Nguyễn văn hòa quỹ ĐẶt tên trưỜng học tỉnh đĂk nông đẾn năM 2020 Đăk Nông 2014 Lời nói đầu



tải về 5.17 Mb.
trang28/62
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích5.17 Mb.
#37950
1   ...   24   25   26   27   28   29   30   31   ...   62

84- Dương Quảng Hàm (1898-1946): Quê làng Phú Thị, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông dạy học 25 năm ở trường Trung học Bảo hộ (Bưởi). Sau Cách mạng tháng Tám, làm Tổng thanh tra Trung học vụ, Hiệu trưởng trường Chu Văn An. Ông là Giáo sư đi tiên phong trong xây dựng nền Văn học sử nước nhà, là tác giả bộ sách quý Việt Nam văn học sử yếu (1942). Ông hy sinh trong những ngày toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội (tháng 12 năm 1946) và được truy tặng là liệt sĩ.

85- Đỗ Hành (1270-1293): Ông người hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một tướng tài thời vua Trần Nhân Tông, tham gia trận Bạch Đằng giang ngày 09-4-1288 và bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc.

86- Hai Bà Trưng: Tức là Trưng Trắc và Trưng Nhị (14-43), nữ anh hùng dân tộc. Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn mùa xuân năm 40, đánh thủ phủ Luy Lâu của quân Hán thống trị, rồi thu lại 65 thành. Bà Trưng Trắc lên làm vua, lập đô ở Mê Linh (nay là xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Năm 42, Mã Viện mang quân sang đàn áp, Hai Bà chống lại không nổi, đã anh dũng tuẫn tiết ở Cấm Khê.

87- Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791): Tên thật là Lê Hữu Trác quê ở Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên. Sau về quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh. Học rộng, nổi tiếng là danh y, từng được chúa Trịnh mời ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử. Tác giả bộ sách thuốc lớn gồm 63 quyển: Y tông tâm lĩnh, Bách gia trân tàng, Hành giản trân như và tập ký Thượng kinh ký sự ghi lại hành trình đến Thăng Long, rất có giá trị.

88- Hàm Nghi (1870-1943): Chính tên là Ưng Lịch, lên ngôi vua triều Nguyễn lúc 13 tuổi. Ông là vị vua yêu nước chống Pháp, có khí tiết và trọng danh dự dân tộc. Ông theo phe kháng chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu, tấn công các căn cứ của Pháp ở Huế thất bại, nhà vua rời kinh thành ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương phát động toàn dân chiến đấu. Sau bị bắt, đầy sang An-giê-ri thuộc Pháp, ông sống ở An-giê-ri 47 năm với nỗi đau của vị vua mất nước.

89- Hàn Mặc Tử (1912-1940): Tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, huyện Đồng Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình). Hàn Mặc Tử làm thơ sớm, 14 tuổi đã có thơ Đường luật đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị. Năm 1930, Hàn Mặc Tử đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ do một Thi xã tổ chức. Cùng Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử lập trường thơ Loạn. Ông sử dụng nhiều bút danh: Phong Trần, Lệ Thanh rồi cuối cùng là Hàn Mặc Tử. Tác phẩm gồm có: Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương (còn gọi là Thơ điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên (gồm 02 vở kịch thơ: Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội)…Hàn Mặc Tử học Tiểu học ở Qui Nhơn, Trung học ở Huế, có thời gian làm ở Sở Đạc điền (Qui Nhơn). Năm 1934-1935, Hàn Mặc Tử theo Thúc Tề vào Sài Gòn làm báo (viết báo Công luận, phụ trách trang văn báo Sài Gòn), về sau lại trở ra Qui Nhơn. Năm 1936, Hàn Mặc Tử bị mắc bệnh phong, phải vào nhà thương Qui Hòa và qua đời ở đó.

90- Hàn Thuyên: Tên thật là Nguyễn Thuyên (thế kỷ XIII), người làng Lai Hạ, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đỗ Thái học sinh, làm tới Thượng thư Bộ hình. Nổi tiếng nhờ bài Văn tế cá sấu thời Trần, viết bằng chữ Nôm. Ông là người đi đầu làm thơ Nôm theo luật Đường do Hàn Dũ khởi xướng ở Trung Quốc, nên được nhà vua cho đổi sang họ Hàn.

91- Trần Nguyên Hãn (?-1429): Người làng Sơn Động, huyện Lập Thạch (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), dòng dõi nhà Trần. Ông vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, làm tướng lập nhiều công lớn, thu phục vùng Tân Bình, Thuận Hóa. Bao vây thành Đông Quan, Trần Nguyên Hãn tham gia đánh thắng trận Xương Giang, bắt sống tướng giặc Hoàng Thúc, Thôi Tụ. Bình công được phong Tả tướng quốc (1428). Sau bị vua Lê nghi ngờ, ông nhảy xuống sông tự vẫn. 26 năm sau mới được Lê Nhân Tông minh oan.

92- Lê Đại Hành (941-1005): Tức Lê Hoàn, sinh tại làng Trung Lập, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, một tướng giỏi được triều Đinh phong chức Thập đạo tướng quân. Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng mất, ông phò vua Đinh Toàn mới 06 tuổi, trông coi việc nước. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cùng tướng Phạm Hạp nổi dậy chống lại Lê Hoàn nhưng bị Ông nhanh chóng đánh dẹp. Thấy triều đình Hoa Lư rối ren, nhà Tống có ý định đánh chiếm Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga cùng tướng Phạm Cự Lạng và các triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn lên ngôi (sử cũ gọi là Lê Đại Hành), lấy tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế, niên hiệu là Thiên Phúc, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.

93- Vạn Hạnh (929-1018): Quê Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ đã thông minh, giỏi cả đạo Nho, Phật, Lão. Ông giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống xâm lược, nuôi dạy Lý Công Uẩn và khuyên Lý Công Uẩn lên làm vua thay Lê Ngọa Triều thối nát. Ông được triều Lý phong làm Quốc sư.

94- Lê Ngọc Hân (1770-1799): Công chúa út, con vua Lê Hiển Tông với bà phi Nguyễn Thị Huyền - người làng Nành (Gia Lâm). Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, nhà vua cảm kích gả công chúa cho. Ba năm sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, vua Quang Trung mất (1792), bà mới 22 tuổi, bằng tấm lòng tiếc thương vô hạn người chồng anh hùng, đầy võ công hiển vinh, bà đã viết khúc ca Ai tư vãn, để lại một áng văn hay cho đời.

95- Khúc Hạo (?-917): Quê ở đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, huyện Ninh Giang, Hải Dương, là con Khúc Thừa Dụ, Tiết độ sứ. Năm 907, ông lên thay cha nối nghiệp, có nhiều cải cách về chính trị, tài chính, kinh tế… thực hiện chính sách khoan dân để củng cố nền tự chủ đất nước.

96- Nguyễn Hiền (1235-?): Quê ở làng Dương A, huyện Thượng Nguyên (Mỹ Lộc) Nam Định, lúc nhỏ rất thông minh, nổi tiếng thần đồng. Năm 1247, nhà Trần mở khoa thi lần đầu lấy đỗ tam khôi. Ông làm bài phú rất hay, Ban giám khảo cho đỗ Trạng nguyên. Vua Trần phê vào bài 2 chữ “Thưởng trí”. Lúc vua Trần mở tiệc yến mừng, các vị tân khoa thấy cậu bé 12 tuổi mà đỗ đầu, bèn hỏi học ai mà giỏi vậy. Ông đáp: “Thần không phải sinh ra đã biết, nhưng văn thì tự lượng mà hiểu, chữ nào còn ngờ thì hỏi các sư, không ai dạy cả”. Vua cho là vô lễ bắt về học lễ vài năm sẽ cho làm quan. Có sử giả nhà Tống sang đưa bài thơ thử tài triều đình, không ai hiểu, phải cho gọi Trạng Hiền đến. Liếc qua, Trạng bảo chữ “điền”. Sứ Tống phục tài. Vua giữ lại làm quan, thăng đến chức Thượng thư Bộ Công, tước Kim tử Vinh lộc đại phu. Ông mất sớm, không rõ năm.

97- Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925): Hiệu Mai Sơn, người làng Liên Bạt, tỉnh Hà Đông. Năm 1892, ông thi đỗ Hoàng Giáp, được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc họcNinh Bình, rồi thuyên sang Nam Định nên ông còn được gọi là ông Đốc Nam. Năm 1898, qua giao tiếp với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền hỗ trợ phong trào Đông Du nhưng vì cha ông lúc đó mang bệnh nặng nên ông phải ở lại vận động cách mạng trong nước. Năm 1907, vua Thành Thái bị người Pháp buộc thoái vị, ông vào phủ Toàn quyền đòi nhà nước Bảo hộ bãi lệnh nhưng không thành. Thối chí, ông giả làm thầy bốc thuốc ở hiệu "Nam Thọ", Hà Nội rồi tìm đường sang Trung Quốc hoạt động và cùng với Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Quang phục Hội. Năm 1914, sau khi Phan Bội Châu bị bắt, ông là người lãnh đạo của hội. Sau khi các hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích Quang, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) và mất tại đây ngày 28 tháng 12 năm 1925. Ông để lại một số tác phẩm thơ, văn bằng chữ Hán, Nôm. Thơ ông chủ yếu ký thác những tâm sự của mình và lên án chính sách của người Pháp, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Tập văn xuôi Hát Đông thư dị của ông mang đậm tính chất truyền kỳ.

98- Lê Phụng Hiểu (thế kỷ XI): Quê ở làng Băng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một danh tướng của vua Lý Thái Tổ. Khi nhà vua mất, ba người con tranh ngôi của thái tử Phật Mã, nổi dậy bao vây kinh thành. Ông đã chỉ huy quân dẹp yên “loạn tam vương”, đưa thái tử Phật Mã lên ngôi là Lý Thái Tông (1028-1054).

99- Tô Hiệu (1912-1944): Quê làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng yên. Ông tham gia các phong trào yêu nước từ năm 1925. Năm 1930, Tô Hiệu bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Năm 1934 ra tù, ông hoạt động Mặt trận Dân chủ ở Hà Nội, rồi ra vùng mỏ Cẩm Phả chỉ đạo phong trào công nhân, được cử làm Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Tháng 12 năm 1939, ông lại bị Pháp bắt, giam lại nhà tù Sơn La. Do bị tra tấn, tù đày gian khổ, ông lâm bệnh nặng, qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1944 tại nhà tù Sơn La, nêu cao khí tiết của người Cộng sản.


tải về 5.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   24   25   26   27   28   29   30   31   ...   62




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương