục đại học Hamburg, giám đốc trung tâm “đối thoại giữa các tôn giáo”; nữ ký giả Beate Strenge; nữ mục sư Annegrethe Stoltenberg, chủ bút tạp chí “Hinz und Kuntz”; ông Jakob von Uexküll, sáng lập ủy ban “cố vấn thế giới tương lai” (Weltzukunftsrats); bà Bosiljka Schedlich, đồng sáng lập hội “Văn Hóa Đông Tây” giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, người đã được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2005; và nữ danh ca Judith Holofernes. Trong những lần trao đổi nầy, ngài luôn luôn kêu gọi sự thương yêu, đoàn kết, phát tâm từ. Ngài kêu gọi thành lập một Ủy Ban phi chính phủ, không có mặt các chính quyền, chỉ gồm toàn những người có đạo đức, không thành kiến, để cố vấn cho thế giới, giải quyết những xung đột hiện nay…

Trong 2 ngày giảng công cộng đó, khán giả ngồi chật kín cả khán đài không còn chỗ trống (có sức chứa 13.000 người), và ngồi cả trên mặt sân đánh tennis (dành cho Tăng Ni và người bảo trợ, mua vé với giá cao hơn ấn định). Ước tính tổng cọng khoảng độ 17.000 người (theo lời của một nhân viên người Việt thuộc ban tổ chức).

Năm ngày kế tiếp trong tuần Ngài giảng bằng tiếng Tây Tạng sâu vào giáo lý, qua 400 bài kệ của ngài Thánh Thiên Aryadeva. Ngày cuối cùng là lễ Điểm Đạo (Quán Đảnh) Văn Thù Sư Lợi (rất tiếc ngày nầy tôi không tham dự được, vì phải theo xe buýt đi dự khóa Phật Pháp Châu Âu kỳ thứ 19 tại Thụy Điển).

Ngài Thánh Thiên Aryadeva sinh trưởng trong một gia đình quí tộc tại Tích Lan, sống vào cuối thế kỷ thứ II và thứ III sau Thiên Chúa, là đệ tử lớn của tổ 14 Long Thọ (Nagarjunas), xiển dương Đại Thừa, trước tác nhiều tác phẩm về Trung Luận, được xem là một trong những người khai sáng Trung Luận Tông. Tập “Tứ bách luận” nầy với suy luận biện chứng phủ định, giải thích giáo pháp vô ngã và tính không; phá bỏ quan niệm sai lầm, ảo tưởng về thường hằng, nhầm lẫn giữa thú vui nhất thời với hạnh phúc thật sự…

Trước khi giảng Ngài hướng về phía thính chúng và nói “đây là một cuốn luận rất quan trọng trong sự tu tập, chúng ta cần phải học tập. Nhưng không phải dễ, có nhiều chỗ rất khó hiểu, nhiều câu đối với tôi cũng không có dễ,” Ngài cười và thêm “nhiều câu tôi chỉ đọc thôi!” (mọi người cười).

Ông Christof Spitz dịch từ tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rồi thầy Hạnh Tấn dịch từ tiếng Đức ra tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Ông Christof Spitz dịch cho Ngài suốt khóa tu, cả từ tiếng Anh và tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rất trôi chảy. Ngài nói liên miên bất tận 10´, 15´, ông đều ghi tốc ký vào sổ, đến khi nào ngài dừng thì ông ta mới nói, trôi chảy không vấp. Thật là quá tài giỏi, ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Sau đây, tôi xin ghi lại những điều tôi đã được nghe:



Những câu kệ đầu, Ngài Thánh Thiên nhắc ta về sự vô thường. Trong 25 câu đầu, ngài dạy làm thế nào để chấm dứt quan niệm về sự thường hằng. “Quá khứ hình như ngắn ngủi, nhưng bạn sẽ nhìn tương lai hoàn toàn khác: cái mà ta cho là giống hoặc không giống, chính là một tiếng gọi của sự kinh sợ.” (Die Vergangenheit scheint dir kurz, doch die Zukunft siehst du ganz anders: Dass du Gleiches als ungleich betrachtest, gleicht deutlich einem Ruf des Schreckens). “Nếu sự gặp gỡ làm bạn vui sướng, vậy tại sao lại không vui sướng khi chia lìa? Bạn không nhận thấy rằng sự gặp gỡ và chia lìa cùng sánh vai nhau tay trong tay đó sao?”…

Khi mới sanh ra thì cái chết cũng đã có mặt. Nếu chỉ sống với vật chất hưởng thụ, tạo ra những ác nghiệp… là một sự sai lầm rất lớn. Phải luôn luôn nghĩ đến vô thường, Đế thứ I: Khổ Đế. Có 3 điểm cần chú ý: 1.- Chết là điều chắc chắn xảy ra. 2.- Thời gian, lúc nào chết?. 3.- Chết không mang theo được gì cả, tài sản, vợ con…. Chỉ có Nghiệp đi theo mà thôi. Nếu mỗi mười năm nhìn lại thân ta, sẽ thấy sự khác biệt lớn (còn nếu cứ nhìn hoài sẽ không thấy). Sự thay đổi diễn ra từng sát-na. Thay đổi nầy không do yếu tố bên ngoài tác động, mà chính là bản chất của nó. Một vật được tạo ra, kèm theo sự vô thường, thay đổi, nên nó cũng chính là sự hủy diệt. Phải nhận ra, đừng quên. Sự chết. Từng sát-na một… Ai sống lâu cũng có lúc già. Phải chấp nhận sự già nua bệnh tật. Tại sao ta buồn khổ khi người thân ta chết? Ta buồn đau người thân, còn sự vô thường của chính ta thì sao? Sự ra đi của người thân là một dấu hiệu cho chính chúng ta. Đó là một điều đương nhiên, tại sao lại bất ngờ? Vì vô minh nên không thấy thôi. Sự chết đi và sự sinh ra của mọi người đều do nghiệp cả. Bởi vậy ta không nên buồn khổ. Chính ta cũng là nạn nhân của vô thường mà. Có sự buồn khổ đó là do bởi sự chấp thủ. Nếu sự chết xảy ra với người ta ghét, ta có buồn không? Cha mẹ thương con nhiều hơn con thương cha mẹ. Tình thương ta nhận được của một người nào đó làm ta thích thú. Nhưng đó chỉ là tương đối. Nếu chấp thủ vào đó, sẽ đau khổ. Đó chỉ là một sự trao đổi… Sự chia lìa làm ta khổ, và thời gian là liều thuốc tốt nhất xóa nhòa tất cả. Tất cả mọi người, ai cũng khổ đau. Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Gặp gỡ thì vui, xa cách thì buồn? Không đúng, vì gặp là chia tay rồi. Gặp gỡ là nhân của chia lìa… Quá khứ vô thỉ, tương lai vô chung. Chúng ta xuất hiện như một điểm nhỏ trong vô tận đó, không nghĩa lý gì. Thời gian là sat-na đến đi, được nhận biết qua bốn mùa. Thời gian là kẻ thù. Đừng nên chấp thủ, thích thú. Sự chia tay là điều chắc chắn. Nên hướng trí tuệ về những điều đó. Đức Thế Tôn đã chỉ ra Khổ Đế. Ai trong chúng ta cũng đều muốn thoát khổ, muốn có được hạnh phúc. Nhưng điều nầy không thể đương nhiên mà có. Trước hết phải nhận thức ra nguyên nhân của khổ, rồi tìm cách chuyển hóa nó. Phải từ bỏ các ác pháp (tham, sân, si, mạn, nghi, biên kiến, tà kiến, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo…). Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Nếu tu theo thập thiện (10 điều thiện) sẽ đoạn được khổ-khổ trong tương lai. Vô thường đưa đến hoại diệt, là nguyên nhân của hoại khổ. Hành khổ rất vi tế, vì có nghiệp dẫn dắt, được hướng dẫn bởi tham sân si, biên kiến, tà kiến… Phải từ bỏ quan niệm cố chấp về sự hiện hữu của chúng ta. Phải vượt qua mọi tri kiến sai lầm về các pháp. Khổ đau. Phải luôn luôn ý thức điều đó, nhận rõ nguyên nhân, sẽ tìm ra cách giải thoát. Như người bị bịnh, phải tìm ra nguyên nhân của bệnh thì mới trị được. Đức Phật đã chỉ ra con đường để vượt qua khổ đau. Đệ Tứ Đế, Đạo Đế. Tam bảo quy y là để vượt khổ đau, dùng Phật pháp để đối trị. Sự chấp thủ là một nguyên nhân (của khổ đau), dùng Trí Tuệ để phá. Chỉ có Phật giáo mới hướng dẫn ta đi vào vô ngã. Chúng ta cần Phật, cần Pháp, và cũng cần Thiện hữu tri thức. Quy y là bước ban đầu. Nghiên cứu, kiến giải, tinh tấn… là những bước theo sau. Bốn trăm bài kệ nầy là bổ sung cho những tác phẩm của ngài Long Thọ, nghiên cứu nó, ta sẽ dễ dàng hiểu được Ngài Long Thọ hơn…

Ngài ngừng lại, và kể một câu chuyện: vào khoảng thập niên 1960, có một người đàn bà Tây phương trẻ đẹp nói với Ngài rằng “người Tây Tạng không có tôn giáo!” Ngài rất giận, nhưng không giận được, vì bà ta rất đẹp (cười). Cũng vậy, một ông Giám Mục bên Mỹ nói: “Giáo lý của chúng tôi rất thực tế, còn những người Tây Tạng rất là đáng thương!...” Đó, như thế đó. Những người đó không hiểu. Sự tu tập Phật pháp không cần có chùa chiền, mà do nơi mỗi người chúng ta, tự tu tập, tự chuyển hóa lấy. Trong sự tu tập Phật pháp, điều quan trọng là phải học hỏi giáo lý (vỗ tay).

Tất cả khổ đau đều nằm sâu trong tâm thức, mặc dầu là khổ do thân thể đi chăng nữa. Một cuộc sống thiếu đạo đức sẽ bị nhiều khổ đau. Do vậy, nên tập sống một đời sống có đạo đức. Không phải chỉ để tránh tù tội… Nên tu tập Bồ đề tâm. Khi bị khổ đau, ta nguyện rằng, tôi sẽ chịu tất cả khổ đau cho mọi người. Khi sung sướng, ta nguyện cho tất cả đều được sung sướng. Không nên chờ đợi, phải bắt đầu tu tập ngay. Sự chết không có chờ đợi ai. Thân tâm ta đang bị hoại diệt từng sát-na!

Một câu hỏi của thính giả được ngài trả lời: “Chúng tôi có thể tu tập các Pháp môn nầy không, khi tôi là người theo Thiên Chúa giáo?” Ngài trả lời rằng: “Nếu mới vô thì không thấy gì khác, vì hai tôn giáo hầu như giống nhau, đều dạy về thương yêu, nhân từ, bác ái… Nhưng nếu đi sâu hơn, thì có sự khác biệt, như tánh không, giải thoát, bồ tát hạnh… hầu như không thích ứng với nhau, nên rất khó khăn. Vậy nửa Chúa, nửa Phật được không? Tốt nhất là nên đi sâu vào một cái thôi.”

Có thân nầy là có sự đau khổ. Ngay từ trong bụng mẹ, chịu nóng, chịu lạnh (nếu mẹ uống lạnh, ăn nóng). Khi sinh ra đau đớn, khổ. Lớn lên khổ… Triền miên. Nhưng nếu ta biết xử dụng thân nầy một cách có ích, biết tu tập, sẽ tạo nên nhiều công đức… Thường thường người ta hay chạy theo trụy lạc. Sự vui sướng đó tốn rất nhiều công sức, và luôn luôn kèm theo sự nguy hiểm, và qua đi rất mau. Trong khi đó cái khổ đến rất tự nhiên, ngay cả trong lúc ta đang tận hưởng dục lạc. Người thông thái thì bị khổ vì tâm thức dày vò, người phàm phu thì bị thân xác. Khổ đau đầy dẫy, vui sướng chỉ thoáng qua như tia chớp. Trong vui sướng có khổ đau, nhưng trong khổ đau không có sự vui sướng… Cuộc sống bắt đầu bằng một tâm niệm vô minh. Nên tu tập Tứ Niệm Xứ, trong đó Thân thể được quán niệm một cách kỹ lưỡng, rất tốt cho việc tu tập… Tất cả ngoại duyên, các đối tượng… sẽ không bao giờ làm cho ta thỏa mãn. Chỉ khi chúng ta biết tự đủ thì mới đủ (ghi chú: tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc!). Thấy một người đàn bà đẹp ta mê đắm? Tất cả sự thương, ghét… đều do nhận thức sai lầm của tâm thức mà ra. “Nàng là của tôi” là một sự sai lầm lớn! Khi mình có mụn nhọt ngứa, gãi cho là sướng. Nhưng tốt hơn là không có mụn nhọt mới thật là sướng (mọi người vỗ tay cười). Cũng vậy, khi thỏa mãn được dục lạc, ta cho là sướng, nhưng tốt hơn là không nên có sự tham dục đó. Dù chúng ta có xức bao nhiêu dầu thơm, có rửa sạch mấy đi chăng nữa, cũng không thể làm cho thân thể nầy sạch được (mọi người cười ồ!). Nên quán Bất tịnh để đối trị tham dục… Muốn đi vào thiền định, phải có một sự an lạc nào đó (ghi chú: phải trừ bỏ ngũ cái: trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi). Còn vướng ngã chấp thì không thể giải thoát được. Nếu chỉ thiền định, không phá ngã, thì không thể thành công, đạt tới niết- bàn. Chỉ và Quán phải luôn luôn song hành… Phải tích tụ công đức, trau dồi trí tuệ. Kinh Lăng Già: Tất cả điều chúng ta nhận biết được, đều không thật có (ghi chú: là “tiếng gọi của sự kinh sợ”). Ngã mạn sẽ tạo ra ác nghiệp. Không ngã mạn sẽ tạo ra công đức. Phải biết khiêm nhường. Người có trí không bao giờ nghĩ rằng mình hơn người. Nghĩ đến tương lai thì đừng tạo ác nghiệp. Có bốn quan niệm sai lầm thường mắc phải: thế gian nầy thường còn, cuộc đời là vui thú, có một cái ngã chắc chắn, các Pháp là thanh tịnh… Giữ giới là một việc rất quan trọng, và luôn luôn tỉnh thức chánh niệm, phát triển trí tuệ qua thiền định…Đó là những bước đầu căn bản. Dần dần tiến lên những bước cao hơn, như phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh, v.v…

Đó là những điều tôi được nghe Ngài giảng về “400 bài kệ của ngài Thánh Thiên.” Rất tiếc tôi không được tham dự 2 ngày sau vì phải đi Thụy Điển. (Nghe nói một nửa cuốn sách còn lại Ngài giảng lướt qua rất nhanh, và chấm dứt mỗi buổi giảng rất trễ, vì phải chạy đua với thời gian).

Trong những ngày Pháp hội đó, đạo tràng tuy rất đông, 17.000 người, nhưng rất thanh tịnh, không hề xảy ra một điều gì đáng tiếc cả, dù là nhỏ nhặt. Thật là một điều hi hữu. Tất cả đều trang nghiêm, trật tự. Một sự yên lặng hùng tráng! Sự tổ chức phải nói là rất hay, chu đáo, khéo léo, khoa học. Từ lối trang trí, lên chương trình, chia ban, cách làm việc… đều rất chu đáo, có kế hoạch. Đặt biệt nhất là mọi người ai cũng tỏ ra hân hoan, vui sướng được tham dự, học hỏi giáo lý. Những ánh mắt thành khẩn, nụ cười tươi tắn, nét mặt rạng ngời! Những cử chỉ nhẹ nhàng thanh nhã, nâng niu trân trọng, từ tốn có ý thức!… Tất cả nói lên nỗi niềm sâu kín chất chứa lâu ngày của những người vừa bắt gặp được chân lý. Họ sung sướng ra mặt, cảm thấy như vừa được tái sanh, bừng tỉnh sau những ngày tháng lặn hụp, tìm tòi, mệt mỏi trong biển đời khổ đau, lạc hướng lẽ sống. Bây giờ họ đã về, đã tới… Từ đây, họ đã có một con đường để đi, một mục đích để theo đuổi, một cuộc đời đáng quí để nâng niu trìu mến. Ôi, còn gì sung sướng cho bằng …./.

Viết xong 28-8-2007

Thích-Hạnh-Thức

t_hanhthuc@gmx.net
____________
Những tài liệu tham cứu:


  • sách “First International Congress on Buddhist Women´s Role in the Sanga Bhikshuni Vinaya and Ordination Lineages with H.H.the Dalai Lama in Hamburg”

  • Tự điển Phật học Chân Nguyên - Nguyễn Tường Bách 

  • Tự điển Phật học Thiện Phúc

  • Đặc san Buddhismus aktuell số 2/2007 phỏng vấn Jampa Tsedroen

  • Tuần báo Der Spiegel 14-7-2007

  • Tạp san KSG Special Dalai Lama tại Hamburg 7/2007

  • http://de.wikipedia.org/wiki/Tenzin_Gyatso

  • http://www.dalailama-hamburg.de/

  • Audiotorium Netzwerk/ Frieden lernen…

  • Filasofia, Forum für geistige Entwicklung/ Mitgefül in der globalisierten Welt




(Quang cảnh Pháp hội)

TIẾNG VỌNG THƯƠNG YÊU


Thích Quảng Thanh



Trong cõi sâu thẳm

Tiếng khóc - tiếng cười

Vẫn là thương nhớ

Ấn tượng đầy vơi
Tiếng mẹ còn đó

Ánh trăng già nua

Lời ca ai hát

Hoa lá nô đùa
Ngôn từ bất tử

Tình mẹ như nhiên

Thiết tha tiếng vọng

Nỗi nhớ mẹ hiền
Rồi mùa Xuân đã ra đi và đến ngự trị chốn nơi nào? Mùa Hạ gay gắt chuyên chở tình người viễn xứ xa xăm. Cái gì còn đó, cái gì vô thường đã cuốn trôi? Cái gì đã mất nhưng không chết theo định nghĩa thời gian. Chuỗi hạt âm thanh luôn đánh động tâm thức xôn xao hướng về một cõi vô hình chuyển động mênh mang bất tận.

Ta nhìn mây ngàn chuyển động hun hút, để hiểu có hay không bến bờ thầm lặng. Tưởng hay không tưởng vì sao mang mang nhịp thở khát khao huyền thoại. Bước chân nào dừng lại, bước chân nào ung dung mang vác hành trang độ lượng? Cái gì là sơ khởi, cái gì minh linh thấp thoáng áo bụi đường xạm nắng. Hải hồ như bước chân của mẹ hiền thiên thu chưa hề chối bỏ, mẹ là thực thể của thời gian anh ơi! đó là điểm tựa. Hãy lắng nghe để hiểu và thương như tình của mẹ. Màu áo thiên thanh chưa hề hoen ố tính thể bao dung bạn ạ! Ý thức nâng cao sức sống chuyên chở tình người phiêu du ấn tượng. Người được khai thị rất hân hạnh mở mang kiến thức cần thiết để ứng dụng trào lưu thời thượng. Tiến trình nào cũng là tiến trình, nhưng tiến trình giác ngộ khá ư đặc biệt bạn ạ! Thông thường những thứ biện minh và lý thuyết suông, chân tướng ấy mơ hồ đầy ắp ảo tưởng. Nếu hành động bằng cả tấm lòng chân thật, quả tình ấy là bậc thượng nhân khả kính. Người ta tìm hiểu nhau và xây dựng tình thân hữu tốt đẹp điều đó đáng học hỏi. Người có niềm tin tôn giáo càng thận trọng hơn bởi đạo tình tiêu biểu. Vấn đề được đặt ra đối với tha nhân phải có chất liệu thương yêu như tình của mẹ mới mong tránh khỏi ý thức phân tranh vị kỷ. Hiểu mình và hiểu người ấy là ý thức tương quan mà mẹ đã dạy dỗ từ lâu khi bước vào đời xây dựng sự nghiệp. Mẹ quả nhiên là bậc thầy tâm lý của mọi sự trưởng thành tốt đẹp. Cũng chính vì thế mẹ chưa hề vắng bóng trong những dòng suy tư rộng lớn bất phân.

Rồi mùa Thu chập chùng trên đỉnh nhớ hoang vu mây trắng tung tăng, huyền diệu làm sao chiếc cầu giao cảm tương ứng vũ trụ và nhân sinh. Những tưởng, đạo hiếu được giáo dục nhân bản không bao giờ phi lý bạn ạ! Bạn cứ thử sức mình như “chú ngựa bất kham trên dặm đường thiên lý” để quán thông và cảm nhận sự sống. Mái tóc xanh pha màu sương trắng đánh dấu thời gian chẳng đợi chờ ai đó. Một mảnh đời bất hạnh bơ vơ giữa chợ đời hoang phế như van xin tình người mở rộng. Thử hỏi đời người khúc quanh nào chưa có để gặm nhấm thời gian? Có lúc tưởng chừng sức lực không bao giờ kham nổi, song tiến trình thử thách chưa kinh qua làm sao hiểu được giá trị làm người? Tất nhiên con đường nào cũng có sỏi đá va chạm bước chân cho dù nhẹ nhàng thầm lặng. Bạn ơi! khơi dậy tin yêu bởi vì ý thức đơn phương vụn vỡ chứa đầy ảo tưởng. Cuộc đời là bài học đắt giá vô vàn đó bạn ơi! Biết tha thứ bao dung và chia xẻ để khỏi cô đơn nơi một hố thẳm nào đó. Ý thức về nguồn hay nẻo về của ý được soi sáng bởi ngôn từ đánh động. Thế thì ai nói - ai nghe khi nhìn vào thực trạng! Ôi! một cõi đi về sao mà đẹp quá! Lung linh hương sắc hoa đồng cỏ nội phảng phất hương lòng, không có gì thay thế được tình mẹ bạn ạ! Ta bày tỏ bằng cả tấm lòng thương kính vô vàn.

Con đường nào thênh thang rộng mở, con đường nào tưởng chừng đã khép lại, vì sao thế ấy? Này bạn! Bồ Tát chưa bao giờ khép lại vòng tay độ lượng, thế thì ai đó chỉ dùng ngôn từ say sưa tán dương công đức mà chưa hề hành động bao giờ, quả nhiên con người ấy ích kỷ đáng thương. Thiết tưởng, cái loa của đài phát thanh nó chỉ là phương tiện cần có, nếu lầm tưởng đài phát thanh là hạnh nguyện của Bồ Tát, chắc chắn là không đúng. Do vậy, tôi thận trọng vận dụng thực chất tình người để xây dựng niềm tin bất diệt.

Tôi có công trình khảo cứu, viễn kiến của bậc đạo sư trí tuệ vô ngần, tuy nhiên vẫn nhìn nhận chữ hiếu đứng đầu. Trong các loài sinh vật người ta bảo con người trí tuệ số một. Xác tín ấy đáng hãnh diện như một sự ấn chứng để khám phá năng lực nội tại. Cuộc hành trình phiêu bồng thiên thu trước và sau thay hình đổi dạng, rất thú vị ta chiêm ngưỡng chân dung bậc thượng nhân đã hội nhập chân lý nhiệm mầu.

Cát bụi là ai mảnh đời hương phấn, Cuối nẻo nào kia man mác ân tình. Danh lợi ngổn ngang những mùi tục lụy, khoác áo chân không thoát ách vô minh. Cung cách hài hòa ấy là biểu thị, Tường quang dung lượng chân lý nhiệm mầu. Khảo sát cơ năng chân tướng hạnh phúc, mẹ vẫn âm thầm xoa dịu niềm đau. Bài hát mẹ ru đong đầy giấc ngủ, ánh trăng trường mộng ký ức xôn xao. Tiếp cận âm thanh suối nguồn biển cả, tấm lòng trải rộng vời vợi đỉnh cao.

Và cứ thế cho dù trời đất có ra sao mẹ vẫn là biểu tượng bao dung của thời đại. Hoa lá chuyển mình khơi dậy niềm tin, chất liệu dưỡng nuôi tâm hồn trong sáng. Khám phá siêu nhiên tiến trình hạnh nguyện, cài hoa lên áo tưởng niệm song thân. Thấu thẳm tiếng chuông ngân dài vun vút, hương lòng phảng phất bàng bạc khôn ngần?

Lạy đấng mẹ hiền hiện thân Bồ Tát, lắng nghe âm điệu cứu khổ trần gian. Mật ngữ minh châu viên dung huyền thoại, pháp thân mầu nhiệm sóng biển trùng dương. Thấu thị tâm dung hành trình viễn xứ, chuyển hóa vô thường hội nhập chân thường. Cho dù mẹ còn đó hay mẹ đã quá vãng, tình thương yêu vẫn sống động thường hằng. Chết hay sống, thể chất ấy luân lưu như mọi sự tái tạo của đất trời ẩn mật phiêu bồng. Nếu không phải là chứng tích của hôm nay thì ngày mai kia chẳng còn có gì sinh động. Điểm nương tựa cuối cùng của tôi chắc chắn là bậc thầy giác ngộ giàu có thương yêu. Bậc đại trí siêu việt không mang ý niệm tranh chấp để thấy ngôi vị của mình không có gì so sánh. Tán dương và tôn sùng thông thường hay vấp phải cái ngã chấp định kiến suy tôn thần thoại.

Làm thế nào để thấy lòng mình luôn bình thản khi đối diện bất cứ những ai. Sách có câu:

“Phật thương chúng sanh hơn tình mẹ thương con.”

Mẹ chỉ cho con tình thương yêu, nhưng đức Phật cho chúng ta cả tình thương lẫn trí tuệ để làm người. Làm người có đức tin mà không có trí tuệ, tưởng cũng nên soi sáng vấn đề nội tại. Hòa bình là thực chất của tâm hồn độ lượng, Chớ hiểu lầm ngôn ngữ của một thông điệp cường điệu là chất liệu hòa bình - mẹ hiền đã dạy như thế bạn ạ! Mẹ bảo không nên cuồng tín để trở thành công cụ rao truyền cho những thứ quyền lực mệnh danh. Giáo điều bao giờ nó cũng ẩn tàng tham vọng lãnh chúa trị vì. Hãy nhớ cho cõi này là cõi tạm nên thứ gì cũng tạm bợ, mỗi chúng ta ai cũng có trí tuệ - hãy thắp sáng đức tin như lời đấng mẹ hiền đã dạy. Nếu có đủ bản lãnh bạn nên tự mình thắp đuốc mà đi để đến bến bờ tự tại.

Chúng ta ứng dụng đức tính từ bi trong tinh thần bình đẳng vị tha như các bậc trượng phu thể hiện, ấy là lẽ sống chân thật của một kiếp người.

Vâng! Biển cả vẫn là biển cả, rừng thiêng vẫn là rừng thiêng, mây ngàn vẫn bay cuốn theo chiều gió. Không khí của anh và của tôi bao giờ cũng mầu nhiệm cho sự sống. Ta dùng trí tuệ tiêu hóa ngôn ngữ để thưởng thức hương vị bao dung của đất trời huyền diệu. Ánh sáng và bóng tối vẫn thế tràn đầy sức sống thiêng liêng hằng hữu nhiệm mầu. Bạn ơi! mẹ đã cho ta những gì tốt đẹp nhất khó quên. Vũ trụ bao la trăng - sao vẫn chiếu dòng đời không hề phân biệt. Suối nguồn tư duy thực chứng thỏa mãn lý trí - quả nhiên kỳ diệu. Truyền thống đặc thù vẫn được kế thừa và hãnh diện vì chúng ta là con của mẹ. Bạn ơi! nếu không có phương tiện thì không có cứu cánh, ta hãy quán thông như vậy. Âm điệu trầm hùng trong những lời kinh tiếng kệ của đại chúng có một tác dụng phi thường. Do vậy chúng ta nên xử dụng pháp môn Tịnh Độ hay Mật Tông để được chư Phật thường hộ niệm. Vả lại, người thể nhập tụng kinh có khác với người không thể nhập; nói khác đi người ca sĩ thể nhập diễn xuất nhạc tính có khác người mới tập hát cho dù cố gắng diễn xuất mô tả. Trạng thái thể nhập phát tiết âm thanh cố nhiên làm rúng động trời đất và tâm hồn giao cảm.

Bởi thế nghi thức lễ nghi tưởng niệm hẳn nhiên là phương tiện đối với Phật Giáo. Thiên thu trước và sau tính chất đặc thù ấy không thể nào chối bỏ trên bước đường phụng sự tha nhân. Cũng như suối nguồn thương yêu của mẹ sẽ không bao giờ chấm dứt một nơi nào. Cho dù Đông phương hay nền văn học Âu Mỹ, chức năng tình mẹ hiển nhiên là chất liệu cho sự sống trưởng thành.

Tôi không còn cha - mẹ cho nên cảm thấy thiếu vắng một cái gì trong đời sống.

Khi thiếu thời, mặc dù tôi ở chùa ít khi về nhà, nhưng mẹ lúc nào cũng quan tâm lo lắng cho đủ điều. Trong ánh mắt của mẹ lúc nào tôi cũng là chú trẻ con cần tình thương.

Khi tôi sống ở hải ngoại mẹ lại càng lo lắng hơn, chẳng hiểu vì sao. Khi mẹ đúng 90 tuổi, cái tuổi so le thế kỷ, mỗi khi qua điện thoại mẹ tôi bày tỏ niềm ước mơ được gặp con khi từ giã cõi đời.

Chao ôi! Niềm riêng thật là chua xót.

Mẹ mất lâu rồi, nhưng từ đó mãi cho đến bây giờ khi nào nghĩ đến mẹ, tôi cảm thấy ân hận vì có nhiều lỗi đối với mẹ. Bởi thế sau bất cứ một thời kinh nào tôi cũng mời gọi các Phật Tử dành ba phút lắng sâu để tưởng niệm công đức sinh thành thâm ân dưỡng dục.

Mơ sương lấp lánh ánh trăng ngà

Lắng sâu ký ức chuỗi ngày qua

Mẹ vẫn thương yêu đầy nguyên vẹn

Cuối trời tiếng vọng ôi! ngần xa
Thanh âm vi vút mấy tầng cao

Tình yêu biển cả sóng rạt rào

Ấn tượng bao dung mắt của mẹ

Vô thường lay động gió xôn xao

Trải dài, trải rộng chốn hư không

Ở đây, ở đó cả tấm lòng

So sánh làm sao mà hiểu được

Lung linh hương sắc mây phiêu bồng
Vâng! Với tôi.

Mẹ mãi mãi là tiếng vọng thương yêu trong dòng sống cuộc đời.


Cali Mùa Vu Lan

Năm Đinh Hợi - P.L 2551





LÂM BÍCH NHY




1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương