KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)



tải về 0.83 Mb.
trang14/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   27

Các Ðịa (Bhùmi)


Như chúng ta đã biết, định nghĩa của thuật ngữ ‘bhùmi’ tức địa theo nghĩa đen là “quả đất, vị trí, nền tảng, căn cứ, đất, v.v...”, và theo nghĩa bóng là “cấp độ, vị trí, trình độ, trạng thái của thức...” dường như không đòi hỏi bất cứ giải thích nào. Tuy nhiên, chưa có sự nhất trí giữa giới học giả về số lượng chính xác và triết lý của các bhùmi (địa).

Theo học giả Har Dayal, N. Dutt và một số khác, ở hình thái ban đầu số lượng của bhùmi (địa) được khẳng định một cách chắc chắn là bảy, như được đề cập trong kinh Lankàvatàra (Lăng Già  Tâm Ấn), và bộ Bodhisattva-bhùmi (Bồ Tát địa). Về sau, số lượng của địa phát triển thành mười, bắt đầu từ Dasabhùmika-sùtra (kinh thập địa) và tập Mahàvastu, nhưng các kinh trên không đưa ra bất cứ lời bình luận nào đối với ba địa được thêm vào sau, tương tự trường hợp của ba pàramìta sau cùng trong giáo lý Ba La Mật. Lý do đó hẳn nhiên đã hàm chứa một quan điểm triết lý nhất định, nên người ta cũng đã nêu lên một số bình luận về chúng, tuy thế vẫn chưa thuyết phục cho lắm. Học giả Har Dayal gợi ý rằng nguyên nhân của sự ra đời của bảy bhùmi trong kinh điển của Phật giáo Bắc Truyền (Mahàyàna) có thể được xem như là một bước phát triển từ giáo lý Thượng Tọa Bộ (Theravàda) về bốn thiền (four stages) và ba minh (three vihàras). Gợi ý trên nghe có vẻ khá hợp lý, nếu số lượng về các bhùmi (địa) được giới hạn trong con số bảy; tuy nhiên, sự thật không phải như thế. Theo lời bình luận của học giả lão thành S.Radhakrishnan, sự nghiệp của hành giả khao khát đạt tới quả vị Phật theo sự trình bày của Nguyên Thủy Phật giáo là Bát Chánh hay Thánh Ðạo (Con đường Thánh tám ngành) được các nhà Phật học Bắc Truyền khai triển thành mười bhùmi (Thập địa). Rõ ràng giải thích của S.Radhakrishnan đã thật sự bày tỏ sự yếu kém và miễn cưỡng nếu chúng ta so sánh ý nghĩa ngôn ngữ của hai nhóm thuật ngữ trên. Ðó là, Bát Thánh Ðạo nhằm chỉ đến phương tiện hay phương thức tu tập để chứng đắc thánh quả; trong khi ấy bhùmi hay địa nhằm trỏ đến chính thánh quả. Kết quả tất yếu là giải thích trên không thể chấp nhận được. Bộ Bách Khoa Phật giáo cho rằng khái niệm về bhùmi được xem như là hệ quả từ cuộc tranh luận giữa hai bộ phái Phật giáo về bốn cấp độ hay cảnh giới thiền định của Tiểu thừa Phật giáo (Hìnayàna) như là đối nghịch với mười cảnh giới thiền định của Ðại thừa Phật giáo (Mahàyàna). Sáu cảnh giới thiền đầu đưa đến việc chứng ngộ về sự không hiện hữu của cái ngã (ngã không) nhằm thỏa mãn ước muốn tâm linh của các nhà Phật học Tiểu thừa, và bốn cảnh giới sau cùng nhắm đến việc chứng đắc sự không hiện hữu của tất cả các pháp (pháp không), vượt quá phạm vi của giới Phật giáo Tiểu thừa, là một cống hiến thật sự của các nhà Ðại thừa Phật giáo. Bằng việc nối kết học thuyết pudgalásùnyatà (nhân vô ngã) và dharmásùnyatà (pháp vô ngã) để so sánh và giải thích sự khác nhau giữa bốn cấp độ Thiền định của Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravàda) và mười Bhùmi (Thập địa) của Phật giáo Phát triển, rõ ràng giải thích trên dường như thiếu tính luận lý (logic) và không cân đối. Theo thiển ý của tác giả, khái niệm Dasa-bhùmi (Thập địa) rất có thể là kết quả của sự đơn giản hóa, phổ thông hóa và cụ thể hóa từ giáo lý chín cảnh giới Thiền định như được đề cập trong kinh tạng Nikàya. Như mọi người đã biết, giáo lý chín cảnh giới hay chín cấp độ thiền là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong sự nghiệp tu hành của Phật giáo. đưa đến các cấp độ giải thoát tâm linh khác nhau. Không chỉ giới Phật tử được khích lệ thực hành chúng, mà bất cứ ai chứng đắc một cách hoàn hảo chín cấp độ thiền định đó đều được công nhận là hoàn thành quả vị Phật. Lập luận này sẽ trở nên đầy thuyết phục ngang qua việc minh họa trích ra từ chính lời dạy của Ðức Phật:

“Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này chưa được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, với quần chúng Sa môn, Bà La môn, chư Thiên và  loài Người, Ta chưa xác chứng rằng Ta đã chứng Chánh đẳng Chánh giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới, với quần chúng Sa môn, Bà La môn và loài Người, cho đến khi ấy, Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tri và Kiến khởi lên nơi Ta: ‘Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa.”



Nói cách khác, sau khi chứng đắc hoàn toàn chín cấp độ thiền định trên, Phật quả như là địa vị thứ mười, tức cấp độ cuối cùng được đạt đến một cách tự nhiên mà không cần bất cứ nỗ lực tương ứng nào như trong chín trường hợp trước. Biểu đồ so sánh giữa hai hệ thống giáo lý Phật giáo trong một vài trang sắp tới sẽ làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên và thú vị, vì kết quả so sánh giữa giáo lý chín (hoặc có thể nói mười) cấp độ thánh quả của Thượng Tọa Bộ với giáo lý Dasa-bhùmi (Thập địa) của Phật giáo Phát Triển đã biểu hiện nhiều sự giống nhau hơn là khác biệt. Tuy thế, một vài giải thích về lý do và phương cách mà giới triết gia Phật giáo đã đơn giản hóa, phổ thông hóa và cụ thể hóa giáo lý chín loại thiền của Phật giáo Thượng Tọa Bộ thành giáo lý Thập địa của Phật giáo Bắc Truyền cần phải được đề cập tại đây. Người ta có thể giả định rằng những lời dạy trong kinh điển của Thượng Tọa Bộ về các pháp môn khác nhau dẫn đến nhiều cấp độ giải thoát tương ứng dường như không còn được quần chúng Phật tử bị ảnh hưởng giáo lý của đa thần giáo ưa thích nhiều nữa, vì một số thuật ngữ chuyên môn của nó, như là bằng cách đoạn trừ năm triền cái (năm điều gây chướng ngại), gồm hôn trầm, thụy miên, dục, sân, nghi; hành giả có thể chứng đắc cảnh giời thiền thứ nhất với năm nhân tố thiền (thiền chi), tức tầm (đặt sự chú ý vào một chỗ), tứ (dán chặt sự chú ý vào đối tượng đã chọn), hỷ, lạc, nhất tâm v.v..., đã trở nên khô khan và thiếu hấp dẫn đối với họ. Nói khác đi, nếu giới triết gia Phật giáo mong muốn giáo lý của Ðức Phật được truyền bá một cách thông suốt giữa quần chúng tín đồ trong môi trường tôn giáo như thế thì một vài sự mô phỏng nào đó từ giáo lý nguyên thủy nhằm để khế hợp với sở thích của con người đương thời cần phải được sáng tác như là một đòi hỏi khẩn thiết. Trong thực tế, khái niệm Dasa-bhùmi (Thập địa) với mười Pàramìta (Ba La Mật) tương ứng, giúp người ta dễ dàng hiểu được và thực hành được, có thể xem như là hệ quả của nỗ lực nói trên. Lập luận này hy vọng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi cách sử dụng ngôn ngữ của chín loại thiền và mười cảnh giới được đưa vào nghiên cứu. Trước tiên, như chúng ta đã biết, về phương diện tâm lý, chín hay mười cấp độ giải thoát trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ được xem như là những trạng thái khác nhau về cấp độ giải thoát của tâm từ thấp đến cao. Chúng là kết quả từ nỗ lực tương ứng của người hành trì; tương tự với trường hợp mười địa (Dasa-bhùmi), trong ý nghĩa là tầng bậc hay trạng thái của tâm thức như đã được định nghĩa ở phần đầu của chương ba của tác phẩm này. Thứ đến, mối quan hệ đầy ý nghĩa giữa hai giáo lý trên là phương pháp truyền bá giáo lý. Nghĩa là, thay vì giảng dạy chín (hoặc mười) cấp độ thiền định truyền thống của kinh tạng Pàli với nhiều thuật ngữ chuyên môn khá khó khăn để lãnh hội đối với quần chúng bình dân, và phương pháp tu tập ấy còn đòi hỏi nỗ lực cao độ, của người hành trì, hàng trí giả Phật giáo thật sự đã hiến tặng cho giới tín đồ của họ một món quà trí tuệ bằng việc giới thiệu giáo lý Dasa-bhùmi (Thập địa) và mười pàramìta (Ba La Mật). Giải thích một cách cụ thể hơn, trên nền tảng cấu trúc của giáo lý Thượng Tọa Bộ, giới triết gia, học thuật Phật giáo đã giúp tín đồ của họ tiếp tục duy trì truyền thống tu tập và chứng ngộ qua việc đơn giản hóa và phổ thông hóa ngôn ngữ, phương pháp và mục đích. Hiệu năng của việc làm ấy có thể thấy được như sau: Thay vì đang bị ép bức nặng nề dưới môi trường tín ngưỡng đa thần, không những Phật giáo đã cùng tồn tại với thế giới tôn giáo đương đại, mà còn có thể phát triển một cách có hiệu quả và tốt đẹp. Nhìn qua công trình nghiên cứu so sánh song song hai biểu đồ dưới đây về các cấp độ thiền định giữa Phật giáo Thượng Tọa Bộ và Phật giáo Phát triển trong lãnh vực phương pháp và kết quả hy vọng sẽ làm cho giả thuyết của chúng ta trở nên hợp lý và đáng được chấp nhận.

Biểu đồ 1: Chín cấp độ Thiền định của Thượng Tọa Bộ

Biểu đồ 2: Mười cảnh giới Thiền của Phật giáo Phát Triển

Có lẽ rất thú vị khi chúng ta nhận thấy rằng sau khi chứng đắc cấp độ thiền định thứ chín của truyền thống Thượng Tọa Bộ, theo lời dạy của kinh Không Gián Ðoạn (Anupadasasutta), hành giả cũng sẽ đạt được khả năng giảng dạy chánh pháp một cách toàn hảo và có hiệu quả ngang bằng đức Phật vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người. Nói khác đi, ở giai đoạn này của thiền định tâm linh, hành giả đã đạt đến một cấp độ mà đức Thế Tôn tuyên bố là ngang bằng đức Phật trong lãnh vực trí tuệ. Trong thực tế, khả năng vừa nói trên không có gì khác với bản chất của địa thứ mười được nhà Phật học phân loại trong giáo lý Thập địa.

Bằng việc thành tựu năng lực của địa thứ mười, vị Bồ Tát không cần phải tu tập gì thêm nữa cho việc chứng ngộ giải thoát cao hơn của tự thân mà chỉ còn trách nhiệm làm cho Diệu Pháp trải khắp mười phương vì lòng từ bi đối với chúng sinh.

Với khảo cứu về những bước ngoặt phát triển chính trong lịch sử lý tưởng Bồ Tát song hành với các giáo lý tương ứng đưa đến việc ra đời vô số danh hiệu Bồ Tát, đặc biệt là danh hiệu Avalokitésvara (Quán Thế Âm), chúng ta có thể kết thúc phần khảo luận chương ba tại đây.

Thuật ngữ Sanskrit ‘Bodhisattva’ sẽ được sử dụng từ chương này đến phần kết thúc.

D.T. Suzuki dùng từ ‘Hìnaynàna’ ở đây để nhằm chỉ Phật giáo Thượng Tọa Bộ.

D.T. Suzuki, studies in The Lankavatara, Routledge & Kegan Pual Ltd. London, 1975, (Reprint), p.214

Trong tác phẩm “Triết học Ấn Ðộ (Indian Philosophy, New Delhi, 1997, trang. 590) S. Radhakrishrtan nói rằng “Triết lý tiêu cực của Tiển thừa Phật giáo (Hìnayàna) không thể trở thành một tôn giáo phổ cập được. Khi Phật giáo trở nên phổ cập về tinh thần, và nắm lấy quần chúng, Phật giáo Tiểu thừa không có khả năng  phụng sự được. Một tôn giáo mang tính đạI lượng hơn, và ít lý tưởng khổ hạnh hơn Tiểu thừa đang được đón đợi. Khi Phật giáo truyền bá khắp Ấn Ðộ và sang các nước khác, Tiểu thừa Phật giáo không thể chống chọi với các tôn giáo đương thịnh hành, mà chỉ chuyển mình một cách chậm chạp để biến thành các hình thức khác…”

Trong cuốn “Giáo Lý Bồ-tát Trong Văn Ðiển Phạn Ngữ Phật Giáo (The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Delhi, 1975, trang.3) Har Dayal viết rằng “Lý tưởng Bồ-tát  có thể được hiểu chỉ là sự tương phản với nền tảng kiến thức của tổ chức tăng đoàn thánh thiện, thanh tịnh nhưng thụ động và biếng nhác. Khuynh hướng này hướng đến sự  ích kỷ về tâm linh ở giữa chúng Tỳ-kheo như đã hiển bày trong văn điển Pali hậu kỳ.”

Theo Tập Sớ Giải, bảy chánh pháp gồm có sadhà (tín), hiriottappam (tàm và quý), saccam (sự thật hay chân lý), (àraddha) viriya (nỗ lực hay tinh tấn), sati (niệm), và pãnnã (tuệ) (xem Kinh Tương Ưng Bộ, Tập III Thích Minh Châu (dịch), Tu Thư Vạn Hạnh, 1982, tr.2 101.

Theo Tập Sớ Giải, bảy món báu tức thất giác chi hay còn gọi là thất bồ đề phần.

Ba học tức giới học, định học, và tuệ học.

Mười Như Lai lực (Dasa-balani).

Ðại Tạng Kinh VN, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập III, tr. 156.

Ðại Tạng Kinh VN, Kinh Bộ Tương Ưng, Tập III, tr. 123, 124; Samyutta Nikàya, Vol. III. London, PTS, 1975, tr. 58.

Xem cuốn “W. Rahula, Zen and The Taming of The Bull” London, 1978, tr.74.

Xem cuốn “W. Rahula, Zen and The Taming of The Bull” London, 1978, trang.72

Xem “Har Dayal, the Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Barnasidass, Delhi, 1975, p.30.

Xem “N. Dutt, Mahayana Buddhism, Motilal, Barnasidass, Delhi, 1978, tr.1-14.

Học giả Kanai Lal Hazra đề cập rằng Pannina liên hệ đến dòng họ Sanga vớI một gia đình danh tiếng Bà La Môn thuộc bộ tộc Bharadvaja. Theo ý kiến của Kanai.L. Hazra, Pusyamitra, vị vua khai sáng triều đại Sunga, đóng một vai trò quan trọng đối với việc củng cố và làm tăng trưởng đạo Bà La Môn. Pusyamitra là một Bà La Môn chính thống và đã cống hiến rất lớn đối với việc tiến triển của đạo Bà La  Môn trở thành một tôn giáo nổi bật trong vương quốc đó. (Xem “Kanai.L.Hazra, The Rise and Decline of Buddhism in India”, Muunsshiram, M. Publishers, 1995, tr.46).

Xem “Kanai.L. Hazra, The Rise and Decline of Buddhism in India”, Muunsshiram, M. Publishers, 1995, tr.47.

N.Dutt, Mahàyàna Buddhism, Motilal Barnasidass, Delhi, 1978, tr. 2.

Sir Charles Eliot, Hinduism and Buddhism, Routledge & Kegan Paul LTD, London, 1971, tr. xxiii.

N.Dutt, Mahàyàna Buddhism, Motilal Barnasidass, Delhi, 1075, tr. 2.

HarDayal, The Bodhisattva, Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Barnasidass, Delhi, 1975, tr. 39.

Sđđ. Tr. 31.

Eward Conze, Thirty Years of Buddhist Studies, Bruno Cassier, (Publishers), LTS, Oxford, London, 1967, tr. 54.

Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Barnasidass, Delhi, 1978, tr. 1.

H. Nakamura, Indian Buddhism, Motilala Barnsidass, Delhi, 1996, tr. 99.

A.K. Warder, Indian Buddhism, Motilal Barnasidass, Delhi, 1997, tr. 352.

Mircea Eliade, The Encyclopedia of Religion, Vol. 2, Cpllier Macmillan Publishers, London, 1987, tr. 458.

Giáo sư Rhys Davids giả định rằng Kinh Trung Bộ được biên tập vào khoảng thời gian trước triều đại vua Asoka (xem ‘T.W. Rhys Davids, Buddhists India’, tr. 169). Trong khi ấy, trước thời Asoka (xem “B.C.Law, A History of Pali Literatyre, tr. 28); học giả người Ðức, Gombrich, cũng cho rằng Kinh Trung Bộ có thể được biên tập ít nhất vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên. (Xem “Richard F. Gombrich, How Buddhism Began, Mushiram, Manoharlal Publishers, Pvt Ltd. 1997, tr. 9.

N. Dutt, Aspects of Mahàyàna Buddhism and Its Relation to Hinayana Buddhism, s.v. Mahasanghika.

Thảo luận chi tiết về kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ ba, xem “P.V. Bapat, 2500 Years of Buddhism”, New Delhi, 1997, tr. 39; S.R. Goyal, A History of Buddhism, Kusumanjana Prakashan, India, tr. 176-178, và B.C. Law, Buddhist Studies, Indological Book Housa, 1983.

E. Conze, Thirty Years of Bud dhsit Studies, Bruno Cassier, London, 1967, tr. 50.

T.W. Rhys Davids, Buddhists India, Motilal Barnasidass, Delhi, 1993, tr. 206-207.

Như đã nói ở trên, sự khủng bổ của triều đại Sunga và sự thù hằn của đạo Hindu.

Sir Charles Eliot, Hinduism and Buddhism, Routledge & Kegan Paul, London, 1971, tr. 72-73.

Eward. J. Thomas, The History of Buddhsit Thought, Routledge & Kegan Pual LTD, Londo, 1959, tr. 199-200.

Har Dayal viết rằng “Quả thật, chính thuật ngữ Bhakti, như là một từ ngữ chuyên môn của tôn giáo, lần đầu tiên xuất hiện trong tạng văn Phật giáo của văn học Ấn Ðộ, mà không phải trong kinh điển của đạo Hindu... Nhưng ý tưởng Bhalti được tìm thấy trong kinh tạng Nikàya cổ đại, và nó được gọi là ‘Sadha’ vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên...” (Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literane, tr.32).

Eward.J. Thomas, The History of Buddhist Thought, Routledge & Kegan Paul LTD, London, 1959, tr.194. Trong khi ấy, Bộ Bách Khoa Từ Ðiển Phật Giáo cũng nói rằng nhiều hay ít giáo lý Bồ Tát là một chuyển động mang tính đối kháng việc thờ phụng thánh thần của đạo Bà La Môn (tiền thân của Hindu), và giáo lý nào có lẽ đã được tạo ra rất sớm trong lịch sử Phật giáo, có thể vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. (Xem G.P. Malalasekera, The Encyclopedia of Buddhism, Vol. II, tr.409).

Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Dekhi, 1975, tr.31.

S. Radhakrishan, Indian Philosophy, Vol.I, Oxford University Press, New Delhi, 1997, tr.599.

Theo học giả S.C. Eliot, hình ảnh Bồ Tát được hình thành cùng vào thời điểm mà hình tượng của Visnu và Siva đạt được vị trí chắc chắn trong xã hội (Xem S.C. Eliot, Hinduism and Buddhism A Historical Sketch, Routledge & Kegan LTD. London, 1971, tr.12.

Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Delhi, 1975, tr.30.

Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China, A Historical Survey, Princeton University Press, New Jersey, U.S.A. 1964

Theo ý kiến của S.C. Eliot, một vài đặc tính của Bồ Tát Quán Thế Âm là của vua trời Phạm Thiên (Brahma); chức năng của ngài là của thần Visnu, đó là chức năng cứu độ trần gian; và tước hiệu ísvara của ngài đặc biệt được dùng cho thần Siva (Xem S.C.Eliot, HInduism and Buddhism, Vol. II, tr. 16). Trong khi ấy, học giả Alice Getty cũng cho rằng sự miêu tả quan trọng về Bồ Tát Quán Thế Âm ở Ấn Ðộ cũng giống với vua trời Phạm Thiên (Brahma)..., chức năng của Quán Thế Âm là chức năng của thần Visnu tức thần bảo trì và bảo hộ. Nhưng ngài có nhiều cái chung với thần Siva v.v... Theo ý kiến của học giả Lokesh Chandra, Quán Thế Âm là sự biến hóa của vua trời Phạm Thiên (Brahma), vì Phạm thiên được gọi là Lokitesvara, một từ đồng nghĩa của Brahma, nghĩa là chúa tể của trần gian, và từ likitesvara được tăng thêm thành Avalokitesvara, v.v... (Xem thêm “Lokesh Chandra, Thousand Armed Avalokitesvara, tr. 29). Những chứng này có thể gợi lên một giả thuyết mạnh mẽ, hy vọng là rất hợp lý. Ðó là, quả thật nguồn gốc của thuật ngữ Avalokitesvara có thể được tìm ra nếu những cứ liệu lịch sử của đạo Bà La môn liên hệ đến việc tín ngưỡng Quán Thế Âm cùng thời đại có thể được nghiên cứu ngay vào thời điểm ra đời của nó.

Edward Conze, Buddhism: It Essence and Development, Munshiram Manoharlala Publishers, Pvt, Ltd., New delhi, 1997, tr.41.

Liên quan đến luận cứ này học giả Har Dayal cho rằng ngài Nagarjuna (Long Thọ) và ngài Vasubhanshu (Thế Thân) dường như đặt chú tâm nhiều hơn đến trí tuệ (Prajna), trong khi ấy ngài Santideva (Thánh Thiên) có vẻ không chú tâm đến trí tuệ (Xem “Har Dayal, The Bodhisattva doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, tr. 42)

Ðể có sự giải thích chi tiết, xem thêm tác phẩm “Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine Buddhist Sanskrit Literature”, tr. 165-166.

D.T. Suzuki, Studies in The Lankavatara Sutra, Routledge & Kega Paul, LTD, London, 1975, tr. 366.

Mircea Eliade, The Encyclopedia of Religion, Macmillan Publishing Company, New York, 1987, tr. 196-198.

Sđđ, tr. 365.

Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Delhi, 1975, tr. 170-171.

E. Conze, A Short History of Buddhism, George Allen & Unwin LTD, London, 1980, tr. 16; E. Conze, Thirty Years of Buddhist Studies, Bruno Casirer, London, 1967, tr. 70.

Xem thêm Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Delhi, 1975, Chương V, từ trang 172 về sau.

Xem “Michael Pye, Skilful Means-A Concept in Mahàyàna Buddhism”, Gerald Duckworth & Co. Ltd. London, 1987, tr.1.

Mircea Eliade, The Encyclopedia of Religion, Macmillan Publishing Company, New York, 1987, tr 152.

Richard F. Gombrich, How Buddhism Began The Conditined Genesis of The Early Teachings, Munshiram Manoharlal Publishers, Pvt. Ltd. New Delhi, 1997, tr. 19.

Ðại Tạng Kinh VN, Kinh Trung Bộ, Tập I, tr. 361-390.

Har Dayal, The Bodhisatva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass, Delhi, 1975, tr. 270-271.

S. Radhakrishnana, India Philosophy, Oxford India Paperback, Delhi, 1997, tr. 601.

G.P. Malalasekera, The Encyclopedia of Buddhism, Vol.III, Ceylon, 1971, tr. 74-75.

Ðại Tạng Kinh VN, Kinh Tăng Chi Bộ, Tập IV, tr. 211-212.

Ðể có giải thích chi tiết về giáo lý này, xem Kinh Tăng Chi Bộ, Tập III, ÐTKVN, chương Năm Pháp, mục Các triền cái.

Xem thêm chi tiết trong Ðại Tạng Kinh VN, Trung Bộ Kinh, Tập III, kinh Bất Ðoạn, tr. 154-159.

Xem Kinh Trung Bộ, tập III, ÐTLKVN, kinh Không Gián Ðoạn.

Có một số cách phân loại về giáo lý Thập địa (Dasa-bhumi). Biểu đồ chi tiết trên được đặt cơ sở từ sự phân loại của Kinh Thập địa (Dasa-bhumi-sutra) (Xem thêm tác phẩm Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literatture”, tr. 270-291). Học giả Edward J. Thomas có đưa ra một cách giải thích khác về giáo lý Thập địa, nhưng theo thiển ý của chúng tôi cách giải thích ấy được thêm thắc vào thời sau, ví sự giải thích chi tiết như sự trình bày của E.J. Thomas thì không khác với nội dung thiền của Thượng Tọa Bộ, và dường như chỉ nhắm vào ích lợi của tầng lớp trí thức (Xem “E.J. Thomas, The History of Buddhist Thought”, tr. 206-210). Tham khảo thêm tác phẩm “Dayal.H., The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature”. Cần lưu ý rằng có một cách trình bày khác về Thập địa do học giả Eward J. Thomas đưa ra, nhưng tác giả cho rằng nó được bổ túc vào các thời đại sau, bởi vì các giải thích chi tiết của E.J. Thomas về các thiền tâm cũng gần giống với kinh tạng Pàli. (Xem “The History of Buddhist Thought” by E.J. Thomas, tr.206-210).

 

---o0o---




tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương