KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)


Các Loại Bồ-tát Trong Văn Ðiển Pàli



tải về 0.83 Mb.
trang8/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   27

Các Loại Bồ-tát Trong Văn Ðiển Pàli


Trong thực tế, thuật ngữ “Bồ-tát” (Bodhisatta) là một từ rất xưa, đã được đề cập trong các kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Kinh Tập (Sutta-nipata) và Bổn Sanh (Jataka) thuộc Tiểu Bộ Kinh của Nikàya. Nhưng cho đến nay, chưa có nỗ lực nào được đầu tư để làm ‘ý tưởng này’ được chấp nhận như là một lý tưởng sống cho giáo lý của Phật giáo Nam Truyền giống như Phật giáo Bắc Truyền chủ trương. Việc đó hẳn đã để lại đủ lý do bình luận về một vấn đề có tầm quan trọng như thế.

Tuy nhiên, trước khi bước vào thảo luận khía cạnh triết lý của sự kiện trên, chắc chắn sẽ có giá trị và ý nghĩa nếu chúng ta dành chút thời gian tìm hiểu lịch sử niên đại hình thành của năm bộ Nikàya.

Trong tác phẩm “Buddhist India” của mình, T. W. Rhys Davids đã giới thiệu một biểu đồ về niên đại của văn điển Pàli như sau:

1.“Những lời tuyên bố giản dị của giáo lý Phật giáo được tìm thấy trước nhất trong nhiều từ ngữ giống nhau, và trong các đoạn văn hoặc kệ được ghi lại trong sách.

2. Các đoạn hoặc hồi được tìm thấy trong những lời giống nhau, ở hai hoặc nhiều sách hiện có.

3. Giới (Sìla), Pàràyana, Octades (Khổ thơ tám đoạn), Pàtimokka (Ba-la-đề-mộc-xoa).

4. Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi, Kinh Tương Ưng.

5. Kinh Tập, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Cảm Hứng Ngữ, Tiểu Tụng…”

Sự phân loại trên dường như được phần lớn các học giả có uy tín, như Maurice Winternitz, tác giả của bộ “Lịch sử Văn chương Ấn Ðộ”, hoặc H. Nakamura, tác giả cuống “Phật giáo Ấn Ðộ”, v.v…  chấp nhận; trong khi ấy, tiến sĩ Bimala Churn Law lại trình bày niên đại hình thành của các Nikàya trong một biểu đồ khác với nhiều chi tiết khác nhau. Theo ý kiến của B.C. Law, niên đại của văn học Pàli có thể được phân loại như sau:

1. “Những lời tuyên bố giản dị của giáo lý Phật giáo được tìm thấy nhất trong nhiều từ ngữ giống nhau, và trong các đoạn văn hoặc kệ được ghi lại trong sách.

2. Các đoạn hoặc được tìm thấy trong những lời giống nhau, ở hai hoặc nhiều sách hiện có.

3. Giới (Sìla), Nhóm Paràyana của mười sáu bài thơ không có lời mở đầu; nhóm Atthaka của bốn hoặc mười sáu bài thơ, và Sikkhàpadas.

4. Trường Bộ tập I, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, 152 giới điều của giới bổn Pàtimakkha ban đầu.

5. Trường Bộ tập II và III; Trưởng Lão Tăng Kệ; Trưởng Lão Ni Kệ; Tuyển tập 500 câu chuyện tiền thân (Jataka)…

Theo ý kiến của chúng tôi, bảng phân loại chi tiết của giáo sư B.C. Law, liên quan đến một vài biến đổi về thứ tự niên đại của Trường Bộ Kinh tập II và III đối với Trung Bộ Kinh, dường như rất có lý và có thể chấp nhận được, do vì nó đặc biệt liên quan đến việc phát triển về ngôn ngữ, ý nghĩa và triết lý của các bộ Nikàya (sẽ được bàn thảo trong chương II). Sự phân loại trên cũng gợi lên một ý tưởng quan trọng đối với chúng ta. Ðó là, kinh Trung Bộ là những lời dạy nguyên thủy của Ðức Phật, hay ít ra cũng gần gũi với lời dạy của Ðức Phật (Buddhavacana) hơn kinh Trường Bộ II và III. Cũng cùng một lập luận như vậy khi chúng ta nói đến kinh Trường Bộ và Bổn Sanh (Jataka) của kinh Tiểu Bộ. Quan điểm này có thể trở nên dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn khi chúng ta xem xét ý nghĩa triết lý đặc thù về Bồ-tát qua ba loại kinh vừa nêu.

Trong một bài kinh khác thường và đặc biệt với tên là “Bài giảng về những phẩm chất phi thường và kỳ diệu” trong kinh Trung Bộ, trước hết từ ngữ “Bồ-tát” phản ảnh một cách cụ thể đời sống của Ðức Phật Gotama trước ngày thành đạo, khi Ngài còn là thái tử Siddhattha (Tất-đạt-đa) của kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Nghĩa là, Ngài cũng là một chúng sinh phải chịu khổ đau trong vòng sinh tử như chúng ta, nhưng rồi từ bỏ cuộc sống thế tục giàu sang để trở thành đạo sĩ lang thang tìm cầu chân lý như chính lời dạy sau đây của Ðức Phật:

“Này Aggivessana, sao có thể không như vậy được? Ở đây, này Aggivessana, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau…”

“Và, này các Tỳ kheo, trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh tử lại tìm cầu cái sanh…”

Tuy nhiên, với một số yếu tố mang khoác màu sắc huyền thoại vốn không tìm thấy ở các kinh kiết tập thời gian trước, ý nghĩa của từ ngữ ‘Bồ-tát’ như được diễn tả trong kinh Trường Bộ đã bị biến đổi. Giờ đây thuật ngữ này nhằm chỉ đến cuộc đời sau cùng ở cung trời Tusita (Ðâu-suất) của bảy vị Phật, bao gồm Ðức Phật Gotama:

“Này các Tỳ kheo, pháp nhĩ là như vậy, Bồ-tát Vipassì, sau khi giã từ cảnh giới Ðâu-suất thiên, chánh niệm tĩnh giác nhập vào mẫu thai…”

Một bước biến đổi quan trọng hơn nữa liên quan đến ý nghĩa triết lý của thuật ngữ ‘Bồ-tát’ trong kinh tạng Pàli có thể được nhận thấy một cách rõ ràng trong những bộ Nikàya kiết tập ở thời đại về sau, đặc biệt là kinh Bổn Sanh (Jataka) thuộc Tiểu Bộ Kinh. Tầm quan trọng của nó nằm ở sự diễn đạt vô số đời sống trước của Ðức Phật Gotama. Chuyện tiền thân này, theo ý kiến của Hòa thượng tiến sĩ Thích Minh Châu, có thể tóm tắt trong bốn loại khác nhau. Ðó là, (1) chuyện hiện tại của Ðức Phật liên quan đến kiếp quá khứ (Paccuqanna-Vatthu); (2) Chuyện quá khứ nối kết với các nhân vật trong hiện tại (Ativathu); (3) Giải thích một số kệ hoặc từ ngữ có liên hệ chuyện quá khứ (Veyyàkaranà); và (4) Kết hợp chuyện quá khứ và hiện tại, sau đó chỉ ra nhân vật trong quá khứ và vạch bày mối quan hệ giữa các nhân vật giữa chuyện hiện tại và quá khứ (Samodhana). Sau đây là một vài chuyện tiêu biểu trích từ kinh Bổn Sanh (Jataka) để minh họa cho bốn loại trên:

“Thuở xưa, trong nước Kasi, tại thành Ba La Nại, có một vị vua tên là Brahmadatta. Khi ấy, vị Bồ-tát được sanh trong gia đình chủ đoàn lữ hành (thương gia)…”

Thủơ xưa, tại nước Magadha, trong thành Ràjagaha, một vị vua Magadha đang trị vì. Lúc ấy, Bồ-tát tái sanh trong bài thai con nai…”

Với nhận định ngắn gọn về ý nghĩa của ba loại Bồ-tát như vừa bàn thảo ở trên, chúng ta có thể nhận ra một sự kiện quan trọng. Ðó là không những thuật ngữ ‘Bồ-tát’ (bodhisatta) thực sự xuất hiện trong Thánh điển của Phật giáo Nam Truyền hay Theravàda qua quá trình sưu tập và chuyển dịch của kinh tạng Nikàya, mà triết lý của khái niệm Bồ-tát rõ ràng cũng đã được ứng dụng và chỉnh lý với nhiều cấp độ thay đổi khác nhau để phù hợp môi trường và hoàn cảnh trong một vài thời điểm nhất định như được thấy trong kinh Trung Bộ, Trường Bộ và Bổn Sanh. Khuynh hướng này (sẽ được bàn thảo trong chương III) có lẽ đã đóng vai trò mở đường cho tất cả phương pháp phân tích, giải thích và ứng dụng lời dạy của Ðức Phật mà các bộ phái Phật giáo đã phát triển sau này.

Hơn nữa, theo tác phẩm nghiên cứu so sánh của Hoà Thượng tiến sĩ Thích Minh Châu, thuật ngữ ‘bodhisatta’ (Bồ-tát) đã không xuất hiện trong các bản dịch xưa nhất của Thánh điển Pàli, mà nó chỉ được thêm vào trong văn học Pàli ở các thời đại về sau, do bởi sức ép của khuynh hướng mang tính bè phái thuộc các bộ phái Phật giáo phát triển xảy ra trong chính tổ chức tăng đoàn Phật giáo mang lại. Quan điểm vừa nêu dường như rất hợp lý và có thể được chấp nhận vì nó phù hợp với tiến trình lịch sử của sự hình thành, sưu tập và phát triển của văn điển Pàli. Ðiều này cũng chuyển tải một tư tưởng rất có ý nghĩa và cho phép chúng ta đi đến một gợi ý vô cùng quan trọng. Ðó là đã có một số chuyển động cải tiến về khía cạnh tư tưởng trong thời kỳ kiết tập và biên soạn văn điển Pàli. Nghĩa là trong ý nghĩa sâu rộng, Theravàda hay Nam Truyền Phật giáo có thể đã hàm ngụ những nét đặc thù của Phật giáo Bắc Truyền hay Phật giáo Phát Triển. Hay nói một cách cụ thể hơn, Phật giáo Nam Truyền đã là một mẫu thức nào đó của Phật giáo Phát Triển. Tại sao vấn đề ấy được nêu lên ở đây? Lý do thật là đơn giản. Theo thói quen xưa nay, với niềm tin khá cực đoan và sai lầm, Phật giáo Nam Truyền hay Thượng Tọa Bộ (Theravàda) thường tự xem mình là chính thống, và giới tín đồ của họ luôn tuyên bố rằng Thánh điển Pàli mới là lời dạy chân chính của Ðức Phật, và phần kinh điển còn lại của các bộ phái Phật giáo là ngụy tạo và bịa đặt. Sự suy nghĩ như thế không chỉ được giới Phật tử truyền thống của Thượng Tọa Bộ ủng hộ, mà ngay cả một số lượng lớn học giả cũng tán đồng. Như là kết quả tự nhiên của khuynh hướng đó, sự ngộ nhận nghiêm trọng và sự phân hóa trong toàn bộ cơ thể Phật giáo cũng như giáo lý đạo Phật rõ ràng đã nảy sinh, hiện hữu và tồn tại.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa ngày nay đại đa số học giả đều thừa nhận rằng niềm tin như thế quả thực là cực đoan và sai lầm; đặc biệt khi nó được thẩm xét bằng các minh chứng lịch sử. Nhưng một tác phẩm với sự trình bày có hệ thống nhằm giải thích rõ ràng và hợp lý đặc tính thống nhất giáo lý của Phật giáo nói chung, và lý tưởng Bồ-tát nói riêng từ kinh tạng Nikàya của Thựơng Tọa Bộ sang kinh tạng Phật giáo Phát Triển quả thật là rất hiếm. Bởi vậy, công việc khảo sát mang tính phương pháp luận về giáo lý Bồ-tát tự thời điểm phát sinh đến giai đoạn phát triển trọn vẹn của nó sẽ là mục tiêu chính của tác phẩm nghiên cứu này với niềm hy vọng rằng tác giả sẽ cống hiến một điều gì đó mới mẽ cho cả lãnh vực nghiên cứu Phật học lẫn phương diện hành trì của người Phật tử.



 ---o0o---


tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương