MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa


– LÃNH-THỔ, LÃNH-HẢI VÀ HẢI-PHẬN VỀ KINH-TẾ



tải về 1.84 Mb.
trang8/18
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.84 Mb.
#23677
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18

8.3 – LÃNH-THỔ, LÃNH-HẢI VÀ HẢI-PHẬN VỀ KINH-TẾ
Học địa-lý, chúng ta biết rằng diện-tích lãnh-thổ nước Việt-Nam đo được 329,600km2. Ngoài lãnh-thổ đó, một khu-vực trên biển từ bờ trở ra khơi 12 hải-lý (hl) đã được nhận là lãnh-hải (territorial waters). Chủ-quyền quốc-gia trên phần nội-hải và lãnh-hải gần giống như chủ-quyền trên lãnh-thổ. Vào năm 1964, chính-quyền cộng-sản Việt-Nam tuyên-bố lãnh-hải 12hl.

Ngày nay, chúng ta cần biết thêm về một vùng hải-phận rộng lớn hơn nữa ở ngoài biển thuộc chủ-quyền khai-thác của dân Việt-Nam ta: Khu-vực Biển Kinh-tế Độc-quyền 200 hải-lý mà danh-từ Luật Biển gọi là Exclusive Economic Zone- EEZ.

Tuyên-cáo những hải-phận như sau:

- 12 hl. lãnh-hải

- 12 hl. vùng cận-hải phía ngoài lãnh-hải

- 200 hl. vùng biển kinh-tế tính từ ngoài đường cơ-sở lãnh-hải (200NM from territorial waters base line).

Theo Luật-sư Mark J. Valencia, Việt-Nam là quốc-gia có đường duyên-hải khá dài (5,237 cây số), tỷ-lệ bờ biển/diện-tích lãnh-thổ hơn 1 phần trăm. Trong khi đó, Trung-Cộng có rất ít bờ biển, tỷ-lệ chỉ đạt tới 1.5 phần ngàn mà thôi

Theo Luật-sư này ước-lượng vùng EEZ của Việt-Nam rộng 210,600 dặm vuông (square nautical-mile). Diện-tích này tính ra 722,338km2, tức rộng hơn hai lần đất liền, (225% so với lãnh-thổ).




Hình 80 Theo bảng liệt-kê này, Việt-Nam có chiều dài bờ biển 2,828 hải-lý (tức 5,237 km), hải-phận EEZ rộng 210,600hl. vuông, không thua Trung-Cộng bao nhiêu.
Qua tất cả những văn-bản chính-thức liên-hệ đến ngoại-giao, nội-vụ, giáo-dục...; chính-quyền Việt Nam công-bố nước ta có 3,260km bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, trải qua 13 vĩ độ, từ 8o23' bắc đến 21o39' bắc. Diện tích vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam rộng 226,000km2 và vùng biển đặc-quyền kinh-tế trên 1 triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Tuy-nhiên văn-bản không bao giờ kèm theo bản-đồ chỉ-dẫn hay chứng-minh.

Vùng đặc-quyền kinh-tế của CHXHCN Việt Nam, theo công-bố, là vùng tiếp liền với lãnh hải và tạo với lãnh hải một vùng rộng 200 hải-lý tính từ đường cơ sở. Bản-đồ của Mark J. Valencia ước-lượng Việt-Nam trong điều-kiện này không thể chiếm hơn 210,600hl. vuông (tức 722,338km2).

Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS) cũng quy-định rằng hải-đảo cũng có những hải-phận giống như đất liền. Tại Biển Đông, nước nào có chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa sẽ được sở-hữu những tài-nguyên trong các hải-phận liên-hệ. Những vùng biển như vậy rất to lớn, đặc-biệt lại nằm trong khu-vực có nhiều tiềm-năng dầu-khí.

Đối với Việt-Nam, đặt giả-sử nếu ta kiểm-soát trọn-vẹn cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, hải-phận khai-thác kinh-tế (EEZ) của quốc-gia ta sẽ lớn gấp 3 lần lãnh-thổ hiện-thời trong lục-địa. Tài-nguyên dưới biển nếu khai-thác hết, có lẽ nhiều hơn sản-lượng thu-đạt trên đất liền.


8.4 – THỀM LỤC-ĐỊA VÀ EEZ

Trong những danh-từ thường dùng của Luật Biển ngày nay, người ta còn nói đến "Thềm lục-địa" (Continental Shelf). Trước hết, quan-niệm này phát-sinh khi khảo-sát bờ biển trên thế-giới, người ta thấy đáy biển thường thoai-thoải từ bờ ra khơi một khoảng xa, tùy nơi có thể từ vài chục hải-lý cho đến hàng trăm hải-lý; rồi đột nhiên, đáy biển dốc sâu hẳn xuống trước khi chạy tiếp ra ngoài lòng đại-dương. Hình-dạng phần đáy biển thoai thoải sát bờ đó giống như cái nền của lục-địa.

Vì chủ-quyền thềm lục-địa đối với các quốc-gia duyên-hải cũng như chủ-quyền cái nền nhà đối với người chủ của cái nhà, các quốc-gia thường không đồng-ý với nhau về ranh-giới này. Tổng-quát có hai khuynh-hướng:


Hình 81 Quan-niệm địa-lý về thềm lục-địa
1- Dùng độ sâu đáy biển.

Theo khuynh-hướng này thềm lục-địa nằm trong khu-vực có độ sâu nước biển tới 200m.

Trường-hợp dùng đường đồng-thâm (hay đẳng sâu) 200m này cho Việt-Nam, chúng ta thấy:


Hình 82 Biển Đông, thiết-đồ đáy biển và thềm lục-địa (200m). Từ bờ Việt-Nam, đáy biển chạy thoai-thoải ra khơi. (Hình của Nguyễn-Khắc-Ngữ, 1981).
* Vì đáy biển nông, thềm lục-địa ở Bắc-phần nước ta rất lớn, choán ra khắp vịnh Bắc-Việt. — đây, việc phân chia thềm lục-địa giữa Việt-Nam và Trung-Hoa đang trong vòng tranh-chấp. Việt-Nam muốn giữ đường Hồng-Tuyến (Đường Đỏ vẽ theo Kinh-tuyến 108 độ 03' Đông) là thoả-hiệp “Constans-Lý Hồng Chương” đã ký từ năm 1887 giữa Pháp, lúc đó đang bảo-hộ Việt-Nam và nhà Mãn-Thanh, lúc đó đang cai-trị toàn cõi Trung-Hoa. Còn Trung-Cộng muốn chia vịnh Bắc-Việt theo cách riêng. Nói là đường trung-tuyến giữa những bờ biển nhưng họ tính chỗ lõm của ta tại vịnh Diễn-Châu, chỗ lồi của đảo Hải-Nam. Họ không chấp-nhận hai ngàn đảo ven bờ Việt-Nam làm đường cơ-sở. Trung-Cộng cũng không chịu kể Bạch-long-Vĩ là một hòn đảo dùng để phân chia trung-tuyến.


Hình 83 Vùng tranh-chấp hải-phận trong vịnh Bắc-Việt. Việt-Nam muốn: hoặc theo đường Đỏ (KT 108o03' Đông) hoặc lấy trung-tuyến giữa hai bờ biển hay giữa 2 đảo Bạch-Long-Vĩ / Hải-Nam. Trung-Cộng không đồng-ý cả hai, nay đã lấn sâu vào sát đất Việt-Nam (đường 21 điểm).
Trong việc phân-chia vịnh Bắc-Việt giữa hai đảng Cộng-Sản Tàu/Việt, trừ vài điểm sát bờ, người ta không thấy “trung-điểm, trung-tuyến” nào như được quy-định theo Luật Biển UNCLOS.

Khi được hỏi, Bộ trưởng Ngoại-giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn TTXVN mà VietNamNet ghi lai nội dung: Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải-lý, tức đảo được hưởng lãnh-hải rộng 12 hải-lý, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa 3 hải-lý (25% hiệu lực?).




Hình 84 Trị-số các khoảng cách cho thấy rõ sự bất công trong việc phân chia.

Ông Niên không nói đến sự kiện đảo Hải-Nam được hưởng vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa 43 hải-lý. Rất có thể Vị Bộ trưởng Ngoại giao nghĩ con số không nhiều, và như vậy là một sự công-bình?! "Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc-quyền kinh-tế và thềm lục-địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ" cũng được Bắc Kinh phổ-biến trên mạng lưới Internet.

Chỉ ít ngày sau khi Cộng-Sản hai nước công-bố bản-đồ hải-phận thì tàu Trung-Cộng vào hải-phận Việt-Nam (vĩ-độ 18o16’Bắc, kinh-độ 197o06 Đông) bắn chìm thuyền cá xã Hòa-lộc Thanh-Hóa ngày 9/1/2005, giết chết 9 ngư-dân vô-tội, làm bị thương nhiều người, rồi kéo tàu bắt người về đảo Hải-Nam. Cả hai đảng Cộng-Sản Việt-Tàu coi rẻ mạng người nên bỏ qua, không một lời xin lỗi chính-thức hay bồi-thường cho gia-đình nạn-nhân bị chết thảm, bị thương-tích, tàu chìm cũng không.


Hình 85 Bản đồ khu-vực đánh cá chung, Beijing Review công-bố. (http://www.bjreview.com.cn/200432/World-200432(A).htm).
* Ở miền Trung Việt-Nam, thềm lục-địa nhỏ hẹp. Đặc-biệt tại Mũi Đại Lãnh (Varella), vì đáy biển đột-nhiên sâu hẳn xuống nên có nơi thềm lục-địa không rộng quá 40 km.

Việt-Nam vẫn muốn quản-trị hải-phận 200hl. nhưng vùng “Lưỡi Rồng 9 gạch” của Trung-Hoa sẽ là một trở-ngại lớn, khó vượt qua trong tình-thế hiện nay. Có lẽ vì sự ngần-ngại đó mà trong bản-đồ dầu khí mới đây, Việt-Nam chỉ vẽ những lô đấu thầu sát bờ mà thôi.

* Càng về Nam, biển càng trở nên nông cạn và thềm lục-địa nước ta lại rộng ra rất nhiều. Ngoài khơi Đông-Đông-Nam, cách Vũng-Tàu 200km qua khỏi bãi Đông-Sơn, gần bãi Tư-Chính chiều sâu đáy biển mới bắt đầu xuống quá 200m. Kể từ khu này vòng qua Phú-Quốc, biển rất nông và toàn thể khu-vực vịnh Thái-Lan bao quanh bởi Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Mã-lai-Á, Nam-Dương trở thành thềm lục-địa của các quốc-gia ven biển.

Vùng này ngoài sự cản-trở của “Lưỡi Rồng” còn có cả khu-vực xuyên hông là “Bãi Vạn An”, Trung-Cộng tự-ý nhường quyền khai-thác cho hãng Crestone. Nay hãng Benton đã thanh-toán tiền và tiếp-tục thay-thế Crestone cùng đi với Trung-Cộng.


2 - Dùng khoảng cách 200hl. tính từ bờ

Có những quốc-gia duyên-hải tuyên-cáo chiều rộng thềm lục-địa riêng cho họ. Theo nhu-cầu quốc-gia, nhiều chính-quyền đã ra tuyên-cáo về chiều rộng thềm lục-địa. Ranh-giới 200 hải-lý hiện đang được nhiều quốc-gia chấp-nhận. Việt-Nam có thể được kể là một trong những quốc-gia này. Thềm lục-địa Việt-Nam thông-thường đã được chính-quyền đương-thời đồng-hóa với vùng hải-phận chủ-quyền kinh-tế EEZ 200hl. Có lý-lẽ nới rộng hải-phận ra 350hl, nhưng chưa thấy Việt-Nam đệ-trình LHQ.


8.5 – ĐƯỜNG CĂN-BẢN DUYÊN-HẢI VÀ NỘI-HẢI

Trước đây năm ba thập-niên, phần lớn các quốc-gia duyên-hải thường lấy lãnh-hải là 3hl. Có tới 45 nước nhìn nhận ranh-giới này, tính vào ngày 1-1-1958.

Ngày nay, hầu hết các nước tuyên-cáo lãnh-hải 12hl. và một vùng tiếp-cận - Continguous Waters- 12 hl. phía ngoài lãnh-hải đó. Khoảng rộng được tính từ bờ biển hay bờ đảo lúc nước ròng sát.

Bờ biển và bờ đảo thường lởm chởm, chỗ lồi chỗ lõm. Các đường ranh giới vì vậy rất ngoằn ngoèo phức-tạp. Để giải-quyết vấn-đề chung cho các quốc-gia duyên-hải hay quần-đảo, một sự đồng-ý đã được đưa vào Luật Biển LHQ. cho phép những nước đó được vẽ đường thẳng cơ-sở (Baselines) nối liền những mũi đất và mép đảo.




Hình 86 LHQ. công-bố hình vẽ này như tiêu-biểu cho cách-thức vẽ những đường cơ-sở duyên-hải. Chiều dài bờ biển có thể công-bố nhiều hay ít... Cần lưu-ý đến khoảng cách chuẩn 12 hải-lý.
Theo các chuyên-gia về Luật Biển, đường cơ-sở được dùng làm "căn-bản" cho chủ-quyền lãnh-hải nên chính-quyền các nước duyên-hải cần thảo ra cho sớm và cho chính-xác!

Vào ngày 12-11-1982, Việt-Nam công bố một số đường căn-bản (mà họ gọi là đường cơ-sở) từ Đảo Cồn Cỏ đến Poulo Wai. Các đường cơ-sở trong vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan, cùng các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, vì đang trong vòng tranh-chấp nên chưa được vẽ (?!).

Vài quốc-gia láng giềng và cả những nước lớn như Hoa-Kỳ đã lên tiếng phản-đối Việt-Nam. Họ cho rằng những đường này là không hợp-lệ và rằng Việt-Nam đã tuyên-bố một vùng nội-hải lớn lao một cách quá đáng. Các luật-gia ở Viện Đông-Tây tại Hawaii nhận-xét: "Có nhiều nơi, đường này nằm quá xa bờ lục-địa hay có nơi đường cơ-sở không nhất-thiết phải đi quá xa ngoài khơi vì bờ biển phía bên trong rất phẳng-phiu".

Từ khi đường cơ-sở được ấn-định, ranh giới lãnh-hải và những hải-phận liên-hệ đến chủ-quyền quốc-gia trên biển bị thay đổi hết. Trường-hợp Việt-Nam, theo luật gia Kriangsak Kittichaisariee, nếu chỉ kể bốn đoạn (162, 161, 149 và 105hl) trong 10 đoạn thẳng cơ-sở (dài tổng-cộng 850hl), nội hải (internal waters) Việt-Nam cũng đã chiếm tới 27,000 dặm vuông.44 Đường cơ-sở như vậy làm gia-tăng diện-tích những khu-vực thuộc chủ-quyền quốc-gia lên rất nhiều.




Hình 87 Những đường cơ-sở (baselines) của duyên-hải Việt-Nam tuyên-bố ngày 12/11/1982. Nội-hải Việt-Nam gồm hai khu-vực ranh-giới lịch-sử trong vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan và khu-vực biển nằm bên trong những đường cơ-sở.

Hai luật-gia Mark J. Valencia và Jon M. Van Dyke, sau khi bàn-luận đến những lợi-điểm của Việt-Nam trong việc ký-nhận thi-hành Luật Biển LHQ., cũng khuyến-cáo Việt-Nam nên tu-chỉnh lãnh-hải lịch-sử (historic waters) và thu bớt phần nội-hải bằng cách duyệt lại các đường cơ-sở baselines. (Vietnam's National Interests and the Law of the Sea, trong Ocean Development and International Law, Vol.25, Apr/Jun 1994: 217-250).

Trên quan-điểm của chính-quyền CHXHCN Việt-Nam, những đường cơ-sở đã vẽ đúng theo Luật Biển LHQ. Các lý-do được nêu ra có thể tóm tắt như sau:

- Những đoạn thẳng trong khu-vực từ vĩ-độ 11o00 N đến 14o00 N phù-hợp với điều 7(1) quy-định việc xác-định đường cơ-sở qua những hòn đảo nằm ngoài vùng bờ biển khúc-khủyu, bị ăn sâu vào đất liền Trung-Việt.

- Những đoạn còn lại phù-hợp với điều 7(5) quy-định các đường thẳng cơ-sở cho khu-vực biển có quyền-lợi kinh-tế đặc-biệt và hiển-nhiên đã được dân-cư Việt-Nam sử-dụng từ lâu đời.45

Đường Cơ Sở thật là quan-trọng, dùng làm căn-bản khi phân chia hải-phận. Các đoạn từ Vịnh Phú-Quốc qua Côn-Sơn, Cù-lao Thu đã hoàn-tất nhiệm-vụ chính của nó sau khi có sự thoả-thuận Việt-Nam/Nam-Dương về khu-vực đặc-quyền kinh-tế. Những gì mất đã mất rồi. Chúng tôi thiết tưởng những vùng bịển kinh-tế mất hay còn tạo đó đã xong, nay là lúc có thể tu-chỉnh lại Đường Cơ Sở cho hợp với luật-lệ, đồng thời cũng giảm trách-nhiêm quản-trị cho quốc-gia trên một vùng nội-hải quá lớn, trong khi khả-năng hải-quan và quân-sự chúng ta còn chưa mạnh-mẽ. Vả lại quyền-lợi khai-thác Biển không vì thế mà có gì thiệt-thòi trong khi khi không bị mang tiếng sái luật.





Hình 88 Bản-đồ thu nhỏ này của HQ Hoa-Kỳ họa hình nội-hải và lãnh-hải Việt-Nam theo như công-bố của chính-quyền VN, 226,000km2.
Việt-Nam định-nghĩa “vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam”. Tài-liệu chính thức cũng xác-định là diện tích vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam rộng 226,000km2.
8.6 – THỀM LỤC-ĐỊA KÉO DÀI

Biển Việt-Nam là sự nối-tiếp địa-hình đất liền chạy dài ra biển. Việt-Nam có thể được đặc-quyền tuyên-bố chiều rộng thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế cho tới 350 hải-lý.46

Những điều luật UNCLOS quy-định thềm lục-địa tính từ đường cơ sở không được vượt quá 350 hải-lý (648.2km) hoặc cách đường đẳng sâu 2,500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải-lý (185.2km). Nhờ địa-hình đáy biển phía Đông-Nam VN thoai-thoải, Việt-Nam có đầy đủ điều kiện như vậy. Việt-Nam phải tuân thủ các quy định cụ thể để vẽ xác định đường ranh giới ngoài của thềm lục-địa sao phù-hợp Luật Biển, rồi chuyển cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục-Địa duyệt, chấp-thuận đệ trình lên đại hội-đồng của Công ước UNCLOS. Hạn-kỳ này là năm 2009, nghĩa là rất gần.



Hình 89 Biểu-thị Nội-hải, Lãnh-hải, Vùng ĐQKT chuẩn, Vùng ĐQKT nối dài ra 350 hl. và Thềm lục-địa theo tài-liệu của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Chi-tiết việc mở rộng hải-phận quá 200 hải-lý này còn có thêm 2 điều kiện nữa là:

- Quốc-gia phải xác định rõ tọa độ, thông báo các thông tin tính toán cho Ủy ban ranh giới thềm lục-địa với hạn cuối cùng là năm 2009.

- Quốc-gia có nghĩa vụ đóng góp tài-chính hay hiện-vật cho việc khai thác các tài nguyên phi sinh vật của phần biển nằm ngoài phần thềm lục-địa cơ bản (200 hải-lý đầu).

Tính chung cộng lại một cách tối-thiểu, Việt-Nam rất có cơ-hội sở-hữu ít nhất một hải-phận kinh-tế ngoài biển rộng gấp ba lần lãnh-thổ trên đất liền, cho dù rằng nước ta không giữ được toàn vẹn tất cả Trường-Sa cũng như không phục-hồi lại được quần-đảo Hoàng-Sa.




Hình 90 Khu-vực tranh-chấp Việt-Nam với Nam-Dương và Mã-lai-Á. Hình nhỏ vẽ khu đáy biển sâu ở phía Bắc đảo Natuna.
Có những lý-lẽ tranh cãi khác nhau về chủ-quyền thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế nơi những vùng biển nhiều quốc-gia giao-tiếp như vậy. Tranh-chấp lẻ tẻ có thể dẫn đến chiến-tranh. Trong nhiều trường-hợp, các nước thường bàn cãi đến ranh-giới là đường Trung-tuyến (Meridian). Đường này chạy giữa hai đường cơ-sở của bờ biển, giữa hai hòn đảo hay giữa bờ biển nước này và hòn đảo nước kia, giữa các đường cơ-sở, đảo, bờ... tùy trường-hợp lý-luận trong thương-thảo.

Vì Việt-Nam ở trong trường-hợp có ưu-thế vì thềm lục-địa kéo dài, Việt-Nam đòi hỏi các nước láng giềng phân-chia sao cho hợp-lý như ở Vịnh Bắc-Việt, Vịnh Phú-Quốc và vùng thềm lục-địa Sunda, phía Bắc đảo Natuna.

Việt-Nam và Nam-Dương không thoả-thuận được với nhau về đường ranh-giới này. Nam-Dương muốn chia hải-phận theo đường trung-tuyến giữa đảo Natuna và bờ biển Việt-Nam, còn Việt-Nam lấy lý-lẽ đáy biển sâu về phía Nam-Dương nên phải lấy trung-tuyến của bờ biển Nam-Dương và đường cơ-sở baseline Việt-Nam. Vụ việc này đã giải-quyết xong và Nam-Dương đã họa hình hải-phận của họ chiếm cả vùng tranh-chấp, đồng thời khởi-sự khai-thác.
8.7 - DIỆN-TÍCH THỀM LỤC-ĐỊA VIỆT-NAM

Có nhiều quốc-gia tuyên-cáo thềm lục-địa 200 hl, họ đồng-hoá giữa hai vùng Biển ĐQKT và thềm Lục-Địa làm một, với cùng một trị-số về diện-tích. Trường-hợp Việt-Nam diện-tích Vùng Biển Đặc-quyền Kinh-tế là 1 triệu km2, còn thềm Lục-Địa lại chừng 700,000 km2. Con số này do tham-dự-viên Việt-Nam đưa ra trong buổi hội-thảo biển tại Trường Đại-Học Tufts, xin trích: “The EEZ in the country of Vietnam is larger than its continental shelf. Vietnam’s continental shelf is about 700,000km, but their EEZ is 1 million km2).47

Vùng Biển Đặc-quyền Kinh-tế VN lớn là vì Việt-Nam sở-hữu hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Các quần-đảo này một phần nhỏ cách bờ 200 hl. nhưng hầu hết các đảo nằm rất xa ngoài khơi, có nơi cách bờ tới 400 hải-lý.
8.8 - CÁC NƯỚC LỚN VÀ LUẬT BIỂN

Nhiều cường-quốc không vừa lòng với Luật Biển LHQ., hải-quân của họ muốn được tự-do hải-hành khắp nơi theo ý họ muốn. Tuy vậy, chưa có sự chống-đối, cản-trở nào đáng gọi là quyết-liệt.


8.8.1 – HOA-KỲ

Nếu nói đến cường-quốc mạnh nhất về hải-lực hiện nay, người ta phải nói đến Hoa-Kỳ. Kể từ khi đối-thủ đáng nể của họ là Liên-bang Sô-Viết tan rã, lực-lượng Hoa-Kỳ trên biển giữ vai trò độc-bá, đang tung-hoành khắp mặt đại-dương. Vì Hoa-Kỳ luôn luôn cổ-võ cho sự tự-do hải-hành nên họ vẫn đứng ra ngoài những nỗ-lực của các quốc-gia khác muốn tiến tới một bộ Luật Biển toàn-cầu. Hầu hết những tuyên-cáo nới rộng hải-phận của các quốc-gia khác trên thế-giới đều bị Hoa-Kỳ phản-đối. CHXHCN Việt-Nam cũng đã mấy lần nhận giấy tờ ngoại-giao của Hoa-Kỳ gởi đến tỏ ý chống-báng như vậy.

Trong một kế-hoạch toàn-cầu mới nhất về hợp-tác quốc-tế cùng nhau khai-thác các vùng biển sâu, LHQ. đã phải đối đầu với sự bất-hợp-tác của Hoa-Kỳ. Vì Mỹ là nước có khả-năng lớn nhất về lãnh-vực khai-thác biển sâu nên LHQ. phải cố-gắng rất nhiều trong việc thuyết-phục HoaKỳ trợ giúp. Tin-tức mới nhất cho hay Hoa-Kỳ đã bớt lạnh nhạt và ngỏ ý sẽ tham-gia.

Đã qua nhiều đời, Tổng-Thống Mỹ nào cũng tuyên-bố hết sức hậu-thuẫn UNCLOS, nhưng dù nếu ngành Hành-pháp có thuận thì cũng phải chờ Lưỡng-Viện Quốc-Hội chuẩn-y. Như vậy phải cần một thời-gian nữa, thế-giới mới có thể biết được sự đóng góp thực-sự của Hoa-Kỳ ra sao trong việc thi-hành Luật Biển.


8.8.2 – TRUNG-CỘNG

Trung-Cộng là một trường-hợp ngoại-lệ thật kỳ-dị. Mặc dù là hội-viên Liên-Hiệp-Quốc nhưng họ lại bất-chấp công-pháp quốc-tế. Trung-Cộng cũng đã ký-kết Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc, nhưng luôn luôn cố ý diễn-tả Luật Biển sai-lệch làm sao cho có lợi riêng.

Không cần căn-cứ pháp-lý, Trung-Cộng nhận chủ-quyền toàn-thể Biển Đông. Ranh giới vùng "Lưỡi Rồng" của họ sát bờ biển Trung-Việt (cách Cù-lao Ré 40 hl) xuống Indonesia qua sát Mã-Lai-Á (cách Borneo 25 hl) vòng lên sát Phi-luật-Tân (cách Palawan 25 hl.) Trung-Cộng và Đài-Loan, tuy không phải là các quốc-gia Đông-Nam-Á, đã cùng đứng trên một lý-lẽ, cùng sử-dụng một tấm bản-đồ với đường "ranh giới lịch-sử nước Tàu " lấn sâu xuống gần hết biển Đông-Nam-Á. Trung-Hoa Dân-Quốc đã tự-ý vẽ ra những đường ranh-giới này từ năm 1947.

Chính-sử Trung-Hoa chưa bao giờ ghi-chép việc quân-đội của họ chiếm-đóng Hoàng-Sa/Trường-Sa. Địa-dư chí nước Tàu cũng chẳng bao giờ viết rằng nước Trung-Hoa phía Nam giáp Nam-Dương, Mã-Lai-Á... Vậy mà người Trung-Hoa thời nay giám cho rằng lịch-sử là một yếu-tố chính làm căn-bản cho chủ-quyền nước Tàu trên toàn-thể Biển Đông.

Khi đề-cập đến sự tham-lam và ngoan-cố nhận liều hải-phận một cách vô-lối của hai nước Trung-Hoa Lục-địa và Đài-loan như vậy, Luật-gia chuyên về hải-dương Mark J. Valencia đã nhận-định: "Không có một nguyên-lý nào trong luật-pháp quốc-tế thời hiện-đại cho phép một kiểu lý-luận như thế!".

Trung-Cộng coi "Nam-Hải" không những là vùng biển đánh cá (Exclusive Fishery Zone), vùng biển kinh-tế (Exclusive Economic Zone) của Trung-Cộng mà còn mặc-nhiên nhận như nội-hải (Inner Sea), lãnh-hải riêng (Territorial Sea) hay cái vườn sau (Back Yard) của họ vậy.




Hình 91- Khu-vực ranh-giới lịch-sử "Lưỡi Rồng" của Trung-Cộng chiếm gần trọn Biển Đông.

Một khi hải-quân của Trung-Cộng đủ mạnh để kiểm-soát mặt biển và hành-sử chủ-quyền theo tham-vọng của họ thì mọi hoạt-động thương-mai, kinh-tế của các nước Đông-Nam-Á trên Biển Đông bị bóp nghẹt. Các nước khác trên thế-giới rồi đây cũng sẽ bị ngăn cản về cả hai đường hàng-hải lẫn hàng-không.


9 – LUẬT BIỂN LHQ. VÀ BIỂN ĐÔNG

Trong khi áp-dụng Luật Biển Quốc-tế cho Biển Đông, mỗi nước duyên-hải trong vùng đã suy-luận theo cách-thức riêng-biệt có lợi cho họ. Sự tranh-chấp của nhiều nước về chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa, ngoài cơ-nguy đụng-độ quân-sự trên biển, còn lôi kéo theo nhiều tranh-luận rắc rối về luật-lệ.


9.1 – VIỆT-NAM VÀ LUẬT BIỂN

Việt-Nam cùng với 159 nước trên thế-giới (tính đến đầu năm 1993) đã ký-duyệt bản dự-thảo Luật Biển 1982 của Liên-Hiệp-Quốc. Tháng 7/1994, Việt-Nam lại ký tên vào danh-sách các quốc-gia tự-nguyện chấp-hành luật quốc-tế này. Dự-luật này chỉ đòi hỏi 60 quốc-gia ký-nhận để mang ra thi-hành. Trong số 60 quốc-gia đầu tiên ký-kết đã có nhiều nước lớn như Brazil, Ai-Cập, Nam-Dương, Mễ-tây-cơ... Vào ngày 16/11/1994, thoả-ước có hiệu-lực thi-hành (enter into force). Cho tới 16/1/2004, một số “áp-đảo” là 145 quốc-gia đã làm xong thủ-tục chuẩn-y, chỉ trừ một nước lớn là Hoa-Kỳ thì chưa (the only major nation remaining to ratify UNCLOS).

Việt Nam cũng phê chuẩn một số Công ước biển chuyên ngành về Hàng hải quốc tế IMO, Công ước SOLAS về cứu hộ trên biển, London 1/11/1974, Công ước về mớn nước, Công ước MARPOL chống ô-nhiễm tàu thuyền (Prevention of Pollution from Ships) ngày 2/11/1973 và phần bổ sung năm 1978 về phòng chống ô nhiễm biển.


Hình 92 Tiền phạt khi vi-phạm luật của MARPOL rất cao, từ ¼ tới ½ triệu dollars.

Hai Luật-gia Mark J. Valencia & Jon M. Van Dyke nhận xét rằng việc CHXHCN Việt-Nam chấp-nhận Thỏa-ước về Biển-Cả Quốc-tế đã tạo được tối-thiểu một sự an-tâm về lý-thuyết. Đặc-biệt Việt-Nam cũng tìm ra một vị-thế thuận-lợi trên trường ngoại-giao khi tranh-chấp với Trung-Cộng. Hai Ông này cũng đề-nghị:

- Việt-Nam nên thu nhỏ những vùng nội-hải, sửa lại đường cơ-sở duyên-hải, vẽ những vùng lãnh-hải, cận-hải, chủ-quyền kinh-tế mới sao cho phù-hợp với Luật Biển.

- Sửa lại luật-lệ về giao-thông trên biển, cho phép “quyền đi qua không gây hại” (thông-quá vô-tư - innocent passage) các loại thương-thuyền và chiến-hạm v.v... đúng với sự quy-định quốc-tế.

- Tham-dự vào các chương-trình liên-hệ của Luật Biển như ngư-nghiệp, bảo-vệ môi-sinh, chống ô-nhiễm, cứu người trên biển, truy-diệt ma-túy buôn lậu, nghiên-cứu khoa-học...48
9.2 – TRƯỜNG-HỢP CÁC ĐẢO HOÀNG-SA TRƯỜNG-SA

Trong tiến-trình đi tới một Luật Biển hoàn-bị cho toàn-cầu, các cơ-cấu luật-pháp quốc-tế lần đầu tiên sẽ phải đối đầu với một vấn-đề mới khó khăn và tế-nhị về chủ-quyền trên các hòn đá san-hô tí-hon của Biển Đông. Xin nêu một vài thí-dụ:

- Đảo theo nguyên-nghĩa phải là do thiên-nhiên tạo ra. Đến nay, vẫn chưa ai hiểu được luật quốc-tế phải làm sao để truy-tầm và giải-quyết trường-hợp đảo xây lên bằng cách "nhân-tạo".

- Luật Biển vẫn chưa xác-định được rõ-rệt sự khác nhau giữa Đảo và Cồn, Đụn. Những "đảo" san-hô thường chỉ như những cồn, đụn; hôm nay nổi mai chìm. Trường-hợp như Đảo Tro (vùng hòn Hai, Cù-lao Thu) đùn cao lên tới 30m một thời-gian (các đảo Trường-Sa chỉ cao chừng 2m) rồi tan theo tro bụi cũng khó giải-quyết.

- Sự kiện càng thêm rắc rối vì vấn-đề hợp-pháp của hải-đăng trên các bãi ngầm cũng đã được Luật Biển đề-cập tới. Nhiều quốc-gia, kể cả CHXHCN Việt-Nam đang thiết-lập một số hải-đăng tại quần-đảo Trường-Sa mà một vài chiếc đặt trên các hòn đá ngầm (reef).

Giả-sử nếu có nước mua một tàu hải-đăng cũ đem đến một bờ bãi ngầm hay cạn nào đó rồi cho chìm xuống, nước đó có thể chứng-minh hợp-pháp cho lãnh-hải quốc-gia 12hl. và cho vùng kinh-tế 200hl. của họ được không? Có lẽ là không.





Hình 93 Một tàu hải-đăng như bên, nếu cho đánh chìm xuống biển, có lẽ không đủ điều-kiện để hưởng quy-chế của một hòn đảo theo Luật Biển LHQ.
- Qua những bức hình cho công-bố nhiều năm gần đây, rõ ràng là Trung-Cộng muốn xác-nhận chủ quyền lãnh-thổ, lãnh-hải ngay nơi đứng của người lính Tàu mà nước ngập ở dưới chân.


Hình 94 Bia chủ-quyền Trung-Cộng tại một hòn đá ngầm Trường-Sa.

Luật-gia quốc-tế chỉ đành lắc đầu không nói gì được về sự ngoan cố "kiểu Tàu" như vậy!

Có những luật-gia như Jon M. Van Dyke và Dale L. Bennett cho rằng tất cả các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa chưa bao giờ có dân-cư sinh-sống thường-trực và cũng chưa bao giờ có một đời sống kinh-tế riêng của nó (no economic life of their own) nên cùng lắm, các đảo chỉ dùng để tính lãnh-hải 12hl. mà thôi. Hai ông này đề-nghị: Trong Biển Đông các yếu-tố như chiều dài bờ biển tiếp-cận, số lượng cư-dân vùng duyên-hải, lịch-trình sử-dụng hải-sản nên được dùng làm các mấu chốt chính-yếu để xác-định quyền sở-hữu hải-phận hơn là sự chiếm-cứ (bằng quân-sự) những đảo, đá tí-hon.

Lý-lẽ Dyke và Bennett tuy vậy lại ngập ngừng, không vững vì hai ông phát-biểu rằng có lẽ nên để cho (một mình) đảo Phú-Lâm được hưởng phần nào quyền sở-hữu hải-phận (EEZ) trong vùng.49

Giống hệt như Phú-Lâm, nhiều đảo khác trên Biển Đông cũng có hàng trăm quân trú-phòng sinh sống, với cơ-sở phi-quân-sự như đài khí-tượng, trạm hải-đăng. Đảo được khai-thác phốt-phát bởi công-ty tư-nhân. Đảo là nơi nghỉ chân khi hải-hành. Đảo cung- cấp nguồn tiếp-liệu, nhà kho, sửa chữa, bảo-trì ngư-thuyền, ngư-cụ của thường-dân. Các đảo như Hoàng-Sa (Pattle) của Việt-Nam Cộng-Hoà (VNCH) trước 1974, và các đảo Trường-Sa, Nam-Yết, Song-tử Tây, An-Bang... ngày nay đáng được kể là "Đảo" khi dựa vào các điều-lệ của Luật Biển như vậy. Đã có 5 ngọn hải-đăng, nhiều cảng cá, nhà cư-trú dân-sự, cơ-sở khí-tượng, kỹ-thuật... và sắp có cả phi-trường tốt cho du-lịch nữa.

Trên bàn thương-thảo quốc-tế, khi đi tìm một chiến-thuật tranh-cãi cho việc thụ-hưởng một vùng biển kinh-tế rộng lớn nào đó, người ta cần nghiên-cứu rõ từng trường-hợp. Căn-cứ vào những hoạ-đồ, sự hơn thiệt về hải-phận có thể thấy rõ. Cứ như trường-hợp Việt-Nam trong hiện-tình quân-sự, ngoại-giao hiện-tại, việc chia cắt lãnh-hải theo quan niệm "Biển Đông không có đảo" có lẽ đem lại một vùng đặc-quyền kinh-tế EEZ lớn nhất mà nước ta có thể được hưởng.

Về phương-diện Luật Biển LHQ., nếu đứng riêng rẽ, các đảo ngoài khơi Biển Đông diện-tích quá nhỏ bé và nằm rải rác trên một vùng biển quá rộng; không đủ điều-kiện để hưởng quy-chế quốc-gia quần-đảo (Archipelago State). Điều số 47 của UNCLOS - Archipelagic Baselines quy-định tổng-số diện-tích đất/biển phải chiếm trong khoảng tỷ-lệ từ 1/1 tới 1/9.



tải về 1.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương