Nội dung số này



tải về 12.44 Mb.
trang2/11
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích12.44 Mb.
#33723
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
(THƯ SỐ 16 của NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG)
Xông trầm cẩn bút, kính dâng chư tôn đức

Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại tham dự “Ngày Về Nguồn”

tổ chức tại Chùa Pháp Vân, Mississauga, Canada

vào các ngày 21-23/9/2007
Vĩnh Hảo


CHỚP MẮT SINH TỬ
Con đường dù đã được tráng nhựa thật tốt vẫn cứ là con đường của sa mạc với nhiều đoạn nhấp nhô, ngoằn ngoèo nương theo độ dốc của trùng trùng đồi núi. Gần một giờ đồng hồ, chiếc xe chạy tốc độ một trăm hai mươi kí-lô-mét mới vượt hết vùng sa mạc hừng hực bỏng cháy. Lác đác đâu đó dưới chân những ngọn đồi trọc có niên đại hàng mấy chục triệu năm, hoặc trên những bãi cát vàng mênh mông, là dấu vết để lại của những dòng nham thạch đen tuyền.

Nơi này, hàng triệu năm trước là biển; chỗ kia, hàng triệu năm trước là sông. Những ngọn núi lửa đã tắt ngấm từ mấy chục triệu năm trước. Nước biển đã từng dâng lên ở những khoảng này. Sóng biển đã từng vỗ lên ở những bờ đá kia. Có lẽ đã từng có ghe thuyền qua lại nơi đây. Có lẽ đã từng có những làng mạc hay bộ lạc nào đó định cư chỗ này. Cũng có thể không hề có bóng dáng con người sinh hoạt trên một vùng chỉ thấy đá tảng và cát vàng trải rộng mênh mông.

Các nhà địa chất, nhân chủng, sinh vật, xã hội học… thời nay, hẳn đã từng nghiên cứu và đưa ra những ước đoán, giám định hoặc kết luận nào đó về đời sống của con người, muông thú, và thực vật nơi vùng này từ hàng triệu năm trước. Nhưng tài liệu sách vở của họ không liên hệ gì với người lái xe băng qua sa mạc vào một buổi trưa đứng bóng. Chỉ có chiếc xe phăng phăng phóng tới, và con đường trước mặt như cuốn nhanh vào ở mũi xe. Chung quanh, trùng trùng những ngọn núi cổ sậm màu gạch và ở trên, vẫn là trời cao xanh ngát dợn một vài đám mây trắng nhỏ bềnh bồng.

Tài liệu, chứng liệu lịch sử, cũng không gì thực bằng những lùm cây bụi cỏ bên đường và trong những hốc đá, cũng không gì thực như viên sỏi nhỏ hay những hạt cát vàng trên tay. Ở nơi trời đất mênh mông với chứng tích của đồi núi cổ đại, mới cảm nghiệm nỗi lòng của Trần Tử Ngang ngày xưa. Thường khi, cái mênh mông của không gian gợi cho mình cái mang mang của thời gian, hoặc ngược lại, nghiệm về cái vô cùng của quá khứ tương lai mà cảm cái vẻ vô hạn của mười phương đất trời.

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất tri lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi lệ hạ.”

(Trần Tử Ngang)

Ngoảnh trước người xưa không thấy

Ngoái sau người mới chưa sinh

Nghiệm lẽ mang mang trời đất

Bất chợt lệ sa một mình.

(Vĩnh Hảo tạm dịch)

Trong cái vô tận của không gian và thời gian, thấy đời mình nhỏ nhoi như hạt bụi. Ba mươi năm, năm mươi năm, một trăm năm, có nghĩa gì đâu. Hàng hàng lớp lớp những núi đá bên đường đã có mặt từ nhiều triệu năm trước. Sau lưng, trước mặt, là cái mịt mùng sâu thẳm của bóng thời gian. Cuộc sống trăm năm, xem lại thì chỉ là một chớp mắt trong dòng biến dịch hun hút không cùng của lũy kiếp luân hồi sinh-diệt, diệt-sinh. Một chớp mắt có là bao mà kết thu cả nghìn trùng khổ lụy, hạnh phúc, hận thù, yêu đương, đấu tranh, an phận, nỗ lực, mỏi mệt, tự ái, tự trọng, tự vệ, tự đại, tự vấn, tự do (nói năng, khóc, cười, im lặng, sáng tạo và suy tư)… Mới hôm nào còn ngồi trên bãi biển nhìn ngắm những con tàu xa khơi, ước mơ một chuyến hải trình đi khắp những đại dương bát ngát và các lục địa xa xôi. Nhìn cánh chim bay, ngắm áng mây trời, mơ ước từng ngày theo gió cuốn đi. Tuổi thơ vụng dại chỉ biết làm bạn với biển xanh và cái gì cao rộng. Biển chưa đủ sâu. Trời chưa đủ rộng. Lòng thành ấu thơ dâng hết cho thiền môn thanh vắng. Ê a kinh kệ sớm hôm. Xào xạc mỗi ngày quét lá. Tương chao thấm nơi xương tủy. Áo vải bảo vệ thân, tâm. Tiếng chuông ngân lời tỉnh thức. Đèn tuệ khơi sáng đêm ngày…

Rồi cũng chưa đầy chớp mắt của cuộc tồn sinh mộng ảo, thương sinh linh thống khổ điêu tàn, có khi phải đốt thân cho chánh pháp cửu trụ, có khi phải dấn mình vào chỗ ngục tù lao lung, có khi phải ẩn nhẫn để bảo vệ đạo vàng trong thời buổi nhiễu nhương. Động-tĩnh, tiến-lui, im lặng như núi tảng, gầm thét như hải triều, đều chỉ vì đại nguyện hoằng truyền đạo lớn. Lau bát nhang đầy bụi, quét một sân ngập lá, kinh kệ sớm chiều, đi đứng nằm ngồi có lúc nào rời khỏi cội nguồn chân tâm! Trong cái chớp mắt của sinh tử, làm tất cả phật-sự mà không động khởi một niệm vấn vương thủ đắc. Những thăng-trầm, vinh-nhục, còn-mất, được-thua, chẳng qua chỉ là bọt nổi trên mặt đại dương tịch lặng bao la. Cuối đời ngoảnh lại, vẫn chỉ là hai bàn tay không của người hương đăng, quét lá. Một chớp mắt hay một chuỗi dài mộng mị trăm năm, đã làm được gì, chưa làm được gì? Cái làm được có mang lại lợi lạc cho mình cho người, cho sự hưng thịnh của chánh pháp không, hay chỉ là những vọng động nhất thời làm tổn hại tín tâm của đồ chúng, dìm đạo lớn vào chỗ lụn tàn suy vi?

NGÀY VỀ NGUỒN
Thao thức gì mà đêm đêm chong đèn không ngủ? Đau thương gì mà lệ nóng chực rơi? Đạo pháp suy vi đâu phải chỉ vì tà ma ngoại đạo quấy phá! Sư tử trùng đục khoét còn bi lụy trầm thống gấp trăm. Hai nghìn năm chưa phải là dài đối với vô lượng kiếp huân tu. Ba mươi năm hoạn nạn lại càng ngắn ngủi hơn. Nhưng một chớp mắt mê mờ có thể chôn vùi cả nghìn năm của lịch sử hoằng truyền chánh pháp. Còn gì, mất gì? Nửa khuya thức dậy, xông trầm đốt hương, khoác ca-sa mà nhớ lời nguyền ban sơ, tụng câu kinh không khỏi tâm tư bàng hoàng chấn động.

Hủy hình thủ chí tiết



Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Phật đạo

Thệ độ nhất thiết nhân”

Từ bỏ dáng đẹp nêu nguyện lớn

Xa lìa cha mẹ, xa người thân

Xuất gia giốc lòng truyền Phật đạo

Đời đời kiếp kiếp độ quần sinh.

(Vĩnh Hảo tạm dịch)

Lịch sử không phải lúc nào cũng một đường thẳng tắp. Mà thường khi là khúc đường xuống lên của vinh quang và khổ nhục. Có khi là sự uốn lượn của con đường ngoằn ngoèo vượt qua những chập chùng oan khiên. Máu rơi. Lệ đổ. Thầy-trò, huynh-đệ chung một màu áo, cùng một đức điều-ngự bổn sư, vì nguyện rộng mà xuất thế ly gia hoằng truyền chánh đạo, không lẽ vì những đảo điên nhất thời của thế cuộc mà tổn hại nhau, chia lìa nhau? Hơn ba mươi năm, như những giòng sông chia nhánh, chảy qua những đồng bằng hay len lỏi qua hốc đá cheo leo. Lớn-nhỏ, đục-trong, cũng là tùy nhân duyên mà tuôn chảy. Không có chân lý tuyệt đối của giòng sông. Cũng không có gì gọi là chính danh, hay chính nghĩa độc tôn của các phương tiện. Chỉ có chánh pháp tối thượng khai mở con đường viễn ly xuất thế, đoạn trừ phiền não, chứng ngộ giải thoát. Xa lìa thật nghĩa của chánh pháp mà bày vẽ phương tiện thì chỉ là chắp vá vô hồn lạc điệu của ngoại đạo tà ma.

Hơn ba mươi năm qua, những giòng sông càng lúc càng khô cạn, đẩy đưa những con thuyền lớn-nhỏ đi vào tuyệt lộ hoặc chơ vơ mắc cạn trên sa mạc hoang vu khô khốc. Vét đáy, khơi nguồn, là nỗ lực để mở hướng cho sông, và cho thuyền về nơi biển lớn. Ở nơi chỗ tận cùng của chia lìa, suy vi, tất phải mở mắt vươn mình đứng dậy. Lịch sử đóng lại hay mở ra, chẳng qua chỉ là sự mấp máy chuyển động của trùng trùng nhân duyên tương sinh tương diệt; mà trên tất cả những biến động, chấp tranh, tồn-vong, thăng-trầm ấy, là sự bất khả hoại diệt của Phật tâm, của chánh pháp, và của bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn.

Sông có thể khô cạn nhưng biển lớn hãy còn đó. Hướng đi của Phật giáo tùy thuộc nơi sự cất bước một cách trí tuệ, dũng mãnh và từ bi của Tăng đoàn. Tăng là đại hải thanh tịnh, là chỗ nương của thất chúng, là ngõ về của muôn sông. Không có giòng sông đúng hay sai. Không quan trọng giòng sông lớn hay nhỏ. Cũng không miễn cưỡng trăm sông phải thống hợp thông thương. Chỉ cần làm sao, mỗi giòng sông phải cưu mang bản thể thanh tịnh và hòa hợp của biển lớn.

Ngày Về Nguồn là dấu hiệu khởi đầu cho sự trở về của trăm sông vào biển lớn. Một khi biển lớn mở ra, chắc chắn tà ma ngoại đạo và những ác đảng đều sẽ ra sức cản ngăn, chống phá, xuyên tạc. Nhưng với niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, người con Phật khắp nơi đều hân hoan khấp khởi, kỳ vọng nơi sự kiên trì, dũng mãnh, sáng suốt và đạo tình gắn bó của những trưởng tử Như Lai để có thể mở ra lộ trình cao đẹp của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.

Vượt trên tất cả những danh xưng và tổ chức, vượt trên tất cả những đối nghịch mâu thuẫn nhất thời của trăm sông trong dòng huyễn dị cuộc đời, xin hãy vì sự hưng long của Phật Pháp, vì lòng mong đợi của hàng phật-tử khắp năm châu, hãy cất những bước đi của voi chúa, dẫm trên gai góc và bùn nhơ thế gian để mở hướng cho tương lai sáng ngời của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ mới.

Được vậy thì, một chớp mắt phù du cũng có thể mở toang cánh cửa vô tận cho người sau noi dấu, và cho sự lợi lạc của khắp muôn loài chúng sinh.
Arizona, ngày 10 tháng 9, 2007.


PHẬT GIÁO VIỆT NAM


Huỳnh Kim Quang



Trong dòng vận hành của lịch sử đất nước, Phật Giáo Việt Nam đã có mặt trên hai ngàn năm. Trong sự tồn sinh của cộng đồng dân tộc, Phật Giáo Việt Nam là một thực thể xã hội bất khả phân. Suốt từ khi có mặt đến nay, Phật Giáo Việt Nam đã cùng với đất nước, với dân tộc trải qua biết bao thăng trầm, vinh nhục! Cùng với dân tộc, Phật Giáo Việt Nam đã chứng kiến bao nhiêu biến thiên của thời cuộc, bao nhiêu hưng vong của triều đại và thể chế chính trị! Với chính mình, Phật Giáo Việt Nam cũng đã kinh qua nhiều thích ứng trong sắc diện của cơ cấu tổ chức hoạt động. Nhưng, điều khá lý thú và kỳ diệu là, cho đến nay, sau hơn hai ngàn năm, Phật Giáo Việt Nam vẫn còn đứng vững trong lòng dân tộc, trong khi một số đạo giáo và các chế độ chính trị đã lần lượt bị đào thải.

Yếu tố nào mà khiến cho Phật Giáo Việt Nam có được bản sắc đặc thù như vậy? Ở đây, trong bài này, tôi xin thử tìm hiểu đó là những yếu tố nào. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề mới mẻ gì, vì từ trước cũng đã có vị trình bày và thảo luận. Chỉ mong rằng từ những điểm nhìn khác nhau đó, người đọc sẽ có được một tổng quan rõ ràng hơn về Phật Giáo Việt Nam. Cái nhìn của mỗi người có thể có khác nhau, nhưng tôi tin rằng tất cả đều nhắm về cùng một hướng, đó là Phật Giáo Việt Nam.


I. NỘI LỰC TRÍ TUỆ:
Khi đức Thế Tôn dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi,” Ngài muốn khuyến tấn hàng đệ tử rằng, đi giữa thế gian vô minh tăm tối, người con Phật phải tự nương vào chính năng lực của mình, chứ không phải của ai khác, và năng lực ấy chính là trí tuệ. Cho nên, người Phật tử phải tự thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để soi đường mà đi.

Trí tuệ là một trong các yếu tính của Phật Giáo, vì nội dung của giác ngộ và giải thoát chính là trí tuệ. Không có trí tuệ sẽ không thể liễu ngộ được bản chất của các pháp, của cuộc đời. Không liễu ngộ được bản chất của các pháp, của cuộc đời thì không thể giải thoát ra khỏi sự trói buộc của vô minh, phiền não và khổ đau. Vì thế, trí tuệ khác với tri thức thường nghiệm thế gian. Tri thức thường nghiệm xây dựng trên và hơn nữa bị chi phối bởi tâm thức hữu ngã, vốn là sản phẩm của vô minh và các phiền não. Tri thức thường nghiệm mặc nhiên, theo quán tính hay tập khí, thừa nhận sự thật hữu của các pháp. Trí tuệ nhìn thấy pháp chỉ là giả danh, do duyên mà khởi sinh, do duyên mà hoại diệt, vốn không có tự tánh, vốn là không, do tâm phân biệt, do vọng niệm mà chúng sinh thấy là thật có. Dưới ánh sáng quán chiếu của trí tuệ, không có chỗ cho một ý niệm hữu ngã tồn tại, không có chỗ cho chính ý niệm về trí tuệ như một thực hữu. Cho nên, trong Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã, Tôn Giả Tu Bồ Đề đã nói với Thiên Đế Thích rằng: “Nếu có pháp nào cao hơn Niết-bàn, tôi cũng nói đó như huyễn, như mộng. Huyễn, mộng và Niết-bàn, không hai, không khác.”

Giữ ngọn đuốc trí tuệ giác ngộ ấy luôn luôn cháy sáng, cho nên Phật Giáo Việt Nam dù trải qua bao nhiêu biến đổi của thời cuộc, chính thể và xã hội, vẫn không đánh mất bản tính như thật của mình. Trong những hoàn cảnh thực tế của Phật Giáo Việt Nam, ngọn đuốc trí tuệ có công năng đặc thù là rọi sáng vào ba mục tiêu để cho Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam nhắm đích mà đi tới. Ba mục tiêu đó là: Thứ nhất, thành tựu mục đích thực chứng giác ngộ và giải thoát. Thứ hai, vượt thoát được những trói buộc, cố chấp, hệ phược trong thế gian đầy dẫy vô minh, phiền não và chướng nạn. Thứ ba, mở rộng tầm nhìn bao quát trên mọi lĩnh vực để hoạch định đúng hướng đi trước mắt và tương lai cho Phật Giáo Việt Nam.

Thực chứng giác ngộ và giải thoát vừa là nội dung tinh yếu xác định nội lực kiên cố mà qua đó Phật Giáo tồn tại, vừa là lý tưởng cao cả như là tiêu đích tối hậu mà tất cả mọi người con Phật đều nhắm đến. Thiếu vắng thực chứng giác ngộ và giải thoát, Phật Giáo chỉ còn là cái vỏ hình thức bề ngoài, chỉ còn cái danh không có cái thực. Vì thế, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh và thời đại nào, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam vẫn luôn luôn nỗ lực thực nghiệm giới-định-tuệ để thành tựu mục đích giác ngộ và giải thoát cho mình và tha nhân. Bởi vậy, thời nào có những vị cao Tăng thạc đức mà nội lực thực chứng siêu quần thì thời ấy Phật Giáo được phổ truyền và phát triển hưng thịnh. Do vậy, ngày nay chúng ta thấy trong lịch sử hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam những bậc đống lương thạch trụ như ngài Pháp Hiền, Cảm Thành, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thảo Đường, đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa, Huyền Quang, Hương Hải, Chân Nguyên, Liễu Quán, Toàn Nhật, Vĩnh Nghiêm, Tố Liên, Khánh Hòa, Khánh Anh, Quảng Đức, v.v… Trước khi thị tịch, Thiền sư Ngộ Ấn, thời nhà Lý, đã nói bài kệ rằng:

Diệu tính hư vô bất khả phan,

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị can.”

Trong bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập III, Sử gia Lê Mạnh Thát dịch bài kệ trên như sau:

Diệu tính rỗng không chẳng thể bâu

Rỗng không tâm ngộ có gì đâu

Trên non ngọc đốt màu thường đẹp

Sen nở trong lò ướt chửa khô.

Có thực chứng trí tuệ giác ngộ và giải thoát mới nhìn thấu suốt đuợc bản thất không thật của các pháp, của cuộc đời để có thể ung dung tự tại mà làm Phật sự giữa thế gian mà không bị trói buộc, phiền lụy. Đó chính là phong thái siêu việt, đứng trên tất cả mọi vướng mắc của định kiến, biên kiến, chủ nghĩa, ý thức hệ của cuộc đời, của thế sự. Dù xả thân đóng góp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước cuối cùng vẫn không để bản thân mình bị hệ lụy trong vòng danh tướng phàm phu. Hình ảnh của một Tuệ Trung Thượng Sĩ lúc nước nhà nguy biến thì cầm gươm ra trận bảo vệ non sông, lúc thời thế thái bình thịnh trị thì trở về thiền môn cửa Phật thực nghiệm chánh pháp để tự độ và độ tha, là một hình ảnh sống động phi thường biểu hiện tinh thần tự tại giải thoát. Quốc sư Vạn Hạnh, trong bài kệ thị chúng cũng đã dạy cho chúng ta thấy nội lực thực chứng trí tuệ giác ngộ và giải thoát chính là sức mạnh vượt thoát lên mọi hệ phược đối với cuộc đời:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi thu hép vàng

Theo vận thịnh suy không hãi sợ

Thịnh suy đầu cỏ tựa phơi sương.”

(Lê Mạnh Thát dịch, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập III)

Quả thật vậy, nhìn lại quá trình lịch sử Phật Giáo Việt Nam suốt hai ngàn năm qua, chúng ta ắt thấy rất rõ rằng chư vị tiền bối tổ sư đều là những vị cao Tăng đắc đạo, trí tuệ siêu quần. Quý ngài dù xả thân đóng góp rất lớn trong việc dựng nước và giữ nước vẫn không hề bị trói buộc hay cố chấp theo danh lợi, địa vị quyền thế, xu hướng chính trị. Quý ngài có tầm nhìn rất khoáng đạt, cởi mở, tinh xác trước hiện thực và từ đó dẫn đạo cho hướng đi tới tương lai. Khi đất nước còn trong tình trạng xây dựng nền độc lập tự chủ, quốc gia chưa thành lập được hệ thống giáo dục công cộng, chư vị tiền bối tổ sư của Phật Giáo Việt Nam đã lấy Chùa làm những trung tâm hoằng pháp, văn hóa, giáo dục và hoạt động xã hội để góp phần hữu hiệu trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, nhiều nhân tài, nhờ được hun đúc, trưởng dưỡng và giáo dục trong các ngôi Chùa, đã ra gánh vác việc trị quốc an dân. Khi đất nước đã thật sự được độc lập tự chủ, sinh hoạt quốc dân đã được ổn định và hòa bình, nhà nước đã thiết lập được hệ thống giáo dục công cộng để đào tào nhân tài, chư vị tiền bối tổ sư của Phật Giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong công tác hoằng pháp lợi sanh vừa khai mở dân trí, vừa phát khởi tín tâm nơi Phật Pháp, vừa xây dựng vững chắc nền tảng đạo đức, luân lý, và trật tự xã hội. Hình ảnh của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm, đi du hóa khắp nơi trong dân gian để thuyết pháp không những đã làm sáng lên sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp của một “sứ giả Như Lai”, mà còn nêu cao tầm nhìn khoáng đạt xa và rộng của ngài đối với cơ đồ của Phật Giáo Việt Nam. Ngày xưa, Vua Lương Võ Đế ở Trung Quốc, đã từng tâm niệm rằng, nếu trong đất nước của ông mà người dân nào cũng đều quy y Tam Bảo, giữ gìn Ngũ Giới và thực hành Thập Thiện của nhà Phật, thì ông không cần phải dùng đến luật pháp và hình phạt để trị dân nữa. Với nội hàm là trí tuệ giác ngộ, Phật Giáo Việt Nam đã chứng tỏ được phong thái cởi mở, bao dung, đã thể hiện được tinh thần vô chấp, khoáng đạt và tầm nhìn sâu rộng đối với mọi vấn đề. Chính vì vậy, Phật Giáo Việt Nam đã không đặt mình vào vị thế đối đầu với Nho Giáo, Lão Giáo hay sau này khi các trào lưu văn hóa và tôn giáo Tây phương tràn vào Việt Nam với Thiên Chúa Giáo La Mã và Tin Lành, v.v… Trước sự phát triển lớn mạnh phi thường của nền văn minh khoa học kỹ thuật, các trào lưu văn hóa và tôn giáo khác ngày càng cảm thấy bị đẩy lùi vào quá khứ với những tín điều, giáo điều phản tri thức, phản khoa học, thì Phật Giáo đang ngày càng được quý trọng, được phổ cập hơn trong thế giới nhân loại hiện đại.

Với nội hàm trí tuệ, Phật Giáo Việt Nam có đủ sức mạnh tri kiến để nhìn thấu suốt mọi hiện trạng đang xảy ra trong bản thân mình và xã hội chung quanh. Nhìn vào tự thân để thấy rõ là mình đang hành xử theo phương thức nào, phương thức ấy có thù ứng với hoàn cảnh, với nhu cầu, với thực tế mà Phật Giáo Việt Nam đang hiện hữu, đang cần và không mộng tưởng. Nhìn vào tự thân cũng để nhận biết được rằng thân thể của mình có phải đã già cỗi, đã suy nhược, đã mất hết sức để kháng với hoàn cảnh thực tế và nó đang cần phải trẻ trung hóa, đang cần phải vận động đúng cách để phục hồi sức khỏe hầu có thể đủ sức để thích nghi theo môi trường chung quanh. Nhìn vào tự thân cũng là cách để thấy trong đó bộ phận nào của cơ thể đang có vấn đề, đang suy nhược, đang cần phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn, hoặc có thể phải điều trị đúng cách nếu bộ phận ấy đang bị bệnh. Nhìn ra xã hội chung quanh để thấy rằng đất nước và nhân loại đang suy nghĩ, nói và làm gì, để nhận biết thực tế và hướng đi của xã hội chung quanh đang như thế nào, để nhận chân được đúng đắn vị trí, vai trò và sứ mệnh nào mà mình cần thực hiện để góp phần xây dựng và phát triển hữu hiệu cho xã hội chung quanh.

Với nội hàm trí tuệ, Phật Giáo Việt Nam không dung dưỡng sự có mặt của thành kiến, cố chấp để trói buộc mình trong bất cứ tư thế nào dù đó là tư thế thuần túy tôn giáo, chứ đừng nói là tư thế thuộc đảng phái, chủ nghĩa hay ý hệ chính trị. Phật Giáo Việt Nam đứng trên tất cả mọi định kiến, cố chấp và hệ phược. Bởi vì, mọi định kiến, cố chấp và hệ phược đều là những chướng duyên trên con đường phát huy trí tuệ giác ngộ. Bởi vì mọi tư thế thuộc đảng phái, chủ nghĩa hay ý hệ chính trị đều chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định nào đó rồi cũng tiêu hoại theo vô thường, còn mục đích giác ngộ và giải thoát như là nội hàm của Phật Giáo Việt Nam thì vượt trên những hình thái hạn cục ấy.

II. ĐỨC LỚN TỪ BI:
Đức Phật vì lòng từ bi cứu khổ chúng sinh mà thị hiện ra đời. Trong Giáo pháp của đức Thế Tôn, mọi chủng loại đều được lợi lạc bình đẳng. Trong hàng ngũ đệ tử xuất gia cũng như tại gia của đức Phật dung nạp tất cả mọi thành phần xã hội, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, tuổi tác, thân sơ. Trọn cuộc đời của đức Phật, không hề có bất cứ ai mà ngài xem là kẻ thù. Những vị có lòng làm tổn hại đến ngài đều được ngài từ bi tế độ như Đề Bà Đạt Đa, Vô Não, v.v… Cho nên, đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú, kệ số 5:

Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi mới trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn xưa.” (Thích Trí Đức dịch).

Phật Giáo Việt Nam, suốt hai ngàn năm qua là dòng vận hành lịch sử của trí tuệ giác ngộ và đức từ bi bao la vô lượng. Đại Việt Sử Lược ghi lại tấm lòng từ bi của Vua Lý Thánh Tông như sau:

Ta ở trong thâm cung, sưởi lò than, lại choàng thêm áo lông chồn, thế mà khí lạnh còn như vậy. Huống nữa là ở trong lao tù bị cái khổ xiềng trói, việc thẳng cong chưa rõ, mà bụng lại không đủ no, mình không đủ đắp ấm. Vạn nhất mà bị khí lạnh thổi ép thì há không chết vì vô tội sao? Ta rất thương xót. Nay sai các chức việc phát chiếu mền của kho vua đem ban cho họ cùng một ngày được cấp hai bữa ăn.” (Trích theo Sử gia Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập III).

Vua Lý Thánh Tông thuộc giòng Thiền Thảo Đường. Nhà vua đã lấy Chánh pháp mà trị quốc, lấy đức từ bi mà cảm hóa sinh dân.

Đến đời nhà Trần, khi Vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vua mà lên núi Yên Tử để tránh thế tục phiền não, Quốc sư Viên Chứng đã khuyên nhà vua như sau:

Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi.” (Trích theo Sử gia Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập III).

Qua lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng, ta thấy có ba ý chính: một là, để làm việc lớn, trị quốc an dân, cần phải bỏ cái ngã cá nhân tư kỷ của một người mà hướng tâm đến sự lợi lạc cho tất cả nhân quần xã hội; hai là, để làm việc lớn, trị quốc an dân, cần phải có tâm lượng từ bi bao dung, biết nghĩ cho thiên hạ; ba là, muốn có được tấm lòng bao la rộng lớn như vậy thì cần phải tinh chuyên nghiên cứu và thực nghiệm Phật pháp. Liễu ngộ được lời dạy chí thánh chứa đựng đức lớn từ bi của Quốc sư Viên Chứng, Vua Trần Thái Tông đã đem tâm nguyện của một người Phật tử để phục vụ hết lòng cho đất nước và không quên việc nghiên cứu Phật học, tu tập chánh pháp. Nhà vua đã sáng tác bộ Khóa Hư Lục để góp phần truyền bá giáo lý Phật Đà.

Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Điều Ngự Giác Hoàng, Đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm, đã viết:

Đức Bụt từ bi,



Mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;”

(Sử gia Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông)

Đức lớn từ bi của Phật Giáo Việt Nam cũng đã được hiển thị rành rành trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du. Thi hào vì lòng từ bi thương tưởng đến những oan hồn uổng tử chịu nhiều khổ báo nặng nề, nên đã sáng tác bài văn tế để lấy Phật pháp, đem đức lớn từ bi mà cảm hóa sinh linh:

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh



Có câu rằng: “Vạn cảnh giai không”

Ai ai lấy Phật làm long

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.”

Hoặc là:


Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có chăng chăng

Nam Mô Phật Nam Mô Pháp Nam Mô Tăng

Nam Mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.”

Trong thời cận đại, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, trong công cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo, Phật Giáo Việt Nam đã ghi đậm hình ảnh bi nguyện sáng chói của Bồ Tát Quảng Đức, khi ngài đã tự hỏa thiêu nhục thân để cúng dường chư Phật và hồi hướng công đức thù thắng ấy cho Chánh Pháp cửu trụ, cho Phật Pháp trường tồn, cho những người lãnh đạo đất nước có đủ sự sáng suốt để trị quốc an dân. Hành động ấy phát xuất từ đức từ bi lớn, không một chút thù hận, không một vướng mắc ngã chấp. Đó chính thực là thi thiết đại nguyện xả kỷ lợi tha của Bồ tát. Chính đức lớn từ bi ấy mới có năng lực nhiệm mầu để thức tỉnh lương tâm nhân loại và thắp sáng lý tưởng trí tuệ và từ bi cao cả của Phật Giáo Việt Nam.


III. NHÌN RÕ THỰC TRẠNG HÔM NAY
Nhân loại hiện nay, mặc dầu đã thoát khỏi mối đe dọa diệt chủng của thời kỳ đối đầu lưỡng cực của chiến tranh lạnh giữa hai ý thức hệ tư bản và cộng sản, nhưng sự manh nha của các thế lực quốc tế qua khuynh hướng tạo dựng những đối lực tương xứng để tránh cảnh bị thua sút về nhiều lãnh vực trước sức mạnh của một cường quốc duy nhất trên thế giới này, đã là những mầm mống của bất an cho con người. Thêm vào đó, hằng ngày nhân loại vẫn còn chứng kiến những thảm cảnh kinh hoàng của khủng bố như ôm bom tự sát, giết hại tập thể hàng loạt để gây khủng hoảng! Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới nạn thảm sát con người vì khác biệt chủng tộc, nạn đói rách, khan hiếm nước uống vì nghèo khổ và môi trường khí hậu của trái đất thay đổi bởi tình trạng ô nhiễm môi sinh toàn cầu vẫn còn hoành hành làm cho hàng triệu người phải gánh chịu bao nhiêu đau khổ, lầm than. Thế giới vẫn còn nhiều bất an và khổ não!

Chính vì vậy, mà mấy năm trước đây Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã ra Quyết nghị vinh danh tinh thần từ bi hòa bình của đức Phật và hằng năm tổ chức trọng thể đại lễ Phật Đản. Ủy Ban Tổ chức Đại Lễ Phật Đản của Liên Hiệp Quốc quyết định luân phiên tổ chức Đại Lễ tôn vinh ngày Đản Sinh của đức Phật tại nhiều quốc gia khác nhau. Hình ảnh từ bi và giáo pháp giải thoát của đức Phật sẽ được thắp sáng rực rỡ hơn lên trong những lần Liên Hiệp Quốc tổ chức Đại Lễ Phật Đản như vậy. Tham lam, thù hận và si mê là bản chất câu sinh của chúng sinh, do đó, thế giới và nhân loại không ngừng gánh chịu bao nhiêu đau thương, khổ nạn vì lòng tham lam, tâm thù hận và tánh si mê ấy. Giáo pháp hàm ngụ trí tuệ giác ngộ và tâm từ bi vô lượng của đức Phật là diệu dược chủ trị những căn bịnh trầm kha đó cho chúng sinh suốt trên hai mươi lăm thế kỷ qua. Nhờ thấm nhuận giáo pháp ấy mà đã có biết bao nhiêu chúng sinh xây dựng được cuộc sống an lạc và giải thoát! Đó là sự cống hiến vô cùng lớn lao của Phật Giáo cho loài người mà không một tôn giáo, chủ thuyết, hay ý thức hệ nào có thể sánh được.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản đã bị sụp đổ toàn diện tại Đông Âu và Liên Bang Sô Viết vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cộng sản Trung Quốc cũng đã thay đổi chính sách sâu xa để thích ứng với thời cuộc và tìm con đường sinh tồn. Cộng sản Việt Nam bắt buộc phải chọn con đường đổi thay để tồn tại. Trải qua hai thập niên biến đổi, cộng sản Việt Nam hiện nay thực chất chỉ còn là một tập đoàn lãnh đạo tài phiệt và độc tài, từ ruột cho đến vỏ đều không còn một cái gì là cộng sản cả. Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” chỉ là một danh xưng trống rỗng dùng để che đậy sự biến chất, khủng hoảng và tham vọng bên trong. Nhìn như vậy để thấy rằng, cơ chế chính trị, dù mang danh nghĩa là chuyên chế độc tài cộng sản, cũng bắt buộc phải thay đổi trước biến thiên không ngừng của thời đại, của xã hội, nếu muốn sống còn. Điều khác là, từ một cơ chế đột tài toàn trị với chính sách tập quyền chỉ đạo và bao cấp, cùng bao nhiêu đặc quyền đặc lợi cho thành phần đảng viên, mà kiến thức, tư duy, hành động bị đóng khung trong cái khuôn thước lạc hậu, ấu trĩ, thiên kiến, chủ quan, khi bước vào môi trường đổi mới, thay đổi sẽ phải đối diện với muôn ngàn hụt hẫng, phản kháng, bất cập, hỗn độn, trì trệ, bế tắc! Điều thấy rõ là, chính vì thế mà các tệ nạn, trở thành quốc nạn, như tham nhũng, lạm quyền, thối nát, trục lợi, sử dụng luật rừng, v.v… đã ngày càng làm cho chế độ không yên và xã hội dao động! Để có thể hỗ trợ đắc lực cho tiến trình hội nhập vào cộng đồng thế giới và phát triển đất nước, chính quyền Việt Nam cần phải quyết tâm loại bỏ thật sự quốc nạn tham nhũng, song song là nỗ lực xây dựng một nền pháp trị nghiêm minh và hiệu quả. Muốn cho các sự việc trên được thành công thì chính quyền đồng thời cũng phải chấp nhận quyền tự do căn bản của người dân như tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, v.v…

Điều đau lòng nhất cho dân tộc Việt Nam chính là hệ quả khốc hại của việc phá sản toàn diện trên đất nước trải qua hàng thế kỷ nay. Phá sản từ nền tảng đạo đức, luân lý, tôn giáo đến văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, v.v… Bằng các chính sách nô lệ hóa của thực dân, độc tài toàn trị và đấu tranh giai cấp của cộng sản, khích động lòng thù hận, gieo rắc tư tưởng xem vật chất là trên hết, đàn áp tiêu diệt tất cả mọi thành phần tri thức, văn hóa, phân hóa, hủ hóa, can thiệp vào nội bộ các tôn giáo để kiểm soát và chế tài mọi hoạt động, tất cả những hành động phá sản ấy, đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng và suy kiệt trầm trọng cho cả cộng đồng xã hội Việt Nam!

Cùng với nỗi trầm thống của dân tộc, Phật Giáo Việt Nam cũng gánh chịu bao nhiêu đau thương! Sự phân hóa nội bộ của Phật Giáo Việt Nam đã kéo dài mấy thập niên qua mà cho đến hôm nay vẫn còn trầm trọng. Tăng, Ni bị biến chất, giới hạnh sa sút, nạn tham nhũng xâm nhập vào tận chốn thiền môn. Tinh thần và đầu óc kỳ thị địa phương, kỳ thị giáo phái, hệ phái ngày càng lan rộng. Tất cả những sự kiện ấy đã và đang làm cho Phật Giáo Việt Nam đi vào con đường bế tắc! Các giáo hội, giáo phái, hệ phái và cá nhân Tăng, Ni chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà bỏ quên tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam. Trước sự đổi thay của xã hội, sự cạnh tranh truyền bá của các tôn giáo khác, nếu Phật Giáo Việt Nam không giải quyết được bế tắc trước mắt thì nguy cơ mất dần uy tín, vị thế và ảnh hưởng lớn lao mà mình đã có trong lòng dân tộc từ bao lâu nay sẽ trở thành hiện thực, giống như tình trạng của Phật Giáo Đại Hàn từ trên nửa thế kỷ trở lại đây!

Vào các thập niên đầu thế kỷ 20, mặc dù chịu phải sự đàn áp và đối xử bất công của chủ nghĩa thực dân Pháp, vốn là thế lực dựa lưng cho phong trào tôn giáo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam, chư tôn đức Tăng, Ni ở khắp ba miền Nam Trung Bắc đều ý thức rất rõ về thực trạng suy đồi của Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ, cho nên, đã quyết tâm khởi động công cuộc chấn hưng Phật Giáo. Những bước căn bản nhưng thiết yếu và thành quả lâu dài ảnh hưởng tích cực đến mấy chục năm sau chính là phát hành kinh sách, báo chí, mở các trường Phật Học đào tạo Tăng, Ni tài đức, thực hiện các chuyến hoằng pháp khắp nơi dưới nhiều hình thức, chú tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên Phật tử để đưa Phật Pháp vào ngay trong sinh hoạt gia đình, chấn chỉnh thiền môn, trang nghiêm giới hạnh đối với hàng ngũ xuất gia, củng cố và phát triển chánh tín nơi hàng Phật tử tại gia. Đến đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, thành quả của công cuộc chấn hưng ấy đã hiển lộ rõ ràng, đó chính là sự ra đời của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Những Tăng, Ni tài đức được đào tạo trong các trường Phật Học trước đó đã có thể đứng ra gánh vác trọng trách của Phật Giáo nước nhà. Nếu chư tôn đức Tăng Ni trong thời kỳ trước, vì sự bức bách của thực dân Pháp mà không mạnh dạn đứng ra thực hiện các công tác hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, thì làm sao có thể đào tạo được những Tăng, Ni tài đức để gánh vác Phật sự sau này! Chính vì vậy, việc chư Tôn đức Tăng, Ni tranh thủ cơ duyên để xây dựng các trường Phật Học, Viện Cao Đẳng và Đại Học Phật Giáo để đào tạo Tăng, Ni và giáo dục thanh thiếu niên là một công tác quan trọng cần được thực hiện trong mọi hoàn cảnh và thời đại.

Trong một đất nước mà những di chứng của sự phá sản vẫn còn tồn đọng, nhất là lòng thù hận, nghi kỵ, dối trá, tham lam, nhũng lạm đang đục khoét vào tận xương tủy của dân tộc, Phật Giáo Việt Nam cần được xây dựng và phát triển vững mạnh để góp phần chữa lành vết thương cho dân tộc, làm dưỡng chất cho đời sống đạo đức tâm linh và hòa bình an lạc. Muốn cho Phật Giáo Việt Nam thật sự phát huy bản sắc đặc thù để đóng góp cho dân tộc thì cơ bản cần phải có những điều kiện như sau:

Thứ nhất, về phía chính quyền Việt Nam phải dứt khoát không can thiệp vào việc nội bộ của Phật Giáo bằng bất cứ hình thức nào. Để thể hiện chính sách đó, chính quyền Việt Nam cần thực hiện một số việc cụ thể như: Hủy bỏ Ban Tôn Giáo Chính Phủ, giải tán các ban ngành công an đặc trách về Phật Giáo, để cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam rút ra khỏi vai trò là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, không ép buộc chư vị Tôn đức Tăng, Ni tham gia vào các chức vụ thuộc hệ thống chính trị nhà nước như dân biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban mặt trận tổ quốc, trả lại quyền sinh hoạt hợp pháp cho GHPGVNTN để giáo hội này có thể phát huy được khả năng góp phần vào việc hoằng dương chánh pháp, thăng tiến xã hội và tiếp độ quần sinh.

Thứ hai, về phía GHPGVN cần phải mạnh dạn và quyết tâm thực hiện một số công tác cần thiết như: hủy bỏ vế sau cùng trong khẩu hiệu: “Đạo pháp-Dân tộc-Xã hội chủ nghĩa”. Tức hủy bỏ vế “Xã hội chủ nghiã”. Thực chất vế sau đã đảo ngược hẳn nội dung của hai vế trước, vì “xã hội chủ nghĩa” là một chủ nghĩa, mà Đạo Pháp và Dân tộc thì vượt trên mọi chủ nghĩa, hơn nữa, chủ nghĩa ở đây là đại biểu cho chế độ, mà chế độ thì chì tồn tại trong giai đoạn, còn Đạo pháp và Dân tộc thì tồn tại vĩnh viễn. Giáo hội cần phải can đảm cương quyết rút tên ra khỏi Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam để thực sự sinh hoạt độc lập theo truyền thống của Phật Giáo Việt Nam. Giáo hội phải chỉnh đốn lại việc nghiêm trì giới luật để thanh tịnh hàng ngũ xuất gia, nghiêm cấm Tăng, Ni tham gia vào các cơ chế chính trị nhà nước như dân biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban mặt trận tổ quốc.

Thứ ba, chư Tăng, Ni dù đang sinh hoạt trong giáo hội, giáo phái, hệ phái nào cũng đều có cùng một mục đích phụng sự đó là Phật Giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, không một vị Tăng, Ni đạo hạnh thanh tịnh, giới đức trang nghiêm nào vì sinh hoạt khác giáo hội, giáo phái, hệ phái mà phải bị chỉ trích, vu khống, chụp mũ, thù địch. Phật Giáo Việt Nam là chung của tất cả mọi Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam. Bất cứ vị Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam nào cũng đều có quyền và bổn phận góp phần xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam. Không ai có thể nhân danh bất cứ tổ chức nào để chỉ trích, vu khống, chụp mũ và tạo sự thù địch đối với Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam khi họ không sinh hoạt trong tổ chức với mình. Mỗi tổ chức Phật Giáo Việt Nam có đường hướng và phương thức hành đạo riêng, mà không ai có quyền can dự vào việc hành đạo của họ. Nếu có điều gì sai trái đi ngược lại tinh thần Chánh pháp thuộc phần hành của tổ chức hay cá nhân thì nên lấy tinh thần hòa hợp và xây dựng để trình bày hoặc góp ý. Mọi tư duy, phát ngôn và hành động đều nên đặt lợi ích chung của Phật Giáo Việt Nam lên trên hết.

Thứ tư, qua bao nhiêu thập niên vì chướng duyên bên ngoài xã hội và bên trong tự thân, như sự đánh phá từ các thế lực chính trị, sự phân hóa bên trong nội bộ Phật Giáo, sự tha hóa theo xu hướng chính trị của một số thành phần trong Phật Giáo, sự biến chất trước những biến thiên và thay đổi của hoàn cảnh xã hội, sự bê tha trong việc thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, văn hóa và giáo dục, v.v…, nội lực của Phật Giáo Việt Nam đã bị suy yếu và tiêu trầm. Ngược lại, cũng chính vì nội lực bị phân liệt, cho nên Phật Giáo Việt Nam rất dễ bị các thế lực bên ngoài và thành phần bất hảo bên trong đàn áp và thao túng. Thực trạng của Phật Giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước hiện nay là một bằng chứng cụ thể. Vì thế, việc xây dựng nội lực tự thân là yếu tố tiên quyết và cần thiết để phát triển nền Phật Giáo Việt Nam toàn diện. Nội lực ấy phải do chính Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam tự nỗ lực gầy dựng, chứ không thể nương nhờ vào bất cứ thế lực nào khác bên ngoài. Những tiếp sức bên ngoài nếu có, dù đó là thiện tâm thiện ý, cũng chỉ là duyên phụ, nền tảng căn bản vẫn là chính Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam.

Những đau thương và mất mát lớn lao mà dân tộc và Phật Giáo Việt Nam đã trải qua suốt hàng thế kỷ nay đã thấm tận tin óc của mỗi người dân và Phật tử Việt Nam! Xin hãy lấy đó làm động lực thức tỉnh để nếu không làm được gì lợi ích thiết thực lâu dài thì cũng đừng nhẫn tâm gây ra thêm thảm nạn cho Phật Giáo Việt Nam!



Nguyện cầu Chánh Pháp cửu trụ và Phật Giáo Việt Nam trường tồn.










tải về 12.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương