MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa


– DẦU KHÍ TRONG HẢI-PHẦN DO VIỆT-NAM KIỂM-SOÁT



tải về 1.84 Mb.
trang12/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18

12.5 – DẦU KHÍ TRONG HẢI-PHẦN DO VIỆT-NAM KIỂM-SOÁT.

Không kể những khu-vực bị Trung-Cộng chiếm-đóng cũng như các vùng biển ngoài khơi đang tranh-chấp, tài-nguyên về dầu khí trong lòng biển Việt-Nam đã được ước-tính qua những số-lượng như sau:

- Theo tiến-sĩ Charles Johnson thuộc viện East-West Center, trữ-lượng dầu hoả Việt-Nam ước-lượng vào khoảng từ 1.5 đếm 3.0 tỷ thùng. Để so sánh, ta lấy trường-hợp các nước đang sản-xuất dầu lửa trong vùng như Úc-đại-Lợi và Mã-lai-Á. Hai quốc-gia này có trữ-lượng lần lượt là 1.7 và 3.0 tỷ thùng. Về khí đốt, trữ-lượng của Việt-Nam có thể nhiều tới 10,000 tỷ cubic feet. Ba vùng giếng dầu khí đã được thăm dò đầy đủ và đang được khai-thác có trữ-lượng như sau:

* Bạch-Hổ 175- 300 triệu thùng,

* Đại-Hùng 300- 600 triệu thùng,

* Rồng 100- 150 triệu thùng.64

Theo Bộ Năng-Lượng Hoa Kỳ, trữ-lượng dầu khí của Việt-Nam đang gia-tăng vì có thêm những khám-phá mới.65 Có một chuyên-gia năng-lượng nghĩ rằng Việt-Nam có thể nâng cao năng xuất lên tối-đa đến một triệu thùng một ngày. Tuy nghe có vẻ quá đáng, nhưng trong lúc giá dầu thô có khi vượt qua 70 US Dollars/ một thùng thì số tiền khổng lồ đó ở đâu? Năm 2005, báo-cáo chính-thức của các giếng dầu là 403,000 thùng một ngày. Nếu không tham-nhũng mà Nhà Nước Cộng-Sản chia đều thì người nghèo VN không còn nghèo nữa.


Hình 142 Vị-trí các bể trầm-tích Sông Hồng, Hoàng-Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay/Thổ Chu, Phú Khánh, Trường-Sa.
Dầu khí, Than và Năng lượng địa nhiệt.

Các con số về dầu khí do Bộ Công nghiệp đưa ra trong trang lưới điện-toán http://www.moi.gov.vn như sau:

Dầu khí đã được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 1970, nhưng chỉ sau năm 1984, ngành công nghiệp dầu khí mới thực sự có bước đi vững chắc... Dầu khí được tập trung ở các bể trầm tích Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay, Thổ Chu, Phú Khánh, Tư Chính, Vũng Mây, Trường-Sa.


Hình 143 Những lô dầu khí thời Việt-Nam Cộng-Hòa (1974).


Hình 144 Giàn Khoan nhô lên giữa đồng lúa Thái-Bình (197.
Qua kết quả thăm dò cho thấy: Bể Sông Hồng chủ yếu là khí. Bể Cửu Long chủ yếu phát hiện dầu. Hai bể còn lại là Nam Côn Sơn và Malay- Thổ Chu phát hiện cả dầu và khí. Bể Phú Khánh và Tư Chính- Vũng Mây mới chỉ dự báo triển vọng trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc địa chất.

Khoáng sản dầu khí đang được thăm dò với cường độ cao. Trữ lượng dầu đã được phát hiện vào khoảng 1.7 tỷ tấn và khí đốt vào khoảng 835 tỷ m3. Trữ lượng dầu được dự báo vào khoảng 6 tỷ tấn và trữ lượng khí vào khoảng 4,000 tỷ m3.




Hình 145 Vị-trí các lô dầu khí Việt-Nam. Bản-đồ này chỉ có các lô gần bờ, không bao trùm hết khu-vực“triệu km2 hải-phận”.
Những tin-tức lạc-quan vào cuối năm 1994 cho hay sản-lượng dầu khí Biển Đông của Việt-Nam đã vượt qua mặt Trung-Cộng (?) và phỏng-định Việt-Nam có số trữ-lượng dầu khí khổng-lồ, vào hàng thứ tư trên thế-giới. (The United States and Vietnam: Overcoming the Past and Investing in the Future, Thomas R. Stauch, báo The International Lawyer, Winter 1994: 1025). Sự thật không phải như vậy.


Hình 146 Các lô phân-chia để khai-thác dầu-hoả ngoài khơi Nam-phần. Lưu-ý khu-vực tranh-chấp Việt-Hoa tại vùng Bãi Tứ-Chính (Vạn-An) và vị-trí các giếng dầu: Rồng, Dừa, Bạch-Hổ, Đại-Hùng.

12.6 – NHỮNG TÀI-NGUYÊN BIỂN-ĐÔNG TRONG TƯƠNG LAI

Theo đà phát-triển khoa-học kỹ-thuật, nhiều tài-nguyên quý-giá sẽ dần dần được khai thác từ lòng biển. Con người sẽ đào thêm dầu khí ở những vùng biển sâu hơn, lấy được nhiều loại quặng mỏ cần-thiết cho kỹ-nghệ.

Người Hoà-Lan với kỹ-thuật đê-điều ngăn-chận nước biển, từ các thế-kỷ trước đã chiếm thêm được nhiều đất đai sinh sống. Người Nhật ngày nay khởi-sự canh-tác quy-mô một vài loại thảo-mộc sống trong nước mặn như rong biển, nhiều loại sò hến và đặc-biệt phát-đạt trong ngành sản-xuất ngọc trai nhân-tạo.

Nhiều thí-nghiệm cho thấy trong tương-lai, loài người sẽ có thể sinh-sống trong lòng biển. Những khu định-cư ngoài không-gian xem ra xa vời hơn là những thành-phố nằm dưới mặt nước. Thế-giới biển-cả rồi ra sẽ trở nên sinh-động đối với loài người không thua gì thế-giới trên đất liền.

Người Việt đã phải mất nhiều thế-kỷ mới vượt hết giải núi Trường-Sơn để sát-nhập nửa phần miền Nam vào với lãnh-thổ. Nhưng rồi đây, theo với đà phát-triển chung của nhân-loại, có lẽ dân ta sẽ không quá tốn-kém thì-giờ để thâu-nhận Biển Đông làm cho căn nhà Việt-Nam rộng rãi hơn, giàu có hơn.

Nhiều loại năng-lượng thiên-nhiên của biển cả đang được nghiên-cứu để con người sử-dụng. Không bao lâu nữa, những dân duyên-hải như người Việt sẽ có nhiều năng-lượng rẻ tiền lấy ra từ sóng, gió, thủy-triều, từ sự chênh-lệch nhiệt-độ của nước biển ở trên mặt và dưới đáy biển, sự sai-biệt độ mặn giữa nước ở sông và nước ngoài khơi v.v...

Biển Việt-Nam là biển nhiệt-đới, nước ấm và sạch sẽ quanh năm, rất thích-hợp cho việc nuôi trồng thủy-sản. Quan-niệm “không-gian sinh-tồn” của người Trung-Hoa trong mộng thôn-tính Biển Đông nhiều ít bao gồm cả yếu-tố quan-trong này.


Hình 147 Hồ cá đường kính từ hàng chục đến hàng trăm km như hình vẽ trên rất có thể xảy ra trong tương-lai, cung-cấp vô-tận protein nuôi sống toàn thể nhân-loại.
Khác với việc trồng cấy trên mặt đất, người ta có một "hải-gian" bao la để canh-tác "nông-phẩm" biển theo cả ba chiều. Những nhà viết chuyện khoa-học giả-tưởng còn nghĩ rằng trong khoảng vài thế-kỷ tới, nhân-loại sẽ bắt đầu cư-trú thường-trực trong lòng biển cả. "Người biển", nhờ tiến-bộ khoa-học, sống thảnh-thơi và mọi sinh-hoạt cũng bình-thường như chúng ta đang sống ngày nay trên cạn.

Hải-phận đương-nhiên sẽ càng ngày càng có thêm giá-trị.




Hình 148 Một số rong biển quen thuộc nhất của

ngành canh-tác biển.
13 - CÁC ĐẢO THUỘC QUẦN-ĐẢO HOÀNG-SA.

Nói chung về địa-chất, các đảo gần bờ có đất đá cấu-tạo gần như cùng loại với các đồi núi nằm ven biển trên đất liền vì trong thực-tế, chúng là phần rìa của lục-địa bị nước biển tràn ngập từ giữa thời Plêistoxen cho đến nay. Ra xa ngoài khơi Biển Đông, cấu-tạo của hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa khác hẳn, các đảo do san-hô tạo thành.

Về hành-chánh, Huyện đảo Hoàng-Sa được thành lập từ tháng 1 năm 1997, thuộc thành phố Đà Nẵng. Huyện đảo bao gồm các đảo: đảo Hoàng-Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến. Đoạn này khảo-sát các đảo Hoàng-Sa một cách chi-tiết hơn.
13.1 – TÊN QUẦN-ĐẢO: BÃI CÁT VÀNG.

Chúng ta thường quen miệng mà gọi quần-đảo Hoàng-Sa, nhưng thực ra dẫy đảo này từ xưa đã mang tên Việt-Nam là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Tên này xác-định rõ ràng sự sở-hữu đã lâu đời vì người Việt biết rõ đặc-tính quần-đảo của mình. Chung quanh các đảo, rõ nhất ở Quang-Hòa, bãi cát thường mầu vàng. Vào những ngày biển êm, người ta có thể trông suốt đến đáy các nền lòng chảo san-hô và thấy cát vàng ở đó.

Người Trung-Hoa gọi quần-đảo bằng nhiều tên thay đổi một cách bất-nhất. Chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Tây-Sa).

Trên hải-đồ quốc-tế, Bãi Cát Vàng được ghi là Parcel, Paracel Islands hay Paracels.




Hình 149 Hình-ảnh quần-đảo Hoàng-Sa trên nền đáy Biển Đông. (Geological Topographic Mapping Party of Fujian Province, 1980's).
Ông Thái-văn-Kiểm dẫn hai thuyết về "Paracel" là tên người ngoại-quốc hay thường gọi như sau:

- Theo giáo-sư Pierre Yves Manguin, Parcel là một tiếng Bồ-Đào-Nha. Tiếng này nghĩa là đá ngầm (récif) hay cao-tảng (haut-font).

- Theo giáo-sư A. Brébion, Paracel là tên một thương-thuyền Hoà-Lan. Tàu này thuộc công-ty Đông-Ấn bị đắm tại quần-đảo Cát Vàng vào thế-kỷ XVI. (Hoàng-Sa Trường-Sa, Nguyễn-q.-Thắng, Sài Gòn 1988).

Vì vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy-triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo-sư Sơn-Hồng-Đức cho số lượng là 120 đảo. Sách cổ Việt-Nam trong những thế-kỷ trước đây cho biết có 130 đảo. Số lượng này nếu chỉ "cồn" (trong nghĩa Cồn Vàng) tức sóng "cồn" thì không sai thực-tế.

Dân Trung-Hoa, có người cho rằng Hoàng-Sa chỉ gồm 7 đảo nên gọi là Thất-Châu, có người lại nói 9 đảo nên đặt tên biển Hoàng-Sa là Cửu-đảo-dương. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta khó có thể chấp-nhận cả hai số lượng đảo quá sai lạc này.


Hình 150 Bản-đồ Quần-đảo Hoàng-Sa với địa-danh Việt-Nam. (Cục Đo-đạc, CHXHCN Việt-Nam, 1989).
13.2 - CHIỀU CAO CÁC ĐẢO.

Các đảo Hoàng-Sa không cao. Hải-đồ 5497 của Sở Thủy-Đạo Hoa-Kỳ ghi nhận độ cao những đảo bằng bộ Anh mà chúng tôi xếp theo thứ-tự cao thấp như sau: Rocky Island (Đảo Hòn Đá) 50ft, Pattle I. (Đảo Hoàng-Sa) 30ft, Robert I. (Đảo Hữu-Nhật hay Cam-Tuyền) 26ft, Money I. (Đảo Quang-Ảnh) 20ft, Pyramid Rk. (Hòn Tháp) 17ft, Lincoln I. (Đảo Linh-Côn) 15ft, Duncan I. (Đảo Quang-Hòa) 13ft, Triton I. (Đảo Tri-Tôn) 10ft.

Hai bãi ngầm Macclesfield và Scarborough nằm về phía Đông của quần-đảo Hoàng-Sa, luôn luôn nằm dưới mặt nước.

Các đảo chính của Hoàng-Sa gồm thành hai nhóm:

- Nhóm Lưỡi Liềm phía Đông Bắc

- Nhóm An-Vĩnh phía Tây-Nam


13.3 - CÁC BÃI NGẦM MACCLESFIELD VÀ SCARBOROUGH.

Trước khi đề-cập đến hai nhóm Lưỡi-Liềm và An-Vĩnh, chúng tôi xin nói sơ qua về các bãi ngầm phía đông Hoàng-Sa như Macclesfield Bank, Stewart Bank, Truro Shoal và Scarborough Shoal.

Nhóm Macclesfield chỉ gồm các bãi ngầm không có đảo nên thường bị nhiều người bỏ quên không liệt-kê trong danh-sách các đảo của Bãi Cát Vàng. Khi thời-tiết thật tốt, người ta chỉ thấy mặt biển phẳng lặng nhưng khi sóng gió, những cồn nước trắng xóa nổi lên suốt một vùng rộng lớn trông rất hùng-vĩ cho du-khách thưởng-ngoạn nhưng cũng gợi mối kinh-sợ mắc cạn cho người đi biển.


Hình 151Bản-đồ tổng-quát vị-trí các quần-đảo và bãi ngầm vùng Bắc của Biển Đông.
Những tài-liệu cổ Việt-Nam đề-cập đến số lượng các đảo các bãi (130 đảo), diện-tích (dài rộng nhiều trăm hải-lý), vị-trí (ngang Quảng-Ngãi) xác nhận các bãi cạn Macclesfield này cũng thuộc quần-đảo Cát-Vàng hay Hoàng-Sa vậy!

Trong các bản-đồ khai-thác dầu khí quốc-tế, phần “Vietnam Petroleum Block Claim” ghi nhận cả Macclesfield Bank và quần-đảo Hoàng-Sa.




Hình 152 “Vietnam Petroleum Block Claim” bao trùm cả Macclesfield Bank cũng như quần-đảo Hoàng-Sa.
Nằm về phía Đông-Nam của quần-đảo Hoàng-Sa, bãi ngầm Macclesfield là khu-vực rất tiện-lợi cho việc neo tàu. Trên đường hải-hành từ Việt qua Hồng-Kông hay Phi-luật-Tân, cũng như nhiều tàu ngoại-quốc, những chiến-hạm và thương-thuyền Việt-Nam khi cần ngừng lại, thường neo để nghỉ tạm ở đây.


Hình 153 Bãi ngầm Macclesfield có những vùng nông cạn, nhiều vị-trí neo tàu tiện-lợi ngoài khơi Biển Đông.
Nhóm bãi ngầm này hầu hết nằm dưới vĩ-tuyến 16 độ Bắc và vào khoảng một nửa đường hàng-hải từ Đà-Nẵng đi Phi-luật-Tân. Nhóm Macclesfield chiều dài tới hơn một trăm hải-lý, rộng khoảng 60 hải-lý, nhờ được rặng san-hô mọc ngầm dưới biển bao quanh như bức tường cản sóng nên mặt biển bên trong khá yên. Tuy ở giữa một vùng biển chung quanh sâu tới 3 - 4,000m, các bãi ngầm nhóm này lại nổi cao lên. Nhiều chỗ đáy cát nông, từ 5 đến 12 fathom (9 - 22m); giây neo tàu lớn đủ dài để có thể neo tàu lại cho thủy-thủ-đoàn sửa máy hay nghỉ-ngơi.

Trung-Cộng và Đài-Loan cùng tuyên-bố chủ-quyền trên bãi Macclesfield, nhưng vì bãi ngầm sâu dưới biển nên không có "căn-cứ quân-sự" nào được xây-dựng.

Về phía Đông của bãi Macclesfield, gần bờ biển Phi-luật-Tân có một bãi khá lớn ở dưới là đá ngầm: Scarborough Shoal. Bãi này nằm dưới mặt biển chừng 92 fathoms. Bên cạnh đó, Truro Shoal sâu 10 fathoms và Stewart Bank (578 fathoms) gần đảo Luzon của Phi-luật-Tân.

13.4 – NHÓM TRĂNG KHUYẾT.

Trăng-Khuyết hay Lưỡi Liềm hay Nguyệt-Thiềm hay Croissant hay Crescent là tên một nhóm đảo quan-trọng nằm về phía đất liền Việt-Nam.

Theo giáo-sư Sơn-Hồng-Đức thì từ phi-cơ nhìn xuống nhóm đảo này có hình như hai chiếc bánh "Croissant" (hay Crescent) đâu đầu vào nhau. Có 7 đảo chính kể ra dưới đây kèm theo tên Trung-Hoa:

- Hoàng-Sa - Shanhu Dao

- Hữu-Nhật - Guanquan Dao

- Duy-Mộng - Jinqing Dao

- Quang-Ảnh - Jinyin Dao

- Quang-Hoà - Chenhang Dao

- Bạch-Quỷ - Panshi Yu

- Tri-Tôn - Zhongjian Dao.

- Các bãi ngầm

- Vô-số mỏm đá.




Hình 154 Nhóm đảo Trăng Khuyết.
13.4.1- ĐẢO HOÀNG-SA.

Đảo Hoàng-Sa (Pattle Island) tuy là đảo chính của quần-đảo nhưng không phải là đảo lớn nhất. Nhiều nhà quân-sự cho rằng đảo này có vị-trí quan-trọng nhất, hơn cả đảo Phú-Lâm trong việc phòng-thủ bờ biển nước ta.

Đảo hình bầu dục, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, diện-tích chừng .32km2, có vòng san-hô bao quanh.

Trong thời-gian Hoàng-Sa dưới chủ-quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa, người ta thấy có nhà cửa căn-cứ quân-sự, đài khí-tượng, hải-đăng, miễu Bà, cầu tàu, bia chủ-quyền.




Hình 155 Không-ảnh Hoàng-Sa trong thời-gian quân-đội VNCH trú-đóng.
- Cơ-sở quân-sự được thiết-lập từ đầu thập-niên 1930. Sang thập-niên 1950, 1960; có lúc nhà cửa được xây cất thêm, tạm đủ cho sự trú-phòng của một tiểu-đoàn (trừ) Thủy-quân Lục-chiến. Sau này khi lực-lượng VNCH giảm xuống còn một trung-đội Địa-phương-quân thì nhà cửa bớt đi.

- Khoảng năm 1938, một đài Khí-tượng bắt đầu hoạt-động. Cơ-sở xây cất của đài cũng như đồn binh là hai ngôi nhà đồ-sộ và kiên-cố. Chỉ trừ ít năm khi quần-đảo bị Nhật chiếm, đài đã quan-trắc thời-tiết và phổ-biến tin-tức khí-tượng trong nhiều thập-niên cho đến khi Trung-Cộng cưỡng-chiếm vào tháng 1/1974.

Số hiệu của đài này là 48 860. Trong tổ-chức khí-tượng thế-giới World Meteorological Organization, nhóm 48 chỉ vùng Đông-Nam-Á, số 860 dùng cho đài Hoàng-Sa.

- Hải-đăng nằm ở phía Bắc của đảo cũng đã trợ-giúp đắc-lực cho các nhà hàng-hải khi dẫn lộ tàu thuyền đi ngang qua vùng biển Hoàng-Sa. Đèn hiệu này thấy xa chừng 12 hải-lý, thuộc loại hải-đăng chớp tắt có chu-kỳ mà thời-khoảng sáng dài hơn thời-khoảng tắt (Hải-đồ ghi: Occ - 12). Các tài-liệu hàng-hải quốc-tế như List of Lights trong những thập-niên 40, 50, 60, 70 đều ghi-chú rõ rệt những điểm này.





Hình 156 Trái: Bia Chủ-quyền Pháp dựng lên năm 1938, ghi lại việc nhận chủ-quyền chính-thức của chính-quyền Việt-Nam từ 1816.

Hình 157 Phải: Một người lính Việt trong "Garde Indochinoise" đang tuần-phòng trên bãi biển Hoàng-Sa.
Đài khí-tượng và hải-đăng đã biểu-tượng hùng-hồn cho sự quản-trị lãnh-thổ một cách hữu-hiệu của Việt-Nam Cộng-Hòa. Các chứng-cớ như vậy nối-tiếp với những chứng cớ khác từ đời Lê, Nguyễn cho thấy sự liên-lục trong việc hành-sử chủ-quyền của Việt-Nam trong suốt một khoảng thời-gian dài nhiều thế-kỷ.

- Miễu Bà có Tượng Bà cao 1.50m, được xây ở góc Tây-Nam của đảo, nơi mà từ đất liền ra là gặp ngay. Miếu thờ chắc chắn đã được xây nhiều lần. Theo sách "Chính-biến", vua Minh-Mạng cho dựng một thần-từ cùng lúc với việc lập bia, trồng thêm cây cối trên các đảo Hoàng-Sa vào năm 1835. Miếu này cách toà miếu cổ 7 trượng.

- Bia chủ-quyền Việt-Nam được đặt gần nơi giữa đảo. Nhà Nguyễn đã chính-thức đặt chủ-quyền ở quần-đảo Hoàng-Sa năm 1816. Người Pháp xác-nhận lại chủ-quyền đó của Việt-Nam vào năm 1938 bằng một tấm bia ghi những hàng chữ như sau:

République Française

Empire d'Annam

Archipel des Paracels

1816 - Ile de Pattle-1938



Hình 158 Một viên chức Việt-Nam chụp hình trước Nhà thờ trên đảo Hoàng-Sa.
- Một nhà thờ Thiên-chúa được xây-dựng vào thập-niên 1950 làm chỗ cầu-nguyện cho quân-nhân theo Thiên-chúa-giáo. Đảo có đường goòng bằng sắt dài 180m dẫn ra cầu tàu dùng cho việc vận-chuyển phân bón. Cầu tàu nằm về phía Nam của đảo. Một rạch nước khá sâu dẫn từ ngoài biển vào cầu tàu. Trong thập-niên 60, cầu tàu này dùng để cặp các xà-lan chở phosphate. Sang thập-niên 70, cầu và đường sắt đã bị hư hỏng nhiều.

Đảo đủ rộng để có thể thực-hiện một sân bay nhỏ. Ngay trước khi quần-đảo mất vào tay Trung-Cộng, Quân-đội VNCH đang chuẩn-bị thiết-lập một phi-đạo ngắn đủ khả-năng tiếp-nhận vận-tải-cơ Caribou (C7) hay các loại phi-cơ khác cần dùng phi-đạo ngắn hơn. Toán công-binh tiền-phương mới ra tới nơi thì trận hải-chiến xảy ra và đảo bị Trung-Cộng chiếm-đóng.

Mới đây, Trung-Cộng công-bố những bức hình cho thấy sự thay đổi. Trên đảo Hoàng-Sa cũng như trên các đảo cận-kề tương đối lớn, chúng đã xây cất thêm nhà cửa, tạo-thành những căn-cứ dành cho cả quân-sự lẫn ngư-nghiệp.
13.4.2 – ĐẢO HỮU-NHẬT (Robert Island, Cam-Tuyền (TH)

Đảo mang danh một Suất-đội Thủy-Quân triều Nguyễn, tên Phạm-hữu-Nhật. Ông người Quảng-Ngãi được vua Minh-Mạng phái ra quần-đảo Hoàng-Sa để đo đạc thủy-trình và vẽ bản-đồ các đảo vào năm 1836. Đảo hơi tròn, rộng độ .32km2, nằm về phía Nam đảo Hoàng-Sa, cách 3 hải-lý. Viền quanh đảo có những cây nhàu cao từ 2 đến 3m. Bên trong lớp cây, dầy chừng 30m, là khu lòng chảo nằm giữa đảo không sâu. Trên lớp đất đá, ngoài ít bụi cây nhỏ thì cỏ tranh mọc khắp nơi không cao lắm.

Ngoài bìa đảo là một vòng san-hô, có nhiều chỗ lấn hẳn vào bãi cát. Rất nhiều rong phủ kín mặt biển bao chung quanh. Vít thường lên bờ đẻ trứng la liệt trong khoảng hai mùa Xuân và Hạ.
13.4.3 – ĐẢO DUY-MỘNG (Drummond Island)

Cao không quá 4 m. Đảo hình bầu dục, diện-tích khoảng .41km2 có nhiều loại cây nhỏ. Hơi giống như đảo Hữu-Nhật, giữa đảo là một vùng đất không có cây. Chỗ đất trống này có thể sinh sống được. Lại có một lạch nước nhỏ nên ghe đi theo cửa lạch đó vào được sát bờ. Tàu lớn có thể bỏ neo cách bờ 2, 3 trăm thước.

Nhiều con vít và chim biển sống trên đảo.

Vào đầu tháng 1 năm 1974, trong những ngày Trung-Cộng khởi-sự xâm-lược nhóm Lưỡi-Liềm của quần-đảo Hoàng-Sa, chúng đã tập-trung tới 11 chiếm-hạm ở phía Tây đảo Duy-Mộng này.


13.4.4 – ĐẢO QUANG-ẢNH (Money Island)

Đảo mang tên một nhân-vật lịch-sử: Phạm-quang-Ảnh, vị Đội-trưởng Hoàng-Sa-đội thời Nguyễn. Theo lệnh vua Gia-Long, ông đem hải-đội ra Hoàng-Sa năm 1815 để thu-hồi hải-vật.

Đảo này cao khỏi mặt biển tới 6m, có lẽ cao nhất trong nhóm đảo Nguyệt-Thiềm. Đảo hình bầu dục hơi tròn, diện-tích khoảng .5km2. Có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao tới 5m, ở ngoài là các cây phosphorite và một loại cây khác giống cây mít nhưng không có trái.

Chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san-hô. Tàu lớn không thể lại gần đảo vì dễ mắc cạn, muốn thả neo phải thận-trọng vì dễ mất neo.


13.4.5 – ĐẢO QUANG-HÒA (Duncan Island)

Đảo này lớn nhất nhóm đảo Lưỡi Liềm, diện-tích gần .5km2. Chung quanh đảo là bãi cát mầu vàng. Vòng san-hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn còn có những đảo nhỏ, nối liền nhau bằng bãi cát dài. Một vài bản-đồ địa-chất ghi Quang-Hòa thành hai đảo Quang-Hòa Đông và Quang-Hòa Tây:

- Quang-hòa Đông có rừng cây nhàu và cây phosphorite mọc ở phía Tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m. Phần đảo phía Đông trơ trụi chỉ có giây leo sát mặt đất.

- Quang-Hòa Tây là một đảo nhỏ, chỉ bằng 1/10 đảo Đông, cùng những loại cây như ở đảo Đông nhưng chỉ cao khoảng 3m.




Hình 159 Trung-Cộng đã xây cất cầu tầu, nhà cửa, công-sự. Hình-thế đảo Quang-Hoà thay đổi như thấy trong tấm không-ảnh này.
Trận hải-chiến 19 tháng 1 năm 1974 giữa Hải-quân Việt-Nam và Trung-Cộng đã diễn ra trong vòng 3 - 7 hải-lý quanh đảo này.


Hình 160 Khu-trục-Hạm Trần-khánh-Dư HQ-4, một đơn-vị của HQ/VNCH từng tham-chiến Hoàng-Sa.
13.4.6 – ĐẢO BẠCH-QỦY (Passu Keah)

Đảo này là một dải san-hô, chỉ thật-sự nổi hẳn lên khỏi mặt nước khi thủy-triều xuống. Địa-thế trơ trọi đá, không cho phép người ta sinh-tồn.


13.4.7 – ĐẢO TRI-TÔN (Triton Island)

Đảo này gần bờ biển Việt-Nam nhất so với các đảo khác của Hoàng-Sa. Đảo Tri-Tôn thấp, trơ trọi đá san-hô, không có cây cỏ nhưng nhiều hải-sản như hải-sâm, ba ba, san-hô đủ mầu sắc.



13.4.8 – CÁC BÃI NGẦM.

Có ba bãi đá ngầm:

- Bãi ngầm Antelope Reef nằm phía Nam đảo Hữu-Nhật và phía Đông đảo Quang-Ảnh hoàn toàn là san-hô chưa nổi lên mặt nước.

- Bãi ngầm Vuladdore nằm về phía Đông Nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm, cách xa khoảng 20 hải-lý.

- Bãi ngầm Khám-phá (Discovery).

Bãi ngầm Khám-phá này là bãi ngầm lớn nhất trong cả quần đảo. Một vòng san-hô bao quanh chiều dài tới 15 hải-lý, bề ngang chừng 5 hải-lý.

Để hình-dung phần nào quang-cảnh các bãi ngầm nơi Biển Đông, chúng tôi tóm gọn lại phần mô-tả sau đây của ông Sơn-hồng-Đức về bãi ngầm Discovery làm tiêu-biểu. Trong một chuyến viếng-thăm Hoàng-Sa vào đầu thập-niên 1970, vị giáo-sư Địa-lý này đã ghi lại như sau:

"Đứng trên đài chỉ-huy của tàu nhìn xuống mặt đầm bên trong ám tiêu san-hô là một thế-giới yên lặng, mặc dù bên ngoài sóng bổ từng cơn lên ám tiêu viền. Nước bạc đua nhau, theo một lạch nhỏ để vào bên trong. Vào những ngày biển yên, người ta có thể trông suốt đến đáy lòng chảo cát vàng ở đáy. Nhiều loài thủy-tộc sống lâu năm nên to lớn dị-thường. Có những con cá đuối bằng hai chiếc chiếu, ốc tai tượng to bằng cái bàn nặng 700 ký..."

Nhà địa-chất-học A. Krempt cho rằng ám-tiêu Discovery, tên Pháp là Découverte có hình bán-nguyệt khá đối-xứng nhau. Giữa là đầm nước có độ sâu trung-bình 25m với hàng san-hô đang tăng-trưởng cách đến 4 hay 5m dưới mực nước biển thấp. Krempt cho rằng có thể giải-thích được sự thành-lập các ám-tiêu san-hô. (Barrier Reefs) vùng Đông-Bắc Úc-châu theo giả-thuyết gió mùa của ông.66



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương