HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang17/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23

3. Tình liên đới:
Liên đới là đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân loại và Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, tình liên đới ấy bắt nguồn sâu xa từ chính Chúa Kitô, Đấng đã liên đới với ta trong thân phận tội lỗi; nhờ đó ta được chia sẻ sự sống với Ngài. Và như Đức Piô XII đã nói, trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, tình liên đới ấy đã thúc đẩy bao nhiêu Kitô hữu hy sinh, hiến dâng cuộc đời nhằm mang lại cho người khác cuộc sống xứng danh là con người và người Kitô hữu.
Trong sinh hoạt xã hội, tình liên đới được biểu lộ qua việc phân phối của cải và công việc cho đồng đều. Tình liên đới cũng giúp cho con người giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội trong tinh thần hòa giải. Noi gương Chúa Kitô, người Kitô hữu nỗ lực thể hiện tình liên đới trong sự hiệp thông đức tin, cũng như trong sự chia sẻ của cải vật chất hằng ngày, vì "Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).
Hơn ai hết, người Kitô hữu hôm nay phải ghi nhớ lời nhắn nhủ của Hội Thánh "Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân, mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc" (MV 30). Đức tin không thể chỉ bó hẹp trong một số bổn phận đạo đức cá nhân, nhưng còn cần được thể hiện trong sinh hoạt xã hội; nhờ đó Tin Mừng Chúa Kitô được thấm nhập vào mọi thực tại của đời sống con người.
Bài 45
LUẬT LUÂN LÝ
(x. SGLC từ 1949 đến 2051)
"Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó".

(Mc 12, 29-31)


"Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em"

(Ga 13, 34)



I. LỀ LUẬT LUÂN LÝ LÀ GÌ?
Quốc gia nào cũng có luật pháp riêng, có truyền thống riêng, và ngày nay luật pháp quốc tế cũng được đề cao. Vậy luật luân lý để làm gì?
Theo Kinh Thánh, lề luật luân lý là cách thức giáo huấn, là phương pháp sư phạm Thiên Chúa sử dụng để hướng dẫn con người tránh xa điều ác, ngõ hầu được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa hứa ban. Vì thế lề luật luân lý là những mệnh lệnh vừa có tính cách dịu dàng trong lời hứa, vừa có tính cách nghiêm khắc theo lệnh truyền.
Lề luật luân lý cũng được phát triển với nhiều hình thức khác nhau như luật tự nhiên, luật mặc khải.
Lề luật luân lý để giúp con người tiến tới hoàn thiện, nhưng cùng đích của lề luật luân lý là chính Chúa Kitô: "Bởi vì cùng đích của lề luật là Chúa Kitô để mọi tín hữu được ơn công chính hóa" (Rm 10,4).
II. LUẬT TỰ NHIÊN
Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng quyền con người, nên Người ban cho mỗi người quyền làm chủ và quản lý mọi hành vi của mình để đạt tới chân lý và sự Thánh Thiện. Vì thế luật tự nhiên là qui luật Thiên Chúa ban cho mỗi người để họ dùng lý trí mà phân biệt những gì là thiện ác, là chân thật, là dối trá. Luật này đã được Thiên Chúa ghi tạc trong lòng mỗi người như Đức Lêô XIII đã xác quyết trong thông điệp Libertas Praestantissimum: "Luật tự nhiên đã được ghi chép trong tâm hồn mỗi người và mọi người, vì nó là lý trí của con người, truyền làm điều thiện và cấm phạt tội..."
Luật tự nhiên chính là tiếng nói, là ánh sáng Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người để sống xứng đáng là người con của Thiên Chúa: "Luật tự nhiên không gì khác ngoài ánh sáng trí tuệ được Thiên Chúa đặt trong ta. Nhờ luật tự nhiên, chúng ta biết những gì phải làm và những gì phải tránh. Ánh sáng này, tức luật này, đã được Thiên Chúa ban khi sáng tạo nên con người" (Th. Tôma).
Hiện diện trong trái tim vá lý trí của mỗi người, luật tự nhiên luôn mang tính phổ quát bất biến và trường tồn: "Chắc chắn có một luật đích thực, đó là lý trí ngay thẳng, luật này phù hợp với bản tính con người và trải rộng với tất cả mọi người. Nó bất biến và vĩnh cửu: những mệnh lệnh của nó gọi ta thi hành những bổn phận, những cấm đoán của nó bắt ta tránh xa điều sai lỗi..." (Cicero).
Tóm lại, luật tự nhiên là tác phẩm tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa, nên nó luôn là nền tảng để xây dựng các luật luân lý và dân luật.
III. LUẬT MẠC KHẢI
1. Luật cũ:
Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu độ, nên Ngài đã chọn Ít-ra-en là dân riêng vã đã mặc khải luật của Ngài để chuẩn bị cho Chúa Kitô giáng trần.
Luật này cũng gọi là luật Môsê. Luật Môsê hay là luật cũ phát biểu nhiều chân lý và lý trí tự nhiên có thể hiểu được.
Nội dung của luật cũ được gồm tóm trong mười giới răn. Các giới răn cấm những gì nghịch lại tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, và dạy những gì là cốt lõi cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Vì thế luật cũ là tình trạng sơ khởi của luật mặc khải và là bước đường chuẩn bị cho luật mới.
2. Luật mới:
Luật mới tức là luật Phúc Âm, luật toàn hảo, luật mới chính là tác phẩm của Chúa Kitô và cũng là ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Luật mới này được trình bày đặc biệt qua bài giảng trên núi, cũng gọi là Tám mối Phúc Thật: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì họ sẽ được vào Nước Trời... (Mt 5, 3-12).
Luật mới hoàn thành và đưa luật cũ tới chỗ hoàn hảo: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê, hoặc giáo huấn của các ngôn sứ, Thầy đến không phải là bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17).
Luật mới là luật của tình yêu, của ân sủng và tự do: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12). Và "Thầy ban cho anh em một điều răn mới...." (Ga 23,34).
Ngoài những giới răn ra, luật mới còn gồm những lời khuyên của Phúc Âm.
Các lời khuyên của Phúc Âm cho thấy sự tràn đầy sống động của Đức Ái, không bao giờ được thỏa mãn vì những gì mình đã thực hiện.
Nên lời khuyên Phúc Âm thúc đẩy con người đến bậc hoàn hảo hơn. Càng có nhiều người sống lời khuyên Phúc Âm, Hội Thánh càng tỏa ra sự thánh thiện: "Sự thánh thiện của Hội Thánh được đặc biệt duy trì bởi các lời khuyên khá nhiều mà Chúa đã đề ra cho các môn đệ giữ trong Phúc Âm" (LG 42).

Bài 46
ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HOÁ
(x. SGLC từ 1987 đến 2029)
"Nhưng ngày nay, Thiên Chúa cho thấy cách Người làm cho người ta nên công chính mà không cần đến luật Môsê. Điều này sách luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất kể là người Do Thái hay người ngoại. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất quyền vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô Giêsu phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Như vậy Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng công chính. Trước kia trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ Người muốn cho thấy rằng Người là Đấng Công Chính, nghĩa là Người vừa công chính, vừa làm cho kẻ sống nhờ lòng tin vào Đức Giêsu được nên công chính" (Rm 3, 21-26).
I. Ý NGHĨA VÀ ĐẶC ĐIỂM ƠN CÔNG CHÍNH
Khát vọng sâu xa của mỗi người Kitô hữu là được ơn công chính hóa, nghĩa là nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ta được sạch mọi tội lỗi, và được ban sự sống của Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô và nhờ phép Thánh Tẩy: "Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô... " (Rm 3,22).
Chính nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà mỗi người được dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô khi biết chết cho tội lỗi nhờ bí tích Thánh Tẩy, để được gia nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Hội Thánh: "Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta được dự phần với Thiên Chúa. Nhờ sự dự phần của Thánh Thần, chúng ta được dự phần vào bản tính thần linh…”(Thánh Atanaxilô).
Nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, tiên vàn ta được ơn hoán cải, chính là điều Đức Giêsu đã rao giảng: "Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Thiên Chúa đã gần rồi" (Mt 4,17).
Khi đã được ơn hoán cải, con người xa lìa tội lỗi, trở về với Thiên Chúa, nhờ đó được ơn tha thứ và ơn công chính. "Như vậy sự công chính hóa bao gồm ơn tha thứ các tội, ơn thánh hóa và sự đổi mới con người nội tâm" (Công đồng Trentô).
Như thế nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và nhờ phép Rửa của Ngài, nhờ ân sủng của Thánh Thần, ta được công chính, nghĩa là được ơn tha tội, được tràn đầy lòng tin cậy mến Thiên Chúa, và được dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Do đó, ơn công chính là công cuộc tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, như lời Thánh Âu Tinh (Ev Yn 72,3): "Sự công chính hóa kẻ vô đạo là công cuộc lớn lao hơn việc tạo thành trời đất" bởi vì "Trời và đất sẽ qua đi, còn ơn cứu độ và ơn công chính hóa các kẻ được chọn sẽ tồn tại mãi mãi".
II. ÂN SỦNG VÀ ĐÓN NHẬN ÂN SỦNG, ĐẶC SỦNG
Ơn công chính hóa là công cuộc tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ có tội. Nhưng công chính hóa là ân sủng của Thiên Chúa.
Vậy ân sủng là ân huệ, là sự cứu giúp nhưng không Chúa Cha trao ban để con người đáp lại tiếng mời gọi của Ngài là trở thành người con của Thiên Chúa: "... Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa..." (Ga 1, 12-18), trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa: "Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử..." (Rm 8, 14-17), được dự phần bản tính Thần Linh: "Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." (2Pr 1, 3-4), và được sự sống vĩnh cửu: "...Thật vậy Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân, là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17, 2-3).
Như vậy ân sủng là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho ta, có tính thường xuyên, ổn định và siêu nhiên, để giúp ta sống thân mật với Thiên Chúa, và hành động theo ý Ngài.
Người ta cũng phân biệt Thường Sủng giúp ta sống và hành động theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và Hiện Sủng để trợ giúp công cuộc thánh hóa.
Ân sủng được ban cho ta không những để thánh hóa bản thân, mà còn giúp ta cộng tác vào việc thánh hóa người khác, và làm tăng trưởng thân thể Chúa Kitô là Hội Thánh. Đó là những ân sủng đặc biệt mà ta gọi là Đặc Sủng. Đặc sủng là ân huệ, hồng ân nhưng không đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để xây dựng Hội Thánh vì đức bác ái.
Mỗi Kitô hữu phải ý thức hồng ân Chúa ban là món quà quí giá nhất, nên tỉnh thức mau mắn đón nhận và rộng mở tâm hồn để cộng tác vào ơn của Thiên Chúa.
III. CÔNG TRẠNG
Mỗi khi làm được một việc lành cho tha nhân hoặc cho cộng đoàn... thường người ta coi đó là một công trạng, hay công nghiệp, hoặc công lao với Thiên Chúa.
Đúng nghĩa mà nói, con người không có công lao gì với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng sáng tạo, còn con người là thụ tạo. Hơn nữa những gì con người có đều là hồng ân Thiên Chúa ban.
Nhưng nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, ta có thể lập công để xứng đáng nhận cho mình và cho những người khác các ân huệ có ích cho ta đạt tới sự sống vĩnh cửu, cũng như để lãnh nhận được những ơn ích trần gian cần thiết như của cải, sức khỏe, tình bạn... Các ân sủng này, các lợi ích này là đối tượng của lời cầu nguyện Kitô giáo.
Nhưng chính Đức Ái của Chúa Kitô ở trong ta là nguồn mạch tất cả các công lao của ta trước mặt Thiên Chúa. Khi kết hợp với Chúa Kitô bằng tình yêu tích cực, mọi hành vi của ta đều có công trước mặt Chúa và trước mặt người ta.
Tóm lại, các vị Thánh luôn ý thức sâu xa rằng công lao của các Ngài chỉ là ân sủng của Thiên Chúa.
IV. MỌI NGƯỜI ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Hết mọi người đều được mời gọi nên thánh như Đức Giêsu đã mời gọi: "Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Muốn được thế, "các tín hữu phải nỗ lực theo mức hồng ân đã nhận từ Chúa Kitô để đạt được sự toàn thiện, để (....) trong khi chu toàn thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, họ hiến thân với hết tâm hồn cho vinh quang Thiên Chúa và cho việc phục vụ tha nhân... " (LG 40).
Lời mời gọi nên Thánh đòi hỏi người Kitô hữu phải cố gắng trong suốt cuộc đời vì "sự toàn thiện Kitô giáo chỉ có một giới hạn, giới hạn đó không có một giới hạn nào hết" (Thánh Gregôriô thành Nys), đồng thời: "nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,25).


Bài 47
HỘI THÁNH LÀ MẸ VÀ THẦY
(x. SGLC từ 2030 đến 2051)
"Tất cả chúng ta qua Chúa Kitô, được mời vào, mà nên thánh trong Hội Thánh... khi Ngài phục sinh từ cõi chết (Rm 6,9). Ngài đã gửi Thánh Thần của sự sống đến với môn đồ để thiết lập thân thể Ngài là Hội Thánh, như một bí tích cứu rỗi ở khắp nơi... "

(LG 48)


I. HUẤN QUYỀN VÀ ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ – THI HÀNH HUẤN QUYỀN
Nhờ Hội Thánh, người Kitô hữu nhận được các giáo huấn của "luật Chúa Kitô" (GL 6,2), muôn vàn ân sủng các Bí tích, những gương sáng thánh thiện... bởi vì Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, là Giêrusalem trên trời, là Mẹ của chúng ta (x. Gl 4, 2-6).
Hội Thánh được coi là "cột trụ và điểm tựa của chân lý" (1Tm 3,15), vì Hội Thánh "đã nhận được từ các tông đồ lệnh truyền long trọng của Chúa Kitô là phải giảng chân lý vì ơn cứu độ" (LG 17).
Vì thế, chẳng những Hội Thánh giảng dạy giáo lý từ "mười giới răn" cùng với "Kinh Tin Kính" "Kinh Lạy Cha" mà Hội Thánh còn có quyền loan báo những nguyên tắc luân lý liên quan đến đời sống con người và đưa ra những phán quyết.
Quyền bính đó được Chúa Kitô trao cho các tông đồ, và các Ngài lại trao cho những người kế vị "Đức Giáo Hoàng Rôma, vì là đại diện Chúa Kitô và là chủ chăn của toàn thể Hội Thánh, nên đối với Hội Thánh, có một quyền bính trọn vẹn, tối cao và phổ quát... Giám mục đoàn kế nghiệp tông đồ đoàn trong việc giáo huấn và chăn dắt đoàn chiên, hơn nữa làm cho tông đồ được trường tồn. Giám mục đoàn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Rôma là thủ lãnh... cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn..”. (LG 22).
"Vì thế Thánh Công Đồng dạy rằng, các Giám mục theo như huấn lệnh của Chúa, kế nghiệp các tông đồ làm chủ chăn trong Hội Thánh, ai nghe lời các Ngài là nghe lời Chúa Kitô, ai ruồng rẫy các Ngài là ruồng rẫy Chúa Kitô và Đấng đã sai Người đến" (LG 20).
Vì thế, để tỏ lòng tôn kính và yêu mến Hội Thánh là Mẹ và Thầy, mọi thành phần dân Chúa: các linh mục, các nhà thần học, giáo dân:
- Hết lòng vâng phục giáo huấn của Hội Thánh qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.
- Tích cực đóng góp vào nền luân lý của Hội Thánh được thích nghi trong mọi hoàn cảnh và mọi thời đại.
II. CÁC ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH
Ngoài những lề luật luân lý dựa trên Kinh Thánh, Thánh Truyền và luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã trao cho Hội Thánh quản lý, Hội Thánh cũng có những điều răn gắn liền với sinh hoạt phụng vụ để giúp tín hữu được cái tối thiểu trong việc mến Chúa yêu người.
Các điều răn đó là:
- Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày Lễ buộc.
- Xưng tội trong một năm ít là một lần.
- Chịu Mình Thánh Đức Giêsu trong Mùa Phục Sinh.
- Thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày Lễ buộc.
- Giữ chay và kiêng thịt như Hội Thánh dạy.
III. ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ VỚI VIỆC TRUYỀN GIÁO
Mỗi thành viên của Hội Thánh là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm, có Chúa Kitô là Đầu, và bản chất của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng, vì Đức Giêsu đã truyền: "Chúng con hãy đi giảng dạy tất cả các dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con..." (Mt 28, 19-20).
Thánh Phaolô ý thức điều đó và đã thốt lên: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).
"Vì thế, môn đệ của Chúa Kitô hằng bền lòng cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa" (Cv 2, 42-47), "Phải tự hiến như những hy tế sống động, thánh thiện làm hài lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1), (LG 10) và "Ai không đáp ứng lại với ân huệ đó bằng tư tưởng, ngôn từ và hành động, họ sẽ không được cứu rỗi mà còn bị lên án nặng nề" (Lc 12,48); (LG 14).
Như vậy, mỗi Kitô hữu đều mang trách nhiệm góp phần xây dựng Hội Thánh bằng đời sống kiên trì thực thi những lệnh truyền của Chúa và Hội Thánh, bằng đời sống thánh thiện, để Hội Thánh lớn lên, tăng trưởng và phát triển.


Bài 48
Điều răn I

THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN

THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 2083 đến 2141)
"Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ".
(Xh 20, 2-5)

Đức Giêsu đã tóm lại các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi" (Mt 22,37). Trong "mười lời" (mười điều răn) Thiên Chúa ban cho dân Người, thì ba lời đầu trực tiếp nhắm tới bổn phận đối với Thiên Chúa, và bảy lời sau nhắm tới bổn phận con người đối với nhau theo ý muốn Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất nói về bổn phận tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự.


I. PHẢI TÔN THỜ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA
Thiên Chúa đã mặc khải quyền năng và lòng nhân hậu cho dân được chọn, khi thực hiện công cuộc giải phóng dân: "Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai Cập; khỏi cảnh nô lệ". Vì thế Israen thuộc về Chúa, là dân của Chúa nên phải tôn thờ một mình Người "Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ... anh em không được theo những thần khác" (Đnl 6, 13-14). Khi Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Người cho dân Ít-ra-en, Người cũng mặc khải về chính con người và ơn gọi của họ, để họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người. Con người phải thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng một mình Người mới phải đạo: "Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Lc 4,8).
Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Đức Maria: ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kÿ công tuyệt vời của Chúa (x. Kinh Magnificat; Lc 1, 46-55). Thờ phượng Thiên Chúa như vậy là thể hiện lòng tin cậy mến đối với Thiên Chúa.
1. Đức tin:
Muốn sống cho phải đạo, phải tin vào Thiên Chúa, yêu mến và vâng phục Người. Những lệch lạc và sai lầm về luân lý bắt nguồn từ chỗ không tin Thiên Chúa hoặc từ chối tin vào Người. Cho nên điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng đức tin và xa tránh những gì nguy hiểm cho đức tin. Có những tội nghịch đức tin như từ chối hoặc nghi ngờ tin vào những điều Thiên Chúa đã mặc khải, và Hội Thánh đã giảng dạy. Khi chối bỏ hay nghi ngờ một chân lý phải tin là rối đạo. Bỏ đạo là hoàn toàn chối bỏ niềm tin Kitô giáo. Còn khi từ chối không vâng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với Hội Thánh thì gọi là ly giáo.
2. Đức Cậy:
Trông cậy là tin tưởng và mong chờ phúc lành của Thiên Chúa ở đời này, và được hạnh phúc với Người ở đời sau. Hai tội nghịch với đức trông cậy là tuyệt vọng và kiêu ngạo. Khi nghi ngờ và không còn tin tưởng vào lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa, con người không còn mong đợi ơn tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa nữa. Đó là tội tuyệt vọng. Còn khi con người quá cậy tài sức của mình mà không cần ơn Chúa, hoặc khi quá cậy trông vào lòng nhân từ và quyền năng Thiên Chúa, mà không cần cộng tác bằng việc ăn năn hối cải, để được hưởng ơn cứu độ, đó là tội tự cao tự đại.
3. Đức mến:
Tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, con người phải yêu mến Thiên Chúa chân thành và hết mình: "Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6, 4-5). Điều răn thứ nhất dạy ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, mọi loài, và yêu mến chỉ vì chính Người mà thôi. Đó là đức mến Kitô giáo. Người ta có thể phạm tội nghịch đức mến:
- Dửng dưng là bỏ qua hoặc từ chối không công nhận tình yêu Thiên Chúa.
- Vô ơn là không đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
- Thờ ơ hay lười biếng trong các bổn phận đối với Chúa.

- Thù ghét, chống lại và nguyền rủa Thiên Chúa.


4. Những hình thức khác:
Cầu Nguyện. Khi cầu nguyện, người Kitô hữu thể hiện lòng tin cậy mến mà thờ phượng Thiên Chúa. Cầu nguyện tức là thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ và xin ơn. Cần phải cầu nguyện để có thể vâng giữ các điều Chúa truyền, và thực hành những diều Chúa dạy."Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Như thế, cầu nguyện là thái độ cơ bản nói lên đức thờ phượng đối với Thiên Chúa.
* LỄ HY SINH:
Thật là hợp lý khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lễ hy sinh để tôn thờ, cảm tạ, xin ơn. "Tất cả những hành động ta thực hiện, hầu gắn bó hiệp thông với Thiên Chúa để được vinh phúc, đều là những hy sinh thật sự" (Thánh Âu Tinh). Tuy nhiên phải là hy lễ chân thành và vị tha, nghĩa là thái độ bên ngoài phù hợp với tâm tình bên trong "Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát" (Tv 51, 9). Đối với Đức Giêsu, lòng nhân từ đối với tha nhân là hy lễ được chấp nhận: "Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế" (Mt 9,13; 12,7). Hy lễ duy nhất, hoàn hảo nhất là hy lễ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha khi ở trên thánh giá. Hiệp nhất với hy lễ của Chúa Kitô, chúng ta sẽ làm cho đời sống thành lễ hy sinh đẹp lòng Chúa.
* CÁC LỜI HỨA VÀ KHẤN:
Có những lời hứa với Thiên Chúa đương nhiên được bao hàm khi chịu Thánh Tẩy, Thêm sức, Hôn phối và Truyền Chức Thánh. Ngoài ra, do lòng sùng kính, người Kitô hữu có thể hứa với Chúa để làm việc này việc kia. Lời hứa này bày tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, và tin tưởng Người là Đấng toàn năng và trung thành. Còn lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo. Khấn là tự hiến thân cho Thiên Chúa hoặc là tự nguyện và ý thức hứa với Thiên Chúa sẽ làm một điều tốt lành nào đó (x. Gl 1191). Hội Thánh vốn công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn thực hành ba lời khuyên của Phúc Âm của các tu sĩ nam nữ. Trong một số trường hợp và vì những lý do tương xứng, Hội Thánh có thể chuẩn miễn các lời hứa với các lời khấn.
5. Bổn phận đối với xã hội và quyền tự do tôn giáo:
Người Kitô hữu không chỉ có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa mà còn phải "cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống" (TĐ 3). Bổn phận xã hội của người Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi con người lòng yêu mến cái thân mật và cái tốt lành, và làm cho người khác nhận biết rằng tôn giáo chân thật, duy nhất, chỉ tồn tại nơi Hội Thánh Công giáo (x. TD 1). Không những người Kitô hữu mà bất cứ người nào khác cũng có quyền hành động theo lương tâm mình, và tự do tuyên xưng niềm tin của mình chỗ riêng tư cũng như nơi công cộng. (x. TD 2).
II. CÁC TỘI NGHỊCH ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
Điều răn thứ nhất cấm không được tôn thờ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Điều răn này cũng cấm mọi hình thức mê tín dị đoan và tình trạng vô tôn giáo.
- Dị đoan: Khi có sự lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và những cách thể hiện tâm tình đó.
- Tôn thờ ngẫu thần: Khi tôn thờ bất cứ tạo vật nào thay thế Thiên Chúa, hay ngang bằng Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần.
- Bói toán và ma thuật: Tất cả những hình thức bói toán nhằm biết vận mệnh tương lai, đều trái nghịch với lòng tôn kính và phó thác cho một mình Thiên Chúa. Những cách thực hành ma thuật hoặc phù thủy nhằm có một quyền hành bí ẩn đối với đồng loại, đều nghịch với đức thờ phượng.
- Vô tôn giáo: Dùng lời nói hoặc hành vi để thử quyền phép Thiên Chúa: tội phạm thánh và tội mua thần bán thánh.
- Thuyết vô thần: Là chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu, hoặc khước từ lệ thuộc vào Thiên Chúa, để đặt tất cả hy vọng, hạnh phúc và cùng đích nơi vật chất cũng như nơi con người.
- Thuyết bất khả tri: Không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng chủ trương Thiên Chúa không thể mặc khải cho con người, và con người không thể nói gì, biết gì về Thiên Chúa.


tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương