KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)


Chương Hai - Khái Niệm Bồ Tát



tải về 0.83 Mb.
trang7/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   27


Chương Hai - Khái Niệm Bồ Tát 

Khái Niệm Bồ Tát Qua Kinh Tạng Nikàya


Ðịnh nghĩa thuật ngữ Bồ-tát (Pàli: Bodhisatta-Sanskri: Bodhisattva) 

Nói chúng, như người ta thường hiểu, thuật ngữ “Bodhisattva) (Bồ-tát) có hai phần cấu thành; đó là Bodhi và Satta hay Sattva. Có rất  ít bất đồng ý kiến trong giới học giả về từ “Bodhi” với ý nghĩa là “sự chứng ngộ hay giác ngộ”, nhưng lại quá nhiều tranh cãi liên quan đến ý nghĩa và sự ứng dụng của từ “satta hay sattva” trong phạm trù liên hệ.

Bộ Bách Khoa Tôn giáo nói rằng, “theo từ nguyên học, Bodhisattva (Bồ-tát) là thuật ngữ được ghép thành từ chữ Bodhi, với ý nghĩa là “sự giác ngộ hay chứng ngộ [của một vị Phật], và sattva, có nghĩa là “chúng sinh”. Như thế, Bodhisattva đề cập đến hoặc một người đang mưu cầu giác ngộ (Bodhi) hoặc “một chúng sinh giác ngộ (Bodhi being), nghĩa là chúng sinh ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Phật. Sự giải thích khác về nó như “một chúng sanh mà tâm của người ấy đã trở nên vững chắc ở sự giác ngộ, cũng được truyền thống công nhận”.

Trong khi ấy, Bộ Bách Khoa Phật giáo định nghĩa từ ngữ này như sau: “Bodhisattva (Pàli: Bodhisatta) là một chúng sinh thiết tha đối với sự giác ngộ (Bodhi). Theo tử nguyên, thuật ngữ này có thể tách biệt thành hai phần, đó là Bodhi và sattva. Bodhi, có gốc từ chử Budh, tức tỉnh ngộ, nghĩa là “sự tỉnh ngộ” hay “giác ngộ”, và sattva, bắt nguồn từ saint, hiện tại phân từ của nó với ý nghĩa là “sự hiện hữu” hay sự tồn tại (to be or being); hay theo nghĩa đen, “sattva là một chúng sinh”. Do vậy, từ ngữ này mang ý nghĩa là “một chúng sinh có bản chất là giác ngộ, hoặc một vị Phật tương lai. Cũng có sự gợi ý rằng thuật ngữ satta của Pàli có thể bắt nguồn từ Bodhi và satta (Sanskrit Sakta có gốc từ Sanj), nghĩa là “một người gắn bó hay khao khát để đạt đến sự giác ngộ”.

Trong một nghiên cứu tỉ mỉ về giáo lý Bồ-tát, sau khi nêu lên một số định nghĩa về thuật ngữ “sattva” từ một số tự điển và giải thích của các học giả, giáo sư Har Dayal đi đến kết luận rằng “sattva (giống đực) có thể mang ý nghĩa là chúng sinh hay hữu tình (Skt. Dicy. M. W). Từ Pàli “satta” có thể có nghĩa là chúng sinh, hay sinh vật, hữu tình, hay con người (Pàli, Dicy. S.v). Hầu hết các học giả chấp nhận sự giải thích này”.

Har Dayal tiếp tục phát biểu rằng “Người ta có cảm giác thuyết phục khi tin rằng từ Pàli “satta” thực sự có thể biển hiện cho từ Sakta của Sanskrit, vì giải thích trên dường như định ra phẩm chất chính của con người thiết tha với sự giác ngộ. Nhưng cách an toàn nhất cho một học giả nghiên cứu đối với vấn đề này là phải quay về với ngôn ngữ Pàli mà không quá gắn chặt tầm quan trọng với các nhà từ điển học và triết gia đời sau. Như vậy, từ Bodhisatta trong kinh điển Pàli dường như có nghĩa là “một chúng sinh giác ngộ” (Bodhi-being). Tuy thế, satta ở đây không hàm nghĩa là một hữu tình bình thường, và hầu như từ ngữ ấy liên hệ chắc chắn với từ của Vedic “Krieger”, có nghĩa là “một người mãnh mẽ hay dũng cảm, tức anh hùng hay chiến sĩ”. Trong cách này, chúng ta cũng có thể hiểu được thuật ngữ “dpah” của tiếng Tây Tạng vốn cùng có ý nghĩa như thế. Satta trong Pàli nên phải được giải thích là “một người anh hùng, hay một chiến sĩ tâm linh”. Từ này gợi lên hai ý tưởng: sự hiện hữu và chiến đấu, mà không chỉ đơn thuần là ý niệm về sự hiện hữu đơn nhất”.

Trên cơ sở của một vài ý kiến vừa đề cập ở trên, người ta có thể phát biểu rằng thuật ngữ Bodhisatta (Bồ-tát) có nghĩa là một chúng sinh tha thiết đạt được sự giác ngộ. Tuy nhiên, trong chừng mực mà thông số của tác phẩm này có liên hệ, sự nhấn mạnh cần phải cọng thêm vào đây là: tác giả quan niệm tất cả con người bình thường là anh hùng, chiến sĩ, với sức mạnh tâm linh, tiềm tàng như Ðức Phật Gotama trước ngày chứng ngộ, và những con người bình thường này có khả năng để loại trừ mọi ác nghiệp và khổ đau của họ, và cũng sẽ đạt được giải thoát tối hậu như Ðức Thế Tôn đã làm, nếu người ta nỗ lực tối đa thực hành theo con đường mà Như Lai đã khám phá và giảng dạy.

 ---o0o---


Ý Nghĩa Thần Thánh Và Bồ-Tát Trong Phật Giáo Nguyên Thủy


Trước khi đi vào nghiên cứu chủ đề Bồ-tát, việc quan trọng trước tiên đối với chúng tôi là phải hiểu rõ và phân biệt rõ một số nét đặc thù khác nhau giữa ý nghĩa Bồ-tát và các loại hình thánh thần. Một sự kiện không thể tranh cãi là bối cảnh tôn giáo Ấn Ðộ thời tiền Phật giáo là một thế giới quan đầy ngập các loại nam và nữ thần. Tất nhiên, Phật giáo cũng chấp nhận sự hiện hữu của các loại thần thánh đó, vì các bằng chứng rõ ràng về họ đã hiện hữu trong cả kinh điển Pàli của Phật giáo Nam Truyền, và văn điển Sanskrit lẫn Trung Hoa của Phật Giáo Bắc Truyền. Tuy nhiên, trong Phật giáo, vị trí của thánh thần quả thật không quan trọng như hầu hết các tôn giáo khác, bởi vì đạo Phật chủ trương rằng tất cả thần và thánh ấy cũng chỉ là chúng sinh với phẩm loại phước đức khác nhau. Mặc dù nhờ vào những thiện nghiệp trong đời sống quá khứ, các thần thánh ấy thắng vượt loài người trong lãnh vực uy quyền và điều kiện sống, nhưng họ thật sự chưa tự giải thoát mình ra khỏi quy luật vô thường, vì vậy họ cũng bị luân hồi chi phối, cũng sẽ bị sinh già, bệnh, chế. Lời dạy sau đây của Ðức Phật sẽ minh họa cho lý luận trên:

“Thuở xưa, này các Tỳ kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy nói lên bài kệ như sau: Ngày mười bốn, ngày rằm,… Vị ấy giống như Ta.

… Bài kệ ấy, này các Tỳ kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, …, Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỳ kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si… Ta nói rằng Thiên chủa Sakka, này các Tỳ kheo, chưa giải thoát sanh, già, bệnh chết, sầu, bi, khổ ưu, não…”

Trong kinh Bộ Tương Ưng, vị vua trời tên Sakka, chú tể của chư thiên, đã tự giải thích rằng bất cứ vị thiên nào quy y Ðức Thế Tôn và thực hành lời dạy của Ngài thì sẽ sáng chói hơn các vị thiên khác. Ðây cũng là nội dung chính của câu chuyện dưới đây. Sau khi chứng quả giác ngộ, Ðức Phật Gotoma trầm tư suy nghĩ rằng giáo pháp mà Ngài chứng đắc thì nghĩa lý thâm sâu, rất khó cảm nhận, khó hiểu, khó thấy. Giáo pháp ấy an tịnh, thù thắng, tế nhị, vượt lên trên luận lý, chỉ có người trí mới có khả năng học hiểu; và nếu Ngài dạy giáo pháp này cho hàng chúng sinh tâm đầy khát ái và tham dục, việc làm ấy ắt chẳng được quần chúng dễ dàng chấp nhận, mà còn làm Ngài bực mình và phí sức. Vì vậy tâm của Ngài  hướng đến Niết bàn. Sau khi biết được tâm của Ngài hướng đến Niết bàn. Sau khi biết được tâm của Ðức Phật bằng tâm của mình, Phạm Thiên Sahampati, vị vua trời được đạo Bà-la-môn (Brahmanism) xem là đấng sáng thế, đi đến Ðức Phật, thỉnh cầu Ngài giảng dạy Chánh Pháp vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và loài người.

Hơn thế nữa, theo giáo lý của Phật giáo, trong một khía cạnh nào đó vị trí của thần thánh được xem là thấp hơn và là cấp dưới so với vị trí con người. Câu chuyện được ghi lại trong Itivuttaka sutta (Phật Thuyết Như Vậy) của Tiểu Bộ Kinh sau đây sẽ soi sáng quan điểm trên:

“Này các Tỳ kheo, khi nào một Thiên nhân mệnh chung, từ bỏ thân chư Thiên, có năm suy tướng xuất hiện ra trước: ‘Các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí, Thiên nhân không hoa hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên.’ Này các Tỳ kheo, chư Thiên sau khi biết Thiên tử này sắp mệnh chung, nói ba lời để cổ vũ: ‘Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành, hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy an trú…!

… Này các Tỳ kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các Tỳ kheo, đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên. Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, …, thì được gọi là khéo an trú của chư Thiên.”

Như vậy, thánh thần hay chư thiên thật sự cũng có nhu cầu Phật Pháp nhằm để tu tập và tự giải thoát mình ra khỏi nghiệp lực tương tự như loài người. Nói khác đi, thần thánh và chư Thiên cũng chỉ là chúng sinh với những hình thái khác nhau, nhưng nhờ kết quả của thiện nghiệp trong đời sống quá khứ nên họ thắng vượt loài người. Hay giải thích một cách biểu tượng và thực tiễn hơn, thánh thần và chư thiên ví như giới thượng lưu trong xã hội, có cuộc sống với nhiều thoải mái, tốt đẹp và thuận lợi trong lãnh vực vật chất. Trong khi ấy, loài người, có thể ví như dân nghèo, do làm các nghiệp không tốt trong đời trước, nên phải chịu khổ sở trong đời này do thiếu thốn về vật chất đối với hạnh phúc của cuộc sống tạm thời. Nhưng về phương diện tâm lý cả hai loại người trên đều đang khốn khổ về chuyện sinh tử đang cận kề.

Sau khi thông qua sự bàn thảo ở trên, hy vọng sẽ có nhiều thích thú hơn nữa đối với chúng ta qua việc tiếp tục nghiên cứu tầm quan trọng khác nhau giữa khái niệm thánh thần và khái niệm Bồ-tát với một vài luận chứng sau đây. Ðó là, thánh thần cũng chỉ là một loại chúng sinh đang hưởng thụ và đắm chìm trong các loại dục lạc khác nhau nhờ vào thiện nghiệp mà họ đã nỗ lực tu tập từ quá khứ; nhưng số thánh thần ấy lại không biết đến quy luật vô thường hoặc sự đoạn diệt không thể tránh được của các loại hạnh phúc như thế. Trong khi ấy, Bồ-tát không chỉ thấy và hiểu như thật được hoàn cảnh của họ, mà còn cố gắng để đi theo con đường của Ðức Phật với mục đích tự giải thoát cho chính mình, cũng như giúp chúng sinh trong thế giới khổ đau đi theo con đường chân chánh này. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng để lưu ý ở đây là khái niệm Bồ-tát được đề cập trong giáo lý của Phật giáo, cả Phật giáo Nam Truyền (Theravàda) và Phật giáo Bắc Truyền (Mahàyàna) chỉ chuyển tải cùng một nội dung và ý nghĩa như đã được thảo luận ở trên. Nghĩa là, thuật ngữ Bồ-tát (Pàli: bodhisatta; Sanskrit: bodhisattva) chỉ là một danh từ chung, nhằm chỉ đến một chúng sinh (con người) đang đi trên con đường hướng đến giác ngộ, và không có bất cứ ý nghĩa bí mật hay đặc biệt nào ẩn tàng đằng sau nó. Những lời dạy sau đây của Ðức Thế Tôn hy vọng sẽ soi sáng lập luận vừa nêu một cách rõ ràng:

“Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của sinh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ cách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khởi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bịnh…, cái không bệnh… tự mình bị chết… cái bất tử… tự mình bị sầu… cái không sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Thánh cầu.”

Và sau đây chúng ta hãy lắng nghe Ðức Phật nói về chính Ngài:

“Này các Tỳ kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại đi tìm cầu cái bị già, tự mình bị bịnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm…”

Trên cơ sở của những điều vừa được đề cập, một vấn đề trở nên hoàn toàn rõ ràng là chính Ðức Phật đã tuyên bố rằng không có gì khác nhau giữa Ngài trước ngày chứng ngộ và một chúng sinh đang đi trên con đường hướng đến giải thoát, Niết-bàn. Do vậy, nếu có điều gì đó bí mật hàm chứa trong thuật ngữ (Bồ-tát) này, theo ý kiến của tác giả, phần bí mật ấy hẳn phải là của riêng chúng ta, và trong phạm trù rộng lớn, bí mật ấy được tạo ra từ sự tưởng tượng của chúng ta do bởi khát vọng, vị kỷ. Từ đó, có lẽ sẽ vô cùng hợp lý để người ta chấp nhận sự kiện rằng nếu Phật giáo Nam Truyền hay Theravàda đặc biệt dùng thuật ngữ ‘bodhisatta’ (Bồ-tát) để nhằm chỉ Ðức Phật, sự thật là vì lòng tôn trọng và sự kính ngưỡng của hàng đệ tử đối với đấng giáo chủ hay bậc đạo sư. Thái độ tương tự cũng diễn ra tương tự đối với Phật giáo Bắc Truyền hay Mahàyàna, và điều này sẽ được minh chứng trong các chương sau.

Trong chừng mực của sự bàn thảo chi tiết mà chúng ta đã nỗ lực thực hiện, điều có thể nêu rõ ở đây là khái niệm Bồ-tát không chỉ là tư tưởng đặc quyền của Phật giáo Bắc Truyền, mà thật ra, nó đã xuất hiện trong kinh tạng Nikàya của văn điển Pàli. Nói khác đi, trong một chừng mực nào đó, giáo lý Bồ-tát đã là một phần của toàn bộ giáo điển Theravàda hay Nam Truyền Phật giáo. Trong thực tế, hiện nay có rất nhiều học giả công nhận sự kiện vừa nêu. Ví dụ, mặc dù không thể trình bày được những giai đoạn phát triển quan trọng của giáo lý Bồ-tát, giáo sư Har Dayal đã khẳng định rằng từ ngữ Bồ-tát (mà không phải là ‘khái niệm hay giáo lý Bồ-tát) đã xuất hiện và được sử dụng nhiều nơi trong kinh tạng Nikàya. Tuy nhiên, do một vài nguyên nhân, hoặc ảnh hưởng học thuyết của các tôn giáo đương thời, hoặc vì nhu cầu thực tế của con người ở một số thời điểm nhất định, hoặc do âm mưu của ngoại đạo với mục tiêu làm suy yếu Phật giáo, khiến Phật giáo bị chia chẻ thành nhiều bộ phái nhỏ, như Tiểu thừa (Hinàyàna) và Ðại thừa (Mahàyàna), Mật thừa (Tantrism), v.v…, và tạo nên một số tư tưởng gây nhiều tranh cãi liên hệ đến giáo lý Bồ-tát. Hay nói một cách cụ thể hơn, tư tưởng Bồ-tát vẫn là một thực tế mỉa mai, đau xót đang vận hành âm ỉ đằng sau các tổ chức Tăng đoàn Phật giáo trong hầu hết các quốc gia, như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Tây Tạng, cả đến các nước Thái Lan, Tích Lan, Miến Ðiện, v.v… Hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội trở lại vấn đề trên khi thích hợp trong tác phẩm nghiên cứu này. 

---o0o---



tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương