Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù



tải về 2.21 Mb.
trang12/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   29

73. Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù (thư thứ nhất)
Hôm qua tôi nhận được thư của thầy Minh Đạo chùa Thái Bình, biết các hạ lại gởi bốn mươi đồng, kính cẩn giữ lấy, để đợi đến năm sau dùng làm chi phí in sách. Mười gói Gia Ngôn Lục đã bảo Đại Trung Thư Cục gởi đi, chắc không lâu nữa ông sẽ nhận được. Ông cũng sẽ nhận được sách Khuê Phạm. Trong mùa Hạ, hòa thượng Diệu Liên tuân lệnh các hạ, đem bài bi ký về chuyện thỉnh Đại Tạng Kinh sai Quang gọt giũa. Quang do bận việc, trả lời trước bằng một lá thư, đợi sau khi về núi sẽ lại bàn tiếp. Tới mồng Hai tháng Chạp về đến núi, phàm những thứ dồn lại đều gởi đi bằng thư bảo đảm vào ngày Mười Chín. Chữ nghĩa dùng trong nguyên văn [bài bi ký] rất hay, tiếc là nói dông dài quá nhiều, chưa chỉ ra được nguyên do của Phật pháp. Tôi vốn muốn sửa đổi đại lược, nào ngờ Quang học thức chẳng đạt đến mức “hay khéo, vuông tròn thuận theo ý muốn”, [sửa chữa] xong, bài bi ký ấy biến thành một bài khác! [Theo Quang nghĩ], dùng khẩu khí của ngài Diệu Liên, coi Diệu Liên như là chủ nhân ngôi chùa và những lời lẽ đề cao dư thừa trong bi ký, chẳng bằng lưu lại sự thật cho đời sau. Có lẽ biện pháp như vậy là đắc thể, đã trình lên các hạ giám định. Nếu có chỗ nào sai sót, thiếu thỏa đáng, [các hạ cứ] sửa đổi đừng ngại gì cả!

Quang là người trọn chẳng có ngã tướng, điều chẳng muốn nghe là tâng bốc quá lố; ngoài ra chẳng chấp trước một chuyện gì. Chắc là các hạ đã biết đại lược điều này từ lâu rồi! Năm nay in sách nhiều nhất, đã hơn hai vạn đồng. Nửa đầu năm sau còn có rất nhiều sách sẽ in, sau Thu sẽ đi khắp Nam Bắc Đông Tây không có chỗ nhất định để khỏi phải thù tiếp thư từ, chỉ bận bịu vì kẻ khác [đến nỗi] hỏng cả đại sự của chính mình. Các hạ già rồi, thế đạo như thế này, hãy nên dùng cảnh duyên này để tự răn nhắc, ngõ hầu cái tâm cầu sanh Tây Phương về mặt Sự được mười phần châu đáo, tha thiết. Lại xin hãy dạy bảo con cái và cả nhà, thường nói đến lợi ích do trợ niệm khi lâm chung và họa hại của việc tắm rửa, thay quần áo sẵn, khóc lóc… khiến cho bọn họ hiểu rõ lợi - hại, trọn chẳng đến nỗi vì thể hiện lòng hiếu mà trở thành chuyện “đã té xuống giếng còn bị quăng đá!”

Năm nay Quang sáu mươi bảy tuổi, tinh lực đã suy; nếu vẫn chẳng biết lượng sức, nhất định sẽ làm nhục đến pháp môn. Hiện thời những Chỉ Bản159 của các bộ Văn Sao v.v… đều đã được hoàn thành tốt đẹp rồi; có ai muốn in thì cứ tiếp xúc Đại Trung Thư Cục sẽ được như nguyện. Văn Sao lại được chế ra bốn bức Chỉ Bản, An Sĩ Toàn Thư, [Thọ Khang] Bảo Giám mỗi cuốn đều có hai bản, Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, đều được làm thành bốn bản. Quán Âm Tụng lại được làm thành hai bản. Ngoài ra còn có Giới Sát Phóng Sanh Hiện Báo Lục, Học Phật Thiển Thuyết v.v… những cuốn sách nhỏ lặt vặt đều đã giữ lại bản in. Do vậy, mùa Thu năm sau có thể đi luôn, chẳng cần biết là ở nơi nào để lo tu trì. Chúng ta trải đời bất quá sáu mươi mấy năm, mà nay [trong cõi đời lại có] bao nhiêu hiện tượng kể từ khi có mặt con người trong trời đất đến nay, phần nhiều đều chưa hề thấy, đời loạn đến cùng cực rồi! Nếu chẳng cực lực đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục gia đình thì chẳng thể nào hy vọng thái bình được nữa! (Ngày Hai Mươi Hai).
74. Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù (thư thứ hai)
Năm ngoái cư sĩ X… mất, trước đấy ông ta đã phát đại tâm sai lầm, muốn ở trong thế gian này độ người [chứ không cầu vãng sanh]. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), ông ta lên núi bị Quang quở trách, dường như đã xoay chuyển ý niệm. Sau này, con ông ta gởi cáo phó đến nói ông ta ngủ suốt ba ngày, chẳng ăn, chẳng nói gì rồi qua đời. Xem tình trạng đó, đúng là tướng trạng chưa được vãng sanh. Do vậy, muốn cầu vãng sanh phải buông thế gian này xuống và buông vọng tâm quá phận xuống (Chẳng hạn như [muốn] được giống như Bồ Tát ở trong sanh tử độ thoát chúng sanh. Điều này thì chính mình phải là Bồ Tát mới được. Nếu chính mình vẫn là phàm phu mà muốn gánh vác chuyện này thì chẳng những không thể độ người mà còn chẳng thể tự độ. Bao nhiêu thiện tri thức trong thế gian đều mắc phải bệnh này, mà vẫn nói là mình có đại Bồ Đề tâm. Cần biết rằng [đã có] tâm ấy trước hết phải cầu vãng sanh thì mới hữu ích. Nếu sẵn có tâm này mà chẳng cầu vãng sanh thì phải là bậc Bồ Tát mới được. Nếu không, sẽ mắc hại chẳng cạn!) Tâm cuồng vọng quá phận là chướng ngại lớn nhất cho người tu hành thật sự, chẳng thể không biết [điều này]!

Hơn nữa, cư sĩ X… là người quá hiếu danh, vì thế những sách do ông ta soạn ra đều phỏng theo giọng điệu kinh Phật, [mắc] lỗi đem phàm lạm thánh thật chẳng nông cạn. Vì thế, dốc công hoằng pháp mà chẳng được lợi ích thật sự! Thân thế trăm năm, chớp mắt liền qua đời, chỉ mong chuyên tâm dốc chí nơi niệm Phật cầu vãng sanh. Vị cư sĩ X… ấy chính là một tấm gương răn nhắc lớn lao vậy!


75. Thư trả lời cư sĩ Phan Đối Phù (thư thứ ba)
Nhận được thư, khôn ngăn cảm thán. Các hạ dùng đức dầy đối xử rất hậu với người khác, nên bọn tàn binh160 thổ phỉ cũng bảo nhau đừng khuấy nhiễu. Nếu không có chuyện thật sự khiến cho người khác cảm động thì làm sao đạt được như thế? Đối với người dân, cái ăn quan trọng nhất; rộng rãi với dân ắt trời sẽ ban phước cho. Bọn tàn binh thổ phỉ ấy há nào có tâm đạo nghĩa, nhưng do thiên địa, quỷ thần gia bị, khiến cho chúng nó giữ đạo nghĩa. Từng thấy trong bản chú giải Âm Chất Văn có ghi một câu chuyện chứng minh hơi giống như chuyện của các hạ, nay tôi sao chép lại để trình lên cho ông xem.

Năm Tân Tỵ (1761) đời Càn Long, vỡ đê Hoàng Hà ở tỉnh Dự (Hà Nam), khắp mặt đất nước sâu hơn một trượng, lều tranh của dân gian bị nhận chìm mất nửa. Ở huyện Trần Lưu có người họ Tào, căn nhà đang ở bị lũ nhấn chìm đã ba ngày đêm rồi, [ai nấy] đều nói là không còn lẽ sống nào nữa! Đến khi nước rút, tường nhà vẫn chưa sụp đổ, mà người trong nhà cũng an nhiên vô sự! Mọi người hỏi thì họ cho biết: “Sáng ra chỉ thấy sương mù dày kịt, chẳng thấy mặt trời. Thoạt đầu chẳng biết là đang ở trong nước”. Quan địa phương thấy lạ, hỏi người ấy có làm điều lành nào hay chăng, ông ta cho biết mỗi năm gặt hái xong, ngoài phần chừa lại đủ chi dùng cho cơm áo ra, còn bao nhiêu đều dùng hết để giúp đỡ những người nghèo thiếu lối xóm, cho đến nay chưa hề thiếu sót một chút nào. Đã thực hiện được như vậy năm đời, suốt hơn một trăm năm! Quan Hiến Ty161 đều ban cho biển ngạch để khen ngợi chuyện lạ.

Nước vốn vô tình mà quỷ thần che chở, tuy toàn thể bị ngập trong nước, nhưng chẳng thấy nước. Do vậy biết rằng con người có thật đức thì trời sẽ báo đáp lạ lùng. Những kẻ bóc lột mỡ màng của trăm họ để cầu mong con cháu phú quý, rốt cuộc đều thành gia đình tan nát, dòng dõi tuyệt diệt, thần thức còn bị vĩnh viễn đọa trong ác đạo chẳng có thuở thoát ra, đáng thương vậy thay! Do vậy, muốn cứu người đời mà nếu chẳng cực lực đề xướng nhân quả báo ứng sẽ trọn chẳng thể đạt được hiệu quả thật sự.
76. Thư trả lời cư sĩ Trần Gia Tuấn ở Châu Bồ
Con người sống trong thế gian họa - phước dựa dẫm lẫn nhau, chỉ do bản thân người ấy dụng tâm như thế nào mà thôi! Kẻ khéo dụng tâm thì khốn khổ gian nan đều thành cái gốc để giải thoát. Kẻ chẳng khéo dụng tâm thì phú quý vinh hoa đều thành cái nhân đọa lạc. Mẹ ông thủ tiết nuôi con côi, chịu khổ nhiều năm, quả thật là nền tảng để tu trì Tịnh nghiệp cầu sanh Tây Phương cho ngày nay. Nay mẹ con đã cùng quy y; hãy nên làm cho quyến thuộc trong nhà đều cùng ăn chay niệm Phật. Một là để ngừa khi mẹ ông vãng sanh, bọn họ sẽ chẳng đến nỗi do không luyện tập mà chẳng thể niệm Phật tương trợ, thậm chí dời động thân thể, thay quần áo sẵn, khóc lóc, phá hoại chánh niệm. Một điều khác nữa là do thời cuộc nguy hiểm, [nếu] hằng ngày thường niệm Phật và niệm Quán Âm thì sẽ có thể gặp dữ hóa lành, gặp xui thành hên.

Nay đặt pháp danh cho mẹ ông là Đức Ý, nghĩa là có thể nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương để nêu gương mẫu cho con cháu, xóm làng, đức hạnh ấy tốt đẹp cao trỗi nhất. Đặt pháp danh cho ông là Huệ Tuấn, nghĩa là có thể tu trì Tịnh nghiệp, tự lợi, lợi tha, trí huệ vượt trỗi những kẻ tầm thường, vì thế gọi là Huệ Tuấn. Nay gởi cho ông Tịnh Độ Ngũ Kinh, Thập Yếu, Thánh Hiền Lục, Văn Sao, Gia Ngôn Lục, Sức Chung Tân Lương (đọc sách này thì khi lâm chung không làm hỏng việc), Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư v.v… xếp thành hai gói. Mong hãy đọc kỹ, hành theo. Ắt phải nên cung kính, đừng nên khinh nhờn thì sẽ được lợi ích chân thật. Những điều khác không cần phải nói nhiều. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Từ rày đừng gởi thư tới nữa, cũng đừng giới thiệu người khác quy y do không có tinh thần để thù tiếp vậy (Ngày Mười Ba tháng Tư).


77. Thư trả lời cư sĩ Khuất Hàn Nam

Thư nhận được đủ cả. Bài Du Thạch Quật Động Ký rất có khí khái: “Tâm dung diệu lý, hư không bé; đạo hợp Chân Như, pháp giới to”. Nhưng đấy là chuyện thuộc phương diện văn tự, chớ nên chuyên học theo thói ấy. Hãy nên như mẹ nhớ con, lấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương để mong thực chứng. Lúc này mà chuyên chú trọng chuyện ấy (tức chuyện viết lách văn chương cho hay đẹp) thì vô ích cho chính mình, có hại cho người khác. Vì sao vậy? Do quá nửa đều là học để nói xuông cho trơn tru, hoạt bát, chẳng chú trọng chân tu thật chứng. Người đời nay nếu chẳng “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì trọn chẳng có hy vọng thực chứng nào!

Trong bộ Văn Sao Tục Biên có bức thư gởi cho hòa thượng Quảng Huệ thuộc thảo am Quảng Tế ở Ngũ Đài Sơn vào ngày Nguyên Đán tháng Giêng, khoảng chừng năm ngàn chữ, đấy là lời khuyên thiết thực chưa hề có từ trước đến nay. Trong khoảng tháng Chín, tháng Mười, sẽ gởi sang ngõ Tích Thiện Phường để họ chuyển giao. Vợ chồng ông muốn quy y, nay tôi đặt pháp danh cho mỗi người. Ông còn nói cha ông cũng muốn quy y, nay cũng đặt pháp danh cho cụ, còn tên thật [của cụ] ông hãy tự điền vào. Người ngoài bảy mươi tuổi rồi, tháng ngày chẳng còn mấy, hãy buông hết thảy xuống, nhất tâm niệm Phật thì chắc chắn sẽ thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên cõi chín phẩm sen kia. Nếu vẫn còn tâm niệm [mong tưởng] đời sau, đời sau nữa, thì khó thể quyết định vãng sanh được! Mong ông hãy nói cặn kẽ với cụ. Những điều khác đã được nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết chi tiết nữa! Tôi gởi kèm [cho ông] bài sớ cầu con và ba điều trọng yếu để cầu con; đây quả thật là những điều ai nấy đều phải nên xem, đừng vì không cầu con rồi bỏ mặc. Mong hãy sáng suốt soi xét thì may mắn lắm thay! (Mười sáu đồng hương kính đã nhận được liền dùng làm chi phí để ấn tống Văn Sao Tục Biên) (ngày Rằm tháng Tám năm Canh Thìn, tức năm Dân Quốc 29 - 1940)
78. Thư trả lời cư sĩ Thần Hiểu Viên
Thư nhận được đầy đủ cả. Tuổi quá năm mươi, ngày tháng không còn nhiều; đúng là lúc hãy nên sốt sắng giữ vẹn luân thường, niệm Phật để mong “sống dự vào bậc hiền thánh, mất trở về cõi Cực Lạc”. Nói đến chuyện “giữ vẹn luân thường”, sợ ông chưa hiểu ý, nay tôi giải thích đại lược. Người đời phần nhiều chẳng biết ý nghĩa “giữ vẹn luân thường” [có phạm vi] bao quát rất rộng, chỉ coi “hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng người bề trên” là giữ vẹn luân thường. Hiểu như vậy thì cũng rất đúng, nhưng nhỏ nhoi lắm! Khéo dạy dỗ con cái, khiến cho chúng nó đều là người hiền, mềm mỏng, nho nhã, [đấy mới] quả thật là kẻ giữ vẹn luân thường lớn lao! Bởi lẽ, con cái đã đều hiền thiện thì anh em trai, chị em gái, chị em dâu, con cháu đều nhìn theo nhau làm lành. Từ đấy [đời nào cũng] nối tiếp nhau là người hiền thì người hiền sẽ đông, kẻ xấu sẽ ít. [Do vậy] kẻ xấu cũng có thể bị cảm hóa trở thành người hiền, người lành. Nền tảng khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui đều nằm trong sự dạy dỗ con cái. Có thể hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên, và hết thảy những thứ bên ngoài đều tốt lành, nhưng chẳng khéo dạy dỗ con cái thì người ấy vẫn chưa đáng gọi là “bậc quân tử giữ vẹn luân thường!” Nếu có thể hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên và hết thảy [mọi mặt] đều đúng như pháp, lại còn khéo dạy dỗ con cái thì người ấy tuy sống ở trong nhà không thi thố gì mà lại bồi đắp lớn lao cho nước nhà, cho xã hội vậy!

Hiện tại, cõi đời đã loạn đến cùng cực; xét đến cội nguồn đều là vì cha mẹ phạm lỗi “chẳng khéo dạy dỗ con cái”! Nếu ai nấy đều khéo dạy dỗ con cái, làm sao những thứ thảm kịch lại được cực lực thực hiện và diễn ra cho được? Con cái ông đã lớn, chớ nên không nói nguyên do với chúng, để sau này khi chúng nó làm cha làm mẹ người khác sẽ chẳng đến nỗi chìm nổi theo thời thế, chỉ biết nuôi con chứ không biết dạy, khiến cho đứa có thiên tư quen thói cuồng vọng, đứa không có thiên tư cam phận bướng bỉnh, ngu độn. Do ông nói “đời đã loạn gần đến mức tận cùng”, nên tôi nói với ông pháp môn căn bản để vãn hồi đời loạn. Xin chớ coi đây là lời nói thừa thãi thì con ông, cháu nội ông, con rể ông, và những đứa cháu ngoại của ông đều có thể trở thành người hiền, người thiện, khiến cho ông được nở mày rạng mặt khôn cùng!

Cô con cả đã là góa phụ, đúng là phải nên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Cô con thứ đang chờ mai mối, nếu có thể thường niệm Phật và niệm Quán Thế Âm thì túc nghiệp tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, tự nhiên sẽ kiếm được người chồng hiền thiện, mà sau này khi sanh con đẻ cái cũng không bị khổ vì sản nạn, những đứa con sanh ra đều là hiền thiện. Con cái đi học khi được nghỉ, nên dạy chúng nó đọc kỹ Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn để hướng dẫn tiền đồ (tương lai). Ngay cả hai đứa con gái cũng phải đọc để mong nhờ vào đây mà tự sửa mình và dạy dỗ người khác. Thiên hạ không yên, thất phu có trách nhiệm! Đây quả thật là pháp căn bản để thất phu tạo bình trị cho thiên hạ vậy!

Hơn nữa, hãy nên bảo con cái đọc đi đọc lại An Sĩ Toàn Thư, Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ và những thiện thư hữu ích cho thân tâm. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Hiểu, nghĩa là dùng trí huệ để tự hành chuyện “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, quyết định cầu sanh Tây Phương trong đời này”. Lại còn dùng những điều ấy để khuyên lơn con cái, thê thiếp… trong gia đình và thân thích bằng hữu, làng nước, xóm giềng bên ngoài, để họ cùng hiểu [những điều] lợi ích thật sự cho thế gian lẫn xuất thế gian này, ngõ hầu chẳng phụ lòng thành phát tâm quy y Phật pháp của ông! Đối với những cách tu trì niệm Phật thì trong Văn Sao đã nhắc tới nhiều lần, ở đây không viết cặn kẽ nữa! Nếu vô sự đừng gởi thư đến, Quang đã bảy mươi rồi, tinh thần chẳng đủ, lại còn phải lo những chuyện giảo chánh, in sách v.v… không rảnh rỗi để phúc đáp được đâu! (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Chín năm Dân Quốc 19 - 1930)


79. Thư trả lời cư sĩ Hứa Hoán Văn (thư thứ nhất)
Thư nhận được đủ cả, pháp danh viết riêng trong một tờ giấy khác. Do mục lực chẳng đủ nên chẳng thể viết khai thị tường tận được! Nay gởi cho ông hai gói kinh sách này nọ, mong hãy chí thành cung kính đọc sẽ tự biết cách tu và lợi ích. Ngoài ra, còn có Kỹ Lộ Chỉ Quy (chỉ đường về nơi ngõ rẽ), Sơ Cơ Tiên Đạo (hướng dẫn ban đầu cho kẻ sơ cơ), Vật Do Như Thử (loài vật còn như thế), Tọa Hoa Chí Quả (đợi hoa trổ thành quả), Một Lá Thư Trả Lời Khắp, mỗi thứ một gói để làm căn cứ tự lợi, lợi người. Đọc kinh sách nhà Phật, chớ nên giữ thái độ như nhà Nho đọc sách Nho. Những nhà Nho ngày nay hoàn toàn chẳng biết kính trọng sách, đến nỗi cõi đời không có chân Nho. Nếu dùng thái độ khinh mạn, chẳng cung kính ấy để đọc kinh Phật thì chưa được lợi ích mà đã mắc tội trước rồi! (Ngày Mười Tám tháng Hai năm Dân Quốc 25 - 1936)
80. Thư trả lời cư sĩ Hứa Hoán Văn (thư thứ hai)

Khoản tiền cứu trợ đã giao cho nơi lạc quyên tại Thượng Hải, nay tôi đem biên nhận gởi lại. Quang già rồi, sẽ chết trong sáng tối, nào còn có tinh thần để lo chuyện lớn ấy? Nhưng từ năm Dân Quốc thứ bảy (1918) đến nay, Quang lưu thông các kinh sách đều vì nhiệm vụ cấp bách “ngăn ngừa để dứt tai họa”, chỉ không theo đuổi công việc [thành lập] đội lạc quyên cứu trợ mà thôi! Lời ông nói chỉ là biết một phía, chứ chẳng biết tới hai. Quang từ khi xuất gia đến nay phát nguyện chẳng Trụ Trì chùa miếu, chẳng thế độ đồ đệ, chẳng dự vào các hội đoàn. Từ năm Dân Quốc thứ bảy đến nay, các đoàn thể từ thiện các nơi đem sổ vàng gởi tới [cho Quang] từ một hoặc mười cho đến mấy chục quyển, tôi đều để nguyên những cuốn sổ ấy, đem gởi trả lại bằng thư bảo đảm, rồi tùy theo sức mình mà bỏ ra bao nhiêu đó (chẳng viết [khoản tiền ấy] vào sổ để khỏi làm cho cuốn sổ ấy không sử dụng được nữa). Mỗi năm đều [quyên tặng] cả ngàn đồng trở lên. Nếu lại đề xướng quyên mộ, sẽ chẳng thể nào không mệt nhọc đến chết!

Quang không có chùa miếu, không đồ đệ; tất cả những khoản tiền được biếu tặng hễ có liền sử dụng ngay, trọn chẳng hướng về người khác mở miệng hóa duyên. Bởi lẽ, Tăng sĩ thường hay hóa duyên, Quang chẳng muốn giống như họ. Dẫu chê Quang thiếu từ bi, Quang cũng chẳng đếm xỉa tới, cốt sao khỏi bị kẻ vô tri nói Quang mượn cớ này để cầu lợi! Nói đến chuyện con hổ của ông Trương X… được nuôi từ nhỏ, há có phải là Quang có đạo để khuất phục nó đâu? Ông ta giỏi vẽ hình hổ, nên nhiều lần nuôi hổ. Con hổ nuôi lần trước đã chết; năm trước lại mua được một con hổ bé mới vừa lọt lòng mẹ. Hằng ngày phải nuôi bằng thịt bò, một năm [hổ] ăn hơn hai con bò, đấy chính là do mê loài vật mà vùi lấp chí hướng! Lại còn cho hổ ăn [thịt] bò, quả thật là tạo sát nghiệp kể sao cho xiết? Quang nói với người bạn: “Hãy nên khuyên ông ta nuôi hổ bằng món chay, đừng cho nó ăn thịt bò”.

Hơn nữa, ông ta hằng ngày vẽ hình hổ, ôm ấp hổ, sợ rằng đời sau sẽ đầu thai làm thân hổ thì đáng thương lắm! Ngày hôm ấy, người ấy và con ông ta với một con chó cùng đến. Chó còn dễ ngươi hổ, con cái đều có thể vuốt ve hổ. Khi đến [chỗ ông ta vào] năm ngoái, hổ chưa tròn một tuổi mà đã không kém phần to lớn. Lúc tới [chuồng hổ], họ cầm theo một cái vò sắt tây. Có lúc hổ không nghe theo mệnh lệnh thì hướng miệng cái vò sắt Tây về phía hổ, hổ liền thuận theo. Do miệng vò toác ngoác, hổ sợ bị ăn thịt! Quang một mực chẳng thích phô trương mù quáng, nên đối với con hổ được nuôi từ bé hoàn toàn chẳng để ý. Nếu bảo đấy là dùng đạo đức để khuất phục hổ thì còn đáng để ca ngợi, chứ chuyện này hoàn toàn chẳng có giá trị gì để kể lể cả! Sao lại không có chuyện gì mà cứ bới chuyện ra vậy? (Ngày Mười Sáu tháng Năm năm Dân Quốc 26 - 1937)


Dựa trên bài viết “Nhân duyên của tôi với Ấn Quang đại sư” của cư sĩ Vương Vỹ thì: “Người bạn đã khuất của tôi là Trương Thiện Tử nuôi một con hổ ở vườn Võng Sư. Ngẫu nhiên, tôi kể chuyện ấy với Sư, Sư cho rằng cọp dã tánh khó thuần, sợ rằng cuối cùng nó sẽ giết người! Tôi xin Sư quy y cho nó, Sư gật đầu bằng lòng, bèn cùng Thiện Tử dẫn hổ đến trước Sư để nói Tam Quy, và ban pháp danh là Cách Tâm. Từ đấy, hổ bèn hiền hòa, ngoan ngoãn, không lâu sau chết đi, cũng là một duyên lạ”. Cư sĩ Trần Hải Lượng bèn ghi thêm lời nhận xét vào đoạn văn này: “Thiện Tử thích vẽ hình hổ, nuôi một con hổ để làm vui. Sư trông thấy nói: ‘Con hổ này tâm hung bạo vẫn còn, hãy nên cẩn thận’. Quy y không lâu sau hổ chết, ấy chính là nhờ từ lực của đại sư gia bị nên đã thoát khỏi súc sanh đạo đấy chăng?” Có lẽ khi ấy cư sĩ Hoán Văn ở xa cũng nghe được chuyện này nên viết thư hỏi chuyện đại sư. Thư đáp của đại sư là lời khai thị chất phác, trọn chẳng có ý tự khoe khoang mảy may nào. Suốt đời đại sư chủ trương chẳng cần phải học theo thói kẻ cả, đọc thư này càng thêm tin tưởng điều ấy.

Ngày Mười Sáu tháng Mười Một, năm Dân Quốc 32 (1943) La Hồng Đào
81. Thư trả lời cư sĩ Châu Trọng Hoa (thư thứ nhất)
Nhận được thư biết lệnh nghiêm162 đã qua đời vào ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười Một (Thư báo tin buồn vẫn chưa gởi đến. Cũng không cần phải đọc thư báo tin buồn đã có thể biết rõ cụ có được sanh về Tây hay không). May là trước khi cụ mất, đã thiết tha dặn dò các ông hãy tuân theo những gì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đã nói, nên cụ được chánh niệm vãng sanh. Tuy do túc căn hiển hiện trong đời này chiêu cảm mà cha ông [được sự vãng sanh tốt lành như thế], nhưng cũng là vì anh em trai, chị em gái của ông chẳng thuận theo phàm tình, tin sâu Phật pháp và tuân theo lời cha dạy mà ra! May mắn chi hơn? Nói chung, tấm lòng của kẻ làm con là mong cha mẹ sống mãi trên đời, nhưng tướng thế gian vốn thuộc sanh diệt chẳng trụ, há có thể còn mãi được ư?

Nay cụ đã mất rồi, chớ nên bi ai quá mức, hãy nên sốt sắng niệm Phật để linh hồn của cha ta được hưởng lợi ích thật sự! Nếu cụ chưa được vãng sanh thì cầu cho cụ được vãng sanh. Đã được vãng sanh, ắt sẽ tăng cao phẩm vị. Đừng thuận theo thói tục hèn kém, biến chuyện tang tóc thành dịp vui, bày vẽ mù quáng, phô trương hồ đồ, mắc tội với cha, với trời! Cha ông trước khi mất khiết tịnh, mất rồi vẫn khiết tịnh, điều ấy quả thật đã biểu thị thân tâm thanh tịnh. Kẻ có nghiệp lực thì chẳng những không thể khiết tịnh trong khi ấy, mà có kẻ còn tự ăn phân nhằm thể hiện tướng đọa lạc.

Hết thảy mọi chuyện trong đời người đều có thể giả vờ, chỉ có những tướng được biểu hiện khi sắp chết và sau khi chết đều chẳng thể nào làm giả được! Con người sắp chết, vẻ mặt liền biến đổi, huống chi chết đã hai ngày rồi lại càng thêm vui vẻ, hiện vẻ mỉm cười, đấy chính là tướng biểu thị vãng sanh. Lại nữa, chết đã mấy ngày, toàn thân đã lạnh, trán vẫn còn hơi ấm, đấy cũng là tướng biểu thị vãng sanh. Do phàm phu khi chết, hơi nóng từ dưới dồn lên trên. Nếu đảnh môn lạnh đi sau cùng, ắt là trở về thánh đạo, liễu sanh thoát tử. Ông chẳng biết rõ, nhưng cứ dựa theo vẻ mặt [cha ông] sau khi mất và lúc lâm chung được mọi người trợ niệm, thành tựu tịnh tâm, ắt cụ được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Cha ông đã như thế thì mẹ ông cũng phải nên như thế. Phận làm con hành được đạo giúp đỡ cha mẹ như thế khiến cho [cha mẹ] được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử thì tất cả sự hiếu trong thế gian chẳng thể nào sánh bằng!

Thân ta chính là di thể của cha mẹ ta; giữ lấy di thể của cha mẹ, nào dám chẳng dè dặt, kinh sợ để mong đấng sanh thành khỏi bị hổ thẹn ư? Do vậy, cần phải khăng khắng giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ điều ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, yêu tiếc giấy chữ, ngũ cốc. Người làm được như vậy đáng gọi là thiện nhân, đáng gọi là hiếu tử, đáng gọi là tôn kính cha mẹ. Lại còn có thể y theo pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì sống sẽ dự vào bậc thánh hiền, mất đi trở về nước Cực Lạc, may mắn chi hơn?

Hơn nữa, hiện thời thế đạo nhân tâm đã bại hoại đến cùng cực. Thiên tai, nhân họa giáng xuống bất ngờ. Họa hoạn xảy đến chẳng thể lường trước, trốn cũng không được, ngừa chẳng thể ngừa. Nếu có thể y theo những gì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đã nói, chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm, ắt sẽ âm thầm được gia bị, hoặc chuyển biến thành không có tai nạn gì, hoặc chuyển nặng thành nhẹ, quyết chẳng đến nỗi phải chịu tai ương giống như người không niệm Phật! Cõi đời hiện nay chẳng giống như cõi đời mấy chục năm trước kia. Muốn chuyển hồi thế đạo nhân tâm, muốn cho con cái trong gia đình hiền thiện mà chẳng sốt sắng đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình (tức những đạo lý làm người như cha từ, con hiếu v.v…) thì trọn chẳng có hy vọng gì! Giáo dục trong gia đình, cần nhất phải chú trọng sao cho hai pháp nhân quả và báo ứng bổ trợ nhau, bổ sung cho nhau thì mới có lợi ích thật sự.

Chớ nói “ông là một người xuất gia sao cứ miệt mài đem những chuyện này nói với người khác?” Bởi lẽ, trong cõi đời hiện thời, những học thuyết phế kinh điển, bỏ hiếu, phế luân thường, vứt bỏ hổ thẹn… khiến lòng người bị ngu muội cứ nối tiếp nhau dấy lên. Nếu chẳng đem nhân quả báo ứng và đạo làm người bàn giảng kỹ càng cho con cái từ thuở thơ ấu thì sau này muốn cho chúng nó chẳng bị những tà thuyết xoay chuyển sẽ khó lắm, hết sức khó! Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! [Nói như vậy có] nghĩa là “khéo dạy dỗ con cái sao cho chúng nó trở thành hiền thiện” [sao cho] phong thái này từ một làng, một ấp lan ra khắp thiên hạ. Tôi thường nói: “Dạy con là cái gốc để bình trị, nhưng dạy con gái lại càng quan trọng thiết yếu hơn! Vì nữ nhân có quyền hạn giúp chồng dạy con. Nếu con gái hiền thiện thì con rể và con cái chúng nó sẽ đều hiền thiện”. Do vậy, lại nói: “Quyền trị gia bình thiên hạ bọn nữ nhân chiếm quá nửa”, ấy chính là chân ngữ, thật ngữ. Muốn cho cửa nhà hưng thịnh, con cháu hiền thiện, hãy nên lấy lời tôi làm khuôn thước thì những điều mong cầu sẽ đều đạt được.

Lại nữa, đề xướng nhân quả báo ứng, không tốt gì bằng dạy người ta thọ trì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Âm Chất Văn, bởi những loại sách giảng về thiện - ác [người ta] vừa đọc liền hiểu rõ thì sẽ dễ được lợi ích. Bành Định Cầu163 từ nhỏ hằng ngày đọc tụng hai bộ sách này, tới khi đỗ Trạng Nguyên làm Thượng Thư, vẫn hằng ngày tụng đọc. Lúc rảnh rỗi bèn cung kính chép lại tặng cho người khác, ghi là Nguyên Tể Tất Độc Thư (sách phải đọc của Trạng Nguyên, Tể Tướng). Lời Bạt viết: “Không phải là đọc sách này có thể làm Trạng Nguyên, Tể Tướng, mà là Trạng Nguyên, Tể Tướng quyết chẳng thể không đọc sách này!” Đủ biết tầm quan trọng của hai bộ sách ấy! Trong khóa tụng sáng tối, lúc hồi hướng, Quang sẽ đọc pháp danh của cha ông để hồi hướng suốt một thất cho trọn hết tình nghĩa thầy trò. Những điều khác xin ông hãy đọc kỹ trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, ở đây không viết đầy đủ (Ngày Mười Ba tháng Mười Hai, viết dưới đèn)


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương