HỌc viện nông nghiệp việt nam


TÌNH HÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM



tải về 4.84 Mb.
trang5/16
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích4.84 Mb.
#38491
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

2.2. TÌNH HÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

2.2.1. Tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới


Sự nóng lên toàn cầu là rất rõ ràng với những biểu hiện của sự gia tăng nhiệt độ không khí và qua đó là mức tăng mực nước biển trung bình toàn cầu. Theo báo cáo gần đây của WMO, năm 2010 là năm nóng nhất trong lịch sử. Ngoài ra, trong mười năm qua (2001 - 2010), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 0,5oC so với giai đoạn 1961 - 1990, mức cao nhất đối với bất kỳ giai đoạn 10 năm nào kể từ khi bắt đầu quan trắc khí hậu bằng thiết bị đo đạc (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012). Theo số liệu của NOAA (Hoa Kỳ), tháng 6 năm 2010 được ghi nhận là tháng nóng nhất trên toàn thế giới kể từ những năm 1880, khi các quan trắc khí tượng được thực hiện một cách tương đối hệ thống. sự tăng lên của nhiệt độ không khí dẫn đến suy giảm khối lượng băng trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 1978 đến nay, lượng băng trung bình hàng năm ở Bắc Băng Dương giảm khoảng 2,1 - 3,3% mỗi thập kỷ (IPCC, 2007). Và điều này đã được minh chứng rõ ràng thông qua số liệu quan trắc ghi nhận sự tăng lên của nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước biển trung bình toàn cầu, sự tan chảy nhanh của lớp băng, làm tăng mực nước biển trung bình toàn cầu.

Trên phạm vi toàn cầu lượng mưa tăng lên ở các đới phía Bắc vĩ độ 30oB thời kỳ 1901 - 2005 và giảm đi ở các vĩ độ nhiệt đới, kể từ giữa những năm 1970. Ở khu vực nhiệt đới, mưa giảm đi ở Nam Á và Tây Phi với trị số xu thế là 7,5% cho cả thời kỳ 1901 - 2005. Ở đới vĩ độ trung bình và vĩ độ cao, lượng mưa tăng lên rõ rệt ở miền Trung Bắc Mỹ, Đông Bắc Mỹ, Bắc Âu, Bắc Á và Trung Á. Tần số mưa lớn tăng lên trên nhiều khu vực, kể cả những nơi lượng mưa có xu thế giảm đi (IPCC, 2007). Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) chịu sự chi phối của biến đổi nhiệt độ nước biển, của hoạt động ENSO. Xu thế tăng cường hoạt động của XTNĐ rõ rệt nhất ở Bắc, Tây Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.



Các nghiên cứu từ số liệu quan trắc trên toàn cầu cho thấy, mực nước biển trung bình toàn cầu trong thời kỳ 1961 - 2003 đã dâng với tốc độ 1,8 0,5mm/năm, trong đó đóng góp do giãn nở nhiệt khoảng 0,42 0,12mm/năm và tan băng khoảng 0,70 0,50mm/năm (IPCC, 2007).

Nghiên cứu của Chuch và White năm 2009 cho rằng, tốc độ mực nước biển trung bình toàn cầu dâng khoảng 1,8mm/năm. Mực nước biển thay đổi không đồng đều trên toàn bộ các đại dương trên thế giới. Một số vùng tốc độ dâng có thể gấp một vài lần tốc độ dâng trung bình toàn cầu trong khi mực nước biển ở một số vùng khác lại có thể hạ thấp. Xu thế tăng của mực nước trung bình xuất hiện hầu hết tại các trạm quan trắc trên toàn cầu, mặc dù vẫn xuất hiện một số khu vực có xu hướng giảm như ở bờ biển phía Đông của Nam Mỹ và khu vực ven biển phía Nam Alaska và Đông Bắc Canada, vùng biển Scandinavia. Theo một số báo cáo của các nhà khoa học, trong thập kỷ vừa qua, mực nước biển dâng nhanh nhất ở vùng phía Tây Thái Bình Dương và phía Đông Ấn Độ Dương. Trên quy mô toàn cầu, xu thế biến đổi của mực nước biển tăng mạnh ở ven bờ Tây Thái Bình Dương đó có xu thế giảm ở bờ Đông Thái Bình Dương.

Bên cạnh nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng, con người cũng đã cảm nhận ngày càng rõ rệt về sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, các cơn bão trở nên mạnh hơn, nhiều đợt nắng nóng hơn; số ngày lạnh, đêm lạnh và sương giá giảm đi, trong khi các đợt nắng nóng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn; cường độ của những cơn bão và lốc nhiệt đới đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra 4 báo cáo đánh giá tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo lần thứ nhất năm 1990 là cơ sở để Liên Hợp Quốc quyết định thành lập Ủy ban Hiệp thương liên Chính phủ về một Công ước khí hậu và đã tiến tới Công ước Khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được ký kết tháng 6 năm 1992.

Báo cáo đánh giá lần thứ 2 năm 1994 là cơ sở để thảo luận và thông qua Nghị định thư Kyoto tại hội nghị lần thứ 3 các bên Công ước (1997).

Báo cáo đánh giá lần thứ 3 năm 2001, sau 10 năm thông qua Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Báo cáo lần thứ 4 năm 2007, sau 10 năm thông qua Nghị định thư Kyoto và 1 năm trước khi bước vào thời kỳ cam kết đầu tiên theo Nghị định thư (2008-2012), để chuẩn bị cho việc thương lượng về thời kỳ cam kết tiếp theo (Bộ Nông nghiệp & PTNT, 2010).

Mỗi lần đánh giá đều có những tiến bộ mới về nguồn số liệu và phương pháp, làm giảm đáng kể những điều chưa chắc chắn tồn tại trước đây, do đó nâng cao rõ rệt mức độ tin cậy của những kết luận về biến đổi khí hậu trong quá khứ cũng như trong tương lai.

Những kết luận chính trong báo cáo đánh giá lần thứ 4 của IPCC được công bố tháng 2 năm 2007.

● Sự nóng lên của hệ thống khí hậu trái đất hiện nay là chưa từng có và rất rõ ràng từ những quan trắc về sự tăng lên của nhiệt độ không khí và đại dương trung bình toàn cầu, sự tan chảy của băng và tuyết trên phạm vi rộng lớn và sự dâng lên của mực nước biển trung bình toàn cầu:

- Xu thế tăng nhiệt độ trong chuỗi số liệu 100 năm (1906 - 2005) là 0,74oC, lớn hơn xu thế tăng nhiệt độ 100 năm thời kỳ 1901 - 2000, trong đó riêng ở Bắc cực nhiệt độ đã tăng 1,5oC, gấp đôi tỷ lệ tăng trung bình toàn cầu.

- Xu thế tăng nhiệt độ trong 50 năm gần đây là 0,13oC/thập kỷ, gấp gần 2 lần xu thế tăng nhiệt độ của 100 năm qua. Nhiệt độ tăng tổng cộng từ 1850 - 1899 đến 2001 - 2005 là 0,76oC (0,58 - 0,95oC).

- Trong 12 năm gần đây (1995 - 2006) thì 11 năm trong số 12 năm nóng nhất trong chuỗi số liệu quan trắc bằng máy kể từ 1850.

● Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng với tỷ lệ trung bình 1,8mm/năm trong thời kỳ 1961 - 2003 và với tỷ lệ 3,1mm/năm trong thời kỳ 10 năm 1993 - 2003. Tổng cộng, mực nước biển dâng quan trắc được là 0,31m
( 0,07)/100 năm gần đây.

Chính sự tan băng ở Greenland, Bắc cực và Nam cực đã làm cho mực nước biển tăng nhanh hơn trong thời kỳ 1993 - 2003. Ngoài ra, nhiệt độ trung bình của địa dương toàn cầu tăng lên (ít nhất là tới độ sâu 3000m) cũng góp phần vào sự tăng lên của nước biển.

● Diện tích băng biển trung bình năm ở Bắc Cực đã thu hẹp với tỷ lệ trung bình 2,7%/ thập kỷ. Riêng trong mùa hè là 7,4%/ thập kỷ. Diện tích cực đại của lớp phủ băng theo mùa ở Bắc bán cầu đã giảm 7% kể từ 1990, riêng trong mùa xuân giảm tới 15%.

- Các báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về biến đổi khí hậu họp ở Brucxen (Bỉ) cho biết, ở Bắc cực, khối băng có độ dày khoảng 3 km đang mỏng dần và đã mỏng đi 66 cm. Ở Nam Cực, băng cũng đang tan với tốc độ chậm hơn và những núi băng ở Tây Nam Cực đổ sụp. Ở Greenland, những lớp băng vĩnh cửu đang tan chảy. Ở Alaska (Bắc Mỹ), nhiệt độ trung bình những năm gần đây đã tăng 1,5oC so với trung bình nhiều năm, làm tan băng và diện tích lớp băng vĩnh cửu giảm 40%, lớp băng hàng năm thường dày 1,2 m nay chỉ còn 0,3 m. Các núi băng trên cao nguyên Thanh Hải (Trung Quốc) ở độ cao 5000 m mỗi năm bị giảm trung bình 7% khối lượng và 50 - 60m độ cao, uy hiếp nguồn nước của các sông lớn ở Trung Quốc. Trong 30 năm qua, trung bình mỗi năm diện tích lớp băng trên cao nguyên Tây Tạng bị tan chảy khoảng 131km2, chu vi vùng băng tuyết bên sườn cao nguyên mỗi năm giảm 100 - 150m, có nơi tới 350m. Tất cả đang làm cạn kiệt hồ nước Thanh Hải - một hồ lớn nhất Trung Quốc - đe dọa sẽ bị biến mất trong vòng 200 năm tới. Nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, khối lượng băng tuyết ở khu vực cao nguyên sẽ giảm 1/3 vào năm 2050 và chỉ còn một nửa vào năm 2090, đe dọa hệ thống đường sắt trên cao nguyên.


2.2.2. Tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam


Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, hàng năm chịu ảnh hưởng của nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan như bão, lũ lụt, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán,... Có thể nói sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, cực đoan chính là thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay trong việc ứng phó với BĐKH. Tại Việt Nam, có khá nhiều bằng chứng về BĐKH.

* Hiện tượng thay đổi nhiệt độ

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008 trong vòng 50 năm trở lại đây (1951 – 2000), nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng 0,70C. Từ năm 1900 – 2000, cứ mỗi thập kỷ nhiệt độ trung bình lại tăng lên 0,10C, và có lẽ còn tăng nhanh hơn vào nửa sau thế kỷ. Mùa hè đã trở lên nóng hơn với mức tăng từ 0,1°C – 0,3°C một thập kỷ. Dự đoán nhiệt độ ở hầu hết các vùng miền của Việt Nam sẽ tăng thêm 2ºC – 4ºC vào năm 2100.

Theo thống kê trong 16 năm gần đây, số đợt nắng nóng hàng năm có xu thế tăng khá mạnh. Năm 2012 có tới 18 đợt nắng nóng, nhiều nhất trong giai đoạn này. Năm ít nhất là năm 1998 có 6 đợt. Tuy nhiên, đây lại là năm có tổng số ngày nắng nóng lớn nhất giai đoạn, lên tới 132 ngày trong 6 đợt. Trong các đợt nắng nóng mạnh, nhiệt độ ở một số nơi lên tới trên 40oC. Các tỉnh ven biển Trung Bộ, nhất là Bắc Trung Bộ, là nơi có tần suất nắng nóng lớn nhất và gay gắt nhất ở Việt Nam. Ví dụ, đợt nắng nóng xảy ra từ ngày 12 - 16/6/1998 ở Tĩnh Gia - Thanh Hóa nhiệt độ lên tới 40,9oC, còn trong đợt nắng nóng từ ngày 07 - 31/7/1998 đã đo được nhiệt độ cao nhất tại cửa Rào - Nghệ An là 41,2oC (Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, 2009).

* Hiện tượng thay đổi lượng mưa

Việt Nam xu hướng mưa lớn thường là hệ quả của một số hình thế, loại hình thời tiết như bão, ATNĐ, dải hội tụ nhiệt đới, front lạnh, đường đứt... Khi có sự kết hợp của chúng sẽ gây nên mưa lớn trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng, ngày được coi là mưa lớn được xác định từ tổng lượng mưa đo đạc trong 24h bao gồm: mưa vừa 16 - 50mm/24h, mưa to 51 - 100mm/24h, mưa to >100mm/24h. Một đợt mưa lớn diện rộng là một đợt mưa xảy ra liên tục trong một khoảng thời gian, trong đó có ít nhất một ngày ½ số trạm trên khu vực đo được lượng mưa lớn. Trung bình hàng năm trên cả nước có khoảng 25 đợt mưa lớn diện rộng. Thời kỳ tập trung mưa lớn diện tích rộng là tháng 4 đến tháng 12, sớm hơn ở các khu vực phía Bắc và muộn dần ở các khu vực phía Nam. Mưa lớn diện rộng tương đối nhiều ở các khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trong đó nhiều nhất là khu vực phía Đông Bắc Bộ. Các khu vực còn lại có số đợt mưa lớn diện rộng lại tương đối ít, trong đó ít nhất là khu vực ven biển Trung và nam Trung Bộ (Nguyễn Duy Chinh, 2004). Lượng mưa gia tăng vào mùa mưa, nhất là từ tháng 9 đến tháng 11, và ngược lại lượng mưa giảm vào mùa khô. Tính trung bình trong cả nước, lượng mưa năm trong 50 năm qua (1958 – 2000) giảm khoảng 2%. Lượng mưa năm giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam (Endo và nnk, 2009).

Bảng 2.2. Mức tăng nhiệt độ và mức thay đổi lượng mưa

của Việt Nam trong 50 năm qua





Vùng khí hậu


Số lượng trạm

Nhiệt độ (tOC)

Lượng mưa (%)

Tháng 1

Tháng 7

TB năm

Tháng 9-11

Tháng 5-10

Tổng lượng năm

Tây Bắc

19

1,4

0,3

0,5

6

-6

-2

Đông Bắc Bộ

33

1,5

0,5

0,6

0

-9

-7

Đồng bằng Bắc Bộ

42

1,4

0,5

0,6

0

-13

-11

Bắc Trung Bộ

26

1,3

0,5

0,5

4

-5

-3

Nam Trung Bộ

11

0,6

0,4

0,3

20

20

20

Tây Nguyên

12

0,9

0,4

0,6

19

9

11

Nam Bộ

18

0,8

0,4

0,6

27

6

9

Trung bình cả nước

161

1,2

0,4

0,56

7

-5

-2

Nguồn: Viện Môi trường Nông Nghiệp (2012)

* Hiện tượng cực đoan

Trong những thập kỷ gần đây, số cơn bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn, quỹ đạo bão dịch chuyển dần về các vĩ độ phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có diễn biến phức tạp và khác thường. Trung bình hàng năm có khoảng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 45% số cơn bão nảy sinh ngay cả trên Biển Đông và 55% số cơn từ Thái Bình Dương di chuyển vào. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến Việt Nam vào khoảng 7 cơn/năm và trong đó có 5 cơn đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, khu vực bờ biển miền Trung và khu vực bờ biển Bắc Bộ có tần suất hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới cao nhất trong cả dải ven biển nước ta, số lượng các cơn bão rất mạnh có xu hướng gia tăng, mùa bão có dấu hiệu kết thúc muộn hơn trong thời gian gần đây. Nếu những năm trước thập kỷ 90 thế kỷ XX, bão mạnh nhất chỉ ở cấp 12, giật trên cấp 12 thì những năm gần đây đã xuất hiện siêu bão cấp 13 và giật tới cấp 15. Mức độ ảnh hưởng của bão đến nước ta có xu hướng ngày càng mạnh lên (Bộ TN&MT, 2012).

Ở nước ta, hạn hán xảy ra trong tất cả các mùa vụ, tùy từng vùng và từng năm mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng hạn hán ở Trung Bộ, nhất là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thường nặng nề nhất. Các kịch bản về biến đổi lượng mưa trong thế kỷ XXI cho thấy, lượng mưa mùa mưa ở phần lớn các vùng, nhất là Trung Bộ sẽ tăng 5 – 10%, trong khi lượng mưa mùa khô giảm 0 – 5%. Như vậy, hạn hán trong mùa khô có thể nghiêm trọng hơn (Bộ TN&MT, 2012). Theo IPCC (2007) đã tổng kết trong 1 báo cáo những thay đổi về khí hậu như các đợt nóng, số ngày nóng tăng, số ngày lạnh giảm cùng với những cảnh báo khác ở Đông Nam Á từ năm 1950. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự tăng lên của các trận mưa lớn trong khu vực từ 1900 - 2005, các cơn lốc xoáy trong mùa hè (tháng 7 - 8) và mùa thu (tháng 9 - 11). Năm 2004, số lượng các trận sụt lở, bão và bão nhiệt đới tăng chưa từng thấy (21 cơn bão nhiệt đới). Những hiện tượng cùng cực bất thường này gây lụt lội và sụt lở trên diện rộng tại nhiều vùng miền, ảnh hưởng đến tài sản và mạng sống của nhiều người (Đào Xuân Học, 2009).

Ở Việt Nam, số liệu mực nước quan trắc tại các trạm hải văn ven biển Việt Nam cho thấy xu thế biến đổi mực nước biển trung bình năm không giống nhau. Hầu hết các trạm có xu hướng tăng, tuy nhiên một số ít trạm lại không thể hiện rõ xu hướng này. Xu hướng biến đổi trung bình của mực nước biển dọc theo bờ biển Việt Nam là khoảng 2.8mm/năm. Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng trung bình toàn Việt Nam trong khoảng từ 78 - 95 cm. Trong đó, khu vực có mức dâng cao nhất là từ Cà mau đến Kiên Giang 85 - 105cm và khu vực có mức dâng thấp nhất ở khu vực Móng Cái 66-85cm (Trần Thục và nnk, 2012). Các nghiên cứu gần đây cho thấy, một số trạm nước biển tăng mạnh như trạm Cửa ông, Hòn Dáu, Côn Đảo với tốc độ khoảng 5mm/năm, một số ít trạm có xu hướng giảm như trạm Phú Quý (Hoàng trung Thành, 2011; Nguyễn Xuân Hiển và cs., 2011). Trong điều kiện BĐKH, mực nước biển cực trị tại các điểm sát bờ có thể đạt hoặc cao trình đê cao nhất. Ví dụ tại khu vực Hải Phòng, mực nước cực trị với chu kỳ lặp lại 100 năm đạt xấp xỉ 550cm, mực nước cực trị với chu kỳ lặp lại 1000 năm đạt gần 600cm, mực nước này vượt qua cao trình đê biển cao nhất tại đây (Nguyễn Xuân Hiển và cs., 2012). Nếu mực nước biển dâng 1m thì 6,3% diện tích Việt Nam, khoảng 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích ĐBSH và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập (Bộ TN&MT, 2012).

Tóm lại, BĐKH thực sự đã làm các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, giá rét, bão, lũ lụt, hạn hán,…) xảy ra bất thường với sự gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ.



tải về 4.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương