HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam


III. ĐỂ CÓ THỂ CHỌN LỰA ĐÚNG ĐẮN THEO LƯƠNG TÂM



tải về 1.61 Mb.
trang16/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   23

III. ĐỂ CÓ THỂ CHỌN LỰA ĐÚNG ĐẮN THEO LƯƠNG TÂM
Kinh nghiệm cho thấy khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, theo lý trí và luật Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phán đoán sai.
1. Phán đoán sai:
Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ nhiều lý do: thiếu hiểu biết về Chúa Kitô và Tin Mừng, gương xấu của người khác, nô lệ các đam mê, quan niệm sai lầm về tự do lương tâm, khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh, thiếu hoán cải và bác ái.
Thông thường, mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết của mình, nhất là khi họ "không lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, hoặc vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng" (x.MV 16).

Tuy nhiên nếu không thể khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết hoặc phán đoán sai lầm không phải do bản thân mình, thì người đó không phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.


2. Chọn lựa đúng:
Để có thể chọn lựa đúng đắn theo lương tâm ngay thẳng, ta phải dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên có một vài nguyên tắc có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh:
- Không được lấy mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu.
- Khuôn vàng thước ngọc "tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).
- Đức Ái Kitô giáo đòi hỏi ta phải tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Vì thế không được xúc phạm đến tha nhân hoặc làm gương xấu cho người khác.


Bài 42
CÁC NHÂN ĐỨC
(x. SGLC từ 1903 đến 1845).
"Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì xin anh em hãy để ý và Thiên Chúa bình an sẽ ở với anh em"

(Pl 4,8-96)


Đối với người Việt Nam, chữ Đức đóng một vai trò rất quan trọng, và Đức được hiểu là "cái biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người" (Từ điển tiếng Việt NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1988). Đã biết Đạo thì phải sống Đạo, và cuộc sống ấy thể hiện qua cái Đức. Quan niệm nầy thật gần gũi với người tín hữu Kitô.
Với Kitô hữu, nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên định để làm điều thiện. Người nhân đức là người hướng về điều thiện với tất cả năng lực thể xác và tinh thần. Vậy đâu là những nhân đức căn bản của đời sống Kitô hữu, và phải làm gì để có được những nhân đức ấy?
I. CÁC ĐỨC TÍNH CĂN BẢN
Các đức tính nhân bản là những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin. Có bốn đức tính căn bản: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.
Khôn ngoan là đức tính giúp ta nhận ra đâu là điều thiện đích thực trong từng hoàn cảnh, và khi đã nhận ra thì biết chọn lựa phương thế thích hợp để đạt tới. Không nên lầm lẫn khôn ngoan với nhút nhát và sợ hãi, lại càng không thể đồng hóa khôn ngoan với sự tráo trở, giả hình. Nhờ khôn ngoan ta biết ứng dụng lề luật luân lý vào những hoàn cảnh cụ thể để thi hành điều thiện cách tốt đẹp nhất.
Công bình là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng" còn đối với con người, công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử công minh với mọi người và thực thi công ích.
Can đảm là kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện cho dẫu có nhiều khó khăn cản lối. Nhờ đó, ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý, chiến thắng sự sợ hãi kể cả cái chết để dám sống cho chính nghĩa.
Tiết độ là biết điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng đúng mức những của cải trần thế. Nhờ đó ta làm chủ được các bản năng tự nhiên và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng.
Những đức tính nầy được gọi là nhân bản nghĩa là thuộc về con người. Đã là người, phải có những đức tính căn bản đó. Nhiều người tuy không có niềm tin tôn giáo nhưng vẫn có những đức tính đáng quý nầy. Người Kitô hữu lại cần phải có những đức tính nhân bản hơn những người khác, vì muốn làm con Thiên Chúa thì trước hết phải sống cho ra người.
Có được những đức tính nhân bản là nhờ giáo dục, sự kiên trì tập luyện và thực hành trong đời sống. Tuy nhiên tội lỗi đã làm con người bị tổn thương; vì thế, ngoài những nỗ lực tự nhiên, ta còn cần đến ơn Thiên Chúa nâng đỡ nhờ cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
II. CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
Gọi là nhân đức đối thần vì những nhân đức nầy quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên, động lực và đối tượng. Đối với Kitô giáo, các nhân đức đối thần là nền tảng và linh hồn của toàn bộ đời sống luân lý. Thiên Chúa ban cho ta những nhân đức nầy, để ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Có ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy và Mến (x.1Cr 13,13).
1. Đức Tin:
Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Đức Tin là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước hồng ân của Thiên Chúa. Sự đáp trả ấy mang tính toàn diện nghĩa là của cả lý trí, tình cảm và hành động. Vì thế, đức tin phải được diễn tả ra ngoài bằng việc làm cụ thể. "Đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ" (Gc 2,26).
Hơn thế nữa, người môn đệ Chúa Kitô còn phải can đảm làm chứng và truyền bá đức tin (x.GH 42). Đòi hỏi nầy xuất phát từ chính bản thân của đức tin, và là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ "Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 10,32-33).
2. Đức Cậy:
Đức Cậy là nhân đức nhờ đó ta khao khát Nước Trời, và sự sống vĩnh cữu như hạnh phúc của đời mình, tin tưởng vào các lời hứa của Chúa Kitô, và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Con người ta sống không thể không có hy vọng, nếu không nói là người ta sống nhờ hy vọng. Nhưng điều quan trọng là hy vọng vào ai, hy vọng cái gì? Và làm thế nào để đạt tới?
Đối với người Kitô hữu, đích điểm của hy vọng không chỉ là hạnh phúc trần thế, nhưng chính là Chúa, là Nước trời và sự sống vĩnh cửu. Đồng thời người Kitô hữu ý thức rằng tự mình không thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ấy, nhưng phải nương tựa vào Chúa. Chính vì thế hy vọng trở thành cậy trông.
Đức cậy trông là cái neo chắc chắn bền vững của tâm hồn, là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến thiêng liêng, và mang lại cho ta niềm vui ngay giữa những gian truân thử thách. "Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân... " (Rm 12,12). Đời sống cầu nguyện vừa diễn tả vừa nuôi dưỡng đức cậy trông, vì thế ta cần phải đi sâu hơn mỗi ngày vào đời cầu nguyện.
3. Đức Mến:
Đức Mến là nhân đức nhờ đó ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, ta yêu mến người thân cận như chính bản thân. Đức Mến thúc đẩy ta sống con thảo với Cha trên trời, và là anh em của mọi người.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, người nhân đức là "kẻ có lòng thương người" (x. Từ điển tiếng Việt); nghĩa là lòng yêu thương được coi như cốt lõi của đạo đức. Quan điểm nầy thật gần gũi với đạo Kitô, vì Đức Giêsu đã đặt đức mến làm điều răn mới. Đức mến được coi là "mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14) là linh hồn của mọi nhân đức, sự viên mãn của lề luật, là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức: "Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13,13).
Chúa Kitô chính là gương mẫu cao cả nhất. Ngài đã chịu chết vì yêu mến ta ngay lúc ta còn thù nghịch với Thiên Chúa (x.ra 5,10). Vì thế, Ngài mời gọi ta yêu thương như Người (x.Mt 5,44) yêu cả kẻ thù và đón nhận người bé mọn nghèo hèn như đón nhận chính Ngài (Mt 25,40-45).
Ngoài ba nhân đức đối thần, Chúa Thánh Thần còn ban các hồng ân và hoa trái thiêng liêng, giúp người tín hữu dễ dàng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Bảy ơn Chúa Thánh Thần là: Ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa.
Truyền thống của Hội Thánh cũng nói đến 12 hoa trái của Thần Thánh: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết" (Gl 5,22-23).

Bài 43
TỘI LỖI
(x. SGLC từ 1846 đến 1876)
"Nếu chúng ta nói là mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối chính mình và sự thật không có trong ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho ta và thanh tẩy ta sạch mọi điều bất chính"

(1Ga 1,8-9)



I. TỘI LỖI VÀ LÒNG THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT
Thánh Âu tinh định nghĩa tội là "Một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu". Tuy nhiên phải nhìn thấy đàng sau lề luật ấy là giao ước yêu thương giữa con người và Thiên Chúa. Cũng như một người chồng khi phạm tội ngoại tình, anh ta không chỉ vi phạm Luật Hôn Nhân gia đình, nhưng chủ yếu là anh đã xúc phạm đến vợ mình, và giao ước yêu thương hai người đã ký kết. Chính vì thế, tội là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, là chống lại tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, là yêu mình đến độ khinh thị Thiên Chúa.
Nhưng cho dẫu con người tội lỗi, Thiên Chúa vẫn thương xót con người. Lòng thương xót ấy được bầy tỏ cụ thể nơi Đức Giêsu, nhất là trong cuộc khổ nạn của Người. Suốt cuộc sống công khai, Đức Giêsu không ngừng rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa và ban ơn tha thứ cho tội nhân. Tuy nhiên chính trong cuộc khổ nạn mà tấm lòng của Thiên Chúa được bày tỏ cách trọn vẹn. Ở đó, tội lỗi bộc lộ tính hung bạo và đa dạng của nó: sự cứng lòng và thái độ thù hận của các thủ lãnh và dân chúng, sự hèn nhát của Philatô và độc ác của quân lính, sự phản bội của Giuđa và sự chối bỏ của Phêrô, cũng như thái độ bỏ rơi của các môn đệ. Nhưng cũng chính vào giờ tối tăm ấy, Chúa Kitô đã tự hiến và âm thầm trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta.
II. HÌNH THÁI VÀ MỨC ĐỘ CỦA TỘI
Tội lỗi rất đa dạng. Trong thư Rôma, Thánh Phaolô đã liệt kê các thứ tội "Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác như vậy" (1,28-32).
Thông thường người ta phân biệt tội theo đối tượng, nghĩa là dựa vào các điều răn mà tội nhân vi phạm. Cũng có thể phân biệt tội dựa vào tương quan của ta với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của mọi tội lỗi là chính lòng người "Vì tự lòng xuất phát những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó chính là những cái làm cho con người ra ô uế" (Mt 15,19-20).
Tội lỗi có nhiều mức độ. Truyền thống Hội Thánh nhìn nhận cách phân biệt tội trọng và tội nhẹ như đã có trong Kinh Thánh.
1. Tội trọng:
Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba yếu tố: Phạm một lỗi nặng, có ý thức đầy đủ và cố tình.
Lỗi nặng được xác định trong mười điều răn và Đức Giêsu lập lại: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ (x.Mc 10,14). Giữa các tội nầy, có tội nặng hơn và tội nhẹ hơn. Mức độ tội lỗi cũng tùy thuộc vào tương quan của tội nhân với phẩm giá của người bị xúc phạm, nếu hành hung cha mẹ thì nặng tội hơn hành hung người lạ.
Có ý thức đầy đủ là biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Nếu thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, tội nhân có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm của mỗi người.
Cố tình là đã biết, suy nghĩ cặn kẽ và ưng thuận. Nó trở thành một lựa chọn cá nhân, và tội nhân phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Khi phạm tội trọng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng và phần rỗi đời đời bị đe dọa. Tuy nhiên quyền phán xét một con người là quyền thuộc về Thiên Chúa, Đấng công minh và cũng là Đấng giàu lòng xót thương.
2. Tội nhẹ:
Chúng ta phạm tội nhẹ khi vi phạm luật luân lý trong điều nhẹ, hay lỗi điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hoặc ưng thuận.
Tội nhẹ không làm mất ơn thánh hóa, cũng không làm mất phúc thật vĩnh cửu. Tuy nhiên, tội nhẹ làm suy yếu Đức Ái, ngăn cản ta tiến triển trong cuộc thực hành các đức tính và điều thiện. Đồng thời người cố tình phạm tội nhẹ và không sám hối, sẽ đi dần đến chỗ phạm tội trọng và ảnh hưởng đến phần rỗi đời đời.
Ngoài ra, Kinh Thánh còn nói tới tội phạm đến Thánh Thần (x.Mc 3,29). Đó là tội cố tình không hối cải và khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì thế cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Không phải là Thiên Chúa không tha thứ, nhưng chính tội nhân tự tách mình ra khỏi lòng thương xót của Ngài, và tự kết án chính mình.
III. NHỮNG HÌNH THỨC KHÁC CỦA TỘI
1. Thói xấu:
Thói xấu xuất hiện khi những hành vi xấu được lập đi lập lại nhiều lần. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều ác, lương tâm mờ tối và lệch lạc trong việc thẩm định giá trị luân lý.

Có thể xếp loại các thói xấu dựa vào các nhân đức mà chúng đối nghịch, hoặc dựa vào bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, ghen ghét, hờn giận, mê ăn uống và làm biếng.


2. Đồng lõa với tội lỗi:
Tội là một hành vi cá nhân, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về tội của người khác, khi cộng tác với họ dưới nhiều hình thức: tham gia trực tiếp và cố tình; ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành; không ngăn cản khi có bổn phận phải làm; bao che cho người làm điều ác.
Tội lỗi là kinh nghiệm thực tế của mỗi người và mọi người "Nếu chúng ta nói mình không có tội thì ta tự lừa dối mình" (1Ga 1,8). Nhưng đồng thời, Kinh Thánh xác quyết "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20). Nói như thế không phải để ta buông thả trong tội lỗi, nhưng để ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, và tình thương ấy thúc đẩy ta vươn lên không ngừng, sống phù hợp với ơn gọi làm con cái Chúa.
Bài 44
ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
(x. SGLC từ 1878 đến 2948)
"Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Cũng thế, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện" (MV 32).
"Con người là sinh vật mang tính xã hội, và càng ngày mối liên hệ giữa con người và xã hội càng trở nên chặt chẽ hơn. Đời sống Đức tin cũng không thể tách ra khỏi những sinh hoạt xã hội. Hơn thế nữa, đức tin là men, là muối, là ánh sáng cho mọi sinh hoạt của con người trong xã hội. Vì thế, cần tìm hiểu đời sống xã hội để sống đức tin cách cụ thể và mang lại nhiều hoa trái" (MV 32).
I. CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
1. Đặc tính cộng đoàn của ơn gọi làm người:
Kinh Thánh xác định rõ ràng: lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em (x.ra 13,9-10; 1Ga 4,10). Hơn thế nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha "Xin cho mọi người nên một... như Chúng Ta là một" (Ga 17,21-22), Đức Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Chúa trong chân lý và Đức Ái (MV 24). Con người là hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa của chúng ta lại là cộng đoàn ba ngôi vị; vì thế, đặc tính cộng đoàn đã được in sâu vào bản tính con người.
Thật vậy, con người cần được sống trong xã hội. Nhờ sự trao đổi, đối thoại với người khác và nhờ sự phục vụ lẫn nhau, con người phát triển khả năng của mình. Mỗi người đều đón nhận từ xã hội nhiều di sản làm nên nhân cách của mình, và đến lượt họ, phải góp phần xây dựng xã hội.
Tuy nhiên, nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mạng của mình, kể cả sứ mạng tôn giáo thì cũng không thể phủ nhận rằng "con người vì những hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa cách không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác" (MV 25). Ngoài ra, sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước có thể đe dọa tự do và sáng kiến của cá nhân. Chính vì thế phải làm sao để mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội được hài hòa và mang lại nhiều ích lợi.


2. Để xây dựng một quan hệ hài hòa:
Để xây dựng một quan hệ tốt đẹp và ích lợi giữa cá nhân và xã hội, Hội Thánh đưa ra một vài hướng dẫn:
a) Nguyên tắc hỗ trợ:
Thiên Chúa đã không dành cho mình mọi quyền bính, nhưng Ngài đã trao phó cho mỗi tạo vật những chức năng phù hợp. Cũng vậy trong đời sống xã hội, một cộng đoàn lớn không thể can thiệp vào nội bộ một cộng đoàn nhỏ nhằm tước đoạt chức năng của nó; nhưng phải nâng đỡ và cùng hoạt động để mang lại công ích.
b) Thang giá trị:
Để đời sống xã hội thực sự giúp con người phát triển, phải tôn trọng thang giá trị chân chính, tức là biết đặt chiều kích nội tâm và tinh thần lên trên chiều kích thể lý và bản năng. Có những cái vốn chỉ là phương tiện nhưng người ta lại coi như cứu cánh tối hậu. Và nhiều khi người ta biến con người thành phương tiện sử dụng như những phương tiện vật chất, trong khi "Nhân vị là chính và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" (MV 25).
c) Lời mời gọi hoán cải:
Sống giữa xã hội, người Kitô hữu dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc xã hội, kể cả những trào lưu xấu. Vì thế phải hoán cải, sự hoán cải sâu xa trong tâm hồn và thường xuyên. Đồng thời sự hoán cải ấy thúc đẩy ta can đảm cải thiện môi trường sống khi nó dẫn con người đến tội lỗi. "Phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội" (MV 26).
Trong thực tế, nhiều khi khó nhận ra được đâu là con đường phải đi, và phải có rất nhiều can đảm để dám đi con đường của Đức Ái, của Tình Thương hiến thân. Vì thế, cần cầu nguyện để đón nhận ơn Thiên Chúa nâng đỡ.
II. THAM GIA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
1. Quyền bính:
Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần đến quyền bính cai trị, để duy trì trật tự và bảo vệ công ích. Với đức tin người Kitô hữu còn nhìn mọi quyền bính đều từ Thiên Chúa mà đến "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập" (Rm 13,1). Vì thế mọi người có bổn phận phải vâng phục, tôn trọng những người thực thi quyền bính. Ngược lại, người có quyền bính cũng không thể hành xử cách độc tài. Quyền bính chỉ được thi hành cách hợp pháp khi kiếm tìm, phục vụ công ích và sử dụng những phương thế thích hợp về mặt luân lý.
Trong thực tế, ta thấy có nhiều thể chế chính trị khác nhau. Điều nầy không có gì lạ, vì "Đã hẳn cộng đoàn chính trị và công quyền xây nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm trong trật tự do Chúa an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân" (MV 74). Điều quan trọng là dù thể chế chính trị nào, cũng phải phục vụ lợi ích hợp pháp của cộng đoàn xã hội.

2. Công ích:
Công ích là "Toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn" (MV 26). Như thế, công ích bao gồm ba yếu tố thiết yếu:
Trước hết là tôn trọng con người, với những quyền căn bản của con người và sự tự do cần thiết cho ơn gọi làm người được phát triển. Chẳng hạn "quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo" (MV 26).
Thứ đến là an ninh xã hội, "những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình...” (MV 26).
Cuối cùng là tình trạng ổn định và an ninh trong xã hội. Bằng những phương thế thích hợp, chính quyền phải bảo vệ an ninh cho toàn xã hội, cũng như các thành viên trong xã hội.
Ngày nay, mối liên hệ giữa các quốc gia càng ngày càng trở nên chặt chẽ. Vì thế, phải quan tâm đến công ích ở tầm vóc quốc tế. Để đạt mục đích nầy "Các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lĩnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm... trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải rác trên khắp thế giới, cứu trợ những người di cư và gia đình họ" (MV 54).
3. Trách nhiệm và tham gia:
Tùy theo vị trí và vai trò của mình, mỗi người cần phải tham gia vào việc phục vụ và phát triển công ích. Sự tham gia nầy được thể hiện trước hết bằng việc chu toàn trách nhiệm cá nhân trong xã hội. Đồng thời người công dân cũng phải góp phần vào những công việc chung. "Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho càng đông công dân càng tốt, được tham gia việc nước trong sự tự do đích thực" (MV 31).
Sự tham gia với tinh thần trách nhiệm như thế chỉ có được trên nền tảng giáo dục và văn hóa. "Phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và người nữ không những tài giỏi và văn hóa, mà còn có tâm hồn cao thượng" (MV 31). Đồng thời "phải trau dồi nơi chính mình những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội. Như vậy với sự trợ giúp cần thiết của ơn thánh Chúa, sẽ có những con người mới thực sự và là những người kiến tạo nhân loại mới" (MV 30).
III. CÔNG BẰNG XÃ HỘI
Gắn liền với công ích và việc thực thi quyền bính là đòi hỏi công bằng xã hội. Đòi hỏi nầy chỉ được thực hiện nhờ tôn trọng con người, xây dựng sự bình đẳng và tình liên đới nhân loại.
1. Tôn trọng con người:
Công bằng xã hội chỉ có được nhờ sự tôn trọng phẩm giá cao cả của con người. Việc tôn trọng phẩm giá được cụ thể hóa qua việc tôn trọng những quyền căn bản của con người. Đây chính là nền tảng cho sự hợp pháp về mặt luân lý của mọi quyền bính. Nếu không có sự tôn trọng nầy, quyền bính chỉ dựa vào bạo lực mà cai trị, và như thế làm xói mòn nền tảng hợp pháp của quyền bính về mặt luân lý.
Giáo hội nhấn mạnh rằng "Mỗi người đều phải coi người đồng loại, không trừ một ai, như cái tôi thứ hai của mình... phải trở nên người lân cận của bất cứ ai và tích cực giúp đỡ họ khi họ đến với mình" (MV 27). Đòi hỏi nầy càng khẩn thiết hơn khi người lân cận đó là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi vì "Điều gì các ngươi làm cho một trong những người hèn mọn, là làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Hơn thế nữa, giáo lý của Chúa Kitô còn nới rộng giới răn yêu thương đến mức "yêu cả kẻ thù nghịch mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu oan cho mình" (Mt 5,43-44). Vì thế, người Kitô hữu ghét sự ác nhưng không ghét bỏ người làm điều ác; trái lại vẫn yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ.
2. Bình đẳng và khác biệt:
Công bằng xã hội cũng đòi hỏi phải nhìn nhận sự bình đẳng giữa mọi người, cho dầu có những khác biệt.
Mọi người đều bình đẳng với nhau vì có chung một nguồn gốc là Thiên Chúa, chung một bản tính nhân loại và chung một cùng đích là hạnh phúc Nước Trời.
Trong thực tế, con người có những khác biệt nhau về tuổi tác, năng lực, trí tuệ và tinh thần. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, khi bước vào cuộc đời nầy, những nén bạc được giao phó không đồng đều. (x.Mt 25,14-30). Nhưng Chúa quan phòng đã muốn như thế để dạy con người bài học về liên đới và chia sẻ: mỗi chúng ta cần đón nhận từ người khác và cũng cần chia sẻ cho người khác; nhờ đó cuộc sống chung trở thành phong phú hơn.
Chính vì thế, "sự chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần, hay những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại, thực là những gương xấu, và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế" (MV 29).

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương