Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời đại sư Ứng Thoát



tải về 2.21 Mb.
trang3/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29

10. Thư trả lời đại sư Ứng Thoát (thư thứ nhất)
Ông tuổi mới vừa nhược quan (hai mươi) hãy nên tham học trước, chớ nên bày thói lạ, lộ vẻ kỳ, ra dáng hành hạnh Đầu Đà. Có lẽ nên đến chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai thân cận pháp sư Tĩnh Quyền. Hiện thời giảng sư có khá nhiều vị, nhưng Quang chỉ biết mỗi vị này, nên mới nói như thế; những vị khác Quang không biết nên chẳng dám bảo bừa ông đến thân cận họ! Pháp danh của bà nội và mẹ ông đã đính kèm trong thư gởi đến, mong ông hãy khuyên họ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì sẽ phù hợp với [pháp danh] Đức Thuần và Đức Nhất vậy. Từ rày, chớ nên gởi thư đến nữa, gởi đến quyết không trả lời, cũng đừng đến đất Tô vì đã không thể ở chùa Báo Quốc được thì đất Tô sẽ không có chùa nào ở được đâu! Huống chi mười tám món đồ18 của ông khá cồng kềnh, tới - lui chẳng dễ dàng! Học Giáo ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai dẫu chẳng thể trở thành bậc đại thông gia thì quyết cũng chẳng đến nỗi nhiễm theo thói đời bây giờ. Vì thế, kẻ mới phát tâm hãy nên suy xét cẩn thận rồi mới làm vậy.
11. Thư trả lời đại sư Ứng Thoát (thư thứ hai)
Quang là ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, suốt đời ăn nhờ ở đậu chùa người khác, há nên khen ngợi quá mức như thế? Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ; tháng Mười Một năm ngoái đã đăng [thông cáo] trên hai tờ báo ở Thượng Hải, cự tuyệt hết thảy thư tín. Tọa hạ phát Bồ Đề tâm, sắm sửa đủ mười tám món vật, muốn hành hạnh Đầu Đà, quả thật là hành hạnh khó hành, nhưng Quang trộm chẳng cho như vậy là đúng! Bởi lẽ, thời cuộc nguy hiểm, các nơi tai ương, đói kém, liều mình du hành vào nơi hoạn nạn, kinh Phạm Võng không chấp nhận đâu! Do vậy, hãy nên tìm một nơi chân thật tu đạo, giữ tâm khiêm hạ, chết sạch những vọng động, tu trì Tịnh nghiệp, so ra có ích hơn hằng ngày du hành, bôn ba nhọc nhằn! Phong tục ở nước ta chẳng giống như thời đức Phật tại thế, hãy thuận theo thời tiết mà lượng định oai nghi mới là người thông suốt. Nếu ông vẫn nhất quyết chẳng chịu thay đổi chương trình đã định, Quang cũng không ép! Nhưng sau này chớ nên gởi tới một chữ nào nữa, gởi đến quyết không trả lời! Ông đi đường ông, tôi giữ chí tôi! Huống chi Quang sẽ chết trong sớm - tối, nào còn dám xen vào chuyện người khác!

Vì sao biết tượng Đại Bi Chú19 là ngụy tạo? Bởi lẽ chú có vô lượng nghĩa lý, sao có thể lấy một tượng làm chuẩn được? Chú ấy do đức Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Phật20 nói ra trong vô lượng kiếp trước, sao lại cũng nhắc tới đệ tử của Phật Thích Ca là A Nan? Sao lại còn nhắc đến Mã Minh, Long Thọ là những vị chỉ xuất hiện sau khi đức Phật Thích Ca đã nhập diệt? Đại Bi Sám Nghi của Tứ Minh Pháp Trí đại sư21 người ta không thấu hiểu được, cứ thường coi trọng hình tượng, đủ thấy Tăng sĩ đời sau phần nhiều không hiểu rõ giáo lý!

Ông đã coi trọng trì luật thì hãy nên đọc phần nói về mười tám món vật trong các bản chú sớ kinh Phạm Võng, cần gì Quang phải nói tường tận từng món nữa đây? Ông soạn bài kệ rất hay, nhưng có chỗ hơi không thích đáng lắm, tôi sửa đổi đôi chút. Hãy nên lấy những lời lẽ sám hối của cổ nhân làm chuẩn, bởi những thứ do con người hiện thời soạn ra từ ngữ lẫn lý lẽ hoàn toàn chẳng được châu đáo như cổ nhân. Ông đi hành cước há nên gởi tiền cho Quang! Tính gởi sách cho ông, lại sợ ông đã khởi đơn22 không có chỗ nhất định, không biết phải gởi sách về đâu, cũng như do ông du hành mang vác vất vả nên chẳng gởi nữa!
12. Thư trả lời đại sư Ứng Thoát (thư thứ ba)
Nam-mô A Di Đà Phật chính là danh hiệu đức giáo chủ Tây Phương Cực Lạc thế giới. Gã ma con tên X… bèn y theo cách giải thích của gã ma con trước kia để phô trương ầm ĩ, muốn cho hết thảy những kẻ mù lòa khen hắn là bậc đại ngộ, nên mới tạo ra thứ ma thuyết ấy. Người mắt sáng trông thấy biết hắn bị ma dựa, mất trí điên cuồng, chẳng y theo những gì kinh Phật đã dạy, xằng bậy thêm thắt lời ma.

Sao ông chẳng biết A Di Đà kinh đã dạy: “Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Đức Phật ấy vì sao hiệu là A Di Đà? Này Xá Lợi Phất! Đức Phật ấy quang minh vô lượng chiếu mười phương cõi không bị chướng ngại nên hiệu là A Di Đà. Lại này Xá Lợi Phất! Đức Phật ấy và nhân dân của Ngài thọ mạng vô lượng vô biên A Tăng Kỳ kiếp nên tên là A Di Đà”. Đấy là những lời đức Phật Thích Ca đã nói, gã ma tử X… chẳng noi theo [lời Phật] mà dựa theo lời gã ma con trước kia đã nói, há chẳng phải là quyến thuộc của ma vương, thật sự là báng pháp ư? Nếu gởi những câu nói ấy cho người khác thì đời sau chẳng đọa địa ngục cũng sẽ mù mắt! Nếu ông chẳng hủy diệt sách ấy thì cũng sẽ mù mắt đấy!

Nay tôi giải thích đại lược cho ông, sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” đều là tiếng Phạn. Nam Mô cũng có khi viết là Nẵng Mồ, trong kinh thường dùng chữ Nam Mô, ở đây dịch là “cung kính, quy mạng, đảnh lễ” v.v… Hai chữ ấy nhằm biểu thị trực tiếp ý nghĩa cung kính quy y. A Di Đà Phật cõi này dịch là Vô Lượng Thọ, còn dịch là Vô Lượng Quang, ý nói đức Phật này quang minh lẫn thọ lượng đều vô lượng. Gã ma con tên X… nọ chẳng dựa theo lời của Phật, Bồ Tát, tổ sư đã nói, ngược ngạo y theo lời gã ma con kia nói, gã ấy còn chưa đáng là bậc chánh nhân quân tử, huống hồ đáng gọi là thiện tri thức ư?

Hiện tại tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, chỉ nên tự biết, đừng nên tranh biện với chúng nó. Vì sao vậy? Chúng nó muốn nhờ vào đấy để được danh văn, lợi dưỡng, chẳng những không chịu thuận theo mà trái lại còn tăng thêm sức ma của chúng nó. Nhẹ là hủy báng cho sướng miệng, nặng là bị hãm hại ngấm ngầm, chẳng thể không biết [điều này]! Giác Sách Biểu vẫn là khuyên người khác niệm Phật, bài thơ ấy cũng không nêu rõ được ý nghĩa sâu mầu nào! Đọc thơ của ông ta, sao bằng đọc thơ của Trung Phong quốc sư, Sở Thạch đại sư, Tỉnh Am pháp sư?


13. Thư trả lời đại sư Ứng Thoát (thư thứ tư)
Người tu Tịnh nghiệp cần phải nghiêm trì tịnh giới, sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, chí thành cung kính trì danh hiệu Phật, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải nhiếp tai lắng nghe. Thường nghe thấy tiếng niệm Phật, tâm sẽ tự quy nhất. Cách này ổn thỏa, thích đáng nhất, bất luận thượng trung hạ căn đều được lợi ích, trọn không lo bị bệnh. Nay gởi cho ông hai gói Ngũ Kinh, Thập Yếu v.v… mong hãy đọc kỹ sẽ tự biết sự sâu xa, rộng lớn của pháp môn, chẳng đến nỗi bị tri thức các tông khác lay chuyển, lung lạc. Quang già rồi, mục lực chẳng đủ, từ rày đừng gởi thư đến nữa. Gởi đến quyết không trả lời, vì mục lực chẳng thể thù tiếp nổi!
14. Thư trả lời sư Minh Tâm
Bế quan chuyên tu Tịnh nghiệp thì hãy nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Khóa sáng vẫn chiếu theo lệ thường tụng Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Tiểu Chú. Nếu không thuộc chú Lăng Nghiêm thì chẳng ngại gì hằng ngày cứ xem kinh mà tụng. Đến khi thật thuộc rồi hãy niệm thuộc lòng. Khóa tối thì kinh A Di Đà, Đại Sám Hối, Mông Sơn cũng phải thường niệm hằng ngày. Ngoài ra, nên niệm Phật từ sáng đến tối, đi - đứng - nằm - ngồi thường niệm.

Lại lập một quy củ, sáng niệm một lần; trước khi chưa niệm, lạy bao nhiêu đó lạy (trước hết lạy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lạy, rồi lạy A Di Đà Phật bao nhiêu đó lạy, rồi lễ Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi vị ba lạy, rồi lễ thường trụ thập phương hết thảy chư Phật, hết thảy tôn pháp, hết thảy hiền thánh tăng ba lạy). Hoặc niệm Phật một ngàn tiếng, hoặc nhiều hơn hay ít hơn. Niệm xong lại lễ chừng đó lạy, buổi sáng một lần, buổi chiều một lần, rồi nghỉ một khắc để tụng khóa tối, đầu hôm niệm Mông Sơn, sau đó niệm Phật bao nhiêu đó tiếng, lễ bao nhiêu đó lạy, phát nguyện hồi hướng, tam quy y xong, trong tâm thầm niệm Phật hiệu để dưỡng hơi. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm trong tâm, đừng nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng sẽ tổn khí, lâu ngày sẽ thành bệnh. Dẫu là ngủ nghỉ trong tâm vẫn thường giữ lòng cung kính, chỉ cầu tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, niệm niệm tương ứng với Phật hiệu. Nếu tâm khởi lên tạp niệm, liền lập tức nhiếp tâm kiền thành niệm, tạp niệm sẽ tiêu diệt ngay.

Đừng nên mù quáng dấy lên vọng tưởng, mong đắc thần thông, đắc duyên pháp, được tiếng tăm, mong xây chùa dựng miếu. Nếu có những thứ ý niệm ấy, lâu ngày chầy tháng ắt sẽ bị ma dựa. Nếu chẳng nói toạc những điều này với ông, sợ rằng ông sẽ tưởng những ý niệm ấy là tốt, vọng tưởng ngày ngày tăng trưởng, chắc chắn sẽ bị ma dựa không còn ngờ chi! Dẫu cho tâm đã tịnh, vọng bị khuất phục, cũng chớ nên sanh lòng hoan hỷ, tự khoe khoang với người khác, có một phần bèn nói tới mười phần, đấy cũng là cái gốc để bị ma dựa! Phàm có ai đến thăm, đều khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương.

Lại còn gặp cha nói Từ (nghĩa là dạy con noi theo đạo “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để hành, đấy gọi là Từ. Nếu nuông chiều chẳng dạy dỗ, dạy cho con học thói hư hỏng thì gọi là Hại, chứ chẳng gọi là Từ được! Chuyện này người đời trong trăm kẻ có đến chín mươi chín kẻ không biết. Vì thế, biến thành thời thế tàn sát lẫn nhau này. Nếu như ai nấy đều dạy con đúng đạo thì thế đạo thái bình, chẳng có người xấu. Những kẻ xấu đều là do cha mẹ chúng nó dưỡng thành, tiếc rằng không có ai đề xướng, người biết quá ít, chẳng đáng tiếc lắm thay!), gặp con nói hiếu, gặp anh nói yêu thương, gặp em nói cung kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy trọn hết chức phận, sẽ là thiện nhân. Lại phải nói với phụ nữ (mà cũng nên nói với nam giới): Phải dạy cho con gái tánh tình mềm mỏng, hòa hoãn từ bé, dẫu gặp chuyện không vừa ý cũng chẳng nổi nóng. Tập quen thành tánh, chẳng những vô cùng có lợi cho chính mình mà gia đình cũng được hòa thuận tốt lành, con cái ắt sẽ chẳng chết yểu, tánh tình hiền thiện, nước nhà vui mừng có được hiền tài.

Nữ nhân tánh tình quá nóng nảy sanh con phần nhiều bị chết hoặc lắm bệnh. Bởi lẽ, hễ nổi đóa lên, sữa liền biến thành chất độc. Nóng giận quá mức, cho con bú nó chết ngay lập tức. Bớt nóng hơn một chút thì nửa ngày sau, một ngày sau nó mới chết. Hơi nóng giận thì con không chết, nhưng chắc chắn cũng sanh bệnh. Đấy chính là sự lý nhất định không thay đổi được! Giới y khoa nước ta trọn chẳng hề nhắc đến, do vậy Quang phải nói rõ điều này. Do hiện tại thời cuộc chẳng yên ổn, đường sá ngăn lấp, không cách nào lưu truyền rộng rãi, cho nên nói với ông và Thanh Thái, phàm những ai học Y hãy đều nên nói với họ [điều này], mỗi năm sẽ cứu được vô số trẻ thơ: Trong khoảnh khắc nhất định phải chết hay bị bệnh, sẽ được an lành, không bệnh tật, nên người. Công đức phóng sanh lớn lao, nhưng chuyện này công đức so ra còn lớn hơn phóng sanh nữa! Dùng công đức này để hồi hướng vãng sanh, chắc chắn được mãn nguyện. Có ai thường chịu nói [điều này] với hết thảy mọi người thì cũng vun bồi công đức không gì lớn bằng! Do ông biết y thuật, đây là chuyện cứu người từ căn bản, là pháp lành không có hình tích gì để có thể thấy được. Nhân sĩ nơi quê tôi trọn chưa thấy nghe lời này. Ông có thể nói với những người quen biết ắt sẽ có thể từ một truyền mười, mười truyền trăm, cho đến ngàn vạn vô tận vậy!

Nghi thức nhập quan (bắt đầu bế quan) cũng không có quy cách nhất định, nói chung lấy cung kính chí thành làm chủ. Cần phải trong ngày hôm trước [ngày chính thức bế quan], lễ Phật tỏ bày chí nguyện của chính mình, rồi ngay trong hôm ấy (tức ngày chính thức bế quan) sẽ lễ Phật nơi đại điện, đến quan phòng (nơi bế quan) bảo người hộ quan khóa cửa. Trên cửa [quan phòng] dán một tờ thiếp (Bất Huệ minh tâm, phát tâm bế quan, chuyên tu Tịnh nghiệp, khắp vì mình và người sám trừ lỗi cũ, tăng trưởng thiện căn), viết hai hàng chữ trên một tờ giấy, dán ngay chính giữa trên ô cửa, không cần phải bắt chước kẻ không hiểu sự: Dùng phong bì hình chĩa ba, viết những điều [thệ nguyện] để niêm phong [cửa quan], thô kệch đến cùng cực! Thời hạn do mình chọn lựa, cũng chớ nên thỉnh người khác đến niêm phong cửa quan phòng. Những kiểu ấy đều là những kiểu cách bày vẽ rỗng tuếch, Quang hết sức chẳng thấy như vậy là đúng!


15. Thư trả lời đại sư Minh Tánh

Nhận được thư đầy đủ cả. Ông khen ngợi tôi quá lố khiến cho người ta bất an! Quang là người lòng nghĩ thế nào miệng nói toạc ra như thế ấy, chẳng khen ngợi người khác quá lố, chẳng nhận tiếng khen của người khác. Tuổi tuy tám mươi nhưng chẳng biết một điều gì! Vì thế, chỉ lấy niệm Phật làm phương kế tự giải thoát, nhưng do nghiệp nặng, trọn chẳng có sở đắc gì, do có sáu chục năm trải đời nên những lời nói ra chẳng đến nỗi chán tai người khác! Tọa hạ đã chẳng coi rẻ Văn Sao là hủ bại, dơ bẩn, thì hãy nên y theo những gì Văn Sao đã nói để tu tập, quyết chẳng đến nỗi làm hỏng đại sự của ngài. Còn như chuyện đến núi thì quả thật không cần thiết! Pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có chuyện “miệng truyền, tâm trao”, tùy ý để người khác tự hành lãnh hội từ nơi kinh giáo, trước thuật, không có gì là không được cả!

Chín vị tổ của Liên Tông không phải là mỗi vị đều được đích thân truyền ngôi vị Tổ như trong các tông khác mà là do người đời sau chọn lựa, dựa trên công lao hoằng dương Tịnh Tông sâu đậm của các Ngài mà xưng tụng như thế, chứ thật ra đâu phải chỉ có chín hay mười vị! Quang sau khi xuất gia, phát nguyện chẳng thâu nhận đồ chúng, chẳng làm Trụ Trì, chẳng làm giảng sư, cũng chẳng tiếp nhận pháp23 của người khác. Vào thời Đường - Tống vẫn còn có pháp truyền tâm ấn của Phật, chứ nay chỉ còn dòng phái các đời [truyền thừa] mà thôi, gọi là “pháp” cũng đáng tội nghiệp quá! Tịnh Tông trọn chẳng có chuyện ấy.

Đến núi [gặp gỡ Quang] vẫn chẳng hữu ích bằng đọc sách! Cổ nhân nói: “Gặp mặt chẳng bằng nghe tên”. Dẫu có đến đây thì những gì tôi sẽ nói với tọa hạ vẫn là những lời lẽ trong Văn Sao, nào có bí pháp đặc biệt sâu mầu nào đâu? Mười mấy năm trước, cuối lá thư gởi cho Ngô Bích Hoa, tôi đã viết: “Có một bí quyết tha thiết bảo ban: Cạn lòng thành, tận lòng kính, mầu nhiệm vô cùng!” Hơn nữa, cuối chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm có nói: “Phật hỏi pháp Viên Thông, con không chọn lựa, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. “Không chọn lựa” là dùng trọn khắp Căn, Trần, Thức, Đại để niệm Phật. Niệm Phật cậy vào Phật lực để liễu sanh tử, nhà Thiền cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Người đời nay ngộ được còn chẳng thấy nhiều, huống là bậc chứng Tứ Quả (Tạng giáo24) và Thất Tín (Viên giáo25) ư? (Tứ Quả, Thất Tín mới liễu sanh tử). Chỗ để thực hiện “nhiếp trọn sáu căn” là do nơi nghe. Bất luận niệm lớn tiếng hay niệm nhỏ tiếng, hoặc chẳng mở miệng niệm thầm trong tâm, đều phải nghe từng câu từng chữ cho rành rẽ. Đấy chính là bí quyết niệm Phật. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh là cương yếu của Tịnh Độ. “Nhiếp trọn sáu căn” là bí quyết niệm Phật. Biết được hai điều này rồi thì chẳng cần phải hỏi ai nữa!


16. Thư trả lời pháp sư Nghĩa Thông (thư thứ nhất)
Nhận được thư, biết tâm Sư hoằng pháp, bảo vệ đạo hết sức sâu đậm, thiết tha, khôn ngăn khiến người khác ngưỡng mộ khôn cùng! Trong cõi đời hiện thời, thổ phỉ thấy người khác có chút tích cóp thì nếu chẳng cướp đoạt cũng sẽ bắt cóc. Cô trinh nữ là phận gái, những người cùng sống đều là nữ giới, đang trong lúc loạn lạc cùng cực không có luật lệ này, lẽ đương nhiên nên tu ròng tịnh hạnh, há nên bỏ gốc theo ngọn, chú trọng xây cất ư? Pháp sư Tánh Nguyện, đại sư Giác Viên và tọa hạ sao đều chẳng nghĩ tới điều này? Mẹ ông Lý Tuấn Thừa đã chôn trong mộ rồi, bọn thổ phỉ còn đào lên, khiêng đi, bắt phải chuộc. Nếu chẳng phải do cha mẹ ông ta và chính ông ta ăn ở có tình nghĩa sâu đậm với địa phương thì có ai ở Tổng Thương Hội Nam Dương chịu đánh điện xin chánh phủ ra lệnh cho bọn chúng giao trả? Chứ nếu phải chuộc, chẳng biết sẽ phải tốn đến bao nhiêu vạn!

[Nay tôi] tính kế cho cô trinh nữ họ Trần: Đã đến Nam Dương, đã khai duyên (tức đã bỏ ra tiền để cúng dường xây dựng) thì duyên ấy hãy nên thâu lại, tạm giữ trong ngân hàng nào đáng tin cậy, đợi đến khi đại cuộc ổn định một chút, thổ phỉ chẳng tác oai tác quái, sẽ lại xây dựng cũng chưa muộn. Tại Nam Kinh, Dương Châu, phàm là chùa, miếu, ni am hay nhà người ta đều có lính đóng, bị chúng nó chà đạp chẳng thể dùng lời lẽ nào hình dung được. Chùa Pháp Vân ở Nam Kinh đã quyên mộ được bốn vạn tám chín ngàn đồng, tính cất đại điện trước, Quang cực lực ngăn trở, may là chưa xây. Nếu đã xây sẽ thành chỗ đóng quân, nhưng Cô Nhi Viện đã có lính đóng rồi. Những kẻ trước đó oán trách Quang ngăn cản, tới khi gần đây mới biết Quang thấy không lầm, mới chấp nhận là Quang biết nhìn xa.

Tọa hạ cùng pháp sư Tánh Nguyện, pháp sư Giác Viên chưa nghĩ đến điều này là vì người trong cuộc thì quáng vậy! Quang thì đạo đức, học vấn, văn chương vạn phần chẳng bằng được tọa hạ một phần, nhưng ăn cơm nhiều hơn tọa hạ ba mươi sáu năm (sống uổng sáu mươi tám năm), sự từng trải sâu hơn tọa hạ một chút. Đã là bạn bè trong pháp môn thì phải trọn hết tình bạn; cho nên đôi co một phen. Nếu hiểu là Quang chẳng muốn thành tựu chuyện tốt đẹp của người khác thì cũng chỉ đành cười khì mà thôi!
17. Thư trả lời pháp sư Nghĩa Thông (thư thứ hai)
Nhận được thư, biết tâm hoằng pháp, bảo vệ đạo hết sức sâu đậm, thiết tha khiến người khác kính ngưỡng khôn cùng, nhưng khen ngợi Bất Huệ quá lố, chưa khỏi mắc lỗi khiến người khác sái lẽ thường! Quang vốn là một con nộm đầu gỗ ngoan cố, viễn vông, hủ bại, thiếu những hiểu biết thông thường, là kẻ còn sống mà như đã chết rồi. Há nên khen ngợi quá lố như thế? Chẳng những khiến Quang mang tội, mà tọa hạ cũng chẳng thể không mang tội vậy. Cổ đức nói: “Ví như đất trên đường quan, có một người nắn thành hình tượng. Kẻ ngu cho là do Phật sanh, người trí biết là đất trên đường, một mai quan muốn đi, hủy tượng để đắp đường, tượng vốn chẳng sanh diệt, đường cũng vẫn như cũ!” Chỉ nên mặc cho người ta gọi là trâu hay ngựa, cứ tự giữ bổn phận của cục đất ngoan cố thiếu hiểu biết thông thường trên đường vậy!

Ông Diệp Huệ Nhãn thoạt đầu chưa mở huệ nhãn, lầm lạc xin quy y, sau này huệ nhãn rộng mở, bèn coi Quang như đất trên đường. Tọa hạ nói [ông ta] là cao túc đệ tử của Quang là vì chưa biết tâm ông ta mà nói vậy. Lý Huệ Giác đã do Diệp Huệ Nhãn giới thiệu, đã là bạn xướng họa thơ văn lâu ngày, gặp mặt trò chuyện ắt sẽ hoan hỷ chấp thuận, cần gì phải dùng lá thư một vạn chữ, lại gởi qua cho Quang để Quang gởi đi giùm? Đấy là vì tọa hạ vốn chưa hiểu rõ chí hướng của ông ta mà ra. Ông ta vốn ngưỡng mộ tọa hạ gấp vạn lần Quang; nếu đã sớm gặp được tọa hạ mấy năm trước đây, há chịu khuất mình theo bức tượng nặn bằng đất trên đường? Nhưng ông ta ăn ở vẫn còn như bát nước đầy, tuy biết Quang là đất trên đường, rốt cuộc vẫn chẳng có ý tưởng thị phi! Còn như ông ta gởi cho Quang năm ngàn đồng toàn là do ông ta tự phát tâm, Quang trọn chẳng hề khuyên dụ một chữ nào!

Thoạt đầu là [gởi] hai ngàn đồng để làm Phật sự cho cha mẹ ông ta và làm những thứ công đức khác. Sau đó là ba ngàn đồng đều dùng để in sách. Quang một mực chẳng hướng về người khác mộ duyên. Chùa Pháp Vân ở Nam Kinh do các ông như Ngụy Mai Tôn v.v… phát khởi, đặt Quang làm Hội Trưởng danh dự, mua được bốn trăm bốn mươi mẫu đất trống, dựng tạm mười mấy gian. Sau đấy liền đào chín cái ao phóng sanh. Lại mở Cô Nhi Viện đã được ba năm rồi, cô nhi hơn trăm đứa. Hiện tại, chùa Pháp Vân vẫn chưa chánh thức xây dựng, Quang chưa nói với một đệ tử nào bảo họ bỏ ra ngần ấy tiền để xây cất chùa Pháp Vân hoặc làm kinh phí cho Cô Nhi Viện. Có kẻ chẳng thương tình, xin Quang mộ duyên giùm, Quang bèn tùy theo sức mình mà giúp đỡ, trọn chưa hề giới thiệu cho một ai.

Tọa hạ cùng Lý Huệ Giác đã là bạn thân thiết trong pháp môn, tôi sẽ đem thư của tọa hạ kẹp vào gói sách, gởi thư bảo đảm cho ông ta, lại còn lược thuật đại ý, ắt ông ta sẽ ngưỡng mộ tấm lòng vì pháp của tọa hạ mà phát tâm xả thí lớn lao. Hơn nữa, Quang chẳng thích tâng bốc người khác quá mức, cũng chẳng thích bị người khác tâng bốc quá lố. Tọa hạ đừng làm văn, làm thơ gởi tặng, ngõ hầu mọi chuyện đều được thích đáng thì may mắn lắm thay!


18. Thư trả lời hòa thượng Truyền Độ
Nhận được khôn ngăn cảm động, hổ thẹn. Hơn ba mươi năm qua tọa hạ đã khiến cho Ô Vưu26 rạng rỡ như mới, còn Quang suốt mấy chục năm qua chỉ ở đậu, theo đại chúng ăn cơm trong chùa người ta mà thôi. Soạn được hai cuốn Văn Sao, văn từ hết sức chất phác, kém cỏi, chỉ là chuyện bị ép vào thế bất đắc dĩ, đành tắc trách cho xong, nào đáng được khen ngợi quá lố? Đại Sĩ Tụng, Văn Sao vào mùa Xuân năm sau sẽ gởi tới mấy gói để mong kết duyên. Hiện thời đã có người đặt khá nhiều, chẳng thể tặng khắp những ai hữu duyên, phải gởi hết cho những người đặt mua trước đã. Văn Sao bản mới còn chưa sắp chữ xong, có lẽ sẽ bắt đầu in trong năm. Sách này lại tăng thêm mấy chục thiên, bài văn về quý tự cũng được thêm vào trong số ấy.

Bế quan tu Tịnh nghiệp quả thật rất tốt, nhưng cần phải một lòng dốc sức nơi tín nguyện nhất tâm, chớ nên dốc sức nơi thấy tịnh cảnh hay thấy Phật! Nếu chẳng khéo dụng tâm, chỉ muốn mau thấy tịnh cảnh, vì vọng niệm ấy cố kết không cởi gỡ được, mỗi ngày một sâu hơn, ắt sẽ khiến cho oán gia trong đời trước biến hiện tịnh cảnh, đợi cho ông thấy xong, sanh lòng hoan hỷ lớn lao, ma sẽ thừa dịp xâm nhập, chẳng thuốc gì chữa được! Hãy nên đem lời khích lệ này để bảo ban.

Còn nói đến chuyện niệm Quán Âm để cầu sanh Tây Phương thì có gì là không được? Chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu phú quý được phú quý, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến cầu đại Niết Bàn sẽ đắc đại Niết Bàn” đó ư? Đại Niết Bàn là lý thể chứng được khi thành Phật. Rốt ráo thành Phật mà còn đạt được, huống hồ vãng sanh Tây Phương ư? Hơn nữa, Quán Âm và Di Đà đều cùng làm một chuyện độ sanh, nào có phân biệt? Nhưng cũng phải sáng tối niệm Phật thì sự lý mới viên dung! Chẳng thấy trong kinh Đại Bi, đức Quán Âm dạy người lễ bái, trì chú thì trước hết phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật đó sao?
19. Thư trả lời pháp sư Trần Không (thư thứ nhất)
Hôm qua nhận được thư và lời dặn dò viết bài đề từ về chuyện sáng lập Liên Xã để khích lệ mọi người v.v… Nay đã viết xong, sẽ gởi cùng [với thư này] để Sư xem xét thâu nhận. Tọa hạ hoằng hóa phần nhiều xiển dương kinh điển Tịnh Tông; pháp môn Tịnh Độ lý cực cao sâu, sự cực giản dị: Do chúng ta luân hồi trong sanh tử đã trải kiếp dài lâu, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên, nếu cậy vào sức tu trì của chính mình mà muốn diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp để liễu sanh thoát tử sẽ khó hơn lên trời! Nếu có thể tin tưởng pháp môn Tịnh Độ của đức Phật, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương thì bất luận nghiệp lực lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Chỉ mong tọa hạ mỗi ngày giảng kinh xong, sẽ suất lãnh đại chúng niệm Phật một tiếng đồng hồ, hồi hướng thế giới hòa bình, nhân dân yên vui, đừng bàn luận nhiều những điều huyền diệu.

Nay thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, thiên tai, nhân họa, giặc cướp đầy dẫy, nếu chẳng dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để giáo huấn, quyết khó thể nào đạt được hiệu quả. Nên biết rằng: Sự lý nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi do đức Phật ta đã nói chiếu rạng ngời như mặt trời, mặt trăng, là đuốc huệ trong đêm dài vô minh; giảng kinh, niệm Phật, hồi hướng cầu sanh thế giới Cực Lạc chính là thuyền Từ trong biển khổ sanh tử, muốn vãn hồi kiếp vận mênh mông này mà bỏ pháp này thì không còn nhờ vào đâu được nữa! (Ngày Hai Mươi Hai tháng Giêng năm Dân Quốc 26 - 1937).


20. Thư trả lời pháp sư Trần Không (thư thứ hai)
Từ tháng Giêng cho đến tháng Bảy nhận được bốn lá thư và bản thảo cuốn Liên Tông Tam Chủng Hiệt Yếu (ba thứ trích yếu trong Liên tông), bản thảo cuốn Tịnh Độ Tam Tự Kinh, và thư của ông Châu Lập Tri giới thiệu ông Đàm Hạo Nhiên xin quy y v.v… đủ chứng tỏ tâm Ngài tha thiết vì pháp, có lòng yêu mến tôi sâu xa. Tôi đã dặn [Hoằng Hóa Xã] gởi hai mươi gói Tịnh Độ Thập Yếu, hai mươi gói Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, mười gói Sơ Cơ Tiên Đạo (hướng dẫn ban đầu cho kẻ sơ cơ), hai mươi gói Kỹ Lộ Chỉ Quy (chỉ đường về nơi ngã rẽ), hai mươi gói Vật Do Như Thử (loài vật còn như thế), mười gói Bát Đức Tu Tri (những điều nên biết về tám đức), mười gói Tam Kinh Chú (chú giải ba kinh Tịnh Độ) và Công Dư Tu Dưỡng (tu dưỡng trong khi rảnh rỗi việc công), tổng cộng là một trăm mười gói, đã đem ra bưu điện gởi sang đất Kiềm (Quý Châu). Khoản tiền gởi đến là năm trăm hai mươi đồng đã giao cho nhà in.

Hai cuốn sách Liên Tông Tam Chủng Hiệt Yếu và Tịnh Độ Tam Tự Kinh do tọa hạ đã biên soạn phương pháp rất hay, ý tưởng rất tuyệt, đơn giản, thẳng chóng, sáng sủa, tùy theo căn cơ lập cách giáo hóa, có thể nói là những điều trọng yếu nhất của những điều trọng yếu trong Tịnh Tông, hãy mau chóng cho in ra lưu thông để được truyền bá rộng rãi, khiến cho khắp những ai trông thấy đều thọ trì, làm chiếc bè báu để độ sanh, làm tư lương trở về Lạc Bang, chẳng phụ bi tâm vô lượng của tọa hạ.

Đối với chương trình đơn giản ở Quý Lâm thì không nhất định phải chiếu theo chương trình tổ chức của Linh Nham mà hãy nên chiếu theo [đặc điểm] của địa phương để tùy theo căn cơ lập cách, chiếu theo thời thế, tình người mà sửa đổi, hoạch định chương trình. Đức Thế Tôn chế luật, tổ sư định Thanh Quy nhằm giúp cho người học có cái để vâng giữ trong bảy chi, bốn oai nghi27 vậy. Gần đây, nước nhà gặp nạn đến mức nghiêm trọng, tọa hạ hoằng hóa, phần nhiều hãy nên xiển dương nhân quả, báo ứng, chỉ dạy, giảng nói tường tận đường lối giáo dục trong gia đình để các đồng nhân ấy đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đánh đổ lòng ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ sống thì dự vào bậc hiền thánh, chết sẽ về cõi Cực Lạc. Phương tiện khuyên chỉ, sẽ thấy hiền tài dấy lên đông đảo, kiếp vận tiêu ngay, thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui (Ngày Hai Mươi tháng Bảy năm Dân Quốc 28 - 1939).


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương