Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo



tải về 2.21 Mb.
trang8/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   29

54. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ sáu)
Hôm qua nhận được thư và Bát Triều Toàn Thi, cảm tạ khôn cùng! Trộm nghĩ Ấn Quang là một ông Tăng phàm tục thô lậu ở đất Bắc, đối với đạo pháp nhà Phật trọn chẳng đạt được gì, dẫu có bàn nói thì đa phần là cuồng vọng, chẳng bị trách tội là đã may mắn quá rồi! Nào kham khen ngợi quá lố như thế, cảm thấy hổ thẹn cùng cực! Quang đời trước lắm tội lỗi, sanh ra liền mắc bệnh mắt, trong suốt sáu tháng gào thét khóc lóc, trừ lúc ăn ngủ ra, trọn không lúc nào không khóc gào. May nhờ thiện căn đời trước, còn được thấy mặt trời và kinh Phật thật may mắn quá! Bản chú giải của các hạ kích thước chữ quá nhỏ, nhất loạt chẳng dám xem! Một phần hai mươi [như đã nói trong lá thư trước] là một phần này đem chia thành mười phần, trong phần Tạp Ký chiếm đến tám chín phần, lời chú giải chỉ chiếm một hai phần mà thôi. Chỉ lấy phần này xem đại lược, chứ hoàn toàn chưa đọc trọn một trương. Các hạ giữ tấm lòng khiêm hư như thế, nào phải đợi người quáng mắt trình bày mỗi điều, ắt sẽ đúng đúng, sai sai, không điều gì chính mình chẳng biết rõ!

Hoàng cư sĩ biết lỗi mạnh mẽ sửa đổi, có thể là bậc tận tụy tu tập thực tiễn, là bậc anh hùng trong Nho môn, làm kim thang cho Phật pháp. Kính vì pháp môn và chúng sanh mà chúc mừng, pháp vận sẽ thông suốt, đã có người chế ngự những kẻ lấn hiếp [Phật giáo]! Trong lá thư trước đã nói đến Tấn Đức Lục rồi, tôi không nhàn rỗi, làm sao [tìm thấy] có [điểm nào] lầm lạc [trong cuốn sách ấy] cho được? Bát Triều Toàn Thi tuy tôi không đọc được, nhưng sẽ trân trọng cất giữ vì một là để làm kỷ niệm, hai là dùng để tra cứu.

Ma Ha Bát Nhã chỉ cho kinh Bát Nhã được nói đến trong thời thứ tư [của năm thời đức Phật thuyết pháp]. Nói chia chẻ ra thì có tám bộ, nhưng tám bộ ấy đều là các hội108 trong bộ Bát Nhã sáu trăm quyển. [Do vậy], nói chung chỉ có kinh Đại Bát Nhã mà thôi! “Hoa Nghiêm hải không” (Kinh Hoa Nghiêm như biển cả, như hư không) [nghĩa là] một bộ kinh Hoa Nghiêm vượt trỗi các kinh, lý bao trùm các kinh, gồm vô lượng pháp môn, chỉ rõ Nhất Chân pháp giới, ví như biển cả chứa đựng khắp các dòng nước, dường như hư không mênh mông chứa đựng muôn hình tượng. Vì thế gọi là “hải không”.

Hơn nữa, những pháp được nói trong kinh Hoa Nghiêm chính là pháp để thành Phật ngay trong một đời này. Dù đã thành Phật, bất quá là đích thân chứng được tâm tánh vốn sẵn có mà thôi, chứ trọn chẳng đạt được pháp nào. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Viên mãn Bồ Đề quy vô sở đắc” (Bồ Đề viên mãn quy về chỗ không có gì để đạt được); Tâm Kinh nói: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa nãi đắc cứu cánh Niết Bàn” (Do không có gì để đắc nên Bồ Tát bèn đắc Niết Bàn rốt ráo); kinh Kim Cang nói: “Diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ, thật vô chúng sanh đắc diệt độ giả” (Diệt độ hết thảy chúng sanh rồi nhưng thật sự chẳng có chúng sanh nào được diệt độ). Đó gọi là “Không - Hữu chẳng lập, một đạo thanh tịnh”. Do vậy, gọi là “hải không”. Tôi thấy biết thô lậu như thế, chẳng biết các hạ nghĩ sao?

Mồng Chín tháng này, Trung Hoa Thư Cục gởi đến ba cuốn Linh Học Tùng Chí, tức là báo ra vào ba kỳ 3, 4, 5, do vậy bèn đọc đại khái. Thấy tạp chí ấy dạy người sửa lỗi hướng lành, bàn cặn kẽ về sanh tử luân hồi, có lợi ích lớn lao cho kẻ không tin nhân quả và chấp trước tà vạy rằng không có ba đời. Còn phần nói về Phật pháp và Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền giáng đàn chỉ dạy, đều là do những linh quỷ hoàn toàn chẳng biết gì về Phật pháp giả danh. Trong số báo thứ tư, cõi trời gồm hai mươi bốn thừa như trong “Phật giáo” do [linh quỷ mạo danh] Văn Thù Bồ Tát dạy, và thứ tự của hai mươi bốn địa vị trong Phật giáo do [linh quỷ mạo danh] Phổ Hiền Bồ Tát giảng dạy đều là nói nhăng nói cuội!

Còn kinh Phật Đảnh Hỗn Nguyên là do [bọn linh quỷ] ăn trộm ý nghĩa từ Kim Cang Kinh, Tâm Kinh ngụy tạo ra. Dẫu trong kinh ấy những lời lẽ phần nhiều trích từ kinh Phật thật sự, nhưng cũng chớ nên lưu truyền thọ trì vì tà - chánh xen tạp, giống như bỏ chất độc vào món ăn ngon, chẳng dùng để đỡ đói được! Vô Lượng Độ Sanh Kinh càng là thứ nói năng mù quáng. Trộm sợ các hạ tín tâm chân thật, thiết tha, cũng xem kinh này giống như Cao Vương Kinh rồi vì đó sẽ tán dương, lưu thông thì hoại loạn Phật pháp, khiến chúng sanh bị lầm lạc, nghi ngờ, tội lỗi chẳng nông cạn đâu! Đã mạo nhận là tri kỷ của ông, nào dám chẳng trình bày đại lược lời lẽ của kẻ cắt cỏ, đẵn củi để ngăn ngừa hậu hoạn “vì thiện tâm mà chuốc lấy ác quả” hay sao?

Các hạ đã ghi tên gia nhập làm hội viên hạng ba của họ, chỉ nên bảo họ chú trọng nêu tỏ những chuyện “sửa ác, hướng thiện và hiếu - đễ - trung - tín - lễ - nghĩa - liêm - sỉ, kiêng giết, kiêng dâm, giữ phận khiêm cung, ghìm mình khiêm nhượng, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” v.v… Vô thượng diệu đạo của đức Như Lai há những đàn cơ thỉnh linh tiên có thể tuyên dương diễn thuyết được chăng? Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, Tướng Quốc Vương Định Cửu đều do [có kẻ] cầu cơ [mà giáng xuống dạy đạo], nhưng đều nghiêm ngặt răn cấm cầu cơ. Hãy nên lấy đó làm khuôn thước!

Lời luận định của ông Kỷ Văn Đạt về cầu cơ rất có đạo lý, ông ta cho rằng đàn cơ giả nhiều thật ít109, người thông đạt, bậc sáng suốt hãy nên kính nhi viễn chi, chớ nên chuyên dốc sức vào nơi ấy để rồi bị bọn tiểu quỷ, tiểu thần mê hoặc. Như trong bài Tạp Toản thứ chín của Linh Học Tùng Chí số thứ ba, ông Thạnh Thành thuật chuyện “hồn người sống giáng cơ” như sau: Cha ông ta một bữa nọ đốt bùa thỉnh tiên, cơ lay chuyển mạnh mẽ, vẽ hai vòng tròn và một vạch đứng trên mâm cát suốt hai tiếng đồng hồ chứ không viết gì khác. Cha ông ta bảo những người hiện diện nơi đàn cầu cơ là do họ chẳng nghiêm túc khiến thần bị chọc giận. [Mọi người] sụp lạy liên tiếp, [cơ bút] vẫn vẽ như cũ, mọi người đều sợ hãi. Chợt [trong đám] người nhà, có người từ Đơn Gia Kiều trở về nói: “Phía dưới gầm cầu có một gã gánh phân nằm mê mệt bên đường, miệng lẩm bẩm rì rầm, tình trạng giống như bị bệnh ngặt nghèo, hãy mau đi cứu, sợ để lâu không kịp nữa!” Cha ông ta liền đốt bùa tống tiễn [thần tiên] rồi đi ra xem thì thấy gã gánh phân đã tỉnh, cho biết: “Tôi nằm mộng thấy đến một chỗ nọ, hương đèn sáng choang, mọi người hướng về phía tôi sụp lạy. Tôi không biết đáp ứng ra sao bèn vẽ trên mâm hai cái thùng với một cây đòn gánh của tôi để chỉ cho họ biết, bọn họ càng sụp lạy nhiều hơn, kính cẩn nhiều hơn. Tôi chẳng biết làm thế nào, cứ vẽ đi lại cái hình tả nghề nghiệp của tôi mà thôi!” Ông Thành tự nói: “Do vậy lòng thành tin tưởng vào chuyện cầu cơ ngày càng tăng hơn!”

Tôi nói: “Lòng thành tin tưởng [vào chuyện cầu cơ] của ông Thạnh Thành là chỉ biết tiến mà không biết lùi!” Ôi! Thỉnh tiên mà người gánh phân giáng đàn, vẽ đòn gánh thùng phân chẳng biết bao nhiêu lượt! Nếu không có người từ cầu trở về, chắc [đại chúng trong đàn cầu cơ ấy] sẽ nói cái hình vẽ đó có biết bao điều huyền diệu, sợ rằng đấy là do tiên thánh chỉ dạy ý chỉ huyền áo: “Chấp vào giữa sẽ quán thông tất cả, chấp vào đôi bên, nhưng dùng cái ở giữa!” chắc chắn chẳng dám ức đoán rằng: “Đây là thùng phân, đòn gánh!” Đến khi gặp “tiên nhân gánh phân” nói toạc ra thì hình vẽ ấy chẳng đáng một đồng! Suốt nửa ngày miệt mài cầu khẩn gã gánh phân, khôn ngăn hổ thẹn, bàng hoàng! Vì thế, cần biết rằng: Thật sự có chân tiên, nhưng kẻ giả danh lại chẳng phải chỉ là gã gánh phân mà thôi! Người trí do chuyện này mà ngộ.

Quang tính nửa tháng sau sẽ đi qua chỗ khác, độ hơn một tháng sẽ trở về. Lúc về chắc sẽ đi vòng sang Thượng Hải, sẽ đến quý cục gặp gỡ một phen để thưa hỏi, học lấy những điều lợi ích. Mong từ nay đừng gởi thư đến nữa để khỏi bị lạc mất! (Ngày Mười Hai tháng Bảy năm Dân Quốc thứ bảy - 1918)


55. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ bảy)
Cách biệt mấy tháng, mong ngóng thật sâu. Vừa nhận được thư gởi đến cùng với hai bản chú giải kinh như gặp được pháp nhan, cảm kích, hổ thẹn tột cùng. Quang do nghiệp chướng sâu nặng, mắt gần như mù từ lúc mới sanh, tuy thường luôn sám hối, nghiệp vẫn như cũ. Kính cẩn đem hai bài tựa cuốn Phổ Hiền Hành Pháp Kinh đọc một lượt, [thấy] lời tựa của Đại Tâm có thể nói là dùng cái tâm tự lập, lập người, làm chuyện tự lợi, lợi tha, giải trừ mười điều nghi, nêu rõ mười điều lợi ích, đây đâu phải chỉ là bài tựa cho các [bản chú giải] kinh của các hạ mà chính là lời tựa chung cho [những tác phẩm] các bậc hoằng kinh xưa nay. Nào ngờ trung châu có vị vĩ nhân như thế! Một chữ “phẩm” cuối cùng dường như không ổn thỏa lắm, tuy không cố ý ngấm ngầm dùng trộm, nhưng đừng dùng theo cách này, sẽ mạo phạm hình thức của kinh, hãy nên đổi thành lời tựa chung. Lời Bạt của ông Độn Căn xét về ý nghĩa thì hết sức đề cao, nhưng dựa theo Tông, theo Giáo, hai đằng đều chẳng hợp, nhưng cũng không có quan hệ lớn lao chi lắm, hãy bỏ mặc đấy!

Trong lời tựa của các hạ, phần đầu dẫn lời của Diễn Tông có thể nói là lời bàn luận chẳng thể gạt bỏ được, cuối cùng dẫn câu nói của họ Hồ đủ thấy cái tâm hướng theo lẽ chánh. Sau này nhìn lại bây giờ, cũng giống như bây giờ nhìn lại thuở trước. Giữ được cái tâm “sợ thuở mai sau” thì trọn chẳng đến nỗi nghịch kinh, phản cổ, chuốc lấy tiếng chê cười trong tương lai. Phàm chú giải kinh Phật, phải có con mắt riêng; chớ nên dùng cảnh giới phàm phu để suy lường cảnh giới vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai. Như các ông Kỷ Đại Khuê, Diệp Tích Phụng v.v… do vì lẽ này mà hoằng pháp rốt cuộc biến thành báng pháp, khôn ngăn tiếc nuối vậy! Những điều khác do mục lực chẳng thể kham nổi nên đều chẳng dám đọc.

Thêm nữa, những danh tướng Đại Thừa và Tiểu Thừa trong kinh giống nhau rất nhiều; giải thích kinh Đại Thừa chớ nên dẫn những nghĩa trong kinh Tiểu Thừa để giảng giải. Như trong phần Niệm Thiên ở cuối pháp Lục Niệm thì Tiểu Thừa niệm những vị trời ở Dục Giới, Sắc Giới v.v… còn Đại Thừa thì niệm Đệ Nhất Nghĩa Thiên, Đại Niết Bàn Thiên. Nếu với kinh Đại Thừa mà dẫn nghĩa Tiểu Thừa để giải thích sẽ trở thành hoại loạn kinh tông110, chớ nên không cẩn thận! Chỉ do một nghĩa này, những điều khác có thể suy ra được! (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười năm Dân Quốc thứ bảy - 1918)

Quang hiện đang đả thất, xin đừng gởi thư đến. Dẫu có chuyện cần phải bàn bạc cũng nên đợi tới tháng Ba năm sau. Nếu gởi thư đến trước tháng Ba, nhất quyết chẳng vâng mệnh phúc đáp, xin hãy từ bi lượng thứ.

Một pháp Niệm Phật hãy nên lấy kinh luận Tịnh Độ làm chuẩn. Chúng sanh đời Mạt nghiệp nặng chướng sâu, tu Quán theo Quán Kinh vẫn khó thể thành tựu! Do vậy, chư Tổ của Liên Tông phần nhiều đều chuyên lấy Trì Danh làm pháp tu chủ yếu vì Trì Danh dễ dàng, hễ niệm liên tục bèn vãng sanh. Phương pháp nhiếp tâm có nhiều thứ, chứ chẳng phải một, tùy theo căn khí của mỗi người mà áp dụng sẽ tự được lợi ích. Nếu xét tới pháp thiết yếu nhất, nói chung chẳng pháp nào hơn được tám chữ “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của đức Đại Thế Chí.

Pháp môn Niệm Phật tam-muội của Đại Tâm tuy mỗi mặt đều có chỗ thấy biết thông suốt, nhưng chẳng thể dùng để dạy khắp mọi người vì hạ căn chẳng thể tu được, còn thượng căn tuy có thể tu nhưng không bắt buộc phải dùng phương pháp này! Trong nhan đề của sách, chữ Phật viết nguệch ngoạc, cổ quái, đủ thấy người ấy trong xử sự hằng ngày chưa thể chí thành khẩn thiết đối với Phật! Phàm những thói quen xấu như vậy hãy nên tận lực ngăn ngừa!

Lưu Diễn Tông viết về sáu mươi lăm sức chẳng thể nghĩ bàn của kinh Pháp Hoa, có thể nói đã thâm nhập chỗ u viễn sâu xa của Pháp Hoa, nhưng lại đem mỗi một điều so sánh với Tịnh Độ để luận định hơn - kém, quả thật chẳng thấu hiểu pháp môn Quyền Thật của đức Như Lai, chỉ có thể lợi lạc những căn tánh như các vị Nam Nhạc, Thiên Thai trở lên, còn những ai thấp hơn đều bị thuyết ấy cắt đứt thiện căn vãng sanh Tây Phương! Sách ấy tuyệt đối chớ nên lưu thông. Nếu lưu thông tuy có thể làm cho con người tôn kính, tin tưởng Pháp Hoa, nhưng lại khiến cho hết thảy những ai không hiểu rõ giáo lý Quyền - Thật sẽ bởi đó mà miệt thị Tịnh Độ chẳng tu! Tịch Quang Tịnh Độ “đương xứ tức thị” (chính là ở ngay nơi đây), chỉ có một mình đức Phật là có thể chứng trọn vẹn; bậc Đẳng Giác Bồ Tát vẫn là Phần Chứng, huống gì những người khác? Nay đem sự thấy biết, pháp chứng ngộ của bậc Đăng Địa, Đăng Trụ111 giao cho phàm phu đảm nhiệm, há có nên chăng?

Trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với chư Phật rồi mà vẫn được [Phổ Hiền Bồ Tát] dạy cầu vãng sanh. Nay đối với kẻ trọn đủ Hoặc nghiệp lại dạy họ bỏ Di Đà Tịnh Độ để tu Sa Bà Tịnh Độ của đức Bổn Sư! Tấm lòng quả thật là rộng lớn, to tát, nhưng cái hại ấy chẳng thể nói cho hết được! Phàm cõi An Dưỡng nơi Sa Bà vốn là cõi Thật Báo Tịch Quang (Thật Báo và Tịch Quang vốn là một cõi. Ước theo quả báo cảm được thì gọi là Thật Báo. Ước theo lý được chứng thì gọi là Tịch Quang. Tịch Quang không có tướng, Thật Báo đầy đủ những tướng trang nghiêm mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn nhiều như số lượng vi trần trong Phật sát hải. Tuy vốn đủ trang nghiêm của các cõi nhiều như số vi trần, nhưng vốn là một pháp chẳng lập. Tuy một pháp chẳng lập, nhưng lại đầy đủ trang nghiêm, như gương sáng trọn chẳng có một vật, nhưng hễ Hồ đến Hồ hiện, giống như thể của Hư Không tuy chẳng có các tướng, nhưng chẳng trở ngại mặt trời chiếu rọi, mây đùn). Cõi Thật Báo Tịch Quang Tịnh Độ ấy chỉ có những vị đã đạt đến địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo mới có thể thấy được.

Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ nơi Tây Phương không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những sự vui; còn Phàm Thánh Đồng Cư độ trong cõi này, ba thứ Hoặc - Nghiệp - Khổ nhóm lại như cái chĩa ba xấu ác, luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng có thuở nào xong! Do vậy, đem đối chiếu Thật Báo Tịch Quang cõi này và Phàm Thánh Đồng Cư độ để bàn luận chính là trái nghịch ý chỉ của kinh, trao lầm pháp dược, than thở khôn ngằn! Sao chẳng đem đối chiếu Phàm Thánh Đồng Cư độ cõi này và Phàm Thánh Đồng Cư độ của cõi kia để luận định thì mới là lời nói khế lý, khế cơ, được tam thế chư Phật đều ấn khả vậy? Ấy là vì hiểu biết chưa tinh tường mà đã muốn chê trách đường lối, nhằm tỏ vẻ đang trong thời cải cách cũng có bậc nương theo đại nguyện luân, sửa đổi pháp môn thích hợp khắp ba căn của Như Lai, là chỗ quy tông kết huyệt cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm sao cho nó được tốt lành hơn đấy chăng?

Ấn Quang không đạo, không đức, tham phỏng ít ỏi, học vấn nhỏ nhoi, chẳng thể vì pháp môn ra sức một câu, một chữ nào, nhưng muốn cho hết thảy hữu tình đều cùng sanh về Tây Phương, chẳng thể không mạo muội phạm đến bậc đại gia, dâng lên sự hiểu biết giống như hòn đá nơi núi khác112 vậy. Nếu coi trọng pháp, ắt sẽ tha thứ. Nếu không, dẫu bảo Quang là tà kiến báng pháp cũng hoan hỷ nhận lãnh, không dám oán trách gì!

Quang mục lực suy kém, gần đây lại bị nhức đầu dữ dội, càng thêm suy kém hơn, do chuyện có quan hệ đến pháp đạo nên chẳng thể không trình bày đại lược lòng ngu thành.
56. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ tám)
Kinh Dịch chép: “Quân tử cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý chi ngoại ứng chi, huống kỳ nhĩ giả hồ? Xuất kỳ ngôn bất thiện, thiên lý chi ngoại tắc vi chi, huống kỳ nhĩ giả hồ?” (Quân tử ở trong nhà, thốt ra lời lành thì ngoài ngàn dặm còn đáp ứng, huống gì những kẻ ở gần ư? Thốt ra lời chẳng lành, ngoài ngàn dặm còn chống đối, huống là những kẻ ở gần ư?) Cư sĩ Diễn Tông một lòng đau đáu cực lực đề cao sức chẳng thể nghĩ bàn của kinh Pháp Hoa, hiềm rằng chưa biết tường tận về nguyên do, nên viện dẫn kinh văn, phân tích phán định sự hơn - kém, chẳng những trái nghịch pháp môn phổ độ chúng sanh rốt ráo của tam thế chư Phật, mà còn trái nghịch quá đáng những ý nghĩa Bổn, Tích, Khai, Hiển trong kinh ấy! Uổng phí cái tâm tốt đẹp để gây lầm lạc cho mình lẫn người!

Trong thư trước, tôi đã vâng mạng đáp lời, trình bày đại lược những nét đại khái, thưa là quyết chẳng thể lưu thông [sách ấy]. Hai ba bữa nay lại có mấy người bạn tại gia từng đọc sách ấy khôn ngăn đau đớn, biết Ấn Quang lòng dạ thẳng tuột, ăn nói thẳng băng, sẽ dám trình bày, khuyên can, từ ngoài xa mấy ngàn dặm đều gởi thư và sách ấy bảo Ấn Quang hãy làm hòn đá mài để trần thuật lẽ lợi hại, chớ để cho sách ấy được lưu thông hòng bảo toàn danh dự cho ông Lưu trong đời này, tránh khỏi quả báo trong vị lai, khuyên thiện, răn lỗi cho trọn hết tình nghĩa bè bạn trong pháp môn.

Trộm nghĩ: Ấn Quang người hèn đức mỏng, nói ra ai chịu nghe, một lần quấy nhiễu là đã quá đáng rồi, nào dám quấy nhiễu lần nữa? Tiếp đó nghĩ Ấn Quang đời trước bất hạnh, đến nỗi đời này sanh ra liền bị bệnh mắt, xuất gia hơn ba mươi năm, tuy thường siêng năng sám hối, do nghiệp chướng sâu đậm nên tâm chẳng nhập được đạo, mắt ngày càng quáng lòa, đoán rằng chắc là do báo đời trước nói sai Phật pháp làm hại chánh nhãn của người khác nên chiêu cảm quả báo này; suy nghĩ đến đây, lòng càng thêm nhức nhối, từ ta suy ra người, thế khôn ngăn được! Muốn cho ông Lưu và hết thảy mọi người đời đời kiếp kiếp được nhục nhãn sáng ngời, đời đời kiếp kiếp được pháp nhãn thanh tịnh, thấu hiểu sâu xa ý Phật, chứng triệt để tự tâm, dẫn dắt khắp các hàm thức cùng lên bờ giác, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ do quả báo chiêu cảm như Ấn Quang; cũng nhờ vào công đức ấy mà Ấn Quang tiêu bớt nghiệp chướng này. Dẫu bị nói là chỉ trích, bài xích trước tác của bậc thông suốt sẽ vĩnh viễn đọa A Tỳ địa ngục, chịu khổ cả kiếp dài lâu, nhưng khiến cho hết thảy chúng sanh đều hưởng lợi ích, chỉ mình ta chịu khổ thì cũng là hạnh phúc lớn lao, được ban thưởng vô cùng không gì bằng!

Xin hãy bảo ông Lưu đừng in thêm sách ấy nữa, những sách đã in từ trước, trừ những sách đã bán ra ngoài, phàm những sách còn lưu giữ đều phó cho Bính Đinh113 hết! Đừng nói là làm như vậy sẽ uổng phí bao nhiêu đó tiền tài, khó thể làm theo được! Nên biết rằng: Người đời thường dùng tiền tài để làm các công đức, trọn chẳng chịu dùng tiền tài để chuộc tội lỗi. Lại có kẻ chẳng chịu làm công đức, rốt cuộc gặp phải trộm giặc, nước, lửa, vẫn bị hư hao! Huống chi sách này có những điểm gây lầm lạc cho người khác, thiêu đi chính là công đức đấy! Nếu chẳng lượng thứ cho lòng ngu thành, vẫn lưu thông y như cũ, rất sợ rằng những người nhiệt tâm bảo vệ pháp đạo nhà Phật sẽ mạnh mẽ dấy lên, viết luận chê trách, in ra sách, đăng báo, lưu truyền khắp Thần Châu114 thì danh dự lẫn lợi ích hai đằng đều bị hao tổn!

Nếu xót thương lòng tôi ngu thành, thủ tiêu ngay sách ấy đi, ắt người ta sẽ nói ông Lưu rốt cuộc kiến địa cao minh, nên có thể thông suốt thuận theo lời can gián, chỉ tôn trọng lý. Tuy là mất mặt một lúc, nhưng quả thật chẳng phải là cố ý làm càn. Con người không phải là thánh hiền, ai không phạm lỗi? Hễ có lỗi mà có thể sửa thì không gì tốt lành bằng! Từ đấy, danh dự ngày càng cao, đức hạnh, danh vọng ngày càng thêm rạng rỡ. Tương lai ắt ở địa vị cao cả nắm quyền cai trị nước nhà, hoằng dương pháp hóa lợi lạc quần manh. Lập công, lập đức, lập ngôn, tự giác, giác tha viên mãn, rạng rỡ Tổ tông, nở mày nở mặt tổ tiên, phước lan đến hậu duệ khiến cho ức vạn năm sau vĩnh viễn noi theo dấu thơm thì may mắn nào bằng?

Nếu không, bước thứ nhất xảy chân, khó thể gượng dậy! Sự đã qua rồi, hối chẳng kịp nữa! Nếu chẳng coi Quang là kẻ ăn chực ngoài hải đảo để gởi kiếp sống tàn, ngoài chuyện nghĩ đến cái ăn ra, trăm việc chẳng làm được một việc nào, chỉ vì không làm được gì nên cũng không mong cầu gì, dẫu cho được tôn lên chín tầng trời cũng chẳng tăng thêm được chút nào! Dẫu vùi xuống chín tầng đất cũng chẳng bị hao tổn chút nào! Vì sao vậy? Do không làm được gì nên không mong cầu, cho nên chẳng có chỗ nào để tăng thêm hay bị hao tổn. Dẫu có muốn tăng hay tổn chỉ thành uổng công! Chỉ vì như vậy nên mới dám lòng dạ thẳng băng, ăn nói thẳng thừng, bảo ban cùng bạn thiết trong pháp môn. Còn nghe hay không mặc cho người ta tự liệu, chỉ tận hết lòng trung của tôi để thưa bày tấm lòng mà thôi! (Ngày mồng Một tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ sáu - 1917)


57. Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ chín)
Quang túc nghiệp rất sâu, có mắt như mù. Thường chuyên chú sám hối để tiêu trừ, nhưng nghiệp vẫn như cũ. Có lẽ vì nhiều kiếp đến nay từng dựa vào ý kiến của chính mình để giảng sai Phật pháp, làm hư pháp nhãn của người khác, gây lầm lạc cho chánh trí của người ta mà ra. Vì thế, trong đời này chẳng dám vì tình cảm xấu - tốt đối với người khác mà thốt lời bàn luận. Thà để cho người ta chán ghét, chửi bới, trọn chẳng dám dò tìm những điều người khác ưa thích để khen ngợi hòng tự siểm nịnh, siểm nịnh người! Từ mùa Hạ năm ngoái đến nay, trao đổi thư từ với các hạ đến gần một vạn chữ, lòng ngu thành khăng khăng ấy ắt các hạ đã thấy tận gan ruột rồi!

Ngày Hai Mươi Bốn tháng này, cung kính nhận được cuốn Phật Học Chỉ Nam do các hạ ban cho, liền mở ra đọc đại khái. Thấy những điều được dẫn giải trong phần Thượng Biên là các ngôn luận, sự tích nhân quả do các vị danh sĩ ghi chép; thật đáng chấn động kẻ điếc, làm sáng mắt người mù, khơi gợi, dẫn dắt cho người đời. Dẫu có vài chỗ chẳng thích đáng lắm, nhưng xét về đại thể, sách ấy có ích, tỳ vết nhỏ nhặt nào có hại gì! Nếu phê bình từng điều một thì sự lợi ích càng rộng lớn lắm! Hãy nên cho đăng từng phần trên Thời Sự Tân Báo để làm cho tai mắt người đời được lãnh hội điều mới mẻ, hòng thỏa thích hoằng nguyện của các hạ.

Phần Hạ Biên xét về đại thể cố nhiên là tốt đẹp, nhưng phần luận về mười tông của cụ [Dương] Nhân Sơn, phần [giới thiệu] đại lược về Đại Tạng của ông [Lê] Đoan Phủ đã từng đăng trong Phật Học Tùng Báo rồi! Nguyên bản sách Tam Quốc Phật Giáo Lược Sử vốn rất sơ sài, đại lược, nay ông lại rút gọn hơn nữa [thì càng bị sơ lược lắm]! Những điều khác đều giống như thế, cho đăng hay không đều được cả! Trong những bài ấy, không phải là không có những tỳ vết nhỏ nhặt, nhưng do chẳng quan hệ khẩn yếu, cũng như do [Quang] mục lực không đủ nên chẳng nêu ra.

Trong các tác phẩm do các hạ biên soạn, chỉ có tác phẩm này là lợi ích rộng lớn nhất; vì người căn cơ trung - hạ ắt phải do nhân quả báo ứng mà nhập đạo thì mới có lợi ích thật sự. Nếu không, chỉ là ăn nói trơn tru ngoài miệng, chẳng biết giữ lòng cung kính, cẩn thận để mong đích thân thật sự chứng được. Những kẻ cuồng huệ trong cõi đời đều do lúc ban đầu chẳng uống thuốc nhân quả báo ứng này, nên đối với lời nói “trực chỉ nhân tâm, đương thể tức thị” của Phật, của Tổ, ngược ngạo hiểu lầm thành “mặc tình tùy nghiệp”, [lấy đó làm] căn cứ để trọn chẳng kiêng dè, ác không cần đoạn, thiện chẳng cần tu. Dùng phàm tình để suy lường thánh trí, biến Đề-Hồ115 trở thành Tỳ Sương116, chẳng đáng buồn ư? Sách này được xuất hiện, ắt sẽ có kẻ ôm lòng run sợ, bồi hồi, bất an; từ đấy chú trọng đạt được lợi ích thật sự, chú trọng xa lìa mối họa thật sự. Từ một người cho đến nhiều người, từ một đời cho đến nhiều đời, được pháp lợi, tắm gội Phật ân, vượt biển khổ, lên bờ giác liên tục chẳng tận. Kính cẩn dùng điều này để chúc mừng các hạ.

Khi xem tới phần thư mục ở cuối cùng, vẫn thấy nêu tên cuốn Pháp Hoa Kinh Lực của ông Lưu Nhân Hàng (Diễn Tông). Mùa Đông năm ngoái, các hạ đã trống lòng xin chỉ chỗ sai, tôi đã trình bày [lý do] chẳng thể lưu thông sách ấy. Về sau, do bạn bè từ xa gởi thư đến, bảo Quang hãy thẳng thừng bày tỏ lời pháp gián (lời can ngăn về mặt pháp), Quang lại thiết tha trình bày những điểm sai lầm của sách ấy và chỉ rõ “lưu thông sách ấy sẽ bị người khác bài xích!” Nếu Diễn Tông cố chấp không nghe, sao các hạ vẫn lưu thông giùm cho ông ta vậy? Ấn Quang và Diễn Tông trọn chưa hề gặp mặt nhau, chưa nói với nhau một lời nào. Hai lá thư lần trước đa phần là tính kế cho ông Nhân Hàng, và một phần ít là tính kế cho các hạ. Nay thì chuyên vì các hạ tính kế.

Các hạ thông hiểu Phật pháp sâu xa, há chẳng biết “tự làm, dạy người [khác làm], thấy nghe [người khác làm bèn] vui theo” đều cùng chịu một quả báo do nghiệp thiện hoặc ác hay sao? Nhân Hàng là tự làm, các hạ thay ông ta lưu thông chính là đủ cả những chuyện “tự làm, dạy người [khác làm], thấy nghe [người khác làm bèn] vui theo”. Huống chi Quang hai lượt gởi thư tỏ bày lẽ lợi - hại mà các hạ vẫn lưu thông ư? Chắc ý các hạ cho rằng [những lời lẽ] trong lá thư thứ hai vẫn là do Quang nói thác ra, chứ thật sự chẳng có ai gởi thư bảo Quang can gián!

Ông đâu biết đối với chuyện này, Quang phải tốn khá nhiều công đắn đo; do bọn họ muốn Quang dựa theo từng điều [lập luận của Lưu Diễn Tông] để quở trách, rồi cho ấn tống rộng rãi [những lời phê phán ấy] để mong sao ai nấy đều cùng biết, chẳng bị mắc hại. Quang cho rằng: “Do tập khí, văn nhân thường mắc phải thói tệ ‘tâm vẫn chưa còn hiểu rõ đã muốn nêu tỏ’. Ta nên khuyên ông ta thiêu hủy sách, vĩnh viễn chẳng lưu thông là được rồi! Đâu cần phải nói nhiều gây lắm phiền nhiễu, làm chuyện tốn kém tiền tài!” Do vậy, bèn đem lá thư thứ nhất và lá thư thứ hai cùng gởi đi, lại còn dặn đừng đưa thư Quang cho người khác xem. Ông ta gởi thư trả lời, nói Quang muốn thủ tiêu một cách vô hình, đôi bên ai nấy đều được lợi ích. Đọc xong khiến cho người ta ứa lệ.

Nào ngờ năm nay các hạ vẫn ký tên lưu thông thì ra lá thư các hạ trả lời Ấn Quang chính là mưu mẹo để dỗ cho đứa bé nín khóc, chứ không phải là lời lẽ thể hiện sự vui mừng, kính phục từ trong tâm. Ấn Quang yêu mến các hạ còn hơn các hạ yêu mến Quang, vì thế lại khóc oa oa. Nếu các hạ chịu rủ lòng thương, bất luận Nhân Hàng nói trước tác của chính mình cao sâu đến đâu, [các hạ sẽ bảo ông ta] “ông muốn lưu thông thì hãy tự lưu thông, dẫu dùng oai phước để bức bách, tôi cũng chẳng chịu thay ông lưu thông”, Quang sẽ hết khóc liền. Nếu không, Ấn Quang chỉ tự oán mình đời trước khẩu nghiệp quá sâu đến nỗi [đời này] lời nói chẳng được ai tin. Mười pháp giới mặc người tự tạo, nào có liên can gì đến ta? Tuy tâm thật sự chưa thể thỏa thích, vui sướng, nhưng cũng chẳng khóc nữa. Vì sao? Vì vô ích cho người khác, gây tổn hại cho mình; sao bằng thôi đi, lẽ đâu bắt chước chim cuốc (đỗ quyên) gào xuông vô dụng? Các hạ phát hoằng thệ nguyện, muốn lợi khắp hết thảy chúng sanh, nhưng lại cực lực lưu thông sách có hại cho huệ mạng của chúng sanh là vì pháp nhãn chưa thể thấy thấu triệt điều tệ ấy hay chăng? Hay là vì tình cảm mà a dua điều người khác ưa thích đó chăng? Quang chẳng thể nào biết được! Nếu vẫn cứ tiếp tục lưu thông sách ấy thì Quang chẳng dám hướng về các hạ mở miệng nữa đâu!

Tháng Tám năm ngoái, tiên sinh Trương Vân Lôi gởi thư đến, Quang gởi thư trả lời nói đại lược: Thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống, ông chịu trách nhiệm chính ở tờ báo, đối với những ngôn luận kiêng giết, phóng sanh v.v… và những sự tích nhân quả báo ứng v.v…. mỗi ngày hãy nên đăng tải một hai điều, khiến cho người đọc thấy được tấm gương rành rành, giữ lòng răn dè, cẩn thận, dần dần được giồi mài, dần dần được tiêm nhiễm, ngày càng hướng về nơi bậc thánh bậc hiền mà chẳng tự biết. Ông ta gởi thư trả lời cho biết sẽ dành riêng một cột báo, chuyên đăng tải những ngôn luận nhà Phật. Quang đã bắt đầu Phật thất, cố nhiên chẳng trình bày nguyên do. Ông ta cùng với Diệp Bá Cao, Ưng Quý Trung v.v… mười mấy người bàn định chương trình, cho đăng tải hằng ngày. Họ cử ông Diệp Bá Cao chịu trách nhiệm duyệt bài, đọc rồi mới được đăng báo. Đến tháng Chạp, họ đăng thông cáo về việc ấy, mới biết đến biện pháp đó.

Kế đó, Châu Mạnh Do nhiều lượt gởi thư bảo Quang viết luận. Thoạt đầu, Quang cật lực từ chối; tiếp đó, bất đắc dĩ phải ưng thuận, chỉ sao chép lại bao nhiêu đó bài văn hủ bại của chính mình gởi đi. Nghe nói những bài được đăng tải trong tháng Giêng đều là những văn từ hủ bại của Quang. Cũng có những bài không do Quang gởi mà là thư của Quang gởi cho người khác, người ta tự gởi đến tòa báo. Quang xin những đồ ăn thừa, giữ được những thứ cơm thừa, canh cặn ấy, những vị danh nhân ấy nhận lấy, đem dâng lên tai mắt của mọi người, khôn ngăn hổ thẹn đến chết người, nhưng cũng chẳng biết làm sao được? Chỉ đành để mặc mà thôi! Viết ra những điều này để chuốc lấy một tiếng cười vậy! (Ngày Hai Mươi Lăm tháng Giêng năm Dân Quốc thứ bảy - 1918)


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương