Nguyễn văn hòa quỹ ĐẶt tên trưỜng học tỉnh đĂk nông đẾn năM 2020 Đăk Nông 2014 Lời nói đầu



tải về 5.17 Mb.
trang30/62
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích5.17 Mb.
#37950
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   62

110- Hùng Vương: Tên chung chỉ thời đại dựng nước của nước ta cách đây khoảng 4000 năm, kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nền văn minh sông Hồng của các dân tộc Lạc Việt nước Văn Lang. Truyền thuyết nói có 18 triều đại cùng lấy tên Hùng Vương. Đền thờ Tổ Hùng Vương ở xã Hy Cương, nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, mở hội quốc lễ Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

111- Phạm Hùng (1912-1988): Tên thật là Phạm Văn Thiện, quê xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ông tham gia cách mạng từ năm 1928-1929 trong Thanh niên cộng sản Đoàn. Đến năm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, bị Pháp bắt và kết án tử hình, sau rút xuống tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám thành công, ông về Nam Bộ làm Bí thư Xứ ủy. Năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban kháng chiến - hành chính miền Đông Nam Bộ. Năm 1954, ông là Trưởng đoàn quân sự Việt Nam trong Ban Liên hiệp Đình chiến tại Nam Bộ. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1956-1988, tham gia Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VIII, lần lượt giữ các chức vụ: Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 3 năm 1988.

112- Cao Xuân Huy (1900-1989): Quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cháu nội nhà sử học Cao Xuân Dục. Ông là giáo sư dạy lớp Đại học văn khoa đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp tại Liên khu IV. Hòa bình lập lại, ông dạy khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội, sau chuyển sang nghiên cứu ở Viện Văn học. Ông là giáo sư chính của khóa Đại học Hán học, đào tạo nhiều lớp cán bộ cho ngành Hán - Nôm. Nhiều tác phẩm của ông về lịch sử tư tưởng, lịch sử Văn hóa, Sử học, Triết học, Văn học cổ có giá trị. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

113- Nguyễn Văn Huyên (1908-1975): Hiệu Huy Vân, sinh tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông là Tiến sĩ Văn khoa, Cử nhân Luật, Giáo sư Sử học, từng làm Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ (1945), Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1975), Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ông sáng lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu Văn, Sử. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa Văn trường đại học Sorbonne (Pháp).

114- Huyền Trân Công chúa: Bà là con gái Trần Nhân tông, em gái Anh tông, không rõ năm sinh, năm mất. Năm 1301, nhân có phái bộ Chiêm Thành sang giao hảo, Thượng hoàng Nhân tông du ngoạn nước Chiêm, cảm lòng có hậu đãi, Thượng hoàng hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Đến năm Bính ngọ 1306, vua Trần Anh tông gả bà cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý. Huyền Trân về Chiêm, được phong hoàng hậu, mĩ hiệu là Paramecvari. Năm 1307, Chế Mân mất. Tục nước Chiêm, vua mất thì hoàng hậu phải vào hỏa đàn để tuẫn táng. Trần Anh tông liền sai Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc xạ là Trần Khắc Chung và An Phủ sứ là Đặng Văn sang Chiêm, giả tiếng đi điếu tang, để tìm cách cứu Huyền Trân đưa về nước.

115- Phùng Hưng (?-789): Người làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc xã Đường lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ông nổi tiếng khỏe mạnh, từng là đô vật, làm quan lang, khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Đường khoảng đời Đại Lịch (776-779), chiếm được thành Tống Bình (Hà Nội), quan đô hộ Cao Chính Bình sợ mà chết. Ông lên làm vua năm 782, được dân tôn xưng là Bố Cái Đại Vương. Lăng mộ ông còn ở đầu phố Giảng Võ.

116- Hồ Xuân Hương: Được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, sinh sống ở phường Khán Xuân, thành Thăng Long vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Bà quê gốc ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà giỏi thơ Nôm và có tài trào lộng, châm biếm, mang phong cách riêng biệt khác người, nhiều bài thơ Nôm được truyền tục rộng rãi trong dân gian.

117- Lê Văn Hưu (1230-1322): Nhà Văn hóa, nhà Sử học nổi tiếng. Ông người làng Phủ Lý Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ bảng nhãn, làm thị độc Hàn Lâm viện, Giám tu Quốc sử quán, Binh bộ Thượng thư. Ông từng là thầy dạy học của Trần Quang Khải. Tác giả nhiều tác phẩm, trong đó có bộ lịch sử: Đại Việt sử ký - biên soạn lần đầu ở nước ta (1272) đời Trần Thánh Tông.

118- Phan Huy Ích (1750-1822): Hiệu Dụ Am, người làng Thu Hoạch, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; cư trú ở làng Thày (Quốc Oai, Hà Tây). Đỗ đầu thi Hội, làm Đốc đồng, thăng Hiến sát sứ Sơn Nam, Thanh Hóa. Sau khi nhà Lê mất, ông hợp tác với Quang Trung làm Thị trung Ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ, đi sứ sang nhà Thanh. Nhà Tây Sơn mất, ông bị triều đình nhà Nguyễn đánh đòn ở sân Văn Miếu (1803), sau về ở ẩn. Tác giả nhiều sách Văn, Sử và Thơ ca.

119- Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941): Có tên là Vịnh, quê gốc ở làng Mọc Quan Nhân (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), sinh tại thành phố Vinh. Năm 1930, vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách vận động vùng Trường Thi - Bến Thủy rồi sang công tác ở văn phòng Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản tại Hương Cảng, bị chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam (1931-1934). Năm 1935, là đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva, làm bạn đời với Lê Hồng Phong, năm 1936 về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ đạo khởi nghĩa Nam Kỳ và bị Pháp bắt và xử bắn bà tại Hóc Môn.

120- Trần Quang Khải (1241-1294): Trần Quang Khải, con thứ ba của Thái Tông Trần Cảnh, em ruột vua Trần Thánh Tông, làm tới chức Thượng tướng Thái sư. Ông đảm nhận việc ngoại giao trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, trực tiếp chỉ huy trận thắng ở Chương Dương (1285), là tác giả bài Tụng giá hoàn kinh sư nổi tiếng. Trần Quang Khải có học lực cao, sáng tác nhiều bài thơ xuất sắc, bộc lộ hào khí của thời đại đất nước hưng thịnh, đồng thời lại chứng tỏ một tâm hồn thi sĩ phong phú, gắn bó với thiên nhiên. Tập thơ Lạc đạo tập chỉ còn sót lại hơn mười bài, có bài nổi tiếng, tuy viết bằng chữ Hán mà rất phổ biến trong các thế hệ dân chúng xưa và nay.

121- Ngô Gia Khảm (1919-1990): Anh hùng lao động, quê xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, ông được cậu là Ngô Gia Tự giác ngộ và tham gia cách mạng từ sớm. Năm 16 tuổi, ông làm thợ nguội Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, năm 1941, bị Pháp bắt đày đi Sơn La. Năm 1944, ra khỏi ngục, ông là một trong những người lập xưởng quân khí, làm ra quả lựu đạn đầu tiên. Sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc, chế tạo hạt nổ, ba lần chế thử bị thương nặng vẫn không nản. Năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng lao động đợt đầu tiên. Năm 1954, ông về tiếp quản làm giám đốc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, rồi làm Cục trưởng Cục đầu máy - Toa xe, Tổng cục Đường sắt, Trưởng ban Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

122- Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947): Nhà chí sĩ, nhà văn, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tân Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Hoàng giáp, không ra làm quan, đứng đầu phong trào Duy Tân ở Trung kỳ đầu thế kỷ XX. Phong trào chống sưu thuế nổ ra, ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm, trở về là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, làm báo Tiếng dân. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Bộ trưởng Nội vụ, quyền Chủ tịch nước khi Hồ Chủ tịch sang Pháp, Ông sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ông là tác giả các sách Thi tu tùng thoại, Thi tù thảo, Trung Kỳ cựu sưu ký.


tải về 5.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   62




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương