Lời Giới Thiệu Lịch sử Triết học


C. TRƯỜNG PHÁI DUY LÝ – TƯ BIỆN



tải về 1.37 Mb.
trang10/16
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích1.37 Mb.
#11086
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16

C. TRƯỜNG PHÁI DUY LÝ – TƯ BIỆN


Đây là trường phái triết học - siêu hình học đề cao lý tính. Nó cố gắng hệ thống hóa toàn bộ tri thức mà con người đạt được lúc bấy giờ dựa trên cơ sở phương thức tư duy lý luận, nhằm giúp con người thoát ra khỏi cách nhìn thiển cận về thế giới. Nó được Đềcáctơ đặt nền móng, Xpinôda và Lépnít phát triển theo khuynh hướng duy vật và duy tâm khác nhau.

1. Rơnê Đềcáctơ

Đềcáctơ (René Descartes, 1596-1650) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở thị trấn La Haye, thuộc miền Nam nước Pháp. Ông từng phục vụ trong quân đội Hà Lan và chu du nhiều nước. Sau khi xuất ngũ, ông sống, hoạt động khoa học đơn độc và mất ở nước ngoài. Ông đọc rất ít sách vở đương thời, nhưng lại viết rất nhiều tác phẩm triết học và khoa học. Trong đó có các tác phẩm chính như Luận văn về phương pháp…, Luận văn siêu hình học, Luận văn về thế giới… Qua các tác phẩm của mình, Đềcáctơ đã khơi dậy chủ nghĩa duy lý cho thời cận đại và ông cũng là người sáng lập ra khoa học lý thuyết. Ông không chỉ là nhà triết học mà còn là nhà toán học, nhà khoa học tự nhiên kiệt xuất của nhân loại. Học thuyết triết học của ông toát lên tinh thần duy lý, tìm kiếm và sử dụng một cách có ý thức phương pháp chỉ đạo lý trí để nhận thức đúng đắn thế giới. Có thể chia triết học của ông thành hai bộ phận là siêu hình học và khoa học (vật lý học). Trong siêu hình học, Đềcáctơ là nhà nhị nguyên luận ngã về phía duy tâm; nhưng trong khoa học, ông lại là nhà duy vật siêu hình máy móc nổi tiếng. Lịch sử triết học và khoa học Phương Tây chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tư tưởng của ông.

a) Siêu hình học

Trong Siêu hình học của Đềcáctơ nổi bật bởi những tư tưởng sau:



  • Nghi ngờ phổ biến”: Cũng như Ph.Bêcơn, Đềcáctơ đòi hỏi phải xây dựng lại cơ sở cho triết học mới. Triết học được ông hiểu theo hai nghĩa: theo nghĩa rộng, triết học là tổng thể tri thức của con người về tự nhiên và xã hội; còn theo nghĩa hẹp, triết học chính là siêu hình học - cơ sở thế giới quan của con người. Ông so sánh toàn bộ tri thức của nhân loại như một cây cổ thụ, mà trong đó, gốc rễ là siêu hình học, thân là vật lý học, cành nhánh là các ngành khoa học khác. Đềcáctơ luôn luôn đề cao triết học. Theo ông, triết học là cách thức tốt nhất để bộc lộ sự thông thái của con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của chính mình; mức độ phát triển của triết học thể hiện trình độ văn minh của một dân tộc; dân tộc nào văn minh và có học thức cao hơn nhất định phải là dân tộc có một nền triết lý - công cụ lý luận tốt hơn.

Theo Đềcáctơ, triết học phải bàn về khả năng và phương pháp đạt được tri thức đúng đắn, vì vậy, nhiệm vụ của nó trước hết phải là khắc phục chủ nghĩa hoài nghi, và sau đó là xây dựng các nguyên tắc, phương pháp nền tảng để giúp cho các ngành khoa học khám phá ra các quy luật của giới tự nhiên, xây dựng các chân lý khoa học nhằm chinh phục giới tự nhiên, phục vụ lợi ích cho con người. Như vậy, Đềcáctơ đã tự đặt cho mình nhiệm vụ là phải xây dựng một triết học mới – triết học gắn liền với khoa học nhằm làm chủ tư duy, nâng cao trình độ lý luận cho con người.

Nếu Ph.Bêcơn cho rằng, cơ sở của chân lý là cảm tính, và để nhận thức đúng cần phải tẩy rửa các ảo tưởng thì Đềcáctơ chủ trương rằng, cơ sở của chân lý là lý tính, và để nhận thức đúng cần phải nghi ngờ phổ biến, tức nghi ngờ mang tính phương pháp luận để không mắc sai lầm và có được niềm tin chắc chắn trong nhận thức. Ông cho rằng, để đạt chân lý chúng ta cần phải biết nghi ngờ mọi cái kể cả cái mà người đời cho là chân lý. Với nguyên tắc nghi ngờ trên, Đềcáctơ đề cao tư duy, lý tính và coi thường kinh nghiệm, cảm tính trong hoạt động nhận thức; vì vậy, ông đã đặt nền móng cho chủ nghĩa duy lý thời cận đại. Theo ông, mọi cái tồn tại chỉ có thể trở thành chân lý khi chúng được đưa ra phán xét dưới “tòa án” của lý tính nhằm tự bào chữa cho sự tồn tại của chính mình. Nghi ngờ phổ biến, vì vậy là cơ sở phương pháp luận của triết học Đềcáctơ.

Quan điểm duy lý này của Đềcáctơ có ý nghĩa tích cực trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chống lại lòng tin vô căn cứ. Tuy nhiên, cũng giống như Ph.Bêcơn, người chỉ thấy một mặt của quá trình nhận thức – mặt cảm tính (phương pháp siêu hình kinh nghiệm); thì Đềcáctơ cũng chỉ thấy một mặt của quá trình nhận thức – mặt lý tính; do đó cơ sở phương pháp luận này cũng mang tính siêu hình, phiếm diện (phương pháp siêu hình tư biện).


  • Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại”: Dù dựa trên nguyên tắc nghi ngờ phổ biến, nhưng Đềcáctơ không đi đến chủ nghĩa hoài nghi mà là bác bỏ nó và xây dựng nguyên lý cơ bản của toàn bộ hệ thống siêu hình học duy lý của mình – nguyên lý “tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại”.

Để luận chứng cho nguyên lý này, ông lý luận như sau: Dù tôi nghi ngờ về sự tồn tại của mọi cái nhưng tôi không thể nghi ngờ về sự tồn tại của chính mình, bởi vì, nếu tôi không tồn tại thì làm sao tôi có thể nghi ngờ được. Mà nghi ngờ là suy nghĩ, là tư duy, nên tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại. Tôi tồn tại với cương vị là người suy nghĩ, nghĩa là suy nghĩ của tôi là có thật. Nó có sự tồn tại, và sự tồn tại đó là không thể nghi ngờ và cũng không thể bác bỏ được.

Đối với Đềcáctơ, sự tồn tại của suy nghĩ là một chân lý, nhưng sự tồn tại của cơ thể (thể xác) thì chưa thể là chân lý được, bởi vì nó còn có thể bị nghi ngờ. Sở dĩ như vậy là do chúng ta biết cơ thể qua cảm giác, mà cảm giác thì không đáng tin cậy. Để chứng minh sự tồn tại thật sự (chân lý) của thể xác cần phải dựa vào sự tồn tại của Thượng đế.



Dựa trên nguyên lý cơ bản “Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại”, ông xây dựng hệ thống siêu hình học của mình. Đối với ông, siêu hình học phải là học thuyết chặt chẽ về Thượng đế, về giới tự nhiên và con người, để từ đó rút ra các nguyên tắc giúp chỉ đạo hoạt động bản chất của con người – hoạt động nhận thức của linh hồn lý tính.

  • Lý luận về Thượng đế, giới tự nhiên con người: Nội dung chủ yếu trong lý luận về Thượng đế là các chứng minh của ông về sự tồn tại của Thượng đế. Theo ông, Thượng đế thật sự tồn tại, bởi vì mọi dân tộc, mọi con người đều nghĩ về Thượng đế. Hơn nữa, sự tồn tại của Thượng đế là cái đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của giới tự nhiên cũng như của vạn vật sinh tồn trong nó, đảm bảo cho sự tồn tại của thể xác và năng lực nhận thức vô tận của con người… Vạn vật trong giới tự nhiên chỉ có thể được tạo thành từ hai thực thể tồn tại độc lập nhau. Đó là thực thể tinh thần phi vật chất với thuộc tính biết suy nghĩ, tạo thành mọi ý nghĩ, quan niệm, tư tưởng…, và thực thể vật chất phi tinh thần với quãng tính, tạo thành các sự vật có thể đo được theo các đặc tính không gian, thời gian. Riêng con người là một sự vật đặc biệt được tạo thành từ hai thực thể trên, nó vừa có linh hồn bất tử vừa có cơ thể khả tử. Là một sinh vật chưa hoàn thiện nhưng có khả năng đi đến hoàn thiện, là bậc thang trung gian giữa Thượng đế và Hư vô, nên con người vừa cao siêu không mắc sai lầm vừa thấp hèn có thể mắc sai lầm.

  • Lý luận về linh hồn, nhận thức các nguyên tắc phương pháp luận nhận thức: Theo Đềcáctơ:

+ Linh hồn con người không chỉ bao gồm lý trí mà còn có cả ý chí nữa. Lý trí mang lại khả năng nhận thức sáng suốt, đúng đắn. Ý chí mang lại khả năng chọn lựa, phán quyết (khẳng định hay phủ định), khả năng tự do giải quyết. Chính do khả năng to lớn của mình mà ý chí có thể dắt dẫn linh hồn sa vào sai lầm, nhầm lẫn. Hoạt động bản chất của linh hồn con người là nghi ngờ, tức suy nghĩ, tư duy. Bản thân việc nghi ngờ là dấu hiệu không hoàn thiện vươn tới sự hoàn thiện. Do bắt nguồn từ Thượng đế mà trong linh hồn con người có chứa sẵn một số tư tưởng hoàn thiện mang tính bẩm sinh luôn đúng đắn, được sản sinh ra cùng lúc với sự sinh ra Tôi. Ngoài ra, trong linh hồn con người còn có một số tư tưởng khác không hoàn thiện có thể sai lầm. Đó là các tư tưởng được linh hồn tự nghĩ ra, hay các tư tưởng được du nhập từ bên ngoài vào khi linh hồn tiếp xúc với thế giới xung quanh.

+ Khi xuất phát từ quan niệm cho rằng, hoạt động bản chất của linh hồn là nhận thức, và mọi chân lý đều bắt nguồn từ linh hồn lý tính (trí tuệ), Đềcáctơ cho rằng, nhận thức quá trình linh hồn lý tính xâm nhập vào chính mình để khám phá ra tư tưởng bẩm sinh (các nguyên lý, quy luật của lôgích hay của toán học…) chứa đựng trong mình và sử dụng chúng để tiếp cận thế giới. Còn trực giác - năng lực linh cảm của linh hồn lý tính mang lại những ý niệm rõ ràng, rành mạch, hiển nhiên hình thức nhận thức tối cao khám phá ra các tư tưởng bẩm sinh đó. Ông coi lý trí khúc chiết chỉ nhận thức được chân lý khi nó dựa vào trực giác như là điểm khởi đầu và là hình thức hoạt động trí tuệ cao nhất của mình để suy nghĩ một cách rõ ràng, rành mạch, những tư tưởng trong nó và do nó tự sinh ra, hay nắm lấy tư tưởng về các sự vật có thể khẳng định hay phủ định. Bản thân lý trí khúc chiết tự nó không khẳng định hay phủ định điều gì cả, nên nó không bao giờ mắc sai lầm.

+ Các nguyên tắc phương pháp luận nhận thức: Theo Đềcáctơ, một linh hồn vĩ đại cũng có thể sản sinh ra những điều nhảm nhí, nếu nó không biết dựa vào một phương pháp luận đáng tin cậy. Vì vậy, nhiệm vụ của siêu hình học là xây dựng các nguyên tắc mang tính phương pháp luận nhằm chỉ đạo hoạt động nhận thức của linh hồn lý tính, giúp hoàn thiện trí tuệ - năng lực tư duy, đồng thời cũng là để giúp cho các ngành khoa học khám phá ra chân lý. Theo ông, có 4 nguyên tắc phương pháp luận nhận thức như thế là:

Một là, chỉ coi là chân lý những gì rõ ràng, rành mạch, không gợn một chút nghi ngờ nào cả (nhờ vào trực giác).

Hai là, phải phân chia đối tượng phức tạp thành các bộ phận đơn giản cấu thành để tiện lợi trong việc nghiên cứu.

Ba là, quá trình nhận thức phải xuất phát từ những điều đơn giản, sơ đẳng nhất dần dần đến những điều phức tạp hơn.

Bốn là, phải xem xét toàn diện mọi dữ kiện, tài liệu để không bỏ sót một cái gì trong quá trình nhận thức.

Tóm lại, quá trình nhận thức đúng đắn phải dựa vào năng lực trực giác của linh hồn lý tính để khám phá ra những tri thức bẩm sinh chứa sẵn trong nó. Sau đó, linh hồn lý tính sử dụng hiệu quả tư duy phân tích một cách toàn diệnphép suy diễn hợp lý (diễn dịch toán học) để xây dựng mọi tri thức khoa học lý thuyết; đồng thời, qua đó mà hoàn chỉnh lý trí khúc chiết để phát triển chủ nghĩa duy lý.



b) Khoa học

Nếu trong lĩnh vực siêu hình học, Đềcáctơ là nhà nhị nguyên luận ngã sang hướng duy tâm, thì trong lĩnh vực khoa học, mà trước hết là vật lý học ông bộc lộ thế giới quan duy vật siêu hình - máy móc của mình. Tuy nhiên, có chỗ ông bộc lộ nhiều quan điểm biện chứng vượt trước thời đại.



  • Trong lĩnh vực vật lý học, Đềcáctơ xây dựng lý luận về vật chấtvận động. Vật chất bao gồm các hạt nhỏ, mịn có thể được phân chia đến vô cùng tận. Bản chất của vật chất là quãng tính; hay quãng tính là thuộc tính của thực thể vật chất. Không gian, thời gian và vận động là những thuộc tính gắn liền với những vật thể vật chất. Không có không gian trống rỗng. Vận động của vật thể có nguồn gốc sâu xa từ cái hích ban đầu của Thượng đế; sau đó, vận động của các vật thể không thể được sinh ra, không thể bị tiêu diệt (bảo toàn). Vận động của vật thể là vận động cơ giới, nghĩa là sự thay đổi vị trí của vật thể trong không gian, theo thời gian dưới sự chi phối bởi các định luật cơ học.

Dựa trên quan niệm này, Đềcáctơ xây dựng mô hình vũ trụ. Nhờ vào cái hích đầu tiên của Thượng đế, thế giới có được một xung lượng ban đầu. Xung lượng này đưa vật chất đồng nhất nguyên thủy – ête vào trạng thái chuyển động xoáy, dẫn tới sự hình thành các hạt vật chất lớn dần. Đó là những hạt lửa bao trùm toàn bộ vũ trụ, những hạt không khí…, rồi những hạt đất to nhất tạo thành các hành tinh và các vật cứng khác. Xung lượng này luôn được bảo toàn trong quá trình vận động của vũ trụ.

  • Trong lĩnh vực sinh học, Đềcáctơ phát triển tư tưởng duy vật máy móc về sự phụ thuộc của tinh thần (tâm lý) vào cơ cấu vật chất, vào trạng thái của các cơ quan trong cơ thể. Từ đó, ông khẳng định sự hình thành và phát triển của giới thực vật và giới động vật là quá trình hoàn toàn tự nhiên không có sự can thiệp của Thượng đế. Ông là người khám phá ra cơ chế phản xạ, và coi mọi cơ thể sinh vật đều là các cổ máy có lắp đặt một cơ chế phản xạ. Sự hoạt động của cổ máy này sinh ra linh hồn thực vật và linh hồn động vật khả tử. Tuy nhiên, theo Đềcáctơ, con người một cổ máy – hệ thống có gắn liền với linh hồn lý tính bất tử. Sở dĩ như vậy là vì, cơ thể con người có cấu trúc rất phức tạp, và hoàn thiện hơn so với cơ thể động vật thông thường. Mặc dù, trong lĩnh vực siêu hình học, Đềcáctơ chỉ coi cơ thể là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn để linh hồn thực hiện hoạt động bản chất của mình là nhận thức, nhưng trong lĩnh vực khoa học, do tiếp cận được quan điểm duy vật, nên ông đã coi cơ thể của con người là khí quan vật chất, còn linh hồn là chức năng hoạt động của cơ thể con người. Với quan điểm duy vật và khoa học này, Đềcáctơ rất kỳ vọng vào y học trong việc cải tạo thể xác và đời sống tinh thần của con người.

  • Trong lĩnh vực toán học, Đềcáctơ có những tư tưởng biện chứng vượt trước thời đại. Ông đã sửa đổi lại đại số, dùng hình chỉ số và dùng số chỉ hình; dùng chữ để chỉ những đại lượng biến thiên (x, y, z…), và đưa các đại lượng biến thiên vào trong toán học bên cạnh những đại lượng không đổi (a, b, c…). Từ đó, xuất hiện hình học giải tích, hàm số và phương pháp đồ thị… Với ý tưởng biện chứng này, Đềcáctơ đã đặt nền móng cho toán học hiện đại. Đối với ông, toán học là khoa học chính xác, rõ ràng, rành mạch nhất. Phương pháp diễn dịch toán học là phương pháp chung để thu được tri thức đúng đắn; bởi vì nó là phương pháp thể hiện rõ 4 nguyên tắc phương pháp luận nhận thức mà trí tuệ phải tuân theo để đạt chân lý.

Từ những tìm hiểu trên chúng ta thấy Đềcáctơ không chỉ là người khôi phục lại mà còn đưa truyền thống duy lý Phương Tây lên đỉnh cao. Ông đã đặt nền móng vững chắc cho khoa học lý thuyết. Lịch sử triết học, khoa học và văn minh tinh thần của phương Tây chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tư tưởng của ông.

2. Barúc Xpinôda

Xpinôda (Baruch Spinoza, 1632-1677) sinh ra trong một gia đình thương gia ở Amtécđam, Hà Lan. Ông từng theo học ở một trường đào tạo linh mục, nhưng sau đó bỏ học theo cha buôn bán. Khi cha mất, ông bỏ luôn nghề buôn mà lao vào nghiên cứu triết học và khoa học tự nhiên. Các công trình khoa học của Ơclít và các tư tưởng triết học duy vật của Đềcáctơ đã ảnh hưởng sâu đến hoạt động sáng tạo của ông. Đạo đức học là tác phẩm triết học nổi tiếng nhất của ông. Trong tác phẩm này, ông trình bày quan điểm cho rằng, mục đích cuối cùng của triết học là phục vụ con người; còn cơ sở lý luận để thực hiện điều đó là siêu hình học – học thuyết về thực thể. Trong siêu hình học của Xpinôda nổi bật các quan điểm cơ bản sau:

a) Lý luận về thực thể, thuộc tính, dạng thức

  • Thực thể khái niệm trung tâm của triết học Xpinôda. Khi đồng nhất Thượng đế với Giới tự nhiên, và đồng nhất Thượng đế - Giới tự nhiên với Thực thể, Xpinôda coi Thượng đế, Giới tự nhiên, Thực thể chỉ là một. Khái niệm thực thể được ông hiểu như là nguồn gốc, cơ sở, bản chất chung và duy nhất của mọi sự vật, hiện tượng dù đó là vật chất hay tinh thần. Thực thể cái siêu không gian, siêu thời gian, siêu vận động, là nguyên nhân của chính nó (đầy đủ - độc lập – tự sản sinh)... Thực thể có vô vàn thuộc tính và biểu hiện thành vô vàn dạng thức…

  • Thuộc tínhtính chất cố hữu mà qua đó thực thể biểu hiện ra. Mỗi thuộc tính chỉ thể hiện cái toàn bộ của thực thể thống nhất dưới giác độ của mình. Có vô số thuộc tính như thế, nhưng chúng ta chỉ biết được hai thuộc tính của thực thể là tư duy (suy nghĩ) và quãng tính (vật chất). Tư duy và quãng tính là chỉ là hai hình thức biểu hiện Thực thể - Thượng đế - Giới tự nhiên. Thượng đế và Giới tự nhiên cũng là bản thân Thực thể nên được biểu hiện dưới dạng các tư tưởng (ý niệm) và các sự vật quãng tính… Do mọi sự vật đều bắt nguồn từ Thực thể có tư duyquãng tính, nên chúng đều cấu thành từ vật chất và biết suy nghĩ. Thuộc tính quãng tính thể hiện sự phát triển của Thực thể thông qua sự phát triển cấu trúc vật chất của sự vật. Thuộc tính tư duy thể hiện sự phát triển của Thực thể thông qua sự phát triển khả năng tự suy nghĩ của sự vật nói riêng, của Thực thể nói chung về bản thân mình. Tại đây, Xpinôda phân biệt hai loại tư duy. Tư duy với tính cách là thuộc tính của thực thể (vô hạn, vĩnh viễn) và tư duy con người (hữu hạn, không vĩnh viễn) - là sự thể hiện cao thuộc tính tư duy của Thực thể.

Như vậy, theo ông, vật chất chỉ là một trong vô vàn thuộc tính của Thực thể - Thượng đế - Giới tự nhiên, chứ không phải là nguồn gốc duy nhất của mọi sự vật. Và không chỉ riêng con người mà mọi sự vật trong Giới tự nhiên đều biết tư duy. Không chỉ có con người mà mọi sự vật trong Giới tự nhiên đều biểu hiện ra bên ngoài cái thực thể thống nhất bên trong, nghĩa là biểu hiện ra mọi thuộc tính của thực thể. Hay nói khác, mọi thuộc tính của thực thể đều được biểu hiện ra ở mọi sự vật. Nhưng thuộc tính của thực thể thì vĩnh viễn, còn sự vật thì không ngừng được sinh ra và mất đi. Sự vật chỉ là dạng thức của thực thể.

  • Dạng thứctrạng thái, là sự biểu hiện đơn lẻ của thực thể. Thực thể là thế giới sản sinh. Còn sự vật hiện tượng là thế giới được sản sinh ra, là dạng thức của thực thể. Dạng thức tồn tại trong không gian, thời gian, luôn vận động và bị chi phối bởi luật nhân quả. Ngẫu nhiên không tồn tại đích thực mà nó chỉ là kết quả của việc xem xét dạng thức một cách cô lập. Khi xem xét dạng thức trong tính chỉnh thể toàn vẹn, đầy đủ (thực thể) thì ngẫu nhiên sẽ mất đi. Thế giới là tất nhiên.

Lý luận về thực thể của Xpinôda thể hiện thế giới quan duy vật sâu sắc của ông. Bởi vì, khi coi Thượng đế, Giới tự nhiên, Thực thể chỉ là một, Xpinôda muốn khẳng định rằng, bản thân Thượng đế cũng chỉ là Giới tự nhiên, vì vậy, Thượng đế cũng mang tính tự nhiên. Còn bản thân Giới tự nhiên là một chỉnh thể thống nhất, tồn tại độc lập, vĩnh viễn, tự nó sản sinh ra nó; vì vậy, muốn tìm hiểu Giới tự nhiên phải xuất phát từ chính bản thân Giới tự nhiên, xuất phát từ tư duy – một thuộc tính của Thực thể – Giới tự nhiên để nhận thức Giới tự nhiên như một Thực thể.

b) Lý luận về con người

Xpinôda coi con ngườidạng thức của Thực thể, sản phẩm của Giới tự nhiên và là mục đích cuối cùng của triết học.

Do con ngườimột dạng thức của Thực thể, nên nó phải thể hiện ít nhất hai thuộc tính của Thực thể (quãng tính và tư duy) dưới dạng thể xáclinh hồn. Thể xác và linh hồn chỉ là hai cách biểu hiện của cùng một nội dung là con người đang suy nghĩ như một thể thống nhất. Mối quan hệ giữa chúng là mối quan hệ giữa cấu trúc và khả năng, vì vậy chúng tồn tại không thể tách rời nhau, nhưng cũng không quy định nhau. Khi coi con người là một dạng thức phức tạp của thực thể, Xpinôda cũng cho rằng, bản thân con người cũng nằm trong quá trình phát triển và diệt vong như bao sự vật (dạng thức) khác

Do con ngườisản phẩm của Giới tự nhiên, nên nó hoạt động hoàn toàn theo các quy luật của tự nhiên. Con người là sự thể hiện khả năng của Giới tự nhiên tự nhận thức, tự ý thức về mình. Hoạt động bản chất của con người là hoạt động nhận thức. Nhu cầu nhận thức là khát vọng lớn nhất của con người muốn thể hiện tình yêu trí tuệ của mình đối với Thượng đế. Trong quá trình nhận thức Giới tự nhiên, con người khám phá ra các quy luật của nó. Và khi tuân theo các quy luật này, con người có thể hành động một cách tự nhiên để giải quyết một cách hiệu quả mọi tệ nạn xã hội, mọi khó khăn trong cuộc sống của chính mình.



c) Lý luận về nhận thức

Xuất phát từ quan niệm cho rằng, trật tự và mối liên hệ của tư tưởng hoàn toàn giống trật tự và mối liên hệ của Giới tự nhiên, một mặt, Xpinôda phủ nhận sự tồn tại tư tưởng bẩm sinh, mặt khác, ông coi: nhận thức hoạt động mang tính bản chất của con người. Theo ông, nhiệm vụ nhận thức là phát hiện ra các nguyên nhân khách quan của sự tồn tại và quy luật tự nhiên chi phối sự thay đổi của các dạng thức của Thực thể (sự vật đơn lẻ). Đối với ông, khả năng nhận thức của con người là vô hạn; quá trình nhận thức của con người tuân theo quy luật tự nhiên, và bao gồm bao gồm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.



Nhận thức cảm tính chỉ cho phép cảm thụ được tính đa dạng và sinh động của sự vật đơn lẻ -dạng thức của Thực thể. Nhận thức lý tính cho phép nắm bắt những đặc tính tổng quát và căn bản của sự vật, nghĩa là khám phá ra thuộc tính, bản chất của Thực thể; trong đó, trực giác không chỉ là năng lực nhận thức cao nhất của lý tính khám phá ra bản chất của Thực thể mà còn là tiêu chuẩn của chân lý. Là một nhà duy lý, Xpinôda đề cao nhận thức lý tính coi thường nhận thức cảm tính, và quy cho cảm tính (đặc biệt là những xúc cảm tiêu cực) trách nhiệm gây ra những sai lầm trong nhận thức.

Ông cho rằng, nhận thức và làm đúng theo các quy luật tự nhiên là cách thức vươn tới tự do của con người. Không tồn tại tự do ý chí. Chỉ có xúc cảm chi phối hành động con người. Những cảm xúc tích cực thúc đẩy hoạt động nhận thức đúng đắn, còn những xúc cảm tiêu cực kìm hảm nhận thức hay dắt dẫn nhận thức sa vào sai lầm.

Mặc dù còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng của nền tư tưởng đương thời nhưng trong lý luận về thực thể, về con người và về nhận thức của Xpinôda vẫn bộc lộ được những yếu tố duy vật, vô thần và biện chứng đáng quý.

3. Gốtphơriét Vinhem Lépnít

Lépnít (Gottfried Wilhelm Leibniz, 1646-1716) sinh ra trong một gia đình trí thức Đức, rất say mê lôgích học, toán học… Ông độc lập với Niutơn phát hiện ra phép tính vi - tích phân, và là người đặt nền móng cho lôgích toán sau này. Ông không chỉ là nhà triết học duy tâm khách quan, mà còn là nhà toán học, nhà vật lý học lỗi lạc, từng là Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Đức. Ông viết rất nhiều tác phẩm triết học và khoa học, trong đó, Luận về siêu hình học, Những kinh nghiệm mới về lý tính con người, Đơn tử luận… là các tác phẩm chính. Qua các tác phẩm của mình, Lépnít tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa duy lý thời cận đại. Học thuyết triết học duy tâm khách quan của ông toát lên tinh thần duy lý tìm kiếm và sử dụng một cách có ý thức phương pháp chỉ đạo lý trí để nhận thức đúng đắn thế giới.

Lépnít là nhà triết học đầu tiên nhận thấy trong triết học Phương Tây có hai trào lưu đối lập nhau là chủ nghĩa duy vật coi vật chất là bản chất của thế giới và chủ nghĩa duy tâm coi bản chất của thế giới là cái tinh thần. Tuy nhiên, theo ông, cả hai trào lưu này đều có mặt tích cực lẫn hạn chế. Chủ nghĩa duy vật có ưu điểm bài trừ kinh viện, ủng hộ khoa học nhưng lại không nhận thấy được sức mạnh vô biên của Thượng đế. Chủ nghĩa duy tâm có ưu điểm đề cao sức mạnh của tinh thần nhưng lại đánh giá không đúng mức về vật chất. Từ đó, ông ra sức xây dựng một hệ thống triết học mới biết phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của hai trào lưu triết học này. Cũng như Đềcáctơ và Xpinôda, ông tích cực bảo vệ truyền thống siêu hình học và coi nó là nền tảng của toàn bộ thế giới quan con người, nhưng ông lại không hài lòng về các hệ thống siêu hình học trước đó, kể cả các hệ thống siêu hình học của Đềcáctơ và Xpinôda. Lépnít ra sức xây dựng một hệ thống siêu hình học mới đóng vai trò nền tảng cho mọi khoa học và hoạt động con người.



a) Siêu hình học

  • Các tiên đề: Theo Lépnít, hệ thống siêu hình học mới phải khắc phục được cả chủ nghĩa nhị nguyên của Siêu hình học Đềcáctơ, lẫn chủ nghĩa nhất nguyên cứng nhắc, nghèo nàn của Siêu hình học Xpinôda; nhưng nó tiếp tục khẳng định vai trò của tư duy lý luận và lấy trí tuệ con người làm cơ sở để tiến hành phán xét. Để có được một bức tranh siêu hình tổng thể về thế giới thì trí tuệ con người phải tuân theo các nguyên tắc, hay Siêu hình học mới phải dựa trên các nguyên lý sau:

Một là, nguyên lý về sự khác nhau phổ biến khẳng định không có 2 sự vật hoàn toàn giống nhau (tính đa dạng của thế giới).

Hai là, nguyên lý về sự đồng nhất khẳng định nếu có 2 sự vật, mà trong đó, mọi tính chất của sự vật này cũng là mọi tính chất của sự vật kia, và ngược lại, thì chúng đồng nhất với nhau (chúng chỉ là một sự vật).

Ba là, nguyên lý về tính liên tục khẳng định cái hiện tại là kết quả của cái quá khứ, đồng thời là tiền đề của cái tương lai (tính kế thừa trong sự phát triển).

Bốn là, nguyên lý về tính gián đoạn khẳng định mỗi sự vật đều có giới hạn tương đối để phân biệt được với nhau (tính nhảy vọt trong sự phát triển).

Năm là, nguyên lý về tính toàn vẹn khẳng định mọi sự vật đều chứa đựng trong mình đầy đủ những tính chất cần thiết cho sự tồn tại của chính mình (tính đầy đủ của sự tồn tại).

Sáu là, nguyên lý về tính hoàn thiện khẳng định mọi sự vật cũng như bản thân thế giới đều vận động theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn (tính hướng đích).

Bảy là, nguyên lý về mối liên hệ giữa khả năng và hiện thực (cái tinh thần / lôgích và vật chất)36 khẳng định mọi sự vật dù là vật chất hay tinh thần đều không tách biệt nhau.

Tám là, nguyên lý về tính cần thiết tư duy lôgích đòi hỏi lý tính phải tuân thủ các quy luật lôgích hình thức (đồng nhất, phi mâu thuẫn và bài trung) và các quy tắc tam đoạn luận của nó.

Chín là, nguyên lý về cơ sở (lý do) đầy đủ khẳng định một sự vật (cả tư tưởng) nào đó chỉ được coi là có thật hay là chân lý, nếu nó có đầy đủ cơ sở (lý do) để chứng minh cho sự tồn tại của chính mình là như thế này mà không thể như thế khác.

Mười là, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến khẳng định mọi sự vật (cả tư tưởng) đều có mối liên hệ với nhau.

Mười một là, nguyên lý về tính thống nhất giữa cực đại và cực tiểu khẳng định cực tiểu của bản chất sản sinh ra cực đại của tồn tại.


  • Nội dung: Dựa trên 11 nguyên lý này, Lépnít xây dựng Siêu hình học mới với hai nội dung cơ bản là Đơn tử luận - học thuyết về bản chất của sự vật,và Thần học - học thuyết về Thượng đế.

+ Đơn tử luận: Trong đơn tử luận, Lépnít khẳng định tính đa dạng thống nhất giữa vật chất và tinh thần của thế giới; khẳng định tính năng động (đầy sinh khí) của sự vật đơn nhất. Những khẳng định này cho phép ông đưa ra quan niệm về đơn tử – thực thể như là những “điểm của Siêu hình học. Chúng là những đơn vị nhỏ nhất của tinh thần thể hiện trong lớp vỏ vật chất; chúng vừa cấu thành sự vật vừa làm cho sự vật sống động; nhưng, chúng không có bộ phận, không được sinh ra hay bị diệt vong, không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài; chúng vừa độc lập vừa liên hệ với nhau tạo thành một chuỗi vô tận kết nối các sự vật trên thế giới lại với nhau thành một khối thống nhất tựa như một cơ thể sống động.

Đơn tử không chỉ có năng lực hoạt động mà còn có khả năng nhận thức. Ứng với từng cấp độ phát triển của thế giới có từng nhóm đơn tử với một mức độ năng động và khả năng nhận thức riêng. Nhóm đơn tử ngủ là nền tảng của giới vô cơ, trong đó tiềm ẩn các linh hồn chết. Nhóm đơn tử có khả năng cảm giác và trực quan tạo trên linh hồn của thực vật và động vật. Nhóm đơn tử hoàn thiện hơn tạo nên ý thức, linh hồn con người… Quá trình phát triển liên tục và vô tận của thế giới gắn liền với trình tự phát triển của các đơn tử trải qua mức độ hoàn thiện khác nhau.

Quá trình phát triển của đơn tử từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện luôn tuân theo nguyên tắc hài hòa tiền định, nghĩa là theo sự sắp đặt của Thượng đế. Mọi sự vật trong thế giới đều có liên hệ, thống nhất lẫn nhau, một sự thay đổi ở một nơi nào đó trong thế giới đều có ảnh hưởng đến những nơi còn lại. Do vậy mà mọi hiểu biết của con người về thế giới đều có liên hệ, thống nhất lẫn nhau. Tuy nhiên, theo ông, nghiên cứu siêu hình học không chỉ phát hiện ra sự thống nhất của tri thức, mà còn phải phát hiện ra sự hiện hữu của Thượng đế để làm sáng rõ nguyên tắc hài hòa tiền định của thế giới, nghĩa là phải xây dựng thần học.

+ Thần học: Lépnít cho rằng, Thượng đế vừa là đơn tử vừa là đấng sáng tạo ra các đơn tử khác, là đơn tử của mọi đơn tử, là lý tính siêu thế giới. Giới tự nhiên, con người chỉ là kết quả sáng tạo của Thượng đế. Thượng đế tồn tại thật sự, bởi vì Ngài không chỉ là sự tồn tại tất yếu, là cơ sở đầy đủ của thế gian, mà còn là linh hồn bất diệt, là cơ sở đầy đủ cho mọi chân lý vĩnh hằng, là cơ sở cho sự hài hòa tiền định trong sự phát triển của vạn vật.

b) Khoa học


  • Trong vật lý học, Lépnít bàn về giới tự nhiên, về không gian, thời gian, vận động.

Lépnít khẳng định rằng, giới tự nhiên là một hệ thống chỉnh thể liên kết vạn vật tồn tại trong tính đa dạng của mình. Vạn vật trong giới tự nhiên đều được cấu thành từ các đơn tử - bản chất của vạn vật. Giới tự nhiên là sự thể hiện tính thực tại của các lực lượng tinh thần, là một trong những thế giới khả dĩ (tinh thần) đã được hiện thực hóa. Vạn vật trong giới tự nhiên chỉ tuân theo các quy luật Niutơn. Dù là thế giới tối ưu nhất và hợp lý nhất do Thượng đế tạo ra, nhưng giới tự nhiên chưa phải là thế giới hoàn thiện nhất, do đó trong quá trình tồn tại, nó tiếp tục phát triển.

Lépnít phủ nhận quan điểm của Niutơn về không gian tuyệt đốithời gian tuyệt đối, ông đưa ra quan niệm về không gian tương đốithời gian tương đối; bởi vì chúng chỉ là quan hệ tương đối của những sự vật với nhau, và thể hiện sự vật nằm trong sự vận động, phát triển.



  • Trong nhân bản học, Lépnít coi con người là sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác. Thể xác chỉ là cái vỏ bề ngoài, linh hồn là cái bản chất tiềm ẩn bên trong. Ông cũng xem con người là cái máy tự nhiên có tính tổ chức cao do Thượng đế tạo ra.

  • Trong nhận thức luận, Lépnít không coi linh hồn con người là “tấm bảng trắng” mà là “viên đá trắng” có tiềm ẩn vô số đường vân. Quá trình nhận thức là khai thác những tri thức tiềm ẩn - đường vân - có trong linh hồn con người. Tuy nhiên, ông coi nhận thức là một quá trình tương đối đi từ những hiểu biết mơ hồ đến hiểu biết chính xác chứ không phải là hành động trực giác, như Đềcáctơ đã thừa nhận. Lépnít không thừa nhận sự tồn tại tư tưởng bẩm sinh, mà chính xác hơn là tồn tại những khả năng bẩm sinh của con người. Theo ông, nhận thức có 2 loại là nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính mang lại những chân lý sự kiện, nói về dáng vẻ bề ngoài của những sự vật đơn lẻ. Nhận thức lý tính mang lại những chân lý vĩnh hằng, nói về bản chất bên trong của sự vật. Tiêu chuẩn của chân lý là tính phi mâu thuẫn.

Каталог: file -> downloadfile1 -> 293
293 -> VĂn phòng chính phủ
293 -> Đề tài: Sự tập trung hóa báo chí ở các nước tư bản chủ nghĩa Giảng viên hướng dẫn
293 -> Chiến dịch đánh Tống 1075
293 -> BỘ thông tin và truyềN thôNG
293 -> BỘ thông tin và truyềN thông số: 956/QĐ-btttt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
293 -> Các lệnh nhảy, vòng lặp và lệnh gọi
293 -> 143 NĂm vưƠng triều nguyễN (1802-1945)
293 -> Chương I các bộ VI điều khiển 8051 1 các bộ VI điều khiển và các bộ xử lý nhúng
293 -> HÀ NỘI – 2006 BỘ XÂy dựng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
293 -> Số 13 Tháng 3/2008 Chiều hướng phát triển dân số và học sinh, hiện tại và tương lai Vũ Quang Việt

tải về 1.37 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương