Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Vương Hải Tuyền



tải về 2.21 Mb.
trang17/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   29

128. Thư trả lời cư sĩ Vương Hải Tuyền
Phàm là người quy y, ắt phải chí thành, khẩn thiết tu trì pháp môn Tịnh Độ. Nếu vẫn dùng những công phu luyện đan, vận khí v.v… của ngoại đạo sẽ trở thành tà - chánh chẳng phân, hoặc đến nỗi coi tà là chánh, tưởng chánh là tà! Ngàn vạn phần chớ để cho hạng người ấy trà trộn. Nếu trước kia đã từng học pháp ngoại đạo, sau biết đấy không phải là chánh đạo, hoàn toàn vứt bỏ, tách rời khỏi cách tu của bọn chúng thì được! Nếu không, chẳng thể được! Lại có những kẻ tin vào cầu cơ, hạng người ấy cũng đừng nên cho quy y. Vì cầu cơ phần nhiều là linh quỷ mạo danh tiên, Phật. Linh quỷ thượng đẳng tuy chẳng biết lý sâu nhưng vẫn chưa đến nỗi khiến cho [người cầu cơ] bị lầm lẫn. Linh quỷ hạ đẳng chắc sẽ đến nỗi làm hỏng đại sự của người khác. Người niệm Phật ngàn vạn phần chẳng được kết giao với những kẻ ấy!

Nay đặt pháp danh cho những người quy y, xin hãy chép ra, giao cho họ. Xin hãy bảo họ: Cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giữ tấm lòng tốt, nói lời lành, làm chuyện tốt, sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, ăn chay, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại dùng những điều ấy để dạy người thì mới chẳng phụ hai chữ “quy y”. Nếu không, sẽ hữu danh vô thật, trọn chẳng được lợi ích gì, lại còn phạm tội lỗi khinh pháp, mạn pháp!

Muốn tiêu trừ kiếp nạn mênh mông này thì phải dạy hết thảy già - trẻ - trai - gái cùng niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Sức của bốn mươi mấy người làm sao địch nổi ác nghiệp trong đời trước hay trong đời này của trăm ngàn vạn người? Nay gởi cho ông Khuyến Niệm Quán Âm Văn và Một Lá Thư Trả Lời Khắp. Xin hãy đưa cho những người quy y xem.
129. Thư trả lời cư sĩ Châu Thiện Xương (thư thứ nhất)
Trần Vĩnh Dự gởi thư đến cho biết ông côi cút từ bé. Gần đây, do mẹ qua đời, cảm nhận xác thân lẫn cõi đời vô thường, muốn báo ân cha mẹ bèn ăn chay niệm Phật. Đấy có thể gọi là “đã hiểu được đạo hiếu!” Đạo hiếu do người đời thường thực hành đều tăng thêm tội lỗi cho cha mẹ ([cha mẹ còn] sống thì sát sanh để phụng dưỡng, nếu mất thì sát sanh để cúng tế và đãi đằng những người đến phúng điếu. Chỉ mong sướng tai, khoái mắt, ngon miệng, vừa bụng người khác, chẳng tính đến chuyện gây phiền cho cha mẹ gánh tội nơi chín suối188, chẳng đáng buồn sao?) Kẻ phàm tục coi làm vậy là hiếu, chứ thật ra là lòng hiếu theo kiểu đại bất hiếu! Hiếu kiểu đó đối với chính mình lẫn cha mẹ đều vô ích, chỉ đổi lấy lời khen ngợi xuông của tục nhân vô tri mà thôi! Nhưng ông vẫn còn có bà nội và bà nội kế, hãy nên khuyên họ đều cùng ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới có ích. Nếu đợi họ chết rồi mới sẽ vì họ niệm Phật, sao bằng thừa dịp này khuyên họ tự niệm? Lại còn đem công đức niệm Phật của ông để hồi hướng cho họ, mong họ tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn, còn sống thì khỏe mạnh, yên vui, mất liền cao đăng cõi sen; đấy là lợi ích chân thật!

Ông đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Xương; nghĩa là dùng trí huệ để làm cho pháp môn Tịnh Độ được hưng thịnh, rạng rỡ, tự lợi, lợi người, cùng sanh về Tây Phương. Người niệm Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giữ tấm lòng tốt, nói lời lành, làm chuyện tốt, sanh lòng tin, phát nguyện trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn đem những điều ấy dạy cho người khác. Phàm những ai qua lại với ta đều nên đem những điều này giáo hóa họ, nhất là hãy nên khuyên vợ ông tu trì.

Thế đạo hiện thời nguy hiểm muôn bề. Người thường niệm Phật cố nhiên chẳng đến nỗi không tìm được lối thoát trong cảnh nguy hiểm. Hơn nữa, nữ nhân thường niệm Phật sẽ tránh được sản nạn. Nếu gặp lúc sanh nở, hãy nên niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” ra tiếng rõ ràng thì sẽ an nhiên sanh nở. Dẫu khó sanh tới cùng cực, người đã gần chết, dạy người ấy niệm Quán Âm và những người chăm sóc cũng như mọi người trong nhà đều lớn tiếng niệm thì không một ai chẳng lập tức sanh ngay, an nhiên sanh nở.

Hãy nên đem lời này bảo khắp hết thảy mọi người, chẳng những [người mẹ] không bị khổ vì sản nạn, mà con cái sanh ra đều hiền thiện. Đừng nói “lõa lồ bất tịnh, niệm [danh hiệu Bồ Tát] sợ mắc tội!” Cần biết rằng: Đấy là lúc không làm thế nào khác được, chẳng thể cung kính, khiết tịnh; chứ không phải là không chịu cung kính, khiết tịnh! Chỉ nên giữ lòng Thành trong tâm, đừng quan tâm đến tướng bên ngoài. Lời tôi vốn xuất phát từ kinh Phật, chứ không phải tự nêu ý kiến, tự ức đoán. Mong hãy an tâm hành theo, khiến cho mọi người đều cùng được lợi ích. Những pháp tu trì khác đã được nói tường tận trong Gia Ngôn Lục. Hãy đọc kỹ sẽ tự biết, nên ở đây không cần ghi chi tiết.


130. Thư trả lời cư sĩ Châu Thiện Xương (thư thứ hai)
Thư ông và thư của Trần Huệ Cung đều nhận được cả. Mười hai đồng hương kính cũng nhận được rồi. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay ai nấy đều đã gieo thiện căn; do vì không có người đề xướng nên đến nỗi thiện căn chẳng thể phát sanh, đáng tiếc thay! Người đời cầu con, chẳng biết trước hết phải đoạn dục, bảo dưỡng thân thể cho cường tráng. Ngày ngày thường làm chuyện vợ chồng mà chưa chết tức là may mắn quá đấy! Làm như vậy, dẫu có sanh được con thì hoặc là nó chẳng thể sống thọ, hoặc yếu ớt không thể làm được gì, đều là vì chẳng biết vun bồi nơi căn bản vậy! Nếu vợ chồng ông tuân theo nghĩa này, chắc chắn sau này sẽ sanh được đứa con phước đức trí huệ, đừng nên vội vàng! Đoạn dục càng lâu càng tốt. Hai vợ chồng phải cùng vì đại sự kế thừa tổ tông mà vâng giữ điều răn này, chớ đừng chưa đầy một hai tháng liền muốn gần gũi. So với những kẻ chẳng tiết dục tuy tốt hơn, nhưng vẫn là Tiên Thiên chẳng đủ, đứa con quyết chẳng thể có thành tựu được!

Bà nội của ông đã phát tâm niệm Phật, hãy nên thường nói với cụ về lợi ích niệm Phật vãng sanh. Nếu có thể làm cho nhị vị tổ mẫu (tức bà nội ruột và bà nội kế) đều được vãng sanh thì mới đáng gọi là “trọn hết phận làm con!” Nay đặt pháp danh cho bà nội ông là Đức Thuần, nghĩa là tâm tu trì Tịnh nghiệp thuần thành, chuyên dốc, khẩn thiết mong cầu. Pháp danh của bà nội kế là Đức Định, nghĩa là nhất tâm niệm Phật, quyết định cầu sanh, trọn chẳng ngờ vực hay biếng nhác! Vợ ông pháp danh là Huệ An, nghĩa là nhất tâm cầu sanh về thế giới An Lạc, tự lợi, lợi tha. Những điều khác đã nói cặn kẽ trong Văn Sao. Cuối tháng, tôi sẽ gởi bức thư dài đến (tức Một Bức Thư Trả Lời Khắp), ở đây không nói nhiều!

Bà nội ông tâm tha thiết mong có chắt, tôi dạy ông ba cách, nếu vợ chồng ông có thể hành theo đó, chắc chắn sẽ sanh được đứa con có phước, sống thọ, thông minh, trí huệ:

1) Một là vợ chồng hằng ngày thường lễ bái, trì niệm thánh hiệu Quán Âm.

2) Hai là phải giữ lòng từ thiện, làm chuyện lợi người giúp vật cho nhiều.

3) Ba là vợ chồng mỗi người ở riêng một phòng, đoạn tuyệt chuyện ăn nằm. Đợi đến khi thân thể đã được bảo dưỡng mạnh khỏe, chờ cho vợ sạch kinh xong, vào đêm trời trong, khí rạng, sẽ ở với nhau một đêm, ắt sẽ thụ thai. Từ đấy mỗi người vẫn ở riêng phòng, đừng ngủ chung với nhau nữa.

Do niệm Quán Âm nên đứa con ấy ắt có thiện căn, thông minh, trí huệ. Do giữ lòng từ thiện, thường làm những chuyện cứu giúp nên đứa con ấy ắt thọ. Do thân thể được dưỡng cho khỏe mạnh nên thân thể đứa con ắt được mạnh mẽ. Do vừa thụ thai chẳng ở chung phòng nữa, đứa con ấy vĩnh viễn không bị thai độc và ghẻ chốc, lên sởi v.v... Đấy là đạo “cầu con ắt được”!

Nếu hằng ngày ngủ chung với vợ, thường cùng ăn nằm, chắc sẽ đến nỗi mất mạng. Dẫu có sanh con, chắc khó trưởng thành được, không làm gì được; bởi lẽ, Tiên Thiên chẳng đủ, tinh thần lẫn tài trí đều chẳng sung túc. Người đời chẳng hiểu rõ lý này, ắt sẽ nghĩ thường chung đụng với vợ để sanh được con. Lầm lẫn quá lớn! Xin hãy đem nghĩa này nói với bà nội của ông ngõ hầu hơn một năm sau sẽ sanh được con vậy!


131. Thư trả lời cư sĩ Châu Thiện Xương (thư thứ ba)
Thư và trước sau hai mươi đồng đều nhận được đầy đủ, pháp danh của mười bốn người được viết trong tờ giấy khác. Hãy nên bảo bọn họ ai nấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, ăn chay, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới là đệ tử Phật thật sự. Quang mục lực chẳng đủ, gởi cho họ một gói Niệm Phật Khẩn Từ, xin hãy đưa cho mỗi người một quyển, bởi trong sách ấy có quy tắc niệm Phật và Một Lá Thư Trả Lời Khắp, có ích rất lớn! Cúng giỗ tổ tông đổi sang dùng cỗ chay, công đức rất lớn. Quang từ Thượng Hải trở về đã hơn một tháng mà trọn chẳng được rảnh rỗi chút nào! Lời tựa cho cuốn sổ [quy định] Tế Lễ [của dòng họ]189 hiện thời không rảnh rỗi [để viết]. Nếu sau này được rảnh, sẽ viết rồi gởi tới. [Khi nhận được, ông hãy] nhờ người viết chữ đẹp chép [lại bài tựa ấy] cho ngay ngắn, rõ ràng, khuyên, điểm, chấm câu để người đọc vừa xem liền hiểu rõ ngay. Lại còn đem bản thảo ấy gởi cho Phật Học Thư Cục ở Thượng Hải để đăng trên bán nguyệt san, may ra sẽ có người tiếp tục hành theo!
139. Thư trả lời cư sĩ Châu Thiện Xương (thư thứ tư)
Hôm trước, ông Nhậm đến đây, cầm theo thư của ông và hai món thức ăn, cảm ơn! Đãi khách bằng món chay ấy là đại kính; dùng sát sanh để đãi khách thật rất thiếu ý cung kính, nhưng thế tục quen thói, ngược ngạo coi đấy mới là kính, đáng thương xót lắm thay! Người đời nay phần nhiều thích xây cất lớn, cứ hở ra là muốn xây dựng. Do muốn xây dựng nên đụng chạm đến quan chức địa phương, người lo việc lại ngạo mạn, cứ suy ra cũng biết. [Địa phương ra lệnh] ngăn cấm cũng là điều tốt. Nếu không, thanh thế ngày càng lớn, có thể bị đại họa. Do con người hiện thời chẳng rõ nhân quả, quan lớn phần nhiều chẳng xét kỹ. Nếu đắc tội với kẻ tiểu nhân, hắn liền bịa đặt gán ghép, không cách nào chống đỡ được! Từ trước đến nay, Quang chẳng đề xướng xây dựng một cơ sở nào! Dẫu có ai muốn nhờ vào đấy để đề xướng thì cũng nên xây nhỏ đừng xây lớn để kẻ đố kỵ khỏi mượn cớ vu vạ! Trong Văn Sao có bức thư gởi cho ông Vương Dữ Tiếp190, hãy đọc sẽ biết.

Quang mục lực càng suy kém hơn là vì tuổi già, tinh thần suy nhược; chứ còn ăn uống, cử động vẫn chẳng khác gì trước kia. Thầy Minh Đạo mất, Hoằng Hóa Xã cũng giao về cho Quang chủ trì. Thầy ấy khéo mộ duyên, Quang cả đời chẳng thích mộ duyên. Tùy theo sức của tôi, nếu có người giúp đỡ tiền tài thì làm lớn, không có ai giúp đỡ thì làm nhỏ, miễn sao ta - người đều thoải mái là được rồi. Thời cuộc nguy hiểm, hãy nên khuyên người nhà và người làng cùng niệm Phật hiệu và danh hiệu Quán Âm để làm kế dự phòng. Mối họa lúc này khác với thuở xưa, trốn tránh cũng không được, đề phòng cũng không xong; trừ cách niệm Phật và niệm Quán Âm ra, không có cách thức tốt đẹp nào khác! Lại còn phải nghiêm túc dạy dỗ con cái, lúc chúng mới bắt đầu hiểu biết liền chú ý ngay, chứ để chúng lớn hơn một chút sẽ chẳng nghe theo lời dạy đâu!

Người thông minh trong thế gian thường cho là mình thông minh hơn đời, không chi chẳng biết! Vì thế, xưa kia đã có câu: “Nhất sự bất tri, Nho giả sở sỉ” (Một chuyện không biết, nhà Nho hổ thẹn). Lời ấy vẫn là lời nói xuông! Vì sao vậy? Nếu chuyện gì cũng biết, ai có thể tự biết chính mình? Chính mình còn không biết, sao lại tự phụ là không chuyện gì chẳng biết? Hiền Anh đời trước cũng có thiện căn, vì thế sanh vào gia đình có chánh tín. Các chị đều quy y, cô ta cũng bắt chước quy y; sau này sẽ trở thành một vị hướng dẫn tốt lành trong chốn khuê các. Nay đặt pháp danh cho cô ta là Tông Hiền. Tông là chủ, là gốc, Hiền chính là Tư Tề Thật Hiền đại sư, vị Tổ thứ chín của Liên Tông191. Bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của đại sư cực hay. Quang đặt tên cho cô ta là Tông Hiền là vì muốn cho cô thường nương theo bài [Khuyến Phát] Bồ Đề Tâm Văn mà phát tâm. Đã có thể nương theo bài văn ấy để phát tâm thì tất cả những chấp trước Thường Kiến, Đoạn Kiến sẽ chẳng cần phải phá mà tự tiêu diệt không còn sót.

Nay gởi cho cô ta một bộ An Sĩ Toàn Thư, xin hãy đọc kỹ càng, cẩn thận phần chú giải và dẫn chứng của đoạn văn “ta mười bảy đời làm thân sĩ đại phu”192 và những đoạn vấn đáp để giải trừ nghi ngờ trong các sách Vạn Thiện Tiên Tư, Dục Hải Hồi Cuồng, Tây Quy Trực Chỉ, sẽ chẳng đến nỗi biến mình thành kẻ không có căn bản, tuy tạm sống mấy chục năm, hễ chết liền tiêu diệt chẳng còn, há chẳng đáng thương đến tột cùng ư? Nếu biết thân chết mà thần thức chẳng diệt, coi đó như tuổi thọ, thì [tuổi thọ] nào phải chỉ dài lâu như trời với đất? Nếu chịu tu trì cầu sanh Tây Phương thì đến tột cùng đời vị lai sẽ làm đại đạo sư cho hết thảy chúng sanh, há chẳng phải là bậc đại trượng phu vĩ đại ư? Những câu vấn đáp ấy đều cực xác đáng, ở đây không viết đầy đủ. Lại gởi một bộ Bát Đức Tu Tri193 gồm hai tập, nếu có thể chiếu theo đó mà giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận thì mới là đệ tử chân thật của đức Phật. Xin hãy nói với cô ta.

Gởi tới chỗ vợ chồng con cái ông Vương Dần Oai tổng cộng bốn gói kinh sách các thứ. Nói đến cùng cực, sự thành tựu của một con người hoàn toàn nhờ được khéo dạy dỗ từ thuở bé, nhưng sự dạy dỗ của mẹ lại chiếm quá nửa. Nếu thuở bé đã mặc kệ cho quen thói thành tánh thì lớn lên khó thể thành tựu chánh khí được!

Lại nói đến ông La X…. Ba bốn năm trước, lão sư Lai Nhất Tiêu [tự khoe] có thể dùng tay hướng về người khác để trị bệnh, sau không có hiệu nghiệm gì vì ông ta dùng tà thuật để huyễn hoặc người đời. Người tin theo ông Tiêu còn ít, sau khi họ La đến [nhập bọn] lại càng được thần thánh hóa hơn: Trong tay [ông La] có thể hiện ra hình tượng Phật, Bồ Tát cho đồng nam, đồng nữ thọ pháp được thấy. Cả một thời, những tri thức có học vấn ở Tô Châu đều học theo pháp ấy. Thoạt đầu [ông La chữa bệnh] hoặc có hiệu quả hoặc không, loại tà thuật ấy gây ra lắm nỗi hiềm nghi. Không giống như ông Tiêu đưa tay hướng về bệnh nhân, họ La dùng hai tay nắn bóp trên thân người bệnh khoảng một tiếng đồng hồ. Về sau, chánh phủ cấm đoán. Họ nói Quang cũng học pháp này, đủ biết họ đã mạo nhận chiêu bài của người khác. Một đệ tử của Phổ Đà đề xướng [cách tu] Mật tông theo kiểu sư Nặc Na194 tại Nam Xương, bảo hết thảy mọi người rằng Quang cũng quy y Nặc Na! Người nghe liền tới hỏi pháp sư Đức Sâm, mới biết bọn họ dựng chuyện bịa đặt. Hiện nay là lúc tà ma xuất hiện trong cõi đời, chúng ta chỉ nên tự giữ đạo mình, quyết chẳng qua lại với họ. Nếu so đo một phen, bọn chúng sẽ càng thêm quấy nhiễu, báng bổ. Anh là anh, tôi là tôi, anh chẳng phạm đến tôi, tôi quyết chẳng phạm đến anh. Nếu không, chắc chắn chúng nó sẽ muốn bịa đặt, đồn thổi!

[Những sách vở được lưu hành bởi] Minh Thiện Thư Cục do các ông Thái Chấn Thân, Trương Tải Dương v.v… thành lập, quá nửa là các kinh sách ngụy tạo. Ai có tinh thần để quan tâm đến chuyện của họ cho được? Nếu Thượng Phong Quan có chánh tri kiến thì quan tâm đến còn có ích. Nếu không, sẽ đâm ra bị hại, sao lại khổ sở muốn tìm chuyện khổ như vậy?
133. Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Cung

Năm ngoái ở Đại Sanh, năm nay tại Cư Sĩ Lâm, hai lượt cảm ứng đều đáng cảm hóa kẻ ngu tục. Phàm làm công đức, vẫn lấy việc tụng niệm Phật hiệu làm trọng, bất tất phải đổi thành niệm kinh Địa Tạng. Một pháp Niệm Phật được ích lợi dễ dàng nhất, do kinh văn ít nên dễ niệm. Dẫu có người cầm dao muốn giết cũng vẫn niệm được. Hễ niệm liền được lợi ích. Dương Giám Đình ở Tô Châu khom mình chào tên lính Nhật ở cửa thành, trong tâm niệm thánh hiệu Quán Âm, gã lính ấy không thích được cúi chào bèn vung đao chém xuống (Đây chính là oan gia đời trước khiến cho ông ta bị toác da đầu), [đao] chạm đến da đầu liền trượt ngang. Da đầu đã toạc, chảy máu rất nhiều, nhưng xương đảnh đầu chẳng bị tổn thương mảy may. Nếu lưỡi đao không trượt ngang thì đầu đã thành hai mảnh rồi! Do vậy, biết trong thời thế nguy hiểm nhất, hãy nên lấy niệm Phật làm chánh.

Những kẻ khoe kỳ đua lạ đều chẳng chú trọng cứu khổ nạn, mà chú trọng tỏ lộ chính mình trí thức cao siêu. Các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị trong hội Hoa Nghiêm số đến vô lượng vô biên đều vâng lời Phổ Hiền Bồ Tát dạy, dùng công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh thế giới Cực Lạc để mong viên mãn Phật quả. Những vị ấy là người như thế nào? Chuyện ấy là chuyện như thế nào? Huống chi bọn ta gặp phải đại kiếp đao binh từ ngàn xưa chưa hề có, há nên đổi niệm Phật thành niệm kinh ư? Tâm Địa Tạng Bồ Tát cứu khổ khẩn thiết, nhưng so với A Di Đà Phật tiếp dẫn lúc lâm chung khiến được vãng sanh thì lại càng thua xa lắm. Vì thế, hãy nên uyển chuyển khuyên Huệ Giáp vẫn chú trọng chiếu theo quy cách cũ, vừa dễ làm mà lại lợi ích nhiều lắm! Pháp danh của mười ba người được viết trong tờ giấy khác. Đã nhận được món tiền bố thí của ông và của họ, cám ơn! Nay gởi [cho các ông] một gói Long Thư Tịnh Độ Văn, tổng cộng là mười bốn cuốn, nếu ai xem được thì đưa cho họ, bảo họ phải cung kính, chớ có khinh nhờn. Chẳng đọc được thì xin hãy thay Quang tặng cho người khác để tạo phước cho người ấy. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ rày đừng giới thiệu người khác đến quy y vì không có sức thù tiếp. Nay tôi ở Linh Nham, dẫu không có một đồng nào cũng sống được, chứ không phải như ở chùa Báo Quốc, mọi người đều do Quang cung cấp.
134. Thư trả lời cư sĩ Lục Bồi Cốc

Bản chú giải Tâm Kinh của Vô Cấu Tử195 dường như đúng, nhưng [thật sự là] sai, chớ nên đọc, cũng chớ nên lưu truyền, vì ông ta dùng lời lẽ nhà Thiền để diễn tả pháp luyện đan vận khí, khiến cho những kẻ chẳng biết tông chỉ Thiền gia đi theo con đường luyện đan vận khí, lầm người hoại pháp cũng lớn lắm! Căn bệnh như ông nói đó là vì ăn nằm quá độ. Do chẳng biết đoạn dục nên thuốc men vô hiệu! Từ nay hãy nên đoạn dục, vợ chồng ngủ riêng, chẳng mấy bữa sẽ thấy công hiệu. Đôi bên đều không xem nhau như vợ chồng, mà nên xem nhau như anh em, hoặc coi như khách khứa, đừng để cho dục niệm chớm nẩy. Nếu ngẫu nhiên khởi lên dục niệm, liền tưởng rắn độc nuốt nam căn của chính mình (Pháp này mầu nhiệm tột bậc. Nếu là nữ nhân hãy nên tưởng như rắn độc chui vào nữ căn) thì dục tâm sẽ tiêu diệt ngay!

Sau khi bình phục vẹn mười, hãy nên dưỡng sức thêm bao nhiêu ngày nữa, từ đấy càng phải nên điều độ, chớ nên thường ân ái thì mới mong sống lâu, mạnh khỏe được! Nếu chưa được bình phục mười phần, quyết chẳng được nói “bệnh đã khỏe hẳn, ở chung phòng chẳng sao!” Nếu như thế, quyết khó thể mong chi lành mạnh được! Hãy nên nói rõ lời này với vợ. Đây là để lành bệnh, chứ không phải là đoạn dục vĩnh viễn. Cố nhiên, đôi bên hãy nên khuyên nhắc lẫn nhau, chẳng để đến nỗi có khi không nhịn được thì sẽ mau lành bệnh.

Nay tôi gởi cho ông một bao tro hương Đại Bi kèm theo thư. Tro này tôi đã dùng chú Đại Bi gia trì hơn bốn ngàn biến. Nếu có thể chí thành niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, chắc chắn chẳng mấy chốc sẽ lành. Một bao tro này có thể pha uống được năm sáu chục lần. Nếu sợ phiền [phải pha nhiều lần] thì có thể lấy một phần sáu [lượng tro], bỏ trong bát to, dùng nước sôi để pha, khuấy lên, đợi cho chất tro lắng xuống sẽ gạn lấy nước trong trút vào trong bầu, hoặc trong bình, trong vò, mỗi ngày uống ba bốn lượt. Cần phải ăn chay, hằng ngày thường niệm thánh hiệu Quán Âm. Nếu thấy hiệu nghiệm lớn lao, lần sau chỉ pha [lượng tro vừa đủ dùng] do giữ nước lại không [thuận tiện] bằng giữ tro. Sau khi lành bệnh, đem số tro còn dư treo ở chỗ cao sạch sẽ, hoặc để thờ dưới khám thờ Phật, chớ nên khinh nhờn! Nếu gặp chứng bệnh nguy hiểm liền pha uống, ắt sẽ có thể khởi tử hồi sanh. Dẫu tuổi thọ đã tận, uống vào cũng có lợi ích. Chất tro sau khi pha xong nên thêm nước vào để trát lên nóc nhà, hoặc đổ xuống giếng, chớ nên đổ vào nơi ô uế. [Tro này] so với nước Đại Bi có công hiệu lớn hơn vì nước Đại Bi gia trì mấy chục biến hoặc mấy trăm biến liền bị người khác muốn lấy đi, không có nước nào để lâu hơn ba bốn tháng. Tro này chuẩn bị sẵn cho người ở nơi xa chẳng thể gởi nước đến được! (Ngày mồng Mười tháng Chín năm Ất Hợi - 1935).


135. Thư trả lời cư sĩ Quý Quốc Hương (thư thứ nhất)
Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Quang là ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, đối với Thiền lẫn Giáo đều chẳng theo đuổi được, chỉ nương nhờ, quy hướng pháp Niệm Phật. Đối với chuyện làm thầy người khác, thật chẳng dám chấp nhận bừa bãi! Cũng có người do lầm nghe theo kẻ khác xin đặt pháp danh, Quang cũng ngượng ngùng đáp ứng là vì mong họ sanh lòng tin đối với Phật pháp, gieo thiện căn, chứ không phải là Quang có thể làm thầy người khác được! Còn như các hạ, Thiền - Giáo đều thông, giới hạnh tinh nghiêm, giữ vững tám giới, thường chỉ ăn ngọ. Quang còn chưa thể giữ lệ ăn ngọ được; nếu lúc này mạo muội nhận lời, mai sau chắc ông chẳng tận mặt thóa mạ, ắt cũng sẽ hối hận thuở trước không xét kỹ, đến nỗi đối với chuyện cầu phước điền lại đâm ra trở thành hành động khinh Tăng mạn pháp! Vì thế, chẳng thể không nói duyên do. Mong ông hãy chuyển sang lễ bái bậc cao nhân ngõ hầu được lợi ích lớn lao!

Lại do ông mong được một lời nói để minh tâm, cũng chẳng dám khinh suất dễ dàng nói ra. Nếu đối với người chưa hiểu Phật pháp mà giảng đại lược lý tánh chắc cũng còn [tạm] nói được. Chứ nói đúng theo sự thật thì minh tâm nhưng chưa đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nào ai dám tự phụ? Do vậy, mong các hạ hãy tự xét. Nếu quả thật đạt đến chỗ như Lục Tổ nghe câu “không nên trụ vào đâu mà sanh tâm”, Bàng cư sĩ nghe câu “đợi ông một hơi uống sạch nước Tây Giang, ta sẽ nói cho ông”196, sư Đại Huệ nghe câu “gió Nồm thổi từ phía Nam đến, điện gác thành mát mẻ”197 thì mới được. Nếu không, nào dám nói bừa chuyện minh tâm? Quang vốn là một ông Tăng kém hèn, chẳng dám nói lời quá lố, cũng chẳng dám tâng bốc người khác quá mức. Vì thế, mới nói ra câu đụng chạm này! Còn như sáu bài Bút Ký như ông đã nói thì đều hay cả, chỉ có hai câu của Lục Tổ và Thần Tú198 thì chưa nêu ra điều hại, lẽ tệ, xin viết thêm vào. Lời của Tú đại sư tuy về mặt ngộ thì chưa ngộ, nhưng nếu y theo đều có ích. Lời của Lục Tổ nếu chưa thực chứng mà y theo sẽ bị họa chẳng cạn. Mong hãy rủ lòng xét rõ! (Viết vào đêm Trừ Tịch (30 Tết) dưới đèn)


136. Thư trả lời cư sĩ Quý Quốc Hương (thư thứ hai)
Cung kính tượng Phật bằng đất nặn hay gỗ chạm như đức Phật thật, chắc chắn sẽ có thể thành Phật, huống là [mong thành tựu] những điều khác ư? Quang chỉ là một bức tượng bằng đất, bằng gỗ mà thôi! Ông cứ muốn kính trọng như một vị Phật thì cũng chỉ tùy ông, chứ hình hài đất gỗ vẫn chẳng thay đổi! Sở dĩ [ông được] tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ là do lòng kính của ông cảm nên. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tu, nghĩa là dùng trí huệ tu tập pháp tự lợi lợi tha. Chớ nên nghĩ pháp tự lợi lợi tha vừa nói đó là quá lớn, quá cao, quá sâu, nó chính là “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương” mà thôi! Nguyên do của nỗi loạn lạc cùng cực hiện thời là vì chẳng nói đến nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình mà nên nỗi! Giáo dục trong gia đình càng phải chú trọng nhân quả báo ứng và dạy dỗ con cái. Ông hãy nên tùy phần tùy sức bảo hết thảy mọi người các sự lý này thì đối với Phật pháp, đối với Nho giáo đều được hữu ích.

Ngộ đạo dễ dàng, chứng đạo thật khó! Người đời nay phần nhiều đều chưa ngộ thật sự, chỉ lờ mờ, phảng phất, biết được chút phần liền tưởng “không có sanh tử để thoát, chẳng có Phật đạo để thành”, mặc sức phóng túng, tương lai đều nằm tù Diêm La. Đến lúc ấy mới biết cái ngộ (悟: giác ngộ) thuở trước chính là ngộ (誤: lầm lạc) vậy! Ông sau khi đã ngộ được câu “vốn không có một vật” bèn xét kỹ tập khí Tam Độc chẳng dễ tiêu trừ, quy tâm Tịnh Độ để cầu liễu thoát trong đời này, có thể nói là đã có thiện căn từ xưa. Những kẻ thông minh tự phụ chẳng chịu đổ công phu thật sự, rốt cuộc tự thành lừa mình dối người, nào có hạn lượng? Nguyện ông từ đầu đến cuối giữ mãi chí này, cùng với lệnh từ199 và vợ con cùng niệm Di Đà, cùng sanh Tịnh Độ, ngõ hầu chẳng uổng phí cuộc đời này và dịp gặp gỡ này.

Ông trên có mẹ già, dưới có vợ con, ngàn muôn phần chớ nên khởi ý tưởng đoạn diệt. Nếu gặp tai họa bất trắc, không tìm được cách nào thì cũng nên chí thành cầu Phật gia bị để mong miễn thoát. Dẫu cho định nghiệp khó tránh, cũng nên một niệm dốc lòng thành, liền được tiếp dẫn, chứ đâu phải do bảy ngày không ăn mới đạt được! Đã mang sẵn ý tưởng ấy chính là đã có căn cội ma, cho nên tôi phải nói toạc ra. Hai mươi đồng ông đã gởi sẽ viết thư cho hòa thượng Chân Đạt chùa Thái Bình tại Thượng Hải, nhờ Sư thay tôi gởi cho ông bốn gói Quán Âm Tụng, ba gói Gia Ngôn Lục, ba gói Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú. Đợi tới năm sau, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng được in ra, sẽ gởi cho ông một hai gói để giúp dạy dỗ con cái, giáo hóa xóm làng. Tháng Ba năm sau Quang sẽ sang Thượng Hải để hoàn tất việc in sách. Trong mùa Thu sẽ làm một kẻ đi khắp Đông - Tây - Nam - Bắc, trọn chẳng có chỗ nhất định để tiện chuyên tâm niệm Phật, khỏi phải thù tiếp thư từ, kẻo hỏng đại sự của tôi! Sau này, có muốn thỉnh kinh sách, xin hãy gởi thẳng khoản tiền ấy cho hòa thượng Chân Đạt chùa Thái Bình bến Trần Gia, Thượng Hải thâu nhận, Sư nhận được sẽ gởi biên nhận về cho ông, hễ có sách liền gởi ngay. Nếu không có thì phải đợi có sách rồi mới gởi. Đừng gởi tiền sang Định Hải, Ninh Ba khiến mệt trí đến cùng cực! (Ngày Hai Mươi Mốt tháng Mười Hai).


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương