KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)



tải về 0.83 Mb.
trang4/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27

Dự Kiến Giải Pháp


May mắn thay, khác với đại đa số quần chúng đang đắm chìm trong thiên đàng vật chất, có một số lượng người tỉnh táo, dù rất ít ỏi, sống rải rác khắp nơi quan tâm đến tình huống nghiêm trọng mà nhân loại đang phải đối đầu. Trong số đó, nhà vật lý học lỗi lạc Albert Einstein, một nhân cách đã được nhân loại thừa nhận là tiêu biểu nhất của thế kỷ hai mươi, nói rằng:

“Người có thể sáng tạo ra khoa học phải là người hoàn toàn thấm nhuần những ước ao hướng đến chân lý và sự hiểu biết; tuy nhiên, nguồn cảm giác ấy lại bắt nguồn từ lãnh vực tôn giáo. Ðối với việc này, chúng ta có thể tin rằng các nguyên tắc có giá trị cho sự tồn tại của cuộc đời là dựa trên lý trí, nghĩa là có thể nhận thức được lẽ phải. Tôi không thể tưởng tượng được một nhà khoa học chân chính mà không có niềm tin sâu sắc. Hình ảnh sau đây có thể diễn đạt cho sự kiện này: Khoa học không có tôn giáo là khoa học khập khiễng, tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng”.

Qua việc nghiên cứu cẩn trọng về nguyên nhân của sự xung đột đang diễn ra hiện nay giữa các hình thức tôn giáo và khoa học, tiến sĩ Albert Einstein nhận định rằng nguyên nhân xung đột nằm ở ý niệm về đấng Thượng đế toàn trí toàn năng, bởi vì đấng Thượng đế độc quyền như vậy, có một tên gọi khác là “tôn giáo của sự sợ hãi”, chỉ là nhu cầu nhất thời của nhân loại trong quá khứ khi họ biết rất ít về mình và về thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, con người văn minh trong thế kỷ hai mươi rõ ràng đã vượt lên trên cả cấp độ của “tôn giáo đạo đức”, tên gọi khác của các tín ngưỡng Hy Lạp La Mã cổ đại, Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, vì những tôn giáo, tín ngưỡng vừa nêu chủ yếu xây dựng trên niềm tin.

Như vậy loại tôn giáo nào có thể thích hợp với thời đại hiên nay? Hay dùng câu hỏi của Trevor Ling, giáo sư tiến sĩ môn Tôn Giáo Tỷ Giáo ở đại học Manchester, “Loại tôn giáo nào là thích hợp nhất sinh khởi lên từ cuộc đấu tranh sinh tồn này?” Tiến sĩ Trevor Ling cho rằng có thể sẽ có nhiều lợi ích khi đặt vấn đề đó trong mối quan hệ với Phật giáo, do vì một mặt Phật giáo là một hình thái tôn giáo có thể tương hợp với xu thế thế tục hiện nay hơn hầu hết các tôn giáo khác. Mặt khác, tính chất chuyển hóa tư tưởng mà qua đó giới Phật tử vận dụng để vượt qua những cạnh tranh đầy tính thế tục thì dường như Phật giáo có thể xem là có ý nghĩa đáng kể nhất so với các tôn giáo khác.

Còn ý kiến của học giả trong các lãnh vực khác thì thế nào? Trong việc đề ra phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tâm linh trầm trọng của thế giới châu Âu, Nietzche, triết gia lỗi lạc người Ðức, đã nói rằng: “Phật giáo là tôn giáo để đạt đến mục tiêu sau cùng và cho một nền văn minh đã mòn mõi…” và “Phật giáo đang phát triển một cách thầm lặng trong toàn bộ lãnh thổ châu Âu.” Cũng thế, nhà bác học vật lý Albert Einstein lập luận rằng thời đại của chúng ta đang cần một loại tôn giáo gọi là “tôn giáo cảm thọ toàn cầu”, và ông nói rằng “Phật giáo, như chúng ta đã học được, đặc biệt từ các bài viết tuyệt vời của Schopenhauer, chứa đựng những yếu tố rất rõ ràng của loại cảm giác này.”

Một số gợi ý đề cập ở trên liên quan đến chủ đề của tác phẩm nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ nhu cầu thật sự của thế giới đương thời. Tuy thế, sự kiện này hy vọng sẽ trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người qua việc lắng nghe cuộc đối thoại với chủ đề về nhu cầu tôn giáo của thế giới hiện đại giữa hai học giả lão thành Daisuka Ikeda và A.J. Toynbee. Ðề cập đến vấn đề nóng bỏng trên, tiến sĩ D. Ikeda đưa ra lý luận rằng tôn giáo có thể hướng đạo cho một nền văn minh ở cấp độ cao này phải là tôn giáo kết hợp được cả khoa học và triết lý. Theo ông, tôn giáo mà nhân loại ngày nay đang cần phải linh cảm được tinh thần triết học và khoa học của con người và có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của thời đại mới. Ðó phải là một tôn giáo có thể vượt lên trên các điểm bất đồng giữa Ðông và Tây, nối kết nhân loại thành một bộ phận thống nhất, cứu cho thế giới Âu Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, và giúp cho thế giới Ðông phương vượt qua gian khổ, đói nghèo. D. Ikeda cho rằng phát hiện ra loại tôn giáo vừa nêu hẳn là một kỳ công vĩ đại của nhân loại.

Ðáp lại ý tưởng của D. Ikeda, giáo tiến sĩ A.J. Toynbee xác nhận rằng:

“Con đường hướng đến cuộc cách mạng kỹ thuật kinh tế đã mở ra cuộc cách mạng tôn giáo trước đó ở giai đoạn cuối của phương Tây thời cổ đại. Cuộc cách mạng tôn giáo ấy là sự chuyển đổi từ độc thần giáo sang phiếm thần giáo. Tôi tin tưởng rằng nhân loại cần phải trở về với phiếm thần giáo… Tôi cảm nhận rằng những gì mà ngài (tức tiến sĩ D. Ikeda) muốn nói thì rải rác đó đây trong bản chất của Phật giáo, và chính vấn đề này mang tôi trở về với thực chất của điều mà tôi gọi là tôn giáo cao cấp. Bằng chính từ ngữ ấy, tôi muốn ám chỉ đến loại tôn giáo có thể làm cho từng cá nhân tiếp xúc được với thực tại tâm linh tuyệt đối, thay vì chỉ cho họ sự tiếp xúc gián tiếp với thực tại đó ngang qua các phương tiện như năng lực siêu nhân, hay các tổ chức bao gồm sức mạnh của một tập thể con người. Tôn giáo cao cấp như được định nghĩa ở đây là loại tôn giáo mà nhân loại đang cần.”

---o0o---

Xu Hướng Hiện Nay Của Tôn Giáo


Sau khi điểm xuyết qua một số tử tưởng tiêu biểu trong các lãnh vực nghiên cứu để tìm kiếm một tôn giáo có thể đáp ứng cho nhu cầu khẩn thiết của con người thời đại, đến đây hẳn chúng ta đã có thể yên tâm để đi đến giả thuyết rằng, trong tất cả tôn giáo hiện nay trên thế giới, Phật giáo có lẽ là tôn giáo đầu tiên mà nhân loại văn minh cần phải suy gẫm và chọn lựa cho mục đích giải quyết các thảm họa sắp tới. Trong cái nhìn của chúng tôi, Phật giáo, đặc biệt Phật giáo Bắc Truyền hay còn gọi là Bồ Tát Ðạo với nền tảng giáo lý từ bi (Karunà) và trí tuệ (pràjnã), dường như thích hợp nhất trong tình huống tiến thoái lưỡng nan như thế này.

Quả thật, một trong những giáo lý trọng tâm Phật giáo Bắc Truyền là giáo lý Bồ-tát (Sanskrit: Bodhisattva; Pali: Bodhihsatta). Trong thực tế, chỉ vài thế kỷ sau ngày nhập Niết bàn của Ðức Phật Gotama (Cù-Ðàm) tư tưởng Bồ-tát đã truyền bá khắp các thị trấn, đô thị ở Bắc Ấn Ðộ cũng như vùng Trung Á và Viễn Ðông.

Cũng chính ngang qua giáo lý Bồ-tát mà Phật giáo đã được hoan nghênh đón tiếp, và cắm rễ sâu trong lòng một số lượng lớn các dân tộc. Kể từ ngày xuất hiện, Phật giáo đã có những ảnh hưởng lớn lao nhất định trong nền giáo dục, văn hóa, đạo đức, văn minh của các quốc gia đó từ thời quá khứ cho đến hiện nay.

Mặc dù bắt nguồn từ Phật giáo Ấn Ðộ, với tinh thần phương tiện thiện xảo (upàya hay upàya-kaúsalya) giáo lý Bồ-tát đã mang nhiều ý nghĩ và hình ảnh đặc thù ở từng quốc gia khác nhau. Nhưng điều quan trọng cần được cân nhắc và suy nghĩ ở đây là, các vị Bồ-tát được đề cập trong các kinh Bắc Truyền như Văn Thù Sư Lợi (Manjussri), Phổ Hiền (Sàmanatabhadra), Quán Thế Âm (Avalokitésvara), v.v… đã trở thành đối tượng tín ngưỡng. Nghĩa là, số Bồ-tát này đã được tôn lên bàn thờ thần thánh như thánh thần của mọi tôn giáo khác. Nghiêm trọng hơn thế nữa, tất cả Bồ-tát được xem như là lớp người sở hữu quyền lực siêu nhiên, có thể cứu độ chúng sinh đang khốn khổ trong cõi Ta-bà nếu những chúng sinh ấy phụng thờ và cầu nguyện họ một cách chí thành. Trong thực chất, cách hành trì ấy dường như đã biến Phật giáo thành một loại tôn giáo hữu thần, nhất đẳng thần, độc thần, hoặc đa thần. Nói khác đi, khuynh hướng phát triển trên có thể đưa Phật giáo đến bờ vực sụp đổ giống như tất cả mọi hình thái tôn giáo đương thời đang phải đối mặt, và khiến toàn bộ tín đồ của chúng phải mần mò tìm hiểu nghệ thuật sống của văn hóa châu Á. Trong khi ấy, xuyên qua nền tảng giáo lý vô ngã (anattà) và duyên khởi (pratyàsamutpàda) như là tinh túy của mình, Phật giáo có thể được xem là tôn giáo phiếm thần, và là “con đường tự độ” hay “tự cứu khổ”. Do đó, sự thực hành trên nghe có vẻ khác với tinh thần cốt tủy của Phật giáo. Khuynh hướng này cần phải được đánh giá và soi sáng lại ngang qua chính lời dạy của Ðức Phật ngõ hầu giúp giới Phật tử quay về với tinh thần từ bi, trí tuệ để có thể cảm nhận được hương vị giải thoát của giáo lý Phật giáo. Bằng việc làm này chúng ta hy vọng rằng Phật giáo có thể giúp nhân loại tìm ra giải pháp khả thi nhằm chế ngự cuộc khủng hoảng hiện nay và hướng họ đến một lối sống hạnh phúc thật sự, tại thế giới này và bây giờ.

 ---o0o---



tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương