Lời Giới Thiệu Lịch sử Triết học


D. TRƯỜNG PHÁI DUY TÂM - BẤT KHẢ TRI



tải về 1.37 Mb.
trang11/16
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích1.37 Mb.
#11086
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

D. TRƯỜNG PHÁI DUY TÂM - BẤT KHẢ TRI


1. Giócgiơ Béccơly

Béccơly (George Berkeley, 1685-1753) sinh ra trong một gia đình quý tộc miền Nam Ailen. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông say mê nghiên cứu thần học, toán học, triết học và đã trở thành đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan với nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”. Kinh nghiệm của thuyết thị giác mới, Bàn về các nguyên tắc của nhận thức con người… là các tác phẩm triết học nổi tiếng của ông.

a) Cái Tôi nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”

Đứng trước xu thế thắng lợi của chủ nghĩa duy vật – vô thần và trào lưu nhân bản, giám mục Béccơly đã đặt cho mình nhiệm vụ là khôi phục lại toàn bộ cái tinh thần đã bị xuyên tạc, nghĩa là khôi phục lại thần học, bảo vệ tôn giáo và tuyên truyền cho chủ nghĩa duy tâm thần bí. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông tự nhận lấy trách nhiệm loại bỏ chủ nghĩa vô thần cùng “người bảo trợ” của nó là chủ nghĩa duy vật. Theo ông, chủ nghĩa duy vật sẽ sụp đổ khi chỗ dựa của nó – thực thể vật chất bị loại bỏ; còn thực thể vật chất chỉ bị loại bỏ hoàn toàn khi dựa trên tinh thần của chủ nghĩa duy danh.

Khi dựa trên chủ nghĩa duy danh, Béccơly cho rằng, trong thế giới chỉ tồn tại các sự vật, hiện tượng riêng lẻ mà không có cái chung (cái phổ biến). Do đó, khái niệm thực thể vật chất chỉ là sự trừu tượng trống rỗng, vô nghĩa. Còn chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần do phải dựa trên khái niệm thực thể vật chất nên chúng chỉ là một nhầm lẫn của trí tuệ con người. Khi loại bỏ thực thể vật chất ra khỏi thế giới và giữ lại các sự vật riêng lẻ, ông coi chúng là tổng hợp các cảm giác của con người. Nhưng đối với ông, cảm giác không phải là sự phản ánh sự vật mà là cơ sở của sự vật; cảm giác không còn thì sự vật mất đi.

Từ nhận thức này ông bắt đầu xây dựng chủ nghĩa duy tâm chủ quan của mình từ lý luận duy giác của Lốcơ. Khi dựa trên lý luận “hai đặc tính” trong chủ nghĩa duy giác của Lốcơ, ông tiến đến đồng nhất đặc tính có trước với đặc tính có sau, rồi đồng nhất tính khách quan với tính chủ quan, đồng nhất tính chủ quan với cảm giác. Từ đó, ông đồng nhất tất cả chúng với cảm giác. Còn cảm giác – cái chủ quan của con người, theo ông, không phải là cái phản ánh thực tại khách quan mà chính chúng mới là thực tại khách quan. Ông cho rằng, không phải sự vật biến thành biểu tượng mà là biểu tượng biến thành sự vật. Do biểu tượng không tồn tại ngoài trí óc, nên sự tồn tại của chúng là ở chỗ chúng được cảm giác. Từ đây, ông đi đến kết luận nổi tiếng: Tồn tại nghĩa là được cảm giác. Cái gì không có trong cảm giác thì không tồn tại. Tất cả những sự vật hợp thành Vũ trụ đều không tồn tại ở ngoài tinh thần, mà là tồn tại trong trong tinh thần. Chúng chỉ là phức hợp cảm giác của con người cá nhân – Cái Tôi.

Béccơly không chỉ thừa nhận sự tồn tại tinh thần - cái Tôi của cá nhân này hay cái Tôi của các cá nhân khác thoáng qua, mà ông còn thừa nhận sự tồn tại của một tinh thần vĩnh viễn – Thượng đế. Ông thừa nhận có một tinh thần phổ biến vĩnh viễn khắp nơi. Tinh thần ấy đang nhận thức, đang sản sinh ra và bao trùm lên tất cả mọi vật. Nó vạch cho con mắt ta thấy những sự vật ấy như những cái phù hợp với quy tắc do chính nó định ra mà chúng ta gọi là các quy luật tự nhiên. Ông coi triết học của ông sẽ là vô ích, nếu nó không làm cho độc giả thật tâm tin vào sự hiện diện của Thượng đế và kính trọng Thượng đế, nếu nó không làm cho độc giả thấy rõ sự hoàn thiện tối cao của bản chất con người là ở việc nhận thức và thực hiện giáo lý Phúc âm.

Như vậy, từ chủ nghĩa duy giác Béccơly đã đi đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan; và sau đó, từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan ông đã chuyển sang chủ nghĩa duy tâm khách quan.



b) Quan niệm về nhận thức

Theo Béccơly, nhận thứcquá trình tự sản sinh ra tri thức của linh hồn cá nhân – cái Tôi. Xuất phát từ nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”, ông cho rằng, linh hồn chỉ tồn tại khi nó cảm nhận các sự vật; và cũng chỉ khi ấy, trong chúng ta mới có được tri thức về sự vật. Đối với ông, tri thức được chứa trong ý niệm (khái niệm trừu tượng); còn ý niệm là kết quả của quá trình so sánh và phân tích các cảm giác. Nếu xét về thực chất, thì ý niệm, cảm giác là như nhau. Tất cả chúng đều tồn tại trong linh hồn; tuy nhiên, chúng khác linh hồn ở chỗ linh hồn là nền chất “nuôi dưỡng” chúng.

Từ chỗ phủ nhận sự tồn tại của thế giới khách quan, Béccơly tiến đến phủ nhận sự tồn tại của chân lý khách quan. Theo ông, chân lý là sự thể hiện tính rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu của tri giác cảm tính, của ý niệm. Chân lý là sự tương hợp của tri giác ở các linh hồn khác nhau, ở sự tương đồng và tuân theo ý Thượng đế, chứ chân lý không phải là sự phù hợp của tri thức, tức cái chủ quan với sự vật vật chất khách quan.

Triết học của Béccơly về sau được Hium và Makhơ (E.Mach) kế tục và phát triển.



2. Đavít Hium

Hium (Davit Hume, 1711–1776) sinh ra trong một gia đình quý tộc bậc trung có tư tưởng tiến bộ ở Eđinbua, ông rất say mê nghiên cứu các vấn đề tâm lý, triết học và lịch sử. Ông là người tiếp tục đường lối duy tâm chủ quan theo khuynh hướng hoài nghi - bất khả tri, là bậc tiền bối của nhà triết học Cantơ sau này.

Do sống trong thời đại mà khoa học kinh nghiệm và ý thức thông thường bị phê phán mạnh mẽ, vai trò của triết học bị hạ thấp đã trở thành mốt, nên Hium thấy mình cần phải đưa triết học thoát ra khỏi tình trạng trên bằng cách biến triết học từ khoa học về cái vật lý thành khoa học về cái tâm lý của con người. Khi đưa triết học về đời sống tâm lý con người, ông thấy cần phải giải quyết các vấn đề về cảm giác.

Cũng như Béccơly, Hium cho rằng cảm giác là cơ sở của mọi hoạt động nhận thức và chỉ dùng trong nhận thức. Cảm giác hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Theo ông, chúng ta không biết gì về thế giới bên ngoài, thậm chí chẳng biết nó có thực sự tồn tại hay không; cho nên, nhận thức không phải là nhận thức thế giới bên ngoài mà là nhận thức các quá trình tâm lý xảy ra bên trong con người, nghĩa là nhận thức các ấn tượng (cảm xúc) đầy tính sinh động và cụ thể.

Từ các ấn tượng này ý niệm xuất hiện. Ý niệm chỉ là sự sao chép các ấn tượng nhờ vào sự tác động của ý thức. Ấn tượng và ý niệm phối hợp (quy tụ, kết hợp) lại tạo thành các dạng kinh nghiệm khác nhau của con người. Hium cho rằng, trong ý thức con người, kinh nghiệm tồn tại thật sự bên cạnh sự tồn tại bẩm sinh của nguyên lý phối hợp mà nguồn gốc của nó chúng ta không bao giờ biết được. Nhờ vào nguyên lý này mà chúng ta có thể tiến hành các quá trình liên tưởng tâm lý đầy bí ẩn trong ý thức.

Quá trình liên tưởng tâm lý cho phép chúng ta nhận thức được sự giống hay khác nhau, tính trật tự, tính trình tự, tính nhân quả... Theo Hium, mọi tri thức, mọi khái niệm (thực thể, vật chất…) chỉ là kết quả của sự phối hợp các ý niệm đơn giản lại với nhau nhờ vào quá trình liên tưởng tâm lý của linh hồn, và được thể hiện bằng một tên gọi nào đó trong trí nhớ.

Như vậy, theo ông, khách thể nhận thức không thể có trước chủ thể nhận thức. Mọi mối liên hệ, quan hệ trong thế giới quanh ta (đặc biệt là quan hệ nhân quả được khoa học nghiên cứu) không tồn tại khách quan mà chỉ là sự cưỡng bức của tinh thần chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ ấn tượng, ý niệm này sang ấn tượng, ý niệm khác mà thôi. Vì vậy, tâm lý học phải là cơ sở của mọi khoa học. Không có thực thể vật chất, không có Thượng đế hay thực thể tinh thần tuyệt đối nào tồn tại cả. “Thế giới” chỉ là một dòng ấn tượng.

Bằng lý luận về ấn tượng của mình, Hium không chỉ nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới, về sự hiện hữu của các thế lực siêu nhiên mà ông còn nghi ngờ về mọi cái mà nhân loại đã và đang đạt được. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan - hoài nghi luận của Hium thể hiện xu hướng muốn khẳng định nhân cách cá nhân con người và phản ánh tình trạng khó khăn trong quá trình phát triển của khoa học và triết học vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.


Каталог: file -> downloadfile1 -> 293
293 -> VĂn phòng chính phủ
293 -> Đề tài: Sự tập trung hóa báo chí ở các nước tư bản chủ nghĩa Giảng viên hướng dẫn
293 -> Chiến dịch đánh Tống 1075
293 -> BỘ thông tin và truyềN thôNG
293 -> BỘ thông tin và truyềN thông số: 956/QĐ-btttt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
293 -> Các lệnh nhảy, vòng lặp và lệnh gọi
293 -> 143 NĂm vưƠng triều nguyễN (1802-1945)
293 -> Chương I các bộ VI điều khiển 8051 1 các bộ VI điều khiển và các bộ xử lý nhúng
293 -> HÀ NỘI – 2006 BỘ XÂy dựng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
293 -> Số 13 Tháng 3/2008 Chiều hướng phát triển dân số và học sinh, hiện tại và tương lai Vũ Quang Việt

tải về 1.37 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương