HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang15/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   23

II. NGHI THỨC AN TÁNG KITÔ GIÁO
Trong ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, ý nghĩa của sự chết được bày tỏ. Đối với người Kitô hữu, chết là "lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa" (2Cr 5,8); ngày chết là ngày hoàn thành ơn tái sinh đã bắt đầu trong Bí tích Thánh tẩy, là ngày dự Tiệc Nước Trời đã bắt đầu trong Bí tích Thánh Thể. Hội Thánh là một người mẹ đã cưu mang con trong suốt hành trình trần thế, cũng đi theo người con ấy cho tới điểm cuối của cuộc hành trình, hiến dâng người con đó cho Chúa, trao gởi người con đó cho lòng đất, với niềm hy vọng sẽ được phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 42-44). Vì thế, nghi thức an táng của Kitô giáo tràn ngập niềm tín thác và hy vọng.
Nghi thức an táng là cử hành phụng vụ chính thức, nhằm diễn tả sự hiệp thông của cộng đoàn với người đã khuất, đồng thời công bố Tin Mừng về đời sống vĩnh cửu và ơn phục sinh trong Chúa Kitô.

PHẦN 3
LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Trong phần 1, chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và những hồng ân quí giá Người ban cho nhân loại. Hồng ân cao cả nhất là Thiên Chúa đã trao ban chính Người Con Một yêu dấu cho ta, và trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, Người Con ấy đã hoàn thành công trình cứu chuộc loài người. Cử hành Phụng vụ và Bí tích chính là cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, để sinh ơn ích cho tất cả mọi người (Phần 2).
Đã đón nhận Chúa Kitô thì phải sống làm sao cho "xứng đáng với Tin Mừng Chúa Kitô" (Dl 1,27), phải kết hợp với Ngài và sống theo mẫu mực của Ngài (x. Ga 13, 12-16). Đức tin mà ta tuyên xưng và cử hành, phải dẫn đến một lối sống cụ thể, phù hợp và xứng đáng với danh nghĩa Kitô hữu. Chính vì thế, sau phần tuyên xưng đức tin và cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, cần phải tìm hiểu về đời sống luân lý.
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu những nền tảng của đời sống luân lý như: tự do, lương tâm, nhân đức, tội lỗi... Và sau đó, tập trung vào Thập Giới, như những chỉ dẫn cụ thể cho cuộc sống hằng ngày.
KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN
Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều răn:
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ Hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ Ba: Giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ Bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ Năm: Chớ giết người.
Thứ Sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ Bảy: Chớ lấy của người.
Thứ Tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ Chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ Mười: Chớ tham của người.
Mười Điều Răn ấy tóm lại hai điều này là trước hết kính yêu một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như yêu mình ta vậy. Amen.

Bài 38
CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH

CỦA THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 1701 đến 1724)
"Hỡi người Kitô Hữu hãy nhận biết phẩm giá của mình vì bạn được thông phần bản tính Thiên Chúa" (Thanh Lêô Cả, Giáo hoàng). "Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự sáng tỏ trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập thể... Bởi vì Chúa Kitô đã bày tỏ cho con người biết bản chất đích thực của chính mình và khám phá ra ơn gọi cao cả của mình"

(MV 22)


I. CON NGƯỜI CÓ PHẨM GIÁ CAO CẢ
Kinh Tin Kính tuyên xưng vẻ cao cả của muôn hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho con người trong việc sáng tạo, và còn cao cả hơn nữa trong việc cứu độ và thánh hóa con người. Chính Chúa Kitô khi nhập thể làm người, đã mạc khải trọn vẹn cho ta về phẩm giá con người: "Con người có hồn thiêng bất tử là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ" (MV 24), và ngay khi thụ thai, con người được dành cho số phận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người đã sắp đặt cho, có ý chí để có thể tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do là "là dấu hiệu đặc sắc nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi họ" (x. MV 17). Nhờ các khả năng đó, con người nhận ra được tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ (MV 16). Tiếng nói này luôn luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá của mình.
Tuy nhiên "ngay từ đầu lịch sử, con người bị quỷ dữ dụ dỗ và họ đã lạm dụng tự do của mình" (MV 13) để làm điều xấu. Dẫu thế con người vẫn còn giữ được lòng ao ước điều thiện, nhưng vì đã bị tổn thương bởi nguyên tội, họ dễ hướng về điều ác và dễ bi sai lầm(x. Mt 13), khiến phẩm giá của họ bị hủy hoại.
II. CHÚA KITÔ PHỤC HỒI PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Tội lỗi đã hủy hoại phẩm giá cao cả của con người, nhưng Chúa Kitô đã dùng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người giải thoát ta khỏi tội lỗi và làm cho ta đáng được sự sống mới trong Thánh Thần. Người phục hồi những gì mà tội lỗi đã hủy hoại. Nếu ta tin vào Chúa Kitô, ta được trở thành con Thiên Chúa nghĩa là được biến đổi để sống đời sống mới trong Thánh Thần, theo gương Chúa Kitô, để luôn hành động ngay chính và thực hành điều thiện. Nhờ đó đời sống luân lý của ta được triển nở, giúp ta tiến tới đức ái toàn hảo, để đạt được vinh quang và hạnh phúc Nước Trời.
III. CON NGƯỜI ĐƯỢC MỜI GỌI HƯỞNG HẠNH PHÚC NƯỚC TRỜI
Tâm điểm việc giảng dạy của Đức Giêsu là Nước Trời và các mối phúc thật. Nước Trời lại gắn liền với các mối phúc (x.Mt 5.3.12). Các mối phúc vừa mô tả khuôn mặt Chúa Kitô (nghèo khó, hiền lành, bị bách hại) vừa mô tả đức ái của Người (thương xót, hòa giải). Chúng cũng soi sáng cho ta hiểu đâu là hành động và thái độ tiêu biểu của đời sống Kitô hữu. Chúng nâng đỡ Kitô hữu trong những lúc gian truân và báo trước Thiên Chúa sẽ chúc phúc cũng như ban thưởng xứng đáng cho họ.
Các mối phúc còn đáp ứng khát vọng tự nhiên của con người muốn được hạnh phúc. Khát vọng hạnh phúc này cũng bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, và chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn được. Tân ước đã dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban: được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5,8), được vào hưởng niềm vui (Mt 25,21,23), được vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa (Dt 4, 7, 11), được vào Thiên đàng (Lc 23,43), được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), được sống đời đời (Ga 17,3), được vào trong vinh quang của Chúa Kitô (Rm 8,18).
IV. CÁC MỐI PHÚC LÀ TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐÁNH GIÁ VÀ HƯỚNG DẪN ĐỜI SỐNG
Các mối phúc giúp ta thấy rõ mục đích của cuộc đời và cùng đích tối hậu của mọi hành vi con người, đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt con người trước các mối phúc để họ phải chọn lựa và quyết định đời sống luân lý của mình. Họ phải nhận biết ý muốn của Thiên Chúa để thanh tẩy mình khỏi những bản năng xấu, loại bỏ quan niệm sai lầm coi hạnh phúc chỉ tại cốt giàu sang, danh vọng, quyền lực, hoặc chỉ cốt tại những công trình loài người, dẫu rất hữu ích như khoa học kỹ thuật. Các mối phúc là con đường dẫn tới Nước Trời. Chúa Kitô phải từng bước dấn thân vào con đường ấy, nhờ Lời Chúa Kitô và ân sủng Chúa Thánh Thần mà thực hiện những hành vi trong đời thường để sinh hoa kết trái tốt đẹp cho đồng loại và làm vinh danh Thiên Chúa.
V. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI VÀ HẠNH PHÚC VĨNH CỬU
Con người có phẩm giá vì được Thiên Chúa yêu thương, được dựng nên giống hình ảnh Người, nghĩa là có lý trí, có ý chí, có tự do để chọn lựa điều thiện và có thể đạt tới hạnh phúc mà mình khát vọng. Nhờ phẩm giá cao cả đó, con người có thể yêu mến Thiên Chúa, yêu thương nhau, và yêu cả vũ trụ vạn vật nữa. Khi con người sống đúng phẩm giá mình, họ chứng tỏ mình đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa, và được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Con của Chúa Cha (Rm 8,29), được thông phần bản tính Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Ơn gọi nầy liên hệ đến bản thân riêng mỗi người trước hết, nên mỗi người phải ý thức phẩm giá và ơn gọi đó, để tự nguyện đáp trả tình thương của Thiên Chúa.
Xưa các nhà hiền triết Á Đông chúng ta trực giác bằng con người "linh hơn vạn vật" và đã dạy mỗi người phải lo sống cho xứng danh làm người (chính danh). Họ cũng trực giác rằng con người sinh ra vốn có tính "thiện" (nhân chi sơ tính bản thiện) thích làm điều thiện và khao khát hạnh phúc. Nhưng trong con người vẫn có thú tính nổi lên khiến con người hung dữ, tham lam... Nay nhờ mặc khải của Chúa Kitô, và nhờ ơn cứu độ của Người, Kitô hữu biết rõ hơn chỉ có hai con đường: con đường của Chúa Kitô "dẫn đến sự sống" và con đường ngược lại "dẫn tới diệt vong" (Mt 7,13). Hơn nữa, Kitô hữu còn được ân sủng của Thánh Thần hướng dẫn, trợ lực; vì thế, mỗi người phải sử dụng tự do của mình để suy nghĩ, chọn lựa, và quyết định đi theo con đường của Chúa Kitô, đường dẫn tới hạnh phúc thật trong Nước Trời.
Bài 39
TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
(x. SGLC từ 1730 đến 1748)
"Tự do là điều thời nay rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi... vì tự do đích thực là dấu hiệu đặc sắc nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người... vì thế phẩm giá con người đòi hỏi họ phải hành động theo một chọn lựa có ý thức, và tự do, nghĩa là chính họ phải được thúc đẩy và hướng dẫn từ nội tâm chứ không do bản năng hoặc áp lực bên ngoài" (MV 17).

I. TỰ DO ĐÍCH THỰC
Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí và tự do, nhờ đó có sáng kiến và làm chủ hành vi của mình. Tự do là khả năng hành động hoặc không hành động, làm cái nầy hay làm cái kia, chọn lựa sự thiện hoặc sự ác, tăng trưởng tới toàn thiện hoặc suy sụp trong tội lỗi. Tự do là nguồn mạch sinh ra khen thưởng hoặc quở phạt, có công hay đáng tội. Khi chọn bất tùng phục hoặc chọn sự ác là ta lạm dụng tự do, và làm cho mình "nô lệ tội lỗi" (x.ra 6,17). Trái lại, khi ta càng làm điều thiện, ta càng tự do hơn. Như vậy, con người chỉ tự do đích thực khi phục vụ điều thiện và sự công chính; và tự do ấy chỉ đạt tới hoàn hảo khi họ tìm kiếm Đấng Tạo Hóa và tự nguyện gắn bó với Người, nhờ đó họ đạt tới hạnh phúc thật. Đức Maria và các Thánh là những người tự do đích thực.

II. TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
Khi con người đã suy nghĩ và chủ ý hành động một cách tự do thì con người bị ràng buộc với hành động đó, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tất cả mọi hành động do con người đã trực tiếp muốn thì trách nhiệm qui về họ. Trách nhiệm nầy có thể giảm bớt thậm chí có thể không còn nữa, do họ đã không hiểu biết, hoặc do vô tình mà làm, do bị bạo lực hay bị sợ hãi, do quá quen hoặc do cảm xúc quá mạnh, do các nhân tố tâm thần hoặc xã hội khác...
Như vậy tự do là đặc tính của các hành vi thuộc con người, được gọi là hành vi nhân linh. Vì thế mỗi người đều có quyền tự nhiên đòi người khác phải thừa nhận mình là người có tự do và trách nhiệm; và khi mỗi người hành xử quyền tự do của mình là phải hành xử trong tôn trọng quyền hành xử tự do của người khác. Quyền hành xử tự do là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, nhất là trong vấn đề luân lý và tôn giáo. Quyền đó đòi dân luật phải công nhận cũng như bảo vệ trong những gì liên quan đến công ích và trật tự công cộng. Con người có trách nhiệm về tự do của mình và tôn trọng tự do chính đáng của người khác.
III. TỰ DO VÀ TỘI LỖI
Vì có ý chí tự do nên mỗi người phải tự quyết định về chính mình. Tuy nhiên tự do của con người chỉ có giới hạn và dễ lầm lẫn. Mà sự thực là họ đã lầm lẫn đã tự ý phạm tội, đã tự dối mình để chối bỏ dự án yêu thương của Thiên Chúa, và trở thành nô lệ tội lỗi. Việc con người sử dụng sai tự do của mình lúc ban đầu đã sinh ra muôn ngàn sai lầm khác khiến "từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp... " (Mc 7,21,23) gây nên bao điều bất hạnh và áp bức suốt dòng lịch sử.
Tự do của con người chỉ giới hạn nghĩa là họ không có quyền nói và làm bất cứ điều gì. Do đó, thật là sai lầm khi "con người tự coi mình được làm chủ tự do của mình, được tự túc để thỏa mãn tư lợi trong việc hưởng thụ của cải trần gian" (Thánh bộ Đức Tin). Ngoài ra, họ còn thường bỏ qua và vi phạm cả những điều kiện để hành xử tự do cách chính đáng trong phạm vi kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa... chẳng hạn chủ trương kinh tế chỉ huy độc tài quân phiệt, độc đảng, tôn giáo độc quyền... Những mù quáng và bất công đó khiến cho kẻ mạnh cũng như người yếu đuối bị cám dỗ vi phạm luật bác ái. Làm như thế con người gây tổn thương cho chính tự do của mình, trở thành nô lệ chính mình và cắt đứt tình anh em với mọi người, cũng như nổi loạn chống Thiên Chúa.
IV. TỰ DO VÀ ÂN SỦNG
Con người đã hành xử tự do sai lầm nên bị giam cầm trong nô lệ tội lỗi và sự xấu. Nhưng "Chúa Kitô đã dùng thập giá vinh quang để giải thoát cho ta được tự do" (Gl 5,1), và ban cho mỗi người quyền thống trị tội, đồng thời giúp ta tìm lại ý nghĩa của tự do, nhờ đó ta có thể đạt tới điều thiện và chu toàn ơn gọi "làm con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21). Như thế, Chúa Kitô vừa ban khả năng vừa ban cả phương tiện để ta có thể đạt tới điều thiện cao nhất, đạt tới chí thiện "như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Khả năng và phương tiện ấy, giáo lý gọi là ân sủng.
Nhưng khi ban ân sủng cho ta, Thiên Chúa không cưỡng bức hay trấn áp ta, mà chỉ mời gọi ách dịu dàng êm ái. Ta luôn vẫn hoàn toàn tự do. Ta nghe theo để tiếp nhận khả năng cũng như phương tiện Thiên Chúa ban thì ta được phúc. Trái lại, ta nhất quyết từ chối hay phản đối thì ân sủng trở thành vô ích, chỉ còn lại lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa và lòng chai đá cứng cỏi của ta. Ân sủng của Chúa không cạnh tranh với tự do của ta, mà trái lại, hễ ta càng buông mình theo thúc đẩy của ân sủng thì tự do nội tâm của ta càng tăng triển, và ta càng được kiên vững trong thử thách cũng như trước mọi áp lực và cưỡng bức của trần gian; như kinh nghiệm cầu nguyện chứng tỏ. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa sẽ dùng ân sủng để giáo dục tự do nội tâm của chúng ta, giúp ta trở thành những cộng tác viên tự nguyện cho công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới.
V. TỰ DO CỦA CON CÁI THIÊN CHÚA
Các nhà hiền triết Á Đông chúng ta xưa, chưa được ánh sáng Thiên Chúa mặc khải, nhưng đã trực giác rằng con người thuở ban sơ vốn có tính "thiện" và vẫn ấp ủ mơ ước đạt tới chí thiện, tuy chưa rõ chí thiện là gì. Khi Chúa Kitô đến, Người đã giải thoát ta khỏi nô lệ tội lỗi và mặc khải cho biết chí thiện là "hoàn thiện như Cha trên trời" (Mt 5,48). Tuy nhiên đó là lý tưởng siêu việt, con người tội lỗi làm sao vươn tới được, nhưng ta có ơn gọi và gương mẫu vừa tầm ta hơn là Đức Giêsu Kitô, Con Chúa Cha, Đấng đã xuống thế làm người để trở nên Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc (x.ra 8,29). Ơn gọi của ta là trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô "Đấng đã giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do" (Gl 5,1). Do đó ta có bổn phận tự nguyện đáp trả ơn gọi ấy bằng cách luôn chiến đấu để đạt tới "tự do của con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21). Thánh Phêrô căn dặn "Anh em hãy sống như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như tôi tớ của Thiên Chúa" (1Pr 2,16). Thánh Phaolô cũng khuyên: "Anh em đã được gọi để hưởng tự do, có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau" (Gl 5,13).
Đó là cuộc chiến đấu thường ngày của mỗi người, cuộc chiến đấu không dễ dàng, vì Đức Giêsu cũng đã bị cám dỗ, Kitô hữu luôn phải đối diện với cám dỗ thử thách. Kitô hữu phải không ngừng chế ngự và thuần hóa cái lý trí và ý chí phàm tục, thường chống lại tự do của con cái Thiên Chúa. Chế ngự và thuần hóa bằng cách buông theo ân sủng của Chúa Thánh Thần, bởi vì "ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do" (2Cr 3,17). Thần Khí của Chúa giúp ta trở nên tôi tớ để phục vụ Thiên Chúa và anh em như Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Bài 40
TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ
(x. SGLC từ 1749 đến 1775)
"Xét theo phẩm giá, mọi người vì là những nhân vị, nghĩa là người có lý trí và ý chí tự do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình" (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo 2)... Vậy trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình tùy theo chính họ đã làm điều thiện hay điều ác"

(MV 17)


I. CHỦ TẾ LUÂN LÝ VÀ HÀNH VI NHÂN LINH
Mỗi người là một nhân vị, nghĩa là có những đặc thù là họ khác biệt với các hữu thể khác, và làm nên phẩm giá cũng như quyền hạn của họ. Nhân vị có đặc tính nổi bật nhất là chủ thể tính, nghĩa là làm chủ nhân duy nhất của các hành vi cũng như của việc thực hiện bản thân mình. Mỗi người là một nhân vị, nên là một chủ thể, nhưng họ phải làm chủ mình và các quyền hạn của mình, sao cho nhân vị mình được triển nở phù hợp với phẩm giá; và họ còn nghĩa vụ phải tôn trọng chủ thể và quyền hạn của các nhân vị khác trong xã hội. Làm chủ như thế con người trở thành một chủ thể luân lý. Và khi con người hành xử quyền làm chủ và các nghĩa vụ của mình thì những hành vi nào phát xuất từ ý chí tự do đều được gọi là hành vi nhân linh.
Như vậy khi hành xử tự do theo lý trí thì con người trở thành một chủ thể luân lý. Và hành vi phát xuất từ phán đoán và tự do chọn lựa ấy, xét về mặt luân lý, là hành vi nhân linh, hành vi có thể tốt hay xấu, có tính luân lý.
II. TÍNH LUÂN LÝ (TỐT XẤU) CỦA HÀNH VI NHÂN LINH
Tính luân lý của hành vi nhân linh tùy thuộc vào ba nguồn là: đối tượng được chọn, mục đích nhắm tới hay ý tưởng, và hoàn cảnh của hành vi. Ba nguồn nầy là những yếu tố làm cho hành vi nhân linh có tính luân lý.
Đối tượng được chọn là: Tiêu chuẩn đầu tiên để xét xem một hành vi tốt hay xấu. Đối tượng được chọn sẽ định loại hành vi là tốt xấu, tùy theo lý trí nhận xét và phán đoán nó có phù hợp hay không với sự thiện đích thực. Chọn một đối tượng tự bản tính là xấu thì toàn bộ hành vi là xấu, dầu ta có nhắm tới mục đích nào hoặc làm trong hoàn cảnh nào. Chẳng hạn chọn đối tượng là tà dâm, một điều tự bản chất là xấu thì dầu có nhắm tới mục đích hay ở trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là hành vi xấu.
Mục đích nhắm tới hay ý hướng đây là yếu tố chủ chốt để đánh giá tính luân lý của hành vi, chúng có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất luân lý của đối tượng và khiến đối tượng tốt có thể thành xấu. Bởi vì cũng một đối tượng nhưng mục đích nhắm tới và ý hướng thúc đẩy lại khác nhau. Chẳng hạn phục vụ hay bố thí có thể vì yêu mến Chúa, vì muốn giúp đỡ tha nhân, cũng có thể để mong nhận lại một ân huệ, hoặc để khoe mình lấy tiếng... Nhưng mục đích không thể biện minh cho phương tiện.
Hoàn cảnh của hành vi, bao gồm cả các hậu quả của nó, là những yếu tố phụ thuộc vào hành vi luân lý, chúng có thể làm hành vi tốt hơn hay xấu hơn, hoặc làm cho chủ thể hành vi thêm hoặc bớt trách nhiệm. Các hoàn cảnh tự chúng không thể biến đổi tính luân lý của hành vi.
III. ĐAM MÊ VÀ ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ
Con người tự điều hành mình tới hạnh phúc nhờ các hành vi nhân linh, trong đó các đam mê có phần đóng góp quan trọng. Theo truyền thống Kitô giáo, đam mê là những cảm xúc hoặc những chuyển động mạnh mẽ của tình cảm, hướng con người đến hành động hoặc không hành động, tùy theo họ cảm thấy hoặc tưởng là tốt hay xấu. Đam mê là chỗ giao lưu giữa sinh hoạt cảm giác và sinh hoạt của tinh thần. Nó gồm nhiều thứ, nhưng căn bản nhất là yêu thương. Từ đam mê căn bản nầy phát xuất ra các đam mê khác: yêu thương được thỏa mãn thì vui mừng, chưa được thì ham muốn, được nhưng chưa chắc thì sợ mất, muốn mà không được thì buồn, bị phản bội thì giận ghét... Xét về mặt luân lý, đam mê tự bản chất thì không xấu cũng không tốt.
Đam mê là những cảm xúc sôi nổi làm chuyển biến cơ thể con người (khóc, cười, đỏ mặt, tái xanh, run... ) và có vai trò quan trọng trong đời sống luân lý. Đam mê được đánh giá tốt hay xấu tùy theo chúng thực sự bị chi phối bởi lý trí và ý chí, và khi chúng góp phần vào một hành vi tốt hay xấu. Vì thế con người phải làm chủ để sử dụng các đam mê, không tiêu diệt chúng cũng không để chúng tung hoành phóng túng. Những đam mê được sử dụng tốt có thể trở thành nhân đức (yêu thương biến thành bác ái...) trái lại, nếu để chúng phóng túng có thể biến thành tính xấu (buồn biến thành thất vọng...). Kitô hữu còn được Chúa Thánh Thần trợ giúp để sử dụng và quy hướng đam mê tới các nhân đức Tin, Cậy, Mến để có thể hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật, đảm bảo cho hạnh phúc cả đời nầy lẫn đời sau.
IV. LÝ TRÍ VÀ CON TIM
"Muốn đạt được sự thiện luân lý tới mức toàn hảo, con người cần được động viên không những chỉ bởi ý chí mà còn bởi cả con tim nữa" (Sách Giáo lý 1775) Thiên Chúa đã ban cho con người phẩm giá cao cả là vừa có lý trí vừa có con tim, con người phải sử dụng mọi năng lực của mình trong việc theo đuổi ơn gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng con người đã bị thương tổn vì nguyên tội, nên càng phải tự mình cố gắng và cậy nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần trợ giúp mới làm chủ các năng lực đó cách hài hòa và kiên trì được. Đó chính là trách nhiệm của Kitô hữu đối với ơn gọi của mình.

Kitô giáo nói đến đam mê, còn người Á Đông chúng ta gọi là "thất tình" (bảy tình) đó là: vui (hỉ), giận (nộ), buồn (ai), sợ (cụ), yêu (ái), ghét (ố), ham muốn (dục). Kitô giáo cũng như các nhà hiền triết Á Đông chúng ta không chủ trương diệt các đam mê, nhưng mời gọi ta làm chủ và quy hướng chúng về mục đích tốt, về "chí thiện" (Sự thiện toàn hảo), chẳng hạn không ham muốn giàu sang nhưng ham muốn làm vinh danh Thiên Chúa; hoặc mời gọi ta giữ cho chúng không thái quá, không bất cập, giữ sự "trung dung" đúng nghĩa, chẳng hạn buồn mà không thất vọng, giận mà không phạm tội...


Dùng lý trí để làm chủ đam mê và hướng chúng tới "chí thiện" thì trí năng được khích thích và dễ thăng tiến, ý chí được tăng cường và dễ kiên quyết. Khi lý trí và con tim cùng chung sức và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần trợ giúp, con người chắc chắn đạt tới chí thiện.

Bài 41
LƯƠNG TÂM
(x. SGLC từ 1776 đến 1802)
"Dân ngoại là những người không có luật Môsê, nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dạy thì họ là luật cho chính mình, mặc dù họ không có luật Môsê. Họ cho thấy là điều gì luật đòi hỏi thì đã được khắc ghi trong lòng họ, lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải" (Rm 2,14-16).

I. LƯƠNG TÂM LÀ GÌ?
Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác (x.MV 16). Ta gọi tiếng nói ấy là lương tâm, và bởi vì tất cả mọi người đều nhìn nhận sự có mặt của lương tâm, nên lương tâm trở thành nền tảng để tất cả mọi người cùng tìm kiếm và giải quyết những vấn đề luân lý trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống xã hội.
Đối với người Kitô hữu, lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Ở đó "con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (MV 16). Chính vì thế, khi nghe theo tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa.
Để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm, cần phải lắng đọng tâm hồn và nhìn vào phía bên trong. Cuộc sống hôm nay quá ồn ào và vội vã, con người hôm nay có khuynh hướng trốn tránh suy nghĩ, hồi tâm và kiểm điểm. Càng sống trong thời đại như thế, ta càng cần phải tập thói quen trở về với chính mình trong thinh lặng và suy niệm; nhờ đó có thể gặp gỡ Chúa là Đấng ở trong ta còn sâu hơn chính ta (Âu tinh).
II. HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM
Lương tâm đã được Thiên Chúa đặt để nơi lòng người chứ không do con người tạo nên, tuy nhiên lương tâm ấy có thể bị biến chất do những điều kiện sống chung quanh. Vì thế, cần phải huấn luyện lương tâm, để có thể phán đoán ngay thẳng và chân thật.
Lương tâm ngay thẳng bao gồm ba yếu tố:
- Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
- Ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh cụ thể.
- Phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm.
Huấn luyện lương tâm là nhiệm vụ phải thực hiện suốt đời. Công việc ấy phải được bắt đầu từ thuở ấu thơ, vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Được huấn luyện tốt, lương tâm sẽ trở thành tấm bảng chỉ đường quý giá, dẫn con người đến tự do đích thực, và mang lại sự bình an cho tâm hồn.
Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa đóng vai trò rất quan trọng. Vì "lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Chúa Kitô" (Newman), nghĩa là lương tâm chính là Lời của Chúa Kitô ở mức độ khởi đầu; cho nên nhờ ánh sáng Lời Chúa, lương tâm sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn.

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương