Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Thái Tích Đỉnh



tải về 2.21 Mb.
trang14/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   29

92. Thư trả lời cư sĩ Thái Tích Đỉnh (thư thứ hai)

Vợ và con của ông Tiết X…. đời trước có kẻ oán thù lớn. Vì thế, [kẻ oán thù] cố ý [trả thù, khiến bà ta bị sanh khó] cho thỏa dạ. Nhưng [bỏ] công [niệm Quán Âm] ba ngày, sản phụ vẫn không sao, há chẳng phải là do niệm danh hiệu Đại Sĩ mà được cảm ứng đấy ư? Phàm phu chẳng biết “nhân trước, quả sau”, hễ không hiệu nghiệm liền ngã lòng tin tưởng. Nào biết [oan gia] trong đời trước oán thù sâu đậm, nhiều đời lắm kiếp đều mong báo thù, dẫu có nương nhờ hồng danh của Đại Sĩ mà vẫn chưa thấy hiệu quả. Nếu chẳng niệm hồng danh Đại Sĩ, há sản phụ vẫn được vô sự hay sao? Những kẻ lúc sanh nở niệm Quán Âm liền thấy hiệu nghiệm có tới trăm ngàn vạn người; há nên vì một sự không linh liền lui sụt lòng tin ư? Hãy nên trọn đủ lòng không sợ hãi, nói với người khác để cho hết thảy mọi người đều được yên vui. Lại còn nên khuyên họ đừng kết oán nghiệp. Nếu oán nghiệp nặng nề, Phật lực cũng khó cứu độ! Điều này đúng là có thể giúp cho việc khuyên lơn người khác biết “nhân trước, quả sau”. Chính ông chẳng hiểu rõ lý nên đối với điều này bèn chẳng thể quyết đoán được! [Lẽ ra] ông Tiết X… kia sẽ do điều này mà càng sanh lòng tin, nhưng lại ngược ngạo lui sụt lòng tin thì sợ rằng sau này sẽ lại xảy ra đại họa do túc oán gây nên.

Khi lâm chung có thể dùng cách trợ niệm, nhưng khi sanh nở thì không cần dùng cách trợ niệm. Chỉ cần bảo người nhà cùng những người săn sóc trong phòng sanh và chính sản phụ đều cùng niệm là được rồi! Sau này chẳng cần phải suất lãnh đại chúng trợ niệm. Niệm danh hiệu Quán Âm lớn tiếng thì có cảm ứng lớn, niệm nhỏ tiếng thì có cảm ứng nhỏ, chứ trọn chẳng có lẽ nào không ứng! Quan trọng là can đảm nói với mọi người, những kẻ chẳng thấy cảm ứng thì cũng chẳng phải là không hề có cảm ứng! (Ngày Mười Sáu tháng Chạp)
93. Thư trả lời cư sĩ Thái Tích Đỉnh (thư thứ ba)
Ngọc Hoàng Kinh là kinh do bọn đạo sĩ ăn trộm nghĩa lý trong kinh Phật ngụy tạo ra. Ông chẳng biết kinh ấy là ngụy, nên tưởng là đã thành Phật rồi mới làm Ngọc Đế. Ngọc Đế chính là Đao Lợi Thiên Vương168, tức là vua tầng trời thứ hai trong Dục Giới (Tầng trời phía dưới đó là Tứ Thiên Vương Thiên), phía trên còn có bốn tầng trời nữa. Sáu tầng trời này thuộc Dục Giới. Lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Sơ Thiền, lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Nhị Thiền, lên trên nữa là ba tầng trời thuộc Tam Thiền. Lên trên nữa là chín tầng trời thuộc Tứ Thiền. Mười tám tầng trời này là Sắc Giới. Lên trên nữa là bốn tầng trời thuộc Vô Sắc Giới. Phi Phi Tưởng Thiên chính là tầng trời thứ tư [trong Vô Sắc Giới], phước thọ tám vạn đại kiếp, nhưng khi hết tuổi thọ vẫn phải đọa lạc xuống những cõi dưới, hoặc đọa thẳng vào ba ác đạo. Vì thế nói: “Nhiêu quân bát vạn kiếp, chung thị lạc không vong” (Dẫu thọ tám vạn kiếp, rốt cuộc đọa không vong), huống là Ngọc Đế ở tầng trời thứ hai của Dục Giới ư?

Ông thấy Ngọc Hoàng Kinh nói cực cao, cực sâu, nhưng chẳng biết là kinh do kẻ dối trá ngụy tạo! Ông chỉ trì giới thanh tịnh. Nếu vì sanh con mà phải ân ái thì hãy nên tắm gội sạch sẽ, chớ nên thường ăn nằm. Người tụng kinh phải giữ cho thanh khiết. Nếu dâm dục khởi lên là đã ô uế rồi! Bất quá vì sanh con nên chẳng ngại làm chuyện đó một lần mỗi năm hoặc mỗi quý (ba tháng). Tiết dục được như thế thì đứa con sanh ra nhất định thông minh, phước thọ, chớ nên nói “vì mong có con mà không thể không thường ăn nằm!” Cần biết rằng: Thường ăn nằm thì ngược lại càng khó sanh con. Dẫu sanh được con cũng khó sống lâu vì “Tiên Thiên bất túc” vậy! Nữ nhân thọ thai rồi vĩnh viễn dứt chuyện ân ái thì đứa con sanh ra không những tướng mạo đoan chánh, tâm hạnh thuần thành, chuyên dốc, mà còn chẳng bị hết thảy những bệnh thai độc, lên đậu, lên sởi v.v… Ngay cả khi sanh cũng dễ sanh. Nếu thọ thai rồi mà ăn nằm một lần thì bọc thai dầy thêm một lần, cho nên khi sanh nở sẽ bị khó sanh, lại còn bị các thứ thai độc v.v…

Do một người bạn cậy Quang in giùm cuốn Đạt Sanh Thiên, phải giảo duyệt [cho ông ta], nên đem những nghĩa trọng yếu trong thiên sách ấy nói với ông để mong con cháu ông đều thành hiền thiện, thông minh, trí huệ. Đừng nói Quang là người xuất gia mà bàn chuyện ăn nằm của người ta! Chẳng biết chuyện ấy chính là chuyện sanh tử mấu chốt bậc nhất của thế gian, đúng là phải nên cứu giúp để chính mọi người và hết thảy con cháu họ đều được phước thọ, khỏe mạnh, bình yên thì vui sướng chi hơn! (Ngày mồng Bảy tháng Chạp).
94. Thư trả lời cư sĩ Lưu Đức Huệ
Mười mấy hôm trước đã nhận được bộ Luận Mạnh Phân Loại169 của lệnh nghiệp sư là tiên sinh Tây Tuyền do ông gởi tới. Vì mục lực không đủ, lại thêm công việc bề bộn, những chữ chú thích lại quá nhỏ chẳng dễ đọc nên cũng không rảnh rang để xem, chỉ xem đại lược khi rảnh rỗi đôi chút mà thôi, chứ hoàn toàn chưa xem trọn. Nếu sách này được hoàn thành vào năm năm trước thì Quang sẽ thay đổi hình thức trình bày [của cuốn sách] cho đọc đỡ tốn công lại dễ xem. Phần chánh văn in bằng cỡ chữ Nhị Hiệu Tự (phần chánh văn trong cuốn sách hiện thời in bằng cỡ chữ Nhị Hiệu Tự), phần chú giải in bằng cỡ chữ Tam Hiệu Tự, phần Đảnh Cách170 sẽ in thêm một vạch mực thì chủ và bạn171 sẽ dễ phân biệt. Phần chú giải in chữ to thì người lớn tuổi cũng đọc được.

Hiện thời vật giá đắt đỏ, dân nghèo cùng, đối với mỗi quyển bèn xuống dòng, in tiếp theo đó172 sẽ đỡ tốn giấy nhiều lắm. Phàm với mỗi chương trong một quyển, [cũng trình bày] như trong phần Mục Lục: Ghi số mục trong phần Đảnh Cách, phía dưới ghi thiên mấy, chương mấy để kẻ thư sinh xem đến chẳng đến nỗi mất công giở tìm Mục Lục. Luận Ngữ Phân Loại chia làm hai cuốn Thượng và Hạ. Cuốn Thượng dầy hơn một chút, đối với các thiên Thực Lục của chư tử trong cuốn Hạ đừng bỏ giấy trống. Chuyện của người trước đã thuật xong, bèn thêm một vạch mực [ngăn cách giữa hai chuyện] cho khỏi lẫn lộn. Những chỗ giáp trang, mặt trước mặt sau đều ghi [số trang, số quyển]. Cuốn Hạ bỏ giấy trắng quá nhiều, quá hao tốn giấy, hãy dồn một nửa cuốn Thượng sang cuốn Hạ. Trong cuốn Hạ, đối với các tiết (các phân đoạn thuật hành trạng) của cùng một người hãy sắp xếp liên tiếp, sẽ rất hợp lẽ! Trong phần Chánh Văn có những đoạn không quan trọng, khẩn yếu thì không cần phải in cao lên173 cũng là một cách để đỡ tốn giấy. Đấy là phương cách do Quang nhiều năm quen tay tính toán in sách nay kính cẩn nói với ông; tùy ông và mọi người liệu định, chứ Quang không buộc phải nhất định làm như thế.

Như muốn lưu thông rộng rãi, nếu một bộ giảm được một trang giấy (chú ý) thì một vạn bộ sẽ giảm được một vạn trang (chú ý); mười vạn bộ giảm được mười vạn trang (chú ý), phí tổn ấy chẳng nhỏ đâu! Còn soạn lời tựa thì do mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, nên cố nhiên phải nhờ bậc thông hiểu trong làng Nho viết, chứ Quang quả thật chẳng thể dùng tâm hay mắt được! Gắn phần ngăn cách174 cho sách Luận Mạnh Phân Loại (phần thượng, phần hạ của Luận Ngữ Phân Loại, phần thượng, phần hạ của Mạnh Tử Phân Loại) thì vừa nhìn liền thấy rõ, chớ nên để lộn xộn không phân ra.

Hiện thời sắp chữ theo chữ chì175 sẽ đỡ tốn tiền hơn khắc ván mà nét chữ cũng rõ và đẹp hơn, in bằng giấy Tàu hay dùng giấy Tây đều được. Nếu muốn lưu thông nhiều, hãy nên [bảo nhà in] làm Chỉ Bản (khoảng bốn, năm, sáu bức) thì mấy chục vạn cuốn cũng in được. Bản khắc ván, nếu in theo cách của Nam Kinh Kinh Phòng (Xưởng In Kinh ở Nam Kinh) tại Dương Châu, in được năm sáu ngàn bộ đã nhòe nhoẹt. In theo cách của Thư Điếm thì có thể in được hơn một vạn bộ do họ không ép mạnh nên chữ in ra dường như có, dường như không. Sách của Kinh Phòng in ra không một chữ nào chẳng rõ nét.

Một bức Chỉ Bản có thể đúc thành sáu bảy lần bản in kẽm. Hễ mỗi lần đúc kẽm thì xưởng in lớn chạy bằng máy in có động cơ, in mấy chục vạn cuốn cũng chẳng sao! Xưởng in nhỏ không mua nổi máy in có động cơ, in được chừng một vạn bộ là cùng; chữ lại thô vụng vì bị máy ép chữ ép lâu ngày, chữ kẽm liền bị lõm xuống, bẹt ra, cho nên chữ thô mà không rõ nét. Khi sắp chữ cần phải cậy người hết sức cẩn thận giảo chánh, đối chiếu. Thủ tục giảo chánh đối chiếu xưởng in sẽ cho biết; nhưng hiện thời Quang chỉ có thể nói là Quang chẳng thể dính dáng vào được vì không có mục lực lẫn tinh thần, mong hãy sáng suốt soi xét. Bìa sách nên dùng loại giấy da bò một trăm hai mươi bảng176, cứng chắc đến tột bậc. Loại bìa [cho cuốn] sách [mẫu] này giá vẫn không rẻ mà lại dở tệ, không chắc chắn, cần gì phải tốn tiền để mua loại giấy tạp ấy? (Ngày Hai Mươi Hai tháng Sáu năm Dân Quốc 26 -1937)

Con người ai nấy đều thích dễ coi, chỉ có tôi là thích cứng chắc bởi trước đây đã có người khuyên tôi dùng loại bìa sách nhuộm màu. Quang thấy loại bìa ấy mắc tiền nhưng không cứng chắc, mặc cho người ấy nói thế nào cũng không chịu. [Do vậy] biết người đời phần nhiều là thích bày vẽ bề ngoài, chẳng xét đến lợi - hại. Trình - Châu chú giải sách cũng là bày vẽ bề ngoài, chỉ mong được tiếng là những nhà Lý Học tinh thông rộng rãi, chê nhân quả, bác luân hồi, đến nỗi nẩy ra cái họa giết cha giết mẹ. Nếu nhà Nho ai nấy đề xướng nhân quả thì đâu đến nỗi thế đạo nhân tâm suy hãm cùng cực đến mức này?


95. Thư trả lời cư sĩ Lưu Dung Các
Nhận được thư đầy đủ, từ mùa Đông năm ngoái Quang giảo chánh sách vào ban đêm nên mục lực bị tổn thương; vì thế cự tuyệt hết thảy những chuyện thù tiếp thư từ. Vợ chồng ông muốn quy y thì nay tôi đặt pháp danh cho mỗi người, viết trong một tờ giấy khác. Còn như khai thị thì cảm thấy quá tốn sức, vì thế tôi gởi cho ông mười một gói sách. Nếu chịu lắng lòng nghiên cứu sẽ tự lợi, lợi tha đều có thừa! Từ rày đừng gởi thư đến nữa, do mục lực chẳng thể thù tiếp được! Cũng đừng giới thiệu người khác đến quy y. Sang năm sớm muộn gì tôi cũng rời khỏi Tô Châu ẩn tránh thật xa, mong hãy sáng suốt soi xét.

Thời cuộc hiện tại nguy hiểm vạn phần, bất luận già - trẻ - trai - gái đều nên chí tâm niệm Nam-mô A Di Đà Phật và Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát để dự phòng. Kiếp vận hiện thời có trốn cũng trốn không được, có đề phòng cũng chẳng thể đề phòng! Chỉ có cậy vào lòng Từ của Phật, chắc sẽ được che chở trong cơn nguy hiểm nhỏ. Nếu đại hiểm họa xảy đến, có lẽ mọi người sẽ đều cùng chết sạch. Tuy người niệm Phật chẳng thể riêng một mình thoát khỏi kiếp nạn, tránh khỏi cái chết, nhưng chết rồi sẽ đi về đâu, mỗi người một khác! Người niệm Phật sẽ nhờ vào Phật lực sanh về Tây Phương. Dẫu chẳng thể sanh về Tây Phương, cũng sanh trong đường lành, trọn chẳng cùng đọa trong ác đạo như người không niệm Phật. Chẳng thể không biết đến ý này! (Ngày mồng Chín tháng Chạp năm Dân Quốc 22 - 1933)


96. Thư trả lời cư sĩ Lý Nhĩ Thanh
Đạo học Phật nằm ở chỗ thật hành. Nếu chỉ bày vẽ bề ngoài chẳng tu thật hạnh thì cũng chỉ được cái danh xuông bề ngoài mà thôi! Đã muốn vãng sanh Tây Phương, tự lợi, lợi người, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. Trên là cha, mẹ, chú, bác, cho đến anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái và các tôi tớ, cùng là xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu, phàm hết thảy những ai quen biết đều nên dùng những điều trên đây để khuyên lơn. Nếu chính mình chú trọng thực hành thì người khác sẽ nhìn theo bắt chước làm lành. Đấy gọi là “dĩ ngôn giáo giả tụng, dĩ thân giáo giả tùng” (dùng lời lẽ để giáo hóa thì bị tranh cãi, dùng hành động để giáo hóa thì được mọi người thuận theo).

Chuyện thế gian - xuất thế gian không một chuyện nào chẳng lấy thân làm gốc. Nếu tự mình chẳng thật hành mà dạy người khác hành thì chỉ có bậc thượng trí mới có thể thuận theo [vì bậc thượng trí mới thấy được] lời dạy đó hữu ích, chẳng cần so đo người [dạy bảo] ấy có làm được hay không? Nếu chẳng phải là bậc thượng trí, ắt sẽ bài bác trong lòng, chê bai sau lưng, đâm ra làm cho người ta tạo đại khẩu nghiệp! Muốn thật sự lợi người thì chuyện gì cũng phải trọn hết bổn phận của chính mình, trong hành vi thường ngày thảy đều bao gồm những cơ duyên giáo hóa người khác. Lâu ngày chầy tháng, người ta sẽ tự tin tưởng rồi thuận theo, cho nên sẽ tự nhiên đạt được hiệu quả! Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Thanh, Tông (宗) là chủ, là gốc, Thanh (清) là vĩnh viễn không cấu nhiễm. Phàm những tập khí tham - sân - si - mạn v.v… đều phải đối trị, chẳng để cho chúng dấy lên thì ba nghiệp thanh tịnh tương ứng với Phật! Lúc bình thường đã tương ứng thì khi lâm chung sẽ tự được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.

Tào Huệ Xuyên pháp danh là Tông Huệ. Huệ (惠) là nhân ái. Tâm thường giữ ý niệm nhân ái thì sự nhân ái sẽ được thể hiện khắp trong mọi hành vi thường ngày. Trong ấy, sự nhân ái lớn nhất không gì bằng khuyên người ta ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương! Tiếp đó, không gì lớn bằng dạy người khác hãy khéo dạy bảo con cái. Nếu con người ai nấy đều khéo dạy [con cái] thì thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Tông Huệ có ý nghĩa đại lược như vậy đó. Nếu khéo thấu hiểu thì lợi ích lớn lắm! Còn đối với lợi ích, phương pháp tu trì Tịnh Độ thì hãy nên xem trong Gia Ngôn Lục, Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ!

Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ rày đừng gởi thư đến nữa, gởi đến quyết không trả lời vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng thể thù tiếp được! Nếu bưu cục nhận gởi sách, sẽ gởi cho hai vị một hai thứ sách thiết yếu; còn nếu họ không cho gởi thì đành thôi! (Ngày Rằm tháng Chín năm Dân Quốc 22 - 1933)



Đường bưu điện đã thông, nay gởi cho các ông hai gói sách, mỗi người một phần, xin hãy chia ra.
97. Thư trả lời cư sĩ Hoàng Tử Vân
Thư và pháp tệ177 đều nhận được đầy đủ. Cám ơn! Hiện thời mọi thứ đắt đỏ, giấy đắt đến cùng cực. Văn Sao Tục Biên cách thức [trình bày] giống như bộ Văn Sao [Tăng Quảng Chánh Biên], nhưng chỉ dày khoảng hơn hai trăm trang. Sách sẽ được in ra trong khoảng Xuân - Hạ năm sau. Ý pháp sư Đức Sâm cho rằng mùa Xuân năm sau có lẽ giấy rẻ hơn một chút, Quang sợ rằng mùa Xuân năm sau giấy sẽ mắc gấp mấy lần cũng không chừng. Nếu chẳng thái bình cho chóng, sợ rằng nhân dân nước ta sẽ cùng chết hết sạch. Đang trong thời thế này, mọi người đều phải nhất tâm niệm Phật và niệm Quán Âm Bồ Tát để mong sống thì được che chở, mất liền được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Xin hãy đem ý này nói với hết thảy những người hữu duyên thì may mắn lắm thay! (Ngày Hai Mươi Tám tháng Mười Một)
98. Thư trả lời hai vị cư sĩ Trầm Tịnh Tâm và Kim Đàm
Pháp Niệm Phật thuận tiện cùng cực, đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm đều niệm được, cần gì phải đợi giữa trưa, ban tối mới niệm được? Hết thảy thời, hết thảy chỗ đều niệm được. Chỗ sạch sẽ thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Khi đại tiểu tiện, chỗ không sạch sẽ và lúc ngủ, chỉ nên niệm thầm. Công đức niệm thầm vẫn giống hệt [như niệm ra tiếng], sao lại chỉ giữa trưa hay ban tối mới niệm được? Xưa kia, ẩn cư trong chốn núi rừng là tốt, chứ bây giờ lòng người bại hoại đến cùng cực, vì mấy thưng gạo, một manh áo đã chịu giết người! Các ông hãy ở nhà niệm Phật, đừng manh nha ý niệm ẩn cư! Xin hãy sáng suốt soi xét. Từ rày đừng gởi thư đến nữa vì tôi không có sức để thù tiếp vậy!
99. Thư trả lời cư sĩ Nghiêm Văn Phác
Pháp danh của ba mươi chín người đều ghi trong một tờ giấy khác. Hai mươi lăm đồng hương kính đã bảo chùa Báo Quốc gởi sách cho hết số tiền ấy. Độ ba bốn ngày nữa sẽ gởi tới. Từ rày chớ nên gởi thư đến nữa, gởi đến sẽ gởi trả lại. Quả thật chẳng có mục lực và tinh thần, chứ không phải chẳng đếm xỉa tình cảm. Ông viết tên người [xin quy y] trên giấy đỏ tôi đọc không ra, phải bảo người khác sao [ra tờ giấy khác] mới xem được. Ông tuổi trẻ chẳng biết nỗi khổ của người già, viết trên giấy đỏ rốt cuộc có ích lợi gì đâu? Nay đem [tờ giấy ghi] pháp danh gởi bằng thư bảo đảm. Đợi cho sách Tây Phương Công Cứ, Sơ Cơ Tiên Đạo được gởi đến sẽ chia ra gởi đi (Ngày Mười Ba tháng Mười năm Dân Quốc 27 - 1938).
100. Thư trả lời cư sĩ Hồ Huệ Triệt (thư thứ nhất)
Ba vị lão nhân xin quy y, ông hãy nên bảo họ: “Phải nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chớ nên chỉ biết gieo thiện căn, cầu phước báo đời sau. Sanh về Tây Phương liền liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Cầu đời sau thì sẽ do phước tạo nghiệp, do nghiệp đọa lạc trong tam đồ ác đạo”. Những điều còn lại hãy chiếu theo bức thư dài, ở đây không viết cặn kẽ! Thiệu Cát Thành pháp danh là Huệ Thành, bà Trương Lập Chí nhà họ Thiệu pháp danh là Huệ Lập. Kẻ có chí, sự ắt thành. Tự lập được thì không có gì chẳng tốt đẹp. Bà Phùng Tu Thành nhà họ Trương, pháp danh là Huệ Tu. Nương theo trí huệ của đức Phật mà tu thì chắc chắn sẽ có thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Sanh lòng tin phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là cái được gọi bằng [từ ngữ] “trí huệ của Phật” đấy! Xin hãy nói với bọn họ [những điều này]. (Ngày Hai Mươi Hai tháng Mười Một năm Dân Quốc 22 - 1933, viết dưới đèn)
101. Thư trả lời cư sĩ Hồ Huệ Triệt (thư thứ hai)
Ở Nam Thông, thói cầu cơ rất phổ biến. Giang Dịch Viên bị [linh quỷ] giáng cơ khen ngợi đến nỗi đầu óc mê muội. Đã thế, ông ta còn đem lời giáng cơ hiệu triệu khắp bốn huyện Thông, Hải, Khải, Như; ý ông ta còn muốn hiệu triệu cả nước. Các ông đừng bị ông ta lung lạc. Chánh nhân quân tử trong thế gian còn chẳng chịu khen ngợi người khác quá lố, huống là bậc thánh nhân đắc đạo ư? Cơ bút đều là do linh quỷ giả mạo (Trong một trăm trường hợp có đến chín mươi chín trường hợp [giả mạo]). Hơn nữa, quá nửa là do kẻ phù cơ ngụy tạo. Dịch Viên do ham được ca ngợi mà mê muội đến tột cùng, rốt cuộc coi lời giáng cơ như thánh chỉ. Nếu chẳng ham được khen ngợi, sẽ coi những gì mình được khen ngợi giống như bị quở trách thì đâu đến nỗi mất trí điên cuồng, chân - ngụy, tà - chánh chẳng phân? Xin hãy nói với các liên hữu, ngõ hầu chẳng đến nỗi hoại loạn Phật pháp, gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh không có cùng tận vậy! (Ngày Hai Mươi tháng Năm năm Dân Quốc 28 - 1939)

Lợi ích thật sự do niệm Phật chỉ có bậc đại trí huệ và ngu phu ngu phụ có thể đạt được. Những kẻ tưởng chừng như có trí huệ, chẳng muốn làm ngu phu ngu phụ đều chẳng thể đạt được! Như Dịch Viên thoạt đầu tri kiến còn khá, đề xướng khá tha thiết, nhiều lần có cảm ứng. Nay chánh tri kiến đã không còn, chuyên muốn đem thầy ông ta là Tường Công thờ trong Liên Trì Hải Hội để báo ân. Do món vật tư dục ấy ngăn chướng cái tâm, chánh tri chánh kiến bèn biến thành tà tri tà kiến! Nếu chẳng mau chóng sửa đổi thì trong tương lai cũng không có cách gì vãng sanh được! Muốn theo sau Từ Khâu, Nguyện Nguyệt, e rằng cũng không có cách gì để đạt được. Tờ bán nguyệt san tôi chưa hề thỉnh để xem đọc qua. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Phàm những sách báo không quan trọng khẩn yếu đều chẳng đọc, do không có mục lực để làm chuyện ấy!


102. Thư trả lời cư sĩ Hồ Huệ Triệt (thư thứ ba)
Hãy hết sức răn nhắc xã hữu đừng nhiễm phong cách si dại của Dịch Viên. Nếu không, sẽ trở thành ngoại đạo trong Phật pháp, đâm ra phá hoại Phật pháp, làm cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ trọn chẳng cùng tận! Dịch Viên hèn kém cùng cực đến mức như thế chính là điều Quang trọn không thể nào lường được! Bệnh ấy là do ham đội mũ cao và tưởng Trương Kiển178 là Bồ Tát, chẳng tự biết toàn thân đã té trong hầm phân, há đáng gọi là thanh tịnh, thơm sạch được ư? Hãy nên tha thiết răn dạy con cháu biết tốt - xấu, kẻo sau này chúng không hiểu sẽ tưởng tà là chánh, coi thối là thơm. Hiện tại vận nước nguy ngập, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra, hãy nên bảo hết thảy mọi người cùng niệm Phật hiệu và danh hiệu Quán Thế Âm để làm kế dự phòng (Ngày mồng Hai tháng Bảy năm Dân Quốc 28 - 1939)
103. Thư trả lời cư sĩ Hồ Huệ Triệt (thư thứ tư)
Thư ngày mồng Sáu tháng Ba chưa nhận được. Bà Châu Xảo Trinh nhà họ Mã có thể nói là có thiện căn đời trước; đấy là những chuyện có chứng cứ đích xác, cần gì Quang phải làm chứng? Nếu không có tướng lành để làm căn cứ [chứng nghiệm sự vãng sanh] thì xin chứng minh còn được. Nay đã có chuyện thần hồn du ngoạn cõi Tịnh Độ, lại được Quán Âm báo kỳ hạn vãng sanh, mà vẫn cầu chứng thì thành ra tri kiến của kẻ chẳng biết pháp môn Tịnh Độ rồi! Xin hãy gởi [chuyện này] cho Phật Học Thư Cục để họ đăng tải trên tờ bán nguyệt san, tài liệu chánh yếu của họ mang tánh chất khác với tờ báo Tân Thân.

Tuy nhiên, hoằng dương Phật pháp thì phải chú trọng nơi chân thật chẳng hư vọng. Nếu tùy ý tô vẽ thì lỗi ấy cũng chẳng nhỏ nhoi đâu! Vì sao vậy? Vì sẽ khiến cho người ta do chuyện tô vẽ này mà nói những người vãng sanh xưa nay đều là không thật. Nếu xác thật không ngụy tạo thì đăng tải chẳng trở ngại gì! Nếu không, hãy gạt bỏ những chuyện tô vẽ, chỉ đăng tải những chuyện thuộc về bản chất. Nếu không có căn cứ trọng yếu, hãy nên thủ tiêu đi. Đối với chuyện quy y thì đã sanh về Tây Phương, dự vào địa vị thánh, thân cận Tam Thánh, còn quy y phàm Tăng làm chi nữa? Quang một mực chẳng thích người khác giả vờ! Nếu chân thật chẳng dối trá, cố nhiên nên đăng báo. Nếu không, kẻ viết bài văn ấy phạm tội lỗi, mà người chết cũng trọn chẳng được hưởng lợi ích gì! (Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba năm Dân Quốc 29 - 1940)


104. Thư trả lời cư sĩ Vạn Lương (thư thứ nhất)
Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, vô tri, vô thức, bị ép vào thế bất đắc dĩ, đành đem những gì chính mình biết, chính mình làm được, thưa với người khác; nào đáng khen ngợi quá lố như thế? Văn Sao, Thọ Khang Bảo Giám trên núi đã hết, sau mấy bữa nữa sẽ bảo người bạn ở Thượng Hải thay mặt gởi đi. Nói đến chuyện quy y, sao không chọn bậc đạo đức cao siêu, mà lại thờ ông Tăng già cả, ngu độn, hủ bại, [ngờ nghệch] như con rối làm thầy? Tuy vậy, muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, hoàn toàn cậy vào lòng Thành của chính mình. Nay do ông đã thờ ông Tăng [ngây ngô] như con rối làm thầy, thì cần biết rằng: Tuy con rối không có điểm nào hay, nhưng cũng không có điểm nào dở. Bởi nó không có lòng riêng tư, tâm mưu mẹo, nên con rối cũng có chỗ để học theo. Những gì chưa thể cùng người khác đánh giá, quyết định được, hãy nhất loạt bỏ đi.

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Lương, nghĩa là dùng trí huệ để làm cầu bến trong đường hiểm sanh tử, khiến cho khắp hết thảy [mọi người] thoát ngay đường hiểm, lên được chỗ an ổn. Hiện nay thế đạo bại hoại đến cùng cực, xét đến căn nguyên đều do gia đình không khéo dạy dỗ. Từ nhỏ trọn chẳng đem đạo lý làm người dạy bảo, huống là những sự lý phước thiện, họa dâm, nhân quả, báo ứng v.v… ư? Vì thế, những kẻ ấy vừa nghe tà thuyết bèn nương theo, cố nhiên coi chuyện giết cha gian dâm mẹ là bổn phận chánh đáng! Nếu không [tệ hại] như thế thì khi có được quyền thế, địa vị, cũng sẽ mặc tình làm càn, gây thảm độc cho thiên hạ. Không có được quyền lực ấy thì kết đảng hoành hành, gây lụy cho địa phương! Nguồn gốc đều là do không được cha mẹ hiền khéo dạy dỗ mà ra! Vì thế, nói: “Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm”.

Nhưng con người từ lúc mới sanh chịu ảnh hưởng rất sâu từ mẹ. Do vậy, phải có hiền mẫu thì mới có hiền nhân, mà hiền mẫu phải khởi đầu từ hiền nữ. Vì thế, muốn cho thiên hạ thái bình, ắt phải bắt nguồn từ dạy dỗ con cái, nhưng dạy con gái lại càng khẩn yếu hơn dạy con trai vì nữ nhân có thiên chức giúp chồng dạy con. Từ xưa, những bậc thánh hiền [được thành thánh hiền] đều nhờ có mẹ hiền, huống là những kẻ tầm thường kém cỏi ư? Nếu không có hiền nữ sẽ không có hiền thê, hiền mẫu. Đã không có hiền thê, hiền mẫu thì những kẻ được [người nữ ấy] giúp đỡ, dạy dỗ đều thành kẻ ác hết, đều ngăn trở điều lành! Đấy chính là cội nguồn khiến cho nước ta nước không ra nước, dân chẳng thành dân vậy! Ông muốn hoằng pháp, hãy nên lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” làm tông chỉ chủ yếu, lại còn đề xướng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để hết thảy mọi người biết được khổ nhân, khổ quả. Lại còn làm cho họ sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương để mong đích thân chứng được nhân vui, quả vui. Những điều khác đã nói cặn kẽ trong Văn Sao, ở đây không ghi đầy đủ nữa! Gởi đến một gói Gia Ngôn Lục, sách này giản lược, rất hợp cơ nghi (Ngày mồng Một tháng Sáu năm Dân Quốc 17 - 1928)
105. Thư trả lời cư sĩ Vạn Lương (thư thứ hai)
Cổ nhân nói: “Do đất mà té, do đất mà đứng dậy, rời khỏi đất mà mong đứng được thì quyết chẳng có lẽ ấy”. Nay thế đạo loạn lạc đến cùng cực, bỏ hiếu, bỏ luân thường, vứt bỏ hổ thẹn, đúng là muốn cho con người trọn chẳng khác gì cầm thú thì mới sướng bụng. Nguyên do đều là vì Lý Học bài bác những chuyện nhân quả, tội phước, báo ứng và sanh tử luân hồi. Đấy chính là cội rễ chung của sự loạn lạc hiện thời. Điều khiến cho cội rễ [loạn lạc] ấy được nẩy nở xum xuê chính là vì trong gia đình không khéo dạy dỗ, trong nhà trường chỉ biết học theo lối cử nghiệp, cầu công danh, trọn chẳng nhắc đến chuyện “đánh đổ những ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, thành ý, chánh tâm” v.v… Vì thế, người đọc sách quá nửa đều là mưu mẹo, dối trá; mãi cho đến gần đây, gió Âu vừa thổi qua thì những kẻ chưa được khéo dạy ấy ai mà chẳng buông lung, hớn hở? Do vậy, giết cha dâm mẹ vẫn tự khoe khoang. Những thói xấu ác ấy đều do chẳng giảng đến luân thường, thiên chức của cha - con, chồng - vợ v.v… và chẳng bàn đến nhân quả, báo ứng, cho nên các thói xấu ấy càng đặc biệt lừng lẫy mạnh mẽ!

Nếu ai nấy chú trọng luân thường, hiếu hữu v.v…và biết thiện - ác đều có báo ứng, dẫu đem cái chết để uy hiếp, buộc phải làm những chuyện giết cha, dâm mẹ v.v… cũng chỉ đành mặc cho chúng nó giết, quyết chẳng chịu làm theo lời bọn ấy. Do vậy, biết rằng: Thiên hạ loạn lạc là do gia đình không khéo dạy dỗ và chẳng nói đến nhân quả báo ứng mà ươm thành. Biết bao người thuộc giới chánh khách, quân sự, giáo dục, hỏi đến nguồn gốc loạn lạc và nguồn gốc để thái bình đều đáp không được! Tức là chẳng biết cái nhân gây ra té ngã mà cũng chẳng biết cái nhân để đứng dậy. Ông đã nhận lãnh chức vụ Ủy Viên Học Vụ, trước hết hãy nên đem ý này nói với hết thảy học sinh và hết thảy mọi người, rồi mới lại dạy họ nương theo Ngũ Giới Thập Thiện do Phật dạy và pháp môn Tịnh Độ để tu trì thì sẽ dễ cảm hóa, chẳng đến nỗi bị phản đối không chấp nhận. Nếu không, bọn họ sẽ khó thuận theo, do bọn họ vẫn còn coi trọng Lý Học và những ngôn luận mù quáng trong thời gần đây, làm sao có thể khiến cho họ vui lòng thật sự khâm phục cho được?

Nhóm Trần Bằng Côn đã muốn quy y thì nay tôi đặt pháp danh cho mỗi người. Hãy nên bảo bọn họ ai nấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, trước hết làm người lành trong thế gian, rồi lại tu trì theo pháp môn Tịnh Độ, sẽ đáng gọi là Phật tử thật sự! Nếu không, chỉ hữu danh vô thực, rốt cuộc có ích gì đâu? Trần Bằng Côn pháp danh là Huệ Siêu, Lưu Thao pháp danh Huệ Tiềm, Dương Phụng Nghi pháp danh Huệ Thục, Mậu Bành Thị pháp danh Huệ Trinh. Những sách đã in không còn bao nhiêu, đợi sau này in ra sẽ châm chước gởi cho mấy gói, như Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú v.v… (Ngày mồng Chín tháng Mười năm Dân Quốc 17 - 1928)


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương