HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang19/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23

III. NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐIỀU RĂN V
1. Tội cố ý giết người: Ai trực tiếp và cố ý giết người là phạm tội nặng. Kẻ giết người cũng như kẻ cố ý cộng tác trong việc giết người đều phạm tội kêu oán thấu trời (x. St 4,10). Giết con cái, anh em, cha mẹ, người bạn hôn phối của mình là những tội nặng đặc biệt, vì cắt đứt cả tình nghĩa máu mủ tự nhiên. Ai cố ý gây chết cho người khác cách gián tiếp, nghĩa là để mặc cho người khác phải nguy tử, hoặc từ chối giúp người đang gặp nguy tử cũng phạm đến điều răn nầy. Trừ khi có lý do quan trọng (để mặc người khác chết đói mà không tìm cách giúp là tội nặng).
2. Phá thai:
Phải tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc thụ thai làm người. Đã là người, là phải được nhìn nhận có quyền của con người, trong đó quyền được sống của người vô tội là quyền bất khả xâm phạm (x. CDF 1,1). Ngay từ khi thụ thai, bào thai phải được đối xử như một nhân vị, được bảo vệ toàn vẹn, được chăm sóc chữa trị với hết khả năng như mọi người khác.
Ngay từ thế kỷ I, Hội Thánh đã khẳng định rằng mọi cuộc cố tình phá thai là trái luân lý. Giáo huấn nầy vẫn không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai nghĩa là dùng việc phá thai như một mục đích, hay một phương tiện đều trái luật luân lý cách nặng. "Phá thai và giết trẻ em là tội ác ghê tởm" (MV 51,3). Cộng tác tích cực vào việc phá thai cũng là tội nặng. Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội đó "Ai thực hiện việc phá thai có kết quả thì mắc vạ tuyệt thông" (CIC số 1348), làm như thế Hội Thánh không muốn thu hẹp lòng thương xót, nhưng muốn nêu bật sự trầm trọng của tội phá thai, và sự thương tổn không thể nào sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ và cho cả xã hội. Sản xuất các thai nhi để khai thác như vật liệu cho sinh học cũng là vô luân lý.
3. Làm chết êm dịu:
Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Trực tiếp làm cho họ được chết êm dịu, là không thể chấp nhận được về luân lý, dù với bất cứ lý do hay trong phương tiện nào, vì nghịch với phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu ngưng dùng các thuốc quá tốn kém, nguy hiểm, quá khác thường hoặc không xứng với kết quả mong muốn, và vì thế đương sự phải chết thì hợp pháp. Vì không phải muốn làm chết, nhưng chỉ là chấp nhận không thể ngăn được sự chết. Nhưng việc nầy phải được chính bệnh nhân, hay người hưởng quyền trước pháp luật quyết định.
4. Tự sát:
Mỗi người có trách nhiệm trước Thiên Chúa về sự sống của mình, vì Thiên Chúa mới là chủ tối cao của sự sống, phần ta phải đón nhận sự sống với lòng biết ơn, và bảo vệ nó vì danh dự và vì ơn cứu độ cho linh hồn. Ta chỉ là quản lý chứ không làm chủ sự sống. Tự sát là tội nặng nghịch lý với đức công bằng, đức cậy và đức ái, vì nó nghịch với bản năng sinh tồn, nghịch nặng với lòng yêu mình cách chính đáng, xúc phạm đến đức yêu người, vì cắt đứt cách bất công mối tình liên đới bó buộc mình phải có với gia đình, đất nước và nhân loại, nhất là nghịch với Thiên Chúa hằng sống. Cố ý cộng tác vào việc tự sát là việc trái luân lý. Tự sát vì bị thần kinh rối loạn nặng, vì quá lo âu sợ hãi trước thử thách, trước đau khổ, hoặc bị tra tấn thì trách nhiệm giảm đi. Ta không nên tuyệt vọng coi người tự sát là đã mất ơn cứu độ, vì Thiên Chúa có đủ cách để tạo cơ hội cho họ ăn năn sám hối. Hội Thánh cầu nguyện cho những người muốn hủy hoại mình.
IV. TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Điều răn V không chỉ ngưng lại ở những cấm đoán, nhưng còn mời gọi tôn trọng sự sống cách tích cực và toàn diện.
1. Tôn trọng sự sống thiêng liêng:
Làm gương xấu là cám dỗ người khác, là phá hoại nhân đức và sự ngay chính, là lôi kéo người khác vào chỗ mất linh hồn. Gương xấu là tội nặng, khi dùng hành động hoặc không hành động để cố tình làm cho người khác phạm tội nặng.
Gương xấu trở thành tội nặng đặc biệt tùy theo uy thế của người gây ra. (Thầy dạy, nhà giáo dục) (x.Mt 7,15) và tùy theo sự yếu đuối của người chịu ảnh hưởng của nó. "Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn" (MT 18,6). Luật pháp, cơ chế, thời trang, dư luận đều có thể gây gương xấu, và bất cứ người nào cũng có thể gây ra gương xấu, làm gương xấu thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả xấu mà mình trực tiếp hay gián tiếp gây ra. "Không thể không có gương xấu, nhưng khốn cho ai làm gương xấu" (Lc 17,1).
2. Tôn trọng sức khỏe:
Sự sống và sức khỏe phần xác là những của cải quý báu Thiên Chúa trao ban, ta phải chăm lo cho hợp lý, đồng thời phải tôn trọng những nhu cầu của người khác và của công ích.
Xã hội phải trợ giúp để chăm lo sức khỏe cho công dân có đủ điều kiện sinh sống để phát triển và đạt tới mức trưởng thành như: ăn, mặc, nhà cửa, việc làm, trường học... Tuy nhiên, luân lý không cổ võ cho việc tôn thờ thân xác, dùng tất cả mọi sự chỉ để lo sắc đẹp và thành công về thể thao.
Cần phải giữ nhân đức tiết độ, tránh mọi thứ thái quá về ăn nhậu, hút thuốc, dùng thuốc. Những người nghiện rượu hoặc ham chạy xe tốc độ cao, gây nguy hiểm đến sự an toàn của người khác, cũng như chính mình đều có tội nặng.
Dùng ma túy làm hủy hoại sức khỏe và sự sống mình là tội nặng, trừ khi để chữa bệnh thực sự. Việc lén sản xuất và buôn lậu ma túy đều là hành vi gây gương xấu, vì là trực tiếp cộng tác để dẫn đến những việc trái luân lý nặng.
3. Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học:
Những nghiên cứu của khoa học, y học hay tâm lý học về con người hoặc về các nhóm người, có thể giúp chữa trị bệnh tật và thăng tiến sức khỏe của mọi người. Nhưng để tìm tòi và nghiên cứu trên thân thể con người, không thể cho phép những hành vi tự chúng nghịch với phẩm giá con người và luật luân lý, dù đương sự đó có ưng thuận cũng không được. Việc thí nghiệm như thế cũng không hợp pháp, nếu nó có thể gây cho sự sống hoặc sự vẹn toàn thể lý hay tâm lý của đương sự những rủi ro không tương xứng và có thể tránh được. Những thí nghiệm trên thân thể con người đều không phù hợp với phẩm giá con người, nếu lại không được đương sự hay người có thẩm quyền ưng thuận rõ ràng. Ví dụ: Việc cắt và cấy các cơ quan của người nầy cho người kia.
4. Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể:
Những vụ bắt cóc và bắt làm con tin để gây kinh hoàng, và dùng đe dọa gây áp lực khủng khiếp cho nạn nhân, đều không hợp luân lý. Việc khủng bố bằng đe dọa, gây thương tích và giết chết không cần phân biệt gì cả, là nghịch nặng với đức công bằng và bác ái. Việc tra tấn dùng bạo lực đối với thân xác hay tinh thần cốt để lấy cung, để trừng phạt phạm nhân, gây khiếp sợ cho kẻ chống đối, thỏa mãn lòng căm thù, đều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá họ. Việc cố ý trực tiếp cắt bỏ hoặc làm vô sinh một phần thân thể của những người vô tội đều trái luật luân lý, trừ khi lý do chữa trị theo y học.
5. Tôn trọng người chết:
Phải chú ý chăm sóc người đang hấp hối, để giúp họ sống những giây phút cuối đời trong danh dự và an bình, bằng lời cầu nguyện, và giúp họ lãnh các bí tích để họ sửa soạn gặp gỡ Thiên Chúa. Xác người qua đời phải được kính trọng yêu mến với niềm tin và hy vọng xác sẽ sống lại. Việc chôn cất người chết là việc thương xót thể xác, để tỏ lòng kính con cái Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Việc hiến tặng các phần thân thể sau khi chết là hợp pháp và đáng khen. Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu không tổn hại đến niềm tin về việc xác sống lại (x.CIC số 1176,3).
V. BẢO VỆ HOÀ BÌNH
1. Khi Chúa dạy: "chớ giết người" là đòi hỏi có hòa bình trong tâm hồn, và tố cáo rằng sự giận ghét đến giết người là vô luân lý.
Muốn trả thù cho điều xấu do người đáng phải phạt gây ra là bất hợp pháp, nhưng nên bắt họ đền bù để họ sửa tính xấu và gìn giữ công bằng. Nếu giận đến nỗi cố tình giết hoặc gây thương tích nặng thì phạm tội nghịch đức ái (x.MT 5,22).
Ghét người là tội khi cố ý muốn điều xấu cho họ. Ghét người thành tội nặng khi cố ý muốn điều nặng cho họ "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em" (Mt 5,44-45).
"Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không giản lược vào việc cân bằng giữa các lực lượng đôi bên" (MV 78). Không thể có hòa bình ở trần gian nếu không duy trì được những lợi ích của mọi người, sự giao lưu tự do giữa mọi người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc và tình huynh đệ bền vững. Hòa bình là "có trật tự yên ổn", là "công trình của công bằng","hiệu quả của đức ái" (x.MV 78). Hòa bình dưới thế là hình ảnh của hoa trái của hòa bình Chúa Kitô,"Hoàng tử Hòa bình" (Is 9,5) là Đấng đã tuyên bố "Phúc cho ai xây dựng hòa bình" (Mt 5,9).
2. Tránh chiến tranh:

Vì chiến tranh nào cũng gây bao tai họa và bất công, nên Hội Thánh thôi thúc mọi người cầu nguyện và hoạt động để "lòng nhân từ" Thiên Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ chiến tranh. Tuy nhiên, bao lâu còn có nguy cơ xảy ra chiến tranh, và bao lâu chưa có một uy quyền quốc tế có thẩm quyền và có trong tay những lực lượng đầy đủ, người ta sẽ không thể khước từ quyền tự vệ chính đáng của các nhà cầm quyền, một khi đã tận dụng các khả năng dàn xếp hòa bình (MV 79,4). Để có thể thi hành quyền tự vệ chính đáng bằng quân lực, cần xem xét để hội đủ các điều kiện sau:


1. Những thiệt hại do bên gây hấn gây ra cho quốc gia và cho cộng đồng các quốc gia phải lâu dài, nặng nề, và chắc chắn.
2. Tất cả những phương tiện khác để chấm dứt tình trạng trên, tỏ ra không thực thi được hoặc vô hiệu quả.
3. Có đủ những điều kiện nghiêm chỉnh để thành công.
4.Việc sử dụng võ khí không mang lại những tai hại và xáo trộn nghiêm trọng, hơn là tai hại cần phải loại trừ. Muốn có điều kiện nầy cần phải cân nhắc kỹ đến sức mạnh hủy diệt của các phương tiện chiến tranh hiện đại. Trong trường hợp phải tiến hành chiến tranh tự vệ, chánh quyền có quyền và bổn phận áp đặt trên công dân những nghĩa vụ cần thiết cho việc quốc phòng. "Đối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận nầy họ thực sự đóng góp vào việc cũng cố hòa bình"? (MV 79,5).
Tuy nhiên, dù trong chiến tranh, lúc nào các luật luân lý cũng có hiệu lực, "không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn mà các đối phương đều được cho phép làm gì thì làm" (Mv 79). Phải tôn trọng và đối xử nhân đạo với những người không chiến đấu, với thương binh và tù binh. Những hành động cũng như những lệnh truyền được suy tính nhưng trái với nhân quyền và trái với các nguyên tắc phổ quát đều là tội ác. Cần phải chống lại những mệnh lệnh như vậy. "Mọi hành vi chiến tranh nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hoặc những vùng rộng lớn với dân cư ở đó, là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Cần phải cực lực và không ngần ngại lên án những tội ác đó" (MV 80). Các võ khí hiện đại như võ khí hạch tâm hay hóa học, rất dễ dàng gây nên những tội ác như vậy.
3. Việc chạy đua vũ khí khi không bảo đảm hòa bình mà "là một vết thương trầm trọng của nhân loại, và nó xúc phạm người nghèo một cách không thể tha thứ được" (MV 81).
Việc sản xuất và buôn bán vũ khí có ảnh hưởng đến công ích của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Các chính phủ có quyền và bổn phận điều chỉnh việc đó. Việc tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân hay cho cộng đồng, không thể biện minh cho những hành động chỉ khơi thêm bạo lực và tranh chấp giữa các quốc gia, tác hại đến trật tự pháp lý quốc tế.
Chính những bất công, những chênh lệch quá ư về kinh tế hay xã hội, sự ghen tương, ngờ vực và kiêu ngạo đang sôi sục giữa mọi người và mọi dân tộc, vẫn không ngừng đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh. Thực vậy. "Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, thì hiểm họa chiến tranh còn đe dọa, và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô lại đến. Tuy nhiên, chừng nào nhờ sự hiệp nhất trong tình thương, con người thắng vượt được tội lỗi thì cũng thắng vượt được bạo lực, cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày, và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và không còn tập luyện chiến tranh nữa" (MV 78).
"Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được là con Thiên Chúa" (Mt 5,9).

Bài 53
Điều răn thứ VI

SỐNG TRONG SẠCH
(x. SGLC từ 2331 đến 2400)
"Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi"

(Mt 5, 27-28)



I. GIÁ TRỊ CỦA GIỚI TÍNH
"Thiên Chúa là tình yêu. Người sống nơi chính bản thân mình mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương. Khi tạo dựng con người có nam có nữ giống hình ảnh Người (...) Người khắc ghi trong họ ơn gọi, nghĩa là khả năng và trách nhiệm tương ứng, để sống yêu thương và hiệp thông" (PC 11). Như thế loài người có hai giới nam và nữ.
Mỗi giới có những đặc tính riêng gọi là giới tính. Giới tính chi phối mọi khía cạnh của con người cả hồn lẫn xác, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc, khả năng yêu thương và sinh sản, nói tổng quát hơn là khả năng nối kết những quan hệ để hiệp thông với người khác. Mỗi người nam và nữ phải hiểu biết và chấp thuận giới tính của mình đó là những đặc tính vừa khác biệt vừa bổ túc cho nhau về thể xác, luân lý và tinh thần, cốt để mưu ích cho hôn nhân và phát huy đời sống gia đình. Sự hòa hợp trong đời sống lứa đôi và đời sống xã hội, tùy thuộc một phần vào cách sống của hai người nam nữ biết bổ túc cho nhau, biết nâng đỡ nhau và nương tựa lẫn nhau. Nam hay nữ đều có phẩm giá bình đẳng như nhau, nhưng mỗi giới phản ánh quyền năng và tình âu yếm của Thiên Chúa cách khác nhau.
Đức Giêsu đã đến khôi phục mọi tạo vật trong sự tinh tuyền nguyên thủy của chúng. Người đã dạy: "Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 27-28). "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, con người không được phân ly" (Mt 19,6). Và truyền thống Hội Thánh hiểu rằng, điều răn VI bao gồm toàn bộ những gì thuộc giới tính con người.
II. ƠN GỌI KHIẾT TỊNH
Khiết tịnh có nghĩa là con người hòa nhập giới tính cách tốt đẹp nơi bản thân mình, nhờ có cả xác hồn được thống nhất từ bên trong. Giới tính cho thấy con người phải lệ thuộc vào thể xác và sinh lý; nhưng khi giới tính được hòa nhập trong tương quan giữa người với người, trong việc người nam người nữ hiến dâng trọn vẹn và mãi mãi cho nhau, thì giới tính lại mang giá trị cao quý. Như thế đức khiết tịnh bao gồm việc con người sống thanh khiết toàn vẹn và hiến dâng trọn vẹn.
1. Sống thanh khiết toàn vẹn:
Người khiết tịnh là người duy trì được sự sống và tình yêu của mình toàn vẹn liêm khiết, làm cho bản thân được thống nhất, chống lại những gì là giả hình gian dối. Muốn thế, phải tập tự chủ, tập hướng dẫn tự do của mình, không để mình nô lệ các đam mê, các bản năng hoặc áp lực bên ngoài (x.MV 17). Muốn tập phải dùng các phương tiện như: biết mình tự kiềm chế cho phù hợp hoàn cảnh sống, vâng theo luật Chúa, siêng năng cầu nguyện, tập các nhân đức, đặc biệt là nhân đức tiết độ, giúp ta dùng lý trí chi phối các đam mê và thèm muốn tình cảm. Việc tập tự chủ phải là công trình dài hạn không chỉ một lần là đủ, mà ở tuổi đời nào cũng phải tập đi tập lại (x.Tt 2,1-6), và phải tập khẩn trương hơn trong tuổi nhân cách đang thành hình, như tuổi trẻ và tuổi thiếu niên. Đức khiết tịnh cũng theo những định luật tăng trưởng, nghĩa là phải trải qua lúc bất toàn và nhiều khi còn tội lỗi nữa. Đức khiết tịnh được coi là chuyện riêng tư của bản thân, nhưng nó cũng đòi hỏi một số gắng phát triển văn hóa, vì "sự thăng tiến của nhân vị tùy thuộc ở sự phát triển của xã hội" (MV 25,1). Xã hội có giúp con người được biết và được giáo dục, thì họ mới dễ dàng tôn trọng các giá trị luân lý. Sau hết, đức khiết tịnh là một ơn của Chúa, là hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5,23).
2. Hiến dâng trọn vẹn:
Việc tự chủ bản thân để duy trì đức khiết tịnh dẫn đến việc hiến dâng, làm cho ta trở thành nhân chứng cho người khác về lòng trung tín và tình âu yếm của Thiên Chúa. Nhờ ảnh hưởng của đức ái, đức khiết tịnh được coi là trường dạy hiến dâng. Đức khiết tịnh nảy nở trong tình bạn hữu, nó giúp ta biết noi theo bắt chước Chúa Kitô. Đấng đã chọn ta làm bạn hữu Người (x.Ga 15,15) và tận hiến cho ta để ta được làm con cái Thiên Chúa. Đức khiết tịnh được bày tỏ nhất là trong tình bạn hữu với người thân cận, dù là nam hay nữ, tình bạn ấy được coi là một ích lợi lớn lao cho mọi người, nó dẫn đến sự hiệp thông trong tâm hồn. "Đức khiết tịnh làm cho ta tổ chức lại bản thân, đem đến chỗ hiệp nhất mà ta đã đánh mất vì chính ta đã phân tán" (Âu-tinh, tự thuật 10,29).
Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh trong bậc sống của mình. "Người thì khiết tịnh trong bậc đồng trinh hay bậc độc thân được thánh hiến, là phương thế trổi vượt để dễ dàng hiến dâng cho Thiên Chúa một con tim không chia sẻ: người khác thì khiết tịnh theo luật luân lý ấn định chung cho mọi người trong bậc sống vợ chồng hoặc ở vậy (độc thân) ". (CDF 11).
Những người đã đính hôn cũng được mời gọi sống khiết tịnh bằng việc tiết dục. Việc tiết dục giúp họ tôn trọng nhau, tập giữ lòng chung thủy, và hy vọng được Chúa giúp chấp nhận nhau. Họ giúp nhau lớn lên trong khiết tịnh.
III. NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐỨC KHIẾT
Tội dâm ô là một ước muốn hỗn loạn chỉ tìm hướng khoái lạc nhục dục mà không nhằm mục đích sinh sản và hiệp nhất với nhau. Ước muốn như vậy trái luân lý.
Tội thủ dâm là cố tình kích thích cơ quan sinh dục để tìm khoái lạc nhục dục, ngoài mục đích yêu thương và hiến dâng trọn vẹn cho nhau, để sinh sản con cái (x.CDF Persona Humana 9). Trong mục vụ, để xét đoán cho đúng tội nầy, cần lưu ý đến tình trạng chưa trưởng thành về tình cảm, đến sức mạnh của thói quen đã mắc phải, đến tình trạng xao xuyến và các nhân tố tâm lý hay xã hội làm giảm tội, và thậm chí còn xóa bỏ tội về mặt luân lý.
Tội tà dâm là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và người nữ. Tội nầy nghịch nặng với nhân phẩm và tính dục của con người, vì tính dục hướng tới lợi ích của vợ chồng, cũng như sinh sản và giáo dục con cái. Tội nầy gây gương xấu nặng khi phạm với thanh thiếu niên.
Tội khiêu dâm là trình bầy cho người khác những hành vi tính dục đã làm thật hoặc chỉ giả vờ. Nó làm biến chất hành vi vợ chồng hiến dâng thân mật cho nhau. Nó xúc phạm phẩm giá của những người lao mình vào nó: diễn viên, con buôn, dân chúng, vì người nầy trở thành một trò chơi thô lỗ và một mối lợi bất chính cho người kia. Nó dìm cả đôi bên trong ảo tưởng về một thế giới giả tạo. Đó là một lỗi nặng. Chánh quyền cần nghiêm cấm sản xuất và phổ biến các sản phẩm khiêu dâm.
Tội mãi dâm là xúc phạm đến phẩm giá của người hành nghề mãi dâm, vì họ chỉ là trò vui nhục dục cho người khác. Người mua dâm phạm tội nặng đến chính mình vì lỗi đức khiết tịnh đã cam kết khi được Rửa tội, và làm ô uế thân thể mình là đền thờ Chúa Thánh Thần. Đây là một tai họa trong xã hội, thường liên hệ đến phụ nữ, nhưng cũng liên hệ đến cả đàn ông, trẻ em hoặc thiếu niên. Với giới trẻ này, người ta còn phạm tội làm gương xấu nữa. Tuy nhiên sự nghèo khổ và áp lực xã hội có thể giảm đi trách nhiệm.
Tội hiếp dâm là dùng bạo lực cưỡng bức người khác phải quan hệ tình dục. Tội nầy phạm đến đức công bằng và đức ái, nghĩa là đến quyền được tôn trọng, quyền tự do và sự toàn vẹn thanh khiết cả thân xác lẫn tinh thần của con người. Nó có thể gây thương tổn nặng cho nạn nhân phải chịu ảnh hưởng suốt đời. Tội nầy đặc biệt nặng nề khi do cha mẹ hay các người giáo dục phạm đến những trẻ được trao phó cho mình.
Tội đồng tính luyến ái là tội của những nam hay nữ bị cám dỗ về tình dục, nhưng chỉ với người cùng giới với mình thôi. Kinh Thánh vẫn lên án việc nầy là "việc suy đồi trầm trọng" (x.St 19,1-29; Rm 1,24-27) và truyền thống luôn coi đó là hành vi thác loạn, trái với luật tự nhiên, nghịch với việc trao ban sự sống, không phải là để bổ khuyết tình cảm và tính dục thực sự. Tuy nhiên đa số những người phạm tội nầy không tự chọn tình trạng đồng tính luyến ái, họ cần được đối xử kính trọng, thông cảm và tế nhị, tránh kỳ thị họ cách bất công. Họ có thể nhờ sự tự chủ để tập luyện cho mình được tự do nội tâm, nhờ bạn hữu nâng đỡ, nhờ cầu nguyện và lãnh các bí tích để trở về với đời sống Kitô hữu trọn hảo.
IV. GIÁ TRỊ HÔN NHÂN
Trong hôn nhân sự kết hợp thể xác của vợ chồng là dấu chỉ và đảm bảo cho sự hiệp thông tinh thần. "Những hành vi thể hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của vợ chồng là những hành vi đức hạnh và xứng đáng, chúng bày tỏ và giúp vợ chồng hiến thân để làm cho nhau thêm phong phú trong niềm vui và biết ơn". (MV 49,2). Nhờ sự phối hợp mà vợ chồng thể hiện được mục đích kép của hôn nhân, đó là lợi ích của chính vợ chồng và việc sinh sản. Đây là hai ý nghĩa và hai giá trị của hôn nhân mà ta không thể tách rời. Tách rời là gây thiệt hại cho đời sống thiêng liêng của vợ chồng, và đe dọa lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình. Hôn nhân đòi vợ chồng phải chung thủy và sinh sản con cái.
- Chung thủy giữa vợ chồng: Vợ chồng làm thành "một cộng đồng thân mật để sống và yêu, theo những lề luật do Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và trao ban. Cộng đồng nầy được thiết lập trên giao ước giữa hai vợ chồng, nghĩa là trên sự ưng thuận của mỗi người và không thể rút lại được" (MV 48,1). Giao ước nầy đòi họ phải duy trì một vợ một chồng và không được tháo gỡ (Giáo luật 1056). "Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly" (Mc 10,9). Sự chung thủy giữa vợ chồng chứng tỏ lời họ hứa đã được duy trì bền vững.
- Sinh sản con cái: Sinh con là một ân huệ và là mục đích của hôn nhân. Đứa con là hoa trái và là thành tựu do tình yêu hiến dâng của vợ chồng, và vợ chồng được dự phần vào quyền sáng tạo và tình yêu phụ tử của Thiên Chúa (x.MV 50,2). Vợ chồng vừa truyền thông sự sống, vừa là người giáo dục, đó là sứ mệnh riêng của họ. Họ biết rằng chính mình cộng tác viên của Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa và là thông ngôn của Người (MV 50,2). Nhưng trách nhiệm sinh sản con cái đòi hỏi vợ chồng phải điều hòa việc sinh sản, nghĩa là nếu có lý do chính đáng, vợ chồng có thể cách quãng việc sinh con, nhưng không được chiều theo lòng ích kỷ, mà phải theo lòng quảng đại của bậc cha mẹ có trách nhiệm. Muốn điều hòa việc sinh sản, họ phải theo những phương pháp phù hợp với luân lý như: chế dục định kỳ, phương pháp điều hòa dựa trên việc tự quan sát bản thân, và phương pháp dựa vào thời kỳ không thụ thai. Các phương pháp nầy tôn trọng thân xác vợ chồng, khích lệ tình âu yếm nhau và giúp họ tập luyện tự do đích thực. Do đó, "mọi hoạt động nào diễn ra trước hoặc đang khi vợ chồng ăn ở với nhau, hoặc là sau đó trong diễn tiến và phát triển các hiệu quả tự nhiên của nó, nếu được dùng như mục đích hay phương tiện để làm cho không thể sinh sản được, đều là xấu tự bản chất" (HV 14).

Đứa con không phải là "cục nợ", nhưng là "hồng ân tuyệt nhất của hôn nhân". Đứa con có những quyền thực sự của nó, đó là "quyền được là hoa trái cả hành vi do tình yêu hôn nhân của cha mẹ, và quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc mới thụ thai" (CDF Donum Vitae 2,8). Kinh Thánh và truyền thống coi những gia đình đông con là dấu hiệu Thiên Chúa chúc phúc và cha mẹ có lòng quảng đại (x.MV 50,2). Phúc Âm cho thấy việc son sẻ không con cái không phải là bất hạnh tuyệt đối (SGLC 2379). Những kỷ thuật tân tiến ngày nay như thụ tinh nhân tạo do tinh và noãn không phải của chồng hay vợ, đều là việc bất chính nghiêm trọng (CDF Don vit 2,1) Cả khi thụ tinh nhân tạo do tinh của chồng cũng không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì nó tách biệt hành vi tính dục với hành vi sinh sản.
"Kitô hữu phải ý thức rằng sự sống con người và trách nhiệm truyền sinh không bị giới hạn ở phạm vi đời nầy, và không thể đạt được đầy đủ mọi chiều kích cũng như đầy đủ ý nghĩa ở đời nầy, nhưng chúng luôn luôn phải được qui chiếu về mệnh vĩnh cửu của mọi người" (MV 51,4).

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương