HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam


V. Kinh Thánh trong đời sống Kitô hữu



tải về 1.61 Mb.
trang2/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

V. Kinh Thánh trong đời sống Kitô hữu
1. "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giê-rô-ni-mô). Tuy nhiên trong thực tế, đời sống đức tin của người Công Giáo tại Việt Nam nhiều khi chỉ dựa vào truyền thống, tập tục, thói quen hơn là dựa trên Lời Chúa. Vì thế, người tín hữu cần tập thói quen tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc khi tham dự Thánh Lễ, hoặc trực tiếp đọc bản văn Kinh Thánh, hoặc học hỏi bằng những phương thế khác. Có như thế, Lời Chúa mới thực sự là "Đèn soi bước chân ta", ta mới thực sự biết Chúa Kitô và tập "mang trong lòng những tâm tư của Đức Giêsu" (PI 2,5).
2. Để Lời Chúa trổ sinh hoa trái (Mt 13,8), việc đọc Kinh Thánh phải đi đôi với Kinh nguyện và việc thực thi Lời Chúa. Kinh nguyện đưa ta vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, vì "Khi cầu nguyện, ta ngỏ lời với Ngài; khi đọc các sấm ngôn thần linh, ta nghe Ngài nói" (Am-brô-si-ô). Đồng thời phải tập sống Lời Chúa vì Đức Giêsu đã cảnh giác "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu; nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được mà thôi" (Mt 7,21).

BÀI 5
CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA:

ĐỨC TIN
(x. SGLC từ 0145 đến 0175)
"Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy".

(Dt 11,1)


"Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa".

(Thánh Âu-tinh)



I. Tin là đáp lời Thiên Chúa
"Với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài" (MK.2). Tin chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô nói đến sự vâng phục của đức tin.
Trong cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ của con người với con người cũng được dệt bằng sự tin tưởng lẫn nhau, nếu không cuộc sống sẽ rất nặng nề vì ngờ vực và nghi ky. Xa hơn nữa, trong tình bạn và trong cuộc sống gia đình, người ta còn đến với nhau bằng niềm tin sâu xa hơn niềm tin bao hàm cả tình yêu, tín nhiệm và trung tín, niềm tin khiến con người cởi mở cõi lòng cho nhau và nâng đỡ nhau trong mọi nỗi niềm cuộc sống.
Như thế, niềm tin đã là một yếu tố căn bản và cần thiết cho cuộc sống. Thực tế đó giúp ta hiểu niềm tin vào Thiên Chúa không phải là điều chi xa lạ và trừu tượng. Tuy nhiên niềm tin vào Thiên Chúa lại mang một nội dung rất khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa là Chân lý ban sự sống. Vì thế, niềm tin vào Thiên Chúa phải là sự gắn bó toàn diện và tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh và không một tạo vật nào có thể đòi hỏi nơi ta niềm tin như thế.
Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria là những mẫu mực của đức tin. Vì tin, tổ phụ Abraham đã vâng lời "ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 1,8). Vì tin, Mẹ Maria đã thưa với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tÿ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc.1,38), vì "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (1, 37). Các ngài đã trao phó trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và trở thành những người cộng tác tích cực vào chương trình của Thiên Chúa.
II. Tin là gắn bó với Chúa Cha, qua Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần
Không phải chỉ có người Công Giáo mới tin vào Thiên Chúa. Rất nhiều người chia sẻ với chúng ta niềm tin ấy, cách riêng trên quê hương Việt Nam thân yêu. Tuy nhiên, hình ảnh mỗi người có về Thiên Chúa lại có thể rất khác nhau và nhiều khi, vị Thiên Chúa mà người ta tôn thờ chỉ là vị Thiên Chúa theo sở thích và trí tưởng tượng của con người.
Với người Kitô hữu, niềm tin vào Thiên Chúa không thể tách ra khỏi niềm tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giêsu Kitô. Chỉ một mình Ngài biết Thiên Chúa và có thể chỉ cho ta thấy Thiên Chúa đích thực "Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18). Vì thế, tin là tin vào Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô.
Niềm tin ấy, chúng ta không thể có nếu không được chia sẻ Thánh Thần của Đức Giêsu vì "Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí" (1 Cr 12,3). Ngài là Đấng "thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa ... Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1 Cr 2,10-11).
III. Những đặc tính của đức tin
Khi tông đồ Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đức Giêsu đã tuyên bố "Này anh Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy. Đấng ngự trên Trời" (Mt. 16-17). Như thế, đức tin trước hết là HỒNG ÂN Thiên Chúa ban tặng. Chính Ngài đi bước trước và trợ giúp từ bên trong "Ngài thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tìm theo chân lý" (MK.5).
Nếu đức tin là một hồng ân thì đồng thời, TIN cũng là HÀNH VI CỦA CON NGƯỜI. Ân huệ Thiên Chúa không hủy diệt khả năng hiểu biết và ý chí tự do của con người, nhưng soi sáng, nâng đỡ và gọi mời cộng tác. Chính vì thế "Đức tin kiếm tìm hiểu biết” (Thánh An-sen-mô), hiểu biết nhiều hơn về Đấng mình tin và những chân lý Ngài mặc khải, một hiểu biết sống động khiến ta gắn bó với Thiên Chúa nhiều hơn đề như thánh Âu-tinh diễn tả "Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin nhiều hơn".
Đồng thời, TIN là hành vi tự do vì "Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo chính phán đoán của mình" (TD.11). Trong cuộc sống trần thế, "Đức Giêsu đã trợ giúp và chứng thực lời giảng thuyết của Ngài bằng những phép lạ, để khơi dậy và cũng cố lòng tin của thính giả, Nhưng Ngài không hề tạo áp lực cưỡng ép họ" (TD.11).
Cuối cùng, vì đức tin là sự gắn bó toàn diện con người với Thiên Chúa, nên không thể chỉ ngưng lại ở những hiểu biết xuông mà phải dẫn tới hành động. Chính vì thế, thánh Gioan nói đến việc "thực thi chân lý" và thánh Gia-cô-bê gọi "đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (Gc 2,17). Người tín hữu luôn luôn tự cảnh giác vì Lời Chúa nói: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu. Những chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi" (Mt,7,21).
Đức tin như ta vừa tìm hiểu là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ khi Ngài từ cõi chết sống lại "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cứu độ cho mọi loài thọ tạo, Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, sẽ bị kết án" (Mc.16,15-16). Ơn cứu độ ấy sẽ hoàn thành trong ngày sau hết nhưng ngay từ bây giờ, đức tin cho ta nếm hưởng ánh sánh vĩnh cữu, "bảo đảm cho những điều ta hi vọng" (Dt.11,1). Vì thế, đức tin là khởi điểm của cuộc sống vĩnh hằng.
IV. Đức tin cá nhân và cộng đoàn
Không ai có thể tự ban tặng sự sống cho mình và cũng không ai có thể sống một mình, nhưng người ta đón nhận sự sống từ người khác và sống luôn luôn là sống với. Đức tin cũng thế. Một đàng, đức tin là hành vi cá nhân hiểu như lời đáp trả tự do của mỗi người trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, đức tin là một quà tặng được đón nhận và đến lượt mình phải trao ban cho người khác.
Hội Thánh chính là người mẹ trao ban đức tin cho ta. Vì thế, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, thừa tác viên hỏi "Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?", người lãnh nhận trả lời "Con xin đức tin... Đức tin mang lại cho con sự sống đời đời" (Sách Nghi Thức Roma). Và cũng như người mẹ sinh ra con, phải dạy con nói, nhờ đó có thể hiểu biết và tiếp cận thế giới chung quanh. Cũng vậy, Hội Thánh sinh ta ra trong đức tin, đồng thời dạy ta ngôn ngữ đức tin để giúp ta hiểu và đón nhận sự sống đời đời.
Những chân lý đức tin mà người mẹ Hội Thánh trao ban và dạy dỗ không phải là những công thức vô hồn, nhưng là phương thế giúp ta đạt đến chính Thiên Chúa và ơn cứu độ muôn đời. Và bởi vì "Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người. Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người" (Ep.4,5-6), nên xuyên qua mọi không gian và thời gian, trong nhiều nền văn hóa khác nhau và bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc. Hội Thánh chỉ tuyên xưng một đức tin duy nhất.
V. Người Kitô hữu sống đức tin
1. Cho đến hôm nay, phần đông người Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được đời sống đức tin rất tốt, được cụ thể hóa qua việc tham dự Thánh Lễ cũng như lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên, đời sống đức tin ấy nhiều khi chỉ là những thói quen do ảnh hưởng của gia đình, xứ đạo hơn là một chọn lựa và dấn thân cá nhân. Một đức tin như thế sẽ khó lòng đứng vững trong khung cảnh đô thị hóa và xã hội hóa đang và sẽ diễn ra mỗi ngày một nhanh hơn. Vì thế, cần xây dựng một đức tin mang tính cá vị, hiểu như một chọn lựa tự do và ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
2. Đức tin là lời đáp trả của con người toàn diện trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người toàn diện ấy bao gồm cả lý trí, tình cảm, ước muốn và hành động. Vì thế, để sống đức tin, người tín hữu không chỉ ngừng lại ở những hiểu biết thuần lý, nhưng phải bước vào đời thờ phượng và luân lý. Nhờ cầu nguyện, ta gặp gỡ chính Đấng mà ta tin. Và niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày "Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người" (1 Ga. 2,3).

PHẦN 1
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Ngay từ thuở ban đầu, các Tông đồ đã diễn tả và trao ban đức tin cho người khác bằng những công thức vắn gọn... Và cũng từ rất sớm, Hội Thánh đã muốn thu thập những yếu tố thiết yếu của đức tin, thành những bản tóm tắt theo từng đề mục, và liên kết chặt chẽ với nhau. Ta gọi những tổng hợp đó là: Lời tuyên xưng đức tin hay Tín biểu.
Qua nhiều thế kỷ, đã có nhiều Tín biểu thành hình, đáp trả những nhu cầu ở nhiều nơi khác nhau. Trong số đó, quan trọng nhất là Tín biểu:
+ Kinh Tin Kính của các Tông đồ: bản tóm tắt nội dung đức tin của các Tông đồ, và là Giáo lý Rôma cổ xưa nhất.
+Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea: thành quả của hai Công đồng đầu tiên (năm 325 và 381). So với Kinh Tin Kính của các Tông đồ, Kinh Tin Kính này chi tiết hơn và rõ ràng hơn.
Trong phần này, ta đào sâu Lời Tuyên Xưng đức Tin; không chỉ để hiểu biết, mà còn để yêu mến, để được hiệp thông với Thiên Chúa và Hội Thánh.
Cùng với Hội Thánh, chúng ta tuyên xưng:
KINH TIN KÍNH
Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thần là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội. Tôi Trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. AMEN.



Bài 6
THIÊN CHÚA DUY NHẤT
(x. SGLC từ 200 đến 231)
"Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em". (Đnl. 6,4-5).
"Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác... Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Đức Chúa mới có thể làm điều công chính và mới có sức mạnh". (Is. 45,22-24)

Khi chúng ta tuyên xưng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa", là chúng ta tin vào Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã mặc khải danh Người cho ông Môsê, và là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.


I. Thiên Chúa duy nhất
- Chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa chỉ có một, là Chúa duy nhất, bởi vì "nếu Thiên Chúa không duy nhất thì không phải là Thiên Chúa" (Tertuliano). Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bắt đầu từ trong Cựu ước. Khi Thiên Chúa kêu gọi và chọn Ít-ra-en làm dân riêng và thiết lập giao ước. Người tỏ cho dân thấy: Người là Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có Chúa nào khác và phải phụng thờ một mình Người (Đnl 4,39). Trong giao ước Xi-nai (Mười điều răn) điều răn thứ nhất thật rõ ràng: "Người không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,3).
- Mỗi lần Ít-ra-en đi theo thần khác, các ngôn sứ đều nhắc nhở và kêu gọi họ trở về với Chúa là Thiên Chúa duy nhất (xls 45,22-24).
Vào thời Đức Giêsu, tất cả các người Ít-ra-en đều đọc mỗi ngày những lời sau đây: "Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,4-5).
- Niềm tin của Cựu Ước vào Thiên Chúa duy nhất, đã được chính Đức Giêsu xác nhận cách chính thức, khi dạy phải yêu mến Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất "hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (Mc 12,30). Và Tân Ước cũng tái xác nhận niềm tin này khi phải đối đầu với đa thần giáo của dân ngoại (x.1 Cr 8,4; Ep. 4,6..)
II. Thiên Chúa mặc khải tên Người
-Nói tên mình cho người khác là muốn có tiếp xúc trao đổi để hiểu biết thông cảm. Tên chỉ người, một con người độc đáo mà người khác có thể gọi đích danh và trở nên gần gũi - Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân Ít-ra-en và cho biết tên của Người. Thiên Chúa có một tên gọi: Người có thể nói với chúng ta và chúng ta có thể nói với Người. Người không phải là một Thiên Chúa câm nín, nhưng là Thiên Chúa tự bộc lộ ra và người ta có thể tiếp xúc với Người.
- Thiên Chúa tỏ mình cách tiệm tiến và với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng việc Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê nơi bụi gai rực cháy, được coi là mặc khải căn bản nhất trong Cựu Ước và Tân Ước "Ta là Đấng Hiện Hữu" (YHWH 1) (Xh 3,13-15). Tên gọi nầy của Thiên Chúa cũng mầu nhiệm như chính Thiên Chúa: đó vừa là ý Chúa muốn tỏ mình cho ta, vừa là từ chối không cho biết Người. Thật ra Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì con người có thể hiểu biết hay diễn tả, nhưng đồng thời Người cũng rất gần gũi con người.
- Người là Thiên Chúa hằng sống, đã từng kêu gọi và hướng dẫn các tổ phụ. Người là Thiên Chúa trung thành với các lời đã hứa, là Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ và đưa vào đất hứa. Người là Thiên Chúa luôn có mặt với dân Người đã chọn, nhận lời họ kêu cầu, bảo vệ và giải thoát khỏi các thù địch, vì Người là "Đấng Hiện Hữu".
- Dân Ít-ra-en đã bất trung với Chúa và phản bội giao ước, nhưng "Đấng Hiện Hữu" vẫn trung thành mãi mãi, "giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ". (Xh 34,7) vẫn là "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Ep 2,4), "đến nổi đã ban Con Một" (Ga 3,16): Đức Giêsu đã quả quyết rằng: Người cũng mang tên gọi thần linh, khi hiến mình giải thoát chúng ta trên thập giá: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu" (Ga 8,28).
- Cuối cùng Thánh danh: "Đấng Hiện Hữu" còn quả quyết rằng: chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu, bất biến, không có khởi đầu và không có tận cùng. Ngoài ra "muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người" (Rm 11,36), và "chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu" (Cv 17,28).
III. Thiên Chúa là chân lý và tình yêu.
Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en là Thiên Chúa "giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,6). Đây là hai đặc tính căn bản nói lên tất cả những nét phong phú của danh Thiên Chúa.
- Trước hết Thiên Chúa là chân lý. Người không thể lừa dối, luôn trung thành thực hiện các lời đã hứa. Con người có thể hoàn toàn tin cậy vào tính chân thực và lòng trung thành của Chúa trong lời nói cũng như việc làm của Người. Tội lỗi của ông bà nguyên tổ chính là nghi ngờ về tính chân thật và lòng trung thành của Thiên Chúa.
"Căn nguyên lời Ngài là chân lý

Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm"

(Tv 118,160)


"Lạy Chúa Thượng là Đức Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý"

(2 Sm 7,28)


"Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán

Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm"

(Tv 145,13)


Con Thiên Chúa xuống thế gian làm người "là để làm chứng cho sự thật" (Ga 18,37). "Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật" (1 Ga 5,20).
- Thiên Chúa không chỉ là chân lý mà còn là tình yêu. Trải qua dòng lịch sử. Ít-ra-en đã khám phá ra rằng: họ được Thiên Chúa mặc khải và tuyển chọn, hoàn toàn là vì tình yêu nhưng không của Người. Cũng chính tình yêu đó đã không ngừng giải thoát và tha thứ những bất trung của dân được chọn. Đó là tình yêu của cha đối với con (x.Hs 11,1), tình yêu của chồng đối với vợ (x.Is 62, 4-5) bất chấp phản bội (x.Ed 16; Hs 11). Tình yêu đó đi tới tột đỉnh khi Thiên Chúa trao ban Con Một cho chúng ta (x.Ga 3,16). "Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi" (Is 54,10). "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31,3).
Nhưng mặc khải Tân Ước đã đi xa hơn, đi tới ngọn nguồn khi xác quyết: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8: 16). Bản thân Thiên Chúa là tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Người muốn và ban khả năng cho ta thông phần vào tình yêu nầy, nên đã sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với ta.
IV. Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất, Đấng hiện hữu làm cho mọi vật được hiện hữu. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa và Người làm chủ mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.
1. Đứng trước Thiên Chúa cao cả và bí nhiệm, con người khám phá và nhận ra mình bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi. Nhưng sự cao cả siêu việt của Thiên Chúa không đè bẹp con người mà nâng họ dậy, làm cho họ tin tưởng, và mời gọi họ thông phần vinh quang với Người. Ông Môsê được lệnh phải cởi dép ra khi đến với Thiên Chúa chí thánh, và dù thấy mình bất tài, ông vẫn được sai đi để trở thành vị cứu tinh của Dân được chọn (x.Xh 3,1-12). Trước vinh quang thánh thiện Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-a phải kêu lên và hốt hoảng vì sự ô uế của mình, nhưng rồi ông đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (x.Is 6,18). Ông Phêrô đã nhận ra sự yếu hèn trước Đấng Thánh của Thiên Chúa (Lc 1,35): "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi", nhưng sau đó, ông đã cùng với các bạn đi theo Người làm môn đệ (x.Lc 5,8-11).
Thái độ căn bản và thường xuyên của người tín hữu Kitô là khiêm tốn. Khiêm tốn là ân huệ Chúa ban, để con người nhận ra và sống bản chất đích thực của mình mà tôn thờ Thiên Chúa duy nhất cho phải đạo, nhưng thái độ và tâm tình khiêm tốn chỉ có được tùy ở mức độ con người gặp gỡ, hiện diện với Thiên Chúa. Nếu loài người được Chúa yêu thương (x.Lc 2,14), thì những người khiêm nhường bao giờ cũng là những người đầu tiên đón nhận tình thương nầy (x.GLCG 725) (x.lPr 5,6).
2. Thiên Chúa cao cả vô song đã đoái thương tỏ mình ra cho con người, cho biết danh thánh của Người, ngỏ lời với họ như với bạn hữu (MK 2). Trước tấm lòng ưu ái và ân cần của Thiên Chúa nhân lành, tâm tình hợp lý và chính đáng của con người phải là tri ân và cảm tạ. "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu" (1 Tx 5,18).
3. Tin rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính mình, đã đối thoại với con người (x.Br 3,38) và hằng lắng nghe con người, nhất là qua Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta có thể tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kêu cầu Người trong mọi lúc.

"Khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời"

(TV 4,4)


"Con kêu lên Ngài lạy Thiên Chúa.
Vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu"

(TV 16,6)



Bài 7
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON

VÀ THÁNH THẦN.
(x. SGLC. từ 0232 đến 0260)
"Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô. Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" (Lời chào đầu lễ). (x.2 Co 13,13).
"Cùng với Con Một Cha và Chúa Thánh Thần. Cha là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể". (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).
Đời Kitô hữu được bắt đầu với bí tích Thánh tẩy. Trước khi lãnh nhận bí tích, người tín hữu được mời gọi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; sau đó họ chịu phép Rửa "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
Bí tích Thánh tẩy là nền tảng cho đức tin và là cánh cửa khai mở đời sống Kitô hữu. Cũng thế, mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần là nền tảng, suối nguồn của mọi mầu nhiệm Kitô giáo và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy.
I. Thiên Chúa tỏ mình qua Đức Giêsu
"Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18). Chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô, ta mới biết được Thiên Chúa trong ánh sáng chan hòa và huyền nhiệm khôn dò của Người.
Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa DUY NHẤT. Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu tiếp tục rao giảng niềm tin độc thần đã cắm rễ sâu trong Cựu ước. Khi được hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (Mc 12, 28-30).
Đồng thời, Đức Giêsu lại tỏ ra cho ta biết Thiên Chúa là CHA, không phải theo nghĩa thường gặp trong nhiều tôn giáo khi khẩn cầu Thiên Chúa như một người Cha, nhưng theo nghĩa sâu xa đặc biệt: Cha chỉ là Cha trong tương quan với Người Con duy nhất và ngược lại, Con chỉ là Con trong tương quan với Cha. Vì thế, Đức Giêsu nói "Không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11,27).
Ngoài ra, trước khi bước vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu loan báo với các môn đệ là Ngài sẽ gởi đến Đấng Bảo Trợ khác "Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26).
Như thế, Đức Giêsu tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Cha và Thánh Thần hằng hiện diện và hoạt động nơi Con. Khi Con xuống thế làm người, sứ thần loan báo cho Mẹ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà... Vì thế, Người Con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Và khi Đức Giêsu chịu phép Rửa - biến cố mở đầu cuộc sống công khai - Ngài "thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,10-11).

II. Định tính của Hội Thánh.
Là nền tảng, suối nguồn và ánh sáng chiếu soi tất cả đời sống Kitô hữu, nên mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong công thức rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", trong văn bản của các tông đồ "Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em". Đồng thời trong cử hành phụng vụ, lời khẩn cầu của Hội Thánh luôn luôn là "Nhờ Đức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời". Và lời ngợi khen trọn vẹn nhất là "Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều qui về Cha là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời".
Cũng vì mầu nhiệm ấy là nền tảng cho tất cả đời sống Hội Thánh, nên ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã không ngừng suy niệm, vừa để đào sâu mầu nhiệm vừa để bảo vệ đức tin tinh tuyền khỏi những quan niệm lệch lạc. Những suy niệm ấy dẫn đến định tín được hình thành trong các Công đồng đầu tiên, với sự cộng tác đắc lực của các giáo phụ và cảm thức đức tin của Dân Chúa.
Nhằm trình bày mầu nhiệm cách sâu sắc và chính xác. Hội Thánh đã mượn lấy những ý niệm về ngôn từ triết học đương thời để tuyên xưng "Thiên Chúa duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau". (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).
Kế hoạch và công trình cứu độ là của chung Ba Ngôi, vì Ba Ngôi chỉ có một bản thể như nhau nên cũng chỉ có một công việc như nhau. Tuy nhiên, mỗi Ngôi thực hiện công trình chung theo biệt tính của mình. Chính vì thế trong Kinh Tin Kính, người tín hữu tuyên xưng một Chúa Duy Nhất là Cha toàn năng, Đấng Tạo Thành, Là Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ loài người là Thánh Thần Đấng ban sự sống.

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương