Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ



tải về 2.21 Mb.
trang6/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29

42. Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ
Nhận được thư khôn ngăn cảm động, hổ thẹn. Quang là hạng người nào mà dám nói những lời ấy? Nhưng các hạ đã bảo Quang nói, nếu chẳng nói sẽ có lỗi! Trộm nghĩ: Các hạ muốn khuông phò, cứu giúp thời thế, nhưng chẳng thể thỏa lòng được thì hãy buông ý niệm ấy xuống, gắng sức cầu tự độ. Hãy nên dùng học thức của chính mình để xướng suất, hướng dẫn những người cùng hàng, khiến cho hết thảy mọi người tin tưởng Phật pháp biết rõ nhân quả ba đời, thậm chí khiến cho hết thảy những kẻ chẳng tin Phật pháp cũng đều biết tới nhân quả ba đời. Hễ biết nhân quả báo ứng thì cái tâm tự tư tự lợi sẽ dần dần tiêu diệt.

Hơn nữa, cõi đời ít có người lành là do trong gia đình không khéo dạy dỗ, nhưng trong một gia đình khéo dạy dỗ thì sự dạy dỗ của mẹ quan trọng nhất. Bởi lẽ, con người lúc bé hằng ngày ở bên mẹ, được hun đúc tánh tình nhiều nhất từ nơi mẹ! Do vậy, thiên chức của phụ nữ là giúp chồng dạy con. Nếu không có hiền nữ, làm sao có hiền thê, hiền mẫu cho được? Vì thế, nói rằng: Khéo dạy cho con cái biết nhân quả ba đời chính là cái đạo “gốc chánh, nguồn trong” để bình trị thiên hạ vậy! Hiện thời nam nữ tin Phật ở Thượng Hải rất nhiều, dùng danh vọng học thức của các hạ để bước lên cao hô hào thì mọi người sẽ hùa nhau bắt chước theo. Nếu phong thái ấy được thực hiện rộng rãi thì thế đạo tự nhiên thái bình. Cái đạo “gốc chánh, nguồn trong” như vừa mới nói đó cố nhiên ở nơi ấy chứ không ở đâu khác!

Các hạ đã chẳng thể vãn hồi thế đạo ngay lập tức, sao chẳng trông mong nơi bọn hiền tài sẽ dấy lên đông đảo vào mười năm, hai mươi năm sau? Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Lại nói: “Dạy dỗ con cái là căn bản để bình trị thiên hạ, nhưng dạy con gái lại càng thiết yếu”. Bởi lẽ, những kẻ làm quan hoặc giặc cướp hiện thời chuyên trọng vũ lực, chẳng đoái hoài đạo nghĩa đều là vì thuở ban đầu chẳng được cha mẹ hiền dùng nhân quả báo ứng để khéo dạy dỗ mà ra! Nếu thuở bé đã được nghe những lời dạy tốt lành thì thà chết cũng chẳng dám làm những chuyện thảm khốc trọn chưa hề có ấy! Tội lỗi ấy quả thật do cha mẹ bọn chúng khởi đầu, chứ không phải chỉ riêng mình bọn chúng! Trong cõi đời lúc này, nếu chẳng đề xướng những sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi v.v… mà muốn thế đạo thái bình, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền đều cùng xuất hiện trong cõi đời thì cũng không làm gì được!

Vì vậy, vào năm Dân Quốc thứ mười (1921), Quang in bộ An Sĩ Toàn Thư, tính quyên mộ để in ra mấy chục vạn bản, nhưng chỉ được bốn vạn; hiện thời đã in được năm vạn bốn năm ngàn bộ theo lối khắc ván. Nay đang in bộ Đại Sĩ Tụng, sang năm sau nữa sẽ in Nhị Thập Tứ Sử Cảm Ứng Lục đều là vì muốn cho người ta biết tới nhân quả. Biết nhân quả sẽ chẳng dám tổn người lợi mình, thương thiên hại lý! Những kẻ cường bạo trong cõi đời nếu nói đến chuyện đạo đức nhân nghĩa với bọn họ, chắc họ trọn chẳng động tâm; nhưng đem nhân quả báo ứng nói với họ, đừng nói đến [trường hợp] người nghe tin tưởng ngay lập tức, dẫu cho chẳng tin cũng sẽ kinh hãi sợ sệt. Các hạ có địa vị, chẳng thể vãn hồi con sóng cuồng loạn ngay được, sao chẳng hiện thân cư sĩ dùng chuyện này để làm kế vãn hồi cho tương lai ư? Dùng điều này để độ người tức là tự độ, há chẳng thích hợp hơn đi tới nước lạ để tìm tòi những bản kinh chưa hề thấy, lễ di tích của đức Phật để tự độ hay sao?

Con người hiện thời đa số tánh tình có phần mang thói ưa khoe khoang, lớn lối; [chẳng hạn như] chưa hoằng pháp nhưng trước hết đã cầu tìm kinh điển chưa được dịch [sang tiếng Hán] ở ngoại quốc; vậy thì đối với những kinh đã được dịch trong nước, có từng nghiên cứu mỗi một kinh cho đến tột cùng hay chưa? Huống chi nếu đã nhận hiểu được một hai nghĩa lý trong kinh Phật sẽ liền có thể thượng hoằng hạ hóa! Huống nữa, [kinh Phật đã được dịch sang tiếng Hán] dẫu nhiều đến mấy ngàn quyển vẫn [cho rằng] chẳng đủ dùng, cứ muốn tìm tòi tại các nước thuộc Ấn Độ ư? Phàm với những kiểu đề xướng như vậy, Quang đều chẳng cho là đúng! Những ý kiến như vậy đều xuất phát từ thói ham cao, chuộng xa, thấy khác lạ, nghĩ đi tận đâu đâu, hòng khiến cho mình được nổi bật lên giữa mọi người; nếu người ta nói sao mình cũng nói hệt như vậy thì chẳng đáng gọi là kỳ lạ, đâu thể hiện được bản lãnh của ta!

Luận về tài năng của các hạ, hãy nên theo như những gì Quang đã nói thì lợi ích sẽ lớn lắm. Nếu không, hãy chọn lấy một chỗ vắng lặng kín đáo để tận lực tu Tịnh nghiệp, đem học vấn, văn chương đã đạt được trước kia vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, nghĩ mình vốn là một kẻ vô tri vô thức, trong tâm chẳng sanh phân biệt, ngày đêm sáu thời chuyên trì một câu hồng danh thánh hiệu. Nếu có thể chết sạch được cái tâm mong ngóng, ắt sẽ đích thân thấy được bản lai diện mục! Từ đấy, dựng cao pháp tràng, khiến cho hết thảy mọi người đều cùng trở về biển pháp Tịnh Độ, sống làm bậc thánh bậc hiền, chết dự vào hội Liên Trì thì mới chẳng phụ sở học ấy, mới là bậc đại trượng phu chân Phật tử vậy! Còn chuyện viễn du Ấn Độ, chẳng qua nhằm mở rộng tầm mắt, mở rộng tri kiến mà thôi; chứ đối với phương diện sanh tử, muốn được tự độ thì [tự độ] ở chính nơi đây, nào phải ở nơi kia! Huống chi đường sá xa xôi, tốn kém không ít, thể lực của các hạ cũng chẳng mạnh mẽ cho lắm, gặp phải cảnh bôn ba nhọc nhằn ấy thì tổn hại rất nhiều, lợi ích thật ít, Quang trọn chẳng tán thành. Nay dẫn một chứng cứ; Khổng Tử nói: “Mạnh Công Xước vi Triệu Ngụy lão tắc ưu, bất khả dĩ vi Đằng Tiết đại phu65 (Mạnh Công Xước làm gia thần cho họ Triệu, họ Ngụy là hai khanh đại phu của nước Tấn thì tài năng có thừa, nhưng làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết thì không thể được). Hai câu nói [trên đây] của Quang chính là “Triệu Ngụy lão” vậy, chuyện viễn du Ấn Độ chính là “Đằng Tiết đại phu” vậy. Các hạ thử xét kỹ xem, chắc sẽ chẳng cho lời Quang là sai lầm!



Đại Sĩ Tụng ước chừng sẽ in trước hai ngàn bộ trong năm nay để gởi cho những người đã đặt mua trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa sắp chữ được một nửa, sợ khó thể bắt đầu in trong năm nay được! Nay tôi gởi kèm theo một trang thuyết minh biện pháp, ông đọc sẽ tự biết. Bốn trăm đồng của các hạ sẽ in được một ngàn hai trăm bộ sách, xin hãy cho biết phải gởi sách ấy về đâu hoặc [muốn chúng tôi] thay mặt [các hạ] gởi đến cho ai để chúng tôi thực hiện đúng như thế. Bộ Nhị Thập Tứ Sử Cảm Ứng Lục được phát khởi là do ông Ngụy Mai Tôn ở Nam Kinh muốn vãn hồi sát kiếp, Quang bảo ông ta hãy sưu tập rộng khắp những chuyện nhân quả trong hai mươi bốn bộ sử66 để chúng được lưu truyền rộng rãi trong cõi đời thì sẽ có hy vọng [thế đạo thái bình]. Do vậy, Quang đem bộ sách [Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục] của Bành Hy Tốc biên soạn gởi đi, bảo ông ta hãy mở rộng bộ sách ấy. Ông ta nghĩ Quang nói đúng, gắng hết sức sưu tập, chia thành từng môn, từng loại. Dưới mỗi đoạn lại còn ghi rõ xuất phát từ sách nào, tập nào, quyển nào, trang nào. Có lẽ trong năm sau sách sẽ hoàn thành, tôi sẽ ra sức đề xướng mạnh mẽ cho sách được lưu truyền rộng khắp để giúp cho thế đạo nhân tâm trong tương lai. Tôi nghĩ các hạ cũng tỏ lòng đồng tình đề xướng vậy (Chuyện này ông Ngụy chưa thực hiện được, nhưng tạo thành duyên khởi cho ông Hứa Chỉ Tịnh biên tập bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ. Xin hãy đọc bài tựa của tổ Ấn Quang viết cho bộ Thống Kỷ sẽ tự biết nguyên do).
43. Thư gởi cư sĩ Quan Quýnh Chi (thư thứ nhất)
Quang vô tri vô thức, được ông lầm để lọt mắt xanh, khôn ngăn cảm kích, xấu hổ. Hôm trước đã tặng một trăm đồng để in bộ Văn Sao, quả thật là nhiệm vụ cấp bách. Một người bạn Quang tên là Hoàng Ấu Hy cả nhà đều thuần thiện, nhưng bị chướng duyên đời trước trói buộc, khốn khổ vì vừa nghèo vừa bệnh. Trước đây, Quang từng đến đó, thương ông ta gặp cảnh khổ sở, biếu ông ta hai khúc vải Tây do ông Tôn Tam Nguyệt đã biếu cho Quang. Đêm Mười Chín khi nghỉ tại Tịnh Nghiệp Xã, nghe cư sĩ Giang Vị Nông nói ông ta đã bị bệnh thật ngặt nghèo, nay đã có chuyển biến; nếu từ rày lành bệnh thì cũng cần phải dưỡng sức hai ba tháng mới có thể lành lặn để làm việc tại xưởng in. Ông ta đi làm ăn lương mà còn khó thể trang trải, huống chi mấy tháng ngồi không, biết phải làm sao đây, mong mọi người giúp đỡ. Quang nghe xong xót xa, cũng muốn đề xướng, bèn giao mười đồng cho ông Vị Nông. Nay tính đem món tiền một trăm đồng của các hạ dùng làm khoản tiền cứu giúp kẻ ngặt; ông ta có được món tiền một trăm đồng này sẽ chống chọi được một tháng. Lợi ích ấy tuy chẳng lớn lao bằng in Văn Sao, nhưng ân đức sâu đậm hơn in Văn Sao nhiều lắm; vì chuyện ấy còn có thể để thong thả được, chứ cảnh này hết sức nguy cấp. Quang vốn biết các hạ đại từ ban vui, đại bi cứu khổ, nên chẳng thưa trình trước [mà đã đem khoản tiền ấy biếu tặng rồi!]
44. Thư gởi cư sĩ Quan Quýnh Chi (thư thứ hai)
Nửa năm chưa gặp gỡ mà giang sơn mấy độ gấm vóc, nhân dân giàu mạnh đều trở thành điêu tàn khốn khổ, [lâm vào] tình huống chẳng nỡ nhìn được! Do vậy càng thêm tin tưởng “tướng cõi đời vô thường, tam giới như nhà lửa”. Các hạ nương sức túc nguyện tận lực hoằng dương Tịnh nghiệp, đúng là nên mượn dịp này để làm một mũi kim đâm xuống đảnh đầu đại chúng tu trì Tịnh nghiệp, ngõ hầu ai nấy đều chết sạch cái tâm mong ngóng “lại được sanh trong cõi trời, cõi người để hưởng thụ si phước” thì lợi ích càng lớn vậy!

Thiên Vương Điện của chùa Pháp Vũ kèo cột đã mục, lâm vào thế khó thể duy trì được lâu. Hòa Thượng [Trụ Trì] ngay từ lúc mới nhận chức đã bàn đến chuyện xây lại toàn bộ. Hiềm rằng hai năm qua có khi mùa màng thất bát, hoặc do chiến tranh liên miên, đến nỗi chỉ quyên được ba bốn ngàn đồng, còn thiếu rất nhiều, tính sai người sang các xứ Tân Gia Ba, Tân Lang v.v… để mộ duyên. Do những nơi ấy có đại sư Quảng Thông thuộc Hạc Minh Am trụ trì đạo tràng cả hai nơi, người nơi ấy trọn chẳng đến nỗi nghi là giả mạo! Tháng Sáu năm ngoái, Sư đã tận mặt cầu khẩn các hạ, đã được chấp thuận. Nay phái hai thầy Minh Đức, Hàm Nghiệp sang đó trước, sai Quang viết thư cho các hạ, mong các hạ sẽ xin thông hành, giấy nhập cảnh, hộ chiếu sang các nước ngoại quốc từ văn phòng giao thiệp thuộc Bộ Ngoại Giao và Lãnh Sự Quán để khỏi bị trở ngại. Nếu việc quyên góp được trọn vẹn để khởi công trùng tu điện ấy thì quả thật là do các hạ đã ban cho vậy.

Lẽ ra Hòa Thượng phải viết thư này, nhưng Ngài lại sai Quang viết vì Ngài chưa rõ lòng thành hộ pháp của các hạ; tuy vậy, để thành toàn cho đạo tràng của Bồ Tát thì chẳng nên sanh lòng so đo nơi tình người thân hay sơ. Quang được dính dáng vào chuyện công đức này thì cũng được lợi ích nên chẳng chối từ, kính cẩn trình lên, mong các hạ chẳng tiếc công sức khiến cho sở nguyện ấy được thỏa mãn thì may mắn lắm thay!
45. Thư gởi cư sĩ Quan Quýnh Chi (thư thứ ba)
Chắc hai lá thư trước đây ông đã nhận được rồi. Hiện thời vận đời đổi mới, những kẻ vô tri lầm lạc đề xướng thuyết hủy diệt Phật pháp trong lúc này, thật nguy hiểm quá! Đạo pháp chẳng bị diệt vong ngay lập tức là nhờ vào các hạ và các đại cư sĩ đổ công sức duy trì bằng nhiều phương cách. Nếu không, huệ mạng của Như Lai vĩnh viễn đoạn diệt từ đây, đông đảo chúng sanh trọn chẳng mong chi thoát khổ, nguy hiểm đến cùng cực! Ngày hôm qua, hòa thượng Diệu Liên ở Nam Kinh gởi đến một bức thư vốn là thư của Tôn Đại Tổng Thống (Tôn Văn) trả lời các cư sĩ thuộc hội Phật giáo vào năm Dân Quốc thứ nhất (1911). Lá thư ấy được đăng tải trong cuốn Phật Học Tùng Báo số thứ nhất, chẳng biết các hạ và các đại cư sĩ đã từng đọc qua hay chưa? Hòa thượng nói là bài viết ấy được đăng tải trong tháng Ba, có lẽ không đích xác, tôi sẽ kiếm trong những số Phật Học Tùng Báo còn giữ được để kiểm chứng.

Có lẽ nên cho đăng [lá thư ấy] trong những tờ báo lớn để những kẻ xướng xuất bừa bãi, tiến hành bừa bãi biết Tôn Đại Tổng Thống đã làm chuyện hoằng dương, bảo vệ Phật giáo như vậy. Nếu đăng báo nên ghi là “Công hàm bảo vệ Phật giáo của Tôn Đại Tổng Thống”, phía dưới ghi chú bằng hàng chữ nhỏ rằng “trích từ Phật Học Tùng Báo số thứ nhất”, hoặc ghi “do phân hội Phật Giáo Giang Tô sao chép gởi tới”, mong ông hãy cân nhắc.


46. Thư gởi cư sĩ Quan Quýnh Chi (thư thứ tư)
Đã lâu chưa được gặp mặt, khôn ngăn mong tưởng. Cư sĩ phát tâm Bồ Tát, lấy chốn đô thị làm đạo tràng, lấy những người cùng hàng làm pháp lữ. Thân tuy tại gia, hạnh giống như vị Đầu Đà, sẽ thấy sự giáo hóa từ bi được thấu khắp hết thảy những người cùng hàng dù thiện hay ác, sẽ do vậy mà thoát khỏi cõi Sa Bà này sanh về cõi Cực Lạc kia, ngõ hầu an ủi ý niệm từ bi của Thích Ca, Di Đà, Quán Thế Âm; khôn ngăn vui mừng, an ủi tột bậc! Ngày hôm qua, tôi nhận được thư của một người bạn là cư sĩ Trương Thụy Tăng cho biết: Trong tháng trước, do bị mất chi phiếu đã phải cùng người ta thưa kiện nơi tòa án, kẻ bị cáo cậy vào thế lực lớn gần như tố ngược lại, [may mà ông Trương] được cư sĩ có lòng yêu mến ngấm ngầm xoay chuyển giùm nên chưa đến nỗi bị kẻ ác gây khốn đốn lớn lao! Quang nghe xong mừng rỡ khôn cầm, khác nào chính mình được giúp đỡ, cảm tạ khôn xiết. Vốn tính gởi thư này thẳng đến chỗ ông ở, nhưng do địa chỉ, tên đường, số nhà đều không biết, chẳng thể giao cho bưu điện được. Vì thế, nhờ cư sĩ Thụy Tăng đem qua Thượng Hải thay mặt Quang trình lên, mong hãy rủ lòng từ bi thứ lỗi!
47. Thư trả lời cư sĩ Quan Quýnh Chi (thư thứ năm)

Nhận được thư khôn ngăn cảm kích. Đang trong lúc cuối thời pháp yếu ma mạnh, tổ đạo điêu linh này, may được các hạ và các vị cư sĩ cực lực cứu vãn, [Phật pháp] chẳng đến nỗi bị diệt vong ngay lập tức, nếu chẳng phải là nương theo nguyện để sanh trở lại, há có được như thế hay chăng? May nhờ vào đại lực mà thành lập được các hội Phật hóa, nên [Phật giáo] chẳng đến nỗi hễ bị xô đẩy liền đổ nhào ngay, không cách nào vực dậy được! Điều đáng lo là trong giới Tăng sĩ, do hàng tri thức kém cỏi nên chẳng dễ khiến cho người khác sanh lòng tin. May mà vẫn còn có các cư sĩ tuyên dương khiến cho người hiểu lý biết Phật là bậc đại thánh nhân, giáo pháp của Ngài là chuyện chẳng thể nghĩ bàn, quả thật là may mắn lớn lao! Lá thư hôm mồng Hai là thư gởi chung cho ông và cư sĩ Nhất Đình được gởi bằng thư bảo đảm, dẫu ông chưa nhận được cũng không sao. Những điều được nói trong ấy cũng chỉ là những ý cầu xin che chở mà thôi!


48. Thư gởi hai vị cư sĩ Quan Quýnh Chi và Vương Nhất Đình
Hôm qua nhận được thư của ông Hứa Chỉ Tịnh mới biết do Cư Sĩ Lâm bị lính đóng, hai vị đã thỉnh cầu chánh phủ, được [chánh phủ] chấp thuận duy trì, lại còn chấp thuận bảo vệ danh sơn vùng Chiết Giang, khôn ngăn cảm kích. Hiện thời Phật pháp suy tàn, nếu không có bậc đại lực ngoại hộ nương theo bổn nguyện tái lai thì sẽ bị diệt vong. Hai vị đáng gọi là bậc Bồ Tát hộ pháp hộ đời, đã ra tay đẩy lùi con sóng cuồng, kéo trở lại mặt trời sắp lặn. Chẳng những người trong pháp môn được che chở mà còn khiến cho chúng sanh đời tương lai được nghe Phật thừa. Công đức ấy chỉ có đức Phật mới biết được. Khi hồi hướng sau mỗi khóa tụng, Quang đều hồi hướng cho hai vị và tất cả những vị có công huân với Phật pháp. Quang đã thiếu tài trí, lại chẳng có tinh thần, chẳng thể vì pháp môn ra sức. Chỉ mong hai vị dốc sức duy trì thì may mắn lắm thay!
49. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ nhất)
Vừa nhận được thư gởi đến khôn ngăn thẹn thùng, sợ hãi. Ấn Quang là ông Tăng ở đậu, chỉ biết cơm cháo, do bất đắc dĩ nên mới bày ra khá nhiều thứ canh thừa, cơm sót cho xong trách nhiệm, mùi vị chua hôi, hình chất vữa nát, nhờm gớm mắt pháp của người khác, nhưng Úy Như vui thích cho là có ích cho kẻ đói nên đem truyền bá. Nếu các hạ muốn dẫn dắt cho những kẻ đói được ăn no cỗ vua mà trước đó đã dùng những món này để giữ hơi thở cho họ, chính là đã rủ lòng biệt đãi Quang quá mức rồi; há nên suy tôn Quang là người bậc nhất sau ngài Tỉnh Am? Dẫu Quang đáng xách dép cho ngài Tỉnh Am67 cũng chẳng nên thốt ra lời nói quá phận ấy, huống là nói văn chương của Quang trội hơn ngài Tỉnh Am ư?

Làm người thì phải theo đúng luân thường, tuy các hạ yêu mến Quang rất sâu đậm, nhưng [nói như vậy] thì cũng giống như chính mình đã lỡ lời đó thôi! Ông nên biết rằng: Sau ngài Tỉnh Am có những vị đại cao nhân, họ có hơn ngài Tỉnh Am hay chăng, chẳng dám dùng phàm tình để đoán bừa! Vị đáng xếp vào hàng có thể sát cánh kề vai [ngài Tỉnh Am] vì học vấn, kiến địa, tu dưỡng, đạo đức, hạnh nghiệp chẳng kém cạnh chút nào, chính là thiền sư Triệt Ngộ. [Suy tôn] Ngài làm vị Tổ thứ mười68 của Liên Tông, chẳng có phẩm đức nào đáng thẹn cả. Quang còn chưa dám xưng là hậu duệ [của các ngài Tỉnh Am, Triệt Ngộ], huống là được xếp vào cùng hàng ư?

Quán Thế Âm Bồ Tát tầm thanh cứu khổ, tùy loại hiện thân, sự nhiều, nghĩa rộng. Trước kia, Quang muốn tu chỉnh Phổ Đà Sơn Chí, đọc khắp các sách vở, chọn lọc hết để biên tập sao lục lại, hễ có ai nghi ngờ, bàn bạc chẳng thể thấu triệt đều thêm vào lời bình luận để mong sao phàm những ai là đồng bào đều được thấm gội ân trạch; nhưng vì túc nghiệp chưa tiêu, có mắt như lòa, không sao thực hiện được. Nay các hạ phát đại tâm ấy, sẽ giải được niềm tiếc hận lớn lao cho Quang, cảm tạ tột cùng, an ủi tột bậc! Bạch Y Chú69 chưa tìm được xuất xứ, chắc là do Bồ Tát thuận lòng kẻ căn cơ kém cỏi trao truyền trong mộng mà thôi! Dùng tâm chí thành để niệm thì không điều mong cầu nào chẳng được ứng nghiệm, không nguyện nào chẳng được thỏa; nhưng hàng tri thức trong nhà Phật chẳng đem chú ấy dạy cho người khác vì không rõ xuất xứ, sợ khơi ra đầu mối để người khác bịa đặt và nói xằng là “kinh Phật đều chẳng phải đích xác từ Phật quốc truyền đến mà phần nhiều do người đời sau ngụy tạo!” Thế tục niệm thêm mấy câu vốn là lời chú nguyện, hễ có thì cũng chẳng trở ngại, nếu không thì cũng chẳng trở ngại chi! Những điều Vương Uông Dương ghi chép chưa gởi kèm theo thư cũng không cần phải gởi đến nữa. Bồ Tát tùy cơ ban bố sự giáo hóa, chẳng thể dùng những cách thông thường để dò lường được! Há có nên dùng tri kiến phàm phu để phán đoán ư? Chỉ nên tin tưởng, kính ngưỡng, phụng hành thì lợi ích sẽ rộng lớn.

Chiêu Khánh Kinh Phòng (Phòng phát hành kinh sách chùa Chiêu Khánh) ở Hàng Châu có bài Quán Âm Linh Cảm Phú, nhưng những chuyện được trình bày trong ấy có nhiều chuyện bị giản lược quá mức, ngôn từ chẳng đạt ý nghĩa. Lại có cuốn Quán Âm Trì Nghiệm Ký70 không biết các hạ đã có hay chưa? Năm ngoái, Mạnh Do cậy Úy Như gởi tới [Phổ Đà] bản được sao lục từ Tạng kinh Nhật Bản; bản ấy do Châu Khắc Phục sưu tập, chỉ độ ba bốn chục trang. Nếu không có, xin hãy báo cho biết, tôi sẽ dâng lên ngay! Trong cuốn Hải Nam Nhất Chước71 sự tích thật nhiều, đều đáng để thâu thập, Quang thẹn mục lực không đủ, chẳng dám theo giúp một bên. Nếu mục lực tốt ắt sẽ vì các hạ ra sức cho được thành tựu tốt đẹp, dẫu chết cũng chẳng nuối tiếc!

Ngày hôm qua, tôi đã gởi thư cho Vân Lôi nhờ ông ta in cho Quang năm trăm bộ Văn Sao, chuyện giữ bản in, dùng loại giấy nào v.v… đều cậy ông ta dọ hỏi. Hôm nay, chùa Pháp Vũ có đại sư Khai Tường đến đất Thân (Thượng Hải), tôi nhờ thầy ấy giao cho ông Vân Lôi một trăm đồng, năm mươi đồng của các hạ cũng giao cho Vân Lôi. Đến khi in xong, sẽ bảo ông ta tính giá gốc mỗi cuốn, năm mươi đồng thì thỉnh được bao nhiêu bộ, chia thành hai phần, một phần sẽ báo cho các hạ cử người đến xưởng in nhận sách, một phần gởi thẳng về Phổ Đà cho Quang. Lần thỉnh này Quang không có sức gởi đi được! Một trăm đồng tiền sách ấy chính để chuẩn bị sẵn [hòng có sách] gởi cho đôi ba người bạn mà thôi (Mồng Bốn tháng Ba năm Dân Quốc thứ sáu - 1917)

Thư gởi cho Vân Lôi xin cầm theo khi giao tiền, ông ta chẳng thường ở xưởng in, đi vào năm giờ chiều thì sẽ chẳng lỡ dịp.


50. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ hai)
Hôm qua nhận được một cuốn Phật Học Sơ Giai (Bước đầu học Phật), khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn đến cùng cực. Quang là kẻ vô tri vô thức, gượng ứng theo duyên đời, tùy theo sự thấy nghĩ ngu muội của mình mà nói ra những lời lẽ hủ bại, tuy về ý còn có thể chấp nhận được, nhưng lời văn chẳng tươi đẹp, thông suốt. Các hạ chép mấy thiên văn từ [của Quang] vào cuối sách ấy, sợ bậc thanh nhã, thông suốt lớn lao đọc đến chắc sẽ chê các hạ không xét kỹ. Các hạ chỉ một lòng khơi gợi tâm chánh tín của người khác; năm ngoái, Quang từng tính dùng Phật Học Khởi Tín Biên để kết duyên, nhưng các hạ vẫn tự mình phát tâm, cự tuyệt chẳng nhận tiền.

Nay có ông Cao Thiệu Lân ở Bắc Quan, huyện Phước Đỉnh - Phước Ninh tỉnh Phước Kiến đã có tín tâm từ đời trước, mấy năm gần đây chuyên tu Tịnh nghiệp. Ba năm trước, Quang từng gởi cho ông ta mấy chục loại kinh sách, trị giá khoảng hai mươi mấy đồng. Do cuộc đất ấy ở khuất trong núi, lại do khổ sở, đói nghèo nên không có sức thỉnh [kinh sách] được! Một hai năm gần đây lại có ông Trần Diên Linh cũng là người ở Bắc Quan cùng huyện, Thái Mậu Đường là người ở Nam Quan, thường gởi thư đến. Năm ngoái, Quang đem bộ An Sĩ Toàn Thư đã khắc in gởi cho ba người ấy mỗi người một bộ. Bọn họ cũng muốn lợi người, bèn trong mùa Thu lập hội giảng diễn, thỉnh một vị Tăng đến làm lễ Mông Sơn một buổi, mọi người cùng niệm Phật hồi hướng, rồi sau đó tùy sức giảng diễn quả báo thiện ác và pháp môn Tịnh Độ. Năm ngoái có đến sáu bảy chục người nhập hội, năm nay chỉ còn năm sáu chục người mà thôi.

Do tại huyện ấy từ thời Nguyên - Minh đến nay, chưa hề nghe đến chuyện mở hội diễn giảng, trong mùa Hạ năm nay, bọn họ đặc biệt mời một vị pháp sư thuộc tông Thiên Thai giảng kinh. Chuyện ấy bất quá để phát khởi lòng tin cho người nơi ấy mà thôi! Nếu nói là hiểu rõ ý nghĩa thì thật chẳng phải là chuyện dễ dàng! Huống chi do địa phương cùng khổ, cũng chẳng thể thường xuyên cử hành được. Trộm nghĩ cuốn Phật Học Sơ Giai do các hạ biên soạn khá thích hợp với căn cơ bọn họ, do sách ấy trước hết nói đến nhân quả, sau đó nói về Tịnh Độ. Phàm những người thông hiểu văn nghĩa đều lãnh hội được, người đọc sẽ vui vẻ hướng về điều cao cả, muốn chấm dứt [những điều xấu ác vốn do] tình thế vẫn chưa thể [chấm dứt được], người diễn thuyết cũng có thể dựa theo văn từ ấy để tuyên nói, chẳng cần phải hái Đông nhặt Tây, quả đúng là bước đầu tiên để khuyến thiện dẫn vào Phật pháp. Tôi vốn muốn bảo họ thỉnh sách ấy từ quý thư cục, nhưng sợ bọn họ pháp tài chẳng đủ chắc đành bỏ lỡ lợi ích. Nếu các hạ chịu phát lòng đại từ bi hành đại pháp thí, gởi đến khoảng ba bộ để họ mỗi tháng căn cứ theo lời văn mà diễn giảng khiến cho nhân dân trong huyện ấy đều biết nhân quả, đều tu Tịnh nghiệp thì công đức ấy cố nhiên vượt trội hơn thí cho người phú quý gấp ngàn vạn lần! Phật Học Chỉ Nam, Khởi Tín Biên, Lục Đạo Luân Hồi Lục cũng gởi đi mỗi thứ một hai bộ để tiện cho họ có tài liệu trích dẫn hòng diễn thuyết. Nếu gởi thì phía ngoài [bưu kiện] nên ghi tên người nhận là ông Cao Thiệu Lân ở Bắc Quan, huyện Phước Đỉnh, tỉnh Phước Kiến.

Phần Tịnh Tọa Pháp Tinh Nghĩa (Những ý nghĩa tinh xác về cách tịnh tọa) cuối sách Phật Học Sơ Giai danh chẳng phù hợp với thật cho lắm, có lẽ nên đề là Chư Tông Yếu Điển Lược Kỷ (Ghi chép đại lược về các tác phẩm quan trọng trong các tông), phía dưới có lẽ nên ghi rằng: “Gần đây trước thuật của Phật giáo các tông được khắc in cực nhiều, nếu chẳng biết được chỗ trọng yếu, sợ rằng sẽ dõi nhìn biển cả mà lùi bước; vì thế, chọn lấy những sách trọng yếu trong các tông để nêu bày một hai điều. Muốn nghiên cứu tông nào thì trước hết phải chọn đọc những sách trọng yếu của tông ấy thì sẽ tự có thể do ước lược mà biết được rộng rãi. Hễ đã rõ một thứ thì trăm thứ đều rõ”. Năm ngoái, khi bộ Văn Sao hủ bại của Ấn Quang được gởi đến, đã tính gởi cho nhóm ông Cao Thiệu Lân dăm ba bộ. Do mỗi năm vào tháng Hai có cư sĩ Lý Tuấn Cảnh (cũng ở Bắc Quan, người này chất phác, thật thà, chẳng thông văn lý) theo các thiện tín đến núi dâng hương, muốn đợi ông ta đến đây sẽ bảo ông ta đem về. Ai ngờ năm nay ông ta chưa tới, về sau do nhiều người cần sách nên phải gởi đi hết. Đợi cho nhà in giao sách sẽ đem gởi cùng với những sách do các hạ vui vẻ biếu tặng khiến cho người trong huyện ấy được gội ân lớn khôn cùng của các hạ (Ngày Mười Tám tháng Tư năm Dân Quốc thứ sáu - 1917)


51. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ ba)
Ấn Quang thuở nhỏ thiếu học vấn, lớn lên vô tri, ăn bám Phổ Đà hơn hai mươi năm, nhất loạt không giao du với hết thảy Tăng - tục, nào ngờ các hạ là bậc học rộng, văn chương lớn lao, hoằng dương, giảng nói đại giáo, đã rủ lòng ban cho tác phẩm lớn lao, lại còn gọi Quang là người có cùng chí hướng nhất trong những người cùng chí hướng, cảm kích, hổ thẹn khôn ngằn! Quang vừa sanh ra liền bị bệnh mắt, nay đã đến tuổi tai nghe đã thuận (sáu mươi tuổi)72, suy yếu quá mức, không chỉ chữ trong tác phẩm lớn lao [của các hạ] không thể đọc được nhiều, mà ngay cả Tạng kinh chữ in to cả tấc cũng chẳng thể xem nhiều được! Do sức ác nghiệp trước kia, biết làm thế nào đây? Trong vòng một hai ngày, do ít có chuyện phải bận bịu, [mở tác phẩm của các hạ ra đọc] thấy những lời chú giải khá hợp sơ cơ, lời nào cũng có căn cứ, câu nào cũng hợp đạo, chẳng ngờ là trong đời này mà còn thấy người [có văn tài] như thế. Nhưng trong ấy cũng có những chỗ Quang nhìn không ra, muốn được thỉnh giáo để trừ nghi chướng. Tiếp đó, nghĩ mình chưa minh tâm, người ta có cách nhìn khác. Khi xưa Quang đã từng đối với Phật Học Tùng Báo, vội vàng khởi lên ý niệm “người nước Kỷ lo trời sập”73, đứa bé con khen chiếu. Do vậy, dâng lên chương trình gồm chín điều, mong họ sẽ sửa đổi quy củ đã định nhằm làm sáng tỏ pháp đạo, cư sĩ Nhất Thừa bỏ qua không thèm đọc tới; nay dám lập lại sự bại nhục ấy nữa ư?

Nay gởi cho ông một bộ Ấn Quang Văn Sao, mong hãy rủ lòng sửa chữa cho đúng. Bộ Văn Sao này do ông Từ Úy Như ở Hải Diêm (tỉnh Chiết Giang) ấn hành, biếu tặng. Năm Dân Quốc thứ hai, ông Cao Hạc Niên tới núi, đem văn cảo hủ bại của Quang đến đất Hỗ (Thượng Hải), cư sĩ Lê Đoan Phủ cho chép lại bốn bài luận ấy để đăng báo. Cố nhiên ông ta biết Quang chẳng muốn được người khác biết tới bèn dùng biệt danh [Thường Tàm] để ký dưới những bài đã đăng trong Phật Học Tùng Báo. Từ cư sĩ thấy vậy, lầm lẫn bội phục, hỏi thăm khắp mọi người nhưng không tìm được. Đến khi đã biết [những bài luận ấy] do chính Ấn Quang viết, liền cậy ông Địch Sở Thanh giới thiệu, muốn trao đổi thư từ trước khi gặp gỡ. Quang viện cớ người hèn đức bạc, học vấn hời hợt, thiển cận để cố từ chối. Ông ta liền dò hỏi khắp bạn bè, sưu tập được bao nhiêu đó lá thư hủ bại và sao lại những bài đã đăng trên Phật Học Tùng Báo cho sắp chữ đem in.

Cuối tháng Ba mùa Xuân năm nay, ông Từ cầm theo ba mươi bản đến núi thăm Quang. Lại còn muốn đem hết những văn cảo hủ bại khác, tính biên tập những phần đã được in và chưa được in rồi đem khắc ván. Mấy chục năm qua, nếu không có chuyện gì Quang chẳng động đến bút mực, nếu bị ai sai bảo hay bày tỏ nỗi lòng với bạn bè thì bút cùn lời thô, trọn chẳng đáng xem! Ông ta đã lầm lạc tán thưởng, chỉ đành đem lầm lạc đáp tạ lầm lạc, tùy duyên mà thôi! Trong bộ Văn Sao ấy vẫn có hơn mười chữ sai lầm, nhưng do mục lục không kham nổi nên chưa thể nêu ra. Bài luận Chẳng Nên Lẫn Lộn Giữa Tông Và Giáo bị tòa soạn Phật Học Tùng Báo thêm vào hơn một trăm chữ, thoạt mới đọc qua, dường như thông suốt, hợp lẽ, nhưng nếu chú tâm đọc kỹ, chẳng ổn thỏa, thích đáng lắm. Do vậy bèn bảo ông ta sao lục theo đúng nguyên bản.

Phổ Đà là chốn môn đình cúng bái, người chuyên tâm nghiên cứu kinh luận ít ỏi; hơn nữa, do Quang trọn chẳng dự đoán được chuyện này, chẳng kết giao cùng sĩ đại phu, rất ít người biết đến, không cách nào thúc đẩy, lo toan chuyện thù thắng (tức chuyện nghiên cứu kinh luận) được, nhưng một niềm ngu thành trộm dâng lên các hạ. Lưu thông kinh Phật chẳng giống như lưu thông báo chí, tiểu thuyết… mà cần phải nghĩ tính đến chuyện về lâu về dài thì mới hữu ích. Đúc bản kẽm tuy thuận tiện, nhưng rốt cuộc khó thể là kế sách lâu dài, vì trong mực in dùng cho bản kẽm đã bỏ thêm nhiều chất nước thuốc, lâu ngày [chữ in] sẽ bị phai nhạt, mất nét. Hãy nên in bằng bản gỗ thì mới lưu truyền lâu dài được. Ấn Quang gởi thư cho báo Phật Học Tùng Thư chính là vì chuyện này. Những phần được trích lục trong Văn Sao đã vì bạn bè mà lược bớt mấy đoạn. [Ông với Quang tuy ở] khác nơi mà cùng một tấm lòng, khác nhà mà như tận mặt trò chuyện. Đã coi nhau là người cùng chí hướng, chớ nên trách tôi chẳng thuận theo những thứ tán dương, khen ngợi này nọ [để gây phiền cho nhau] (Ngày Mười Tám tháng Sáu năm Dân Quốc thứ sáu - 1917)


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương