MỤc lục trang Lời nói đầu


CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ XÂY DỰNG QUY TRÌNH PHÂN BÓN HỢP LÝ



tải về 5.19 Mb.
trang21/26
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích5.19 Mb.
#36638
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26

6.3. CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ XÂY DỰNG QUY TRÌNH PHÂN BÓN HỢP LÝ

6.3.1. Khái niệm quy trình phân bón

Quy trình phân bón cho cây là toàn bộ các quy định hợp lý về loại, dạng, lượng phân, thời kỳ bón và cách bón cho một cây trồng cụ thể.

Các loại quy trình bón phân:

- Quy trình bón cho một cây riêng biệt là quy trình bón cho một cây lâu năm, trên đất độc canh cây trồng trong một thời kỳ dài.

Ví dụ: quy trình bón phân cho cam, quýt, nhãn, vải, mía, cà phê, cao su…

- Quy trình bón phân cho một cây ngắn ngày nằm trong một chu kỳ luân canh. Ví dụ: lúa, ngô, khoai tây, rau, khoai lang, đậu tương…

Trong trường hợp thứ hai khi xây dựng quy trình phân bón phải xét đến từng điều kiện cụ thể. Cùng một cây đặt trong các chu kỳ luân canh khác nhau phải có quy trình phân bón khác nhau. Vì chế độ dinh dưỡng của cây trồng sau chịu ảnh hưởng của cây trồng trước nó.

Quy trình bón phân hợp lý là quy trình bón phân vừa đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu của cây, vừa góp phần cải tạo đất và đem lại lợi nhuận tối đa cho nông dân. Do vậy muốn giải quyết tốt chế độ phân bón cho cây phải dựa vào đất đai, căn cứ vào yêu cầu của cây, xem xét điều kiện thời tiết, khí hậu. Ngoài ra còn phải xem xét đến hệ thống luân canh, chế độ canh tác, hệ thống nông nghiệp và ngay cả loại phân đem bón nữa.



6.3.2. Đặc điểm của cây trồng

Căn cứ vào cây trồng bón phân là căn cứ vào đặc tính sinh vật học của cây, yêu cầu dinh dưỡng của cây và phản ứng của cây với môi trường ngoài mà xây dựng chế độ phân bón.



6.3.2.1. Đặc điểm của bộ rễ cây trồng

Phân bón cần được đưa vào tầng đất có tập trung nhiều rễ nhất, nhất là rễ tơ và lông hút.

Sự phân bố của bộ rễ có biến động theo độ ẩm trong đất. Do vậy độ sâu vùi phân giữa mùa mưa và mùa khô có khác nhau. Mùa khô cần vùi phân sâu hơn và mùa mưa có thể bón phân nông hơn. Bón phân muốn có hiệu lực cần bón vào tầng đất có độ ẩm ổn định.

- Rễ cây chia làm 2 loại: rễ chùm và rễ cọc

Hiểu biết tập quán ra rễ trong thời kỳ đầu có lợi cho việc xác định vị trí bón tốt nhất. Nếu giai đoạn đầu rễ cọc ra mạnh thì bón phân trực tiếp ngay dưới hạt là tốt nhất. Nếu giai đoạn đầu rễ chùm ra mạnh thì bón phân quanh gốc lại tốt hơn.

Ngay sau khi gieo 2 tuần rễ ngô đã phát triển mạnh nên đã sử dụng chất dinh dưỡng trong đất tốt hơn các cây thuốc lá và bông. Do vậy việc phát triển của rễ ngô lệ thuộc và tỉ lệ lân quanh rễ đầu vụ. Sau đó rễ ngô phát triển rất mạnh và có khả năng sử dụng chất dinh dưỡng trong tất cả các lớp đất. Cây khoai tây có bộ rễ phát triển hạn chế, thường chỉ bó hẹp trong luống được vun cao nên cây khoai tây hút thức ăn từ phân bón nhiều hơn là từ đất.

Cây có rễ cọc đâm sâu lại hút được thức ăn ngay cả vào thời kỳ thiếu ẩm hơn là cây là rễ ăn nông.

Do hệ thống rễ của cùng một loài không xâm nhập được vào nhau. Có thể do hiệu ứng độc hoặc do đối kháng. Cho nên một số cây khi trồng dày hơn thì kiểu rễ biến đổi và có thể đâm sâu hơn nếu điều kiện đất đai cho phép. Người ta cũng thấy có hiện tượng ức chế sự phát triển của bộ rễ khi làm đất không dọn hết tàn thể thực vật. Phương pháp làm đất cũng ảnh hưởng đến sự phát triển rễ theo chiều sâu.

- Năng lực hút thức ăn của rễ

Khả năng trao đổi của rễ cây song tử diệp cao hơn khả năng trao đổi của cây đơn tử diệp nhiều. Mức độ trao đổi ảnh hưởng đến việc hút cation. Cây có mức trao đổi cao hút tương đối nhiều cation 2 hóa trị hơn và hút ít cation 1 hóa trị hơn. Trái lại, cây có mức độ trao đổi thấp lại hút ít cation 2 hóa trị hơn và nhiều cation 1 hóa trị hơn. Điều này giải thích rõ cỏ (Hòa thảo) trong hỗn hợp cây bộ đậu và cỏ (Hòa thảo) hút nhiều kali hơn và nếu muốn duy trì cây bộ đậu trong hỗn hợp thì phải bón nhiều kali. Đồng thời cây có bộ rễ có khả năng trao đổi cao lại có khả năng dùng canxi có hiệu quả hơn. Điều đó giải thích cây bộ đậu có khả năng đồng hóa lân trong phân lân khó tan cao hơn cây hòa thảo.

Nấm rễ của một số cây trồng cũng giúp cây trồng huy động thêm thức ăn trong đất.

6.3.2.2. Về yêu cầu dinh dưỡng của cây

Cần phân biệt các khái niệm: Lượng chất dinh dưỡng cây hút, lượng chất dinh dưỡng lấy theo sản phẩm thu hoạch và thời kỳ khủng hoảng.



- Lượng chất dinh dưỡng cây hút: là toàn bộ chất dinh dưỡng trong các bộ phận của cây.

Lượng chất dinh dưỡng cây hút thể hiện yêu cầu chất dinh dưỡng của cây. Cây yêu cầu chất dinh dưỡng theo một tỷ lệ cân đối nhất định. Lượng dinh dưỡng cây hút thay đổi theo:

+ Loại cây trồng.

+ Năng suất thu hoạch.

+ Yêu cầu của người trồng trọt.

Trong cùng một loại cây trồng thì lượng chất dinh dưỡng do cây hút phụ thuộc vào điều kiện sinh thái (đất đai, thời tiết khí hậu: nhiệt độ và lượng mưa).

Lượng chất dinh dưỡng do cây hút được dùng làm tài liệu tham khảo để tính lượng phân bón theo năng suất kế hoạch. Lượng chất dinh dưỡng do cây hút còn là căn cứ để xác định mức độ khai thác dự trữ dinh dưỡng trong đất, hiện nay người ta cũng dùng để xác định mức độ cân bằng của một hệ sinh thái để xác định khả năng bền vững của hệ sinh thái. Lượng chất dinh dưỡng do cây hút thay đổi theo giai đoạn sinh trưởng của cây cả về mặt số lượng cả về tỷ lệ các chất dinh dưỡng.

Cây hút chất dinh dưỡng nhiều nhất vào thời kỳ cây sinh trưởng mạnh nhất. Ví dụ: Đối với lúa đó là đẻ nhánh rộ, đối với ngô là thời kỳ từ giai đoạn ngô đầu gối đến giai đoạn trỗ cờ, mía là thời kỳ vươn lóng… Nắm được các thời kỳ này để bón kịp thời cho cây.



- Lượng chất dinh dưỡng lấy theo sản phẩm thu hoạch: là lượng chất dinh dưỡng nằm trong phần sản phẩm lấy khỏi đồng ruộng,

Lượng chất dinh dưỡng lấy theo sản phẩm thu hoạch thay đổi theo phương thức kinh doanh của cơ sở sản xuất. Một phần có thể được trả lại cho đất qua con đường phân chuồng. Nếu cơ sở sản xuất dùng phân chuồng và cày vùi toàn bộ tàn dư thực vật vào đất thì lượng chất dinh dưỡng lấy theo sản phẩm thu hoạch chỉ là lượng chất dinh dưỡng nằm trong phần thương phẩm đem trao đổi với bên ngoài.

Về mặt cân bằng dinh dưỡng thì phải bù đắp cho được lượng chất dinh dưỡng lấy đi theo thương phẩm.

Khi tính toán lượng phân bón thì lại cần lưu ý rằng một phần chất dinh dưỡng nằm trong phần tàn dư hữu cơ (kể cả tàn dư thực vật và phân hữu cơ) cây chưa thể dùng ngay được mà còn phải đợi phân giải.



- Thời kỳ khủng hoảng một chất dinh dưỡng nhất định: là thời kỳ cây có nhu cầu chất dinh dưỡng đó có thể không lớn song nếu thiếu thì sự thiếu hụt đó sau này dù có bón thừa thãi cũng không bù đắp lại được sự thiệt hại do thiếu nguyên tố đó gây ra.

6.3.2.3. Về phản ứng của cây với môi trường ngoài

Người ta phân biệt tính chịu mặn, khả năng đồng hóa phân lân khó tan và phản ứng của cây với từng loại phân riêng biệt.



- Phản ứng của cây với nồng độ muối tan hay tính chịu mặn của cây

Mỗi loại cây trồng có thể hút chất dinh dưỡng ở một nồng độ chất dinh dưỡng (tổng muối tan) nhất định. Khả năng chịu nồng độ dinh dưỡng nào đó quy định tính chịu mặn của cây.

Do vậy tính chịu mặn của cây thay đổi tùy theo loại cây trồng. Trong cùng một loại cây thì tính chịu mặn thay đổi theo thời kỳ sinh trưởng của cây. Nói chung cây càng già thì tính chống chịu càng lớn. Về tính chịu mặn cây trồng được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1: Cây kém chịu mặn là loại cây khi nồng độ muối tan vượt quá >0,1% cây đã giảm sản lượng và đến 0,4% thì cây chết.

Nhóm này gồm đại bộ phận cây đậu, ngô, khoai tây, dưa chuột, cải củ, cà rốt, đay.



Nhóm 2: Cây chịu mặn trung bình là loại cây khi tổng số muối tan vượt quá 0,4% cây mới giảm sản lượng và khi nồng độ muối tan đạt đến 0,6% cây mới chết : cà chua, hành tây, bông, vừng.

Nhóm 3: Cây chịu mặn là cây có thể chịu được nồng độ muối tan đến 0,7 – 1%.

Nhóm này có các loại cây thuộc họ bầu bí, dưa hấu.

Trong thực tế đặc tính chịu mặn quyết định phân khoáng có thể bón lót, nhất là ở nơi khả năng hấp thụ của đất kém.

Khả năng chịu mặn có liên quan đến loại muối tan trong đất. Thường cây chịu mặn CO3= > SO4= > Cl- .



- Phản ứng của cây đối với độ pH

Phản ứng của cây đối với độ pH thay đổi theo loại cây và thời kỳ sinh trưởng.

Đối với loại cây rất mẫn cảm với độ chua và phản ứng mạnh với việc bón vôi thì phải bón vôi để nhanh chóng giảm độ chua và nhất là chống các ion độc cho cây như : Al3+, Fe2+, Mn2+.

Đối với loại cây mẫn cảm yếu với độ chua và phản ứng tích cực với việc bón vôi thì chỉ bón vôi khi đất thể hiện quá chua, nên dùng phân chuồng để nâng cao tính đệm cho đất.

Đối với loại cây phát triển tốt trên đất chua phản ứng xấu với việc thừa vôi thì nhất thiết không được bón vôi mà giải quyết nhu cầu canxi của cây bằng phân chuồng.

- Phản ứng của cây đối với phân lân khó tan

Cây bộ đậu nói chung có khả năng đồng hóa lân khó tan cao

Cây lấy hạt, rau đồng hóa lân khó tan kém.

Gần đây đối với lúa người ta phát hiện loại giống lúa chịu được thiếu lân để trồng ở những vùng hàm lượng lân thấp, trên đất phèn.

Có 2 nhận định về khả năng chịu thiếu lân của lúa. Một nhận định cây lúa chịu được thiếu lân đồng thời cũng chịu được nồng độ Al3+ cao.

Một nhận định khác cho rằng cây chịu được thiếu lân vì hệ rễ của nó có cộng sinh một loại nấm rễ, hoặc vùng rễ có một hệ sinh vật có khả năng phân giải lân khó tiêu cung cấp lân cho cây.



- Phản ứng của cây đối với loại phân bón

Người ta chia ra:

+ Nhóm cây phản ứng tốt với phân khoáng: lúa, mì, ngô.

+ Nhóm cây phản ứng tốt với phân chuồng: khoai tây, củ cải đường.

+ Nhóm cây chịu chua phản ứng tốt với phân có gốc NH+4

+ Thuốc lá, khoai tây, cam quýt phản ứng xấu với loại phân có chứa gốc Cl-.



6.3.3. Đặc điểm thời tiết khí hậu

Nhìn trời bón phân chính là căn cứ vào tình hình thời tiết khí hậu mà xây dựng chế độ phân bón. Trong các yếu tố khí hậu, thời tiết thì lượng mưa và nhiệt độ có ý nghĩa lớn đối với chế độ bón phân. Ngoài ra độ chiếu sáng do ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây nên cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng khoáng của cây. Lượng mưa quyết định hàm lượng nước trong đất và độ ẩm không khí. Nhiệt độ ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh vật đất, đặc điểm phát dục của cây, năng lực hút thức ăn của cây từ môi trường ngoài.

Cho nên chế độ phân bón ở vùng ẩm ướt phải khác chế độ phân bón ở vùng khô hạn, vùng khô hạn được tưới nước khác với vùng khô hạn không có hệ thống tưới.

Ví dụ: Ở vùng khô hạn trong thời kỳ cây sinh trưởng bị thiếu nước nếu không có nước tưới thì việc bón lót sâu trước khi gieo có tác dụng lớn, còn tác dụng của việc bón thúc lại bị hạn chế. Không những vậy khi bón phân hữu cơ lại phải chọn loại phân khá hoai. Vùng thiếu nước mà bón phân hữu cơ nông và có độ hoai mục kém thì lại càng làm cho lớp đất mặt bị khô hạn hơn, quá trình khoáng hóa cũng chậm đi. Bón vào lớp mặt không có nước thì không có tác dụng gì nên phải bón vào lớp đất có độ ẩm ổn định, bộ rễ hoạt động tốt.

Ở vùng hạn không có tưới biện pháp bón phân phải phối hợp với các biện pháp kỹ thuật trồng trọt khác làm cho bộ rễ phát triển tốt nhất, phát triển từ lớp mặt đất tương đối khô xuống lớp đất nhiều nước nhiều màu. Cho nên ở vùng này việc bón supe lân là rất có ý nghĩa.

Phân bón còn chịu ảnh hưởng đến tính chịu hạn của cây trồng. Thường lân và kali làm tăng tính chống hạn của cây vì nó làm tăng sức giữ nước của cây. Làm giảm phát tán qua mặt lá làm cây sử dụng nước tiết kiệm hơn. Bón nhiều đạm lại làm giảm tính chịu hạn, cho nên những vùng hạn hay các năm hạn cây cần được chú ý bón lân và kali.

Cây chỉ hút thức ăn khi trong đất có đủ nước nên khi đất đủ ẩm cây sinh trưởng mạnh và yêu cầu nhiều chất dinh dưỡng hơn. Khi khô hạn tổng lượng thức ăn cây hút được ít hơn nhưng năng suất thấp nên để tạo được một đơn vị sản phẩm cây lại tiêu tốn nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Kết quả là năm hạn hay vùng khô hạn hiệu suất phân bón đặc biệt là phân đạm giảm rõ rệt.

Ở vùng mưa nhiều, tỉ lệ nước trong đất khá cao, phải bón thế nào cho phân phải bị kéo xuống sâu. Do vậy chế độ phân bón ở vùng này có mấy đặc điểm sau đây:

- Bón phân nông.

- Bón phân khoáng trước khi gieo ít mà phải tăng cường việc bón thúc. Bón mỗi lần một ít và bón làm nhiều lần, nhất là khi đất có thành phần cơ giới nhẹ. Cần kết hợp chặt chẽ việc bón lót và bón thúc.

- Bón bằng loại phân ít di động. Ví dụ đối với phân đạm thì dùng phân có gốc amôn tốt hơn phân có gốc NO3- . Bón bằng các loại phân đậm đặc độ hòa tan chậm.



- Bón phối hợp phân hữu cơ với phân hóa học để giảm bớt việc rửa trôi.

Nhiệt độ ảnh hưởng đến việc hút thức ăn của cây.

Nhiệt độ thấp vi sinh vật hoạt động yếu, bộ rễ cây cũng kém phát triển nên cây hút ít thức ăn.

Ở nước ta biện pháp bón supe lân và tro bếp cho mạ xuân là một biện pháp chống rét tốt, không những giảm bớt tỷ lệ mạ chết mà năng suất lúa sau này cũng cao.

Ở vùng lạnh do vi sinh vật hoạt động kém, nếu ẩm độ lại thấp nữa thì chất hữu cơ lại chậm phân giải, nên vụ đông xuân phân hóa học hiệu hiệu quả cao hơn vụ mùa. Bón phân chuồng cho vụ đông xuân chú ý dùng phân hoai mục hơn.

Cường độ ánh sáng giảm thì cây quang hợp kém nên cây hút chất dinh dưỡng cũng kém, cây sinh trưởng kém. Trong các chất dinh dưỡng thì ở điều kiện cường độ ánh sáng thấp lân bị hút giảm nhiều nhất, rồi đến đạm. Kali ít bị ảnh hưởng hơn nên tỷ lệ kali trong cây cao hơn. Thường khi trời âm u hiệu suất của kali cao hơn. Trời âm u quang hợp kém mà bón nhiều đạm cây không đủ đường để tạo protit, tỷ lệ N tự do trong cây cao, cây dễ mắc bệnh. Biểu hiện của việc thừa đạm cũng như việc thiếu ánh sáng trên cây thường giống nhau.

Cùng một loại cây trồng nhưng được trồng trong các điều kiện khí hậu thời tiết khác nhau cũng phải có quy trình bón khác nhau. Tác dụng của các yếu tố phân bón cũng không hoàn toàn giống nhau.

Ví dụ: Quy trình bón cho lúa xuân ở miền Bắc hoàn toàn khác quy trình bón cho lúa mùa. Trong điều kiện thời tiết khí hậu bình thường, vụ lúa xuân cần chú ý bón lót còn vụ mùa cần chú ý bón đón đòng và nuôi đòng.



6.3.4. Đặc điểm đất đai

Bón phân là bón cho cây nhưng bón cho cây qua đất. Cho nên khi xây dựng quy trình bón phải căn cứ vào tính chất đất, các đặc tính vật lý hóa học của đất.

Vì có sự can thiệp của đất mà lượng phân cần bón trong nhiều trường hợp lớn hơn rất nhiều lượng dinh dưỡng do cây hút hay lượng phân lấy theo sản phẩm thu hoạch. Ví dụ: Bón phân cho đất feralit chua có nhiều Fe3+ , Al3+ di động hay bón lân cho đất phèn Fe3+ di động nhiều.

6.3.4.1. Độ thuần thục của đất

Độ thuần thục của đất là kết quả của tổng hợp các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp (luân canh, bón phân cày sâu…). Đất có độ thuần thục cao là đất có tầng canh tác dày, mùn nhiều, vi sinh vật có ích nhiều, kết cấu tốt, hàm lượng chất dinh dưỡng dễ tiêu cao, dung tích hấp thu lớn, độ bão hòa bazơ (V%) cao, Al3+ , Fe3+ , Mn3+ di động thấp, tổng lượng muối tan thấp (đất không mặn).

Đất thuần thục có tính đệm cao.

Bón phân là một trong những biện pháp nâng cao độ thuần thục của đất. Bón vôi cho đất chua, bón thạch cao cho đất kiềm, bón nhiều phân hữu cơ đều là những biện pháp nâng cao độ thuần thục của đất.

Đất thuần thục do tính đệm cao nên có điều kiện bón nhiều phân hóa học và hiệu suất phân hóa học cao. Khi chọn loại phân bón và khi giải quyết kỹ thuật bón phải lưu ý đến độ thuần thục của đất.

Ví dụ: Ở đất kém thuần thục tỷ lệ Al3+ , Fe3+ hoạt tính cao, bón lân cục bộ rất có ý nghĩa trong việc giảm việc cố định lân, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển tốt. Nhưng nếu cùng với việc bón lân cục bộ lại trộn thêm phân đạm và kali sinh lý chua, hay chua hóa học thì lại làm cục bộ tăng Al3+ , Fe3+ di động, hiệu lực của việc bón lân cục bộ không còn nữa.



6.3.4.2. Độ màu mỡ của đất thể hiện qua hàm lượng các chất dinh dưỡng

Phân bón làm tăng năng suất nhiều hay ít phụ thuộc vào chất dinh dưỡng có trong đất và sự chuyển hóa của các chất dinh dưỡng trong đất.



Đất có độ phì nhiêu cao thì cây phản ứng với phân bón thấp. Do vậy trong việc đánh giá lượng chất dinh dưỡng trong đất người ta thường phân cấp

3 cấp : Nghèo – trung bình – giàu.

4 cấp : Rất nghèo – nghèo – trung bình – giàu.

5 cấp : Rất nghèo – nghèo – trung bình – khá – giàu.

Hai trường hợp không tuân theo quy luật chung là do đặc điểm của cây. Ví dụ: ngô, lúa phản ứng thích cực với phân khi đất nghèo.

Cây khoai tây lại cho hiệu suất phân bón cao ở đất giàu, thuần thục cao.

Cũng có trường hợp chất dinh dưỡng trong đất rất thấp song khi bón cây lại không phản ứng tích cực với phân. Trong trường hợp ấy phải xét phản ứng của môi trường có thể do đất quá chua làm rễ cây không phát triển được nên cũng không hút được chất dinh dưỡng; lại phải xem đến thành phần cơ giới đất có sự phát triển của cây không.

Cho nên để đầu tư phân bón hợp lý ở các nước người ta dựa vào bản đồ nông hóa thổ nhưỡng và màng lưới thí nghiệm phân bón.

Tổng kết sơ bộ ở ta thấy hiệu lực của 3 yếu tố phân bón chủ yếu trên các loại đất là khác nhau (Bảng 6.1).

Qua đó cho thấy trên tất cả các loại đất cây lúa đều phản ứng mạnh với đạm. Đạm là yếu tố hạn chế năng suất lớn nhất.

Đất bạc màu phản ứng mạnh với kali.

Đất chiêm trũng, đất dốc tụ, đất chua mặn, đất phèn, đất nhẹ khu IV cũ phản ứng mạnh với phân lân.

Biên độ lớn chứng tỏ phản ứng còn rất có điều kiện.



Bảng 6.1: Hiệu lực các yếu tố dinh dưỡng trên một số loại đất

Loại đất

Hiệu suất tính ra kg thóc đối với 1 kg chất dinh dưỡng bón

N

P2O5

K2O

Đất phù sa sông Hồng

10 – 15

1 – 2

1 – 2

Đất phù sa sông Mã

8 – 10

2 – 4

1 – 2

Đất phù sa sông Thái Bình

8 – 16

3 – 10

4 – 6

Chiêm trũng

13 – 17

5 – 15

3 – 5

Chua mặn

3 – 11

4 – 13

3 – 5

Đất nhẹ khu IV cũ

9 – 18

4 – 18

3 – 4

Bạc màu

16 – 21

4 – 11

6 – 8

Đất dốc tụ miền núi

6 – 8

7 – 10

4 – 6



6.3.4.3. Tỷ lệ mùn trong đất

Mùn quyết định phần lớn các đặc tính cơ bản của đất: tính giữ nước, độ hoãn xung (tính đệm), dự trữ dinh dưỡng trong đất, tính thông khí và sinh tính của đất. Đất càng nhiều mùn thì dự trữ nước, thức ăn, không khí trong đất càng nhiều, tính hoãn xung càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phân bón, hiệu suất phân bón cao.

Ví dụ: Trong đất có nhiều mùn, có độ hoãn xung cao thì tác hại của phân sinh lý chua hay sinh lý kiềm của phân không còn ý nghĩa nữa. Do vậy ở đất có giàu mùn có thể bón một lượng phân bón hóa học cao. Đối với cùng một loại cây trồng thì trước hết phân hữu cơ phải dành cho đất nghèo mùn. Đối với đất nghèo mùn coi việc bón phối hợp giữa phân hóa học và phân hữu cơ sẽ vừa đảm bảo cho cây phát triển tốt vừa cải tạo đất lâu dài.

6.3.4.4. Thành phần cơ giới và khả năng hấp thu của đất

Thành phần cơ giới có ý nghĩa quan trọng đối với việc bón phân hợp lý. Việc di chuyển và cố định thức ăn trong đất do thành phần cơ giới đất quyết định. Quy trình bón có khác nhau do trình độ di chuyển và cố định thức ăn trong đất.

Ví dụ: ở đất nhẹ (đất cát và cát pha) thức ăn tương đối dễ di động nhưng lại ít hấp thu vì thế rất dễ bị rửa trôi xuống sâu hơn là đất thành phần cơ giới nặng.

Ở đất tương đối nặng, tác động rửa trôi kém nhưng lân lại có thể bị cố định mạnh thức ăn bị rửa trôi mạnh nên đất nhẹ thường nghèo chất dinh dưỡng. Ở đất nhẹ, độ phân giải chất hữu cơ cũng nhanh nên tỷ lệ mùn ở đất nhẹ cũng thường thấp. Đất nhẹ vừa có tỷ lệ mùn thấp vừa có ít sét nên độ hoãn xung kém, không chịu được lượng phân bón cao. Loại đất này nếu bón một lượng phân cao vào đầu thời kỳ sinh trưởng do nồng độ muối thấp cũng như hàm lượng chất dinh dưỡng cao cây có thể bị hại. Song sau đấy cây lại có thể thiếu thức ăn vào cuối thời kỳ sinh trưởng do đã bị rửa trôi.

Do vậy quy trình bón cho cây trên đất nhẹ phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Không bón lót nhiều bằng phân hóa học.

- Bón rải làm nhiều lần, mỗi lần một ít.

- Tránh dùng phân quá dễ bị rửa trôi. Đối với đạm dùng gốc amôn.

- Bón nhiều chất hữu cơ, gieo luân canh cây phân xanh và bón phân hữu cơ bán phân giải, tìm mọi biện pháp vùi trải lại tàn thể thực vật cho đất.

- Bón nhiều phân kali.

- Vùi phân hữu cơ sâu, lấp phân hóa học mỏng.

- Bón thêm than bùn và phân hữu cơ sâu vào tầng đất có độ ẩm ổn định.

Ở đất nặng phải xem việc chống giữ chặt lân là một nhiệm vụ quan trọng. Các biện pháp cần được thực hiện nhằm chống cố định lân:

- Bón vôi cho đất chua.

- Trung hòa độ chua các loại phân đem bón.

- Bón phân lân cùng với phân hữu cơ.

- Bón phân supe lân viên để hạn chế việc tiếp xúc của supe lân với đất.

- Phân tầng bón lân: Tầng trên bón supe lân, tầng sâu bón phân lân chậm tan.

- Bón lân theo hốc, theo hàng, gần hạt gieo.

6.3.4.5. Độ mặn của đất

Đất mặn là đất tầng mặt có tổng số muối tan đạt trên 0,1%.

Tùy theo nồng độ muối tan trong dung dịch đất người ta phân cấp đất mặn như sau:

- Đất mặn yếu, tổng số muối tan < 0,2%.

- Đất mặn trung bình, tống số muối tan 0,2 – 0,3%.

- Đất mặn cao, tổng số muối tan – 0,4%.

- Đất rất mặn, tổng số muối tan > 0,5%.

Khi tổng số muối tan đạt đến 0,5% nếu không có biện phápcải tạo đất thì không thể trồng trọt được.

Ở đất mặn cây phát triển kém, khả năng hút thức ăn kém mà lại không bón được nhiều phân hóa học vì việc bón nhiều phân hóa học làm tăng tổng số muối tan trong đất, làm đát càng mặn thêm.

Phải vận dụng khả năng chịu mặn của cây để có thể phát triển được việc trồng cây trên đất mặn, vận dụng đặc tính sinh lý của cây để có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng trên đất mặn ở mức tối đa.

Muốn khai thác đất mặn phải trồng cây chịu mặn, chọn giống chịu mặn, tưới nước đầy đủ và rửa mặn.

Biện pháp xử lý hạt giống trước khi gieo cũng là một biện pháp tôi luyện tính chịu mặn cho cây.

Khi xây dựng chế độ phân bón trên đất mặn phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Lượng phân hóa học bón lót phải thấp hơn các chân ruộng bình thường.

- Tránh bón phân hóa học cục bộ.

- Bón phân có tỷ lệ chất dinh dưỡng cao.

- Bón phối hợp phân hữu cơ với phân hóa học.

- Tận dụng biện pháp phun lên lá để cung cấp thức ăn cho cây vào những lúc cần thiết quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Tìm mọi cách duy trì và tăng độ ẩm đất: ép mặn và hạ thấp nồng độ muối tan.

- Xử lý hạt trong dung dịch muối, trong dung dịch phân bón trước khi gieo nhằm:

+ Thúc đẩy hạt chóng nảy mầm.

+ Cung cấp thức ăn cho cây trong giai đoạn đầu.

+ Rèn luyện khả năng chịu mặn.



6.3.5. Ảnh hưởng của việc luân canh đến hiệu lực của phân bón

Chế độ độc canh không cho phép huy động một cách hợp lý chất phì trong đất. Chế độ luân canh hợp lý cho phép sử dụng độ phì nhiêu của đất hợp lý hơn. Vì các cây trồng nông nghiệp đòi hỏi chất dinh dưỡng theo tỷ lệ khác nhau. Khả năng đồng hóa các chất khó tan trong đất giữa các loại cây trồng cũng khác nhau. Các cây trồng có khả năng hút các chất khó tan sẽ chuyển hóa các chất ấy thành dễ tan hơn nằm trong tro và tàn dư thực vật của mình nên rất có lợi cho cây trồng sau.

Do vậy việc luân canh cây trồng cho phép sử dụng độ phì nhiêu của đất đầy đủ hơn.

Do vậy ở đất có độ phì nhiêu tự nhiên cao nếu có kỹ thuật nông nghiệp đúng đắn thì chế độ luân canh cho thu hoạch cao hơn là độc canh. Việc bón phân cùng với việc sắp xếp luân canh cây trồng hợp lý cho ta thu hoạch được cao hơn và ổn định hơn vì ít sâu bệnh hơn.



Cây trồng trước ảnh hưởng lớn đến chế độ phân bón cho cây trồng sau.

Trong các cây trồng trước, các cây bộ đậu có ý nghĩa lớn vì nó ảnh hưởng cơ bản đến cân bằng đạm trong luân canh. Một số lượng đạm nhất định do vi sinh vật nốt sần cố định được thông qua thức ăn gia súc chuyển vào phân chuồng, phần còn lại nằm trong đất dưới dạng rễ và tàn thể thực vật. Khi phân giải các tàn thể thực vật này làm tăng lượng đạm dễ đồng hóa trong đất.

Việc nâng cao dự trữ đạm tạo điều kiện thuận lợi cho phân lân và kali phát huy tác dụng, nhu cầu phân đạm cũng giảm đi.Việc bón phân cho cây bộ đậu làm tăng cường vai trò tích cực của nó trong luân canh, trong một chừng mực nhất định nâng cao dần độ phì của đất và năng suất các cây trồng khác.

Thành phần cây trồng trong luân canh ảnh hưởng đến cân bằng dinh dưỡng chung và đến nhu cầu bón các loại phân khác nhau với tỷ lệ xác định vì các cây trồng khác nhau hút chất dinh dưỡng với số lượng và tỷ lệ khác nhau.

Ví dụ: Trong luân canh trồng nhiều cây ăn củ, khoai tây, hướng dương cây sẽ hút nhiều kali của đất dovậy hiệu lực phân kali được nâng cao.



Khi xác định chế độ bón cho cây trồng trong luân canh phải nghiên cứu:

- Năng suất và hàm lượng chất dinh dưỡng bị lấy đi theo sản phẩm thu hoạch của cây trồng trước.

- Đặc điểm hệ rễ của cây trồng trước. Nếu hệ rễ của cả hai loại cây cùng phát triển trong một lớp đất thì vụ sau phải bón cao hơn.

- Hiệu lực tồn tại của phân bón cho cây trồng trước.

Vấn đề này có liên quan đến thời gian canh tác giữa 2 vụ và chế độ làm đất giữa 2 vụ.

6.3.6. Vai trò của biện pháp kỹ thuật trồng trọt trong việc xây dựng quy trình bón phân

Biện pháp kỹ thuật trồng trọt, trình độ và đặc điểm kỹ thuật trồng trọt của cây trồng được bón phân ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng quy trình bón. Trình độ kỹ thuật càng cao thì hiệu quả phân bón càng tăng và ngược lại.

Ví dụ: đất có nhiều cỏ dại không trừ cỏ thì cỏ ăn hết chất dinh dưỡng của cây trồng.

Cày sâu, xới vun kịp thời, trừ cỏ đúng lúc có thể làm cho đất dự trữ được nhiều nước hơn, cây hút thức ăn thuận lợi hơn. Do vậy, trình độ kỹ thuật nông nghiệp cao, bón ít phân cũng có thể cho năng suất cao như khi bón nhiều phân mà kỹ thuật sơ sài. Trình độ kỹ thuật kém bón nhiều phân có khi lại hại, vì thế không thể dùng phân bón để khắc phục trình độ kỹ thuật canh tác thấp được. Nâng cao trình độ kỹ thuật chính là để tạo điều kiện cho cây trồng chịu được phân bón cao hơn.

Bón ít phân cây không vận dụng được đầy đủ ưu điểm của trình độ kỹ thuật tiến bộ, bón nhiều phân thì phải nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác khác lên.

Do đặc điểm kỹ thuật vận dụng vào mỗi cây một khác, thậm chí ngay trong cùng một loại cây biện pháp kỹ thuật vận dụng cũng có thể khác nhau khi xây dựng quy trình bón phải chú ý đến kỹ thuật nông nghiệp cho từng loại cây riêng biệt.

Ví dụ: Cây trồng dày không thể xới giữa hàng, không thể dùng loại phân bón sâu để bón thúc mà cần chú ý bón lót. Giữa lúa gieo thẳng và lúa cấy, kỹ thuật bón cũng có khác nhau. Lúa gieo thẳng cần chú ý thời kỳ 2 – 3 lá, lúa đẻ nhánh, thời kỳ xuống mã ở giai đoạn cuối, lúc làm đòng tránh bón thúc nhiều.



Cây cà phê trồng cần bón nhiều đạm hơn cây cà phê trồng dưới bóng râm.

6.3.7. Chế độ tưới nước và việc xây dựng quy trình bón phân

Trong điều kiện được tưới hiệu lực phân bón cao hơn vì phân hữu cơ chỉ phân giải tốt khi có đủ nước, phân hóa học phải hòa tan cây mới hút được. Khi tăng lượng phân bón lên đồng thời phải tăng lượng nước tưới thì mới mang lại hiệu quả và ngược lại chỉ có trên cơ sở bón tương đối nhiều phân thì việc tăng số lần tưới mới có ý nghĩa.

Hiệu lực phân bón tăng khi có tưới là do:

- Cây phát triển mạnh đòi hỏi nhiều thắc ăn hơn.

- Nhờ được tưới nước cây hút được thức ăn nhiều hơn ở đất khô vì chất hữu cơ khoáng hóa nhanh mà phân hóa học có điều kiện hòa tan.

Nhưng cũng cần chú ý:

- Không để đất bí dẫn đến phản đạm do tưới quá ẩm cho đất cạn.

- Bồi dưỡng màu cho đất.

- Bồi dưỡng mùn cho đất để cải thiện lý hóa tính đất

6.3.8. Đặc điểm của phân bón và việc xây dựng quy trình bón

Khi nghiên cứu đặc điểm của phân đem bón để xây dựng quy trình bón phải chú ý:

- Phản ứng của phân: phân chua hay phân kiềm.

- Độ hòa tan, tính di động và hiệu lực tồn tại của phân.

- Các thành phần phụ và các ion thừa trong phân đem bón.

- Sự chuyển hóa của phân trong đất.



6.4. CÁC ĐỊNH LUẬT CHI PHỐI VIỆC XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ BÓN PHÂN

6.4.1. Định luật trả lại

Tổng kết các kết quả thực nghiệm về dinh dưỡng khoáng của cây trồng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học Pháp (Boussingault, Dahéran), Đức (Liebig) – Những người được xem là các nhà tiên phong về hóa học nông nghiệp đã nêu định luật như sau :



“Để cho đất khỏi bị kiệt quệ cần phải trả lại cho đất tất cả các yếu tố dinh dưỡng cây lấy đi theo sản phẩm thu hoạch”.

Định luật này có thể dùng làm cơ sở cho việc tính toán lượng phân bón để duy trì độ phì nhiêu của đất, mở đường cho phân hóa học phát triển khiến cho ruộng đất cho năng suất ngày một cao.

Định luật mở đường cho việc cải tạo đất bằng biện pháp sinh học: Cải tạo đất mặn bằng cách trồng cây chịu mặn có khả năng đồng hóa Na cao để rút nhanh Na ra khỏi dung tích hấp thu trước khi trồng các cây trồng khác. Như vậy là có những yếu tố không cần trả lại.

Song định luật này chưa đầy đủ. Đất được xem là một vật chết , là giá đỡ của cây trồng. Trong đó có một quá trình chuyển hóa lý, hóa, sinh phong phú và phức tạp mà chỉ đơn thuần trả lại các chất khoáng bị cây trồng lấy đi là chưa đủ, mà còn phải chú ý đến quá trình phá hủy mùn trong đất sau canh tác. Ngoài việc duy trì chất khoáng còn phải duy trì hàm lượng mùn trong đất.

Định luật cần được mở rộng: Không phải chỉ trả lại các chất dinh dưỡng bị cây trồng lấy đi mà còn phải trả lại cho đất cả lượng chất dinh dưỡng bị rửa trôi nữa.



Định luật này cho phép xây dựng kế hoạch năng suất theo kế hoạch phân bón, song phải tính đến hệ số sử dụng phân được bón vào của cây trồng.

Nếu các quá trình lý, hóa, sinh không được cải thiện qua việc duy trì mùn cho đất một cách hợp lý thì dù có trả lại đầy đủ chất khoáng cây trồng cũng khó sử dụng một cách có hiệu quả. Mùn trong đất có tác dụng rất rõ đến hệ số sử dụng phân bón của cây trồng.



6.4.2. Định luật tối thiểu hay yếu tố hạn chế

Năm 1843, Liebig đã phát biểu định luật tối thiểu mở đường cho phân hóa học phát triển như sau:



“Năng suất cây trồng tỷ lệ với nguyên tố phân bón có tỷ lệ thấp nhất so với yêu cầu của cây trồng”.

Định luật này có thể mở rộng đối với tất cả các yếu tố ngoại cảnh khác như nhiệt độ, nước, ánh sáng. Vì khi các yếu tố phân bón đầy đủ, nếu thiếu nước thì việc cung cấp nước sẽ quyết định mức năng suất của cây. Nhiệm vụ của nhà trồng trọt là phải tìm ra yếu tố hạn chế. Yếu tố hạn chế này được giải quyết thì lại phát sinh yếu tố hạn chế mới.

Tác dụng của yếu tố hạn chế không còn giữ nguyên như cũ khi hàm lượng của nó trong đất đã được nâng lên.

Muốn đầy đủ và giúp cho việc bón phân có hiệu quả, định luật này phải được mở rộng như sau: Năng suất cây trồng phụ thuộc vào chất dinh dưỡng nào có hàm lượng dễ tiêu thấp nhất so với yêu cầu của cây trồng.



6.4.3. Định luật hiệu suất phân bón giảm dần

Trước hết phải hiểu thế nào là hiệu suất phân bón. Hiệu suất phân bón là lượng sản phẩm thu được khi bón một đơn vị phân bón.

Khi bón bất kỳ một yếu tố phân bón nào cũng thấy xuất hiện hiện tượng giống nhau. Lúc đầu khi bón một lượng thấp hiệu suất phân bón rất cao, sau đó cùng với việc tăng lượng phân bón hiệu suất phân bón sẽ giảm dần đến một mức nhất định dù có bón thêm cũng không làm tăng năng suất nữa thậm chí làm tụt năng suất. Với tất cả các loại cây trồng, theo chiều tăng của lượng phân bón, năng suất cây trồng có thể tăng nhưng hiệu suất của phân bón sẽ giảm dần.

Ví dụ: Trong việc bón phân cho ngô với liều lượng đạm tăng dần người ta đã thu được kết quả sau đây :

Không bón năng suất đạt 40,9 tạ/ha

Bón 40N năng suất đạt 56,5 – tăng 15,6 tạ/ha

Bón 80N năng suất đạt 70,8 – tăng 29,9 tạ/ha

Bón 120N năng suất đạt 76,2 – tăng 35,3 tạ/ha

Bón 160N năng suất đạt 79,9 – tăng 39,0 tạ/ha

Theo cách tính trên hiệu suất phân đạm ở mức 40N là 39kg ngô hạt/1kg N.

Ở 80N hiệu suất phân đạm là 37 kg ngô hạt/kg N.

Ở 120N hiệu suất phân đạm là 29 kg ngô hạt/kg N.

Ở 160N hiệu suất phân đạm là 24 kg ngô hạt/kg N.

Nếu tính hiệu suất ở từng khoảng một thì thấy ở khoảng 0 – 40 N mỗi kg N làm năng suất tăng 39 kg ngô hạt; 40 N tiếp theo mỗi kg N làm tăng năng suất 35,75 kg ngô hạt. Từ 80 N nâng cao 120 N mỗi kg N làm tăng năng suất 13,5 kg ngô hạt. Nâng từ 120 lên 160 kg N mỗi kg N làm tăng năng suất 9,25 kg ngô hạt.

Biểu thị trên một hệ trục tọa độ trong đó trục tung là năng suất, trục hoành là lượng N bón ta được đồ thị biểu diễn sự biến thiên của năng suất theo lượng bón như sau (Hình 6.1):

Đường parabon biểu diễn ứng với hàm số:



y = - 0,00146x2 + 0,477x + 40,9





tải về 5.19 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương