HỌc viện nông nghiệp việt nam


BIỆN PHÁP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM



tải về 4.84 Mb.
trang7/16
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích4.84 Mb.
#38491
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16

2.4. BIỆN PHÁP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

2.4.1. Khái niệm về thích ứng


Thích ứng là một khái niệm rất rộng, khi áp dụng vào lĩnh vực BĐKH nó được dùng trong rất nhiều trường hợp. Thích ứng với BĐKH là một quá trình, trong đó những giải pháp được triển khai và thực hiện nhằm giảm nhẹ hoặc đối phó với tác động của các sự kiện bất lợi của khí hậu và lợi dụng những mặt thuận lợi của chúng (IPCC, 2007).

Thích ứng với biến đổi khí hậu là “sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động hoặc biến đổi khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại” (Bộ TN&MT, 2008).


2.4.2. Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng trên thế giới


Trước bối cảnh BĐKH đang diễn biến ngày một phức tạp, LHQ đã đề ra các Nghị định liên quan đến vấn đề BĐKH như Nghị định thư Kyoto - Là một nghị định liên quan đến chương trình chung về vấn đề BĐKH mang tầm quốc tế với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo được kí kết vào 11/12/1997 tại hội nghị các bên tham gia lần thứ 3 nhóm họp tại Kyoto và chính thức có hiệu lực 16/2/2005. Kể từ tháng 11/2007 đã có khoảng 175 nước kí kết tham gia chương trình này. Việt Nam đã ký Nghị định thư Kyoto vào ngày 3/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002 (FAO, 2011).

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh thế giới cần nhanh chóng bảo vệ các loại cây lương thực truyền thống cũng như các cây trồng khác khỏi tác động của tình trạng BĐKH và những thay đổi môi trường khác. Tổng Giám đốc FAO - ông Jacques Diouf khẳng định bảo vệ và sử dụng lâu dài các nguồn gen của cây trồng cho lương thực và nông nghiệp là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm thế giới sản xuất đủ lương thực nuôi sống dân số ngày càng tăng trong tương lai.

Tổng Giám đốc FAO cũng cho biết hiện nay, các nước ký “Hiệp ước quốc tế về Bảo vệ và Chia sẻ các nguồn gien của cây trồng cho lương thực và nông nghiệp” đang bảo quản hơn 1,5 triệu mẫu gien của các loại cây trồng, từ đó tạo cơ sở cho hơn 80% lương thực của thế giới và đây là công cụ quan trọng nhất cho việc điều chỉnh nông nghiệp phù hợp với BĐKH trong những năm tới. Hiện nay, FAO đang sử dụng “Quỹ chia sẻ Lợi ích của Hiệp ước” nhằm hỗ trợ người nông dân và các nhà chăn nuôi tại 21 nước đang phát triển biến các loại cây trồng quan trọng thích nghi với các điều kiện mới do BĐKH, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh và nhiều nhân tố khác gây nên (Tô Văn Trường, 2010).

Các tổ chức được thành lập rộng rãi trên thế giới nhằm chống lại BĐKH như “mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi Khí hậu” (ACCCRN), “Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế” (UICN),… liên tục xây dựng các dự án, tổ chức các cuộc hội thảo trên từng quốc gia về thích ứng với BĐKH với nội dung phân tích các giải pháp, kinh nghiệm để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ứng phó và chống chịu với biến đổi khí hậu; đồng thời giúp nâng cao hiểu biết về tính dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng địa phương đối với BĐKH, tích hợp những giải pháp thích ứng BĐKH vào đời sống hiện tại và tương lai cho người dân địa phương. (FAO, 2011).

Biện pháp đầu tiên là việc chọn giống, lai tạo hay biến đổi gen để tạo ra các giống mới thích ứng với các điều kiện khí hậu biến đổi. Ví dụ như việc tìm ra các giống phù hợp với mùa vụ gieo trồng hoặc ngắn hoặc dài hơn trước hay phù hợp với nhiệt độ trung bình trong ngày đã thay đổi. Cũng có thể sử dụng các giống cây thích ứng với những điều kiện khí hậu ở một vùng khác trên thế giới và đồng thời không ngừng nghiên cứu tìm ra các biện pháp lai tạo để tìm ra các giống mới có khả năng chịu được sâu bệnh, điều kiện nước và đáp ứng các thay đổi về chu kỳ ánh sáng. Ở Zambia, các giống ngô, kê truyền thống có thời gian sinh trưởng khoảng 5 tháng nhưng vào mùa mưa thường ngắn hơn. Hiện nay, người ta đã tìm ra giống ngô, kê và đậu đũa mới có khả năng chịu hạn và ngắn ngày cải thiện (sinh trưởng khoảng 3 – 4 tháng). Ở Nam Phi, người nông dân sử dụng rộng rãi giống korog (lúa mì đen), Korog cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và môi trường (bao gồm cả điều kiện đất đai) (Stephen N. Ngigi, 2009).

Bên cạnh việc cải tạo giống cho phù hợp với điều kiện BĐKH là việc thay đổi phương thức sản xuất. Theo FAO (2007), để thích ứng với BĐKH, các vùng khác nhau phải có cách bảo tồn trong nông nghiệp, chất hữu cơ trong đất và đối phó với rủi ro trong sản xuất. Vì vậy, phương thức sản xuất như kết hợp chặt chẽ trong việc luân canh cây trồng, nông lâm kết hợp, liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi, hệ thống cá – cây, hệ thống cây trồng theo ruộng bậc thang và hệ thống canh tác kết hợp khác đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng. Ở Bangladseh, người nông dân thực hiện những mô hình nông nghiệp nhằm để thích ứng với thời tiết như nuôi cá – lúa, lúa – nuôi cá – trồng rau, (Hassan, 2010). Ngoài ra, ở Malawi người dân ở đây đã áp dụng trồng xen canh ngô với quy mô nhỏ vào giữa cánh đồng trè rộng lớn. Và tiếp tục trồng xen canh ngô với các cây họ đậu: đậu hà lan, đậu đũa, đậu tương, bí ngô, sắn, kê,… Đồng thời, các đường ranh giới bao quanh được trồng lạc, khoai tây ngọt và họ cũng không trồng độc canh nữa mà luân phiên cây trồng để tận dụng được độ ẩm trong các tầng đất khác nhau (Oxfam, 2011).



Theo Báo cáo của AR4 – 2007 của IPCC có nêu ra một số chính sách ứng phó trong nông nghiệp. Thứ nhất, ứng phó tự phát hay thích ứng đối phó (dựa trên những kinh nghiệm và kỹ thuật đã có sẵn để đối phó với các biến đổi khí hậu đã xảy ra), thay đổi các loài và giống cây trồng cho phù hợp với các điều kiện khí hậu như các giống chịu nóng, chịu hạn. Thay đổi liều lượng phân bón để bảo tồn chất lượng sản phẩm, thay đổi phương pháp tưới tiêu, thay đổi thời vụ và vùng canh tác. Tăng cường công tác phòng chống sâu bệnh, cỏ dại. Sử dụng các giống cây có sức đề kháng cao trước sâu bệnh, cách ly và dự phòng tốt hơn. Dự báo thời tiết và mùa vụ tốt hơn để giảm các nguy cơ có thể đến với sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, ứng phó có quy hoạch hay thích ứng đón đầu (qua việc cải thiện công tác quy hoạch và xây dựng tiềm lực quy hoạch). Thay đổi phương thức quản lý, làm cho người quản lý hiểu rằng biến đổi khí hậu là có thật và sẽ tiếp diễn. Có các chính sách theo dõi các diễn biến của khí hậu và có chủ trương tuyên truyền rộng rãi đến bà con nông dân. Có chính sách đón đầu dịch bệnh và các tác hại khác của biến đổi khí hậu. Làm cho bà con nông dân thấy được hiệu quả của các thay đổi. Có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phân tích hệ thống, quảng bá thông tin, phát triển khuyến nông. Đầu tư vào các kỹ thuật và phương thức quản lý mới, sử dụng các kỹ thuật sinh học hiện đại, làm sống lại các kỹ thuật cũ trước tình hình mới. Liên tục theo dõi các biện pháp ứng phó trong nông nghiệp, giá thành và lợi nhuận để có thể nhanh chóng điều chỉnh và cải tiến các biện pháp ứng phó khi biết rõ những gì hoạt động tốt, những gì chưa tốt, các vướng mắc do nguyên nhân nào. Những biện pháp ứng phó trong nông nghiệp không phải luôn luôn dễ dàng trong thực hiện vì chúng có thể gây ra nhiều vấn đề kinh tế và xã hội. Nếu việc thay đổi giống cây trồng hay chuyển vùng canh tác có thể thực hiện dễ dàng thì những đầu tư cho hệ thống tưới tiêu lại đòi hỏi một nỗ lực tài chính quan trọng. Đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp để phục vụ các giải pháp ứng phó cũng không phải là nhỏ. Người nông dân không dễ dàng thay đổi loại cây trồng hay vật nuôi mà họ đã quen từ rất lâu, nhất là khi các chủng loại mới đem đến cho họ những lợi nhuận thấp hơn trước. Vấn đề quản lý nước và duy trì mức cân bằng trong phân phối nước giữa nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác thường rất khó giải quyết. Tóm lại, muốn việc ứng phó trong nông nghiệp trước các biến đổi khí hậu mang lại kết quả mong muốn thì người ta phải xác định rõ là cần những thay đổi gì và ở đâu, các đầu tư cho các biện pháp phải thận trọng, đúng nơi, đúng lúc. Ở Chilika đã áp dụng thành công những cơ chế quản lý lưu vực có sự tham gia của người dân nhằm giảm thiểu các tác động từ trầm tích do BĐKH gây ra. Tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng thông qua cải thiện các nguồn lực sinh kế, ví dụ như chương trình cho vay vốn của Hiệp hội nghề cá Nam Ấn Độ - cũng được thực hiện. Chương trình bảo hiểm thiên tai được khởi xướng bởi Cơ quan quản lý tài nguyên và nghề cá với mục tiêu giảm thiểu những cú sốc đột ngột đến từ các mối hiểm họa thiên nhiên và khí hậu. Đây được coi là một trong những ý tưởng tốt nhất nhằm tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng (Iwasaki và cs., 2009).

Theo Báo cáo Phát triển Thế giới, 2010, BĐKH sẽ đòi hỏi phải ứng dụng nhanh hơn nữa công nghệ và các phương thức tăng năng suất để đối phó với sự thay đổi khí hậu và giảm khí thải. Thứ nhất, các nước cần phát huy vốn kiến thức truyền thống của nông dân. Những kiến thức là một kho tàng tri thức các phương án thích ứng và đối phó với rủi ro theo từng địa phương cụ thể được ứng dụng rộng rãi. Thứ hai, các chính sách thay đổi mức giá tương đối của người nông dân có nhiều tiềm năng trong khuyến khích những tập quán giúp thế giới thích nghi với BĐKH (bằng cách tăng năng suất) và giảm thiểu tác hại (nhờ giảm khí thải từ sản xuất nông nghiệp). Thứ ba, những tập quán nông nghiệp mới hay cũ đều tăng năng suất và giảm lượng cacbon. Người nông dân đã áp dụng phương thức “nông nghiệp bảo tồn”, sử dụng các biện pháp can thiệp vào đất ở mức tối thiểu (gieo hạt với sự xáo trộn đất tối thiểu và duy trì ít nhất 30% rác thải cây trồng trên bề mặt đất), duy trì phân thải từ cây trồng và xoay vụ. Những phương pháp canh tác này có thể tăng sản lượng, chống xói mòn và rửa trôi đất, tăng hiệu quả nguồn nước và sử dụng dưỡng chất, giảm giá thành sản xuất và trong nhiều trường hợp còn thu hồi được cacbon. Ở vùng đồng bằng Indo - Gangetic, Ấn Độ, nông dân đã áp dụng phương pháp không cày xới đất trên 1,6 triệu hecta vào năm 2005. Trong các năm 2007 - 2008, khoảng 20 - 25% lượng lúa mì ở riêng hai bang của Ấn Độ (Haryana và Punjab) đã được canh tác bằng nhiều phương pháp can thiệp tối thiểu, tương ứng với 1,6 triệu hecta đất. Sản lượng tăng 5 - 7% và giá thành hạ 52 đô la trên một hecta. Khoảng 45% diện tích canh tác của Braxin được gieo trồng bằng phương pháp này. Việc áp dụng phương pháp can thiệp tối thiểu có lẽ sẽ còn tiếp tục phát triển (Báo cáo Phát triển Thế giới, 2010).


2.4.3. Biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam


Nước ta nằm ở khu vực Đông Nam Á, với 3260km đường bờ biển và hơn 3000 đảo gần và xa bờ. Khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa nhiệt đới nóng và ẩm, và là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, đặc biệt là những thiên tai có liên quan đến nước. Trung bình, có từ 4 - 6 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mỗi năm. Những vùng chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai nhất liên quan tới nước là Châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, hai vùng nông nghiệp chủ yếu. Nhận thức rõ tác động của BĐKH, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Khung của Liên hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Kyoto (KP) năm 1998.

Theo Khung Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2008 – 2020, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2008 – 2020 là xây dựng được hệ thống chính sách, lồng ghép với chương trình của ngành và các nhiệm vụ cụ thể, xác định trách nhiệm của các cơ quan ban ngành liên quan và nguồn vốn, cơ chế quản lý các nhiệm vụ của chương trình hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành. Xây dựng kế hoạch hành động và đề xuất chính sách hỗ trợ các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu để sản xuất bền vững đối với các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp. Tăng cường năng lực trong các hoạt động nghiên cứu, dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn làm cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách, chiến lược và giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế về kinh nghiệm và công nghệ trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành. Phát triển nguồn nhân lực trong các hoạt động của ngành về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao được nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và cộng đồng trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp. Đảm bảo cho cộng đồng dân cư nông thôn được hưởng lợi bình đẳng từ các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, để thích ứng với BĐKH ở nước ta đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, các dự án thực tế và những giải pháp trên cộng đồng. Dưới đây là các hành động thực tế ở các vùng để thích ứng với BĐKH.

Trước hết, các biện pháp thích ứng chủ yếu được người dân tự đúc kết từ các kinh nghiệm hiện có và điều này đã góp phần tích cực trong việc giảm khả năng bị tổn thương về sinh kế. Ví dụ, người dân có thể tính toán cẩn thận về lịch thời vụ của các hoạt động sinh kế trong năm để giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu; hay như cân nhắc thời gian gieo trồng và thu hoạch, không đánh bắt vào những tháng mưa bão trong năm,... hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết và tình trạng đất đai,... Đối vơi vấn đề lũ lụt, những cơn lũ thường xuyên xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm sẽ có những tác động khác biệt so với những con lũ bất ngờ không mong đợi xảy ra vào những khoảng thời gian khác của năm. Do đó, người dân thường chỉ có thể lập kế hoạch để ứng phó với những cơn lũ thường xuyên (ví dụ thu hoạch mùa vụ trước mùa lũ, di dời tài sản,...) trong khi những cơn lũ không dự đoán được thực sự là thảm họa và nằm ngoài khả năng ứng phó của họ.

Những biện pháp truyền thống đối phó với BĐKH như xây dựng hệ thống đê, mương, các công trình điều tiết và phân lũ, dự báo thời tiết đang được khai thác tích cực. Đặc biệt, nước ta chú trọng đầu tư nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu được rét, nóng, hạn hán, ngập úng hay phèn mặn. Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới như giống lúa OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166 được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử năm 2010 (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 2012). bộ giống lúa thích ứng với điều kiện úng ngập (bộ giống chịu úng: U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện CLT-CTP), các giống chịu mặn như M6, bàu tép; các giống chịu phèn như Tép lai; các giống chịu hạn: CH2, CH3, CH5, CH133 (Viện CLTCTP), các giống thuộc sê-ri LC của Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật.

Trong phương thức sản xuất nông nghiệp, nông dân Việt Nam đã thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, tại hai tỉnh Thái Bình và Nam Định một số cây dài ngày được thay thế bằng các loại cây trồng ngắn ngày. Việc sử dụng các loại cây ngắn ngày đã tránh được mưa lớn, lũ lụt, sâu bệnh và rét, bằng cách này, năng suất cây trồng đã đạt cao hơn. Đồng thời, giống lúa được thay một số giống lúa mới như: Tạp Giao, Bắc Thơm, BC15 và C10. Ngoài ra, do thời tiết khô hạn nên người dân chuyển sang trồng thêm một loại cây trồng khác như khoai tây, ngô lai và đậu tương.

Bên cạnh việc tìm ra giống lúa có khả năng thích ứng với BĐKH, đã có nhiều kết quả nghiên cứu đã tìm ra quy trình kỹ thuật canh tác lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Ví dụ xây dựng mô hình “áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong sản xuất lúa chất lượng” vụ xuân 2013 tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đẫ đạt kết quả tốt, hay mô hình “canh tác lúa giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính” do nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông Lâm Huế nghiên cứu năm 2011 theo phương pháp tưới nước khô ướt xen kẽ đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm lượng khí gây hiệu quả nhà kính mà vẫn đảm bảo năng suất lúa.

Hiện nay, mô hình tôm – lúa được thực hiện khá hiệu quả, mô hình tôm – lúa đã được áp dụng và nhân rộng rất nhanh ở 7 tỉnh ven biển với tổng diện tích đạt 120.000 ha (tính từ năm 2003 đến 2008, diện tích áp dụng mô hình Lúa – Tôm đã biến động như sau: tỉnh Kiên Giang từ 20.000 ha tăng lên 60.000 ha, Cà Mau từ 15.000 ha tăng lên 25.000 ha, Bạc Liêu từ 10.000 ha tăng lên 21.000 ha). Ước tính rằng diện tích này còn có thể sớm đạt 200.000 ha (Trung tâm kỹ thuật Môi trường, 2010). Theo báo cáo của sở NN&PTNT các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội, năng suất lúa áp dụng phương pháp gieo thẳng đã đạt cao hơn so với năng suất lúa sản xuất theo phương pháp cũ từ 10 – 12%.

Thích ứng của người dân rất quan trọng và kịp thời trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn như ở Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy việc hộ gia đình lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong nông nghiệp là một hoạt động thích ứng khá chủ động, được lập kế hoạch. Mặc dù ở cấp quốc gia hay địa phương vùng ven biển chưa có chiến lược hay chính sách về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia ở Việt Nam còn rất hạn chế. Chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư thường chịu trách nhiệm chính về việc thực hiện các biện pháp thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại đối với cuộc sống của họ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực thích ứng cấp quốc gia và địa phương đóng vai trò thiết yếu đối với Việt Nam nhằm đảm bảo rằng các chính sách ứng phó được thiết kế đầy đủ và có hiệu quả.

2.5. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

2.5.1. Khái niệm đánh giá tính dễ bị tổn thương


Có rất nhiều khái niệm về tính dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, luận văn tham khảo theo khái niệm của IPCC (2001). Như vậy, theo IPCC (2001) “tình trạng dễ bị tổn thương là mức độ mà ở đó một hệ thống dễ bị ảnh hưởng và không thể ứng phó với các tác động tiêu cực của BĐKH, gồm các dao động theo quy luật và các thay đổi cực đoan của khí hậu. Tính dễ bị tổn thương là hàm số của tính chất, cường độ và mức độ (phạm vi) của các biến đổi và dao động khí hậu, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng của hệ thống”.

Do đó TDBT có thể được biểu thị là hàm của độ khắc nghiệt, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng:



V = f(E, S, AC)

Nguồn: IPCC (2001)

Trong đó độ khắc nghiệt (Exposure) được IPCC định nghĩa là bản chất và mức độ đến một hệ thống chịu tác động của các biến đổi thời tiết đặc biệt; mức độ nhạt cảm (Sensitivity) là mức độ của một hệ thống chịu tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) có lợi cũng như bất lợi bởi các tác nhân kích thích liên quan đến khí hậu; và khả năng thích ứng (Adaptive Capacity) là khả năng của một hệ thống nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu (bao gồm sự thay đổi cực đoan của khí hậu), nhằm giảm thiểu các thiệt hại, khai thác yếu tố có lợi hoặc để phù hợp với tác động của BĐKH.

Định nghĩa của IPCC sẽ được sử dụng trong nghiên cứu về phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tiền Hải.


2.5.2. Tổng quan các nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương


Trên thế giới, TDBTT đã được nghiên cứu ở rất nhiều quy mô khác nhau như đối với một vùng lãnh thổ/khu vực (đới ven biển, hệ thống đảo...), một hệ sinh thái, một hệ thống tự nhiên hay công đồng người... trên nhiều lĩnh vực như kinh tế - xã hội, môi trường, tự nhiên, thiên tai và đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực BĐKH. Tính dễ bị tổn thương trong các nghiên cứu cụ thể được xem xét trong những hoàn cảnh và nguyên nhân rất đa dạng như sự BĐKH toàn cầu, sự biến động giá cả hàng hóa trên thị trường, sự khan hiếm lương thực, sự thay đổi tổ chức và thể chế, chiến tranh, khủng bố, những tai biến thiên nhiên, suy thoái môi trường...

Lịch sử nghiên cứu TDBTT được ghi nhân từ hơn 20 năm qua và đặc biệt được quan tâm nhiều từ những năm 90 của thế kỷ XX, thể hiện các công trình của Watts, M.J. và Bohle, H.G. (1993); Blaikie và nkk (1994); Adams, R.H. (1995); Adger, W.N. (1996); Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ - NOAA (1999); Sander Evan der Leeuw và Chr. Aschan-Leygonie (2000); Adger, W.N. và Kelly, P.M. (2001); Poul Mathieu (2001); Holger Hoff (2001).

Các công trình nghiên cứu TDBTT do BĐKH của IPCC (2001) đã chỉ ra 7 yếu tố quan trọng khi đánh giá TDBTT, đó là:

- Cường độ của các tác động;

- Thời gian tác động;

- Sự bền vững và tình trạng đảo ngược của tác động;

- Tình trạng có thể xảy ra (mức độ không chắc chắn) của các tác động và tình trạng dễ bị tổn thương và mức độ tin cậy (xác suất đúng) của dự báo;

- Tình trạng thích ứng;

- Sự phân bố các tác động và mức độ dễ bị tổn thương;

- Tầm quan trọng của các hệ thống bị rủi ro.

Các yếu tố này có thể được sử dụng kết hợp với việc đánh giá hệ thống có mức độ nhạy cảm cao với các điều kiện về khí hậu như đới ven biển, hệ sinh thái, các chuỗi thức ăn... Kết quả của nghiên cứu này có giá trị rất cao trong điều kiện này do phù hợp với xu thế của BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu và có thể áp dụng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ở Việt Nam, khái niệm và những nghiên cứu về TDBTT mới được thực hiện trong thời gian gần đây, bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ XX.



Vào các năm 1994-1996, lần đầu tiên Tom G. và cs. đã nghiên cứu về TDBTT của đới bờ Việt Nam do sự gia tăng mực nước biển và BĐKH, đã chỉ ra được khả năng rủi ro cao cho khoảng 17 triệu người dân ở các đồng bằng
ven biển.

Năm 1999, Adger và công sự đã nghiên cứu TDBTT ở khía cạnh xã hội và khả năng phục hồi ở Việt Nam khi môi trường thay đổi ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự đổi mới về kinh tế bắt đầu từ giữa thập kỷ 80 đã làm tăng tính bất công bằng trong thu nhập và phúc lợi địa phương gây ảnh hưởng tới năng lực thích nghi của người dân địa phương khi phải đối mặt với cả sự thay đổi về thể chế tổ chức và những ảnh hưởng của sự BĐKH,

Năm 2005, nghiên cứu về TDBTT tại đới ven biển Hải Phòng do Lê Thị Thu Hiền thực hiện đã thành lập được bản đồ TDBTT. Trong công trình nghiên cứu này, khu vực có TDBTT cao tập trung ở khu vực nội thành cũ, khu vực NTTS, rừng phòng hộ ven biển và khu bảo tồn san hô. Kết quả của nghiên cứu này đã góp phần vào việc quản lý tổng hợp và phát triển bền vững đới ven biển Hải Phòng.

Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tính dễ bị tổn thương của đới duyên hải Nam Trung Bộ làm cơ sở khoa học để giảm nhẹ tai biến, quy hoạch sử dụng đất bền vững” đã được GS. Mai Trọng Nhuận và nhóm nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2001-2002. Trong công trình này, lần đầu tiên các tác giả đã xây dựng được phương pháp luận và quy trình đánh giá TDBTT cho đới duyên hải. Qua đó, bước đầu thiết lập được quy trình công nghệ thành lập bản đồ TDBTT của tài nguyên và môi trường đới duyên hải Nam Trung Bộ. Các nghiên cứu này đã góp phần quan trọng trong công tác giảm thiểu thiệt hại do tai biến, bảo vệ tài nguyên và môi trường, quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, lãnh hải ven bờ miền Trung, Nam Trung bộ nói riêng và ven bờ Việt Nam nói chung.

Đề tài “nghiên cứu đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Áp dụng thí điểm cho một số tỉnh vừng đồng bằng sông Hồng” đã được TS. Hà Hải Dương. Trong nghiên cứu này, tác giả đã xây dựng được một phương pháp với quy trình thống nhất để đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Qua đó, xây dựng được quy trình tính toán bộ chỉ số tình trạng dễ bị tổn thương đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó tính toán được bộ chỉ số tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh nghiên cứu thí điểm.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để đánh giá TDBTT của một hệ thống kinh tế - xã hội - môi trường do BĐKH và khả năng chống chịu, thích ứng của nó được áp dụng vào Việt Nam. Dù với những cách tiếp cận khác nhau nhưng cũng đều xem xét tới cả những yếu tố bên trong và bên ngoài hệ thống trong việc đánh giá TDBTT do BĐKH. Nhìn chung hiện nay, Việt Nam đx có khá nhiều nghiên cứu về đánh giá TDBTT do BĐKH. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu đánh giá toàn diện tác động của BĐKH đến tất cả các lĩnh vực tự nhiên và kinh tế - xã hội cho từng khu vực, địa phương cụ thể của Việt Nam. Vì vậy, hướng nghiên cứu này trong thời gian tới cần phải được tiếp tục triển khai.



PHẦN 3. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU


Biến đổi khí hậu, sản xuất lúa và NTTS, khả năng thích ứng của người dân vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

3.2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU


- Khái quát chung về khu vực nghiên cứu.

- Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình giai đoạn 1963 – 2013.

- Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các xã vùng đệm tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với sinh kế người dân vùng đệm của khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Biện pháp thích ứng của cộng đồng ven biển khu vực vùng đệm khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực nghiên cứu.


3.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.3.1. phương pháp thu thập số liệu thứ cấp


Phương pháp này nhằm kế thừa tối đa các tài liệu đã có để thống kê, phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, môi trường, hiện trạng KT - XH tại khu vực nghiên cứu.

- Thu thập thông tin về đặc điểm khí tượng của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong vòng 50 năm trở lại đây. Những số liệu khí tượng liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: nhiệt độ, lượng mưa, số cơn bão, số ngày rét đậm, rét hại từ Trung tâm khí tượng Thủy Văn Tỉnh Thái Bình.

- Thu thập số liệu thống kê về hiện trạng sản xuất nông nghiệp (diện tích, giống lúa, lịch thời vụ, năng suất lúa,...) trong vòng 20 năm trở lại đây, từ số liệu thống kê hàng năm của Chi cục Thống kê Tỉnh Thái Bình, báo cáo phát triển kinh tế - xã hội trong năm tại địa phương.

- Qua Internet để thu thập thêm các số liệu thống kê về biến đổi khí hậu; Các nguồn số liệu: về nông – lâm nghiệp - thuỷ sản ở Cục Thống kê Thái Bình và Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, về khí tượng ở Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và môi trường...

- Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài để thu thập thêm những số liệu có liên quan.

3.3.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp


Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng một số công cụ trong bộ PRA (Participatory Rural Appraisal).

3.3.2.1. Phỏng vấn nhóm KIP (Key informant panel = những người am hiểu cung cấp thông tin)


Tổ chức hai buổi họp nhóm chọn 15 người đại diện. Thành phần là những người am hiểu về vấn đề BĐKH và SXNN gồm cán bộ thôn, cãn bộ xã, cán bộ làm việc tại KBT, người dân địa phương... các xã vùng đệm. Làm việc trong thời gian 3 giờ/buổi vào tháng 9 và tháng 10 năm 2015. Thảo luận về các thông tin liên quan đến hoạt động sinh kế và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong quá khứ.

3.3.2.2. Điều tra hộ gia đình


Thực hiện phương pháp điều tra hộ gia đình nhằm tìm hiểu các thông tin liên quan đến hộ như kinh tế hộ, nguồn thu nhập và ngành nghề chính…

- Số lượng phiếu: 30 phiếu/xã, gồm 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú. Tổng số phiếu được điều tra là 90 phiếu trên địa bàn nghiên cứu. Hộ dân tham gia phỏng vấn được chọn ngẫu nhiên theo danh sách gồm cả hộ khá, trung bình, nghèo, giới tính nam, nữ ở các độ tuổi khác nhau.

- Cách chọn hộ phỏng vấn: chia đều số lượng phiếu theo từng thôn trong xã, sau đó chọn theo phương pháp ngẫu nhiên.

3.3.2.3. Phỏng vấn cán bộ chủ chốt


Phương pháp này được sử dụng nhằm khai thác thông tin từ các cán bộ địa phương, người có kinh nghiệm trong nghề lâu năm.

- Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân xã.

- Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

- Bí thư Đảng Uỷ Ban Nhân Dân xã.

- Cán bộ Nông - Lâm - Thủy sản xã.

3.3.3. Phương pháp đánh giá tính tổn thương của biến đổi khí hậu


Từ cơ sở nghiên cứu tổng quan ta thấy được rằng với mỗi một phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương khác nhau sẽ phù hợp với từng quy mô, từng khu vực và từng đối tượng khác nhau.

Với mỗi phương pháp khác nhau cũng yêu cầu số liệu đầu vào khác nhau. Sau quá trình thu nhập xử lý tài liệu, cũng như phân tích đặc điểm khu vực nghiên cứu, học viên xin lựa chọn phương pháp đánh giá mức độ tổn thương do tác động của BĐKH tới sản xuất nông nghiệp tại vùng đệm KBT thiên nhiên ĐNN Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên khái niệm của IPCC.


3.3.3.1. Xây dựng công thức


Chỉ số dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu được xác định theo IPCC (2001). Dựa vào cách tiếp cận chỉ số tổn thương được tập hợp từ ba chỉ số chính mức độ tiếp xúc (E), mức độ nhạy cảm (S), năng lực thích ứng (AC). Đối với từng biến chỉ số phụ lại có thể có các biến thành phần con tương ứng E1.1 ÷ E1.n, En.1 ÷ En.n, S1.1 ÷ S1.n, Sn.1 ÷ Sn.n, AC1.1 ÷ AC1.n, ACn.1 ÷ ACn.n. Vấn đề lưu là xác định được tối đa số lượng các biến thành phần cũng như các biến phụ để xác định biến chính.

Chỉ số phụ Mức độ tiếp xúc (E) bao gồm các biến phụ hiện tượng khí hậu cực đoan (E1) và thay đổi các biến khí hậu (E2). Chỉ số phụ Độ nhạy cảm (S) Ngành NTTS bao gồm các biến phụ Đất đai (S1) và Năng suất (S2); Ngành trồng trọt bao gồm các biến phụ Đất đai (S1), Năng suất (S2) và Lao động (S3). Chỉ số phụ Khả năng thích ứng (AC) Ngành NTTS bao gồm các biến phụ Kinh tế (AC1) và Vấn đề xã hội khác (AC2); Ngành trồng trọt bao gồm các biến phụ Kinh tế (AC1), Vấn đề xã hội khác (AC2) và Cơ sở hạ tầng (AC3).

Việc tính toán xác định các chỉ số chính, chỉ số phụ và các chỉ số thành phần con tương ứng được sơ đồ hóa như sau:



Hình 3.1. Sơ đồ xác định chỉ số dễ bị tổn thương



* Chuẩn hóa chỉ số

Ta có thể thấy được rằng các chỉ số sẽ có thứ nguyên khác nhau, vì vậy cần phải chuẩn hóa thứ nguyên để đưa vào tính toán. Việc chuẩn hóa các chỉ số được sử dụng trong phương pháp thông kê khá nhiều, có rất nhiều phương pháp chuẩn hóa. Sau khi nghiên cứu tác giả nhận thấy rằng, phương pháp chỉ số thành phần là phù hợp nhất. Theo cách này, để thu được các số không còn phụ thuộc vào đơn vị và được chuẩn hóa, đầu tiên chúng cần được chuẩn hóa để nằm trong khoản từ 0-1 và quá trình chuẩn hóa được thực hiện theo công thức:



(1)

Trong đó MaxXij và MinXij lần lượt là giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của chỉ số phụ thứ j của vùng i.



* Xác định trọng số các chỉ số

Có nhiều phương pháp để xác định trọng số của các chỉ số trong tính toán TDBTT. Nhưng trong khuôn khổ luận văn của mình tác giả sử dụng phương pháp trọng số cân bằng với các chỉ số được xác định từ mối qua hệ tương quan của sản xuất nông nghiệp với hệ thống tự nhiên xã hội (ứng với kịch bản BĐKH cho huyện Tiền Hải).

Theo khái niệm của IPCC ta có V = f (E, S, AC). Tính dễ bị tổn thương (V) là hàm độ phơi nhiễm E, độ nhạy cảm S và khả năng thích ứng - chống chịu AC. Đối với từng biến chính đều E, S, AC ta đều có các biến phụ tương ứng, với từng biến phụ này ta lại có các biến thành phần để hợp thành các biến phụ. Tất cả các biến này được xác định trên mối quan hệ của sản xuất nông nghiệp với hệ thống tự nhiên xã hội cấu thành nên nó.

- Xác định các biến phụ của E, S, AC như sau:



(2)

Trong đó:

Xi: Biến phụ thứ i của độ phơi nhiễm, độ nhạy cảm hay độ thích ứng

n: Số biến thành phần trong biến phụ

Xij: Biến thành phần thứ j đã được chuẩn hóa của biến phụ tương ứng

- Xác định biến chính E, S, AC được xác định như sau: (Hà Hải Dương, 2014)



(3)

Trong đó:

X: Biến chính tương ứng với E, S, AC

Xi: Biến phụ thứ i được xác định tại công thứ (1)

ni: Số lượng biến thành phần cấu tạo nên biến phụ thứ i

m: Số lượng biến phụ Xi

- Xác định chỉ số dễ bị tổn thương

Chỉ số bị tổn thương (CVI) được xác định theo công thức: (IPCC, 2001)



CVI =

Trong đó:

CVI: Chỉ số dễ bị tổn thương.

E: Độ khắc nghiệt (phơi nhiễm).

AC: khả năng thích ứng.

S: Độ nhạy cảm.

Như vậy chỉ số tổn thương sẽ nằm trong khoảng từ 0-1. Trong đó

0 < CVI < 0,3: Tổn thương nhẹ.

0,3 < CVI < 0,5: Tổn thương.

0,5 < CVI < 0,7: Tổn thương nặng.

0,7 < CVI < 1: Tổn thương nghiêm trọng.



tải về 4.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương