MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa



tải về 1.84 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

11.3 - TÀI-LIỆU GIÁO-SƯ PHẠM-HOÀNG-HỘ

Chúng tôi xin mạn phép Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ để được trình-bày một số hình vẽ trong tập sách Cây cỏ Việt Nam, 1993 của Giáo-sư về thảo-mộc Hoàng-Sa như sau:




Hình 126 Hoa mười giờ - họ Sam - (Cây cỏ Việt Nam, 1993).
2611 – Portulaca polosa L. subsp. grandiflora (Hook). Gees … Lệ nhi, Mười-giờ; Moss Rose, Pourpier.

Cỏ mập, nhất hay đa niên, thân không lông trừ ở mắt. Lá mập, hình trụ hay hơi dẹp. Hoa to, rộng 2-3 cm, đơn hay đôi, mọc như ở chót thân; tiểu nhụy nhiều. Hạp quả tròn, to 2-3 mm; hột nhiều, đen, láng.

Gốc Argentin; rất nhiều thứ rất đẹp: spenders Hort., hoa đỏ; albiflora Hort., hoa trắng; sulphurea Hort., hoa vàng; thelusonii Hort., hoa cam vv…

Ornamental





Hình 127 Cassytha filiformis (Cây cỏ Việt Nam, 1993).
1367 – Cassytha filiformis L., Tơ xanh.

Cỏ bán ký sinh vàng xanh, leo quấn, có vòi hút nhựa nguyên cây chủ; thân cỏ lông mịn, to hơn loài trên (1,5mm). Gié dài 2-5cm; hoa nhỏ có 3 lá hoa phụ; đài và vành dính thành ống tròn; tiểu nhụy thụ 9, lép 3; noãn sào tự do. Bế quả cứng, đen, trong bao hoa đồng trưởng.

Dùng làm thuốc trị bịnh phổi và dương mai. Nhiều ở rừng còi, rừng thưa khắp cùng; I-XII.

Hemiparasite a little more robust than the precedent; spike longer.





Hình 128 Quỉ Kiến Sầu (Cây cỏ Việt Nam, 1993).
5179 – Tribulus terrestris L., Quỉ kiến sầu nhỏ, Tật lê, Gai ma vương.

Cỏ nằm, đa niên, cỏ lông trắng nằm. Lá trong một cặp một to một nhỏ; lá-phụ có lông nằm trắng. Hoa nhỏ, rộng 5-8 (20)mm; vành vàng xanh; cánh hoa nhỏ, ngắn hơn 1cm, vảy mật rời; tiểu nhụy 10; noãn sào có lông. Nang rộng 1,5 cm, kể cả gai, có lông. 2n = 36

Cây gốc sa mạc, chịu đất cát khô duyên hải đến núi cao; I-XII. Bổ, kích dục, cầm máu; trị đau mắt; theo thuốc bắc, trái bổ thận, lợi tiểu, trị đau lưng, làm lạc thai …

Perennial spreading herb; flowers yellow; petals less than 1mm long.

“Quần-đảo Hoàng-Sa mới nổi lên gần đây. Các mảnh đất mới này tạo nên một chỗ trống cho cây cỏ đến và tiếp-tục đến chiếm lập. Từ các vùng đất lân-bang đến bằng nhiều cách, các hạt giống đã nảy nở và thảo-mộc từ đó phủ trùm gần hết các đảo Pattle, Roberts, Money và Drummond; nhưng tộc-đoàn thảo-mộc đó chưa đủ thời-gian để trải qua một tiến-trình nhằm mang lại một đặc-tính riêng-biệt. Không có loại thảo-mộc nào là tại chỗ cả..."
11.4 - TÀI-LIỆU GIÁO-SƯ SƠN-HỒNG-ĐỨC

Giáo-Sư Sơn-Hồng-Đức cho các chi-tiết sau đây:

Loại cây cao thường thấy là các cây dừa và phi-lao. Các cây này mọc lẻ tẻ không thành rừng, dừa gần mé nước, phi lao sống trên bãi thường nhỏ bé hơn những cây nơi vùng duyên-hải.

Kế đó là Bàng Bể (Sea Almond), tên La-tinh Terminalia, thường cao cỡ 5-7m. Nhánh mọc ngang thành tầng, thân cây u nần, lá to mầu xanh vàng khi khô trở nên đỏ. Cây cho quả với nhân lớn và cứng, nướng chín ăn béo như hạnh-nhân.




Hình 129 Bàng Biển (Cây cỏ Việt Nam, 1993).
3977 – Terminalia catappa L., Bàng biển; Sea Almond, Indian Almond; Badamier.

Đại mộc cao 7-10m, không lông; nhánh mọc ngang thành tầng. Lá có phiến to, hình muỗng, dài đến 30 cm, đỏ lúc khô, cuống ngắn. Gié ở nách lá; hoa nhỏ trăng trắng; thường lép thành hoa đực; cánh hoa vắng, tiểu nhụy 10; ở hoa cái noãn sào hạ. Quả nhân cứng chín vàng, xoan dẹp dẹp, dài 6-8cm; nạc chua chua; hột 1, có đầu, ăn được.

Trồng dựa biển BTN; I-XII. Lá dùng nhuộm vàng khi thêm sắt vào.

Cultivated near sea shore.

To như cây bàng có cây Mù U, tên La-tinh là Calophyllum Inophyllum, lá xanh đậm, dài lối 2 tấc có nhiều gân phụ sít nhau màu nhạt hơn mầu lá, hoa trắng có nhiều tiểu-nhuỵ mầu vàng rất quyến rũ các loài bướm đốm. Trái Mù U cứng, tròn; thịt mầu vàng khi khô nhăn lại mầu xám xịt. Người ta có thể lấy hạt ép dầu thắp đèn. Vỏ cây tiết ra mủ vàng, có người dùng trị ghẻ.

Cao chừng 4-5m là loại cây còng tàn lá đặc-biệt với các lá nhỏ không mấy rậm rạp. Thân cây cũng đặc-biệt, nứt nẻ như những đường gân.





Hình 130 Mù U (Cây cỏ Việt Nam, 1993).
1574 – Calophyllum inophyllum L., Mù-u; Alexander Laurel, Laurel Wood; Laurier d’Alexandrie.

Đại mộc to; vỏ tiết oleoresin vàng-xanh. Lá có phến tròn dài, dài đến 15-17cm, xanh đậm, gân phụ nhiều, khít nhau. Chùm dài 5 cm; hoa trắng; lá đài 4, trắng; cánh hoa 4; tiểu nhụy nhiều, vàng; tâm bì không lông. Quả nhân cứng hình cầu vàng to đến 3cm.

Mủ và dầu lấy từ hột có vị thuốc; gỗ lâu mục. Thông thường dựa rạch, bình nguyên, từ Hải phòng đến Panjang; IX-VI.

Tree; oleoresin green yellow; flowers white; drupe 3-4cm diameter.

Ngoài ra có Cây Nhàu và Sồi Sim, tên La-tinh là Quercus Myrsinifolia Blum xuất-hiện rất ít ở vài đảo. Loại đại-mộc này cao tới 13- 15m, nhánh non không lồng, lá thon mầu mốc ở bên dưới và xám lại lúc khô.

Dưới thấp có hội-đoàn thảo-mộc thích-ứng với môi-trường cát hay cát pha phosphate như:

- Họ Bìm-Bìm (Convolulaceae) gồm Ipomea Bilola và Ipomea Littoralis

- Họ Hoà-Bản như Cỏ Chông (Spinifex Littereus), Cỏ Còng-Còng (Zoysia Matrella),

- Cỏ Xạ-Tử (Sporobolus Virginicus).

- Cỏ Cú mà dân đánh cá thường đào lấy củ về làm vị thuốc Bắc.

Loại thảo-mộc được ngư-dân thích nhất là Nam-Sâm, rất quý vì có dược-liệu. Nam-Sâm, tên La-tinh là Boerhaavia Vipeus, là một loại cỏ phần dưới trườn trên đất, ngọn cất đầu lên. Lá có mấy phiến xoan tròn dài, chùm mang tụ-tán 3 hoa.


Hình 131 Nam-Sâm là một dược-thảo mọc nhiều ở đảo Trường-Sa.
2549 – Boerhavia diffusa L., Nam sâm, Nam sâm bò; Spraeding Hog-weed.

Cỏ bò hay bò rồi đứng, hay leo, có rễ phù như củ; thân có lông đầu phù, tiết. Phiến lá xoan tròn dài, hình tim, có khi màu đỏ; cuống dài 1-1,5cm. Chùm mang tụ tán 3 hoa; cọng hoa rất ngắn, 0,2-2mm; bao hoa hường hay đỏ; ống 2mm; tiểu nhụy 1-3. Hoa quả dài 2-3mm, có 5 cạnh tròn và lông tiết trĩn, có và không cọng.

Rễ (purnarnavin, alc.) trị ho, lợi tiểu, nhuận trường, thông nước. Dựa lộ, vườn, sân, 0-2000 m; I-XII.

Chung quanh các đảo còn có nhiều thứ rong biển. Một vài loại có thể sử-dụng như phân xanh bón cây, một số khác có thể khai-thác như rau câu, một dược-liệu mà đồng-thời cũng là món ăn hàng ngày của một số dân-tộc Đông-Nam-Á. Nguồn lợi này có thể đưa đến hình-thức xuất-cảng được. Có hải-tảo mệnh-danh là "Euchecha" dùng làm nguyên-liệu cho kỹ-nghệ sản-xuất mỹ-phẩm như kem thoa mặt.


11.5 – BÁO-CÁO CỦA KỸ-SƯ TRỊNH-TUẤN-ANH.

Năm 1973, Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh sau khi khảo-sát tổng-quát địa-lý, đã làm một phúc-trình về đảo Nam-Yết. Vì tình-trạng thực-vật ở đảo Nam-Yết không khác mấy so với các đảo khác trong vùng nên ta có thể dùng phúc-trình trên làm tiêu-biểu. Kỹ-sư họ Trịnh viết như sau: "Cây cối ở đây chỉ gồm một số ít loại có trái hoặc hạt từ các vùng duyên-hải Việt-Nam. Sarawak và các đảo lân cận trôi tấp vào đó mọc lên.

Sinh-cảnh thực-vật chính ở trên hòn đảo gồm có dừa và một loại cây thích-hợp với môi-trường biển mọc chung quanh:

Tournefortia argentea Loài Boraginaceae

Cocos nucifera Loài Palmae

Ngoài ra còn một số ít cây khác với dây leo và cỏ, mọc rất tươi tốt gồm có:

- Bàng Fagraea crenulata Maingay Loganiaceae

- Nhàu Morinda angustifolia Roxb Rubiaceae

- Mù-u Calophyllum Inophyllum Lin Guttleferae

- Rau sam Portulaca Oleracea L. Portulacaceae

- Thuarea involuta R. Br Gramineae

Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh có cùng nhận-xét như giáo-sư Sơn-Hồng-Đức về việc canh-tác. Hai ông cho rằng các cây ăn trái như mãng-cầu hay nhãn và một vài loại hoa-mầu phụ như rau cải có thể thích-hợp nhất. Cây trái nên trồng ở giữa đảo và rau cỏ nên trồng vào mùa mưa.


12 – TÀI-NGUYÊN.

Tài-nguyên Biển Đông gồm có phân bón trên các đảo, cá tôm thu-hoạch ngoài biển và dầu khí nằm sâu dưới lòng biển:



12.1 - PHOSPHATE.

Theo những bản phúc-trình về tài-nguyên thì khối dự-trữ phosphate ở quần-đảo Hoàng-Sa có thể tới hơn 4 triệu tấn, nghĩa là đủ cho nhu-cầu phân bón của Việt-Nam Cộng-hòa trong vòng 25 năm (nhu-cầu những năm 1970). Số lượng do Kỹ-sư Trần-Hữu-Châu phỏng-định vào mùa thu năm 1973 là 3,595,000m3 cho riêng 6 đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm. Trọng-lượng mỗi m3 phosphate là 1.5 tấn. Nếu chỉ khai-thác một nửa thôi, số lượng phosphate dùng được cũng tới 2,700,000 tấn.

Theo tài-liệu của Nha Khoáng-Chất (Bộ Kinh-Tế VNCH) thì số lượng dự-trữ phosphate (trên các đảo chính của quần-đảo Hoàng-Sa) như sau:

* Hoàng-Sa, có từ 560,000 đến 1,000,000 tấn.

* Hữu-Nhật có lối 1,400,000 tấn.

* Quang-Ảnh có từ 700,000 đến 1,200,000 tấn.

* Duy-Mộng có từ 600,000 đến 1,000,00 tấn.59

Tài-liệu về phân chim - guano- tìm thấy trong các bài viết:



  • Maurice Clerget, Contribution a l'etude des iles Paracels; les
    phosphates. Nhatrang, Vietnam 1932.

  • A. Lacroix, Les ressources minerales de la France d'Outre-Mer, tome IV (Paracels' phosphate: p. 165), Paris 1935.

  • United Nations, ECAFE, Phosphate Resources of Mekong Basin Countries; 4. Vietnam, (1): Paracel Islands; Bangkok 1972.

Ông Maurice ước lượng có tới 8 triệu tấn tại Quần-đảo Hoàng-Sa.

Ở Trường-Sa, số lượng phosphate chưa được tính toán đầy đủ, nhưng ước-lượng cũng nhiều triệu tấn. Công-việc khai-thác nguồn lợi này ở Trường-Sa đã nhiều lần dở dang. Trước thời 1975, người ta còn thấy trên các đảo ở Trường-Sa nhiều đống phân chim gom lại chưa di-chuyển đi hết.


12.2 – NGƯ-NGHIỆP

Hàng năm, vùng Biển Đông thu-hoạch được khoảng 5 hay 6 triệu tấn hải-sản, chiếm vào khoảng 1/14 tổng-số sản-lượng của thế-giới (70 hay 80 triệu tấn). Khả-năng thu-hoạch còn có thể cao hơn nhiều, ít nhất là 3 triệu tấn nữa.




Hình 132 Mức-độ khai-thác ngư-nghiệp tại Biển Đông, cao nhất tại vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan và dọc duyên hải.

Trong thế-kỷ trước, mức-độ khai-thác ngư-nghiệp tại Biển Đông cao nhất tại vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan và dọc duyên hải. Ngày nay mật-độ hải-sản những nơi đó bị giảm, thuyền cá phải hoạt-động ra xa ngoài khơi.

Loại cá đang được khai-thác có kế-hoạch quy-mô nhất là cá thu, danh-loại Thunnus Thynnus. Thịt cá này ăn thật ngon, bán rất được giá. Cá thu Yellowfin Tuna sống gần như khắp nơi ở Biển Đông, suốt dọc từ phía bắc Hoàng-Sa đến phía nam Trường-Sa, di-chuyển theo mùa tới tận Mindanao và Borneo.

Chỉ riêng trong khu-vực phía đông của Trường-Sa, ước-lượng thu-hoạch hàng năm tới 50 triệu Mỹ-kim. Sau Yellowfin Tuna, các loại Skipjack Tuna, Bigeye Tuna, Mackerels cũng nhiều.

Ngoài các tàu đánh cá Phi-luật-Tân đang hoạt-động sôi nổi nhất trong kỹ-nghệ đánh cá thu, số tàu Trung-Hoa cũng đã tăng-gia nhiều. Việt-Nam mới bắt đầu khai-thác.


Hình 133 Bản-đồ chỉ-đẫn đường di-chuyển của các loại cá thu theo mùa qua những vùng biển do nhiều quốc-gia kiểm-soát.
Theo giáo-sư Vũ-Tự-Lập thì vùng biển Hoàng-Sa và Trường-Sa là đối-tượng tranh-chấp về ngư-trường. Những trữ-lượng quan-trọng về hải-sản đang bị các Tàu đánh cá Nhật-Bản và Nam-Hàn khai-thác.60



Hình 134 Loại lưới bắt cá ăn nổi.


Hình 135 Loại lưới bắt cá ăn chìm.
Trung-tâm tin-học thuộc Bộ Thủy-Sản Việt-Nam (http://www.fistenet.gov.vn/) ghi như sau: Cá ngừ thuộc họ cá thu ngừ (Scombridae) có giá trị kinh tế quan trọng nhất ở biển Việt Nam. Cá ngừ phân bố ở khắp các vùng biển Việt Nam, kích thước cá tương đối lớn (6 loài có kích thước từ 20 – 70cm, khối lượng từ 0,5 – 4kg. Riêng hai loài cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có kích thước lớn 70 – 200cm, khối lượng 1,6 – 64kg) là “Cá ngừ di cư đại dương”, có giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn trên thị trường thế giới.

Nhiều loại cá hay hải-sản khác cũng có thể mang lại những nguồn lợi lớn như tôm, cua, mực, bào ngư, vi cá, rong biển...




Hình 136 Hình ảnh kéo lưới thường thấy nhất trên biển.
Trong thời-gian trước 1975, Nha Ngư-Nghiệp thuộc bộ Canh-Nông của Việt-Nam Cộng-Hòa đã lập một bảng danh-sách các hải-sản chính tại Biển Đông như sau:

- Cá ăn nổi: Cá Cơm, Cá Thu ống, Cá Bạc má, Cá Nhám, Cá Rựa, Cá Sọc mướp, Cá trích, Cá ngừ, Cá chuồn, Cá Nục, Cá Sòng.

- Cá ăn chìm: Cá chim, Cá Chét, Cá Gộc, Cá Mối, Cá Thiều, Cá Đổng, Cá Bàn xa, Cá Đỏ giạ, Cá Hố, Cá Đuối.

Hiện nay cơ cấu nghề đánh bắt cá Việt-Nam như sau:

(1) Ở các tỉnh phía Bắc nghề cá đáy (ăn chìm) chiếm 33 - 35%, cá tầng trên (ăn nổi) khoảng 65%.

(2) Các tỉnh miền Trung nghề cá đáy chiếm 31 - 32%, cá tầng trên chiếm 68 - 69%.

(3) Ở các tỉnh phía Nam tỷ trọng nghề cá tầng đáy và tầng trên tương đương nhau.


Hình 137 Các loại cá Biển Đông quan-trọng cho ngư-nghiệp. (Theo tài-liệu của Nha Ngư-Nghiệp VNCH, 1970).
Biển Đông khá kín gần như Địa-trung-hải, chỉ thông ra ngoài đại-dương qua các ngõ hẹp như eo biển Malacca và Karimata ở phía Nam; các eo Balabac và Mindanao ở phía Đông, eo biển Đài-Loan và Bashi giữa Phi/ Đài-loan phía Đông Bắc. Ngày nay, sự tranh-chấp ngư-trường đang xảy ra. Tuy chưa có chiến-trận giữa các lực-lượng hải-quân nhưng đã có máu đổ của thường-dân trong vịnh Thái-Lan và nhiều ngư-phủ thuộc các quốc-tịch khác nhau bị bắt giữ và tù tội.

Một khi hải-phận kinh-tế 200 hải-lý được tất cả các quốc-gia duyên-hải quyết-định thi-hành triệt-để, mà ngày đó không còn xa, sự tranh-chấp về chủ-quyền đánh cá sẽ gia-tăng.

Tình-trạng chủ-quyền trên Biển Đông còn rất mập mờ. — ngoài khơi, tàu thuyền đánh cá các nước hiện chen kẽ nhau, không biết là mình đang đánh cá trên hải-phận nước nào.

Theo luật-gia Mark J. Valencia, Việt-Nam phải đối đầu nhiều nhất với Thái-Lan và hai nước Trung-Hoa trong những tranh-chấp về hải-phận đánh cá.

Ngày nay nhờ Luật Biển UNCLOS được thi-hành, các nước quanh vùng Biển Đông sẽ có cơ-hội ngồi lại giải-quyết những tranh-chấp về ngư-nghiệp trong vùng EEZ.

Theo điều-luật số 62 (UNCLOS, Article 62), Việt-Nam sẽ phải xác-định tổng-số sản-lượng hải-sản dự-trù trong khu-vục kinh-tế của mình và ước-lượng khả-năng thu-hoạch của ngư-dân. Hiện nay Việt-Nam chưa phát-triển đủ mạnh về kỹ-thuật đánh cá nên còn lại một số lượng hải-sản thặng-dư đáng kể. Số hải-sản này nếu không sử-dụng cũng tự-nhiên bị tiêu-tán, nên không thể để uổng-phí mà phải nhường lại cho các quốc-gia khác trong trường-hợp được yêu-cầu.

Những nước nội-địa như Ai-Lao61 cũng có thể được chia sẻ tài-nguyên của biển-cả. Chính-phủ nước này cần khuyến-khích dân-chúng theo ngành hải-ngư-nghiệp. Quốc-gia duyên-hải thuận-lợi nhất cho họ trong nhiều việc như thông-thương ra biển hay chia sẻ số hải-sản thặng-dư là Việt-Nam.

Theo điều 125 của UNCLOS (Article 125 affirmed the right of access of land-locked States to and from the sea and freedom of transit) dân-chúng các nước nội-địa được việc khai-thác và quản-trị những «vùng biển chung», tức là vùng nằm bên ngoài ranh-giới hải-phận của những quốc-gia duyên-hải.

Trước đây, các viện đại-học Hawaii và Berkeley đã phác-hoạ ra là "vùng biển quốc-tế" thâu lại rất nhỏ. Dải biển diện-tích không đáng kể này nằm ở phía đông của Quần-đảo Hoàng-Sa. Nếu như một nước nào đó lại lấy lý-do kéo dài thêm hải-phận (tối-đa là 350 hải-lý) thì chẳng còn sót lại gì!

Nhưng khi thi-hành đúng tinh-thần UNCLOS thì các đảo nhỏ Hoàng-Sa/Trường-Sa không có vùng kinh-tế 200hl. và khu-vực dành quyền-lợi cho các quốc-gia nội hải như Ai-Lao rộng hàng mấy trăm ngàn km2. Việt-Nam hiện đã có liên-hệ cho nước láng giềng này sử-dụng cảng biển của ta, cần bàn-thảo ngay với chính-quyền Lào về hải-phận để có sự cộng-tác tốt-đẹp cho quyền-lợi chung trong Biển Đông.

Việt-Nam đã có thoả-ước về đánh-cá trong hải-phận với Nga-Sô, Úc-đại-lợi, Đại-Hàn, Thái-Lan. Hạm-đội tàu cá Thái-Lan khá lớn, hải-sản trong vịnh Thái-Lan đã bị họ khai-thác quá đáng gần như kiệt-quệ, ngư-phủ Thái-Lan rất thèm khát nguồn-lợi biển Việt-Nam, nên thường hay xâm-nhập đánh cá bất hợp-pháp.

Ngày nay tàu cá Trung-Cộng với đặc-quyền được vào sát bờ biển Việt-Nam, còn đáng sợ hơn và: hải-sản Vịnh Bắc-Việt sẽ cạn-kiệt nhanh chóng.




Hình 138 Vùng biển "quốc-tế" nhỏ bé nằm ngoài những vòng tròn 200hl. tính từ Hoàng-Sa, Pratas, Philippines và Trường-Sa.62
12.3 – HẢI-SẢN PHỤ.

Trong nhiều ngàn năm qua, người dân duyên-hải Việt-Nam đã nhờ những hải-sản Biển Đông mà sinh-tồn. Ngoài những hải-sản chính được khai-thác nhiều như đã kể ở trên, nhiều gia-đình Việt-Nam còn sống vào sự khai-thác thương-mại các hải-sản phụ của Biển Đông. Xin kể một số hải-sản phụ như: Vi cá, Yến sào...



12.3.1 - ỐC BIỂN.

Vỏ ốc với nhiều hình dáng và mầu sắc đặc-biệt thường được mọi người ưa thích, dùng để trưng bày, chận sách. Một thời, vỏ ốc vỏ sò đã được con người sử-dụng như vật trao đổi giống như chúng ta đang dùng tiền đồng tiền giấy ngày nay. Vỏ ốc lớn dùng làm tù-và là một nhạc-cụ rất thường thấy ở đồng quê và trong quân-ngũ thời xưa.

Biển Đông cung-cấp những loại ốc cho thịt rất ngon và những loại ốc cho vỏ có giá-trị về tiền-bạc.

Các vỏ ốc Xà-cừ mầu sắc lóng lánh khi cắt ra thành miếng, dùng để cẩn lên các tủ thờ, bàn ghế, câu đối, tranh, liễn... Miếng xà-cừ mầu trắng như bạc nhưng nhờ phản-chiếu ánh-sáng thành nhiều mầu sắc rất đẹp.



Ốc Bào ngư (Abalone) hay cửu-khổng vì trên vỏ có 9 cái lỗ bài-tiết. Thịt ốc bào ngư không những nổi tiếng thơm ngon mà còn là một vị thuốc trị các bệnh về mắt như quáng gà, thông-manh, mắt mờ rất hay.


Hình 139 Ốc bào-ngư và vài loại sò ốc khác.


Hình 140 Đồn-đột và một vài loài nhuyễn-thể khác.

12.3.2 – ĐỈA BIỂN

Đỉa biển hay Đồn-đột là một loại nhuyễn-thể không xương. Đỉa biển phát-triển mạnh nơi các vùng biển nhiệt-đới như Biển Đông. Giống như cá mực phun mực đen khi bị tấn-công, đỉa biển phun ra một loại chất độc mầu trắng. Người Tàu khai-thác loại hải-sản này rất quy-mô, họ gọi là Hải-sâm. Tại các tửu-lầu, Hải-sâm là món ăn quý nên bán rất được giá. Người Việt cũng rất thích đồn đột, đồng-bào ta làm gỏi đồn-đột, hầm đồn đột với giò heo, nấu đồn đột trong những món lẩu thập-cẩm...


12.3.3 – RUỘNG MUỐI

Trung-bình một 1ít nước biển chứa tới 35 gram muối. Người ta có thể cho nước biển bay hơi tại ruộng muối. Khi nước bay hết, một lớp muối kết-tinh đọng lại dưới ruộng. Nhiều làng ven biển Việt-Nam sinh-nhai bằng nghề này.

Trong một phạm-vi nhỏ hẹp, quân-nhân trú-đóng Trường-Sa có thể khai-thác nghề làm muối này.
12.4 – TRỮ-LƯỢNG DẦU KHÍ BIỂN ĐÔNG

Theo lý thuyết tổng hợp sinh học được nhiều nhà khoa học đồng ý, dầu mỏ phát sinh từ những xác chết của các sinh vật ở đáy biển, hay từ các thực vật bị chôn trong đất. Khi thiếu khí ôxy, bị đè nén dưới áp suất và ở nhiệt độ cao các chất hữu cơ trong các sinh vật này được chuyển hóa thành các hợp chất tạo nên dầu. Dầu tích tụ trong các lớp đất đá xốp, do nhẹ hơn nước nên dầu di chuyển dần dần lên trên cho đến khi gặp phải các lớp đất đá không thẩm thấu thì tích tụ lại ở đấy và tạo thành mỏ dầu.

Một số học-giả cho rằng báo-cáo đầu-tiên về sự hiện-hữu dầu khí ở Biển Đông là kết-quả của các đoàn nghiên-cứu thăm-dò của Liên-Hiệp-Quốc trong những năm cuối thập-niên 1960. Thời-gian trước đó, nhiều giáo-sư địa-chất thuộc viện Đại-học Sài-Gòn đã quả-quyết là theo kiến-thức chuyên-môn của họ, Việt-Nam không có dầu lửa. Cho đến đầu thập-niên 1970, một số học-giả người Việt vẫn không tin rằng dầu hoả có nhiều như những báo-cáo thăm dò cho biết. Họ nghĩ rằng dầu hoả nếu có thì chỉ như những hạt sương buổi sáng đọng trên khắp ngọn cỏ, lá cây ngoài cánh đồng; chuyện "không-tưởng" của họ kể ra là kỹ-nghệ khai-thác làm sao thu hút được tất cả các dọt dầu rải rác đâu đó như vậy mà mang ra bán thương-mại!

Thập-niên sau, niềm tin-tưởng lại khác hẳn. Câu chuyện "Biển Đông có dầu" không những được coi là điều hiển-nhiên mà còn có những người tin-tưởng rằng trữ-lượng dầu khí Biển Đông lớn không thua gì trữ-lượng toàn thể vùng Trung-Đông.




Hình 141 Những vùng kết-tầng thủy-tra-thạch và những vùng biết có dầu khí hay đang được khai-thác. Chỉ vì sự hiện-hữu của dầu lửa mà Trung-Cộng quyết chia lại Vịnh Bắc-Việt, chiếm bãi Tứ-Chính cùng Hoàng-Sa và Trường-Sa.
Dầu lửa là một chất hữu cơ. Nước ta lại là vùng mà thực-vật và sinh-vật phát-triển rất phong-phú. Nhiều cây cối và sinh-vật chỉ có ở nước ta mà không sinh-tồn được nơi khác. Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ cho biết "thực-vật chúng Việt-nam có lẽ gồm vào khoảng 12,000 loài, không kể rong, rêu, nấm. Đó là một trong những thực vật chúng phong phú nhất thế giới. Với một diện tích to hơn nước ta tới ba mươi lần, Canada chỉ có vào 4,500 loài, kể cả loài du nhập".

Chúng ta lại biết rằng trong những khoảng thời-gian khi Biển Đông khô-cạn, rừng cây nhiệt-đới trong vùng còn lớn rộng hơn ngày nay rất nhiều. Nếu thực-vật nhiều tức chất hữu-cơ kết-tầng trong đất đá phải phong-phú, người ta có thể suy-luận rằng số lượng dầu lửa và khí đốt năm dưới lòng đất và lòng biển không thể nào ít oi được.

Sau nhiều khảo-sát, ngày nay người ta đã vẽ được rõ ràng bản-đồ những khu-vực thủy-tra-thạch kết từng. Các công-ty dầu lửa cũng khoan thử nhiều nơi và ghi-nhận những túi dầu khí tại duyên-hải Hoa-Nam, trong vịnh Bắc-Việt, ngoài khơi Nam-phần, duyên-hải Mã-Lai- Brunei- Palawan, vùng Bắc Hoàng-Sa, bãi Cỏ Rong ở Trường-Sa.

Vùng biển bao-la sâu trên 4,000m nằm giữa trung-tâm Biển Đông cũng hứa hẹn chứa đựng những kho dầu khí khổng-lồ. Vì kỹ-thuật khai-thác các vùng biển sâu còn quá tốn-kém, người ta chú-tâm vào những vùng nông-cạn. Hai vùng nằm trên thềm lục-địa Việt-Nam làm Trung-Cộng thèm khát nhất nằm trong vịnh Bắc-phần và khu-vực bãi Tứ-Chính ở ngoài khơi Nam-phần.

Sau đây là vài con số ước-lượng:

Vùng Biển Đông rộng tới 1,460,000 dặm vuông chia ra hai phần gần bằng nhau:

- 720,000 dặm vuông cho biển và

- 740,000 dặm vuông thuộc thềm lục-địa.

Trên thềm lục-địa, tại những khu-vực mà các lớp thủy-tra-thạch kết tầng dầy tới 11,000 ft, thường thường là có chứa dầu hoả hay khí đốt. Với kỹ-thuật hiện-đại, công việc khai-thác tương-đối dễ dàng nơi những chỗ nông cạn này.

Theo như lý-thuyết của L. G. Weaks thì cách ước-lượng có vẻ quá thấp như sau:

- vào khoảng 1.75% thềm lục-địa (12,950 dặm vuông) mỗi dặm vuông chứa 896,000 thùng dầu lửa:

896,000 X 12,950 = 11,603,200,000 thùng

- vào khoảng 15% thềm lục-địa (111,000 dặm vuông) mỗi dặm vuông chứa 320,000 thùng dầu lửa:

320,000 X 111,000 = 35,520,000,000 thùng

Tổng-số trữ-lượng dầu hoả của thềm lục-địa Biển Đông theo cách tính-toán này sẽ là 47,123 triệu thùng (?).

Các khoa-học-gia lúc này đã đồng-ý rằng dầu khí trong khu-vực phía Nam Biển Đông có nhiều hơn vùng phía Bắc của biển này. Dù phỏng-định một cách bi-quan nhất, thềm lục-địa Việt-Nam chiếm không dưới 20% số lượng này.

Ngoài thềm lục-địa, vùng sâu hơn nằm giữa Biển Đông là nơi tích-tụ những lớp thủy-tra-thạch rất dầy. Những hãng dầu cho biết trữ-lượng dầu khí ở dưới các vùng lòng chảo "basin" còn lớn hơn thềm-lục-địa nữa. Hiện nay kỹ-nghệ khai-thác dầu dưới lòng biển sâu còn chưa được hoàn-bị.

Các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa tương-đối nông cạn nên không nằm lọt vào trong những lòng chảo đó, tuy nhiên khi tính toán đến ranh-giới kinh-tế 200 hải-lý người ta phải tính sự liên-hệ giữa thềm lục-địa và hải-đảo. Việt-Nam có chủ-quyền hai quần-đảo này, đương-nhiên vùng ĐQKT sẽ rộng và Việt-nam cũng sở-hữu luôn cả khối tài-sản khổng-lồ chưa khai-thác này.

Nếu tổng-kết các ước-lượng này, người ta có một con số quá sức lớn lao mà trước đây ba chục năm không ai ngờ tới!

Giữa quần-đảo Hoàng-Sa và đảo Hải-Nam, gần khu-vực mà Trung cộng đã chiếm của ta, họ đã tìm thấy một mỏ khí đốt trữ-lượng 90 tỷ mét khối, hiện đang khai-thác.63

Ngay giữa vùng quần-đảo Hoàng-Sa, Trung-Cộng cũng khởi-sự thăm dò sau khi xâm-lăng. Trên nhiều bản-đồ về tình-trạng dầu lửa, người ta thấy Trung-Cộng cho in hình những dàn khoan ở đó. Tuy vậy sự khai thác dầu khí có lẽ chưa thực-sự thành-công lớn.

Riêng trong khu-vực Trường-Sa, hai khu-vực đã được biết chắc chắn là có dầu khí:

- 550 triệu thùng vùng phía Tây bãi Tứ-chính trên thềm lục-địa Việt-Nam

- bãi Cỏ Rong do Phi-luật-Tân khai thác



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương