Nguyễn văn hòa quỹ ĐẶt tên trưỜng học tỉnh đĂk nông đẾn năM 2020 Đăk Nông 2014 Lời nói đầu



tải về 5.17 Mb.
trang38/62
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích5.17 Mb.
#37950
1   ...   34   35   36   37   38   39   40   41   ...   62

166- Dương Đình Nghệ (?-937): Là bố vợ của Ngô Quyền. Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hạo cầm quyền (907-917), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ (917-930). Năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử. Dương Đình Nghệ khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm.

167- Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977): Nhà thơ, quê làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trong kháng chiến chống Pháp tại chiến Khu Đ, Nam Bộ, ông làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh quân khu VII, được phong quân hàm Thiếu tướng. Hai câu thơ của ông trong bài Nhớ Bắc viết ở chiến khu năm 1946-1948 được trích dẫn trong nhiều bài viết ở nhiều nơi, nhưng đôi lúc khác nhau. Nguyên văn của tác giả là: Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Năm 1953, ông ra Bắc, giữ các chức vụ Cục phó Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, trở lại miền Nam, ông làm Phó Bí thư Đảng ủy Trung ương Cục miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

168- Lê Thanh Nghị (1911-1989): Tên thật là Nguyễn Khắc Xướng, quê làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, làm thợ điện, vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ra tù, ông được cử vào Thành ủy Hà Nội công tác ở Xứ ủy Bắc. nhưng đến năm 1940 lại bị bắt đày đi Sơn La. Năm 1945, ông về Hà Nội tham gia Thường vụ Xứ ủy, Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, chỉ đạo chiến khu II. Sau là Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội từ khóa II-VI.

169- Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872): Hiệu Nghi Chi, là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là nhà soạn tuồng Việt Nam. Ông sinh ra trong gia đình chài lưới rất nghèo tại làng Long Tuyền, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Do thông minh và chăm chỉ, năm 1835, ông đỗ thủ khoa kỳ thi HươngGia Định. Sau khi trượt kỳ thi Hội, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Tri huyện Phước Chính, thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Với bản tính liêm chính, khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, năm 1862, Bùi Hữu Nghĩa xin từ quan về quê dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và làm thơ. Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước. Ông lâm bệnh và mất ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872), thọ 65 tuổi.

170- Nguyễn Chế Nghĩa (thế kỷ XIII): Người làng Cối Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, một danh tướng đời Trần, theo Trần Hưng Đạo chiến đấu ở biên giới, Phả Lại, Bạch Đằng, lập nhiều chiến công chống quân Nguyên năm 1288. Sau chiến thắng, ông được phong tước Nghĩa Xuyên công. Vua Trần Anh Tông gả công chúa Ngọc Hoa cho ông.

171- Trần Đại Nghĩa (1913-1997): Tên thật là Phạm Quang Lễ, quê tỉnh Vĩnh Long, học ở Pháp, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, tình nguyện về nước tham gia kháng chiến, được phong Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân giới, sáng chế ra súng không giật SKZ, Badoca, là Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

172- Đoàn Trần Nghiệp (1908-1931): Tức Ký Con, quê ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, làm Trưởng ban ám sát, trừng trị nhiều tên tay sai, mật thám cho Pháp. Ông bị Pháp bắt, kết án tử hình cùng với 11 người khác tại Yên Bái.

173- Nguyễn Bá Ngọc (1952-1965): Quê xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, giặc Mỹ vừa ồ ạt đưa quân vào miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, ném bom cả trường học và bệnh viện. Ngày 4 tháng 4 năm 1965, máy bay giặc Mỹ đã tới ném bom, bắn phá xã Quảng Trung. Lúc ấy, người lớn đã ra đồng làm việc, trong nhà chỉ còn có trẻ em. Ngọc đã anh dũng cứu nhiều em nhỏ, đã bị một viên bi bắn vào lưng rất hiểm, đã hy sinh vào lúc 2 giờ sáng ngày 5 tháng 4 năm 1965 ở bệnh viện.

174- Nguyễn Văn Ngọc (1891-1942): Tên thật Nguyễn Ngọc Nhữ, hiệu Ôn Như, sinh tại Hà Nội, quê làng Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là nhà nghiên cứu Văn học dân gian, từng dạy học, thanh tra sơ học, phụ trách Tư thư cục Nha Học chính, đốc học Hà Đông. Ông viết trong nhóm Cổ kim thư xã bằng cả Pháp ngữ và Quốc ngữ, biên soạn nhiều sách giáo khoa, viết báo Nam Phong, Đông Thanh, để lại nhiều tác phẩm giá trị: Cổ học tinh hoa, Đông - Tây ngụ ngôn, Nam thi hợp tuyển, Tục ngữ phong dao, Nhi đồng lạc viên, Câu đối, truyện cổ nước Nam

175- Đặng Văn Ngữ (1910-1967): Giáo sư, bác sĩ, quê ở An Cựu, Huế. Ông là nhà khoa học xuất sắc để lại nhiều công trình có giá trị cho ngành y và chuyên ngành Ký sinh trùng. Ông là giáo sư chủ nhiệm bộ môn Sinh học, Đại học Y khoa, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng. Ông hy sinh tại Thừa Thiên khi đi thực nghiệm chống sốt rét cho quân Giải phóng miền Nam, được truy tặng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

176- Ngụy Như Kon Tum (1913-1991): Quê xã Minh Hưng, huyện Hương Trà, Thừa Thiên, sinh ra tại Kon Tum, đỗ thạc sĩ Vật lý - hóa học tại Pháp năm 1937. Ông về nước, dạy học ở các trường trung học tại Huế, Hà Nội và cộng tác viết cho báo Khoa học. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia mọi công tác với tình yêu nước của một trí thức chân chính. Trong kháng chiến chống Pháp, ông lên Việt Bắc đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành giáo dục. Từ 1956-1982, ông là Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông tham gia Đoàn Chủ tịch liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa III, IV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp.

177- Nguyễn Phúc Nguyên (1562-1635): Ông là con thứ sáu của Nguyễn Hoàng, nối ngôi cha cầm quyền ở Đàng Trong, thành vị chúa thứ hai của Vương triều Nguyễn. Từ năm 1613, ông chính thức đặt cho họ mình là Nguyễn Phúc (miền trong gọi là Nguyễn Phước). Tục gọi là chúa Sãi. Ông dụng Đào Duy Từ giúp mình lập cơ nghiệp, giao hiếu thông gia với vua Cao Miên, tạo điều kiện đưa dân vào miền Nam được xa hơn. Ông chính thức đương đầu với họ Trịnh, trả lại sắc vua Lê, đắp lũy Thầy rồi giao chiến với quân Trịnh.

178- Nguyên Hồng (1918-1982): Nhà văn Việt Nam, họ Nguyễn, sinh ở phố Hàng Cau, Nam Định, sống làm việc ở Hải Phòng, tham gia đoàn Thanh niên dân chủ, viết báo. Từ năm 1939 đến năm 1942, ông bị Pháp bắt giam ở trại Bắc Mê. Ra tù, ông tham gia Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến ở Hội Văn nghệ Việt Nam, ông tham gia làm tạp chí Văn nghệ. Năm 1970, ông về hưu, sống ở Yên Thế - Bắc Giang, sáng tác cho đến khi mất. Ông là nhà văn lớn trong dòng văn học Hiện đại phê phán, với các tác phẩm: Bỉ vỏ (1963), Những ngày thơ ấu (1983) và nhiều truyện ngắn in trong Bảy Hựu (1941), Miếng bánh (1945). Sau hòa bình, ông viết bộ Cửa Biển, tiểu thuyết trường thiên giá trị gồm 04 cuốn: Sóng ngầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời.

179- Ngô Thì Nhậm (1746-1803): Nhà Văn hóa, nhà quân sự, người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ Tiến sĩ, làm tới Công bộ Hữu thị lang thời Lê Mạt. Quang Trung ra Bắc Hà, trọng dụng và cử ông trấn giữ Thăng Long cùng với Ngô Văn Sở. Quân Thanh xâm lược, ông hiến kế lui quân về Tam Điệp bảo toàn lực lượng, đợi đại quân Tây Sơn ra, cùng tiến đánh giải phóng kinh thành – mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Triều Tây Sơn mất, ông bị nhà Nguyễn bắt, hãm hại bằng trận đòn thù ở sân Văn Miếu, về nhà ốm chết. Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị về Văn, Sử, Triết, Ngoại giao.


tải về 5.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   34   35   36   37   38   39   40   41   ...   62




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương